16-17 Phẩm Hoá Lạc Thiên Thọ Ký

30 Tháng Tư 201000:00(Xem: 39643)
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
Xuất bản: Ban Văn Hóa Thành Hội TP. Hồ Chí Minh PL 2543 - DL 1999

XVI
PHÁP HỘI
BỒ TÁT KIẾN THIỆT
THỨ MƯỜI SÁU

Hán Dịch: Cao Tế, Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá
Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

Phẩm Hoá Lạc Thiên Thọ Ký
Thứ Mười Bẩy


 Bấy giờ có Hóa Lạc Thiên Vương làm đầu cùng quyến thuộc bảy ức chúng trời Hóa Lạc thấy A Tu La nhẫn đến trời Đâu Suất Đà cúng dường Phật được thọ ký, họ đều mừng vui hớn hở, họ đều vừa lòng được an trụ thiệt tế, ở trong chơn như không có nghi hoặc. Họ đồng đứng dậy trịch y vai hữu, gối hữu chấm đất, đầu mặt lạy chưn Phật, chắp tay cung kính khác miệng đồng lời mà bạch Phật rằng : « Bạch đức Thế Tôn ! Như chúng tôi hiểu nghĩa của Phật nói thì tất cả các pháp là chơn thiệt tế, là vô biên tế, là vô ngại tế, là vô trụ tế, là vô tận tế, là bất nhị tế, là phi tế.

 Bạch đức Thế Tôn ! Nói rằng thiệt tế là vì chẳng điên đảo vậy, vô biên tế là vì không hạn lượng vậy, vô ngại tế là vì lìa đối trị vậy, vô trụ tế là vì không tự tánh vậy, vô tận tế là vì vô sanh vậy, bất nhị tế là vì một vị vậy, phi tế là vì chẳng phải có vậy.

 Bạch đức Thế Tôn ! Thiệt tế ấy khắp tất cả chổ, không có một pháp nào mà chẳng phải là thiệt tế.

 Bạch đức Thế Tôn ! Nói là Bồ đề cũng là thiệt tế. Những gì là Bồ đề ? Tất cả pháp là Bồ đề vì lìa tự tánh vậy. Nhẫn đến năm nghiệp vô gián cũng là Bồ đề. Tại sao ? Vì Bồ đề không tự tánh, năm nghiệp vô gián cũng không tự tánh, nên nghiệp vô gián cũng là Bồ đề.

 Bạch đức Thế Tôn ! Nói Bồ đề ấy như tánh vô dư Niết bàn, cũng như tánh nghiệp vô gián. Tại sao ? Tất cả pháp tức là tánh vô dư Niết bàn , cũng là tánh nghiệp vô gián, thế nên vô dư Niết bàn giới tức là Bồ đề.

 Bạch đức Thế Tôn ! Nếu có chúng sanh an trụ sanh tử có thể cầu Niết bàn ở trong thiệt tế, không có người an trụ sanh tử cầu Niết bàn. Tại sao ? Vì thiệt tế không hai vậy.

 Bạch đức Thế Tôn ! Chúng tôi ở nơi đây hiểu rõ không hoài nghi. Nếu ai ở nơi pháp nầy không hoài nghi, phải biết người ấy đã ở nơi Phật quá khứ được thọ ký Vô thượng Bồ đề ».
 

 Đức Thế Tôn nghe Hóa Lạc Thiên Vương và bảy ức chúng trời Hóa Lạc nói thọ ký, vì muốn đại chúng vui mừng nên hiện tướng mỉm cười.

 Huệ Mạng Mã Thắng Tỳ Kheo nói kệ bạch hỏi Phật :

 « Đấng thương thế gian hiện mỉm cười
 Mà chẳng nói nhơn duyên cười ấy
 Thiên Nhơn Đạo Sư chẳng không nhơn
 Hiện tướng mỉm cười phóng tia sáng
 Đã thấy tướng cười của Thế Tôn
 Khiến các đại chúng đều hoài nghi
 Ngưỡng mong nói duyên cớ mỉm cười
 Dứt trừ tất cả những lưới nghi
 Chúng ấy nếu được Như Lai nói
 Nghe rồi đều sanh lòng hi hữu
 Làm sạch chơn lộ cho chúng hội
 Làm nhơn duyên xu hướng Bồ đề
 Nếu có chúng sanh còn hoài nghi
 Vì nghi nên khó được Bồ đề
 Ngưỡng mong đại trí dứt nghi hoặc
 Tinh cần mau chứng đạo vô thượng
 Bạch đức Thế Tôn đại chúng nầy
 Chí cầu Bồ đề lìa những ác
 Được nghe chư Thiên thọ ký rồi
 Quyết định sẽ thành đại Pháp Vương
 Nguyện đức Thế Tôn vì xót thương
 Dứt trừ tất cả lòng nghi hoặc
 Thọ ký Bồ đề cho chư Thiên
 Khiến chư đại chúng đều mừng rỡ”.

 Đức Thế Tôn nói kệ đáp Huệ Mạng Mã Thắng:

 “Vì thương thế gian nên hiện cười
 Mã Thắng nay ông hỏi nơi Phật
 Phật đều thọ ký chư Thiên ấy
 Các ông đều phải lắng lòng nghe
 Bảy ức chúng trời Hóa Lạc nầy
 Hay tự thọ ký được thành Phật
 Trong chúng đã làm sư tử rống
 Hay phá ngoại đạo các tà kiến
 Thí như hư không mưa đá khối
 Chắc nát mặt đất không còn nghi
 Phật tử như vậy lìa nghi hoặc
 Tự biết chắc sẽ thành Phật đạo
 Dường như trời lặng đến đêm tối
 Phải biết trăng mọc chắc chẳng lâu
 Phật tử như vậy đủ công hạnh
 Biết chắc sẽ đủ mười trí lực
 Lại như mặt nhựt lúc đứng bóng
 Nhìn các sắc tượng đều sáng tỏ
 Phật tử như vậy đủ công hạnh
 Tự biết chắc được Nhứt thiết trí
 Dụ như mặt nhựt đến lúc lặn
 Mọi người đều biết mặt nhựt ẩn
 Phật tử như vậy đều tự biết
 Quyết định sẽ được trí tối thắng
 Ví như các dòng đều chảy xuông
 Người trí biết sẽ về biển cả
 Phật tử như vậy đủ huệ sáng
 Biết chắc sẽ được thượng Bồ đề
 Như người ném đá lên hư không
 Quyết chắc rớt xuống không nghi lự
 Phật tử như vậy đều tự biết
 Chẳng lâu sẽ được Thế Gian Giải
 Người trí pháp nhĩ có thấy biết
 Vì hiểu rõ pháp chẳng nghi ngờ
 Biết mình có phần Phật công đức
 Quyết định gần nơi trí tự nhiên
 Giả sử na do tha ma chúng
 Hiện Phật bảo ngươi chẳng thành Phật
 Chẳng ngăn trở được tâm ý họ
 Vì đã tự hiểu pháp chơn như
 Quyết định ở nơi Phật công đức
 Đều tự nói mình được thọ ký
 Nơi sự thọ ký nầy của họ
 Như Lai đều tùy hỉ tất cả
 Chúng trời ấy tu hạnh Bồ Tát
 Tự mình biết rõ chẳng do người
 Chúng ấy tự nói thành Thiện Thệ
 Như Lai ở đây đều tùy hỉ
 Thế nên Mã Thắng nếu có người
 Muốn được Bồ đề Vô thượng ấy
 Ở nơi pháp nầy phải siêng cầu
 Quyết được tối thắng chỗ an ổn
 Tự thành chánh giác ngộ lý sâu
 Tùy nghĩa như thiệt đều biết rõ
 Thân cận cúng dường thiện trí thức
 Họ chứng Bồ đề chẳng là khó
 Nếu ai ngàn kiếp tu khổ hạnh
 Da thịt gân xương không luyến tiếc
 Nếu người hiểu rõ nghĩa lý nầy
 Phước đây lớn rộng hơn phước trên
 Quá khứ bao nhiêu các đức Phật
 Vị lai tất cả đấng thương đời
 Và cùng hiện tại các Thế Tôn
 Đều y pháp nầy thành Phật đạo
 Hóa Lạc chư Thiên cúng Phật rồi
 Thảy đều tự biết đệ nhứt nghĩa
 Đã cùng quá khứ chư Như Lai
 Ngộ nghĩa lý nầy sẽ thành Phật
 Chư Phật chỗ có thắng tam muội
 Và cùng hiện tại định đang trụ
 Trời ấy được vào cảnh giới Phật
 Vì họ đời trược lâu tu tập
 Bảy ức Hóa Lạc chúng trời ấy
 Ở nơi tam muội không còn nghi
 Phật pháp thanh tịnh đã khéo học
 Nay nơi Phật đạo hiện tu hành
 Vì thế nơi lý sanh tin hiểu
 Nên chánh cần cầu rời mé khổ
 Phải thường thân cận bực đa văn
 Quyết được Vô thượng đại Bồ đề
 Nghe Phật tuyên nói diệu pháp rồi
 Chư Thiên Hóa Lạc và chúng hội
 Thảy đều vui mừng trừ lưới nghi
 Chảy rót thẳng đến đại Niết bàn”.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1522)
27 Tháng Chín 2022(Xem: 84077)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
16 Tháng Chín 2020(Xem: 6003)
20 Tháng Tám 2018(Xem: 7805)