Hạnh phúc chân thật

15 Tháng Tám 201712:07(Xem: 5162)

HẠNH PHÚC CHÂN THẬT  
Thích Thông Hội (*)


Thich Thông Hội
Thầy Thích Thông Hội

Phật dạy: Phật pháp nơi thế gian, không lìa thế gian có sự giác ngộ. Thế gian là gì? Ở đâu ? và Phật muốn ta giác ngộ gì nơi thế gian? Thế giancảnh giới ứng hiện từ những mê lầm, dính mắc và ôm chấp về thân, tâm ta. Không phải ngài muốn ta đi khắp thế gian để nhìn ngắm, quan sát hay trải nghiệm và học hỏi mọi sự ở thế gian. Ngài chỉ muốn ta quan sát để cuối cùng thấu suốt nguồn mê lầm khiến ta tự trói buộc, dính mắc vào thế gian nên có buồn vui, thương ghét ,giận hờn , sợ hãi ..v..v...đây là hệ thống vận hành của khổ đau nơi thân tâm ta. Nhờ đó, mê lầm, khổ đau tan biến, ta nếm được mùi vị của hạnh phúc chân thật.

Hạnh phúc chân thật có trong cuộc đời này không ? Có lẽ ta sẽ mĩm cười khi được hỏi câu trên. Những người đang sống trong thành đạt, đời họ chưa từng gặp nghịch cảnh, những người này đang đắm trong "hạnh phúc có điều kiện", sẽ không ngần ngại trả lời: Những gì muốn, tôi đều đạt được, những gì cần, tôi có đủ, hạnh phúc tôi đang hưởng, tốt quá rồi, còn có hạnh phúc chân thật nào nữa, xa vời quá ! Hoặc có người còn bĩu môi : Hạnh phúc bình thường thôi, còn không có huống chi hạnh phúc chân thật là thứ trừu tượng. Có câu chuyện vui về cuộc đối thoại của rùa và cá

Ngày xưa có một con cá, vì nó là loài ở nước, nên dĩ nhiên cuộc đời chỉ sống trong nước, và ngoài nước ra, nó không biết gì hết. Một hôm nó đang nhởn nhơ bơi lội trong hồ, tình cờ gặp một con rùa mà nó đã quen từ trước, đi du lịch trên đất liền về. Nó liền chào:
- Chào anh! Đã từ lâu tôi không gặp anh. Vậy lâu nay anh ở đâu?
- Ồ, tôi đi du lịch từ trên đất liền về. Trên ấy mặt đất khô ráo quá!
- Đất khô? Anh nói cái gì lạ vậy? Tôi chưa bao giờ thấy nơi nào kỳ lạ như vậy. Lẽ nào lại có đất khô?
- Xin thề rằng tôi không nói đùa với anh đâu. Nhưng nếu quả tình anh không thể tin được thì tùy anh. Nhưng dù sao, tôi cũng mới từ đó về.
- Này, anh cố gắng diễn lại cho hợp lý hơn. Tôi nghĩ rằng: cách diễn đạt của anh chưa được rõ ràng lắm. Anh vui lòng cho tôi biết đất mà anh nói, nó giống như cái gì trong thế giới chúng ta nào? Nó có ẩm ướt không?
- Không, nó không ẩm ướt.
- Thế nó có mát dịu và lạnh không?
- Nó không mát, không dịu mà cũng chẳng lạnh.
- Thế nó có trong suốt để cho ánh sáng xuyên qua được không?
- Không, nó không trong suốt và ánh sáng không thể xuyên qua được.
- Thế nó có mềm và dễ bị ép để cho tôi có thể quậy vi và đi lại dễ dàng trong ấy không?
- Không, nó không mềm, không bị dồn ép dễ dàng và trong ấy, anh cũng không thể bơi lội được.
- Thế nó có lưu động và đổ thành thác được không?
- Không, nó không lưu động và cũng không đổ thành thác được.
- Vậy thì nó có dâng lên để tạo thành những ngọn sóng bạc đầu được không?
- Không, tôi chưa bao giờ thấy nó dâng lên thành sóng cả. Đến đây, con cá vênh váo tự đắc than rằng:

- Rõ ràng đất mà anh nói đó, không phải cái gì cả. Tôi vừa hỏi anh về đất ấy và với câu hỏi nào anh cũng trả lời rằng không. Đất anh nói đã không phải bất cứ cái gì tôi nêu ra, vậy thì đất hẳn là sản phẩm tưởng tượng của anh. Anh đừng tìm cách gạt tôi nữa.

- Tốt! Anh đã quả quyết rằng không có đất liền. Tôi cũng không biết làm sao hơn là cứ để anh tiếp tục tin như anh đã nghĩ. Nhưng một mai, có ai khác hơn tôi đủ sức phân biệt cho anh thấy sự sai khác giữa đất và nước, ngày ấy, anh sẽ thấy rằng anh chỉ là một con cá ngốc.

Cá đang bơi lội, nhởn nhơ hưởng thụ trong cảnh giới của nó, ngoài nước và những loài sống dưới nước như nó, cá không biết cảnh giới nào khác, nên cá tìm cách biện hộ sự chấp cứng, bảo vệ niềm tin chắc thật của mình. Ta cũng thế, bằng những học hỏi, những kiến thức, những kinh nghiệm ta có, niềm vui và nỗi khổ ta trải nghiệm, hằng ngày ta quay cuồng, bơi lội trong đó, quá quen thuộc đến nỗi ta nghi ngờ, không tin được sự thật nơi mình. Ta không nghĩ hoặc không dám nghĩ cái hạnh phúc và khổ đau ấy chỉ là hai mặt của những ham muốn và đòi hỏi trong ta. Những đòi hỏi này, nếu được hoàn cảnh hay người kia chìu theo, ta hạnh phúc, ngược lại, ta buồn bực, giận hờn, ...đau khổ.

Có người nói, đời sống tôi giờ đây đã ổn, việc làm, nhà cửa, xe cộ, mọi tiện nghi đâu còn thiếu gì nữa, thích đi chơi đâu chúng tôi cùng đi, mỗi cuối tuần, chúng tôi đưa nhau đi ăn uống hay đi chơi núi, tắm biển; vợ tôi ngoài thì giờ làm ở sở, nàng ở nhà chăm sóc chồng con, phần con tôi, cả hai đứa sắp tốt nghiệp đại học, với tôi, vậy là hạnh phúc rồi, còn muốn gì hơn nữa?

Hoặc có người tâm sự, ở VN giòng họ tôi vốn nhiều đời khoa bảng, anh chị tôi cũng đổ đạt thành danh, riêng tôi, học hành đâu thua sút chúng bạn, khi qua Mỹ tôi tiếp tục đèn sách và ra trường với bằng cấp hạng cao, được nhận vào làm việc ở công ty lớn, rồi lập gia đình. Vợ tôi không đẹp lắm nhưng hiền lành, đức hạnh, nàng sinh cho tôi đứa con gái bụ bẩm, mặt mày sáng rỡ, thông minh, ai nhìn cũng yêu mến. Vợ chồng tôi, nhất là tôi, tin chắc với sự dạy dỗ, nuôi nấng của mình , sau này nó sẽ thành đạt không kém gì tôi hay cô chú nó. Trong thời gian này, tôi vô cùng hạnh phúc, cuối tuần, chúng tôi dành thì giờ đến chùa lễ Phật, cúng dường. Ngờ đâu, lúc con tôi ba tuổi, qua cơn bệnh nặng ảnh hưởng đến não, nó không còn bình thường như những đứa trẻ khác, cơ thể phát triển chậm, hai chân teo lại, bây giờ mười tuổi rồi mà đầu óc vẫn như đứa bé 2 hay 3 tuổi. Qua biến cố đó của gia đình, vợ tôi trở nên trầm lặng, ít nói, dần dần nàng không còn khả năng làm việc, ngay cả những việc lặt vặt trong nhà, nàng cũng không buồn để ý. Một mình tôi, vừa làm ở sở, vừa quán xuyến việc nhà, thêm chăm sóc vợ và đứa con tật nguyền, lòng chán nản, mệt mỏi vô cùng. Cuộc đời quá bất công.

Thứ hạnh phúc ta hưởng từ những điều kiện, chắc gì những điều kiện ấy còn mãi? Những gì người cho ta, người sẽ lấy lại bất cứ lúc nào. Ta sớm không nhận ra, hạnh phúc ta có chỉ là sự thỏa mãn của ham muốn và đòi hỏi. Càng được thỏa mãn càng vui, càng hạnh phúc; đến khi thỏa mãn không còn, ta mất mát nhiều và càng lớn khổ đau .

Phật dạy: tâm ta như thầy vẽ đại tài... Không phải ta đã vẽ toàn bộ bức tranh lớn đời mình sao? Biết bao phen ta thẩn thờ, chìm đắm vào những hình ảnh, những ước mơ ấy và chẳng biết từ lúc nào, bức tranh mở cửa cho ta bước vào....Từ đó, ta trói chặc mình bằng sợi dây luyến ái, lợi danh nên ta khóc cười, giận hờn, thương ghét, lặn ngụp trong khổ phiền. Nhận ra sự thật này, ta sẽ biết làm sao cho đời ta đổi mới, lòng luôn rộng mở đón chân hạnh phúc quay về. Hạnh phúc này không ai cho ta, không phải từ những điều kiện được thỏa mãn, nên vĩnh hằng. Đó là HẠNH PHÚC CHÂN THẬT

(*) Thầy Thông Hội sanh trưởng ở Việt Nam, xuất gia tại Thiền viện Chơn Không, thuộc Núi Lớn, Vũng Tàu, năm 1973. Thầy hiện đang ở Dallas, Texas, và là giáo thọ tại Thiền Viện Phổ Môn ở Houston, Texas, Hoa Kỳ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn