Giới Thiệu Sơ Bộ Về Cuộc Khám Phá Thủ Bản Cổ Kinh Kharosthi Và Phật Giáo Càn-đà-la

27 Tháng Năm 201000:00(Xem: 10680)
GỚI TIHIỆU SƠ BỘ
Về CUỘC KHÁM PHÁ THỦ BẢN CỔ KINH KHAROSTHI
Và PHẬT GIÁO CÀN-ĐÀ-LA
.
Tâm Hà Lê Công Đa


I. VÀI HÀNG GIỚI THIỆU.

Tháng 9 năm 1994, bộ phận sưu tập về Đông Phương và Ấn Độ của Thư Viện Anh Quốc do một đường dây kín đáo đã mua lại được toàn bộ 29 thủ bản kinh cổ của Phật Giáo được khắc trên võ cây bạch đàn, vừa mới được phát hiện tại Kashmir (tên cũ là Càn-Đà-La), trong vùng Tây Bắc Hồi Quốc, giáp ranh A Phú Hãn. Có lẽ để tránh những rắc rối ngoại giao với quốc gia liên hệ về việc một cổ vật qúy bị đưa ra nước ngoài, Thư Viện Anh Quốc đã giữ im lặng về sự phát hiện này mãi cho đến tháng 6 năm 1996 mới chịu công bố, gây nên một sự chú tâm đặc biệt của giới truyền thông quốc tế trước khám phá quan trọng của nhân loại về mặt khảo cổ học này. Vì bản kinh được viết bằng tiếng địa phương Kharosti, một cổ ngữ của vùng Bắc Ấn, những học giả có khả năng đọc được loại ngôn ngữ này trên thế giới hiện rất hiếm hoi, trong số đó một nhân vật mà tên tuổi được biết đến trên tầm vóc quốc tế về lãnh vực này là TS. Richard Salomon, Giáo sư ngôn ngữ và văn chương Á Châu tại DH Washington, (UW). Vì khả năng uyên bác của ông về cổ ngữ Ấn Độ, GS. Salomon đã được Thư Viện Anh Quốc mời làm Chủ tịch một Ủy Ban gồm các học giả chuyên môn để nghiên cứu bộ cổ kinh qúy giá của Phật Giáo vừa mới phát hiện. Toàn bộ ủy ban đã làm việc toàn thời trong vòng 6 tháng và kết quả sơ khởicủa công trình nghiên cứu này đã được GS. Salomon đúc kết lại trong tác phẩm của ông, “Ancient Buddhist Scrolls from Gandharan” do University of Washington Press, Seattle ấn hành và xuất bản vào năm 1999.
Bài viết này đã dựa vào một số tài liệu phân phát (hand-outs) của GS. Salomon trong các buổi nói chuyện tại thành phố Seattle, Hoa Kỳ về đề tài này, tuy nhiên chủ yếu là tóm tắt lại một phần nội dung của cuốn sách “Ancient Buddhist Scrolls from Gandharan” của GS. Salomon. Vì muốn nêu bật tầm mức quan trọng của việc khám phá bộ cổ kinh này, chúng tôi xin phép qúy độc giả được lược bỏ những phần có tính cách chuyên môn của môn khảo cổ học mà chỉ tập trung khai thác các chương nói về nội dung và ý nghĩa của sự khám phá bộ cổ Kinh Càn-Đà-La (Chương I, II, III và VII).

II. BỐI CẢNH PHẬT GIÁO CÀN-ĐÀ-LA.

Như ta biết, việc khám phá ra bộ Kinh Kharosthi, bản kinh viết tay cổ nhất của PG được tìm thấy cho đến nay tại Càn-Đà-La (Gandhara) có ý nghĩa rất đặc biệt quan trọng đối với Phật Giáo vì nó giúp chiếu rọi vài nhãn quan vào thời tiền hiện đại, thời tiền sáng tác kinh điễn; cho ta thấy các cộng đồng Phật Giáo tiên khởi vào thời ấy đã đọc những kinh gì, trước khi “Tam Tạng kinh điễn” được kết tập. Đồng thời nó cũng hé mở cho chúng ta một cái nhìn vào cung cách sinh hoạt của các cộng đồng Phật Giáo thời cổ, trong đó Càn-Đa-La là một trung tâm quan trọng và từ đây Phật Giáo đã được truyền bá, hoằng hoá như thế nào. Thế nên, trước khi đi sâu vào nội dung của công trình sưu khảo này, thiết tưởng chúng ta cũng nên có một cái nhìn tổng quát về việc hình thành cộng đồng Phật giáo Càn-Đà-La và những đóng góp của nó trong tiến trình phát triển của Phật giáo tại Á Châu.

Càn-Đà-La là tên gọi cũ của một vùng đất nay là thung lũng Peshawar Valley của Hồi Quốc, giáp giới với biên giới A Phú Hãn ở phía Tây và sông Ấn Hà ở phía Đông. Ngôn ngữ chính của cư dân vùng này là thổ ngữ Ghandhari thuộc ngữ hệ Prakrit, thoát thai từ Sanskrit mà Kharosthi là văn tự chính.

Khoảng thế kỷ thứ 1 và 2 sau TL, dưới các triều đại Indo-Scythian và Kusana, Càn Đà La là một trung tâm chính trị và tôn giáo lớn. Thành phố quyền lực và giàu có này nhờ nằm vào vị trí then chốt chiến lược trên ngả tư “con đường lụa” giao thương của Châu Á, nối liền Ấn Độ với Ba Tư, Trung Á cũng như với cả Trung Đông và AÂu Châu, nên được coi như là một tụ điểm giao lưu văn hoá quan trọng.
Căn cứ vào những tài liệu lịch sử còn lưu lại thì Phật giáo có thể đã phát triển tại Càn-Đà-La trong khoảng giữa thế kỷ thứ 3 trước TL vì thành phố này như được biết, nằm trong lãnh thổ thuộc quyền cai trị của vua A Dục , một vị vua rất sùng mộ Phật giáo mà các chứng tích được biết đến như là “trụ đá A Dục” cũng đã được tìm thấy tại đây. Hơn thế nữa, cuộc đối thoại triết lý giữa Tỳ kheo Na Tiên và vua Milanda -vị vua vĩ đại nhất của triều đại Indo-Greek đã cai trị vùng này vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước TL- đã được ghi chép lại đầy đủ trong những kinh sách Phật giáo.

Nhưng phải đợi đến khoảng thế kỷ 1-2 sau TL, Càn-Đà-La mới trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng thuộc phái Chánh Truyền, ảnh hưởng bởi các tông phái thuộc truyền thống Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivadin), và từ đây, các tăng sĩ Phật giáo Càn-Đà-La đã mang giáo pháp của đạo Phật vượt ra khỏi biên giới Ấn Độ đi rao truyền tại các quốc gia lân cận như Ba Tư, Trung Quốc,... mà chứng cớ cụ thể là hai bản kinh Phật giáo được viết bằng chữ Kharosthi thuộc ngôn ngữ Gandhari đã được tìm thấy tại Liễu Dương và Tràng An, hai trung tâm Phật Giáo quan trọng đầu tiên tại Trung Quốc. Hơn thế nữa, nội dung của bộ A-Tì-Đạt-Ma thuộc truyền thống Nhất Thiết Hữu Bộ -cụ thể là A-Tì-Đà-Tâm-Luận (Abhidharma - hidaya) còn tồn tại đến ngày nay là bản dịch qua tiếng Trung Quốc, được các học giả đương đại nghiên cứu về lịch sử Phật giáo đồng ý là được kết tập tại Càn-Đà-La. Một sự kiện không kém phần quan trọng trong lịch sử phát triển Phật giáo là cũng vào thời điểm này, phái Đại Thừa bắt đầu xuất hiện mà nhiều nhà nghiên cứu cho là đã được bắt nguồn từ Càn-Đà-La, căn cứ vào các công trình điêu khắc hình tượng Bồ Tát được tìm thấy tại đây.

Thế cho nên tính cách quan trọng của Phật giáo Càn-Đà-La là, do vị trí chiến lược quan trọng của nó, đã đóng một vai trò then chốt trong lịch sử văn hoá Á Châu như là một chiếc bàn nhún mà sức bật của nó đã tạo cho Phật giáo một bước nhảy vọt, từ đây Phật giáo được bành trướng từ quê hương Ấn Độ lan vào Tân Cương (Trung Á) và Trung Quốc, rồi từ đó truyền khắp Đông Á và cuối cùng, trở thành một tôn giáo có tầm vóc quốc tế. Tuy nhiên Phật giáo tại Càn-Đà-La đã tàn lụi dần khoảng sau thế kỷ thứ 3 và hoàn toàn biến mất vào khoảng thế kỷ thứ 10, cho nên truyền thống Phật giáo này cũng đã bị mai một. Sự phát hiện bộ thủ bản cổ kinh Kharosthi vì thế đã góp phần đưa ra một chứng cớ quan trọng cho các học giả đương đại trong nỗ lực từ trước đến nay muốn chứng minh rằng, căn cứ vào những chứng tích lưu lại tại Càn-Đà-La như hình tượng điêu khắc, mộ tháp và những kiến trúc, chữ khắc trên đá,... nay được bổ túc thêm bằng một chứng liệu cụ thể hơn là kinh điễn, vốn giữ vai trò hệ trọng trong việc truyền bá Phật giáo, cho thấy Càn-Đà-La một thời đã là một trung tâm Phật giáo quan trọng.

Các học giả chuyên nghiên cứu về Phật giáo thời kỳ tiền sơ khởi tại Ấn Độ, từ lâu cũng đã đưa ra giả thuyết rằng, với một trung tâm Phật giáo có tầm vóc như Càn-Đà-La, chắc chắn tại đây phải có những học viện, những tàng kinh các của các tự viện, lưu trữ những thủ bản kinh sách qúy giá. Những thủ bản của bộ cổ kinh Kharosthi vừa được khám phá, được chôn trong các bình bằng đất sét nung, theo GS. Salomon, là những bản cũ bị loại ra của tàng kinh các của tu viện, được tô lại rồi chôn đi theo nghi lễ tống táng dành cho các tăng sĩ đã qua đời. Sự khám phá này là một tài sản qúy báu ngoài cả mơ ước của GS Salomon, vì theo ông, một cách lý tưởng mà nói, muốn biết đến các tông phái sơ khởi của Phật giáo là phải kiếm cho được các dư vật của các tàng kinh các của tu viện. Bộ cổ kinh được tìm thấy tại Càn-Đà-La -tuy là một mẫu ngẫu nhiên- có thể biểu trưng không ít thì nhiều cho những bộ sách từ một tàng kinh các lớn, có thể là rất lớn, của một tu viện Phật giáo thuộc truyền thống Pháp Tạng Bộ (Dharmaguptaka) vào khoảng thế kỷ thứ I sau TL. Khám phá này cũng cho thấy Phật giáo, cụ thể là Phật giáo Cà-Đà-La, đã được hội nhập như thế nào tại vùng Bắc Ấn và do đó đã tạo nên những truyền thống mang màu sắc địa phương, đồng thời nó xác minh một giả thuyết đã nêu ra từ lâu nhưng nay mới được kiểm chứng về sự hiện hữu của một bộ Kinh Phật giáo Càn-Đà-La nay đã mai một. Hơn thế nữa, nó còn là một chứng cớ về một dấu mốc quan trọng của tiến trình hình thành kinh điễn Phật giáo từ truyền thống đọc tụng truyền khẩu trước đây bước qua giai đoạn ghi chép bằøng văn tự.

III. NỘI DUNG và NIÊN ĐẠI CỦA BỘ CỔ KINH KHAROSTHI.

A. NỘI DUNG:

Như đã nói ở trên, bộ thủ bản sưu tập vừa tìm được có thể được coi như là một mẫu ngẫu nhiên tiêu biểu cho những gì được lưu giữ tại một tàng kinh các của một tu viện Phật giáo tại Càn-Đà-La vào khoảng thế kỷ thứ I sau TL, cho nên ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy nó bao gồm hầu như đủ mọi thể loại được dùng trong việc sáng tác kinh điễn Phật giáo, kể cả văn xuôi, kệ tụng, và tán luận. Đặc biệt một điều được ghi nhận ở đây là toàn bộ thể tài văn xuôi được viết bằng văn tự Kharosthi thuộc ngôn ngữ Gandhari (Càn-Đà-La).

1. Kinh điễn bằng văn xuôi và Luận giải:

Về mặt này, người ta tìm thấy có các bài kinh tương đối khá dài như Kinh Phúng Tụng (Sangiti-Sutra), mà nội dung đã được Ngài Huyền Trang dịch ra Hán Văn được biết đến như là Tập Bộ Kinh (Sangiti-paryaya), tuy nhiên nội dung của phần luận giải thì hai bên hoàn toàn khác nhau. Đây cũng chính là bài Kinh thứ 33 trong Trường Bộ Kinh của truyền thống Pali (1) mà nội dung tương tự cũng đượ c tìm thấy trong các truyền thống Sanskrit hay các bản dịch Hán Văn được biết dưới tên gọi là Kinh Trường A Hàm.

Một bài kinh khác diễn giải về bốn tầng thiền có nội dung tương tự như được trình bày trong các Kinh điễn Pali, cụ thể như Sallekha-sutta (bài Kinh số 1.8 trong Trung Bộ Kinh) (2).

Một bài kinh thứ ba thuộc thể tài văn xuôi có nội dung tương tự như một phần cuả Tăng-Nhất-Bộ-Kinh của truyền thống Pali mà nội dung được chia làm ba phần chính, trong đó phần thứ nhất ghi lại cuộc đối thoại giưã Đức Phật và một người Bà La Môn tên Dhona, rất giống với cuộc đối thoại trong Tăng Nhất Bộ (Anguttara 2.37-9):

“[Người Bà La Môn Dhona] (3) tiến gần đến Đức Thế Tôn và sau khi tiếp cận [đã nói những lời này] với Đức Phật:
-Thưa Ngài, Ngài sẽ trở thành một vị Trời?
- Không, Bà la Môn, Ta sẽ không là một vị Trời.
- Thưa Ngài, Ngài sẽ là một Càn-thát-bà?
- Không, Bà la môn, ta sẽ không là một Càn thát-bà.
- Thưa Ngài, như thế Ngài sẽ là một Qủy Dạ xoa?
- Không, Bà la môn, ta sẽ không là một Qủy Dạ xoa?
- Thưa Ngài, như thế Ngài sẽ là một con người?
- Không, Bà la môn, ta sẽ không là một con người.
- Khi Ngài được hỏi, “Thưa Ngài, Ngài sẽ trở thành một vị Trời?” Ngài trả lời như vầy, “Không, Bà la Môn, Ta sẽ không là một vị Trời.” Khi Ngài được hỏi, “Thưa Ngài, Ngài sẽ là một Càn-thát-bà?” Ngài trả lời như vầy, “Không, Bà la môn, ta sẽ không là một Càn thát-bà.” Khi Ngài được hỏi, “Thưa Ngài, như thế Ngài sẽ là một Qủy Dạ xoa?” Ngài trả lời như vầy, “Không, Bà la môn, ta sẽ không là một Qủy Dạ xoa?” Khi Ngài được hỏi, “Thưa Ngài, như thế Ngài sẽ là một con người?” Ngài trả lời như vầy, “Không, Bà la môn, ta sẽ không là một con người.” Vậy thưa Ngài, Ngài sẽ là cái gì ?
- Ta là một vị Phật, này người Bà La Môn, ta là một vị Phật...”

2. Luận và Những Chú Giải.

Một số lượng lớn văn bản trong bộ sưu tập này gồm Luận và những Chú Giải. Những thi kệ được trích dẫn trong những chú giải này tương tự như những bài mà chúng ta thường thấy trong Tam Tạng kinh điễn thuộc truyền thống Pali thuộc Kinh Tiểu bộ (Khuddakka-nikaya) như Kinh Tập (Sutta-nipata), Ưu-đà-na (Udana: Kinh Tự thuyết, một phần của Tiểu bộ kinh), Pháp Cú, Bản sự kinh (Itivuttaka), và Trưởng lão tăng kệ (Theragatha). Sau đây là một đoạn Luận điễn hình, được tạm dịch như sau:

“Từ hoại đến bất hoại...”:...: “Bất hoại” là đặc tính của Niết bàn. “Hoại” là đặc tính của ngũ uẩn mà ta phải loại trừ. Ta nên tìm kiếm Niết bàn; đó là trạng thái trở nên bất hoại. “Ngọn lửa thiêu đốt”, [có nghĩa là, thiêu đốt] do tam độc; ta phải tìm cách loại trừ chúng. Bất cứ ở đâu không có ngọn lửa thiêu đốt [như thế] chỗ đó trở nên “an tịnh”...
Một cách tóm tắt: “Hoại” là khổ; (trang 29) “ngọn lửa thiêu đốt” đang bùng cháy; và “chuyển đổi” (có nghĩa là sự bùng cháy này) nên được loại trừ bằng phương tiện kiến thức; đây là chánh đạo. Ngược lại : “đoạn” có nghĩa là loại trừ phiền não; “chuyển đổi” có nghĩa là loại trừ nghiệp báo; [và] “bất hoại” có nghĩa là loại trừ đau khổ.”

Sau đây là một đoạn ngắn trong một bài luận khác:

“Sự vật hiện hữu ở khắp mọi thời. Sự vật hiện hữu ở khắp nơi. Sự vật hiện hữu trong bối cảnh của chúng. Sự vật hiện hữu như là lý do mà chúng hiện hữu. Sự vật hiện hữu như là các tổng thể. Sự vật hiện hữu như là do các nhân. Sự vật hiện hữu như là do các duyên.”

3. Các bài Thi Kệ:

Các bài thi kệ trong thủ bản Kharosthi này tương đối quen thuộc với chúng ta hơn là hai thể loại trên vì người ta có thể tìm ra được nội dung tương tự của chúng trong các kinh điễn Phạn ngữ hay Hán Tạng, cụ thể là Căn bản Nhất thiết hữu bộ luận tụng (Mulasarvatosvada-Vinaya).

Sau đây là bài thi kệ kể chuyện một chàng thanh niên tên Kusuma, do cúng dường một bông hoa trang sức trên mái tóc mình cho ngôi tháp của vị cổ Phật Tỳ bà thi mà được hưởng phước báu trong nhiều đời, tái sanh nhiều lần vào cõi trời và lần cuối cùng trở lại làm người, trở thành đệ tử của Phật:

“Cài một cánh hoa vào vành tai, đội vòng hoa [vào đầu], tôi đi ra công viên cùng với chúng bạn.
Ở đó tôi thấy một đại tháp của vị Phật nổi tiếng Tỳ bà thi mà một đám đông đang tụ họp để thờ lạy và vinh danh Ngài.
Những người bạn tôi đến quỳ bên ngôi cổ tháp và đặt lên đó những vòng hoa với tất cả tâm thành.
Thấy việc làm của họ và quan sát những người khác cũng làm như thế, tôi gỡ cánh hoa ở bên tai kính cẩn dâng lên ngôi cổ tháp.
Chẳng có gì là nhỏ bé ít oi nếu người ta dâng cả tâm thành lên Như Lai và những môn đồ của chư Phật.
Nếu như trước đây tôi đã được biết đến Như Lai cùng với những đức hạnh cao qúy của Ngài chắc là tôi đã thờ phượng Ngài hơn thế nữa; [điều này chắc là đã mang lại được nhiều phước đức (?)].
Thế nên, nếu biết được vô lượng đức hạnh của Đức Bổn Sư, thờ phượng những cổ tháp, chắc chắn là sẽ được giải thoát và tái sanh vào nơi tốt lành.
Chỉ cúng dường một cánh hoa, tôi đã được bao nhiêu vị trời phục vụ qua hàng ngàn a răng tỳ kiếp và chung cuộc được giải thoát.
Thưa chư tôn đức, tôi nhớ lại được điều này; chỉ cúng dường một cánh hoa, tôi đã gặt được quả lành của hành động ấy. Nghiệp báo không bao giờ sai chạy.”
Như thế , vị đại đệ tử Kusuma, người tăng sĩ môn đệ của Đức Thế Tôn đã kể lại câu chuyện về nghiệp qủa của chính ông ta ở bên bờ hồ Anavatapta.

Một bài thi kệ khác là bài thơ nổi tiếng “Con Tê Ngưu Một Sừng”, (Pali: Khaggavisana-sutta; Sanskrit: Khadgavisana-gatha), và là một trong những bài kinh quan trọng được lập lại đến ba lần trong Tiểu-bộ-kinh (Khuddakka-nikaya) của truyền thống Nguyên Thủy (4):

Như con voi đốm to lớn, dũng mãnh lánh xa bầy đàn [vào chốn núi rừng, người hãy sống riêng một mình như con tê ngưu một sừng].
Giải phóng mình ra khỏi tham lam, lừa đảo, lầm lạc, si mê; từ bỏ gièm pha, tội lỗi, trở thành [vô ước vọng sở cầu trong đời sống thế tục], người hãy sống riêng một mình như con tê ngưu một sừng.
Tại nhà cũng như khắp mọi nơi, tránh tất cả mọi đấu tranh xung đột, hài lòng với bất cứ cái gì; [chấp nhận hiểm nguy] không sợ hãi, người hãy sống riêng một mình như con tê ngưu một sừng.

4. Các Bài Kinh Thí Dụ (Avadanas).

Đây là một thể của văn chương Phật giáo, đặc biệt là văn chương Phật giáo hệ Sanskrit, gồm những chuyện giải thích nghiệp lực, tiền thân giống như Túc Sanh truyện. Hầu hết những bài trong bộ sưu tập này là những bài không quen thuộc, ít tìm thấy trong các kinh sách hiện nay.

Tuy được gọi là Phẩm Thí dụ tuy nhiên nội dung của các bài kinh này đã không minh họa bằng những chuyện tích về nghiệp lực như thường được thấy trong các kinh sách Phật giáo về loại này, mà chỉ đề cập đến các nhân vật thuộc hai diện sau đây: những khuôn mặt nổi tiếng dưới thời Đức Phật như Gavampati, Maha Ca Diếp, vua A Dục,... và những nhân vật lịch sử đương thời dưới triều đại Indo-Scythian tại Càn-Đà-La như Jihonika, Aspavarman...

Một số loại truyện tích khác có hình thức giống như loại Thí dụ nhưng lại được sắp xếp dưới đề mục gọi là chuyện Tiền thân (purvayogah), kể lại những chuyện luân hồi tái sanh của các nhân vật danh tiếng trong truyền thống Phật giáo như A Nhã Kiều Trần Như, A Nan, các Bồ Tát. Chẳng hạn như truyện kể tiền thân của Ngài Kiều Trần Như là một người thợ làm đồ gốm. Bộ Đại sự (Mahavatsu) sau này, trong phần Túc Sanh truyện cũng có một số tình tiết cũng gần giống như thế.

Sau đây là một đoạn điễn hình trong câu chuyện ngắn nói về tiền thân của Ngài A Nan:

“Tiền thân của A Nan: Toàn phần mở đầu được tụng đọc theo nghi thức thông thường (?). Gadhabadhaga nguyên là vua của xứ Diêm-phù-đề. Ông có hai người con trai, cũng là những vị tổng trấn địa phương của ông ta: Sabrudidrigo và Bhano. Sabrudidrigo sau này trở thành một nhà tu khất sĩ và đạt đến giác ngộ. Câu chuyện được tụng đọc hoàn toàn. Truyện số 5.”

Ngoài bốn thể tài chính trên đây, người ta còn tìm thấy trong bộ cổ kinh này một số bài tán luận, tuy nhiên điều đáng tiếc là những mảnh vỏ cây chứa các đoạn văn này đã bị hư hỏng nên không thể đọc được toàn vẹn nội dung. Tóm lại, căn cứ trên những nghiên cứu sơ khởi về bộ cổ kinh này, người ta thấy rằng chỉ có khoảng một phần tư của bộ sưu tập là có nội dung gần gũi với các kinh điễn Phật giáo thuộc truyền thống Pali, Sanskrit và Hán Tạng được lưu truyền hiện nay, còn phần lớn đã phản ảnh những nội dung của một truyền thống Phật Giáo mang tính địa phương, được kết tập tại Càn-Đà-La.


B. NIÊN ĐẠI.

Như được đề cập đến ở trên, hai nhân vật lịch sử đã được nêu lên trong phẩm Thí dụ của bộ cổ kinh này là vua Jihonika và Aspavarman.

Căn cứ vào những chứng liệu được khám phá tại vùng này, đặc biệt là những đồng tiền bạc của triều đại Jihonika, nhà khảo cổ học Marshall đã xác định niên đại cai trị của vua Jihonika là vào khoảng năm 35 sau TL (5). Gần đây nhà khảo cổ học McDowall (1973), bên cạnh những đồng tiền này cùng với những bằng chứng khảo cổ mới được phát hiện và các cuộc nghiên cứu thêm về lịch sử cổ văn địa phương, cũng đã đồng ý với Marshall, xác định một cách chắc chắn rằng triều đại của vua Jihonika trị vì là vào khoảng một phần tư thế kỷ đầu tiên sau Tây lịch (6).

Nhân vật thứ hai được giới thiệu trong bộ kinh này là Aspavarman với phẩm hàm là Quan tư lệnh, xem ra ông là vị tướng chỉ huy quân đội dưới triều vua Jihonika, tức là người sống cùng thời với Jihonika. Cả hai đều là những đệ tử thuần thành của Phật Giáo.

Khi đã xác định được niên đại của triều đại Jihonika, người ta có thể đi đến kết luận rằng bộ thủ bản cổ kinh Kharosthi không thể được viết ra vào thời điểm trước triều đại Jihonika, tức là trước năm 35 sau TL mà phải được viết ra hoặc là cùng thời vua Jihonika hay ít ra nếu chậm lắm cũng phải vào khoảng hai thế kỷ sau đó trở lại. Tuy nhiên, đây chỉ là những suy đoán thuần lý, muốn có một kết luận dứt khoát hơn, người ta đã phải dựa vào khoa khảo cổ học.

Để xác định niên đại, bằng chứng đáng tin cậy hơn cả là các bình đồ gốm chứa đựng bộ thủ bản cổ kinh Kharosthi. Một nhà chuyên môn về lãnh vực này, Raymond Allchin, căn cứ vào kiểu cách và kỹ thuật sản xuất đã đi đến kết luận là các bình đồ gốm này có niên đại vào khoảng đầu hoặc giữa triều đại Kusana -tức triều đại kế tiếp Jihonika, vào khoảng thế kỷ thứ I đến thứ II sau TL. Kết luận này được bổ túc thêm bằng việc nghiên cứu loại chữ được khắc trên những bình đồ gốm này mà các nhà chuyên môn về ngữ học, cũng xác định là có cùng niên đại.

IV. Ý NGHĨA CỦA VIỆC PHÁT HIỆN NHỮNG THỦ BẢN CỔ KINH.

Các nhà học giả nghiên cứu về nguồn gốc, lịch sử Phật giáo thời sơ khởi trong khoảng hai thế kỷ trở lại đây không những đã gặp khó khăn trong việc lý giải quá khứ khi đối đầu với những sự kiện đã xảy ra trên 2500 năm trước mà thêm vào đó vì Phật giáo đã tàn lụi tại Ấn Độ từ bao nhiêu thế kỷ qua nên khó có thể tìm được những nguồn tài liệu gốc. Để khắc phục vấn nạn này, các nhà học giả không còn một chọn lựa nào khác hơn là nương tựa chính vào các kinh sách Phật giáo còn được lưu truyền lại, và tất cả nói chung đều có khuynh hướngï xem bộ Tam Tạng kinh điễn bằng tiếng Pali của Phật giáo Nguyên Thủy là tiêu biểu duy nhất cho toàn bộ những sao lục đúng đắn của giáo lý Phật giáo và đáng tin cậy hơn cả.

Tuy nhiên, dần dần với những phương thức tiếp cận và phát hiện mới, đặc biệt là một số lượng lớn các thủ bản kinh sách bằng tiếng Phạn (Sanskrit) được tìm thấy tại vùng Nepal và Tân Cương (nay thuộc Trung Quốc) trong thế kỷ thứ 19, các học giả đã nhận thức được rằng vấn đề Phật giáo trong thời sơ khởi tại Ấn Độ đã mang những sắc thái phong phú và đa dạng hơn là họ tưởng lúc ban đầu, phản ảnh rất nhiều truyền thống, bộ phái chứ không phải chỉ có truyền thống Pali mới là tiêu biểu cho những gì chân thực và đúng đắn nhất của giáo lý Phật đà.

Chính bắt nguồn từ cái nhìn rộng mở này mà GS Salomon đã đưa ra nhận định rằng: “Những kinh điễn của truyền thống Hán Tạng được dịch từ nguyên bản Ấn Độ đã bảo lưu được phần lớn nội dung của Tam Tạng Kinh điễn (Kinh, Luật, Luận) của những trường phái Phật Giáo Ấn Độ khác nhau của thời tiền sơ khởi như Nhất Thiết Hữu Bộ, Pháp Tạng Bộ, Đại Chúng Bộ... Mặc dầu hiện nay các bản kinh gốc tiếng Ấn Độ đã không còn tồn tại, trên nguyên tắc, bộ phận Hán Tạng vẫn có đủ tư cách, thẩm quyền cũng như đảm bảo được xuất xứ trung thực của nó như là các Kinh điễn của truyền thống Nguyên Thủy.”

Đứng trên quan điểm thuần túy khách quan, khoa học, những văn bản -đặc biệt là thủ bản- càng cổ điễn chừng nào thì càng đảm bảo được độ trung thực, chính xác của nội dung Kinh điễn nguyên thủy chừng nấy. Tuy nhiên do điều kiện khách quan của thời đại, các phương tiện chính dùng để ghi chép, lưu trữ kinh sách của thời xa xưa -thường sử dụng lá bối và võ cây bạch đàn- khó có thể tồn tại lâu dài trong khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt của vùng bán đảo Ấn Độ. Nhìn vào các Kinh điễn Phật Giáo được chính thức công nhận hiện nay, ta thấy các số lượng lớn kinh sách của truyền thống Nguyên Thủy cổ nhất còn được bảo lưu tại Tích Lan cũng chỉ có niên đại chừng vài thế kỷ trở lại đây. Trong khi đó tại Ấn Độ, Phật Giáo đã tàn lụi từ thế kỷ thứ 13, chôn vùi theo cùng với nó tất cả các truyền thống ghi chép và bảo lưu kinh sách cho nên rất ít kinh sách cổ điễn còn tồn tại. Nepal là xứ mà Phật Giáo tương đối còn sống động cho đến nay, những văn bản kinh điễn cổ nhất khám phá được cũng chỉ có niên đại khoảng chừng 1000 năm trở lại.

Ngược lại, khí hậu sa mạc là khí hậu thích hợp nhất cho việc lưu giữ các tài liệu được viết trên các loại lá cây, võ cây... Thế cho nên, nếu không kể đến việc khám phá bộ cổ kinh lâu đời nhất của Phật Giáo tại Càn-Đà-La, trái với những điều mà người ta tin tưởng từ trước đến nay, các nhà học giả Mỹ, Nhật Bản và AÂu Châu chuyên nghiên cứu về lịch sử Phật Giáo hiện nay đã đồng ý với nhau rằng sự khám phá hàng ngàn thủ bản kinh sách viết bằng tiếng Phạn và những thổ ngữ địa phương tại vùng Tân Cương, Trung Quốc, một trung tâm Phật giáo quan trọng của đầu Thiên niên kỷ thứ nhất, có tuổi tác từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 7, lại là những kinh điễn cổ nhất của Phật Giáo được tìm thấy, và dĩ nhiên có giá trị sử liệu hơn là những kinh điễn mới vì đã không bị thêm bớt trong suốt quá trình chuyển lưu. Điều này đã có một tác động và ảnh hưởng lớn trên quan điểm học thuật về việc nghiên cứu lịch sử Phật Giáo, từ trước đến nay vốn đặt trọng tâm vào kinh điễn Nguyên Thuỷ như là nguồn tài liệu có giá trị và phản ảnh trung thực nhất giáo lý của Phật đà.

Việc khám phá bộ thủ bản cổ kinh Kharosthi đã cho ta thêm một chứng cớ cụ thể về những kinh điễn đã được dùng trong giai đoạn sơ khởi của Phật giáo. Qua công trình nghiên cứu sơ bộ, người ta đã tìm thấy một số khác biệt có ý nghĩa về mặt hình thức giữa kinh điễn cổ so với các kinh điễn được chấp nhận trong các truyền thống Phật giáo đương đại, cũng như có một số nội dung và thể loại mà cho đến nay chúng ta chưa hề được biết đến. Điều này đặc biệt quan trọng, bởi vì Phật giáo -như bất cứ mọi tôn giáo có truyền thống kinh viện khác- những kinh điễn được chính thức công nhận thường là những bản sao lục theo đúng nguyên văn của các nhóm địa phương và ngữ hệ khác biệt, cụ thể như truyền thống Pali, hay Tây Tạng.
Những kinh sách được xem là tiêu chuẩn này không thể tránh được việc một số nội dung ban đầu có thể đã bị ỉm đi để chỉ đưa ra một phần nào đã được cắt lọc có nội dung phù hợp với truyền thống của tông phái mình, vô hình chung những phần đang tranh cãi, hoặc bị coi là dị giáo có thể đã bị kiểm duyệt, cắt xén, làm mất đi tính đa dạng, phong phú của kinh điễn trước đó.

Thế nên chỉ qua sự khám phá và lý giải các thủ bản cổ điễn, những học giả chuyên môn về nghiên cứu lịch sử Phật giáo mới có thể hé nhìn được một vài sự thật ở phía đằng sau cái bề mặt đã được thiết định của một truyền thống tôn giáo đểø cố gắng phơi bày ra ánh sáng một bức chân dung đa dạng, đầy phức tạp của lịch sử. Cuộc khám phá bộ thủ bản cổ kinh Kharosthi của Phật Giáo Càn Đà La, vì thế theo đánh giá của GS Salomon, “sẽõ mở ra một chương mục hoàn toàn mới cho các công trình nghiên cứu Phật giáo sau này.”

Tâm Hà Lê Công Đa.

CHÚ THÍCH:

1. Xem thêm bản dịch của HT Minh Châu, Kinh Phúng Tụng, Trường Bộ Kinh, Phẩm thứ 33: http://zencomp.com/greatwisdom/uni/u-kinh-truongbo/truong33.htm

2. Tức Kinh Sàleyyaka sutta phẩm 41, Trung Bộ Kinh, Bản dịch của HT Minh Châu: http://zencomp.com/greatwisdom/uni/u-kinh-trungbo/trung41.htm

3. [...] Những chữ, câu được để trong dấu ngoặc vuông [...] là những chữ, câu mà một số mẫu tự hoặc là không rõ ràng hoặc đã bị mất dấu trong bản Kinh Kharosthi, nên nội dung có thể không được chính xác.

4. Bản dịch của HT Thích Minh Châu. (Lưu ý đến thứ tự đảo ngược trong bản Kinh Kharosthi).

53. Như con voi to lớn,
Từ bỏ cả bầy đàn,
Thân thể được sanh ra,
To lớn tợ hoa sen,
Tùy theo sự thích thú,
Sống tại chỗ rừng núi,
Hãy sống riêng một mình,
Như tê ngưu một sừng.

56. Không tham, không lừa đảo,
Không khát dục, gièm pha,
Mọi si mê ác trược,
Được gạn sạch quạt sạch.
Trong tất cả thế giới,
Không tham ái uớc vọng,
Hãy sống riêng một mình,
Như tê ngưu một sừng.

42. Khắp cả bốn phương trời,
Không sân hận với ai,
Tự mình biết vừa đủ,
Với vật này vật khác,
Vững chịu các hiểm nguy,
Không run sợ dao động,
Hãy sống riêng một mình,
Như tê ngưu một sừng.

5. Marshall, John. 1951. Taxila : An Illustrated Account of Archaeological Excavations Carried Out at Taxila.” Cambridge: Cambridge University Press.

6. McDowall, David W. 1973. “The Azes Hoard from Shaikan-Dheri: Fresh Evidence for the Context of Jihonica.” pp215-30. London: Ducworth

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Hai 2019(Xem: 4495)
11 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 5090)
29 Tháng Tư 2016(Xem: 4840)
Tự nhận rằng, là người của công việc, hay đi lại đó đây, ngay cả trong mùa an cư, do đó với riêng tôi, việc thực hiện đúng thời khóa công phu theo phương thức truyền thống là điều bất khả! Mặc dù vậy, tự trong sâu thẳm của lòng mình, mong mỏi được đọc tụng toàn bộ kinh tạng trong mùa an cư dường như là một sở nguyện đã manh nha từ lâu...
01 Tháng Mười 2015(Xem: 8725)