VÔ ƯU
Luang Por Liem | Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ
Por Liem Thitadhammo[1], một tăng sĩ Phật giáo theo truyền thống tu trong rừng (Lâm tế -Forest Monastery), sinh ở tỉnh Sri Saket thuộc Đông Bắc Thái Lan vào ngày 5 tháng 11, 1941. Sau khi thọ đại giới ở tuổi 20, ngài tu học ở một số chùa làng khắp vùng Đông Bắc cho đến khi gia nhập hệ phái tu trong rừng (Forest Tradition) năm 1969, dưới sự hướng dẫn của cao tăng Luang Pu Chah (Ajaan Chah).
Dưới đây là các bài pháp ngắn ngài giảng trong chuyến viếng thăm Úc.
THÍCH NGHI
Trong việc thực hành Pháp, mọi sự tiến triển dần dần. Ta không thể ép buộc hay hối thúc mọi sự dưới mọi hình thức, tương tự như cách ta xây tu viện này.[2] Nếu muốn xây một tu viện, ta cần tiến triển từ từ, tửng chút, từng chút. Ta phải có sự thích nghi với những phát triển mới trong các bước. Đây cũng là thái độ cần có đối với việc thực hành Pháp. Muốn hoàn thành tất cả mọi thứ trong một ngày là điều không tưởng, nên ta cần đi từng bước một.
Tôi không nghĩ có sự khác biệt gì ở đây, vì Úc và Thái Lan khá giống nhau: Khi người ta hạnh phúchay khổ đau, ở đâu cũng giống nhau.
Dĩ nhiên, tình cảm con người cũng tùy thuộc vào điều kiện sống, vào khí hậu, nhưng thực ra khí hậu chỉ trở thành chướng ngại khi sự chống đỡ của cơ thể yếu. Nếu ta đã thiết lập được sự chống đỡ, thì việc khác biệt khí hậu không có gì ghê gớm. Thời tiết quá nóng hay quá lạnh không phải là vấn đề - đó chỉ là vấn đề thích nghi của ta đối với hoàn cảnh. Việc tu hành cũng thế. Ta không thể mong là việc thực hành của mình luôn luôn tốt. Ta cần phải quán chiếu sâu hơn để thấy việc thực hành là luôn phải thích nghi. Cái gì không đủ, ta thêm vào, cái gì không tốt ta bỏ đi.
Nhưng hãy nhớ, nếu quan điểm của ta sai lệch, thì sự tiến triển của ta không thể đúng hướng. Khi ta có các quan điểm sai lệch (agati dhammā), ta chưa thể hoàn thiện trong Pháp.
Thí dụ có người thấy một miếng đất không bằng phẳng, gồ ghề, thì nghĩ là miếng đất không sử dụng được. Không đúng như thế. Nếu ta biết san bằng, làm phẳng lại, thì mảnh đất vẫn có thể sử dụng. Ngay cả khi mảnh đất gồ ghề, ta vẫn có thể sử dụng nếu biết vung quén. Ngược lại, nếu mọi thứ không được sắp xếp cho phù hợp, thì dầu mảnh đất có bằng phẳng, phì nhiêu, cũng không đem lại kết quả khả quan.
KHỔ
Khổ[3] trong Tứ Diệu Đế có thể chia làm hai: khổ thân và khổ tâm. Khổ tâm là do tà kiến. Nó phát khởi bất cứ khi nào tâm bị các yếu tố bất thiện như si hay tham chế ngự.
Nhưng khi quán sát cái khổ nơi thân, ta nhận thấy rằng đó là những thứ ta luôn cảm nhận nơi thân. Có thể nói đó là một phần của chính cuộc sống. Có sống thì có khổ. Các cơ quan trong cơ thể cần bài tiết cũng là khổ. Đói và khát cũng là những cảm giác khó chịu, trái ngược lại là cảm giác dễ chịu, nhưng thực ra cả hai quá trình này cũng là khổ.
Khổ đến từ tâm tham, hay taṇhā. Taṇhā là trạng thái không biết đủ. Giống như các biển lớn dầu tất cả các dòng sông có đổ vào cũng không bao giờ đầy, nên tâm tham cũng không bao giờ được thỏa mãn. Vì thế Đức Phật đã nói kệ:
Không có sông nào như tâm tham. (Pháp cú 251)
CÒN LẠI GÌ?
Khi thực hành chánh niệm trên thân, ta chú tâm vào sự hoại diệt, kết thúc của thân. Ta chú tâm vào việc quán sát để thấy rằng thân không bền vững và nó không thể là cái ngã của ta.
Mỗi ngày cái chết luôn xảy đến cho ta, nhưng đó là cái chết giấu mặt, không phải là cái chết rõ ràngnhư ở thân. Ta có thể nhìn thấy điều đó qua thực tại là sự vật đổi thay. Chúng ta chết từ là đứa trẻ khi trở thành người lớn. Rồi điều đó cũng chết. Khi ta bước vào giai đoạn sống khi thân hoại và không thể kiểm soát được như trước, cũng là chết. Các thành tố của cuộc sống hoạt động theo tính chất của chúng, rồi tan rã. Đất theo đất, nước theo nước, lửa theo lửa và gió theo gió. Có còn lại gì để ta có thể coi là hành trang của mình nữa đâu?
Tan Chảy Như Tuyết
Thời gian chậm rãi trôi qua. Đức Phật đã ví chúng sanh với con vật đang bị kéo đến lò mổ thịt. Mỗi ngày thời gian trôi qua. Quãng đời của ta giống như giọt sương trên đầu ngọn cỏ -hay giống như tuyết rơi mà ta làm thành banh tuyết[4] - nếu nó ra nắng nó sẽ tan chảy, và khi gió thổi nó bốc hơi, rồi biến mất.
Đức Phật muốn chúng ta quán tưởng về cuộc sống theo cách này, để ta không bị những thứ bất tịnh –các uế nhiễm và tham ái- làm choáng ngợp, để ta không có cách sống hạn chế tự do của mình, và không thể tự làm chủ.
Bản Chất Của Tâm
Bên cạnh thực tại vật lý, còn có thực tại của tâm. Tâm không có hình tướng, nhưng nó có một số đặc tính để tự biểu lộ trong các trạng thái của hạnh phúc, khổ đau, lúng túng hay tự tại. Đức Phật gọi chúng là tâm pháp (nāma dhammā), còn ta gọi chúng là “tâm”.
Tâm chỉ là sự biểu hiện của nāma dhammā. Ta không thể nói tâm thiện hay “hoàn toàn xấu”. Tất cả tùy thuộc vào cách ta tiếp nhận sự vật và cách ta liên kết với cách sự vật có mặt. Cũng giống như các thành tố vật lý ta thấy trong thiên nhiên, thí dụ: sỏi, đá, cát hay cây, ngay cả núi non, sông nước. Nước chỉ là nguồn lực hữu ích cho cuộc sống nếu nó đã được thanh lọc, sẳn sàng cho ta sử dụng. Nếu ta khéo sử dụng các quy trình, biến đổi và phát triển, các nguồn lực này sẽ hữu ích. Đó là cách mà Đức Phật đã nhìn tâm con người, như một thành tố tự nhiên, cần được phát triển và chỉnh sửa.
Tâm ở trạng thái thiên nhiên không được thanh lọc giống như nước chưa được sát trùng, còn đầy bụi bẩn. Có những chất độc nguy hiểm pha trộn trong nāma dhammā, vì thế ta cần nỗ lực để thanh lọc và phát triển tâm.
Sự Phát Triển Của Tâm
Sự phát triển của tâm – hay sự phát triển của các trạng thái của tâm – đòi hỏi ta phải tự đặt mình vào các điều kiện thích hợp – những điều kiện không làm phiền não phát sinh. Ta tự đặt mình vào thực tại của giây phút hiện tại, và ta sống cẩn trọng, tỉnh thức để tự bảo vệ mình.
Khi ta suy tưởng, quán chiếu về những gì phù hợp hay không phù hợp, ta biết được những gì nguy hiểm và bất lợi, vì những thứ này tự chúng là như thế. Rõ ràng như thế. Ta luôn trải qua những điều đó. Thí dụ các trạng thái tâm bất thiện hay phiền não. Mọi người đều biết quá rõ các cảm giác này ra sao…
Hướng Đến Chân Trời Mới
Đức Phật dạy rằng những gì chúng ta đã làm để phát triển và hỗ trợ các điều thiện sẽ đem lại cho ta cảm giác của sự phồn thịnh và tiến bộ. Làm được như thế, ta có thể nói mình “sẽ đến một chân trời mới” hay đơn giản là “lên Niết-bàn”.
“Niết-bàn” ở đây có nghĩa là một thế giới ở đó con người sống với trạng thái tâm tích cực. Thế giớicủa tâm tích cực ý chỉ tâm không còn bất mãn, không còn có các hành vi bất thiện, như là tham, sân và si –tâm đó giúp ta trải nghiệm được hạnh phúc.
Tất cả tùy thuộc vào chúng ta. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy ta phải biết cách tự phát triển và sửa mình. Để mọi thứ thuận theo tự nhiên không có nhiều lợi ích cho ta. Ta có thể so sánh chúng với các tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu mộc. Nếu ta không mài dũa, uốn nắn chúng theo khuôn mẫu, thì thiên nhiên không đem lại lợi ích gì. Thí dụ mái nhà nơi ta sống có thể che chở ta khỏi nắng, mưa, nóng, và lạnh là nhờ đã có sự xây dựng và phát triển.
Con người sinh ra không phải hoàn hảo tự ban đầu. Tất cả những gì ta có được chỉ có thể xảy ra vì ta đã xây đắp dần dần, chỉ vì ta đã có học vấn, có rèn luyện. Với kiến thức và huân tập qua thời gian ta có được khả năng để chuyển đổi sự vật theo nhiều cách khác nhau. Tùy thuộc vào chúng tatrong việc tạo cho mình sự hiểu biết bản thân theo một cái nhìn cởi mở hơn, trong sự cẩn trọng –một cách chân thật và đúng đắn. Rồi thì ta sẽ thấy rằng ta đang hướng đến một chân trời mới.
Chế Ngự Ma Vương
Có những lúc trong khi tu tập, chúng ta phải đối mặt với các vấn đề, các trạng thái tâm uế nhiễm, do cách ta phản ứng trong cõi dục, nơi có ba cô gái con Ma Vương đến quấy phá ta. (“Cô Rāga”, “Cô Arati” và “Cô Taṇhā[5]”).
Trong những lúc đó, hãy bình tĩnh, và tự hỏi bản thân: Các áp lực này chúng từ đâu tới, dưới hình thức nào? Tất cả đều đến qua sự suy tưởng của tâm ta. Chúng là thức ăn tâm linh do ta tự chế biến cho mình, chúng là các hành uẩn (saṅkhāras[6]). Đây là điều quan trọng chúng ta cần thấu hiểu. Nếu không, nghi hoặc và lo âu mà ta cảm nhận (về bản thân và phương cách tu hành) có thể trở nên quá mãnh liệt đến độ ta có thể nghĩ là tốt hơn nên đứng dậy bỏ đi hay nên giảm thiểu nỗ lực tinh tấnđể đạt được giác ngộ.
Chúng ta có khyunh hướng buông bỏ tất cả, nhưng vẫn còn chút luyến lưu tận sâu thẳm trong ta, khuyên ta không nên đầu hàng. Bạn có biết hình ảnh Đức Phật được biểu hiện thế nào trong tư thế chế ngự Ma vương? Ý nghĩa thực sự của tư thế, hành vi đó là gì? Thân Đức Phật dường như đang trong tư thế muốn đứng lên: gối nhô lên, nhưng tay vẫn ấn nó xuống. Dường như Ngài nói rằng, “Hãy khoan, chờ một chút, hãy để ta quán sát kỹ trước”. Đó là thái độ chúng ta cần có khi ở vào hoàn cảnh này.
Sự Trải Nghiệm
Chúng ta cần tự biết bản thân – trong quá trình tu tập tiến đến chứng đắc Pháp. Ngay cả Đức Phậtcũng không chỉ có các đệ tử hoàn hảo. Đức Phật cũng phải bỏ nhiều công sức vào việc uốn nắn, sửa đổi họ, trao truyền kiến thức cho họ, giúp họ huân tập các thói quen mới, cho tới khi họ được hoàn hảo. Trước khi họ trở nên thực sự hữu ích và có ich là một quá trình lâu dài.
Với chúng ta cũng thế. Hãy thử nghĩ đến sự kiện là trong quá khứ chúng ta chưa hề quan tâm đến thế giới tâm của mình. Chúng ta chỉ nhìn sự vật theo các ý muốn của mình. Những gì khiến lòng ham muốn ta được thỏa mãn, ta cho là tốt. Khi bắt đầu nhìn thế giới từ quan điểm bao gồm các cảm giác thực sự của mình, ta có thể bị sốc và cuối cùng là nhận thức rằng ta cần sửa đổi một số điều gì đó. Thí dụ, khi ta trải nghiệm các khổ thọ với những ảnh hưởng tiêu cực, ta cần phải tìm cách và phương tiện để chấm dứt chúng.
Nếu đạt được đến điểm mà ta có thể dừng các trạng thái tâm tiêu cực, là ta thực sự đã đạt đượcđiều gì đó rất hữu ích. Dần dần ta sẽ có được nhiều kiến thức và sự hiểu biết mà ta có thể ứng dụngđược trong đời sống. Nếu hạnh phúc hay buồn phiền khởi lên, ta không cần phải biểu lộ đến độ đánh mất mình trong đó để phải gánh chịu khổ đau.
Ta phải thấy rằng các trải nghiệm này chỉ là cách giúp ta hiểu các quy trình mà nội tâm ta trải qua. Đó thực sự là tri thức.
Chú Tâm Buông Xả
Dầu ta chọn đề mục thiền là gì, ta đã sở hữu sẵn các phương cách để trở nên an lạc. Ta chỉ cần chú tâm vào việc buông bỏ các hành vi bất thiện làm phát sinh sự bám víu, chấp ngã, ưa ghét hay các pháp thế tục (lokadhammā[7]) thường chế ngự ta trước đây.
Chỉ Là Chiếc Bè
Ta có thể ứng dụng sự quán sát thân để phát triển cảm giác viễn ly – ly dục qua kinh nghiệm của việc không nghĩ rằng ta làm chủ thân. Ta cố gắng nhin thân như chỉ là sự biểu hiện của các thành tố và các uẩn có mặt thuận theo thiên nhiên.
Chúng ta có là gì –nam hay nữ hay bất cứ thứ gi- được phân biệt và gán đặc tính bởi các tên gọi theo chế định của xã hội, nhưng thực ra, mọi người đều cảm giác như nhau. Hạnh phúc hay khổ đau, cảm giác của sự hài lòng hay bất mãn cũng như nhau. Đó là những điều ta cần chú tâm vào.
Nếu ta nhận thức rằng thân ta và thân người cơ bản là giống nhau, ta có thể trải nghiệm trạng tháitâm đưa đến sự vắng lặng dục ái. Cuối cùng ta không thấy sự khác biệt giữa con người với nhau. Ta sẽ bắt đầu nhìn người khác không thành kiến.
Cảm giác thấy người này hơn, kém hay bằng người kia sẽ không phát sinh. Ta sẽ không cho là mình tốt hơn, bằng hay kém hơn người khác. Bằng việc duy trì thái độ này đối với bản thân, ta vung trồng được ý thức không thể bị che khuất bởi tính tự cao, tự đại và thiên kiến của ngã mạn.
Đây là cách ta thực hành quán thân (kāyagatāsati). Nếu ta đạt được sự viễn ly, ta có thể gọi đó là thân viễn ly (kāyaviveka).
Có thân giống như ta sở hữu một món đồ ta có thể sử dụng, thí dụ như một chiếc bình bát. Bình bát chỉ là đồ chứa thức ăn để dùng. Nó chỉ là chiếc bè. Tương tự, thân ta cũng chỉ là chiếc bè, là phương tiện để học hỏi, để phát sinh sự hiểu biết về thực tại.
Công Việc Của Ta
Nói về việc xả ly (viveka) – thực ra, ở một mức độ nào đó, chúng ta sống “viễn ly” đến đâu, tùy thuộc vào bản thân ta. Tuy nhiên, dầu nơi trú ngụ đã được sắp xếp cho ta có xa cách đến đâu, ta cũng phải vui lòng chấp nhận và tự mình bắt đầu thi hành các bổn phận của kẻ xuất gia (samaṇas[8]) ở nơi đó. Dầu phương pháp tu, các bổn phận, các nghi thức thường ngày là gì, ta vẫn phải tiếp tụctự thực hành. Ta tập có thái độ tự biết bổn phận mình.
Chúng ta có cảm thấy thế nào là chuyện riêng của ta, không phải vấn đề của người khác. Người khác không thể biết các trải nghiệm của ta. Chuyện phải quán sát các thói quen, đặc tính của mình, hoàn toàn là bổn phận của cá nhân. Ta thuộc hạng người nhiều tham ái, nhiều sân hay nhiều si? Đôi khi các tính cách này pha trộn vào nhau. Một người có thể vừa tham dục, vừa sân, hay vừa tham, vừa si, thí dụ như thế.
Có các đặc tính như thế là chuyện bình thường. Nhưng ta cần phải có thái độ muốn tận trừ, loại bỏđối với chúng. Để làm được điều đó, ta cần có các trạng thái tâm an tịnh và biết ứng dụng các phương tiện thiện xảo giúp ta đạt được thanh tịnh.
Cuộc Sống Viễn Ly
Con người là những sinh vật sống trong xã hội, phải có sự giao tiếp, nên chúng ta không thể tránh khỏi việc phải tiếp xúc với đủ loại tác động, ảnh hưởng trong xã hội. Ta phải đối mặt với đủ phiền toái. Vì thế Đức Phật khuyên ta nên sống tỉnh thức với chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng, trong từng giây phút sống ở đời. Này là mắt để nhìn thấy hình, thấy dáng, tai để nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm, thân xúc chạm và –cuối cùng- các tưởng do các đối tượng trên làm phát khởi trong tâm.
Tất cả các trải nghiệm này cần được chắt lọc. Ta cần tiếp nhận chúng với sự cẩn trọng –có nghĩa là, với phương cách như thế nào để ta hiểu được sự tác động của chúng. Nếu ta có thể nhìn sự vật rõ ràng, tất cả mọi tác động tự chúng sẽ giảm cường lực.
Kinh nghiệm này cũng giống như khi ta ở bên con trẻ. Chúng rất vui khi được các món đồ chơi. Nhưng đối với chúng ta, các món đồ ấy –thí dụ một con búp bê- không có ý nghĩa gì. Nhìn lại các trải nghiệm của mình, sau một thời gian ta cũng bắt đầu thấy chúng chỉ là một đống rác, là những thứ không còn xài được nữa. Ta không còn coi các thứ này là quan trọng nữa –dầu đó là sân, tham hay si, ái dục, nộ khí hay vô minh – tất cả mọi thứ này ta đều coi như rác. Rác không phải là thứ người ta thích nhận. Không ai thấy rác có giá trị gì, nên nó phai dần trong tâm trí ta. Trạng thái tâm sân phai nhạt, trạng thái tâm tham phai nhạt. Dần dần sự viễn ly khỏi các trạng thái này sẽ phát khởi. Sự viễn ly khỏi những gì liên quan đến “xã hội” sẽ phát khởi – viễn ly khỏi “xã hội” của những gì mắt thấy, tai nghe và mũi ngửi.
Khi tâm xả ly đã phát khởi, ta sẽ trải nghiệm cảm giác mát mẻ, an tịnh như có một chỗ nương tựa bền vững. Chỗ nương tựa này giải thoát ta khỏi những lo âu. Cũng giống như được sống trong căn nhà, được che chở khỏi nắng, mưa, nóng, lạnh. Không có gì có thể phương hại đến ta.
Tạo Cơ Hội
Đức Phật có lời khuyên cho các hành giả tu tập trong các tăng đoàn, có lòng quan tâm đến nhau, thì phải tạo cơ hội để nhắc nhở nhau. Đức Phật gọi đó là pavāraṇā, để “tạo cơ hội cho nhau”. Trong môi trường sống của người tu, pavāraṇā là một nghi thức chung cho mọi người[9].
Nghi thức đó (tự tứ?) sẽ cho mọi người cơ hội để nhắc nhở và có những lời phê bình có tính cáchxây dựng. Sự phê bình, chỉ lỗi ở đây không phải được làm với một trạng thái tâm chấp vào quan điểm, ý kiến hay tư duy của ai. Nó chỉ là cách để nêu lên những vấn đề đang có mặt, hay cảnh báonhau về những vấn đề có thể xảy ra. Nó được thực hiện không phải với tâm cao ngạo hay dối trá, vì tất cả chúng ta không ai hoàn hảo khi đang trên con đường tu đạo.
Đôi khi chúng ta chỉ biết nhìn phía trước mà không thấy cái ở phía sau. Chúng ta có thể có những yếu điểm. Ở đây ta dựa vào người để soi rọi cho ta. Hoặc họ có thể trao cho ta cái gương để tự soi mình rõ ràng hơn, giúp ta quan tâm hơn đến các khía cạnh ta cần phát triển. Đó là lý do ta cần dành cho nhau cơ hội để nhắc nhở, phê bình. Với cách đó, ta sẽ có thể tiến bộ hơn.
Khi ai đó chỉ lỗi hay những gì ta làm chưa tốt, ta cần chấp nhận. Ta cần tin rằng việc chỉ lỗi không phải được thực hiện với tâm phân biệt, thành kiến với ta.
Bất cứ khi nào chúng ta hành động với cảm xúc mãnh liệt như sân hay ngay cả bạo động chân tay, chúng ta phải nhận rằng đó là những hành vi xấu xí, nhơ uế. Nếu ta dành cơ hội cho người khác được góp ý với ta, điều đó sẽ giúp ta thiết lập lại được sự chánh niệm về hành vi của mình. Những hành vi ta không thích, người khác chắc cũng thế. Chúng không được chấp nhận trong xã hội. Nếu ta có các hành vi đó, ta sẽ khiến người khác khó chịu và có thể bị xem là người không khôn khéo.
Tăng đoàn tổ chức nghi thức pavāraṇā như là một nghi lễ trang trọng trong chúng, cần phải được thực hiện không kể chức vị, tuổi đạo trong nhóm. Cũng không kể đến kinh nghiệm hay kỹ năng mà người đó có.
Xã Hội Loài Cây
Sống chung, ta phải dựa vào nhau. Điều này có thể được so sánh với “xã hội sống” của rừng. Trong “xã hội loài cây”, không phải tất cả cây đều giống nhau. Có cây lớn, cây nhỏ. Thực ra, các cây lớn cũng phải dựa vào cây nhỏ và các cây nhỏ dựa vào cây lớn để được an toàn. Không phải cây lớn không bị đe dọa bởi bất cứ thứ gì. Khi có giông bão, các cây lớn dễ đổ ngã hơn. Tương tự các cây nhỏ nếu không dựa vào cây lớn cũng sẽ bị gãy đổ.
Bất cứ xã hội nào cũng cần liên kết với nhau như thế. Tuân theo các giới luật mà Đức Phật đã đề ra sẽ giảm thiểu các vấn đề có thể phát sinh trong những hoàn cảnh không thuận tiện. Chúng sanhcần sử dụng trí thông minh, các khả năng chánh niệm và trí tuệ, để vượt lên trên các hành vi trong cõi súc sanh. Đó là lý do Đức Phật tán thán các đặc tính của chánh niệm và trí tuệ.
Hoàn Toàn Bình Thường
Nếu ta xem những nỗi khổ thông thường trong cuộc sống ở xã hội là điều gì đó rất lớn lao, thì nó thực sự nặng nề. Nếu ta xem đó là chuyện tự nhiên, thì nó trở nên bình thường. Giống như khi ta nhìn cây, nếu ta thấy nó to lớn, thì nó trở nên to lớn, nếu ta thấy nó nhỏ, thì nó trở nên nhỏ. Nhưng nếu ta không xem nó là lớn hay nhỏ, thì không có gì phải ồn ào về nó. Nó trở nên hoàn toàn bình thường theo cách đó.
Đập Nước
Đôi khi, hoàn cảnh sống của chúng ta trong xã hội với các biên địa rất rộng lớn –cộng đồng cùng chung sống trên thế giới này được gọi là “gia đình lớn” của chúng ta- khiến ta cần rất nhiều sự chịu đựng kham nhẫn. Trong những hoàn cảnh khi ta có cảm giác lạc lõng, không biết mình đang ở đâu, ta có thể vô tình phạm lỗi lầm, vì thế nói chung, ta cần có khả năng kiên nhẫn chịu đựng một chút.
Kiên nhẫn chịu đựng là một loại năng lượng. Nó cũng giống như thứ năng lượng được tạo ra từ đập nước. Tương tự, kiên nhẫn chịu đựng là một khả năng có sẵn để làm lợi ích cho ta.
Chúng ta kiên nhẫn chịu đựng những hoàn cảnh khi ta đối mặt với cảm xúc của người quanh ta. Dầu ta có nhận được điều ta chờ đợi hay không, ta nên kiên nhẫn chịu đựng. Nếu trong trường hợpmà ta có thể buông mọi thứ, cho chúng qua, thì sự kiên nhẫn chịu đựng trở thành là sự hy sinh hay nhường nhịn, một đức tính quan trọng để hỗ trợ lẫn nhau trong xã hội, giúp ta hiểu về cuộc sống tốt hơn.
Một Bổn Phận Đáng Ngợi Khen
Tôi thực sự muốn ca ngợi những công nhân có bổn phận chăm sóc người đã đến đoạn cuối của sự hiện hữu, nói cách khác, đã đến cửa tử. Họ rất sốt sắng trong công việc khi sắp đặt các vụ hỏa thiêu để không có những cảnh gớm ghê, gây sốc phỏi bày. Họ làm công việc đó như thể họ là người thân hay quyến thuộc của người đã mất.
Đây là cách để nhắc nhở bằng hữu của chúng ta trong cõi người hãy nhớ rằng mọi người đều có chung số phận của sinh, lão, bệnh và tử, một hoàn cảnh không thể trốn tránh. Giúp đỡ nhau bằng cách đó thực sự là điều đáng được khen ngợi.
Các nghi thức này phản ảnh cách chúng ta làm bổn phận hỗ trợ, chăm sóc cho nhau. Đức Phậtcũng tán thán bổn phận này đối với người ra đi. Ngài đã dạy cho các tu sĩ trong tăng đoàn phải chăm sóc người huynh đệ ra đi một cách trật tự, gọn ghẽ, coi đó như cơ hội để phục vụ nhau.
Người Bệnh
Đôi khi chúng ta cảm thấy không hài lòng khi sống trong xã hội do phải đối mặt với các pháp hữu vi, do nỗi sợ sệt, e dè đối với người. Nếu ta làm tha nhân vừa lòng, họ sẽ khen ngợi ta. Ngược lại, họ sẽ chê trách ta. Khi họ trách móc ta, đôi khi ta cảm thấy bị sĩ nhục, không vui. Nhưng nếu ta thực sự nhìn sự việc dưới khía cạnh của chánh niệm và trí tuệ, ta sẽ nhận ra rằng người đang chê trách ta cũng đang trong trạng thái khổ đau, đang không cảm thấy an vui. Ta có thể so sánh họ với người bệnh, sức khỏe đang suy giảm. Những người có bổn phận chăm sóc bệnh nhân như y tá, bác sĩ, biết rõ rằng người bệnh thường có hành vi nóng nảy, bực bội. Các y tá, hay bác sĩ không quan tâm đến các hành vi đó. Đối với họ, các hành vi đó của người bệnh là bình thường.
Trường hợp của chúng ta cũng tương tự. Ta cần xem những người phê phán ta với tình thươngyêu, thiện ý, và bi mẫn, giống như những người chỉ trích ta trong trạng thái tâm họ bị kích động, chính họ cũng không làm chủ được bản thân. Nếu ta có thể phát khởi tâm từ, ta sẽ không phản ứng lại, thay vào đó ta biểu lộ sự thân thiện, hỗ tương. Bằng cách đó ta để cho các cảm xúc cơ hội lắng xuống, phai nhạt và trở nên bình lặng.
Không Thèm Muốn
Đã dứt tuyệt các uế nhiễm của tham, sân và si, nên Đức Phật có thể sống không sân hận, tiêu cực. Tâm Ngài đầy tình thương yêu bao la, bi mẫn – từ bi. Nhưng không phải loại từ bi vẫn còn dính với xan tham. Tâm từ mà đi với xan tham thì vẫn chưa trọn vẹn, chưa hoàn hảo.
Đức Phật khuyên ta chỉ nên nhìn thế giới trong ánh sáng của hư không, nên nhìn thế giới như trống rỗng. Ngài không nói là ta phải giúp đỡ ai đó khi thấy họ hoạn nạn, khổ đau. Đó không phải là cách Đức Phật nhìn thế giới.
Đức Phật dạy rằng: Kammunā vattati loko (Thế giới do nghiệp vận hành[10])
Nếu ta bắt đầu khuyên những ai còn sống dưới ảnh hưởng của tiền nghiệp, họ sẽ chống lại lời khuyên của ta. Họ không muốn chấp nhận sự giúp đỡ của ta. Họ không thèm muốn nghe.
Ta có thể so sánh điều đó với việc cho súc vật ăn –thí dụ ta cung cấp thực phẩm của người cho trâu bò. Chúng không thèm muốn thứ đó. Cái chúng cần là cỏ.
Mê Đắm Dục Giới
Đức Phật dạy rằng chúng sanh trên đời –ý chỉ thế giới trong tâm ta- luôn đắm mình trong cõi dục giới. Ta hưởng thụ các thứ dục. Ta luôn luẩn quẩn trong cõi dục, bám vào các đối tượng của dục.
Các đối tượng của ái dục ở ngay ‘cái ngã’ này và các thứ vật chất liên quan đến nó. Chúng khiến ta mê đắm, làm nô lệ và muốn chiếm hữu. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy ta phải cố gắng để nhìn thế giới và bản thân với con mắt của trí tuệ. Nếu ta quán sát sự vật đúng như bản chất thật của chúng, ta sẽ nhận thấy rằng chúng không hoàn hảo và luôn thiếu sót.
Ta cần phải nhận ra rằng việc mê đắm thế giới đầy khiếm khuyết này sẽ đưa ta đến bất mãn, với đủ mọi phiền não, khổ đau. Cả khổ và lạc, tốt và xấu đều khiến ta cảm thấy bị nhốt chặt, thiêu cháy trong cái khổ.
Ta cần phải cố gắng nhìn thấy điều đó để có thể thay đổi thái độ, phản ứng của ta, để thấy được sự hiểm nguy của luân hồi. Ta sẽ trở nên là người có ý thức và cẩn trọng khi nghĩ về thế gian, trở nên là người có thể thấy thế tục là thứ cần bỏ, cùng với tất cả các mối liên hệ làm đắm say, rối rắm ta. Mặt khác, ta lại hướng đến sự giải thoát, vượt lên ngã chấp và cái ngã.
Khéo Trang Bị
Nếu phân loại các pháp đưa đến giác ngộ (bodhipakkhiyā dhammā), như vẫn thường thấy trong các kinh tạng, ta thấy chúng bao gồm: Tứ chánh cần, tứ niệm xứ, tứ thần túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi và bát chánh đạo.
Nếu ta muốn gom tất cả các yếu tố này vào chỉ một, chắc chắn đó phải là yếu tố chánh niệm.
Tất cả chúng ta đều đã được trang bị đầy đủ với bốn yếu tố căn bản của chánh niệm – thân, thọ, tâm và pháp- bằng cách này hay cách khác. Chúng ta thực sự có thân và có các cảm thọ, dầu đó là thọ khổ hay lạc, hài lòng hay bất mãn. Trí nhớ và sự tỉnh thức của ta hoạt động tốt. Ta trải nghiệm các hành, các phát triển của tâm, dầu là các đặc tính tốt hay xấu, và ta sở hữu ý thức, bộ phận tiếp nhận tín hiệu từ các căn. Vì thế, ta cần thực sự đem giáo lý về chánh niệm vào ứng dụng.
Chánh niệm cần được thiết lập tương ưng với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống và trong từng giây phút ta trải nghiệm điều đó. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy ta phải sống trong tỉnh thức với sự hiểu biết rõ ràng, chú tâm chánh niệm, quán sát và tìm tòi.
Điều chúng ta cần làm trước hết là cố gắng giữ tâm trong giây phút hiện tại, không lo lắng về quá khứ hay tương lai, phát triển giây phút hiện tại (trong tâm ta), trụ vững chải ở nơi này với tất cả sự hoản hảo. Giây phút hiện tại vừa là nhân vừa là quả, vì trong giây phút hiện tại này ta tạo ra các nhân và quả (cho tương lai) tốt hay xấu. Vi lý do này Đức Phật đã dạy rằng ta phải sống một cuộc đời đầy tỉnh thức và ý thức.
Tóm lại, các pháp dẫn tới giác ngộ là những thứ ta đã sở hữu. Đến với nhau và cùng hỗ trợ nhau trong sự tu hành, nhất là khi cùng sống ở những nơi như là tu viện, ta không cần phải trải nghiệm các mối liên hệ với thế giới bên ngoài với bao xáo trộn, nhốn nháo trong xã hội.
Tất cả những gì còn lại mà ta phải làm là tự quán xét bản thân, theo dõi bản thân một cách cẩn thậnvà trọn vẹn. Sự cẩn trọng và quán sát tròn đầy sẽ giúp ta có chánh kiến (sammā diṭṭhi). Chánh kiếntự nó thực sự giống như sự bình an.
Ta thấy gì khi có chánh kiến? Ta thấy khổ là thứ ta cần nhận biết. Ta nhìn nhân của khổ là cái ta cần dứt bỏ. Ta thấy sự dừng bặt của –vô thường, khổ, vô ngã- là cái ta cần chứng ngộ, và ta liên hệvới cuộc sống một cách tự chủ, có kiềm chế. Đó là Tứ Diệu Đế: khổ, nguồn gốc của khổ, sự diệt khổ, và con đường diệt khổ. Sống một cuộc đời theo đúng với các sự thật này, ta có thể nói, đó là các phẩm trợ đạo (bodhipakkhiya dhamma), các pháp đưa đến sự giác ngộ. Chánh kiến đưa ta đến sự hiểu biết rõ ràng, đến hạnh phúc, đến tĩnh lặng. Đưa ta đến tâm thuần khiết.
Các pháp này là những đặc tính thích hợp cho ta phát triển và tận dụng chúng. Ai cũng có khả năng đó nếu có cố gắng, nếu để tâm vào đó, coi đó là điều quan trọng phải làm, không ngừng nghỉ, không bỏ cuộc. Đây được gọi là đi từng bước cho đến khi ta đạt đến cuối đường, cho đến khi ta thành công.
Viriyena dukkham accenti (Nỗ lực có thể chế ngự khổ)
Đây là những lời dạy rất rõ ràng của Đức Phật, nên chúng ta cần phải tu tập và hành động đúng theo đó. Đừng để sự lười biếng hay dễ duôi ảnh hưởng đến ta. Sự dễ duôi, buông thả sói mòn năng lực, làm tiêu tan sức mạnh, dễ khiến ta hôn trầm. Chúng ta cần sự quyết tâm. Các bạn có nghe Bồ tát lúc chưa thành Phật hạ quyết tâm như thế nào không:
“Ta thà chỉ còn da, gân và xương, dầu cho máu thịt ta có cạn, ta sẽ không đứng dậy và buông xuôi năng lực, cũng không dừng nỗ lực cho đến khi đạt được giác ngộ”.
Lời thệ nguyện này của Bồ tát chứng tỏ Ngài có quyết tâm rất mạnh mẽ, vững chắc. Ngài thực sự là người cao quý. Chúng ta có thể gọi Ngài là người hoàn hảo, người lý tưởng, hay “anh hùng”, người có tâm vững chãi không ai có thể sánh bằng. Ngài không hề nghĩ đến việc: “Ta không thể thực hiệnđiều này”, vì Pháp là cái mà mọi chúng sanh đều có khả năng thực hiện, ứng dụng. Tất cả chúng tađều là chúng sanh, nên bấy nhiêu lời dạy đó cũng đủ để ta nhận thức rằng ít nhất ta cũng biết phương cách để áp dụng những gì thực sự hữu ích.
Không Xung Đột
Khi được gọi là “bước vào dòng chảy –nhập lưu” (sotāpatti), theo kinh điển có nghĩa là sự giảm thiểu các gánh nặng trong cách sống của ta. Ta trở nên người sở hữu sự bình an. Vị nhập lưu đã từ bỏ được tham, dục ái, sân hận và si mê, vô minh. Có nghĩa là cuộc sống của vị đó bình lặng hơn, ít xao động hơn. Tất cả mọi xung đột, chướng ngại dần dần giảm bớt và cuối cùng sẽ được giải quyết.
Một cuộc sống không còn xung đột, chướng ngại là cuộc sống của người thực sự hạnh phúc. Thứ hạnh phúc đến từ việc người đó không còn các bất thiện. Không có gì có thể làm phát sinh sự bức bối dưới bất cứ hình thức gì. Đó thực sự là một hiện hữu, một sự có mặt tuyệt vời.
Trong thời Đức Phật còn tại thế, ta có thể thấy nhiều tấm gương như thế, vì các vị đệ tử của Đức Phật thường sống chánh niệm, đầy giới hạnh và tỉnh thức. Người sở hữu các đặc tính này trong tâm, thì cuộc sống tâm linh, tình cảm của họ thường được tốt lành. Đó là cảm giác của người hành giảđang bước đi trên con đường đạo mà không có bất kỳ chướng ngại và hiểm nguy nào.
Để sống được như thế không chỉ là bổn phận của một tu sĩ. Mà bất cứ ai còn có mặt trên thế giannày cũng có bổn phận phải sống với một tâm thái không đưa đến các xung đột.
Vô Ưu
Sau khi đã xả ly được khỏi các dục lạc và trạng thái tâm bất thiện trong quá trình tu tập, rất nhiều thứ ô uế, ngay cả các tưởng, sẽ không phát khởi và tăng trưởng trong tâm nữa. Chỉ còn lại chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng. Hàng loạt các tư tưởng bất thiện được dứt bỏ.
“Tư tưởng bất thiện” cũng được dùng để chỉ cho ước muốn được thêm sung sướng, thêm dục lạcthế gian. Vì như ta đã biết, trong giáo lý của Đức Phật, đắm chìm trong dục lạc được coi là hiểm họa, vì thế ước muốn được có thêm dục lạc trong tương lai cũng là thế. Tất cả các nghĩ tưởng này cần phải loại trừ.
Khi các trạng thái tâm uế nhiễm không còn, ta sẽ trải nghiệm được hỷ lạc, khinh an và cảm giáchạnh phúc tuyệt vời (sukha). Niềm hạnh phúc tràn đầy này thường đi theo sau trạng thái khinh an. Nhưng nếu quán sát kỹ, ta thấy hạnh phúc này cũng có khiếm khyết. Nó có thể làm ta bấn loạn hay nhận thức lệch lạc, gọi là “vipallāsa”, là từ đối nghịch với vipassanā. Vipassanā có nghĩa sự trong sáng, rõ ràng, một trải nghiệm của cái biết thấu suốt.
Vì thế khi các cảm giác khinh an, lâng lâng phát khởi, điều ta cần làm là tiếp tục giữ chánh niệm, để ta không bị lạc lối, hoang tưởng ở thời điểm khi ta trải nghiệm hạnh phúc to tát này. Đừng lầm tưởng rằng ta đã đạt được điều này hay điều kia. Ta phải có khả năng buông với tâm xả (upekkhā).
Tóm lại: Hãy dừng việc suy đoán, quan tâm lại, và chi giữ chánh niệm. Hãy có mặt trong giây phút hiện tại, paccuppanna dhamma. Đừng lo lắng về bất cứ điều gì.
Nếu ta tu tập được như thế, ta sẽ có hạnh phúc thật sự, không còn lo lắng về các việc bên ngoài. Không lo về điều kiện sống. Có ăn cũng được mà không ăn cũng được. Đức Phật đã chứng tỏ cho ta thấy với sự chứng ngộ của Ngài. Bạn có để ý thấy là sau khi dùng cái bánh sữa của Sujātā, Ngài đã lo làm bổn phận của mình bằng việc nỗ lực hành thiền? Không chút quan tâm gì về những thứ người ta cần để lo cho cuộc sống.
Ngài chỉ hoàn toàn hưởng thụ sự thanh thản của tâm xả ly, kết quả của việc đã dứt bỏ mọi tham áivà uế nhiễm. Sự trải nghiệm này đã hoàn toàn thay đổi mọi thứ. Nếu không còn có màu đen, thì mọi thứ trở nên trắng –đó là định luật của thiên nhiên. Sự chuyển hóa đó tự động xảy ra, đúng theo luật tự nhiên.
Chúng ta sẽ trải nghiệm cảm giác không còn ham muốn gì nữa, không thích hay ghét sự vật theo cách người bình thường vẫn làm. Các giác quan vẫn hoạt động bình thường, nhưng theo cái cách là không có gì làm phát sinh các ảo ảnh làm mê muội ta. Tai vẫn nghe âm thanh, nhưng không kèm theo nội dung lừa mị. Mắt vẫn nhìn thấy cảnh –ta vẫn phân biệt được nam và nữ - nhưng không có ảo tưởng.
Đó là một trải nghiệm khác với trải nghiệm của một chúng sanh bình thường, còn si mê, người sẽ lập tức nghĩ “tốt” hay “xấu” khi nhìn thấy thứ gì đó. Sự khác biệt nằm ở chỗ người giác ngộ không có cảm giác chấp nhận hay không chấp nhận. Đó là cách người giác ngộ khác với phàm phu. Đó là tính chất của sự chuyển hóa trong giác ngộ.
Bạn có bao giờ trải nghiệm điều gì đó như thế không?
Ai cũng có thể được trải nghiệm điều đó! (Luang Por cười…)
Diệu Liên Lý Thu Linh
4/2019
dịch theo NO WORRIES, Nguồn: "Luang Por Liem NO WORRRIES", HolyBooks.com
[1] Ở Thái Lan “Luang Por” là danh hiệu cao quý dành cho các trưởng lão tăng, có nghĩa là “Sư Phụ”. Tương tự, các danh hiệu như “Luang Pu” hay “Venerable Grandfather” được dùng cho các vị cao niên, và hàm ý cao quý hơn, đáng tôn kính hơn nữa. “Thita” là từ Pali, có thể được dịch là “vững bền” và đồng nghĩa với Niết Bàn. Pháp hiệu của ngài Luang Por Liem “Thitadhammo” có lẽ ám chỉ“tri kiến trong sự bền vững của các giới Pháp”.
[2] Luang Por đang nói về tu viện Bodhivana ở Melbourne, Úc.
[3] Thường được coi là sự bất mãn, khó chịu hay căng thẳng.
[4] Luang Por Liem vừa thấy tuyết trên núi Donna Buang gần Melbourne.
[5] Māra: Mỗi cô gái tượng trung cho môt uế nhiễm: rāga:dục, arati:sân, taṇhā:tham.
[7]. Chúng là khen chê, được mất, tiếng tăm, hạnh phúc và bất hạnh.
[8] Người tu, kẻ xuất gia.
[9] Nghi thức pavarana thay thế cho việc tụng đọc pāṭimokkha (các giới luật của tăng sĩ) vào ngày ra hạ ở bất cứ chùa nào nơi có từ năm vị tăng trở lên đã trải qua an cư mùa mưa với nhau. Mỗi thành viên trong tăng đoàn sẽ đọc những lời sau bằng tiếng Pali: “Con kính xin quý sư với những gì đã được nghe, thấy hay nghi ngờ. Xin quý sư vì lòng từ hãy chỉ lỗi cho con, con xin sẽ sửa đổi”.
[10] Luật nhân quả đối với tất cả mọi hành động có chủ tâm.
- Từ khóa :
- Vô Ưu