Chương XVI – PIYAVAGGA - (Phẩm Thương, Ái)

15 Tháng Sáu 201415:06(Xem: 4615)
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH
Dhammapada
KINH LỜI VÀNG
Việt - lục bát thi hóa - Pāḷi
( In lần thứ 5, có chỉnh sửa và nhuận sắc lần cuối)

Chương XVI 
PIYAVAGGA 
(Phẩm Thương, Ái)

(1) Cần phân biệt một số từ có từ gốc “Ái”, đó là piya, pema, rati, rāgī, rāga, kāma, taṇhā... Piya, pema thường dùng trong nghĩa thương yêu, trìu mến, thân yêu, thương mến, yêu quý, yêu mến... là những tình cảm tốt đẹp trong đời thường như cha mẹ, vợ con, bằng hữu, xóm làng, quê hương... Rati, rāgī, rāga được dùng khi tình cảm đã sâu nặng, như quyến luyến, luyến thương, ái luyến đưa đến dục tình, tình dục... Kāma thì thuộc về tất cả dục ngũ trần, thuộc dục giới. Taṅhā là ái, ái dục nằm trong 12 duyên khởi; khi nó thích thì yêu, thương, tham - khi không thích thì sinh ra ghét, chán, sân. Tuy nhiên, dù thương, dù ái kiểu gì thì cũng đem đến buộc ràng, đau khổ... như tham, thương nhiều thì khổ nhiều; tham, thương ít thì khổ ít vậy (Đây là sự thấy biết riêng, có tính chủ quan của soạn giả, có thể chưa được chính xác hoặc có một vài sai sót nào đó, xin các bậc thức giả, trí giả hiểu cho).

 

209.

Đáng làm thì lại bỏ quên

Chăm chuyên những việc chẳng nên chút nào

Thả cho dục vọng tuôn trào

Quên mục đích chính, lội vào dòng mê!

Đã không cố gắng quay về

Lại còn ganh tị, cười chê người hiền!

 

Chánh chơn thì lại bỏ bên

Chăm chuyên những việc chẳng nên chút nào!

Xa mục đích, dục tuôn trào

Chạy theo những việc tào lao giữa đời

Lại còn dè bỉu, ỉ ôi

Tỵ ganh những bậc chẳng rời hướng tu!

 

Ayoge yuñjamattānaṃ

yogasmiñ ca ayojayaṃ,

atthaṃ hitvā piyaggāhī

pihetattānuyoginaṃ.

­œ

210.

“Thương yêu” thì chớ tìm gần

Kẻ mình chẳng thích, phải cần tránh mau!

Người thương không gặp thì sầu

Còn kẻ mình ghét, mày chau ích gì!

 

Mā piyehi samāgañchi(1)

appiyehi kudācanaṃ,

piyānaṃ adassanaṃ dukkhaṃ

appiyānañca dassanaṃ.

­œ

211.

Vậy nên chớ có thương ai

Thương người mà phải xa người, khổ thay!

Ghét, yêu – ái khởi, duyên bày

Lìa được yêu, ghét - cởi dây buộc ràng!

 

Tasmā piyaṃ na kayirātha

piyāpāyo hi pāpako,

ganthā tesaṃ na vijjanti

yesaṃ n’atthi piyāppiyaṃ.

­œ

212.

“Thân yêu” sinh bệnh phiền ưu

Lại sinh sợ hãi, lo âu nhiều bề

Không thân yêu, chẳng thích mê

U sầu, sợ hãi - ê chề trốn xa!

 

Piyato jāyatī soko

piyato jāyatī bhayaṃ,

piyato vippamuttassa

n’atthi soko kuto bhayaṃ.

­œ

213.

“Trìu mến” sinh bệnh phiền ưu

Lại sinh sợ hãi, lo âu nhiều bề

Không trìu mến, chẳng thích mê

U sầu, sợ hãi - cận kề được đâu!

 

Pemato jāyatī soko(1)

pemato jāyatī bhayaṃ,

pemato vippamuttassa

n’atthi soko kuto bhayaṃ.

­œ

214.

“Luyến ái” sinh bệnh phiền ưu

Lại sinh sợ hãi, lo âu nhiều bề

Không luyến ái, chẳng đắm mê

U sầu, sợ hãi - chúng chê dở mồi!

 

Ratiyā jāyatī soko(1)

ratiyā jāyatī bhayaṃ,

ratiyā vippamuttassa

n’atthi soko kuto bhayaṃ.

­œ

215.

“Tham dục” sinh bệnh phiền ưu

Lại sinh sợ hãi, lo âu nhiều bề

Không tham dục, chẳng đắm mê

U sầu, sợ hãi - chán chê chẳng gần!

 

Kāmato jāyatī soko(1)

kāmato jāyatī bhayaṃ,

kāmato vippamuttassa

n’atthi soko kuto bhayaṃ.

­œ

216.

“Dục ái” sinh bệnh phiền ưu

Lại sinh sợ hãi, lo âu nhiều bề

Không dục ái, chẳng đắm mê

U sầu, sợ hãi - đã thề viễn ly!

 

Taṇhāya jāyatī soko(1)

taṇhāya jāyatī bhayaṃ,

taṇhāya vippamuttassa,

n’atthi soko kuto bhayaṃ.

­œ

217.

Giới đức, trí giác trọn lành

Kiên cố giáo pháp, đạo hành viên dung

Làm xong công việc cuối cùng

Trời, người ái kính, đón mừng hân hoan!

 

Sīladassanasampannaṃ

dhammaṭṭhaṃ saccavedinaṃ,

attano kamma kubbānaṃ

taṃ jano kurute piyaṃ.

­œ

218.

Nguyện thành quả vị “ly ngôn”(1)

Chẳng còn xúc động, “thánh môn đầu dòng”(2)

Tế vi các ái tiêu vong

Những bậc như vậy xứng đồng “thượng lưu”!(3)

 

Chandajāto anakkhāte

manasā ca phuṭo siyā,

kāmesu ca appaṭibaddhacitto

uddhaṃsoto’ti vuccati.

­œ

219.

Lâu ngày làm khách ly hương

An toàn trở lại hỏi đường về thăm

Bà con quyến thuộc xa gần

Bạn bè hoan hỷ, thôn lân đón chào.

 

Cirappavāsiṃ purisaṃ

dūrato sotthimāgataṃ,

ñātimittā suhajjā ca

abhinandanti āgataṃ.

­œ

220.

Ví người hành thiện khác nào

Đời này, đời nọ xiết bao phước dành!

Đón đưa tốt đẹp, an lành

Bà con thân thuộc, chân thành mừng vui!

 

Tatheva katapuññampi

asmā lokā paraṃ gataṃ,

puññāni paṭigaṇhanti

piyaṃ ñātim’va āgataṃ.


(1) Piya: Thân yêu, yêu quý, thương mến...(có từ gốc Ái dục – taṇhā); nó là tình thường trong đời sống, chưa quá đà, chưa có tội lắm, nhưng cũng phát sanh khổ (Người biên soạn).

(1) Pema: Thương yêu, trìu mến...; cũng có từ gốc taṇhā – ái dục; là tình cảm tốt trên cuộc đời như thương vợ, thương con; chưa có tội lắm nhưng cũng đưa đến phiền não (Người biên soạn).

(1) Rati: Luyến ái, phát sanh dục tình – có từ gốc Ái dục - taṇhā, từ đây mới phát sanh vấn đề cần phải được nhìn ngắm. Cao hơn một cấp độ nữa là Rāga: Tình dục, gốc của luân hồi (Người biên soạn).

(1) Kāma: Tham muốn thoả mãn ngũ dục, nói chung là cõi dục giới, có từ gốc Ái dục - taṇhā.

(1) Taṇhā: Ái Dục, nằm trong 12 duyên khởi, gốc của sinh tử luân hồi. Từ Taṇhā này, cái gì được thì tham, thương; cái gì không được thì sân, ghét.

(1) Chỉ Niết-bàn.

(2) Chỉ 3 quả vị đầu là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm.

(3) Chỉ A-la-hán.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Hai 2017(Xem: 7869)
17 Tháng Mười Hai 2016(Xem: 8070)
02 Tháng Sáu 2016(Xem: 7597)
Tôi được nghe như vầy: một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngụ tại vườn Nai, ở Isipatana gần Bénarès. Lúc bấy giờ Thế Tôn nói với năm vị Tỳ Kheo:
17 Tháng Năm 2016(Xem: 6823)
Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Lúc bấy giờ khoảng năm trăm Bà-la-môn từ nhiều quốc độ khác nhau trú tại Savatthi vì một vài công việc. Những vị Bà-la-môn ấy suy nghĩ: "Sa-môn Gotama này chủ trương bốn giai cấp đều thanh tịnh. Ai có thể cùng với Sa-môn Gotama thảo luận vấn đề này?"
17 Tháng Năm 2016(Xem: 6190)
Lời Đức Phật dạy rất mực thâm sâu. Kinh nào cũng cần nghiền ngẫm, cần tu học với từng lời dạy một.
28 Tháng Tư 2016(Xem: 5093)
Lời dạy của Đức Phật được kiết tập thành kinh điển và bảo lưu trong nhiều truyền thống và bộ phái Phật giáo. Trong kho tàng kinh điển Phật giáo, thì một phần di sản của hai truyền thống kinh điển Nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādins) và Thượng tọa bộ (Theravādins) còn được lưu lại đến hôm nay trong Hán tạng và Nikāya.