Thích Trung Hữu
CHÚ TIỂU
Tập Truyện Ngắn
Nhà Xuất Bản Phương Đông
Truyện 7
MÃI LÀ THẦY
L.T là vùng kinh tế mới. Dân cư còn thưa thớt huống là chùa chiền. Ở giữa huyện chỉ có một am tranh của bà Hai. Người ta cũng không biết bà Hai là ai, gốc gác như thế nào. Từ khi những người dân đến đây lập nghiệp, khai khẩn thì đã thấy cái am đó với bà Hai rồi. Người ta cũng không biết bà là Phật tử hay là Sư cô, vì bà cạo tóc và mặt áo nâu như người tu nhưng không có đắp y vàng. Mà thật ra người dân cũng chẳng quan tâm những điều đó làm gì. Ngôi am của bà ở giữa làng, bên cạnh lại có cái giếng nước trong mát ngọt lành, bà lại là một người rất tử tế. Cho nên dân làng thường hay vô am bà trú nắng trú mưa hay xin ca nước mát uống giữa trưa hè oi ả. Ngược lại họ cũng đem tặng bà những thứ mà họ có như gạo, chuối, dừa… Khi gia đình có hữu sự họ cũng nhờ bà tụng kinh cầu an cầu siêu. Dần dần bà trở thành linh hồn của ngôi làng, được mọi người kính mến.
Một sáng nọ, khi bà Hai thức dậy để công phu khuya thì nghe phía trước am có tiếng khóc oa oa của trẻ con. Bà mở cửa ra xem thì thấy một cô gái trẻ đang chạy ra khỏi am của bà, để lại đứa bé vừa mới lọt lòng. Vùng kinh tế mới này ngày càng có nhiều người đến lập nghiệp. Những người tha phương cầu thực này như bèo dạt mây trôi, rất dễ cảm nhau rồi sinh ra cớ sự. Bà Hai bồng đứa trẻ gọn lỏn trong tay, nhìn theo bóng người mẹ trẻ bỏ rơi con mờ dần trong làn sương sớm, nghe bâng khuâng một nỗi niềm thương cảm, những kiếp người trong chốn trần ai. Và thế là từ đó, ngôi am tranh của bà có thêm một thành viên tí hon. Tuy hơi vất vả một chút nhưng bà cũng cảm thấy vui vui. Dân làng cũng mừng vì bà đã có đệ tử kế thừa. Họ sẽ không còn lo là sau khi bà Hai theo Phật, không còn ai tụng kinh khi gia đình họ gặp hữu sự. Đứa đệ tử đó bà đặt tên là Hiếu, với mong ước là nó sẽ là đứa có hiếu, dù là với bà hay với với mẹ ruột của nó, vì biết đâu được sau này mẹ con họ sẽ gặp lại nhau.
Bé Hiếu càng lớn lên càng kháu khỉnh và thông minh. Bé cũng rất ngoan ngoãn nên được bà Hai và cả làng thương yêu. Sau khi học xong cấp hai, bà Hai đem bé Hiếu gửi ở một chùa trên tỉnh để thuận tiện cho việc học cao hơn. Thấm thoát đã bảy năm trôi qua, bé Hiếu giờ đây đã trở thành một Sư cô “đường đường tăng tướng, dung mạo khả nghi”. Cô đã học xong Trung cấp Phật học và cũng đã thọ giới Tỳ kheo ni. Khác với bà Hai chỉ mặt áo tràng lam, cô Hiếu đắp y vàng mỗi lần tụng kinh. Từ khi có cô Hiếu về, ngôi am tranh của bà Hai ngày càng thu hút tín đồ, không chỉ những người trong làng mà cả những Phật tử trên tỉnh cũng thường xuyên đến thăm và cúng chùa. Rồi khi đầy đủ nhân duyên, được Giáo hội cho phép và được sự hỗ trợ của bá tánh, một ngôi chùa khang trang được xây dựng trên nền am tranh cũ. Trước chánh điện của chùa treo một tấm bản sơn son thếp vàng rất đẹp, trên đó ghi tên chùa: Chùa Hưng Thới. Đó là ước nguyện của dân làng muốn cho ngôi chùa ngày càng hưng thịnh và đem lại cuộc sống thảnh thơi cho bà con Phật tử trong làng.
Bà Hai giờ đây đã là một “Sư bà”. Bà cảm thấy vô cùng hãnh diện về người đệ tử mà bà tình cờ có được và hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện tại. Mỗi chiều bà chống gậy ra trước sân chùa để ngắm nhìn ngôi chùa khang trang mà mới ngày nào thôi hãy còn am tranh lụp sụp. Không chỉ thế, cô Hiếu còn nhận thêm hai đứa đệ tử, cũng là con cháu của người dân trong làng. Cô Hiếu cũng khéo dạy đệ tử thật, chúng một vâng hai dạ và hầu hạ Sư bà vô cùng chu đáo. Một ngày nọ, trong khi Sư bà đang chống gậy đi vòng vòng sân chùa thì có một ông cụ trong làng hớt hơ hớt hãi chạy vào tìm gặp bà. Không biết ông lão nói gì mà thấy bà run run như đứng không còn vững nữa. Sau khi ông lão về, bà đi chậm chạp vào chùa, ngồi trên bộ ngựa phía nhà sau, mặt trầm ngâm nghĩ ngợi, lo lắng. Rồi bà kêu cô Hiếu đi với bà đến làm lễ tẫn liệm cho một thân chủ vừa mới qua đời.
Từ khi đi dự đám tang đó về, Sư bà có vẻ không còn vui như trước đây. Ngoài việc tụng kinh cầu siêu ra, Sư bà thường hay ngồi một mình như đang suy nghĩ chuyện gì. Bà nhớ lại câu chuyện mấy mươi năm về trước. Bà là một trong những người đầu tiên đến nơi đây lập nghiệp. Quê cha đất tổ của bà ở Sài Gòn. Bà yêu ông Hai, là người làm của gia đình, cho nên cha mẹ bà không cho. Hai người trốn cha mẹ bỏ nhà ra đi đến đây. Nhưng bất hạnh thay, hai người sinh ra đứa con gái bị bệnh tâm thần. Bà cho rằng đó có lẽ là do quả báo bà bất hiếu với cha mẹ, và cảm thấy cuộc đời đầy đau khổ trầm luân, cho nên không muốn ở nơi thế tục nữa. Bà để đứa con lại cho ông Hai nuôi, rồi cất một cái am giữa làng để ngày ngày tụng niệm sám hối cho bản thân và cầu nguyện cho tất cả chúng sanh đều được an lạc. Sự tình không chỉ có thế, trong khoảng thời gian cô bé Hiếu đang học trên tỉnh, con gái bà bị một thanh niên mới đến lập nghiệp hiếp, rồi sinh ra cũng một bé gái. Làm cho ông Hai phải nuôi cả con gái và cháu ngoại. Mấy ngày trước ông lão đến chùa chính là ông Hai. Ông báo tin là đứa con gái tâm thần của họ vừa mới qua đời.
- Mô Phật, bạch thầy. Dạo này con thấy thầy có vẻ không vui. Không biết có chuyện gì không ạ? Cô Hiếu bước tới bên bà thì thầm hỏi. Bà nhìn cô Hiếu bằng ánh mắt xa xăm, bảo Hiếu ngồi xuống bên cạnh bà, rồi nói:
- Thầy muốn nhờ con một việc.
- Mô Phật, nếu có việc gì Thầy cứ sai con làm ạ! Con còn sống và lớn khôn như ngày hôm nay là do thầy nuôi dạy. Ơn của thầy muôn kiếp con cũng không đáp đền được. Con sẽ làm bất cứ việc gì thầy sai bảo ạ!
Tình trạng sức khỏe của Sư bà ngày một yếu kém. Cô Hiếu dắt chú tiểu Thọ đến bên giường Sư bà. Bà nhìn đứa bé với khuôn mặt sáng sủa, khác hẳn với người mẹ tâm thần của nó mà thầm cảm ơn Phật trời phù hộ. Bà nhìn bé Thọ mỉm cười rồi ra đi một cách thanh thản.
Từ khi cô Hiếu lên làm trụ trì thì tín đồ của chùa ngày càng đông, ngôi chùa ngày càng phát triển và cô thì ngày càng được mọi người tôn kính, ngưỡng mộ. Người ta tôn kính cô không chỉ cô là một trụ trì giỏi, hoạt bát, tụng kinh hay, mà còn là vì cô rất hảo tướng. Đôi khi cô cũng cảm thấy có chút tự hào, nhưng cô nhưng không bao giờ vượt quá nguyên tắc. Cô thương các đệ tử và phải làm một tấm gương tốt cho đệ tử nôi theo. Nhất là bé Thọ mà cô đã hứa với thầy là chăm sóc và nuôi dưỡng thành người.
Một trong những mạnh thường quân của chùa Hưng Thới là bác sĩ Tâm. Bác sĩ Tâm cảm mến rồi dần dần thương thầm trộm nhớ cô Hiếu. Gia đình bác sĩ giàu có và có nhiều cô gái muốn gả cho bác sĩ, nhưng lạ thay anh bác sĩ trẻ đẹp kia lại chỉ để tâm đến người nữ tu đoan trang xinh đẹp mà thôi. Tâm cũng đôi lần đề cập vấn đề với cô Hiếu, nhưng cô dứt khoát từ chối. Nói rằng chỉ muốn lo cho Tam bảo và đệ tử mà thôi. Và cũng từ khi biết được ý của Tâm, cô Hiếu dần dần cắt đứt liên hệ với anh ta, không nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào nữa.
Nhưng chuyện đời có ai biết được. Nhiều khi người ta muốn như vậy nhưng hoàn cảnh lại không được vậy. Có lần cô Hiếu bị bệnh nặng phải nhập viện. Và bác sĩ Tâm chính là người thân duy nhất có thể chăm sóc cô ở bệnh viện. Lâu rồi không gặp cô, giờ gặp lại làm cho tình cảm của Tâm càng trở nên mãnh liệt. Và trong phút giây không kìm chế được, Tâm đã phạm tội với cô Hiếu sau khi cho cô uống thuốc mê. Tâm xin lỗi và nói rằng vì quá yêu Hiếu nên anh đành phải làm vậy. Anh xin cưới Hiếu và hứa sẽ lo cho Hiếu trọn đời. Hiếu ngồi lặng thinh thật lâu, cuối cùng mới nói rằng: “Tôi đồng ý về với chú, nhưng sẽ không bao giờ có con. Đệ tử chính là những đứa con của tôi, và tôi sẽ lo cho chúng suốt đời, dù rằng tôi không còn là người tu nữa. Nếu chú đồng ý thì tôi ưng. Còn nếu chú không đồng ý thì cũng không sao. Dù tôi không thể tiếp tục tu nữa thì tôi cũng có con đường của tôi. Chú không cần phải bận tâm”. Dĩ nhiên là Tâm đồng ý ngay. Vì anh yêu cô Hiếu thật lòng. Có con hay không không quan trọng.
Chùa Hưng Thới được Giáo hội Phật giáo cử một Ni sư khác đến trụ trì. Và 3 chú tiểu vẫn ở đó. Bác sĩ Tâm và cô Hiếu trở thành Phật tử của chùa, thường xuyên lui tới lễ Phật và ủng hộ các Phật sự trong chùa. Cô xin vị trụ trì mới cho phép cô được chia sẽ gánh nặng bằng cách lo cho 3 chú tiểu trong mọi sinh hoạt và việc học hành. Nhờ vậy mà cả 3 chú đều có điều kiện theo đuổi việc học đến nơi đến chốn. Cô cũng đã khuyến khích và tài trợ cho Thọ đi du học Ấn Độ. Chồng cô là bác sĩ Tâm, những năm đầu rất yêu cô nên thương và giữ lời hứa không có con, cũng ủng hộ cô trong việc nuôi 3 chú tiểu. Nhưng một thời gian sau thì Tâm thay đổi, anh muốn có con. Hiếu không đồng ý và thế là hai người ly dị. Hiếu bán căn nhà đang ở rồi mua một căn nhà khác khiêm tốn, số tiền còn lại cô để dành lo cho mấy chú tiểu và nhất là bé Thọ đang du học. Để có thêm thu nhập, cô se nhang để bán. Tiện tặn cũng có thể đấp đổi qua ngày. Còn số tiền do chia tài sản lúc ly dị cô không bao giờ đụng đến, dù có phải thiếu thốn hay bệnh đau. Cô muốn để dành tiền đó cho mấy chú tiểu mà cô luôn luôn thương nhớ. Hơn nữa, cô cũng cảm thấy có lỗi với chúng. Mỗi lần nghĩ đến cảnh chúng bị mồ côi Thầy là nước mắt cô lại chảy dài, dù cô biết rằng lỗi không phải hoàn toàn do cô.
Thời gian trôi qua rất nhanh. Bé Thọ ngày nào giờ đã trở thành một tiến sĩ. Từ sân bay Tân Sơn Nhất, Thọ cùng với hai sư đệ Nguyên và Sáng đi đón mình, không về chùa mà đến thẳng nhà của cô Hiếu. Do cuộc sống vất vả và thiếu thốn nên trông cô lụm cụm như một bà lão. Hai “thầy trò” nhìn nhau, rồi ôm nhau khóc. Cô Hiếu khóc vì sung sướng khi thấy Thọ đã thành tài. Còn Thọ khóc vì thấy xót xa cho “Thầy”. Vì lo cho 3 huynh đệ Thọ mà “Thầy” đã hi sinh thật nhiều, không có con, ly dị, từ bỏ cuộc sống tiện nghi. Thọ ngồi bệt dưới đất ôm chân cô Hiếu mà khóc, khóc mãi không dứt. Nguyên và Sáng đứng cạnh cũng mủi lòng không cầm được nước mắt… Bên ngoài ánh trăng đã vô tới thềm ba. Một cơn gió thổi qua mát rượi như xua tan đi tất cả cái nóng nực của một ngày hè. Lúc đó mọi người mới nhận ra là trời đã tối. “Để cô đi làm ít món đãi tân tiến sĩ chứ”, cô Hiếu nói với giọng vui mừng sung sướng, vì cô đã đợi cái ngày này đã lâu. Cô đã làm tròn bổn phận của một người thầy, và giữ đúng lời hứa với bà Hai, sư phụ cô, là sẽ lo cho bé Thọ nên người.
Thọ trở thành trụ trì chùa Hưng Thới sau khi Ni sư trụ trì viên tịch. Sau đó Thọ rước cô Hiếu về chùa để trả hiếu và tiện việc chăm lo cho cô khi tuổi già sức yếu. Khi cô Hiếu qua đời, Thọ cũng như hai sư đệ Nguyên và Sáng quyết định dùng di ảnh người tu của cô Hiếu để thờ, với ý nghĩa rằng dù cô Hiếu không còn mang hình thức là một tu sĩ, nhưng đối với 3 huynh đệ thì cô Hiếu vẫn mãi mãi là một người Thầy khả kính mà lúc nào họ cũng kính yêu và nhớ ơn suốt cả cuộc đời.