Quyển Thứ Hai Mươi

29 Tháng Tư 201000:00(Xem: 14408)
KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập - Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
 Viện Phật Học Phổ Hiền Xuất Bản PL. 2530 DL 1986 (Trọn bộ 3 tập)
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn hành P.L 2539 DL. 1995 (Trọn bộ 3 tập)


 QUYỂN THỨ HAI MƯƠI

 PHẨM HẰNG GIÀ ĐỀ BÀ
 THỨ NĂM MƯƠI CHÍN


 Bấy giờ trong đại chúng có một nữ nhơn tên Hằng Già Đề Bà, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai hữu, gối hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Tôi sẽ hành sáu ba la mật để tịnh Phật quốc độ, đúng như lời dạy của đức Phật trong Bát nhã ba la mật”.

 Nữ nhơn nầy đem hoa vàng, hoa bạc, cùng hoa tươi dưới nước, trên đất với những món cúng dường trang nghiêm và hai tấm thảm dệt bằng chỉ vàng, trải trên đức Phật. Trên hư không ngay đảnh đức Phật, những món của nữ nhơn vừa rải để cúng dường đó liền hóa thành bốn cột đài báu ngay ngắn xinh đẹp. Nữ nhơn nầy đem công đức cúng dường Phật cùng chung với tất cả chúng sanh hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

 Khi đó đức Phật biết rõ thâm tâm của nữ nhơn nầy nên liền mỉn cười, đúng như cách thức của chư Phật, những tia sáng nhiều màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng từ miệng đức Phật chiếu khắp mười phương vô lượng vô biên Phật độ, những tia sáng ấy xoay trở về nhiễu quanh bên hữu đức Phật ba vòng rồi nhập vào đảnh đức Phật.

 Ngài A Nan từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối hữu, chắp tay thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Do nhơn duyên gì mà đức Phật mỉn cười? Theo pháp của chư Phật, không bao giờ vô cớ mà cười”.

 Đức Phật phán dạy: “Nầy A Nan! Hằng Già Bà Đề nầy sẽ thành Phật ở đời vị lai trong kiếp Tinh Tú, hiệu là Kim Hoa Phật.

 Nầy A Nan! Nữ nhơn nầy sau khi chết sẽ thọ thân nam tử, sanh về nước Diệu Hỷ của đức Phật A Súc. Ở nước Diệu Hỷ đó tu phạm hạnh thanh tịnh.

 Nầy A Nan! Ở nước Diệu Hỷ, Bồ Tát đó hiệu là Kim Hoa. Khi mãn báo ở nước Diệu Hỷ, Bồ Tát Kim Hoa sẽ sanh về cõi nước chư Phật khác, mãi mãi chẳng xa rời chư Phật.

 Như Chuyển Luân Thánh Vương từ một hành cung nầy đến một hành cung khác, trọn đời chưn Vương chẳng đạp đất.

 Cũng vậy, từ một nước Phật đến một nước Phật, mãi đến khi thành Vô thượng Bồ đề, Kim Hoa Bồ Tát chưa có lúc nào chẳng thấy Phật”.

 Ngài A Nan thầm nghĩ Kim Hoa đại Bồ Tát sau nầy thành Phật, phải biết đại hội Bồ Tát cũng như pháp hội của Phật.

 Đức Phật bảo Ngài A Nan: “Đúng như chỗ ngươi vừa nghĩ, thời kỳ Phật Kim Hoa, đại hội Bồ Tát phải biết là như pháp hội của Phật.

 Nầy A Nan! Thuở Phật Kim Hoa, Tỳ Kheo Tăng đông vô lượng vô biên, chẳng đếm được, có thể là ngàn trăm, ngàn vạn ức na do tha. Trong nước đó không có những thứ xấu uế như đây”.

 - Bạch đức Thế Tôn! Từ nơi nào mà nữ nhơn nầy gieo cội phước đức, trồng căn lành?

 - Nầy A NanTừ nơi Phật Nhiên Đăng, nữ nhơn nầy mới đầu phát tâm Bồ đề, trồng căn lành, hồi hướng Phật đạo.

 Lúc đó, nữ nhơn nầy cũng dùng hoa vàng, rải cúng dường Phật Nhiên Đăng để cầu Vô thượng Bồ đề.

 Nầy A Nan! Như lúc đó chính ta dùng năm cành hoa, rải cúng dường Phật Nhiên Đăng để cầu Vô thượng Bồ đề. Phật Nhiên Đăng biêt thiện căn của ta đã thành tựu nên thọ ký Vô thượng Bồ đề cho ta. Nữ nhơn nầy nghe ta được thọ ký liền nguyện rằng: Cầu mong cho tôi ở đời sau cũng được thọ ký Vô thượng Bồ đề như đại Bồ Tát nầy.

 Nầy A Nan! Ngươi nên biết rằng từ nơi Phật Nhiên Đăng, nữ nhơn nầy mới đầu phát Bồ đề tâm.

 - Bạch đức Thế Tôn! Phải chăng nữ nhơn nầy từ lâu đã tu tập Vô thượng Bồ đề?

 - Đúng như vậy. Nầy A Nan! Từ lâu nữ nhơn nầy đã tu tập Vô thượng Bồ đề”.

 

 PHẨM HỌC KHÔNG BẤT CHỨNG
 THỨ SÁU MƯƠI

 Ngài Tu Bồ Đề thưa: "Bạch đức Thế Tôn! Muốn hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát học không tam muội và nhập không tam muội thế nào? Học vô tướng tam muội, vô tác tam muội và nhập vô tướng, vô tác tam muội thế nào? Học tứ niệm xứ nhẫn đến học bát thánh đạo và tu tứ niệm xứ nhẫn đến tu bát thánh đạo thế nào?”

 - Nầy Tu Bồ Đề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát phải quán sắc không, phải quán thọ, tưởng, hành, thức không, phải quán thập nhị nhập, thập bát giới không, nhẫn đến phải quán Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới không.

 Lúc quán như vậy chớ cho tâm tán loạn.

 Nếu tâm chẳng tán loạn, đại Bồ Tát chẳng thấy pháp ấy. Nếu chẳng thấy pháp ấy thì chẳng chứng. Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát nầy khéo học tự tướng không, chẳng có gì khác, chẳng có ai, phần chứng pháp chứng đều chẳng thể thấy được.

 - Bạch đức Thế Tôn! Như đứng Phật dạy: Đại Bồ Tát chẳng nên ở nơi không pháp mà tác chứng.

 Bạch đức Thế Tôn! Tại sao đại Bồ Tát an trụ trong không pháp mà tác chứng?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát quán không được đầy đủ, trước hết nguyện như vầy: Nay tôi chẳng nên ở nơi không mà tác chứng, nay là lúc tôi học, chẳng phải lúc tôi chứng. Đại Bồ Tát chẳng chuyên nhiếp tâm cột ở trong cảnh duyên, vì thế mà đại Bồ Tát chẳng thối chuyển trong Vô thượng Bồ đề, cũng chẳng chứng lấy quả vô lậu.

 Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát rất khéo hành như vậy, thời diệu pháp được thành tựu. Tại sao vậy? Lúc an trụ trong không pháp, đại Bồ Tát tự nghĩ nay là lúc tôi học, chẳng phải lúc chứng.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát phải nghĩ rằng: Nay là lúc tôi học Đàn ba la mật nhẫn đến lúc tôi học Bát nhã ba la mật, chẳng phải là lúc chứng, là lúc tôi tu tứ niệm xứ, chẳng phải là lúc chứng, nhẫn đến là lúc tu bát thánh đạo, chẳng phải là lúc chứng, là lúc tu ba tam muội, chẳng phải là lúc chứng, là lúc tu mười trí lực, chẳng phải là lúc chứng, nhẫn đến là lúc tôi học nhứt thiết chủng trí, chẳng phải là lúc chứng quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến quả A La Hán cùng đạo Bích Chi Phật.

 Nầy Tu Bồ Đề! Như thế đó, đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật học không quán, an trụ trong không, học vô tướng, vô tác, tu tứ niệm xứ nhẫn đến tu bát thánh đạo chẳng chứng tứ niệm xứ nhẫn đến chẳng chứng lấy bát thánh đạo.

 Đại Bồ Tát nầy dầu học, dầu hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà chẳng tác chứng quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến chẳng tác chứng quả Bích Chi Phật.

 Nầy Tu Bồ Đề! Ví như tráng sĩ dũng mãnh, giỏi binh pháp sáu mươi bốn môn, tay nắm chặt binh khí đứng yên bất động, nghệ thuật giỏi, tướng đẹp sạch, mọi người ai cũng yêu kính, tạo sự nghiệp ít, được hưởng lợi nhiều. Do cớ nầy mà được đại chúng cung kính, tôn trọng, ca ngợi. Thấy mọi người kính trọng, tráng sĩ nầy lại càng hoan hỉ, vì sự duyên ít nên sẽ đến xứ khác để giúp đỡ kẻ già yếu qua khỏi chỗ hiểm nạn khủng bố. Giữa đường hiểm trở có nhiều giặc cướp núp ngầm cướp hại. Do tráng sĩ đó đầy đủ trí lực nên mọi người qua được đường hiểm trở, về đến nhà chẳng bị cướp hại, đều an ổn vui mừng.

 Nầy Tu Bồ Đề! Cũng vậy, đại Bồ Tát ở trong tất cả chúng sanh, tâm từ bi hỉ xả tràn đầy cùng khắp, khi đó đại Bồ Tát an trụ trong bốn tâm vô lượng, đầy đủ sáu ba la mật, chẳng chứng lấy quả vô lậu, học nhứt thiết chủng trí, nhập ba môn giải thoát: không, vô tướng, vô tác. Bấy giờ Bồ Tát chẳng theo tất cả các tướng, cũng chẳng chứng vô tướng tam muội. Vì chẳng chứng vô tướng tam muội nên chẳng sa vào các bực Thanh Văn và Bích Chi Phật.

 Nầy Tu Bồ Đề! Ví như chim có đủ cánh, bay lượn trong hư không chẳng bị rơi rớt, dầu chim ở trong hư không mà chẳng an trụ trong hư không.

 Cũng vậy, đại Bồ Tát dầu học không, vô tướng, vô tác giải thoát môn mà chẳng tác chứng. Vì chẳng tác chứng nên chẳng sa vào bực Thanh Văn, Bích Chi Phật. Dầu chưa đủ mười trí lực, đại từ, đại bi, vô lượng Phật pháp, nhứt thiết chủng trí mà cũng chẳng chứng lấy không, vô tướng, vô tác giải thoát môn.

 Nầy Tu Bồ Đề! Ví như xạ thủ đại tài, bắn tên lên hư không lại nối tiếp bắn tên lên ghim lấy tên trước, các mũi tên ghim giữ nhau chẳng cho rơi xuống đất theo ý của xạ thủ đó, nếu cho rớt thì thôi không bắn tên lên nữa, bấy giờ các mũi tên mới rớt xuống đất.

 Cũng vậy, đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật. Vì Vô thượng Bồ đề do sức phương tiện, lúc các thiện căn chưa đầy đủ thì chẳng chứng lấy thiệt tế, nếu thiện căn đã đầy đủ mới chứng lấy thiệt tế.

 Thế nên, Tu Bồ Đề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát nên như vậy mà quán pháp tướng của các pháp.

 - Bạch đức Thế Tôn! Chỗ làm của đại Bồ Tát thiệt là rất sâu. Tại sao vậy? Vì dầu đại Bồ Tát học các pháp tướng ấy, học thiệt tế, học như, học pháp tánh, học rốt ráo không, nhẫn đến học tự tướng không và ba môn giải thoát mà trọn chẳng giữa đường sa vào bực Nhị thừa: Thanh Văn, Bích Chi Phật. Thiệt là ít có vậy.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Vì chẳng rời bỏ tất cả chúng sanh nên đại Bồ Tát nầy phát nguyện như vậy.

 Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát nghĩ rằng tôi chẳng nên rời bỏ tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh chìm trong pháp vô sở hữu, tôi phải cứu độ họ. Lúc đó Bồ Tát liền nhập không giải thoát môn, vô tướng giải thoát môn, vô tác giải thoát môn. Phải biết đại Bồ Tát nầy thành tựu sức phương tiện, lúc hưa được nhứt thiết chủng trí, hành ba môn giải thoát mà chẳng giữa đường chứng lấy thiệt tế.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát muốn quán những pháp thậm thâm, đó là nội không nhẫn đến vô pháp hữu pháp không, tứ niệm xứ nhẫn đến ba môn giải thoát. Bấy giờ đại Bồ Tát phải có tâm niệm như vầy: Các chúng sanh mãi đi trong tướng ngã nhẫn đến tướng tri giả, kiến giả, dính nơi pháp sở đắc, tôi vì dứt các tướng nầy cho chúng sanh nên lúc được Vô thượng Bồ đề tôi sẽ thuyết pháp. Bấy giờ đại Bồ Tát hành không vô tướng, vô tác giải thoát môn mà chẳng chứng thiệt tế. Vì chẳng chứng nên sa vào bực Thanh Văn và Bích Chi Phật.

 Nầy Tu Bồ Đề! Do tâm muốn thành tựu thiện căn như vậy nên đại Bồ Tát chẳng giữa đường tác chứng thiệt tế, chẳng mất tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ địn, tứ niệm xứ, nhẫn đến chẳng mất mười tám pháp bất cộng. Khi đó đại Bồ Tát thành tựu tất cả pháp trợ đạo, nhẫn đến thành tựu Vô thượng Bồ đề trọn chẳng hao, chẳng giảm. Vì có sức phương tiện nên Bồ Tát nầy thường tăng ích pháp lành, căn trí thông lợi hơn cả căn trí của A La Hán và Bích Chi Phật.

 Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát nghĩ rằng: Các chúng sanh mãi dính nơi bốn điên đảo: chấp thường, chấp lạc, chấp tịnh và chấp ngã. Vì các chúng sanh nầy mà tôi cầu nhứt thiết chủng trí. Lúc tôi được Vô thượng Bồ đề, sẽ vì họ mà nói pháp vô thường, khổ, bất tịnh và pháp vô ngã. Đại Bồ Tát thành tựu tâm nguyện như vậy, dùng sức phương tiện Bát nhã ba la mật, dầu chưa được Phật tam muội, chưa đầy đủ mười trí lực, tứ vô úy, tứ vô ngại trí, đại từ đại bi, mười tám pháp bất cộng, nhưng chẳng chứng lấy thiệt tế. Lúc ấy tu vô tác giải thoát môn, dầu chưa được Vô thượng Bồ đề nhưng chẳng chứng lấy thiệt tế.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát nghĩ rằng: các chúng sanh mãi chấp trước pháp sở đắc. Đó là ngã, chúng sanh nhẫn đến tri giả, kiến giả. Ấy là sắc, là thọ, tưởng, hành, thức, là nhập, là giới, là tứ thiền, là tứ vô lượng tâm, là tứ định, là tu hành như vậy. Lúc tôi được Vô thượng Bồ đề, sẽ làm cho chúng sanh chẳng chấp pháp sở đắc như vậy.

 Bồ Tát thành tựu tâm đó, dùng sức phương tiện hành Bát nhã ba la mật, lúc chưa đầy đủ mười trí lực nhẫn đến mười tám pháp bất cộng thì chẳng chứng lấy thiệt tế, khi đó Bồ Tát tu không tam muội đầy đủ.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát nghĩ rằng: Chúng sanh mãi mãi đi trên các tướng, đó là những tướng nam, nữ, sắc, vô sắc. Nếu lúc tôi được Vô thượng Bồ đề, sẽ làm cho chúng sanh không có nhận thức các tướng sai lầm như vậy. Bồ Tát thành tựu tâm đó, dùng sức phương tiện hành Bát nhã ba la mật, lúc chưa đầy đủ mười trí lực nhẫn đến pháp bất cộng thì không chứng lấy thiệt tế. Khi đó Bồ Tát tu vô tướng tam muội đầy đủ.

 Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát học sáu ba la mật, học nội không nhẫn đến học vô pháp hữu pháp không, học tứ niệm xứ nhẫn đến học ba giải thoát môn, học mười trí lực, bốn vô úy, bốn vô ngại, đại từ đại bi, học mười tám pháp bất cộng, thành tựu trí huệ như vậy thì chẳng bao giờ chấp trước những pháp tạo tác hoặc trụ trước trong tam giới.

 Lúc đại Bồ Tát nầy học pháp trợ đạo cùng hành pháp trợ đạo, nên thử hỏi rằng: Đại Bồ Tát muốn được Vô thượng Bồ đề sao lại học quán các pháp không mà chẳng chứng lày thiệt tế, vì chẳng chứng lấy nên chẳng sa vào hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật. Quán vô tướng, vô tác, vô khởi, vô sanh, vô sở hữu, cũng chẳng chứng lấy thiệt tế mà tu Bát nhã ba la mật?

 Nầy Tu Bồ Đề! Lúc thử hỏi như trên, nếu đại Bồ Tát đó đáp thế nầy: Đại Bồ Tát chỉ nên quán không, chỉ nên quán vô tướng, vô tác, vô khởi, vô sanh, vô sở hữu. Đại Bồ Tát chẳng nên học không, vô tướng, vô tác, vô sanh, vô khởi, vô sở hữu, chẳng nên học pháp trợ đạo.

 Nầy Tu Bồ Đề! Phải biết Bồ Tát đó chưa được chư Phật thọ ký Vô thượng Bồ đề. Tại sao vậy? Vì người nầy chẳng nói được chỗ sở học của bực Bồ Tát bất thối chuyển, chẳng trình bày được, chẳng giải đáp được.

 Nếu đại Bồ Tát đó nói được, giải đáp được chỗ sở học của bực bất thối chuyển, phải biết đó là bực đã học đạo Bồ Tát, nhập bực Bạc địa như chư đại Bồ Tát bất thối chuyển khác”.

 Ngài Tu Bồ Đề thưa: "Bạch đức Thế Tôn! Chừng có Bồ Tát chưa được bất thối chuyển mà giải đáp được chăng?”

 Đức Phật phán dạy: “Có. Nầy Tu Bồ Đề! Bồ Tát đó nơi Bát nhã ba la mật hoặc đã nghe hoặc chẳng nghe, có thể giải đáp được như bực đại Bồ Tát bất thối chuyển”.

 Ngài Tu Bồ Đề thưa: "Bạch đức Thế Tôn! Rất đông Bồ Tát cầu Phật đạo mà ít có Bồ Tát giải đáp được như các bực đại Bồ Tát bất thối chuyển trong hàng hữu học và vô học như vậy”.

 Đức Phật phán dạy: “Đúng như vậy. Bồ Tát rất ít. Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát ít có được thọ ký bực Càn Huệ bất thối chuyển. Nếu người nào được thọ ký thì có thể giải đáp được. Thiện căn của người đó sáng rõ. Tất cả chư thiên cùng người đời không ai phá hoại được”.

 

 PHẨM MỘNG TRUNG BẤT CHỨNG
 THỨ SÁU MƯƠI MỐT

 Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Nếu đại Bồ Tát nhẫn đến trong chiêm bao, chẳng tham muốn bực Thanh Văn, Bích Chi Phật, cũng chẳng tham muốn ba cõi. Quán các pháp như mộng, như ảo, như hưởng, như diệm, như hóa, cũng chẳng chứng lấy.

 Nầy Tu Bồ Đề! Phải biết đó là tướng bất thối chuyển của đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát trong chiêm bao thấy Phật cùng vô số Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Thiên, Long, Quỷ, Thần. Thấy đức Phật thuyết pháp cho đại chúng. Bồ Tát nầy theo Phật nghe pháp liền hiểu nghĩa trong đó rồi thật hành theo pháp.

 Phải biết đó là tướng bất thối chuyển của đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Trong chiêm bao, đại Bồ Tát thấy đức Phật đủ ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo, phóng ánh sáng vọt lên không trung thuyết pháp cho chúng đại Tỳ Kheo, rồi hiện đại thần lực biến làm hóa nhơn đến Phật độ khác mà làm Phật sự.

 Phải biết đó là tướng bất thối chuyển của đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Nếu trong chiêm bao, đại Bồ Tát thấy giặc nổi dậy đánh phá xóm làng, thành thị, hoặc phóng hỏa, hoặc thấy những ác thú cọp, sói, sư tử, hoặc thấy có kẻ muốn đến chặt đầu mình, hoặc thấy cha mẹ, anh chị, bạn hữu chết. dầu thấy bao nhiêu sự dữ hung, khổ sầu như vậy mà chẳng kinh sợ, buồn lo. Sau khi thức giấc liền suy gẫm ba cõi hư vọng đều như cảnh chiêm bao thôi. Lúc tôi được Vô thượng Bồ đề, sẽ vì chúng sanh mà giảng nói ba cõi như chiêm bao.

 Phải biết đó là tướng bất thối chuyển của đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! thế nào mà biết là đại Bồ Tát bất thối chuyển lúc được Vô thượng Bồ đề, trong nước không có ba ác đạo?

 Trong chiêm bao, nếu đại Bồ Tát thấy các Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục liền nghĩ rằng tôi phải siêng năng tinh tấn, lúc được Vô thượng Bồ đề, trong cõi nước tôi không có ba ác đạo. Tại sao vậy? Vì cảnh chiêm bao cùng các pháp không hai, không sai khác.

 Phải biết đó là tướng bất thối chuyển của đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Trong chiêm bao, đại Bồ Tát thấy lửa Địa ngục nấu chúng sanh liền phát thệ: Nếu tôi thiệt là bực bất thối chuyển, nguyện lửa nầy liền tắt.

 Nếu lửa Địa ngục liền tắt theo lời nguyện, phải biết đó là tướng bất thối chuyển.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Ban ngày đại Bồ Tát thấy thành thị bị hỏa hoạn liền nghĩ rằng: Trong chiêm bao, tôi thấy hạnh, loại, tướng mạo bất thối chuyển, nay tôi thiệt có như vậy. Tự lập thệ rằng: Xin cho lửa nầy liền tắt.

 Sau khi lập thệ, nếu lửa liền tắt thì phải biết đó là đại Bồ Tát được thọ ký Vô thượng Bồ đề, trụ bực bất thối chuyển.

 Nếu lửa đó chẳng liền tắt, đốt cháy từ nhà nầy đến nhà khác, từ xóm nầy đến xóm khác, nầy Tu Bồ Đề! Phải biết những nhà bị cháy là do đời trước nghiệp nhơn phá pháp sâu dầy nên đời nay mang tai họa thừa ấy.

 Do nhơn duyên đó, phải biết là tướng bất thối chuyển của đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Nay đức Phật lại vì người mà nói hạnh, loại, tướng mạo của đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 Nếu có nam tử hay nữ nhơn bị quỷ thần dựa. Khi đó Bồ Tát tự nghĩ: Nếu tôi được chư Phật quá khứ thọ ký, tâm tôi thanh tịnh cầu Vô thượng Bồ đề, hành chánh đạo thanh tịnh, xa rời tâm cầu Thanh Văn, Bích Chi Phật, đáng được Vô thượng Bồ đề. Tôi quyết chắc sẽ được Vô thượng Bồ đề, chẳng phải là không được. Hiện tại chư Phật ở mười phương quốc độ không gì chẳng biết, chẳng thấy, chẳng hiều, chẳng chứng. Chư Phật biết thâm tâm tôi định chắc quyết sẽ được Vô thượng Bồ đề. Do lòng chí thành phát thệ ấy, nam tử hay nữ nhơn bị quỷ thần dựa não hại đây sẽ được khỏi khổ nạn, quỷ thần sẽ rời xa.

 Nầy Tu Bồ Đề! Bồ Tát phát thệ như vậy, nếu quỷ thần chẳng rời đi, thì phải biết Bồ Tát đó chưa được chư Phật quá khư thọ ký Vô thượng Bồ đề. Nếu quỷ thần rời, thì phải biết đã được chư Phật quá khứ thọ ký Vô thượng Bồ đề.

 Do những hạnh, loại, tướng mạo đó mà biết là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát xa rời sáu ba la mật và sức phương tiện, tu hành tứ niệm xứ nhẫn đến ba môn môn tam muội chưa lâu, chưa nhập địa vị Bồ Tát. Bồ Tát đó bị ác ma nhiễu hại bèn thệ rằng, nếu tôi thiệt được chư Phật thọ ký thì quỷ thần nầy phải rời đi. Ác ma có oai lực hơn quỷ thần nên quỷ thần liền rời đi. Bồ Tát nầy nghĩ rằng do sức thệ nguyện của tôi mà quỷ thần phải rời đi, chớ chẳng biết là sức của ác ma. Vì cậy chỗ chức chứng đắc nên khinh dễ các Bồ Tát khác: Tôi đã được chư Phật thọ ký, còn các Ngài thì chưa. Sanh lòng tăng thượng mạn. Do đây mà xa lìa nhứt thiết chủng trí, xa lìa Vô thượng Bồ đề.

 Nầy Tu Bồ Đề! Phải biết người đó sa vào hai bực: hoặc bực Thanh Văn, hoặc bực Bích Chi Phật.

 Do nhơn duyên luống thệ như trên, không có sức phương tiện nên mà sự phát khởi. Người đó vì chẳng thân cận, y chỉ thiện tri thức, chẳng hỏi rành tướng mạo bất thối chuyển nên bị ma trói buộc càng thêm kiên cố.

 Tại sao vậy? Vì Bồ Tát đó hành sáu ba la mật chẳng được lâu nên không có sức phương tiện.

 Phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

 Nầy Tu Bồ Đề! Thế nào là Bồ Tát hành sáu ba la mật chẳng được lâu, nhẫn đến chưa nhập địa vị Bồ Tát, bị ác ma nhiễu hại?

 Nầy Tu Bồ Đề! Ác ma hóa hiện các thứ thân hình đến bảo Bồ Tát rằng: Ở chỗ chư Phật, Ngài được thọ ký Vô thượng Bồ đề, Ngài tên ấy, cha tên ấy, mẹ tên ấy, anh chị em tên ấy, bảy đời cha mẹ của Ngài tên họ như vậy, Ngài sanh trong ấp ấy, làng ấy, thành ấy, nước ấy, tại địa phương ấy. Nếu thấy Bồ Tát tánh hạnh hòa nhu, ác ma nói: Đời trước Ngài cũng hòa nhu. Nếu thấy Bồ Tát thấy tánh nóng gấp, ác ma nói: Đời trước ngài cũng như vậy. Nếu thấy Bồ Tát tu hạnh tịch tịnh, ác ma nói: Đời trước Ngài cũng tu như vậy. Nếu thấy Bồ Tát khất thực, nạp y, chiều chẳng uống tương, một lần ngồi ăn, ăn một bát, ở nơi gò mả, ở chỗ trống, ở dưới cây, ngồi luôn chẳng nằm, ngồi kiết già, chỉ thọ ba y, hoặc thiểu dục, hoặc tri trúc, hoặc tu hạnh xa lìa, hoặc chẳng thoa chưn, hoặc ít nói chuyện, ác ma bèn nói: đời trước Ngài cũng có hạnh như vậy, đời nay Ngài có công đức Đầu Đà nầy, đời trước Ngài cũng có công đức như vậy.

 Bồ Tát nghe nói việc đời trước và họ tên, lại nghe khen ngợi công đức Đầu Đà liền vui mừng, sanh lòng kiêu mạng.

 Bấy giờ ác ma nói: Ngài có công đức như vậy, có tướng như vậy, Ngài đã thiệt chư Phật tho ký Vô thượng Bồ đề.

 Nầy Tu Bồ Đề! Ác ma hiện làm Tỳ Kheo vấn y, hoặc hiện làm Cư Sĩ, hoặc hiện hình cha mẹ đến bảo Bồ Tát: Ngài đã được thọ ký Vô thượng Bồ đề. Tại sao? Vì bao nhiêu tướng bất thối chuyển, Ngài đều có đủ.

 Nầy Tu Bồ Đề! Thiệt ra những tướng mạo bất thối chuyển chơn thiệt của đức Phật nói, người nầy hoàn toàn không có.

 Phải biết Bồ Tát đó bị ma nhiễu hại. Tại sao vậy? Vì Bồ Tát đó hoàn toàn không có tướng mạo bất thối chuyển. Nhơn nghe khen tặng mà sanh Lại nầy Tu Bồ Đề!; òng kiêu mạn, khinh miệt người khác.

 Phải biết đó là ma sự của Bồ Tát.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành sáu ba la mật chẳng được lâu, chẳng biết tướng danh tự, chẳng biết tướng sắc, tướng thọ, tưởng, hành, thức. Ác ma đến nói: Đời sau, lúc Ngài được Vô thượng Bồ đề, sẽ có những danh hiệu như vầy. Rồi ác ma theo chỗ tưởng niệm của Bồ Tát đó mà nói danh hiệu. Bồ Tát vô trí, không có phương tiện đó nghĩ rằng tôi đã trước có danh hiệu thành Phật như người nầy nói, hiệp đúng với bổn ý của tôi. Chắc là tôi đã được chư Phật thọ ký.

 Nầy Tu Bồ Đề! Tướng mạo bất thối chuyển của đức Phật nói, người nầy hoàn toàn không có. Chỉ theo danh hiệu trống rỗng ấy rồi kiêu mạn, khinh miệt người khác. Vì thế mà xa lìa Vô thượng Bồ đề. Bồ Tát nầy xa lìa Bát nhã ba la mật, không có sức phương tiện, xa lìa thiện tri thức, theo ác tri thức nên sa vào hai bực Thanh Văn, Bích Chi Phật. Nếu được liền tại thân đời nầy, ăn năm sám hối, lâu lâu qua lại trong sanh tử rồi sau mới trở lại y chỉ Bát nhã ba la mật. Nếu gặp thiện tri thức rồi thường gần gũi thì sẽ được Vô thượng Bồ đề. Còn nếu tại thân nầy chẳng liển sám hối sẽ phải sa vào hai bực: hoặc Thanh Văn, hoặc Bích Chi Phật.

 Nầy Tu Bồ Đề! Nơi tứ trọng giới, nếu Tỳ Kheo phạm một giới thì chẳng phài là Sa Môn, chẳng phải là Thích tử, hiện đời chẳng được bốn quả Sa Môn.

 Nầy Tu Bồ Đề! Bồ Tát đó ham danh tự giả, có tâm kiêu mạn, khinh miệt người khác, phải biết tội nầy nặng hơn tội phạm giới trọng của Tỳ Kheo. Nầy Tu Bồ Đề! Chẳng những nặng hơn bốn trọng giới mà cón hơn cả tội ngũ nghịch. Bởi ham nhận danh hiệu giả mà sanh lòng cao ngạo, khinh miệt người khác, phải biết là tội rất nặng. Như về những danh hiệu, còn các ma sự nhỏ nhặt khác, Bồ Tát phải cảnh giác biết rõ.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Bồ Tát ở chỗ vắng vẻ núi đầm trống xa. Ma đến khen ngợi rằng: Hạnh Ngài làm là pháp viễn ly của Phật ca ngợi.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đức Phật chẳng ca ngợi sự viễn ly như vậy, nghĩa là chỉ ở nơi vắng vẻ núi đầm trống xa mà gọi là viễn ly.

 - Bạch đức Thế Tôn! Nếu ở chỗ vắng vẻ núi đầm trống xa như vậy mà chẳng phải là pháp viễn ly thì có pháp viễn ly khác thế nào?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát xa rời tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật, ở chỗ vắng vẻ núi đầm trống xa, đây là pháp viễn ly mà đức Phật hứa khả. Pháp viễn ly nầy Bồ Tát phải tu hành. Ngày đêm hành pháp viễn ly nầy thì gọi là Bồ Tát viễn ly hạnh.

 Nầy Tu Bồ Đề! Nếu pháp viễn ly của ác ma nói, ở chỗ vắng vẻ núi đầm trống xa mà tâm Bồ Tát nầy ở tại nơi ồn náo; đó là chẳng xa rời tâm niệm Thanh Văn, Bích Chi Phật chẳng siêng tu Bát nhã ba la mật, Bồ Tát nầy chẳng đầy đủ được nhứt thiết chủng trí. Bồ Tát nầy hành pháp viễn ly của ác ma nói, lòng chẳng thanh tịnh mà đi khinh khi các Bồ Tát ở gần thành thị tâm thanh tịnh, không có tâm niệm ồn náo, Thanh Văn, Bích Chi Phật, cũng không có tâm tạp ác khác, đầy đủ thiền định, giải thoát, trí huệ, thần thông.

 Bồ Tát xa rời Bát nhã ba la mật không có sức phương tiện đó, dầu ở chỗ tuyệt trống vắng ngoài trăm do tuần, chỗ cầm thú, quỷ thần, la sát ở, hoặc một năm cho đến trăm ngàn vạn ức năm, hoặc lâu hơn thời gian trên, mà chẳng biết pháp viễn ly chơn thiệt của Bồ Tát: đó là thâm phát Vô thượng Bồ đề, chẳng có tâm tạp ác, ồn náo. Chỗ làm của Bồ Tát nầy đức Phật không hứa khả.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đức Phật nói pháp viễn ly chơn thiệt. Bồ Tát nầy chẳng ở trong đó, cũng chẳng thấy tướng viễn ly đó. Tại sao? Vì Bồ Tát nầy chỉ hành theo pháp viễn ly hư giả. Bấy giờ ác ma đến đứng trong hư không khen rằng: Lành thay! Lành thay! Nầy thiện nam! Đó là pháp viễn ly chơn thiệt của Phật nói. Ngài hành pháp viễn ly ấy sẽ mau được Vô thượng Bồ đề. Nghe lời khen ấy, Bồ Tát nầy có tâm niệm ham pháp viễn ly ấy tất sẽ khinh dễ các người cầu Phật đạo khác cho là ồn náo.

 Đó là lấy ồn náo làm chẳng ồn náo, đáng cung kính mà chẳng cung kính, chẳng đáng cung kính mà cung kính. Bồ Tát nầy nói: Chư quỷ thần nớ tưởng đến khen ngợi tôi. Chỗ tôi hành trì đúng là hạnh viễn ly, không ai khen tặng những người ở gần thành thị. Do cớ đó mà Bồ Tát nầy khinh khi các Bồ Tát khác.

 Nầy Tu Bồ Đề! Phải biết Bồ Tát nầy gọi là Bồ Tát Chiên Đà La làm ô nhiễm chư Bồ Tát. Người nầy giống hình Bồ Tát mà thiệt là kẻ đại tặc trong nhơn nhơn gian và trên trời, cũng là kẻ giặc vấn y trong hàng Sa Môn. Với người như vậy, những người cầu Phật đạo chẳng nên gần gũi, cúng dường, cung kính. Tại sao vậy?

 Nầy Tu Bồ Đề! Phải biết người nầy sa vào hàng tăng thượng mạn.

 Thế nên nếu đại Bồ Tát muốn chẳng rời bỏ nhứt thiết chủng trí, muốn được Vô thượng Bồ đề, nhứt tâm muốn cầu Vô thượng Bồ đề, muốn lợi ích tất cả chúng sanh thì chẳng nên gần gũi hạng người như vậy để cung kính, cúng dường.

 Theo pháp của đại Bồ Tát, phải thường xuyên cầu tự lợi, nhàm sợ thế gian, tâm luôn xa rời ba cõi, đối với hạng người ấy phải có lòng từ bi hỉ xả. Tôi hành Bồ Tát đạo chẳng nên sanh tội lỗi như vậy. Nều có lỗi như vậy phải mau dứt trừ.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát phải khéo cảnh giác ma sự ấy. Ở trong ma sự ấy phải khéo cố gắng ra khỏi.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát thâm tâm muốn được Vô thượng Bồ đề, phải gần gũi, cung kính, cúng dường thiện tri thức.

 - Bạch đức Thế Tôn! Những ai là thiện tri thức của đại Bồ Tát?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Chư Phật là thiện tri thức của đại Bồ Tát. Chư đại Bồ Tát cũng là thiện tri thức của Bồ Tát. A La Hán cũng là thiện tri thức của Bồ Tát.

 Lại nầy Tu Bồ Đề! Sáu ba la mật là thiện tri thức của Bồ Tát. Tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng cũng là thiện tri thức của Bồ Tát. Như, thiệt tế, pháp tánh cũng là thiện tri thức của Bồ Tát.

 Nầy Tu Bồ Đề! Sáu ba la mật là đạo, là rất sáng, là đuốc, là trí, là huệ, là cứu, là quy, là cồn đảo, là đường rốt ráo, là cha, là mẹ. Tứ niệm xứ nhẫn đến nhứt thiết chủng trí cũng vậy.

 Tại sao? Vì sáu ba la mật và ba mươi bảy phẩm trợ đạo là cha, là mẹ của mười phương chư Phật quá khứ, chư Phật vị lai, chư Phật hiện tại. Tại sao? Vì sáu ba la mật và ba mươi bảy phẩm trợ đạo hay sanh mười phương chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại vậy.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát muốn được Vô thượng Bồ đề, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh thì phải học sáu ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo và bốn nhếp pháp để nhiếp lấy chúng sanh. Đây là bốn nhiếp pháp: bố thí, ái ngữ, lợi ích và đồng sự.

 Nầy Tu Bồ Đề! Vì có công năng lợi ích như vậy nên ta nói sáu ba la mật và ba mươi bảy phẩm trợ đạo là đại Bồ Tát, là Thế Tôn, là đạo, là rất sáng, là đuốc, là trí, là huệ, là cứu, là quy, là cồn đảo, là đường rốt ráo , là cha, là mẹ.

 Thế nên đại Bồ Tát muốn an trụ chẳng theo lời người khác, muốn dứt nghi cho tất cả chúng sanh, muốn tịnh Phật quốc độ, muốn thành tựu chúng sanh, thì phải học Bát nhã ba la mật nầy.

 Tại sao? Vì trong Bát nhã ba la mật nói rộng các pháp mà chư đại Bồ Tát cần phải học.

 - Bạch đức Thế Tôn! Những gì là tướng của Bát nhã ba la mật?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Như tướng hư không là tướng Bát nhã ba la mật. Bát nhã ba la mật không có tướng.

 - Bạch đức Thế Tôn! Chừng có duyên cớ mà tướng các pháp cũng như tướng Bát nhã ba la mật chăng?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Đúng như vậy. Tướng các pháp cũng như tướng Bát nhã ba la mật. Vì tất cả pháp tướng ly, tướng không. Do nhơn duyên ấy nên tướng các pháp cũng như tướng Bát nhã ba la mật. Đó là tướng ly, tướng không.

 - Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp là tất cả pháp ly, tất cả pháp là tất cả pháp không, thì làm sao biết chúng sanh là cấu hoặc tịnh?

 Bạch đức Thế Tôn! Pháp ly tướng không cấu, không tịnh. Pháp ly tướng, không tướng chẳng thể được Vô thượng Bồ đề. Ly tướng và không tướng chẳng có pháp để được.

 Bạch đức Thế Tôn! Trong ly tướng, trong không tướng không có Bồ Tát được Vô thượng Bồ đề.

 Bạch đức Thế Tôn! Như vậy thì tôi làm sao có thể biết được nghĩa đức Phật tuyên nói?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Chúng sanh có mãi mãi hiện hành tâm ngã, ngã sở chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Có. Chúng sanh mãi mãi hiện hành tâmngã, ngã sở.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Tâm ngã, ngã sở đó có ly tướng chăng? Có không tướng chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Tâm ngã, ngã sở ly tướng, không tướng.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Do tâm ngã, ngã sở đó, chúng sanh có qua lại trong sanh tử chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Do tâm ngã, ngã sở đó, chúng sanh qua lại trong sanh tử.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Vì chúng sanh qua lại trong sanh tử nên biết là có cấu, có não.

 Nầy Tu Bồ Đề! Nếu chúng sanh không tâm ngã, ngã sở, tâm không chấp trước thì chẳng còn qua lại trong sanh tữ. Nếu chẳng qua lại trong sanh tử thì không có cấu, não. Thế là chúng sanh có tịnh.

 - Bạch đức Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát hành như vậy, đó là chẳng hành sắc, thọ, tưởng, hành, thức là chẳng hành tứ niệm xứ đến bát thánh đạo, là chẳng hành nội không đến vô pháp hữu pháp không, là chẳng hành mười trí lực đến nhứt thiết chủng trí.

 Tại sao vậy? Vì pháp ấy chẳng thể được, cũng không người hành, cũng không chỗ hành, cũng không phép hành.

 Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát hành như vậy, tất cả Thiên, Nhơn, A Tu La ở thế gian chẳng hàng phục được đại Bồ Tát nầy. Tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật chẳng bằng được Bồ Tát nầy.

 Tại sao vậy? Vì chỗ an trụ của Bồ Tát nầy không ai bằng được, đó là địa vị Bồ Tát.

 Bạch đức Thế Tôn! Chỗ hành của đại Bồ Tát nầy đúng với tâm nhứt thiết chủng trí, không ai bằng được.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành như vậy mau gần với nhứt thiết chủng trí.

 Nầy Tu Bồ Đề! Cứ theo ý ngươi thế nào? nếu như tất cả mọi loài chúng sanh ờ Diêm Phù Đề đều hành nghiệp người, đều được thân người và đều được Vô thượng Bồ đề cả. Nếu có thiện nam, thiện nữ trọn đời cung kính, cúng dường, ngợi khen tất cả chư Phật đó, rồi đem tất cả thiện căn hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Do cơ ấy được phước nhiều chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Rất nhiều.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Phước không nhiều bằng thiện nam, thiện nữ ở giữa đại chúng tuyên nói Bát nhã ba la mật, chỉ dạy rành rẽ, khai diễn rõ ràng đúng với Bát nhã ba la mật và cũng chánh ức niệm. Nhẫn đến chúng sanh trong cõi Đại Thiên cũng như vậy.

 Nầy Tu Bồ Đề! Như tất cả chúng sanh trong Diêm Phù Đề đồng thời đều được thân người. Có thiện nam, thiện nữ dạy họ hành thập thiện, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, dạy họ được quả Tu Đà Hoàn đến quả Bích Chi Phật, dạy họ được Vô thượng Bồ đề. Đem thiện căn dạy bảo đó hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Thiện nam, thiện nữ đó được phước nhiều chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Rất nhiều.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Phước nhiều không bằng thiện nam, thiện nữ đem Bát nhã ba la mật nầy diễn nói, chỉ dạy rõ ràng, rành rẽ cho chúng sanh, cũng chẳng xa rời nhứt thiết chủng trí.

 Như Diêm Phù Đề, nhẫn đến cõi Đại Thiên cũng như vậy.

 Đại Bồ Tát nầy chẳng xa rời tâm nhứt thiết chủng trí thì đến tột cùng bờ tất cả phước điền. Trừ chư Phật, không có pháp nào bằng thế lực của đại Bồ Tát.

 Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát lúc hành Bát nhã ba la mật, đối với tất cả chúng sanh phát khởi lòng đại từ, vì thấy các chúng sanh hướng đến chỗ chết nên sanh lòng đại bi. Lúc hành đạo, Bồ Tát vui thích nên sanh lòng đại hỉ. Vì chẳng cùng chung với tưởng niệm nên được đại xả.

 Nầy Tu Bồ Đề! Đó là đại Bồ Tát được ánh đại trí. Ánh sáng đại trí đầy tức là sáu ba la mật.

 Nầy Tu Bồ Đề! Thiện nam, thiện nữ dầu chưa làm Phật mà có thể làm phước điền lớn cho tất cả chúng sanh, chẳng thối chuyển nơi Vô thượng Bồ đề. Hưởng thọ bốn sự cúng dường, hành đúng tâm Bát nhã ba la mật, quyết định báo ơn thí chủ, mau gần nhứt thiết chủng trí.

 Thế nên đại Bồ Tát muốn chẳng luống hưởng thọ bốn sự thí cúng của người, muốn đạo Tam thừa cho chúng sanh, muốn làm ánh sáng lớn cho chúng sanh, muốn cứu vớt lao ngục tam giới, muốn ban con mắt sáng cho chúng sanh, thì phài thường hành Bát nhã ba la mật.

 Lúc hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát có muốn nói thì nói Bát nhã ba la mật. Nói Bát nhã ba la mật rồi thường ghi nhớ Bát nhã ba la mật.

 Thường ghi nhớ Bát nhã ba la mật rồi thường hành Bát nhã ba la mật, chẳng cho tâm niệm khác phát sanh được, ngày đêm siêng hành Bát nhã ba la mật, tâm niệm tương ứng, chẳng thôi, chẳng nghĩ.

 Nầy Tu Bồ Đề! Ví như có người chưa từng được châu ma ni, lúc sau được, được rồi vui mừng hớn hở. Rồi sau lại đánh mất bèn rất lo sầu, thường nhớ tưởng châu ma ni đó, tự tại sao tôi lại đánh mất châu ma ni.

 Cũng vậy, đại Bồ Tát luôn nghĩ nhớ Bát nhã ba la mật, chẳng rời tâm nhứt thiết chủng trí.

 - Bạch đức Thế Tôn! Tất cả niệm tưởng, tánh của nó tự ly, tánh của nó tự không, tại sao đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật lại chẳng rời lìa tâm nhứt thiết chủng trí? Trong pháp viễn ly, pháp không đó, không có Bồ Tát, cũng không có niệm, không nhứt thiết chủng trí.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát biết tất cả pháp như vậy, tánh nó tự ly, tánh nó tự không, chẳng phải do Thanh Văn, Bích Chi Phật làm ra, cũng chẳng phải do Phật làm ra. Các pháp tướng thường trụ, pháp tướng, pháp trụ, pháp vị, như, thiệt tế, đây gọi là Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật, chẳng rời lìa tâm nhứt thiết chủng trí. Tại sao? Vì Bát nhã ba la mật tánh tự ly, tánh tự không, chẳng tăng, chẳng giảm vậy.

 - Bạch đức Thế Tôn! Nếu Bát nhã ba la mật, tánh nó tự ly, tánh nó tự không, thì thế nào đại Bồ Tát bằng với Bát nhã ba la mật, được Vô thượng Bồ đề?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát bằng với Bát nhã ba la mật, chẳng tăng, chẳng giảm. Tại sao? Vì Bát nhã ba la mật chẳng phải một, chẳng phải khác.

 Nếu đại Bồ Tát nghe tướng Bát nhã ba la mật như vậy mà chẳng kinh sợ, nghi ngờ. Phải biết đại Bồ Tát nầy hành Bát nhã ba la mật, phải biết đại Bồ Tát nầy an trụ bực bất thối chuyển.

 - Bạch đức Thế Tôn! Không, chẳng chỗ có, là hành Bát nhã ba la mật chăng?

 - Không phải.

 - Bạch đức Thế Tôn! Rời không, còn có pháp hành Bát nhã ba la mật chăng?

 - Không có.

 - Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật đó hành Bát nhã ba la mật chăng?

 - Không.

 - Bạch đức Thế Tôn! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là hành Bát nhã ba la mật chăng?

 - Không.

 - Bạch đức Thế Tôn! Sáu ba la mật hành Bát nhã ba la mật chăng?

 - Không.

 - Bạch đức Thế Tôn! Tứ niệm xứ đến pháp bất cộng là hành Bát nhã ba la mật chăng?

 - Không.

 - Bạch đức Thế Tôn! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức tướng không, hư dối chẳng thiệt, không chỗ có, tướng chẳng kiên cố, tướng như, pháp tướng, pháp trụ, pháp vị, thiệt tế là hành Bát nhã ba la mật chăng?

 - Không.

 - Bạch đức Thế Tôn! Nếu các pháp đó đều chẳng hành, thì Bát nhã ba la mật thế nào mà gọi là đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật?

 - Nầy Tu Bồ Đề! Ngươi có thấy pháp nào hành Bát nhã ba la mật chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Không.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Ngươi có thấy chỗ hành Bát nhã ba la mật của đại Bồ Tát chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Không.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Pháp mà ông chẳng thấy đó, pháp ấy có thể được chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Không.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Pháp ấy chẳng thể được, pháp ấy sẽ sanh chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Không.

 - Nầy Tu Bồ Đề! Đó gọi là vô sanh pháp nhẫn của đại Bồ Tát. Bồ Tát thành tựu nhẫn nầy được thọ ký Vô thượng Bồ đề. Đây gọi là vô sở úy, vô ngại trí của Phật. Đại Bồ Tát hành pháp đó siêng cần tinh tấn thì chẳng mất đại trí nhứt thiết chủng trí, đó là trí Vô thượng Bồ đề. Không bao giờ chẳng được. Tại sao? Vì đại Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn, nhẫn đến Vô thượng Bồ đề chẳng lui sụt, chẳng giảm bớt.

 - Bạch đức Thế Tôn! Các pháp tướng vô sanh, trong đó được thọ ký Vô thượng Bồ đề chăng?

 - Không.

 - Bạch đức Thế Tôn! Các pháp tướng sanh, trong đó được thọ ký Vô thượng Bồ đề chăng?

 - Không.

 - Bạch đức Thế Tôn! Các pháp chẳng sanh, chẳng vô sanh, trong đó được thọ ký Vô thượng Bồ đề chăng?

 - Không.

 - Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát làm sao biết là các pháp được thọ ký Vô thượng Bồ đề!

 - Nầy Tu Bồ Đề! Ngươi thấy có các pháp được thọ ký Vô thượng Bồ đề chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Không. Tôi chẳng thấy có pháp được thọ ký Vô thượng Bồ đề. Tôi cũng chẳng thấy có người được chỗ được.

 - Đúng như vậy. Nầy Tu Bồ Đề! Nếu lúc đại Bồ Tát ở nơi tất cả pháp vô sở đắc, chẳng nghĩ rằng tôi sẽ được Vô thượng Bồ đề, cũng chẳng nghĩ dùng sự đó được Vô thượng Bồ đề, đây gọi là chỗ Vô thượng Bồ đề.

 Tại sao? Vì chư đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật không có tưởng nhớ, phân biệt.

 Tại sao? Vì trong Bát nhã ba la mật không có tưởng nhớ, phân biệt vậy”.
 


 Hết tập II
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1537)
27 Tháng Chín 2022(Xem: 84082)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
16 Tháng Chín 2020(Xem: 6015)
20 Tháng Tám 2018(Xem: 7808)