Quyển Thứ Tám

29 Tháng Tư 201000:00(Xem: 15825)
KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập - Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
Viện Phật Học Phổ Hiền Xuất Bản PL. 2530 DL 1986 (Trọn bộ 3 tập)
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn hành P.L 2539 DL. 1995 (Trọn bộ 3 tập)


 QUYỂN THỨ TÁM

 PHẨM VÔ SANH
 THỨ HAI MƯƠI SÁU

 Bấy giờ Ngài Xá Lợi Phất hỏi Ngài Tu Bồ Đề: “Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật quán các pháp.

 Những gì là Bồ Tát? Những gì là Bát nhã ba la mật? Những gì là quán?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Vì vô thượng Chánh đẳng Cánh giác phát đại tâm, người nầy gọi là Bồ Tát. Người nầy cũng biết tất cả pháp, tất cả tướng mà cũng chấp trước, biết tướng của sắc nhẫn đến biết tướng của bất cộng pháp cũng chẳng chấp trước”.

 Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Những gì là tất cả pháp tướng?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nếu dùng danh tự, nhơn duyên hòa hiệp v.v…để biết các pháp, đây là sắc, đây là thanh, hương, vị, xúc, pháp, là pháp hữu vi, là pháp vô vi. Dùng tướng danh tự ngữ ngôn để biết các pháp thời gọi là biết các pháp tướng.

 Như lời Xá Lợi Phất hỏi, những gì là Bát nhã ba la mật? Vì viễn ly nên gọi là Bát nhã ba la mật.

 Những pháp gì viễn ly? Viễn lý ấm giới nhập. Viễn ly ba la mật. Viễn ly không, Do đây nên viễn ly gọi là Bát nhã ba la mật.

 Lại viễn ly tứ niệm xứ đến viễn ly mười tám pháp bất cộng, viễn ly nhứt thiết trí. Do đây nên viễn ly gọi là Bát nhã ba la mật.

 Những gì là quán? Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát quán sắc chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải lạc, chẳng phải khổ, chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã, chẳng phải không, chẳng phải bất không, chẳng phải tướng, chẳng phải vô tướng, chẳng phải ác, chẳng phải vô tác, chẳng phải tịch diệt, chẳng phải chẳng tịch diệt, chẳng phải ly, chẳng phải chẳng ly, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật, nội không đến vô pháp hữu pháp không, tứ niệm xứ đến bất cộng pháp, tất cả môn tam muội đến nhứt thiết chủng trí cũng như vậy. Đây gọi là đại Bồ Tát lúc thật hành Bát nhã ba la mật quán các pháp”.

 Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Do nhơn duyên gì mà sắc chẳng sanh là chẳng phải sắc; nhẫn đến nhứt thiết chủng trí chẳng sanh là chẳng phải nhứt thiết chủng trí?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Sắc sắc tướng rỗng không. Trong sắc không ấy không có sắc cũng không có sanh, nhẫn đến nhứt thiết chủng trí cũng như vậy. Do đây nên sắc chẳng sanh là chẳng phải sắc, nhẫn đến nhứt thiết chủng trí chẳng sanh là chẳng phải nhứt thiết chủng trí”.

 Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Do nhơn duyên gì mà nói rằng sắc chẳng hai là chẳng phải sắc, nhẫn đến nhứt thiết chủng trí chẳng hai là chẳng phải nhứt thiết chủng trí?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Có sắc là có chẳng hai, nhẫn đến có nhứt thiết chủng trí là có chẳng hai. Tất cả những pháp nầy đều chẳng hiệp, chẳng tan,, không sắc, không hình, không đối một tướng. Do đây nên sắc chẳng hai là chẳng phải sắc, nhẫn đên nhứt thiết chủng trí chẳng hai là chẳng phải nhứt thiết chủng trí”.

 Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “ Do nhơn duyên gì mà nói rắng sắc nầy vào trong pháp số vô nhị, nhẫn đến nhứt thiết chủng trí vào trong pháp số vô nhị ?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Sắc chẳng khác vô sanh, vô sanh chẳng khác sắc, sắc tức là vô sanh, vô sanh tức là sắc. Do đây nên sắc vào trong pháp số vô nhị. Nhẫn đến nhứt thiết chủng trí cũng như vậy”.

 Bấy giờ Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật quán các pháp như vậy thời thấy sắc vô sanh, vì rốt ráo tịnh vậy. Thấy thọ, tưởng, hành, thức vô sanh vì rốt ráo tịnh vậy. Nhẫn đến thấy Phật và Phật pháp vô sanh vì rốt ráo tịnh vậy”.

 Ngài Xá Lợi Phất nói: “Cứ theo nghĩa của Tu Bồ Đề nói mà tôi được nghe thời sắc là chẳng sanh, thọ, tưởng, hành, thức là chẳng sanh, nhẫn đến Phật và Phật pháp cũng chẳng sanh.

 Nếu như vậy thời lẽ ra nay chẳng nên được Tu Đà Hoàn Tu Đà Hoàn quả, Tư Đà Hàm Tư Đà Hàm quả, A Na Hàm A Na Hàm quả, A La Hán A La Hán quả, Bích Chi Phật Bích Chi Phật đạo, chẳng nên được đại Bồ Tát nhứt thiết chủng trí, cũng không có lục đạo chúng sanh sai khác, cũng chẳng nên được đại Bồ Tát năm thứ bồ đề.

 Nầy Tu Bồ Đề! Nếu tất cả pháp là tướng chẳng sanh, cớ chi Tu Đà Hoàn tu đạo đế để dứt bă kiết sử? Tư Đà Hàm tu đạo đế để làm mỏng tham, sân, si? A Na Hàm tu đạo đế để dứt năm hạ phần kiết sử? A La Hán tu đạo đế để dứt năm thượng phần kiết sử? Bích Chi Phật vì pháp Bích Chi Phật mà tu đạo đế ? Cớ chi đại Bồ Tát vì thọ khổ thay chúng sanh mà làm những việc khó làm? Cớ chi Phật chuyển pháp luân?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Tôi chẳng muốn cho pháp vô sanh có sở đắc. Tôi cũng chẳng muốn cho trong pháp vô sanh có được Tu Đà Hoàn và Tu Đà Hoàn quả, nhẫn đến có được Bích Chi Phật và Bích Chi Phật đạo. Tôi cũng chẳng muốn trong pháp vô sanh có Bồ Tát làm việc khó làm để thay khổ chio chúng sanh, Bồ Tát cũng chẳng dùng tâm khó làm để hành đạo.

 Tại sao vậy? Vì nếu sanh tâm khó, tâm khổ thời chẳng thể lợi ích cho vô lượng vô số chúng sanh.

 Nầy Xá Lợi Phất! Nay đây Bồ Tát thương xót chúng sanh. Với chúng sanh, Bồ Tát tưởng như cha mẹ, anh em, con cháu, cũng tưởng như thân mình. Thế nên Bồ Tát có thể lợi ích cho vô lượng vô số chúng sanh, vì pháp dụng vô sở đắc vậy.

 Bồ Tát nên sanh tâm như thế nầy: Như ngã bất khả đắc, nơi tất cả thứ, tất cả chỗ, nội pháp, ngoại pháp cũng vậy, đều bất khả đắc. Nếu sanh tâm như trên đây thời Bồ Tát không có tâm khó, tâm khổ. Tại sao vậy? Vì Bồ Tát nầy nơi tất cả thứ, tất cả chỗ, tất cả pháp đều chẳng lãnh thọ.

 Nầy Xá Lợi Phất! Tôi cũng chẳng muốn cho trong vô sanh có Phật chứng Vô thượng Bồ đề, trong vô sanh có chuyển pháp luân, tôi cũng chẳng muốn dùng pháp vô sanh để đắc đạo”.

 Ngài Xá Lợi Phất nói: “Nay Tu Bồ Đề muốn khiến dùng pháp sanh đắc đạo hay là dùng pháp vô sanh đắc đạo?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Tôi chẳng muốn khiến dùng pháp sanh đắc đạo”.

 Ngài Xá Lợi Phất nói: “Vậy thời Tu Bồ Đề muốn khiến dùng pháp vô sanh đắc đạo?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Tôi cũng chẳng muốn khiến dùng pháp vô sanh đắc đạo”.

 Ngài Xá Lợi Phất nói: “Như lời Tu Bồ Đề nói thời là vô tri, vô đắc”.

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Có tri, có đắc không phai hai pháp. Nay theo danh tự thế gian nên có tri, có đắc. Theo danh tự thế gian nên có Tu Đà Hoàn đến có chư Phật.

 Trong đệ nhứt nghĩa đế thời vô tri, vô đắc, cũng không Tu Đà Hoàn đến không chư Phật”.

 Ngài Xá Lợi Phất nói: “Nếu theo danh tự thế gian nên có tri, có đắc, thời sáu loài sai khác cũng do danh tự thế gian mà có, chẳng phải là đệ nhứt nghĩa đế”.

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Đúng như vậy. Theo danh tự thế gian nên có tri, có đắc. Sáu loài sai khác cũng do danh tự thế gian mà có, chẳng phải là đệ nhứt nghĩa đế.

 Tại sao vậy? Vì trong đệ nhứt nghĩa đế không có nghiệp, không có báo, không có sanh, không có diệt, không có tịnh, không có cấu”.

 Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Pháp chẳng sanh sanh chăng? Pháp sanh sanh chăng?”

 Ngià Tu Bồ Đề nói: “Tôi chẳng muốn khiến pháp chẳng sanh sanh, cũng chẳng muốn khiến pháp sanh sanh”.

 Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Pháp chẳng sanh nào không muốn khiến sanh?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Sắc là pháp chẳng sanh, tự tánh nó rỗng không chẳng muốn khiến sanh. Nhẫn đến Vô thượng Bồ đề là pháp chẳng sanh, tự tánh nó rỗng không chẳng muốn khiến sanh”.

 Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Sanh sanh hay chẳng sanh?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Chẳng phải sanh, cũng chẳng phải chẳng sanh sanh.

 Tại sao vậy? Vì sanh và chẳng sanh là hai pháp chẳng hiệp, chẳng tan, không sắc không hình, không đối, một tướng tức là không có tướng. Do đây nên chẳng phải sanh sanh cũng chẳng phải chẳng sanh sanh”.

 Ngài Xá Lợi Phất nói: ”Tu Bồ Đề khéo thích nói pháp vô sanh và tướng vô sanh”.

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Tôi thích nói pháp vô sanh và tướng vô sanh.

 Tại sao vậy? Vì những pháp vô sanh, tướng vô sanh và những lời thích nói đều chẳng hiệp, chẳng tan, không sắc, không hình, không đối, một tướng, tức là không có tướng”.

 Ngài Xá Lợi Phất nói: “Tu Bồ Đề thích nói pháp chẳng sanh, cũng thích nói tướng chẳng sanh, những lời thích nói nầy cũng chẳng sanh”.

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Đúng như vậy. Vì sắc chẳng sanh nhẫn đến nhất thiết chủng trí chẳng sanh. Do đây nên tôi thích nói pháp chẳng sanh, cũng thích nói tướng chẳng sanh, lời thích nói nầy cũng chẳng sanh”.

 Ngài Xá Lợi Phất nói: “Trong những người thuyết pháp, Tu Bồ Đề đáng là người trên hết. Vì có hỏi điều chi, Tu Bồ Đề đều đáp được cả”.

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Vì các pháp không có sở y vậy”.

 Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Thế nào là các pháp không có sở y?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Sắc tánh thường không, chẳng y tựa trong, chẳng y tựa ngoài, chẳng y tựa trung gian. Nhẫn đến nhất thiết chủng trí tánh thường không, chẳng y tựa trong, chẳng y tựa ngoài, chẳng y tựa trung gian. Do đây nên tất cả pháp không chỗ y tựa, vì tánh thường không vậy.

 Ngài Xá Lợi Phất! Thế nên đại Bồ Tát lúc thật hành sáu môn ba la mật phải tịnh sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nhẫn đến phải tịnh nhất thiết chủng trí”.

 Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Thế nào là đại Bồ Tát lúc thật hành sáu môn ba la mật tịnh Bồ Tát đạo?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Có thế gian Đàn na ba la mật. Có xuất thế gian Đàn na ba la mật. Năm ba la mật kia cũng đều có thế gian và có xuất thế gian”.

 Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Thế nào là thế gian Đàn na ba la mật? Thế nào là xuất thế gian Đàn na ba la mật?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nếu đại Bồ Tát làm thí chủ có thể bố thí cho Sa Môn, Bà La Môn và người nghèo cùng đi xin: cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, cần mặc cho mặc, cần chỗ ở cho chỗ ở, cần tiền bạc, châu báu, hoa hương, cần cầu thuốc mem cho thuốc mem, tất cả thứ cần dùng đều cấp cho.

 Lúc bố thí, Bồ Tát nghĩ rằng tôi cho họ nhận, tôi chẳng bỏn xẻn tham lam, tôi là thí chủ, tôi có thể thí xả tất cả, tôi y theo lời Phật dạy mà thật hành Đàn na ba la mật.

 Bố thí xong, Bồ Tát lúc dùng pháp đã được, cùng chung với tất cả chúng sanh hồi hướng Vô thượng Bồ đề mà nghĩ rằng nhân duyên bố thí nầy khiến chúng sanh được sự an lạc đời nay, về sau khiến họ được sự an lạc nhập Niết Bàn.
 Nầy Xá Lợi Phất! Bồ Tát nầy bố thí có ba điều chướng ngại: Một là ngã tướng, hai là tha tướng, ba là thí tướng. Vì bố thí mà có ba tướng nầy nên gọi là thế gian Đàn na ba la mật.

 Tại sao gọi là thế gian? Vì ở trong thế gian chẳng động dời, chẳng siêu xuất vậy.

 Nầy Xá Lợi Phất! Thế nào gọi là xuất thế gian Đàn na ba la mật? Chính là ba phần thanh tịnh vậy.

 Những gì là ba? Lúc bố thí, đại Bồ Tát chẳng thấy có mình, chẳng thấy có người nhận, chẳng có thấy vật bố thí, cũng chẳng trong mong báo đáp. Đây gọi là đại Bồ Tát ba phần thanh tịnh Đàn na ba la mật.

 Lại lúc bố thí, đại Bồ Tát bố thí cho tất cả chúng sanh mà không thấy có chúng sanh, đem sự bố thí nầy hồi hướng Vô thượng Bồ đề nhẫn đến không thấy có pháp tướng vi tế.

 Đây gọi là xuất thế gian Đàn na ba la mật.

 Tại sao gọi là xuất thế gian? Vì ở trong thế gian có thể động dời, có thể siêu xuất vậy.

 Năm môn ba la mật kia nếu có sở y thời gọi là thế gian, nếu không sở y thời gọi là xuất thế gian, ngoài ra như đã giải nói về Đàn na ba la mật.

 Lúc thật hành sáu môn ba la mật, đại Bồ Tát tịnh Bồ Tát đạo như vậy”

 Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Thế nào là đại Bồ Tát vì đạo Vô thượng Bồ đề?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Tứ niệm xứ là đại Bồ Tát vì đạo Vô thượng Bồ đề, nhẫn đến Bát thánh đạo phần, giải thoát môn, nội không đến vô pháp hữu pháp không, tất cả tam muội môn và đà la ni môn, thập lực, tứ vô sở úy, tứ vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng, đại từ đại bi, đây gọi là đại Bồ Tát vì đạo Vô thượng Bồ đề”.

 Ngài Xá Lợi Phất khen: “Lành thay lành thay!

 Nầy Tu Bồ Đề! “Gì là ba la mật lực?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Là Bát nhã ba la mật lực. Vì Bát nhã ba la mật hay sanh tất cả pháp lành của Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát và Phật.

 Bát nhã ba la mật hay nạp thọ tất cả pháp lành, hoặc pháp Thanh Văn, pháp Bích Chi Phật, hoặc pháp Bồ Tát và Phật pháp.

 Nầy Xá Lợi Phất! Quá khứ chư Phật thật hành Bát nhã ba la mật được Vô thượng Bồ đề. Vị lai chư Phật cũng thật hành Bát nhã ba la mật sẽ được Vô thượng Bồ đề. Hiện tại nay, chư Phật trong các quốc độ mười phương cũng thật hành Bát nhã ba la mật được Vô thượng Bồ đề.

 Nếu lúc nghe nói Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng nghi ngờ, chẳng cho là khó, thời nên biết đại Bồ Tát nầy thật hành Bồ Tát đạo.

 Người thật hành Bồ Tát đạo vì cứu tất cả chúng sanh nên tâm chẳng rời bỏ tất cả chúng sanh, bởi vô tâm đắc vậy.

 Bồ Tát phải thường chẳng rời niệm nầy: Chính là đại bi niệm”.

 Ngài Xá Lợi Phất lại hỏi: “Muốn khiến đại Bồ Tát thường chẳng rời niệm nầy: chính là đại bi niệm. Nếu đại Bồ Tát thường chẳng rời đại bi niệm, thời nay đây tất cả chúng sanh sẽ làm Bồ Tát. Vì tất cả chúng sanh cũng chẳng rời các niệm vậy”.
 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Lành thay, lành thay! Xá Lợi Phất muốn chất vấn tôi mà trở thành nghĩa của tôi.

 Tại sao vậy? Vì chúng sanh không có nên niệm không. Vì chúng sanh tánh không có nên niệm tánh cũng không. Vì chúng sanh pháp không có nên niệm pháp cũng không. Vì chúng sanh ly nên niệm cũng ly. Vì chúng sanh rỗng không nên niệm cũng rỗng không. Vì chúng sanh bất khả tri nên niệm cũng bất khả tri.

 Nầy Xá Lợi Phất! Vì sắc không có nên niệm cũng không. Vì sắc tánh không có nên niệm tánh cũng không. Vì sắc pháp không có nên niệm pháp cũng không. Vì sắc ly nên niệm cũng ly. Vì sắc rỗng không nên niệm cũng rỗng không. Vì sắc bất khả tri nên niệm cũng bất khả tri. Nhẫn đến Vô thượng Bồ đề cũng như vậy.

 Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát thật hành Bồ Tát đạo, tôi muốn khiến chẳng rời niệm nầy: chính là đại bi niệm”.

 Bấy giờ đức Phật khen: “Lành thay, lành thay! Đây chính là Bát nhã ba la mật của đại Bồ Tát. Ai muốn nói thời phải nói như vậy.

 Tu Bồ Đề nói về Bát nhã ba la mật đều là tuân thừa ý của Phật. Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật phải học như lời của Tu Bồ Đề nói”.

 Lúc Ngài Tu Bồ Đề nói phẩm Bát nhã ba la mật, cõi Đại Thiên chấn động sáu cách.

 Bấy giờ đức Phật mỉm cười.

 Ngài Tu Bồ Đề bạch hỏi duyên do.

 Đức Phật nói: “Nầy Tu Bồ Đề! Như ta nói Bát nhã ba la mật tại quốc độ nầy, mười phương trong vô lượng vô số quốc độ, chư Phật cũng nói Bát nhã ba la mật như vậy”.

 Lúc đức Phật nói phẩm Bát nhã ba la mật, có mười hai na do tha Nhơn, Thiên được vô sanh pháp nhẫn.

 Lúc mười phương chư Phật nói Bát nhã ba la mật cũng có vô lượng vô số chúng sanh phát tâm Vô thượng Bồ đề”.

 PHẨM THIÊN VƯƠNG
 THỨ HAI MƯƠI BẢY

 Bấy giờ trong Đại Thiên thế giới, chư vị Tứ Thiên Thiên Vương cùng vô số trăm ngàn ức chư Thiên đồng đến pháp hội.

 Chư vị Đao Lợi Thiên Vương cùng vô số trăm ngàn ức chư Thiên, chư vị Dạ Ma Thiên Vương, chư vị Đâu Suất Thiên Vương cùng vô số trăm ngà ức chư Thiên, chư vị Hóa Lạc Thiên Vương cùng vô số trăm ngàn ức chư Thiên, chư vị Tự Tại Thiên Vương cùng vô số trăm ngàn ức chư Thiên, chư vị Phạm Thiên Vương cùng vô số trăm ngàn ức chư Thiên đồng đến pháp hội.

 Thân quang minh do nghiệp báo sanh của chư vị Tứ Thiên Vương nhẫn đến chư vị Đại Tự Tại Thiên so với thường quang của đức Phật không bằng một phần muôn ức, ở bên Phật khác nào cột cháy nám sánh với đống vàng diêm phù đàn.

 Thích Đề Hoàn Nhơn, vị Thiên Vương cõi trời Đau Lợi bạch Ngài Tu Bồ Đề: “Chư vị Thiên Vương đây cùng hòa hiệp đều muốn nghe Đại Đức Tu Bồ Đề nói Bát nhã ba la mật.

 Bạch Ngài Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát nên an trụ trong Bát nhã ba la mật thế nào? Những gì là Bát nhã ba la mật của đại Bồ Tát? Thế nào đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy Kiều Thi Ca! Tôi sẽ thừa thuận ý của đức Phật mà nói Bát nhã ba la mật của đại Bồ Tát, như chỗ chư đại Bồ Tát phải an trụ trong Bát nhã ba la mật.

 Nay chư Thiên Tử nào chưa phát tâm Vô thượng Bồ đề thời nên phát tâm. Người nào nhập chánh vị Thanh Văn thời chẳng thể phát tâm Vô thượng Bồ đề. Tại sao vậy? Vì chướng cách với sanh tử vậy.

 Người nầy nếu phát bồ đề tâm, tôi cũng tùy hỉ. Vì bực thượng nhan phải nên lại cầu thượng pháp. Tôi trọn không dứt tuyệt công đức của họ.

 Nầy Kiều Thi Ca! Gì là Bát nhã ba la mật?

 Đại Bồ Tát đúng với tâm nhất thiết trí để tư niệm sắc là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã. Tư niệm sắc như bịnh, như mụn nhọt vỡ bể, như mũi tên ghim vào thân, làm cho đau đớn, suy hoại, lo sợ chẳng an, vì vô sở đắc vậy.

 Tư niệm thọ, tưởng, hành, thức đến địa, thủy, hỏa, phong không thức, sáu đại chủng cũng như vậy, vì đều vô sở đắc cả.

 Bồ Tát lại quán sắc đến thức chủng là tịch diệt, là ly, là bất sanh, là bất diệt, là bất cấu, là bất tịnh, vì vô sở đắc vậy.

 Lại nầy Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát đúng với tâm thứ nhứt thiết trí quán vô minh duyên ra các hành nhẫn đến lão tử nhơn duyên tụ tập những sự khổ lớn, vì cũng vô sở đắc vậy.

 Đại Bồ Tát quán vì vô minh diệt nên các hành diệt, nhẫn đến vì sanh diệt nên lão tử diệt. Vì lão tử diệt nên nhóm khổ lớn ưu bi khổ não cũng diệt, vì vô sở đắc vậy.

 Lại nầy Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát đúng với tâm nhứt thiết chủng trí tu tứ niệm xứ, vì vô sở đắc vậy. Nhẫn đến mười tám pháp bất cộng, vì vô sở đắc vậy.

 Lại nầy Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát đúng với tâm nhứt thiết trí thật hành Đàn na ba la mật đến Thiền na ba la mật, vì vô sở đắc vậy.

 Lại Kiều Thi Ca! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát quán như vầy: Chỉ có các pháp và các pháp làm nhơn duyên cho nhau mà có thuận ích, tăng trưởng, phân biệt, so tính, trong đây không có ngã và ngã sở.

 Tâm hồi hướng của Bồ Tát chẳng ở trong tâm Vô thượng Bồ đề, tâm bồ đề chẳng ở trong tâm hồi hướng.

 Ở trong tâm Vô thượng Bồ đề, tâm hồi hướng bất khả đắc.

 Ở trong tâm hồi hướng, tâm Vô thượng Bồ đề bất khả đắc.

 Đại Bồ Tát dù quán tất cả pháp, nhưng cũng không có pháp khả đắc.

 Đây gọi là Bát nhã ba la mật của đại Bồ Tát”.

 Thích Đề Hoàn Nhơn hỏi Ngài Tu Bồ Đề: “Thế nào là tâm hồi hướng của Bồ Tát chẳng ở trong tâm Vô thượng Bồ đề, nhẫn đến ở trong tâm hồi hướng, tâm Vô thượng Bồ đề bất khả đắc”.

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy Kiều Thi Ca! Tâm hồi hướng và tâm Vô thượng Bồ đề chẳng phải tâm, là chẳng phải tâm tướng.

 Trong chẳng phải tâm tướng chẳng hồi hướng được, chẳng phải tâm tướng nầy thường chẳng phải tâm tướng. Bất khả tư nghì tướng thường bất khả tư nghì tướng. Đây gọi là Bát nhã ba la mật của đại Bồ Tát”.

 Đức Phật khen: “Lành thay, lành thay! Tu Bồ Đề vì chư đại Bồ Tát mà nói Bát nhã ba la mật, an ổn tâm của đại Bồ Tát”.

 Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: “Thế Tôn! Con phải báo ân.

 Thuở quá khứ, chư Phật và các đệ tử vì hàng đại Bồ Tát nói sáu ba la mật dạy bảo lợi ích vui mừng. Lúc ấy đức Thế Tôn cũng ở nơi đó học được Vô thượng Bồ đề.

 Hôm nay cũng phải vì hàng Bồ Tát nói sáu ba la mật, dạy bảo lợi ích vui mừng cho họ được Vô thượng Bồ đề”.

 Ngài Tu Bồ Đề nói với Thích Đề Hoàn Nhơn: “Nầy Kiều Thi Ca! Nay Ngài nên nghe chỗ nên an trụ cùng chỗ chẳng nên an trụ trong Bát nhã ba la mật của đại Bồ Tát.

 Nầy Kiều Thi Ca! Sắc sắc rỗng không, đến thức thức rỗng không, Bồ Tát Bồ Tát rỗng không.

 Sắc không và Bồ Tát không nầy chẳng hai, chẳng khác, đến thức không và Bồ Tát không chẳng hai, chẳng khác.

 Nầy Kiều Thi Ca! Trong Bát nhã ba la mật của đại Bồ Tát nên an trụ như vậy.

 Lại nhãn nhãn rỗng không, đến ý rỗng không, Bồ Tát Bồ Tát rỗng không.

 Nhãn không nhẫn đến Bồ Tát không chẳng hai, chẳng khác.

 Lục trần, sắc đến pháp, lục đại, đại địa đến thức đại thức đại rỗng không, Bồ Tát Bồ Tát rỗng không.

 Thức đại không và Bồ Tát không chẳng hai, chẳng khác.

 Vô minh vô minh rỗng không đến lão tử lão tử rỗng không. Vô minh diệt vô minh diệt rỗng không đến lão tử diệt lão tử diệt rỗng không, Bồ Tát Bồ Tát rỗng không.

 Vô minh không đến lão tử diệt không và Bồ Tát không chẳng hai, chẳng khác.

 Nầy Kiều Thi Ca! Trong Bát nhã ba la mật của đại Bồ Tát phải an trụ như vậy.

 Lại Đàn na ba la mật đến nhứt thiết chủng trí nhứt thiết chủng trí rỗng không, Bồ Tát Bồ Tát rỗng không.

 Nhứt thiết chủng trí không và Bồ Tát không chẳng hai, chẳng khác.

 Nầy Kiều Thi Ca! Trong Bát nhã ba la mật của đại Bồ Tát phải an trụ như vậy.

 Thế nào trong Bát nhã ba la mật chỗ chẳng nên an trụ?

 Nầy Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát chẳng nên an trụ trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức, vì có sở đắc vậy. Chẳng nên an trụ trong nhãn đến ý. Chẳng nên an trụ trong sắc đến pháp. Chẳng nên an trụ trong nhãn thức đến ý thức. Chẳng nên an trụ trong nhãn xúc, nhơn duyên, sanh thọ, vì có sở đắc vậy.

 Chẳng nên an trụ trong Đàn na ba la mật đến nhứt thiết trí, vì có sở đắc vậy.

 Lại nầy Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát đối với sắc là thường, sắc là vô thường, sắc là lạc, là khổ, sắc là tịnh, sắc là bất tịnh, sắc là ngã, sắc là vô ngã, sắc là không, sắc là bất không, sắc là tịch diệt, sắc là chẳng tịch diệt, sắc là ly, sắc là chẳng ly, đều chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy. Như với sắc, với thọ, tưởng, hànht, thức cũng vậy.

 Lại nầy Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát đối với vô vi tướng và phước điền của quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến của Phật đều chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy.

 Ở trong sơ phát tâm: Tôi phải đầy đủ sáu môn ba la mật, sẽ nhập Bồ Tát vị, sẽ ở bực bất thối chuyển, có đủ năm thần thông, đại Bồ Tát đều chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy.

 Có đủ năm thần thông rồi tôi sẽ đến vô lượng vô số cõi Phật để lễ kính cúng dường, nghe Phật thuyết pháp, nghe xong nói lại cho người khác. Tất cả như vậy, đại Bồ Tát đều chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy.

 Như quốc độ nghiêm tịnh của chư Phật, tôi cũng sẽ nghiêm tịnh quốc độ như vậy, sẽ thành tựu chúng sanh khiến họ nhập Phật đạo, sẽ đến chỗ của vô lượng vô số chư Phật để tán thán kính trọng cúng dường phát tâm Vô thượng Bồ đề. Tất cả như vầy, đại Bồ Tát đều chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy.

 Tôi sẽ sanh ngũ nhãn, sẽ sanh tất cả tam muội, tất cả đà la ni, sẽ được nhập lực, tứ vô úy, tứ vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng, sẽ đầy đủ đại từ đại bi, ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình. Tất cả như vậy, đại Bồ Tát đều chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy.

 Đây là bát nhơn, là tín hành nhơn, là pháp hành nhơn, Tu Đà Hoàn tột bảy đời, Tu Đà Hoàn mạng chung sạch phiền não, Tu Đà Hoàn trung gian nhập Niết Bàn, người nầy hướng Tư Đà Hàm quả chứng, Tư Đà Hàm nhứt lai nhập Niết Bàn, người nầy hướng A Na Hàm quả chứng, A Na Hàm nơi kia nhập Niết Bàn, người nầy hướng A La Hán quả chứng, A La Hán đời nay nhập vô dư Niết Bàn, người nầy là Bích Chi Phật, trụ Bồ Tát địa, vượt hơn Thanh Văn, Bích Chi Phật, được đạo chủng trí, nhứt thiết chủng trí, đắc Vô thượng Bồ đề, sẽ chuyển pháp luân, làm Phật sự độ vô lượng chúng sanh nhập Niết Bàn. Tất cả như vậy, đại Bồ Tát đều chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy.

 Được tứ như ý túc, trụ trong tam muội nầy sẽ trụ thọ số kiếp như số cát sông Hằng, sẽ được ba mươi hai tướng, mỗi mỗi tướng có trăm phước trang nghiêm, thế giới của ta như hằng sa thế giới mười phương, Đại Thiên thế giới của ta thuần kim cang, cây bồ đề của ta sẽ phát ra mùi thơm làm cho chúng sanh dứt sạch thân bịnh và tâm bịnh, chúng sanh nghe mùi thơm nầy sẽ sạch tham, sân, si, cũng không có tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật, tất cả sẽ được Vô thượng Bồ đề. Tất cả như vậy, đại Bồ Tát đều chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy.

 Sẽ khiến trong thế giới của tôi không có danh tự sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có danh tự Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật, không có danh tự tứ niệm xứ đến bất cộng pháp, cũng không có danh tự Tu Đà Hoàn đến Phật. Tất cả như vậy, đại Bồ Tát đều chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy.

 Tại sao vậy? Vì chư Phật lúc đắc Vô thượng Bồ đề, tất cả pháp đề vô sở đắc vậy.

 Nầy Kiều Thi Ca! Thế nên ở trong Bát nhã ba la mật, Bồ Tát chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy.

 Ngài Xá Lợi Phất nghĩ rằng nay đây Bồ Tát phải an trụ trong Bát nhã ba la mật như thế nào?”

 Biết tâm niệm của Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy Xá Lợi Phất! Cứ theo ý Ngài thời chư Phật an trụ chỗ nào?”

 Ngài Xá Lợi Phất nói: “Chư Phật không có chỗ an trụ.

 Chư Phật chẳng an trụ trong sắc, chẳng an trụ trong thọ, tưởng, hành, thức, chẳng an trụ trong tánh hữu vi, trong tánh vô vi, chẳng an trụ trong tứ niệm xứ đến bất cộng pháp, chẳng an trụ trong nhứt thiết chủng trí.

 Trong Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát phải an trụ như chư Phật an trụ. Nơi tất cả pháp chẳng phải an trụ chẳng phải chẳng an trụ.

 Trong Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát phải học như vậy, phải an trụ nơi pháp chẳng trụ”.

 Bấy giờ trong pháp hội có chư Thiên Tử nghĩ rằng lời nói câu chữ của hàng Dạ Xoa còn có thế rõ biết được, Đại Đức Tu Bồ Đề luận nói, giải thích Bát nhã ba la mật, chúng tôi trọn chẳng biết chi cả.

 Ngài Tu Bồ Đề biết tâm niệm của Chư Thiên Tử nên hỏi rằng: “Các Ngài chẳng hiểu, chẳng biết ư?”

 Chư Thiên Tử nói: “Bạch Đại Đức! Chúng tôi chẳng hiểu, chẳng biết”.

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Đúng ra thời các Ngài phải nên chẳng biết, còn tôi thì không có luận nói, nhẫn đến tôi không nói đến một chữ, cũng không có người nghe.

 Tại sao vậy? Vì những chữ chẳng phải Bát nhã ba la mật. Trong Bát nhã ba la mật không có thích giả.

 Vô thượng Bồ đề của chư Phật không có chữ, không có lời.

 Nầy các Ngài! Như đức Phật biến hóa thành hóa nhơn. Hoá nhơn nầy lại biến hóa bốn bộ chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Như-lai-tạng Tiểu thừa, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di. Ở giữa bốn bộ chúng nầy, hóa nhơn thuyết pháp.

 Ý các Ngài nghĩ thế nào, trong đó có thuyết giả, có thích giả, có trí giả chăng?“

 Chư thiên Tử nói: “Bạch Đại Đức! Không có”.

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy các Ngài! Tất cả pháp đều như biến hóa, trong đó không có thuyết giả, không có thích giả cũng không có tri giả.

 Nầy các Ngài! Ví như có người chiêm bao thấy Phật thuyết pháp, ý các Ngài nghĩ thế nào, trong đó có thuyết giả, thính giả và tri giả chăng?”

 Chư Thiên Tử nói: “Bạch Đại Đức! Không có”.

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy các Ngài! Tất cả các pháp đều như chiêm bao, không có người nói, không có người nghe, không có người biết.

 Nầy các Ngài! Ví như có hai người ở một bên bờ khe sâu lên tiếng ca ngợi Phật, Pháp và Tăng phát ra hai vang.

 Ý các Ngài nghĩ thế nào, hai vang ấy có hiểu lẫn nhau chăng?”

 Chư Thiên Tử nói: “Bạch Đại Đức! Không”.
 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy các Ngài! Tất cả pháp cũng như vang, không thuyết giả, không thích giả, không tri giả.

 Nầy các Ngài! Như nhà ảo thuật giỏi, ở giữa ngã tư đường hóa làm Phật và bốn bộ chúng rồi thuyết pháp. Ý các Ngài nghĩ thế nào, trong đó có người nói, người nghe, người biết không?”

 Chư Thiên Tử nói: “Bạch Đại Đức! Không có”.

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy các Ngài! Tất cả pháp như ảo huyễn, trong đó không có thuyết giả, thích giả, cũng không có tri giả”.

 Bấy giờ chư Thiên Tử nghĩ rằng Đại Đức Tu Bồ Đề giải nói muốn cho dễ hiểu mà trở lại càng thâm, càng diệu.

 Ngài Tu Bồ Đề biết tâm niệm của chư Thiên Tử mà nói rằng: “Nầy các Ngài! Sắc chẳng phải thâm, chẳng phải diệu, thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải thâm, chẳng phải diệu. Sắc tánh đến thức tánh chẳng phải thâm, chẳng phải diệu. Nhãn tánh đến ý tánh, sắc tánh đến pháp tánh, nhãn giới tánh đến ý thức giới tánh, nhãn xúc đến ý xúc, nhãn xúc, nhơn duyên, sanh thọ đến ý xúc, nhơn duyên, sanh thọ đều chẳng phải thâm, chẳng phải diệu.

 Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật, nội không đến vô pháp hữu pháp không, tứ niệm xứ đến bất cộng pháp, tất cả tam muội đến tất cả đà la ni, nhứt thiết chủng trí và nhứt thiết chủng trí tánh đều chẳng phải thâm, chẳng phải diệu”.

 Chư Thiên Tử nghĩ rằng trong thuyết pháp ấy chẳng phải nói sắc đến chẳng nói nhứt thiết chủng trí, chẳng nói Tu Đà Hoàn quả đến A La Hán quả, chẳng nói Bích Chi Phật đạo, chẳng nói Vô thượng Bồ đề đạo, trong chẳng pháp ấy chẳng nói danh tự ngữ ngôn.

 Ngài Tu Bồ Đề biết tâm niệm của chư Thiên Tử nên nói rằng: “Nầy các Ngài! Đúng như vậy, trong pháp ấy, Vô thượng Bồ đề của chư Phật không có tướng nói được, trong ấy không có thuyết giả, không có thính giả, không có tri giả.

 Nầy các Ngài! Do đây nên thiện nam tử, thiện nữ nhơn, người muốn an trụ Tu Đà Hoàn quả, muốn y chứng Tu Đà Hoàn quả, người nầy chẳng lìa rời trí nhẫn trên đây. Người muốn an trụ, muốn chứng Tư Đà Hàm quả, A Na Hàm quả, A La Hán quả, Bích Chi Phật đạo và Phật đạo, người nầy chẳng rời lìa trí nhẫn trên đây.

 Nầy các Ngài! Đại Bồ Tát từ sơ phát tâm, ở trong Bát nhã ba la mật, phải an trụ như vậy. Vì không có nói, không có nghe vậy”.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1537)
27 Tháng Chín 2022(Xem: 84082)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
16 Tháng Chín 2020(Xem: 6015)
20 Tháng Tám 2018(Xem: 7808)