PHẨM THỨ HAI MƯƠI HAI: QUÁN SÁT ĐỨC NHƯ LAI

15 Tháng Chín 202215:59(Xem: 367)

TRUNG LUẬN QUYỂN THỨ TƯ
PHẨM THỨ HAI MƯƠI HAI:
QUÁN SÁT ĐỨC NHƯ LAI

Đức Như Lai chẳng phải là các ấm (ngũ uẩn sanh diệt), mà cũng không tách lìa khỏi ngũ ấm, Như Lai không hiện hữu trong ngũ ấm và ngũ ấm cũng chẳng hiện hữu trong Như Lai. (Như Lai không ở trong và ngoài ngũ ấm). Trong ngũ ấm đã không có sự hiện hữu của Như Lai vậy thì Như Lai hiện hữu ở nơi nào?

Nếu sự hiện hữu của đức Như Lai là do ngũ ấm hòa hợp thì đức Như Lai không có tự tánh, và nếu không có tự tánh thì làm thế nào có thể nhân nhờ vào tha tánh mà hiện hữu?

Pháp nếu nhân nhờ vào tha tánh mà sanh khởi thì nó chính là phi ngã (chẳng phải ngã). Nếu pháp là chẳng phải ngã thì làm sao là đức Như Lai được?

Nếu không có tự tánh làm sao có tha tánh? Tách rời tự tánh và tha tánh thì cái gì được gọi là đức Như Lai?

Nếu bảo rằng không nhờ vào ngũ ấm nhưng trước đó đức Như Lai đã hiện hữu và vì hiện tại Ngài thọ thân ngũ ấm nên gọi là đức Như Lai thì không đúng, vì sự thật thì, hiện tại Ngài đã không thọ bất cứ ấm nào và cũng không có pháp gì gọi là Như Lai cả. Nếu đức Như Lai đã không hiện hữu vì đã không thọ năm ấm thì hiện tại phải thọ cái gì để Ngài hiện hữu? Nếu Ngài chưa thọ thì cái được thọ không thể gọi là thọ. Không có cái pháp không thọ (vô thọ pháp) nào được gọi là đức Như Lai. Nếu ở trong cái đồng nhất và sai biệt cũng như trong năm ấm đã không thể tìm thấy sự hiện hữu của đức Như Lai như thế thì làm thế nào có thể cho rằng đức Như Lai hiện hữu trong khi thọ ngũ ấm? Vả lại ngũ ấm được thọ đã không từ tự tánh hiện hữu và nếu tự tánh không hiện hữu thì làm thế nào tha tánh có thể hiện hữu? (không có tự tánh nên cũng không có tha tánh).

Vì những ý nghĩa như thế mà những ấm được thọ (thọ) và kẻ đang thọ (thọ giả: đức Như Lai) cả hai đều Không, và, (nếu đã là Không, tất cả đều không có tự tánh, thế thì), làm thế nào có thể sử dụng cái Không (không có tự tánh của ngũ ấm) để bảo rằng không có tự tánh nên đức Như Lai không thể hiện hữu?

Đã Không (không tự tánh) thì không thể luận thuyết (bất khả thuyết) mà chẳng phải Không (phi không) thì cũng không thể nói năng bàn cãi. Vừa Không vừa phi không (chẳng phải không), chẳng phải không, chẳng phải chẳng không (cộng bất cộng: diệc không diệc bất không - cộng; phi không phi bất không - bất cộng) cũng đều không thể bàn thảo được, nên, chỉ sử dụng giả danh (danh tự không thật có tự tánh) để nói (là có đức Như Lai).

Ngay trong tướng tịch diệt (thật tướng?không tánh) vốn không có thường và vô thường, vân vân..., bốn điều (tứ cú: thường, vô thường; vừa thường vừa vô thường, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường). Và, ngay trong tướng tịch diệt cũng không hề có biên, vô biên, vân vân, bốn điều (* hữu biên, vô biên; vừa hữu biên vừa vô biên, chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên).

Kẻ tà kiến thâm hậu (sâu nặng) thì bảo là không có đức Như Lai đã đành, nhưng đối với tướng tịch diệt của Như Lai mà khởi tâm phân biệt cho là có thì đó cũng là điều phi lý nốt.

Như thế trong tánh Không, dù tư duy cách nào, cũng không thể vói và nắm bắt được; thế mà sau khi đức Như Lai diệt độ cứ hoài mãi (khởi tâm) phân biệt hữu vô!

Đức Như Lai đã siêu vượt qua mọi hý luận, thế nhưng con người (vì vô minh) cứ sanh khởi ra không biết bao nhiêu hý luận, và vì hý luận nên huệ nhãn bị phá hủy, vì huệ nhãn bị phá hủy nên không thể thấy Phật.

Tự tánh mà đức Như Lai có chính là tự tánh của thế gian. Đức Như Lai không có tự tánh nên thế gian cũng không có tự tánh..

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn