LÁ THƯ ĐIỀU NGỰ

28 Tháng Tư 201710:03(Xem: 2572)
 LÁ THƯ ĐIỀU NGỰ


blank



Thưa bạn đọc,

Cách đây 2641 năm, trên căn bản của đại bi tâm, vì sự thống khổ của muôn loài, đức từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn đã thị hiện đản sanh. Sự thị hiện của đức Phật đã không chỉ nâng cao khả tính giác ngộ của con người mà còn hoá giải mọi tranh chấp, xóa bỏ mọi bất công, tái lập sự ổn định, cải thiện đời sống, xây dựng xã hội lành mạnh, đạo đức, vô ngã và, đặc biệt giải thoát vòng luân hồi sinh tử cho vô lượng vô số chúng sanh trong khắp mười phương thế giới.

Suốt 49 năm thuyết pháp độ sinh, Đức Phật đã thi thiết rất nhiều phương tiện với mục đích khai thị chúng sanh ngộ, nhập Phật tri kiến.

Với tâm vô phân biệt và lòng từ bi bao la bất khả tư nghì, Đức Phật đã thành lập Tăng Đoàn bao gồm mọi thành phần trong xã hội nhằm sang bằng mọi giai cấp, phân biệt đối xử (kỳ thị) và nêu bậc đời sống phạm hạnh, thánh khiết một cách bình đẳng chỉ cho và vì sự phúc lạc lâu dài của tha nhân.

Kinh Tăng Nhất A Hàm dạy rằng: “Một nhân vật duy nhất, một con người phi thường đã xuất hiện trong thế gian này vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc của chư thiên và nhân loại.”

Đức Phật đã khai mở con đường trung đạo, không chọn thần linh làm nơi quy hướng mà lấy con người làm trung tâm điểm để tự thăng hoá qua tiến trình tu học nhằm thể nghiệm chân thân thực tại. Đức Phật không chủ trương vọng ngoại mà hướng nội, không dạy ta tìm cách thoả mãn dục vọng mà khuyên ta chế ngự các vọng tưởng, không dạy ta thủ chấp mà hướng dẫn ta thực tập hạnh xả ly, không khuyến khích ta đắm trước lợi danh mà dạy ta giải thoát mọi khát ái, tham dục. Cứu cánh của đạo Phật không đồng nghĩa với hư vô chủ nghĩa, yếm trị, tiêu cực mà chính là giác ngộ, an lạc, giải thoát – giải thoát tự thân, giải thoát tha nhân. Phương tiện của Đạo Phật không là bạo lực, hận thù, cuồng tín mà là từ bi, hỷ xả và trí tuệ.

Đức Phật thị hiện nơi thế gian không phải để thống trị thế gian mà để cứu khổ độ sanh. Phật giáo không ưu tiên cho bất cứ thế lực, cá thế nào mà dành cho tất cả mọi thành phần, chủng loại. Giáo pháp của Đức Phật không nhằm đáp ứng nhu cầu trí thức thuần tuý, quyền lực hay danh vọng, cũng không chủ trương trừng phạt hay ban thưởng mà chỉ khai thị sự thật như là chính bản thân sự thật đang là kể cả những giáo lý về nhân quả, nghiệp báo. Đức Phật không chủ trương cầu nguyện van vái mà khuyến khích thực nghiệm chân lý qua sự tinh tấn hành trì bởi tự thân.

Nhân mùa Phật Đản Phật lịch 2561, xin mỗi chúng ta, hãy nỗ lực hành trì chánh pháp và xem sự hành trì chánh pháp như phẩm vật vô giá để dâng lên cúng dường đức Phật nhằm đền đáp phần nào ân đức giáo hoá độ sanh sâu dày của bậc đại giác. Tinh tấn hành hành trì chánh pháp cũng có nghĩa là thể hiện lòng từ bi và tuệ giác siêu việt trong đời sống thường nhật; vì khổ hoạn của dân tộc và thế giới nhân loại, vì sự đau thương của tất cả sinh loại mà không ngừng dấn thân phục vụ. Hành trì chánh pháp chính là nỗ lực thắp sáng ý thức tự chủ, phát huy tình tự dân tộc, vun bồi hạnh nguyện cứu khổ trừ nguy. Ở đâu có khổ đau, ở đó cần có sự hành trì chánh pháp, ở đâu có sự hành trì chánh pháp, ở đó chắc chắn có hoà bình, hạnh phúc, an lạc và giải thoát.

Tri ân và báo ân đức Phật là hành trì những gì Phật dạy chứ không phải thực hiện những gì ta ưa thích. Ánh sáng, âm thanh, màu sắc đã vô tình làm lu mờ hào quang, pháp âm và triết lý không tánh vốn đã và đang là giá trị siêu việt của Phật giáo đối một số thành phần.

Đức Phật dạy:
“Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã

Thị nhơn hành tà đạo

Bất năng kiến như lai.”

Tạm dịch:
Nếu sử dụng màu sắc để mong thấy ta, dùng âm thanh để cầu ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như lai.

Những lời dạy trong kinh Kim Cang dẫn thượng là những nhắc nhở quan yếu cần được ôn lại trong mùa Phật Đản, mùa vui mừng nhưng mừng vui trong chánh pháp trên căn bản của tinh thần vô ngã chứ không phải bằng những phô trương dựa trên những hình tướng ngã chấp đầy tham luyến, khát ái.

Kính chúc chư liệt vị một mùa Phật Đản đầy an lạc và thanh tịnh.

TK. Thích Viên Lý

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn