Tỉnh giác với lợi dưỡng

06 Tháng Tư 201710:27(Xem: 5771)
TỈNH GIÁC VỚI LỢI DƯỠNG
Quảng Tánh


khat_thuc_01Hẳn ai cũng biết câu: “Cái vòng danh lợi cong cong/Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào”. Lợi và danh, những thứ mà thuở sơ tâm xuất gia ai cũng thấy bọt bèo. Buông bỏ hết những cái vụn vặt, tầm thường để hướng đến những chân trời cao rộng. Từ bỏ gia đình, cất bước du phương, như khúc gỗ trôi theo dòng sông nhưng không phải khúc gỗ nào cũng xuôi về biển cả. Vì nhiều nhân duyên, nghiệp dĩ nên người đốn củi kia tuy có vào rừng mà không lấy được lõi cây, chỉ mang về đôi chút cành lá mà thôi.

Có ai thấu hiểu vì sao những thứ vốn tầm thường, vụn vặt của ngày xưa giờ đây lại trở thành quan trọng; luẩn quẩn không lợi thì danh, không danh thì lợi, hoặc cả hai. Phải chăng có một bộ phận không nhỏ người học Phật ngày nay bị bội thực bởi pháp học mà không nếm được vị ngọt của pháp hành nên đành chấp nhận với cái mà ngày xưa mình từng rẻ rúng là bèo bọt? Lợi dưỡngcung kính ngày càng lớn dần theo lộ trình xuất gia, nhưng nó chính là con dao hai lưỡi, tồn tại và phát triển hay biến chất, hủ hóa cũng từ đây. Nên “Do phương tiện này mà biết lợi dưỡng rất nặng, khiến người chẳng đắc đạo Vô thượng Chánh chân” đã trở thành công án, là điều đáng suy ngẫm trong bối cảnh tu học hiện nay.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nhận lợi dưỡng của người thật chẳng dễ, khiến người chẳng đến được chỗ vô vi. Vì sao thế? Nếu Tỳ-kheo Tu-la-đà không tham lợi dưỡng thì đã không ở trong pháp mà xa ba pháp y để làm cư sĩ. Tỳ-kheo Tu-la-đà vốn tu hạnh A-lan-nhã, đến giờ khất thực, ở một nơi, ngồi một chỗ, hoặc ăn chính ngọ, ở dưới gốc cây, ngồi ngoài trời, thích chỗ nhàn cư, mặc áo năm mảnh, hoặc giữ ba y, hoặc thích ở gò mả, khắc khổ thân thể, hành hạnh đầu đà này. Lúc này, Tỳ-kheo Tu-la-đà thường nhận sự cúng dường của quốc vương Mãn Hô, hàng ngày cung cấp món ăn trăm vị.

Bấy giờ Tỳ-kheo kia ý nhiễm thức ăn này, dần dần bỏ hạnh A-lan-nhã, đến giờ khất thực, ở một nơi, ngồi một chỗ, ăn chính ngọ, ở dưới gốc cây, ngồi ngoài trời, ở chỗ nhàn cư, mặc áo năm mảnh, hoặc giữ ba y, hoặc thích ở gò mả, khắc khổ thân thể. Bỏ hết những điều này, bỏ ba pháp y; vị ấy trở lại làm người bạch y, giết trâu sát sanh chẳng thể tính kể, khi thân hoại mạng chung sanh vào địa ngục.

Các Tỳ-kheo, do phương tiện này mà biết lợi dưỡng rất nặng, khiến người chẳng đắc đạo Vô thượng Chánh chân. Nếu chưa sanh lợi dưỡng, hãy chế ngự khiến cho chẳng sanh; đã sanh thì tìm phương tiện khiến tiêu diệt liền. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm13.Lợi dưỡng
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr152)

Pháp thoại này, Thế Tôn đề cập đến chuyện Tỳ-kheo Tu-la-đà vì tham đắm lợi dưỡng đã từ bỏ đời sống phạm hạnh, tạo nhiều ác nghiệp nên chịu quả báo nơi địa ngục. Mới hay trong sự tu hành, thiếu lợi dưỡng thì không tu tập được mà tham đắm lợi dưỡng thì cũng tiêu vong. Thực tế cho thấy, người tu không chết vì sự nghèo thiếu mà thực sự ngộp trong sự cúng dường hậu hĩ của tín đồ.

Khi kinh tế xã hội phát triển thì sự cúng dường, lợi dưỡng ngày càng nhiều hơn. Hộ pháp bắt đầu từ đó mà hại pháp cũng xuất phát từ đây. Dĩ nhiên lợi dưỡng không có lỗi, tâm tham đắm lợi dưỡng của người tu mới là lầm lỗi. Nên lời cảnh tỉnh của Thế Tôn “Nếu chưa sanh lợi dưỡng, hãy chế ngự khiến cho chẳng sanh; đã sanh thì tìm phương tiện khiến tiêu diệt liền” trở nên thống thiết hơn bao giờ hết. Đây chính là chìa khóa, là bí quyết, là giải pháp cho sự phát triển ổn định của Phật giáo trong bối cảnh hiện nay.

Quảng Tánh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn