TU HÀNH CÓ BẠN
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
Trong hành trình tu tập chúng ta thường haynghe truyền tụng câu “ăn cơm có canh, tu hànhcó bạn”. Câu so sánh mới nghe qua thì thấy thật là mộc mạc, chơn chất, đem chuyện tu hành so với chuyện ăn uống nghe có vẻ không được thanh cao lắm và tưởng chừng như khập khểnh làm sao! Nhưng mà suy xét một cách sâu sắc ta thấy người xưa đã hết sức thâm thúy khi đưa ra sự so sánh này. Đối với người Việt Nam ta trong bữa cơm chắc chắn là không thể thiếu tô canh vì canh là món ăn rất quan trọng trong bữa cơm hằng ngày, thậm chí có người ăn cơm mà không có canh thì nuốt không trôi, đối chiếu với việc tu hành cũng như thế, tu hành thì phải có bạn cùng tu mới tiến bộđược, tu hành mà thiếu bạn đồng tu thì như ăn cơm mà thiếu canh vậy!
Bạn đồng tu hay là pháp lữ, là tăng thân là đồng sự, đó là những thiện hữu tri thức cùng chung chí hướng cùng ta đồng hành trong lộ trinh tu tập chuyển hóa tâm thức từ ác qua thiện, từ khổ đau phiền não đến an lạc hạnh phúc, từ mê sang ngộ…Nhờ có sự tương tác giữa những bạn đồng tu với nhau mà ta có năng lượng để vững tiến trên đường tu tập, nhờ có bạn đồng tu mà ta có người để chia sẻ những trải nghiệm, những khó khăn chướng ngại, những tâm tư, những chướng ngại còn vướng bận để sách tấn cùng nhau tinh tấn để tiến tu. Mối quan hệ giữa những người bạn đồng tu mang tính hổ tương, năng lượng tinh tấn soi sáng lẫn nhau và nguồn năng lượng của đại chúng có sức lan tỏa mãnh liệt khiến cho từng cá nhân luôn được nguồn năng lượng đó nâng đỡ trong quá trình tu tập. Viết đây tôi chợt nhớ một câu trong bài tập đọc hồi tôi học tiểu học cách đây hơn năm mươi năm về trước: “chim có đàn cùng hót tiếng hót mới hay, ngựa có bạn cùng đua nước đua mới mạnh…”. Tinh thần pháp lữ, tăng thân, đồng sựquan trọng như thế nên nếu ta tách ra khỏi thì sẽ mất năng lượng nâng đỡ của cộng đồng đó và vì thế sẽ dẫn đến thất bại, thế nên chư tổ đã răn đe: “Tăng xa chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại”!
Câu chuyện về một vị thầy tu trong một ngôi chùa ở miền quê, vì hạnh nguyện muốn đem ánh sáng phật pháp vào đời sống nên thầy đã tổ chức những buổi giảng phật pháp cho những cư dân nơi đó. Trong hội chúng có một người học trò căn tính lanh lợi, thông minh lại có tinh thần cầu học, ngoài những buổi nghe pháp ra, ở nhà còn thường xuyên tìm hiểu giáo lý đạo Phật qua kinh điển, sách vở nên người đó đã có kiến thức giáo lý rất tốt và có vẻ vượt trội hơn những người còn lại. Nhưng cũng vì căn trí quá lanh lợi, thông minh và luôn là người giỏi nhất trong hội chúng nên sau một thời gian anh ta nhận thấynhững người bạn đồng tu với mình sao mà chậm hiểu và yếu kém quá, anh ta thấy họ tiếp thu phật pháp kém quá, anh ta thông minh và chịu khó học hỏi nên đôi lúc có những bài giảng của thầy anh ta cũng đã hiểu biết hết rồi. Từ đó trong tâm thức của anh học trò nãy sinh một tư tưởng tự mãn, cao ngạo, coi thường hội chúng, xem nhẹ những bài giảng của thầy. Thế là không biết từ lúc nào anh ta thấy những buổi học không còn hấp dẫn như trước đây nữa, cũng từ đó anh ta lơ là, không hứng thú trong việc đi thính pháp nữa. Trước đây anh ta luôn coi trọng những buổi buổi đến chùa nghe thầy giảng và luôn đặt ưu tiên lên hàng đầu, nếu có nhiều việc trùng nhau trong cùng thời điểm thì anh luôn lựa chọnviệc tham gia buổi học, nhưng từ nay nếu có nhiều việc trùng nhau thì anh ta đặt việc học vào hàng thứ yếu mà ưu tiên cho các việc khác trước. Cho đến một lúc anh ta đã bỏ ba kỳ học liên tiếp mà không có một lý do chính đáng nào. Vị thầy quán sát căn tánh biết được bản ngã của người học trò được nuôi lớn và tính cống cao ngã mạn đã khởi lên trong tâm thức cho nên anh ta thấy việc tham gia những buổi học là không cần thiết nữa. Tuy nhiên thầy cũng thận trọng suy nghĩ lại, biết đâu anh ta bị tai nạn hay sự cốgì đó mà không đi thính pháp cũng nên, vì thế thầy quyết định sẽ đến nhà để thăm người học trò giỏi giang của mình.
Một buổi chiều mùa đông gió rét căm căm, thầy mang áo mưa trùm kín đầu lội bộ đến nhà thăm người học trò. Hé mở cánh cửa bước vào nhà thầy thấy anh học trò đang ngồi sưởi ấm bên bếp than hồng và đang đọc một quyển sách gì đó. Anh học trò quá bất ngờ trước cuộc thăm viếng đột ngột này nhưng cũng nhanh chóng lấy lại bình tỉnh chào hỏi, mời thầy cùng ngồi bên bếp than cho ấm và pha một ấm trà ngon tiếp thầy.
Trong khi ngoài trời mưa gió não nề, gió rét căm căm mà được ngồi trong căn nhà ấm cúng, sưởi ấm bên bếp than hồng và thưởng thức chén trà thơm quả thật là hạnh phúc, thật là thú vị làm sao! Sau những câu chào hỏi và rót trà mời thầy, anh học trò ngồi cung kính chờ đợi thầy nói về lý do của cuộc thăm viếng bất ngờ này. Nhưng đã qua hai tuần trà mà thầy chỉ im lặng thưởng thức tách trà nóng mà không nói câu nào. Hình như không nhận thấy sự sốt ruột của anh học trò nên thầy vẫn nhìn chăm chú vào bếp than hồng, những cục than cùng nhau cháy đỏ và tỏa hơi ấm khắp nhà, vẫn im lặng thầy lấy cây que gắp ra một cục than đang cháy đỏ hồng ra khỏi bếp để riêng một nơi. Trong phút chốc cục than hồng tắt dần và cuối cùng thì lụi tàn chỉ còn một cục than đen thui lạnh lẽo nằm chơ vơ một mình trên nền nhà. Đến đây thì thầy đứng dậy kiếu từ ra về. Quan sát hành động của thầy, anh học trò chợt tỉnhngộ, cái bản ngã vĩ đại tự nhiên bị thu nhỏ lại, bao nhiêu tự mãn, cống cao ngã mạn trong tâm thức như tan biến, anh chợt thấy những tư kiến hình thành trong tâm của mình trong thời gian gần đây thật là sai lầm. Anh đến bên thầy sụp lạy và thưa.
-Bạch thầy con xin tri ân bài học của thầy đã dạy cho con hôm nay, quả thật trước đây con quá vô minhnên suy nghĩ và xử sự thật là sai lầm! Từ đây con xin được tiếp tục chuyên cần đến thính pháp các buổi giảng của thầy để cùng với đại chúng tinh tấn tu tập.
Bài học của thầy thật sâu sắc, thầy đã không nói một tiếng nào mà đã dạy cho trò một bài học bổ ích, còn người học trò với căn trí lanh lợi cũng đã tiếp thu bài học một cách trọn vẹn và chợt tỉnh ngộ nhậnra những sai lầm của mình trong tâm tưởng cũng như trong hành xử. Còn chúng ta thì sao?! Chúng tamuốn mình là cục than hồng cùng với đồng bạn cháy đỏ tỏa năng lượng sưởi ấm cho bao người hay chỉ là cục than đen lạnh lẽo, không có chút năng lượng nằm một mình cô đơn trong xó bếp?!
- Từ khóa :
- Tu hành có bạn