16-20 Phẩm Quang Âm Thiên Thọ Ký

30 Tháng Tư 201000:00(Xem: 41765)
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
Xuất bản: Ban Văn Hóa Thành Hội TP. Hồ Chí Minh PL 2543 - DL 1999

XVI
PHÁP HỘI
BỒ TÁT KIẾN THIỆT
THỨ MƯỜI SÁU

Hán Dịch: Cao Tế, Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá
Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

Phẩm Quang Âm Thiên Thọ Ký
Thứ Hai Mươi


 Bấy giờ có năm mươi tám ngàn vạn trời Quang Âm thấy A Tu La nhẫn đến chư Phạm Thiên cúng dường Phật được thọ ký, họ đều vui mừng hớn hở vừa lòng. Họ trịch y vai hữu, gối hữu chấm đất chắp tay lễ Phật cung kính bạch đức Phật rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn! Có tam muội tên chiếu diệu tất cả pháp. Nếu đại Bồ Tát học tam muội nầy thì được quang minh trong tất cả pháp được chứng nhập pháp môn Bồ Tát tạng. Đại Bồ Tát hiểu biết rõ rồi thì được vô biên biện tài, vô ngại biện tài, tương tục biện tài, nhiều thứ biện tài, mỹ diệu biện tài, chơn thiện biện tài, tương ưng biện tài, giải thoát biện tài, vi tế biện tài, bất cộng biện tài, thậm thâm biện tài, nhẫn đến được biện tài của Như Lai.

 
 Bạch đức Thế Tôn! Những gì là chiếu diệu nhứt thiết pháp tam muội? Bồ Tát nhập pháp môn nầy niệm các giác quán biết tất cả pháp không giác lìa giác, pháp không giác ấy khắp tất cả chỗ, không một pháp nào là hay giác sát. Tại sao? Vì tánh tự lìa vậy. Nếu pháp không tánh thì làm sao hay giác được. Biết tất cả pháp không giác tri rồi nhập vào môn chữ A được biện tài trên. Bồ Tát ấy nhập môn chữ A rồi được vô biên biện tài, chữ A vô biên, chữ A chẳng phải phổ biến, chữ A vô tác, chữ A chẳng phải hữu vi, chữ A chẳng phải thành tựu, chữ A không phải sự, chữ A không sở y, chữ A không động chuyễn, chữ A chẳng phải lược, chữ A chẳng phải quảng, chữ A chẳng phải phân biệt, chữ A chẳng phải các sự thành, chữ A chẳng xuyên qua được, chữ A chẳng phải sắc, chữ A chẳng hiển thị được, chữ A chẳng xem được, chữ A không ai thấy được, chữ A chẳng suy nghĩ được, chữ A tánh bất định, chữ A chẳng phải bị biết, chữ A chẳng phải hay biết, chữ A chẳng lường được, chữ A chẳng tự hiển thị được, chữ A chẳng hiển thị được cái khác, chữ A chẳng phải tư nghị, chữ A chẳng đi, chữ A chẳng đến, chữ A chẳng phải gần, chữ A chẳng phải xa, chữ A chẳng phải ngôn thuyết, chữ A chẳng phải là pháp có thể nói được, chữ A chẳng phải danh, chữ A chẳng phải dụng, chữ A chẳng phải hiện tiền, chữ A chẳng phải che ngăn, chữ A chẳng phải di chuyễn, chữ A chẳng cải đổi được, chữ A chẳng phải sai biệt, chữ A không hai, chữ A chẳng phải sanh, chữ A chẳng phải hư vọng, chữ A chẳng phải chơn thiệt, chữ A bất khả thuyết, chữ A chẳng phải sanh diệt, chữ A chẳng phải thanh tịnh. Chữ A chẳng phải pháp bị tịnh, chữ A chẳng phải chấp trì, chữ A chẳng phải nhiếp lấy cái khác, chữ A chẳng phải vứt bỏ, chữ A chẳng phải vì pháp khác mà làm, chữ A chẳng làm pháp khác, chữ A chẳng sanh, chữ A chẳng diệt, chữ A chẳng hay sanh pháp khác, chữ A chẳng hay diệt pháp khác, chữ A chẳng phải sanh chẳng sanh, chữ A chẳng làm sanh nhơn cho pháp sanh cũng chẳng làm duyên bất sanh, chữ A chẳng phải y tựa, chữ A chẳng phải giả chẳng giả, chữ A chẳng phải từ chẳng từ , chữ A chẳng phải hứa chẳng hứa, chữ A chẳng phải khả đắc bất khả đắc, chữ A chẳng phải không bất không, chữ A chẳng phải phân biệt bất phân biệt, chữ A chẳng phải tướng bất tướng, chữ A chẳng phải nguyện bất nguyện.

 
 Bạch đức Thế Tôn! Các pháp đều là tướng như vậy đó là vô tướng. Các pháp đều đồng một thiệt đó là vô thiệt, đều đồng một lý thú đó là vô lý thú, đều đồng một nhập đó là vô nhập, đều đồng một giả đó là vô giả, đều đồng một dụng đó là vô dụng, đều đồng một thuyết đó là vô thuyết.

 Bạch đức Thế Tôn! Tất cả các pháp vô khởi, vì bất khả đắc vậy. Các pháp chẳng phải có, vì không có vậy. Các pháp vô sanh, vì chẳng sanh vậy. Các pháp vô diệt , vì chẳng diệt vậy. Là pháp vô vi, vì không có tạo tác vậy.

 Bạch đức Thế Tôn! Tất cả các pháp đều đồng nhứt như, phải biết như vậy.

 Bạch đức Thế Tôn! Những pháp bất sanh ấy, thế nào biết được sự dụng của pháp ấy.

 Thí như có người tác động trong chiêm bao, phải biết các pháp cũng như vậy. Tại sao?

 Vì sự tác động trong chiêm bao chẳng sanh chẳng khởi cũng chẳng phải có vậy. Chiêm bao dầu chẳng thiệt, mà chẳng phải không giả danh nói là có chiêm bao làm. Tất cả các pháp cũng đều như vậy.

 
 Bạch đức Thế Tôn! Thí như tiếng vang chỉ có giả danh. Các pháp chỉ giả danh cũng như vậy.

 Bạch đức Thế Tôn! Dụ như người ảo chỉ là giả danh. Phải biết các pháp cũng chỉ là giả danh như vậy.

 Bạch đức Thế Tôn! Thí như dương diệm chỉ là giả danh. Các pháp giả danh cũng như vậy.

 Bạch đức Thế Tôn! Như tượng trong gương chỉ có danh dụng. Phải biết các pháp cũng như vậy.

 Bạch đức Thế Tôn! Vì vui đẹp kẻ phàm ngu mà nói có sự chiêm bao, sự việc trong chiêm bao đều chẳng phải chơn thiệt, vang ảo diệm ảnh cũng đều như vậy, chỉ có giả danh đều không có sự thiệt .

 Bạch đức Thế Tôn! Chúng tôi hiểu biết nghĩa ý những pháp được Như Lai tuyên nói”.

 Chúng trời Quang Âm nói kệ tán thán đức Phật:

 “Thế Tôn khéo biết pháp nghĩa nầy
 Và vô biên những thứ pháp khác
 Như Lai có những hàng Phật tử
 
 Được tiền của cha thường du hí
 Người đời ít trí chẳng vào được
 Vì luôn có tâm chấp ngã vậy
 Mười phương tâm ngã chẵng thễ được
 Ngã thễ bổn lai tánh tự không
 Như dương diệm chẳng phải thiệt nước
 Ngu si thấy nắng tưởng là nước
 Đều do vô trí sanh mê lầm
 Hư vọng điên đảo chấp ngã nhơn
 Họ mê lầm lời dạy của Phật
 Nên họ chẳng hiểu nghĩa thú sâu
 Phàm phu tâm thức như nắng nước
 Chẳng thể biết được nghĩa các ấm
 Lòng ưa sanh tử dính tên độc
 Các căn bị dòng nước mạnh cuốn
 Đó đều cứu cánh không tự tánh
 Vì si che lấp vọng thọ khổ
 Họ đều mất trí lòng mê loạn
 Ở trong các khổ sanh tưởng vui
 Tâm thường điên đảo thuận ba độc
 Các phiền não ấy rất đáng sợ
 Tham dục sân khuể và ngu si
 Các kiết sử nầy thường theo dõi
 
 Ham thọ vui nên sanh khát ái
 Ngu si chẳng biết nên thọ khổ
 Vô trí tùy thuận các phiền não
 Như người ngu cõng kẻ thù đi
 Nghe pháp môn không của Phật dạy
 Lại sợ pháp không mất giải thoát
 Như người khiếp sợ tay cầm dao
 Lẽ ra an ổn lại sanh sợ
 Thế Tôn đại trí chỗ thuyết pháp
 Đó là môn chữ A vi diệu
 Hay sanh trí huệ thắng chơn thiệt
 Dường như đất bằng mọc cây lớn
 Hàng phục ma oán vô lượng chúng
 Hay ngộ Bồ đề diệu an ổn
 Dùng thuyền bè lớn bát chánh kia
 Nơi biển sanh tử độ quần sanh
 Bao nhiêu Phật tử của Thế Tôn
 Biết rõ giáo pháp của Như Lai
 Chóng diệt phiền não các oán địch
 Mau chứng Vô thượng đại Bồ đề
 Đã tự giải thoát lìa tâm độc
 Thấy các kẻ độc cho thuốc trí
 Được đến cứu cánh quả bỉ ngạn
 
 Được chỗ vô vi rất an vui
 Tất cả các pháp thảy đều không
 Những thế ngoại luận vọng phân biệt
 Người sáng bỏ ác lên đường chánh
 Đều do bổn lai tu học lâu
 Lòng không chấp trước tức giải thoát
 Các pháp thể tánh tự như vậy
 Người hay biết rõ được như vậy
 Thành Phật đại lực na la diên
 Không có trói buộc không ai trói
 Các pháp tánh không đều cũng không
 Chơn như tịch diệt và phi như
 Chẳng phải cấu uế chẳng phải tịnh
 Phiền não vô tướng cũng không đoạn
 Bởi nó bổn lai tánh tự không
 Biết pháp chơn thiệt được như vậy
 Người ấy sẽ được Nhứt thiết trí
 Tự chứng giải thoát lại độ người
 Tất cả chẳng sanh cũng chẳng diệt
 Thế gian Trời Người đều mê hoặc
 Như cầm thú kia thấy nắng nước
 Hư vọng phân biệt sanh thèm khát
 Tưởng thấy nam nữ thọ khổ não
 
 Do nhiều thứ nghiệp sanh các loài
 Do tâm gây tạo mà sai khác
 Chúng tôi hiểu Phật pháp như vậy
 Là diệu cảnh giới của Như Lai
 Thế nên Như Lai tâm điều phục
 Các căn tịch tĩnh hay nhẫn nhục
 Thế Tôn như pháp được cúng dường
 Thanh tịnh vô cấu hết ô uế
 Đầy đủ công đức lìa tối tăm
 Chỉ Phật hay làm mắt ba cõi
 Nay tôi khen Phật chỗ được phước
 Chỉ có đại Đạo Sư xuất thế
 Thế Tôn Lưỡng Túc khối công đức
 Biết được quả báo chúng tôi được
 Dùng thắng thiện căn vi diệu nầy
 Hồi thí tất cả các quần sanh
 Nguyện họ ở nơi đời vị lai
 Đều được thành tựu Nhứt thiết trí”.

 Đức Thế Tôn biết chúng trời Quang Âm thâm tâm tin ưa rồi, và biết họ tu hành biện tài đầy đủ, muốn khiến công đức thiện căn của đại chúng lại sẽ lần lần thắng tấn tăng trưởng, đức Phật liền hiện tướng mỉm cười.

 
 Huệ Mạng Mã Thắng Tỳ Kheo nói kệ bạch hỏi Đức Phật:

 “Đại bi Thiện Thệ chẳng không nhơn
 Mà hiện tướng cười rất hi hữu
 Vô Thượng Sĩ hay lợi ích đời
 Chánh giác trí huệ siêu quần sanh
 Lưỡng túc Thế Tôn khối công đức
 Thương xót chúng sanh xin tuyên nói
 Vì ai mà hiện mỉm cười ấy
 Phóng sáng thù thắng hiển thế gian
 Tất cả chúng sanh nếu được nghe
 Tâm ý quyết định sẽ rất mừng
 Tu hành nghiệp lành chứng quả Phật
 Được lìa sanh tử đến Niết bàn
 Các chúng Trời Người thế gian nầy
 Bị sanh tử khổ não bức bách
 Xin độ quần sanh thoát biển khổ
 Diễn nói bát chánh thuyền bè lớn
 Chúng đây được nghe Đại Tiên nói
 Đủ tám công đức đạo tối thắng
 Nơi đây thế gian sanh mừng rỡ
 Ưa tu nghiệp lành nguyện thành Phật
 Dũng mãnh tinh tấn có sức lớn
 
 Nội tâm thanh tịnh lìa lưới nghi
 Sẽ truyền pháp của Như Lai nói
 Là chơn Phật tử thọ thánh giáo
 Chúng hội tại đây không nghĩ khác
 Một lòng chiêm ngưỡng đại Cù Đàm
 Xin Phật nói bày sự thợ ký
 Cho chúng quyết đoán lòng nghi hoặc
 Chắp tay cung kính chánh ý niệm
 Thảy đều mong miốn được lắng nghe
 Lành thay xin nói vị cam lồ
 Những người khát pháp sẽ được uống
 Tất cả đại chúng tại hội nầy
 Lòng sạch ưa mến thắng công đức
 Chiêm ngưỡng Phật nhan rất thù thắng
 Dường như trẻ thơ nhìn mặt mẹ
 Đại huệ xin thọ ký chúng trời
 Giải bày nhơn duyên Phật mỉm cười
 Được nghe Như Lai thọ ký rồi
 Thế gian sẽ được lợi ích lớn
 Ai ở nơi Phật thêm căn lành
 Và đã phát nguyện được đầy đủ
 Được tạng công đức thắng vi diệu
 Nay tôi muốn nghe họ thọ ký
 
 Đại chúng chắc sanh lòng mừng vui
 Vì được nghe Phật nói thọ ký
 Quyết định sẽ đủ sức niệm huệ
 Và được tu hành tam muội định”.

 Đức Thế Tôn nói kệ đáp Huệ Mạng Mã Thắng:

 “Lành thay việc hỏi của Mã Thắng
 Biện tài ứng cơ nay đúng lúc
 Đây là thần thông của Như Lai
 Do đó nay ông sanh trí huệ
 Vì lợi ích đời nên thêm biện
 Vì thế nay ông hay hỏi Phật
 Nay Phật vì họ nói thọ ký
 Lặng bặt các căn nhứt tâm nghe
 Chúng trời Quang Âm huệ thù thắng
 Quá khứ đã cúng vô lượng Phật
 Thấy thế gian nầy không ai cứu
 Phát tâm rộng lớn muốn làm Phật
 Tu trị thiệt hạnh chơn vi diệu
 Quyết định sẽ thành Nhứt thiết trí
 Vì các chúng sanh cầu Phật đạo
 Như mê lạc đường dạy đường chánh
 Được nghe Thế Tôn dạy như vậy
 
 Tiếng Phật tối thắng không ngang bằnng
 Người trí huệ ưa Phật công đức
 Quyết được cứu cánh đến bờ kia
 Họ có trí lực biết căn lành
 Quyết định sẽ được Phật Bồ đề
 Mừng vui đã phát Bồ đề nguyện
 Như mẹ sanh trai rất hài lòng
 Chúng trời vì người cầu Bồ đề
 Hiển thị đuường chánh chơn xuất thế
 Trong bất khả thuyết do tha kiếp
 Tu tập hạnh thắng diệu Bồ Tát
 Giáo hóa chúng sanh hơn tinh tú
 Đã an trí nơi Phật Bồ đề
 Đời sau đầy đủ Thế Gian Giải
 Tự nhiên thành tựu Nhứt thiết trí
 Quốc độ của họ bất khả thuyết
 Thế giới lớn rộng có trăm ức
 Các quốc độ ấy rất nghiêm tịnh
 Vô lượng nhiều thứ thắng trang nghiêm
 Các chúng sanh trong cõi Phật ấy
 Không ba ác ác đạo và tám nạn
 Tất cả đều phát tâm Bồ đề
 Thảy đều ở bực bất thối chuyễn
 
 Trong quốc độ các Như Lai ấy
 Cũng lại chẳng có pháp Tiểu thừa
 Chúng sanh thảy đều cầu Phật đạo
 Bèn được thẳng đến bực bất thối
 Các chúng sanh trong quốc độ ấy
 Tất cả thọ mạng đều bằng nhau
 Tuổi đến mười ức hằng sa kiếp
 Vì họ được gặp chư Phật vậy
 Nếu dạy chúng sanh do tha cõi
 Đều được chứng nhập tiểu Niết bàn
 Nếu lại có người dạỳ một người
 Hoặc nam hay nữ vào Đại thừa
 Phước trước so sánh khối đức nầy
 Toán số thí dụ chẳng bằng được
 Vì thế người đã ở Đại thừa
 Phải nên chuyễ dạy cho người khác
 Mã Thắng nên biết vì cớ ấy
 Như Lai xuất thế rất là khó
 Như hoa ưu đàm rất khó gặp
 Vô biên đại trí nói như vậy
 Bởi thiện tri thức trí khéo sâu
 Giỏi biết phương tiện chỉ đường chánh
 An ổn vô thượng thắng Bồ đề
 
 Nếu ai mong cầu phải thân cận
 Từ miệng Phật nghe lời như vậy
 Đầy đủ nghĩa vi diệu thậm thâm
 Tất cả đại chúng đều vui mừng
 Hớn hở sung mãn vừa lòng dạ
 Do tha chư Thiên ở hư không
 Đều rải thiên y bay lần xuống
 Đầy tiếng mừng khen khắp hư không
 Kính lễ vô thượng đại thần lực
 Trí diệu thanh tịnh độ thế gian
 Hay trừ chúng sanh phiền não nhiệt
 Phật nói cam lộ dứt ba độc
 Như thuốc A Dà Đà tiêu độc
 Được nghe trí huệ dứt kiết sử
 Thế gian mê hoặc nhiều khổ não
 Nơi sanh tử ấy sẽ được thoát
 Vì nghe thắng pháp nơi Phật vậy”.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1563)
27 Tháng Chín 2022(Xem: 84102)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
16 Tháng Chín 2020(Xem: 6031)
20 Tháng Tám 2018(Xem: 7819)