Kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ

23 Tháng Mười 201710:23(Xem: 6627)

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TRỰC CHỈ
TRỌN BỘ
Thiền sư Hàm Thị giải | Thích Phước Hảo dịch
Nhà xuất bản Tôn Giáo

 

LỜI GIỚI THIỆU 

blankThủ Lăng Nghiêm nói cho đủ là Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ-tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh. Đời Đường ngài Bát Thích Mật Đế dịch kinh này từ Phạn văn sang Hán văn, gồm 10 quyển là hạt ngọc vô giá đối với các hành giả trong Tông môn, nhằm xiển minh tâm tính bản thể của mình. Vì vậy, tên Kinh này cũng là danh xưng thường gọi một thứ Chính định, đó là Chính định Thủ Lăng Nghiêm. Xưa nay trong tùng lâm lịch đại liệt Tổ đều ngưỡng mộ Kinh này và được lưu hành xuyên suốt thời không gian.

Duyên khởi đầu Kinh, Tôn giả A-nan bấy giờ là thị giả của đức Phật. Bởi chưa hoàn tất chương trình vô sinh La-hán, nên trên đường khất thực Tôn giả bị tiên thuật Ma-đăng-già nữ. Cớ sự này qua tinh thần Bồ-tát đạo là nó hoàn toàn mang tính chất “Thị hiện” hơn là một sự kiện thông thường. Từ đó, hình thành một duyên do cụ thể để đức Thế Tôn chỉ thẳng cho tất cả chúng sinh nhận rõ “Cái gì là thực thể bất sinh bất diệt – Diệu tịnh minh thể nơi mình, cái gì là sinh diệt đổi thay – Bóng dáng của tiền cảnh”. Để rồi, ngay đây nếu chúng ta không vướng mắc những hình tướng hư giả bên ngoài, hằng sống với thể tịnh minh chính mình thì Phật pháp hiện thành sờ sờ bất động. Trái lại, ta ngược xuôi theo dòng nghiệp thức, quay lưng với tính viên thường của mình thì “sóng thức mênh mang, nương đâu bến đỗ?”. Thế thì, vùng trời quê hương hay chân định thể Thủ Lăng Nghiêm này là điểm tựa, là diệu thuật có thể thắng dẹp các ma oán. Từ uy thế này, Ma-đăng-già nữ một phen trực nhận tâm địa vô nhiễm, vô y nơi mình, tức thì vòng xích luân hồi muôn kiếp tiêu tan, nhuận ái vô minh ngàn đời liền đó khô kiệt. Ô hay! “Người đứng lên ánh sáng dựng ban ngày, thế giới mười phương chung một hướng, ba đời quy lại sát-na đây”.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm này lưu hành tại Trung Quốc trải các thời đại có rất nhiều nhà sớ giải:

- Lăng Nghiêm Hội Giải 20 quyển, đời Nguyên ngài Thích Duy Tắc hội giải.

- Lăng Nghiêm Chính Mạch 40 quyển, đời Minh ngài Thích Chơn Giám thuật.

- Lăng Nghiêm Trực Chỉ 10 quyển ngài Hàm Thị sớ.

Riêng hai bộ Trực Chỉ của ngài Hàm Thị và bộ Chính Mạch của ngài Chơn Giám được giới Phật tử Việt Nam ngưỡng mộ nhất. Bộ Trực Chỉ thì xưa nay chưa có nhà nào dịch sang tiếng Việt trọn vẹn, dù bộ Kinh này được xếp vào sách giáo khoa trong chương trình Giáo dục Phật giáo. Phần nhiều các nơi chỉ dịch phần chính văn và trích dẫn những chỗ cần yếu thôi. Chính đây là động cơ thôi thúc pháp huynh tôi, Thượng tọa Thích Phước Hảo, người đã nhiều năm tham khảo học hỏi bộ Lăng Nghiêm Trực Chỉ và lúc nào cũng cưu mang trong lòng hoài bão là sẽ dịch bộ này sang tiếng Việt thật đầy đủ để giới học Phật Việt Nam chưa quen với chữ Hán dễ bề tra cứu học hỏi.

Vào Hạ năm Canh Ngọ (1990), pháp huynh tôi cặm cụi dịch. Sau đó một số các huynh đệ, như thầy Thông Phương … phụ sửa bản dịch. Như vậy, với khả năng đạo hạnh của dịch giả cùng sự hỗ trợ cộng tác của chư huynh đệ, bộ kinh Lăng Nghiêm Trực Chỉ tiếng Việt này hoàn thành.

Chúng tôi thầm phục dịch giả, vì Người thân thể bệnh yếu luôn nhưng vẫn cùng các huynh đệ thường xuyên khuyến tiến tu họchoàn thành pháp sự này.

Chúng tôi thành thật trình bạch mấy lời và cung kính giới thiệu cùng mười phương Pháp lữ bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ tiếng Việt này đến với liệt vị.

             

TM. Ban lãnh đạo Thiền viện Thường Chiếu

Trụ trì

Sa-môn THÍCH NHẬT QUANG


Lời người dịch 

 chúng ta đã hiểu, kinh Lăng Nghiêm là một bộ Kinh Phật nói về giáo lý Đại thừa Viên đốn, nhằm chỉ thẳng “Chân Tâm Thường Trụ” sẵn có ở nơi thân năm uẩn của mọi chúng sinh. Nghĩa là tất cả chúng sinh đều có đầy đủ “Chân Tâm Thường Trụ” này, nhưng vì một niệm bất giác, ban đầu ở trong tính giác vốn thanh tịnh sáng suốt chợt dấy lên cái niệm chiếu soi trở lại tính giác, nhân đó tâm cảnh hiện tiền lần lượt phát khởi mọi thứ sai biệt. Thế giớichúng sinh do đây tiếp nối xoay vần mãi mãi không biết đâu là ngằn mé! Nay muốn trở về “Chân Tâm Thường Trụ” ấy, Phật dạy chủ yếu phải biết lựa ra hai món căn bản:

            1. Căn bản sinh tử từ vô thỉ: Tức là tất cả chúng ta vọng nhận tâm phan duyên làm tự tính.

2. Căn bản Bồ-đề Niết-bàn: Tức hiện tại cái thức thể nguyên tự sáng suốt của chúng ta đó, nó hay sinh ra các duyên mà lại bị các duyên bỏ sót nó. Chính vì tất cả chúng ta bỏ sót cái “thức thể này” nên mãi đuổi theo sinh tử hư vọng mà không thể trực nhận thực thể thường trụ đó. Do đây, Phật vì lòng đại bi muốn vén mây mờ vô minh cho mặt trời trí tuệ chúng ta được hiện sáng, nên Ngài đã không từ khó nhọc mở bày đủ các phương tiện để chỉ rõ chân tâm thường trụ sáng suốt khiến chúng ta trực nhận mà sống trở về, hầu thoát khỏi mọi đau khổ ràng buộc từ vô lượng kiếp đến nay. Một khi chúng ta nhận ra chân tâm thường trụ này rồi, thì chúng ta đã thành tựu nhân địa tu hành vững chắc và không còn nghi ngờ gì nữa trên đường tu hành thẳng đến viên mãn Phật quả. Đây chính là bản nguyện của Như Lai hằng mong ước!

Lại bộ kinh Lăng Nghiêm này còn có nhiều  điểm đặc biệt đáng chú ý:

1. Kinh này chỉ ra cái nhân vô sinh ngay nơi sáu căn rất rõ ràng, để làm nhân địa tu hành hợp với quả địa thường trụ.

2. Chỉ đường lối tu quá rành rẽ và phù hợp với Thiền tông. Tức phương thức trước đốn ngộ, sau tiệm tu, như Thiền tông trước kiến tính rồi sau khởi tu. Nghĩa là dạy chúng ta ngay nơi thân sinh diệt này trước nhận ra “Chân Tâm Thường Trụ khắp pháp giới”, tương tợ Thiền tông trước nhận ra “Ông chủ” hay “Bản Lai Diện Mục”, lấy đây làm nhân địa để tiến tu.

3. Tôn chỉ Kinh này lại phù hợp với kinh Pháp Hoa. Kinh Pháp Hoa nhằm Khai, Thị, Ngộ, Nhập “Phật tri kiến” thì Kinh này là Khai, Thị, Ngộ, Nhập “Chân Tâm Thường Trụ”. Đây là điểm có liên hệ giữa hai bộ Kinh.

4. Kinh này đặc biệt mười phương chư Phật đồng nhấn mạnh chính sáu căn là cội gốc của sinh tử luân hồi, cũng chính sáu căn là cội gốc của giải thoát Niết-bàn chứ không riêng gì Phật Thích-ca nói. Và trong đây cũng đề cao nhĩ căn làm cửa viên thông thù thắng để trở về tự tính qua pháp tu “Phản văn văn tự tính” của Bồ-tát Quán Thế Âm, mà chúng ta vẫn thường nghe nói đến.

5. Kinh này chỉ bày những ma sự xảy ra trong khi tu Thiền định khiến cho người tu hành hiểu biết một cách rành rõ, để trong khi hạ thủ công phu khỏi bị lầm lạc mà tiến đến chỗ rốt ráo viên mãn.

6. Ngoài những nghĩa lý sâu xa khó nghĩ bàn trên, về hình thức Kinh này lại còn là áng văn chương rất lưu loát, cộng thêm lối lý luận tinh vi chặt chẽ và sắc bén khiến cho nhiều học giả từ xưa tới nay mỗi khi đọc đến bộ kinh Lăng Nghiêm này đều phải cúi đầu tấm tắc khen ngợi.

Sơ qua những điểm trên đây đủ cho chúng ta thấy bộ kinh Lăng Nghiêm này đối với chúng ta, nhất là những người tu Thiền, rất quan trọng và có nhiều bổ ích khó nói hết.

Chúng tôi có chút duyên lành, khi vào Phật Học Đường Nam Việt (chùa Ấn Quang) năm 1962 được học bộ Kinh này do Cố Hòa thượng Viện trưởng (Hòa thượng Thích Thiện Hoa) giảng dạy hết cả chính văn và chú giải. Khi vào Tu viện Chân Không 1971 được học lại với Thượng tọa Viện chủ Tu viện Chân Không (Thượng tọa Thích Thanh Từ). Sau về Thiền viện Thường Chiếu 1989 được học lại một lần nữa (cũng do Thượng tọa Viện chủ dạy). Mỗi lần học lại bộ kinh Lăng Nghiêm này, chúng tôi đều cảm nhận một niềm vui vô hạn, tự nghĩ không biết mình có phúc duyên gì, mặc dù sinh nhằm thời mạt pháp mà vẫn được nghe chính pháp quý báu của đức Như Lai! Qua những lời Phật chỉ dạy trong Kinh, làm cho chúng tôi tin nhận chắc chắn mình có Pháp thân thanh tịnh rộng lớn trùm khắp cả mười phương, xét ra tất cả sự vật trong thế gian đều là giả dối, mộng ảo như cảnh chiêm bao, như vật huyễn hóa, không có gì chân thật. Từ đó, chúng tôi nhận được đường lối tu Phật rất rõ ràng, như người vào trong một đô thành lớn mà trong tay sẵn có bản đồ, hẳn không còn ngại lầm đường lạc lối nữa!

Để đền đáp công ơn giáo hóa của Phật Tổ và công Thầy chỉ dạy trong muôn một, chúng tôi cố gắng dịch quyển Kinh này ra Việt văn, để phổ biến lời Phật dạy sâu rộng, hầu làm lợi ích cho mọi người.

Bản dịch này, về phần chính văn và phương pháp trình bày, chúng tôi đều dựa vào bản dịch của cụ Tâm Minh (bác sĩ Lê Đình Thám), vì bản dịch của cụ rất sáng sủa và chính xác với văn Kinh. Phần chú giải chúng tôi hoàn toàn trung thực với lời sớ giải của ngài Hàm Thị, không dám thêm hoặc bớt. Bởi xuyên qua lịch sử, chúng tôi thấy ngài Hàm Thị quả thật là một Thiền sư ngộ đạo trong môn đình tông Tào Động, cho nên lời sớ giải của Ngài rất phù hợp với Tâm tông. Bản sớ giải này Ngài để tên là “Kinh Lăng Nghiêm Trực Chỉ”. Vì lời sớ giải của Ngài nhằm chỉ thẳng cho người học ngay trong cuộc sống hằng ngàynhận ra tâm tính chớ đừng tìm kiếm đâu xa. Vì thế nên lời giải rất hàm súc ý nghĩa thâm sâu của Phật dạy. Và Ngài cũng cố tránh lối giải thích quanh co trên văn tự, làm cho học giả khó nhận được ý Kinh, như người mê dấu mà bị mất trâu.

Sau khi dịch xong, thầy Thích Thông Phương giúp tôi tu chỉnh lại toàn bộ bản dịch và được Thầy chúng tôi (Thượng toạ Viện chủ Thiền viện Thường Chiếu) duyệt lại. Tuy nhiên, với khả năng học Phật còn khiếm khuyết của c`húng tôi, chắc chắn không sao tránh khỏi những chỗ vụng về và sai sót, mà Thầy chúng tôi không thể sửa hết. Vậy kính mong các bậc Sư trưởngThiện hữu tri thức từ bi chỉ giáo cho những chỗ khuyết điểm, hầu giúp cho người đọc được thêm phần lợi lạc.

Nguyện đem công đức phiên dịch này, hồi hướng cho bốn ơn, ba cõichúng sinh trong pháp giới đều trọn thành Phật đạo.

 

Viết tại Thiền viện Thường Chiếu

Ngày cuối hạ năm Canh Ngọ 1990
Thích Phước Hảo



pdf_download_2
kinh-thu-lang-nghiem-truc-chi
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1690)
27 Tháng Chín 2022(Xem: 84250)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
16 Tháng Chín 2020(Xem: 6148)
20 Tháng Tám 2018(Xem: 7935)