16-24 Phẩm Giá La Ca Ba Lợi Bà La Xà Ca Ngoại Đạo

30 Tháng Tư 201000:00(Xem: 41559)
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
Xuất bản: Ban Văn Hóa Thành Hội TP. Hồ Chí Minh PL 2543 - DL 1999

XVI
PHÁP HỘI
BỒ TÁT KIẾN THIỆT
THỨ MƯỜI SÁU

Hán Dịch: Cao Tế, Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá
Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

Phẩm Giá La Ca Ba Lợi Bà La Xà Ca Ngoại Đạo
Thứ Hai Mươi Bốn


 Bấy giờ có tám ngàn người ngoại đạo Giá La Ca Ba Lợi Bà La Xà Ca thấy A Tu La nhẫn đến Tịnh Cư Thiên cúng dường được thọ ký, và nghe tiếng tán thán, họ sanh lòng hi hữu. Họ nghe pháp môn ấy, pháp mà họ chưa hề được nghe, họ sanh nghi tự bạch đức Phật rằng : « Thưa Cù Đàm ! Chúng tôi nghe pháp mà từ trước chưa được nghe, nghe xong chúng tôi không thích Giá La Ca Ba Lợi Bà la Xà Ca ngoại đạo, cũng chẳng thích tại gia. Ở nơi pháp nầy, chúng tôi lại nghĩ lự chẳng kính tin, do vì từ trước chưa hề được nghe. Chúng tôi ở chỗ Cù Đàm Sa Môn cũng có nhơn duyên, do nơi Cù Đàm làm thần thông biến hóa như vậy, chúng tôi được thấy chư Thiên chư Thần được thân vi diệu, và thấy đại chúng qui phục Cù Đàm rất đông , nên biết vì Cù Đàm rất khéo thuyết pháp. Do đó ở nơi Cù Đàm chúng tôi có chút lòng tin.

 Cù Đàm lại vì chúng trời Quảng Quả nói pháp rằng : « Tất cả pháp là Như Lai ». Nơi pháp thuyết ấy chúng tôi rất nghi lự : thế nào tất cả pháp gọi là Như Lai ?

 Chúng tôi ở nơi Cù Đàm sanh lòng tin như vậy : chỉ có Cù Đàm biết được ý chúng tôi như vậy như vậy. Xin Cù Đàm vì chúng tôi mà giải nói cho chúng tôi hiểu nghĩa của pháp ngữ ấy hầu được lìa lưới nghi ’’.

 Đức Thế Tôn bảo chúng ấy rằng : “ Nay Phật hỏi lại các ông, tùy ý các ông đáp ”.

 Chúng ngoại đạo thưa : “ Lành thay Cù Đàm ! Ngài có hỏi chúng tôi xin nói ”.

 Đức Thế Tôn hỏi: “ Các ông có biết thế nào thai nhập bụng mẹ chăng? ”.

 - Thưa Cù Đàm ! trong luận của phái tôi có nói ba thứ nhơn duyên hòa hiệp thai nhập bụng mẹ. Đó là cha mẹ gần nhau sanh tham nhiễm nghĩ đến sự dục, do nghĩ mà hành dục nên thai nhập mà thành thai
 
 Nầy các ông ! Theo ý các ông thế nào, lúc cha mẹ nghĩ tưởng, tham nhiễm ấy có phải từ nơi tâm mẹ mà phát khởi chăng ?
 - Thưa Cù Đàm ! không phải.
 - Nầy các ông ! Có phải từ mẹ nghĩ tưởng sanh khởi chăng ?
 - Thưa Cù Đàm ! Không phải.
 - Nầy các ông ! Có phải từ nơi tâm cha phát khởi chăng ?
 - Thưa Cù Đàm ! Không phải.
 - Nầy các ông ! Có phải từ cha nghĩ tưởng sanh khởi chăng ?
 - Thưa Cù Đàm ! Không phải.
 - Nầy các ông !Tham dục ấy của cha có vào bụng mẹ chăng ?
 - Thưa Cù Đàm ! Không phải.
 - Nầy các ông ! Tâm người cha có vào bụng mẹ chăng ?
 - Thưa Cù Đàm !Không phải.
 - Nầy các ông ! Sự phân biệt của cha có vào bụng mẹ chăng ?
 - Thưa Cù Đàm ! Không phải.
 - Nầy các ông ! Thai ấy có phải từ thân trời chết rồi xuống vào bụng mẹ chăng ?
 
 Thưa Cù Đàm ! Chúng tôi chẳng biết được.
 - Nầy các ông ! Thai ấy có phải từ thân địa ngục chết rồi đến vào bụng mẹ chăng ?
 - Thưa Cù Đàm ! Chúng tôi chẳng biết được.
 - Nầy các ông ! Thai ấy có phải từ súc sanh chết rồi đến vào bụng mẹ chăng ?
 - Thưa Cù Đàm ! Chúng tôi chẳng biết được.
 - Nầy các ông ! Thai ấy có phải từ ngạ quỉ chết rồi đến vào bụng me chăng ?
 - Thưa Cù Đàm ! Chúng tôi chẳng biết được.
 - Nầy các ông ! Thai ấy có phải từ thân A Tu La chết rồi đến vào bụng mẹ chăng?
 - Thưa Cù Đàm ! Chúng tôi chẳng biết được.
 - Nầy các ông ! Thai ấy có phải là phi sắc đến vào bụng mẹ chăng ?
 - Thưa Cù Đàm ! Chúng tôi chẳng biết được.
 - Nầy các ông ! Thai ấy có phải là sắc đến vào bụng mẹ chăng ?
 - Thưa Cù Đàm ! Chúng tôi chẳng biết được.
 - Nầy các ông ! Thai ấy có phải là thọ tưởng hành và thức đến vào bụng mẹ chăng ?
 - Thưa Cù Đàm ! Chúng tôi chẳng biết được.
 Đức Thế Tôn bảo chúng ngoại đạo : “ Nầy các ông ! Pháp ấy thậm thâm tịch diệt vi diệu
 
 Khó lường, khó hiển thị được, chẳng phải cảnh giới tư lương, chẳng phải các ông biết được. Các phái ngoại đạo dị kiến dị nhẫn, ưa muốn dị chủng. Nơi pháp chẳng chánh thì tinh tấn tu hành, nơi trong dị kiến thì quyết định xu hướng.
 - Nầy các ông ! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhơn gặp được thiện tri thức thì ở trong pháp thậm thâm sanh được mắt sáng tỏ.
 Ví như có người đau mắt lòa tối gặp được lương y chữa lành, họ do nơi mắt lành sáng ấy mà hiện đời được thấy những hình sắc từ trước chưa hề thấy.

 Cũng vậy, nầy các ông ! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhơn chẳng có đủ các căn tính v.v…, họ gặp thiện tri thức nên huệ nhãn thanh tịnh, do huệ nhãn nên thấy được thâm pháp.

 Hàng ngoại đạo các ông từ đêm dài xa xưa bị tà luận dối phỉnh mà sanh dị kiến, ở nơi phi pháp lại cho là thiện pháp, nơi phi giải thoát lại cho là giải thoát, nơi phi xuất thế lại cho là xuất thế.

 Thấy các ông tự hư hỏng lại làm các ông hư hỏng. Như có người mù bảo người mù khác rằng tôi dẫn anh đi. Người có trí nên biết hai người mù ấy chắc sẽ trụy lạc nơi phi đạo mà bị khổ.
 Cũng vậy, nầy các ông ! Hoặc Sa Môn, hoặc Bà La Môn thiệt chẳng phải Đạo Sư mà tự xưng Đạo Sư, thiệt chẳng phải chánh giác mà tự xưng chánh giác, thiệt chẳng biết đạo xuất thế mà tự xưng là biết, thiệt chẳng thấy đạo xuất thế mà tự xưng là thấy, thiệt chẳng biết chỗ cạn qua mà tự xưng là biết, thiệt chẳng phải giáo sư mà tự xưng là giáo sư, điều họ dạy bảo là tà giáo, là tá giác, là tà xuất, là tà đạo, chẳng biết chỗ cạn tự xưng là biết rồi đưa người , người được đưa qua trở lại càng khốn khổ hơn.

 Nầy các ông ! Ví như kẻ chăn bò chẳng biết chỗ cạn lùa bầy bò xuống nước, đưa đến chỗ nước sâu giữa dòng bị khốn không ai cứu hộ. Đó là do kẻ chăn bò chẳng biết chỗ nước cạn vậy.

 Cũng vậy, Hàng ngoại đạo các ông chẳng phải Đạo Sư mà tưởng mình là Đạo Sư, người được độ trở lại bị khốn khổ.

 Nầy các ông ! Phật là Đạo Sư thiệt có khả năng hóa đạo, người được hóa độ đều chánh được độ. Phật là chánh giác lời nói chẳng hư, người được Phật giác ngộ đều được chánh ngộ. Phật là năng xuất lời nói chẳng hư, người được dạy xuất thì được chánh xuất. Phật thấy đạo dạy đường chánh cho người. Phật biết chỗ cạn lời nói chẳng hư , người được Phật độ thì được chánh độ. Phật biết pháp giáo hóa hay giáo hóa người. Phật biết Phật pháp hay giác ngộ người. Phật biết pháp xuất khiến người được xuất. Do vì Phật chánh kiến nên hay chánh chỉ bảo người. Phật biết chỗ độ qua được nên hay độ người, người được dắt qua đều được đường tốt.

 Ngoại đạo các ông, người ưa giải thoát. Phật là Đạo Sư nay ở trước các ông đây, các ông nên đến. Phật là chánh ngộ hiểu rõ pháp xuất ly, khéo thấy đạo xuất ly nên làm chỗ cạn qua.

 Các ông nhứt tâm lắng nghe kỹ khéo suy nghĩ đều sanh ưa muốn chánh niệm hiện tiền tâm sẽ lưu chú phát cần tinh tấn, vì chưa chứng pháp khiến được chứng, vì chưa dến được pháp khiến đến được., vì xưa chưa hành đạo khiến tiến hành , vì xưa chưa đến chỗ khiến đến chỗ, vì chưa phục ma khiến hàng phục, vì xưa chưa tìm bạn khiến cầu bạn lữ, vì chưa được pháp phương tiện khiến được pháp phương tiện.
 
 Nầy các ông ! Như Phật đã nói ba pháp hòa hiệp được thọ thai. Nay sẽ nói , các ông phải nhứt tâm nghe kỹ pháp môn thọ thai.

 Nầy các ông ! Phật nói mẹ đó là quá khứ tác nghiệp ấy làm duyên. Phật nói cha , đó là quá khứ tác nghiệp ấy làm nhơn. Phật nói Càn Thát Bà, đó là nghiệp chiêu vời thức. Phật nói Ca La Lã, đó là nghiệp an trí. Phật nói bụng mẹ, đó là chỗ nơi mà nghiệp an trí thức. thức ở nơi bụng rồi thì sanh mạng được tăng trưởng lần lần lớn rộng.

 Nầy các ông ! Vì như có thuốc rừng rậm nương đại địa mà được tăng trưởng lần lần lớn rộng. Cũng vậy, thức ấy vào bụng mẹ rồi tăng trưởng lớn rộng. Trong bụng mẹ ấy, hài nhi trưởng thành mới được sản sanh , sanh rồi lần tăng, đã được trưởng thành hành tánh thuở đời trước theo chỗ đã chết mà đến, chỗ sở hành quá khứ kia, quen tập phát khởi hiện tại đây. Cái ấy phải là trí mới biết , chẳng phải ngu rõ được. Kết bạn cùng ở thường quan sát luôn mới biết tánh ấy.

 Các ông lắng nghe đây ! Người ấy nếu từ địa ngục chết rồi đến sanh trong loài người đây sẽ có tướng nầy mà người trí phải biết : tiếng họ ré lên ồ ề, như tiếng con la, tiếp gấp rút , tiếng kinh sợ, tiếng to tiếng nhỏ lòng thường sợ sệt, luôn luôn run rẩy nổi ốc dựng lông trong chiêm bao phần nhiều thấy lửa cháy lớn, hoặc thấy chạy trên núi, hoặc thấy khối lửa, hoặc thấy nồi chảo nước sôi trào, hoặc thấy có người cầm gậy gộc mà chạy, hoặc thấy thân mình bị mâu xóc đâm, hoặc thấy la sát nữ, hoặc thấy bầy chó dữ, hoặc thấy bảy voi dữ rượt, hoặc thấy mình chạy bốn phương mà không có chỗ nương về, lòng họ ít tin, không có thân hữu.

 Nầy các ông ! Vô lượng tướng cảnh như vậy nay Phật nói lượt bấy nhiêu, đây gọi là từ địa ngục chết đến sanh trong loài người, chẳng phải ngu lường được mà chỉ có trí mới biết.

 Nầy các ông ! Người ấy nếu từ súc sanh chết rồi đến sanh trong loài người, họ sẽ có những tướng dạng nầy, mà người trí phải biết, họ ám độn ít trí lười biếng ăn nhiều, thích ăn bùn đất, tánh họ khiếp nhược, ngôn ngữ chẳng rành, họ thích làm bạn với kẻ ngu, ưa chỗ tối tăm , mến thích nước đục, ưa nhăn cỏ cây, ưa lấy ngón chưn đào khoét đất cát, ưa động đầu xua đuổi ruồi lằn, thường cất cao đầu ngáp nhai không, thường ưa có chưn tùy nghi nằm trên đất chẳng tránh ô uế, ưa ngửi không, ưa trần truồng, ưa dối trá, nói khác làm khác ưa nói thêm bớt, họ thường chiêm bao thấy lấy bùn trét lên mình, hoặc mộng thấy mình ở đồng ruộng ăn cỏ, hoặc mộng thấy mình bị rắn quắn, hoặc mộng thấy muình vào trong hang núi rừng rậm. Có vô lượng tướng cảnh như vậy nay Phật nói lược các tướng ấy, đây gọi là từ súc sanh chết đến sanh trong loài người. Trí mới biết chẳng phải ngu lường được.

 Nầy các ông ! Người ấy nếu từ ngạ quỉ chết đến sanh trong loài người thì sẽ có các tướng sau đây mà người trí phải biết. Tóc họ vàng, giận trợn mắt nhìn, thường ưa nhịn đói nhịn khát, tham lam bỏn xẻn ghen ghét, ưa tham ăn tham uống, ưa nói lén người, thân nhiều lông, tròng mắt sáng đỏ, nhiều nghĩ tưởng các thức ăn, ưa muốn tích tụ chẳng muốn chia cho, chẳng thích thấy người lành tốt, thấy tài vật liền sanh lòng trộm cắp nhẫn đến được chút ít cũng liền mừng vui, thường cầu tài lợi, ưa ăn dơ, thấy người có của cải liền ganh ghét, lại ở nơi của người tưởng là của mình, thấy người thọ dùng thì tiếc lẫn, nghe nói ăn ngon thì lòng chẳng ưa, nhẫn đến nơi xóm nơi đường thấy trái cây rụng hay lúa đậu liền sanh lòng tham lượm hái. Có vô lượng tướng cảnh như vậy nay Phật chỉ nói lược các tướng ấy, đây gọi là từ ngạ quỉ chết đến sanh trong loài người chẳng phải ngu lường được, chỉ trí mới biết.

 Nầy các ông ! Nếu người ấy từ A Tu La chết đến sanh trong loài người sẽ có những tướng sau đây mà người trí phải biết :

 Họ cao ngạo ngã mạn, ưa giận dữ đấu tranh, oán hận chẳng quên, khởi tăng thượng mạng, thân họ to mạnh, mắt trắng như mắt chó, răng dài lộ ra ngoài, dũng kiện nhiều sức lực hay chiến trận, cũng ưa lưỡng thiệt phá hoại kẻ khác, lòng họ cao ngạo khinh miệt sách luận của người, người khác dầu biết mà họ khéo dùng lời lẽ kín sâu, họ cũng có trí lực và phiền não lực, thích tự dưỡng thân thể. Có vô lượng tướng cảnh như vậy nay Phật nói lược những tướng ấy, đây gọi là từ A Tu La chết đến sanh trong loài người, chẳng phải ngu lường được, chỉ trí mới biết.

 Nầy các ông ! Nếu từ loài người chết rồi sanh trở lại trong loài người thì có những tướng như sau mà người trí phải biết : Người ấy hiền trực ưa gần người lành, chê trách kẻ ác, mến tiếc dang vọng nhà mình , đốc hậu thủ kín, ưa thích tiếng tâm và lời khen tặng, mến ưa nghề khéo, kính trọng trí huệ, có tâm tàm sĩ, tâm tánh nhu nhuyến, biết ơn dưỡng nơi các thiện hữu, lòng thuận không trái, ưa xả thí, biết người hay dở, giỏi quan sát người có ích hay vô ích, giỏi đối đáp lãnh hội ngôn nghĩa ấy, giỏi hòa hiệp cùng giỏi trái lìa, giỏi làm sứ giả tuyên truyền ngôn ngữ, nơi các thứ ngôn ngữ giỏi thông đạt ghi nhớ chẳng quên, cũng biết được thị xứ phi xứ. Có vô lượng tướng như vậy nay Phật nói lược các tướng ấy, đây gọi là người từ loài người chết trở lại sanh trong loài người. Chẳng phải ngu lường được, chỉ trí mới biết.

 Nầy các ông ! Nếu người ấy từ thân trời chết rồi sanh trong loài người sẽ có các tướng sau đây mà người trí phải biết. Người ấy đoan chánh thích thanh tịnh, hay mang vòng hoa và ướp hương thoa hương nơi thân, thích tắm gội, thọ ngũ dục thì chọn thứ đẹp tốt mà chẳng ưa thứ xấu, ưa âm thanh và ca vũ, thuần giao hữu với các thượng nhơn , chẳng kết bạn với hạ nhơn, ưa lầu các nhà cao phòng rộng, lòng từ hòa mỉm cười không giận, lời nói dịu dàng đẹp hay khiến người nghe đẹp dạ vui lòng, thích chuổi ngọc và y phục trang sức, thường ưa đi ra vào, bước đi thong dong nhàn nhã, làm việc chuyên cần chẳng biếng lười. Có vô lượng tướng như vậy, nay Phật nói lược các tướng ấy, đây gọi là người từ thân trời chết rồi sanh trong loài người, chẳng phải ngu lường được, chỉ trí mới biết.

 Nầy các ông ! Nếu thiện nam tử thiện nữ nhơn muốn siêu thoát các tướng ấy thì phải gần gũi thiện tri thức, thuận theo ý và làm theo chỗ làm của thiện tri thức. Thiện tri thức ấy sẽ thuyết pháp để họ được siêu độ.

 Nầy các ông ! Người từ địa ngục chết sanh trong loài người ấy, trước đời địa ngục lúc họ làm thân người họ tạo những tội ác, vì họ sân khuể nên giết hại, do nghiệp giết hại ấy dắt họ đọa địa ngục thọ nhiều thứ khổ, sau đó sanh trong loài người vẫn còn tập khí.

 Người ấy đã biết tướng dạng như vậy rồi cần phải tự biết là mình từ địa ngục đến sanh trong loài người. Vì bỏ lìa nhơn duyên địa ngục, người ấy phải tìm thiện tri thức. Gặp được thiện tri thức rồi cung kính thưa sự. Thiện tri thức ấy vì trừ nghiệp sân hại mà dạy nói từ bi và trợ đạo tương ưng từ bi. Do các pháp hành ấy trừ được tập khí tàn thừa nhơn duyên địa ngục của người ấy. Thiện tri thức ấy hoặc vì họ nói Thi la Ba la mật tương ưng từ bi để trừ tội ác sân hại cho người ấy. Lúc người ấy tu từ bi, sáu Ba la mật sẽ đầy đủ thêm lớn phước đức.

 Nầy các ông ! Người từ súc sanh chết, sanh trong loài người, trước đời súc sanh, lúc làm thân người, họ thật hành quen tập pháp ngu si, do quen tập ngu si bèn làm ác nghiệp, do ác nghiệp ấy sanh trong loài súc sanh, ăn ở chung chạ lâu ngày với các súc sanh, hành động nghi thức súc sanh, nên nay làm thân người vẫn còn những tướng theo tập khí súc sanh. Người ấy phải tự biết sau khi thấy hành tưởng của mình, tôi từ súc sanh chết đến sanh trong loài người đây. Vì bỏ rời nhơn duyên súc sanh, họ phải tìm thiện tri thức. Vì trừ tập khí ngu si. Thiện tri thức dạy họ mười hai nhơn duyên. Do pháp nhơn duyên ấy mà trừ được ngu si. Thiện tri thức ấy hoặc vì họ mà dạy Bát Nhã Ba la mật, do đó ngu si thể tánh tự lìa dứt, bèn sanh trí huệ.

 Nầy các ông ! Người từ ngạ quỉ chết đến sanh trong loài người, trước đời làm ngạ quỉ, lúc làm thân người, họ thật hành chứa quen pháp xan tham, do nghiệp lực xan tham sanh trong loài ngạ quỉ, cùng chung với các ngạ quỉ ăn ở, hành động theo nghi thức ngạ quỉ. Người ấy quan sát thấy hành động của mình phải tự biết rằng tôi vốn là ngạ quỉ chết rồi đến sanh trong loài người nầy. Vì muốn bỏ rời hành nghiệp ngạ quỉ, người ấy phải tìm thiện tri thức. Vì trừ nghiệp xan tham của người ấy nên thiện tri thức dạy họ pháp bố thí. Nhờ pháp bố thí mà nghiệp xan tham được trừ. Hoặc thiện tri thức dạy họ pháp trợ Bồ đề tương ưng với bố thí, hoặc dạy họ Đàn na Ba la mật. Người ấy tu Bàn na Ba la mật mà được đủ sáu Ba la mật. Thiện tri thức hoặc dạy họ tất cả pháp đều bình đẳng. Người ấy tu pháp bình đẳng nên được đủ Bát Nhã Ba La mật. Vì tu Bát Nhã ba la mật nên lưu chú xu hướng Nhứt thiết trí.

 Nầy các ông ! Người từ A Tu La chết đến sanh trong loài người, trước đời A Tu La, lúc làm thân người, họ làm nhiều căn lành mà kiêu mạn, do kiêu mạn mà tạo các nghiệp , do sức nghiệp kiêu mạn tích tập mà sanh trong A Tu La cùng chung ăn ở với chư A Tu La làm những nghiệp A Tu La. Từ A Tu La chết họ sanh trong loài người đây nhưng tập khí nghiệp A Tu La vẫn còn. Người ấy nghe pháp như vậy, quan sát hành động của mình phải tự biết rằng tôi vốn từ A Tu La chết rồi sanh trong loài người. Vì muốn bỏ rời hành nghiệp A Tu La nên người ấy phải tìm thiện tri thức. Vì trừ nghiệp kiêu mạn cho người ấy, thiện tri thức dạy họ thánh trụ xứ, do pháp môn nầy khiến họ trừ được nghiệp kiêu mạn. Hoặc dạy họ không pháp môn, do đây trừ được nghiệp kiêu mạn ngô ngã mà được trí vô ngã. Hoặc dạy họ nhơn duyên hòa hiệp mà có các pháp, do hòa hiệp mà có sở tác. Nếu không hòa hiệp thì không sở tác. Quan sát như vậy thì kiêu mạn và nghiệp đều tiêu trừ. Hoặc dạy các pháp nhứt tướng, tu theo đây thì được đủ Bát Nhã Ba la mật mau chứng Nhứt thiết trí trọn chẳng thối chuyển.

 Nầy các ông ! Người từ thân người chết rồi lại sanh trong loài người, lúc đời trước làm thân người, họ tu hành tích tập mười nghiệp đạo lành, do nghiệp lực luôn luôn tu hành tích tập nghiệp đạo lành ấy mà lại sanh trong loài người đây. Người ấy nghe pháp như vậy phải tự biết rằng tôi vốn từ thân người chết rồi lại sanh trong loài người nầy. Vì muốn siêu tập khí nghiệp người , họ phải tìm thiện tri thức. Vì trừ tập khí ấy, thiện tri thức dạy họ vô thường tưởng để trừ tập khí. Hoặc dạy họ sanh từ lỗi khổ, Niết bàn rất vui. Nghe pháp ấy rồi, người ấy được nhàm sanh tử lỗi khổ mà ưa thích Niết bàn vui. Hoặc dạy họ sáu Ba la mật, do đó hoặc họ có thể phát tâm Vô thượng Bồ đề. Hoặc dạy họ thiện phương tiện, do đó họ có thể kiên trì sáu Ba la mật mau chứng Nhứt trí trọn chẳng thối chuyển.

 Nầy các ông ! Người từ thân trời chết rồi đến sanh trong loài người, trước đời làm thân trời, lúc làm thân người tu phạm hạnh bố thí trì giới đều mong phước báu tương lai. Tu hành tích tập thiện nghiệp như vậy dài lâu xong trọn, do nghiệp lực ấy sanh thân trời, cùng chư Thiên chung ăn ở quen nghi thức chư Thiên , từ thân trời chết, tập khí pháp hành chư Thiên vẫn còn, khi được thân người rồi, nghe pháp như vậy quan sát hành động của mình phải tự biết rằng tôi vốn quyết từ thân trời chết đến sanh trong loài người. Vì muốn siêu tập khí chư Thiên, người ấy phải tìm thiện tri thức. Thiện tri thức ấy dạy họ tu trì phạm hạnh chẳng cầu báo tương lai, dạy cho họ biết cầu phước báu là lầm lỗi, dạy rõ tịnh tu phạm hạnh không chỗ y trước thì được phước vô lượng. Dạy họ tu bố thí chẳng cầu phước báu, nói cầu báo là lỗi lầm, dạy rõ bố thí không chỗ y trước thì được phước vô lượng. Dạy họ tu trì giới chẳng cầu phước báu tương lai, nói cầu báo là lỗi lầm, dạy rõ trì giới không chỗ y trước thì công đức vô lượng. Hoặc dạy họ thiện xảo phương tiện, do đó người ấy có hành lục Ba la mật, đầy đủ lục Ba la mật mau chứng Nhứt thiết trí trọn chẳng thối chuyển.

 Nầy các ông ! Người từ địa ngục chết đến sanh trong loài người phải nương tựa thiện tri thức để được nghe pháp tam thế chư Phật bình đẳng. Được nghe pháp bình đẳng rồi phải phát cần tinh tấn y thành ấp tụ lạc cùng đại chúng chung ở nơi đủ cả bốn bộ chúng cùng nhau luận lượng Phật pháp học vấn nạn đáp, pháp tam thế bình đẳng được hiện ra trước, hiểu tất cả pháp không có tự tánh. Do tu trí hiểu nầy mà phiền não lần trừ.

 Nầy các ông ! Người từ súc sanh chết sanh trong loài người ấy phải nương tựa thiện tri thức gần gũi người đa văn, do gần người đa văn mà trừ lần ngu si. Người ấy dầu gần người đa văn và các kinh luận mà quán tưởng chẳng phải có. Người ấy quán tưởng chẳng phải có rồi tự nhiên hiểu chứng pháp không tự tánh, do đây mà pháp tam thế bình đẳng tự nhiên hiện tiền mau chứng Nhứt thiết trí chẳng có thối chuyển.

 Nầy các ông ! Người từ ngạ quỉ chết sanh trong loài người ấy phải nương tựa thiện tri thức tu hành bố thí để trừ xan tham và làm các công đức. Do vì tu xả thí nên tâm họ chằng tich tụ, do đó pháp tam thế bình đẳng tự nhiên hiện tiền được nhứt tướng, tức là vô tướng. Người ấy do tu trí hiểu vô tướng nầy nên mau chứng Nhứt thiết trí trọn chẳng thối chuyển.

 Nầy các ông ! Người từ A Tu La chết đến sanh trong loài người phải nương tựa thiện tri thức để cùng chiến đấu với phiền não ma, đó là kiêu mạn. Bấy giờ người ấy nên quán sát “ gì là mạn, ai mạn, ai bị khinh mạn, ai do mạn nầy mà khởi phiền não xứ, ai bỏ mạn ấy ?”. Suy tìm như vậy không có mạn để được, cũng chẳng thấy có ai nhiếp thọ mạn ấy. Người ấy do quán sát nghĩa như vậy nên không có mạn để được, không có người mạn, cảnh giới tương ưng với mạn cũng chẳng có được, cũng chẳng thấy có ai bỏ kiêu mạn. Quan sát như vậy, không một pháp có thể được. Người ấy lại quan sát như vậy : “Do ác nhiếp thọ tự phỉnh thân mình cũng phỉnh thân người ”. Lúc quan sát như vậy có thể thấy các pháp không có tự tánh. Do thấy các pháp đều không có tự tánh nên thấy pháp chẳng phải có, do chẳng phải có nên biết chẳng thành tựu, do biết chẳng thành tựu nên biết là chẳng sanh, vì biết là chẳng sanh nên biết là chẳng diệt, đã chẳng sanh diệt thì đó là bất khả thuyết. Nếu hiểu được bất khả thuyết thì nó chẳng phải quá khứ chẳng phải hiện tại chẳng phải vị lai tam thế bất khả đắc. Các pháp đã là tam thế bất khả đắc thì nên biết chưa hề có được có mất, đây là tất cả pháp bình đẳng. Do tất cả pháp bình đẳng nên biết tất cả pháp là chơn như bất biến bất dị, Như Lai cũng là chơn như bất biến bất dị, vì tất cả pháp tức là chơn như.

 Do đó nên quan sát kiêu mạn được biết người ấy từ thân người đời trước chết rồi lại sanh trong loài người, vì họ có sức tập khí kiêu mạn. Nhẫn đến từ địa ngục chết đến sanh trong loài người do có tập khí kiêu mạn nên biết được tướng ấy. Nếu không tập khí kiêu mạn thì không thể nói được là người ấy từ thân người đến hay nhẫn đến từ trong địa ngục đến.

 Nầy các ông ! Đây gọi là trí huệ lìa rời kiêu mạn. Tướng ấy phải do đủ xảo phương tiện mới có thể biết được. Lại do Bát Nhã Ba la mật gia trì nên người ấy mới biết được ”.

 Lúc ấy, tám ngàn người ngoại đạo được nghe đức Phật thuyết pháp liền được vô sanh pháp nhẫn. Chúng ấy được vô sanh pháp nhẫn rồi liền đứng dậy đảnh lễ chưn Phật. Họ đảnh lễ chưn Phật rồi đứng qua một phía khác miệng đồng lời nói kệ tán thán đức Phật :

 “Đạo Sư kiến lập sức trí huệ
 Biết các đạo thú chẳng do người
 Biết các chúng sanh đi các thú
 Như thấy trái cây cầm trong tay
 Do các kiến thủ trược thế gian
 Thí như mây mù chướng hư không
 Do đây bầy ngu thường lưu chuyển
 Như bọn người mù lạc đường chánh
 Thế gian là thường là vô thường
 Lại nói cũng thường cũng vô thường
 Lại nói phi thường phi vô thường
 Họ như voi đui đi vào thành
 Nói đời hữu biên hay vô biên
 Nói cũng hữu biên cũng vô biên
 Nói phi hữu biên phi vô biên
 Do đây lưu chuyển như chim lồng
 Lại nói tức thân là thần ngã
 Hoặc nói ly thân có thần ngã
 Bị vọng tưởng phân biệt trói buộc
 như chim sa lưới lòng sanh khổ
 Lại nói Trời Tự Tại hóa ra
 Lại nói sanh chẳng phải do nhơn
 Chúng sanh bị kiến thủ che lấp
 Ví như mây mù che khuất trăng
 Như trứng trong lồng nở ra chim
 Theo các lỗ trống thường muốn ra
 Chúng sanh bị kiến thủ làm ngu
 Họ chẳng giải thoát như chim lồng
 Lại để Phạm Vương và Thiên chúa
 Lại để đồng hài và phụ nhơn
 Lại để phương hải Tỳ Sa Môn
 Như giặc bị bắt cầu thần linh
 Dường như kẻ nghèo gặp chủ nợ
 Cầu lập bảo chứng cùng chủ nợ
 Như vậy người đời chấp kiến thủ
 Ngu si cầu trời mong dục lạc
 Phật thấy chúng sanh y chơn thiệt
 Như thấy năm ngón trên bàn tay
 Ở trong các thú chịu trăm khổ
 Như bọn giặc cướp vào lao ngục
 Với họ Thế Tôn lòng thương xót
 Tu các đạo hạnh biết các thú
 Thế Tôn đã dạy pháp xuất ngục
 Như vua sanh trai phóng đại xá
 Thương đời chẳng kể vô số kiếp
 Tu các khổ hạnh được Bồ đề
 Kiến thủ phá hoại bọn ngu si
 Phật dạy cho họ được giải thoát
 Do đây Thiện Thệ Thiên Nhơn Sư
 Ở trong các pháp được tự tại
 Chúng tôi kiến thủ nên lạc đường
 Nơi kiến thủ Phật cứu chúng tôi
 Do đây Thế Tôn có đại lực
 Có đủ vô úy không oán đối
 Giữa chúng đại hống như sư tử
 Chúng tôi cũng nguyện được pháp ấy
 Vì nó hay động cõi Đại Thiên
 Cũng dùng pháp ấy chiếu khắp chốn
 Dùng nó thọ ký các chúng sanh
 Cũng nguyện chúng tôi gặp gỡ họ”.

 Đức Thế Tôn biết chư ngoại đạo đã thâm tín nên hiện tướng mỉm cười phóng ánh sáng.

 Huệ Mạng Mã Thắng nói kệ bạch hỏi đức Phật :

 “Phật thương thế gian hiện mỉm cười
 Vì thấy các chúng ngoại đạo ấy
 Ngưỡng mong Như Lai nói cớ cười
 Phật hiện mỉm cười có nghĩa chi
 Đấng khéo hiểu nhơn chẳng không nhơn
 Mà hiện mỉm cười phóng ánh sáng
 Lành thay đấng hiện sáng mỉm cười
 Đại chúng chiêm ngưỡng mong Phật nói
 Đại chúng tại hội đều hoài nghi
 Vì thấy Phật hiện ánh sáng cười
 Tất cả đều như nhìn trăng tròn
 Nhìn Phật chờ nói cớ mỉm cười
 Ai tại hôm nay dâng cúng dường
 Ai ngày nay làm vui từ phụ
 Nay ai có được Phật công đức
 Lành thay Đại Trí xin diễn nói
 Đại chúng nghe nói chắc mừng vui
 Đều do ngoại đạo được thọ ký
 Ngưỡng mong Đạo Sư thương nói cho
 Ở trong thừa nào họ đắc đạo
 Lành thay Mâu Ni trừ chúng nghi
 Do đây đại chúng được mừng vui
 Một bề đến Phật không thối chuyển”.
 Đức Thế Tôn nói kệ đáp Mã Thắng Tỳ kheo :
 “ Lành thay Mã Thắng khéo biết giờ
 Hay hỏi Như Lai hàng ma oán
 Thương xót thế gian nói lời ấy
 Hay hỏi Đạo Sư Vô Thượng Sĩ
 Phật sẽ nói sự hiện mỉm cười
 Ông phải nhứt tâm nghe duyên cớ
 Ông phải vui mừng nghe Phật nói
 Nay nói nghĩa cớ Phật mỉm cười
 Tám ngàn ngoại đạo đều điều phục
 Bỏ các ác kiến trụ thiện kiến
 Thấy thế gian bị kiến thủ não
 Họ khởi bi tâm cầu Bồ đề
 Tất cả kiến thủ đều được bỏ
 Vì họ đã biết chánh kiến vậy
 Từ Phật được nghe ký vô ngại
 Họ đều ưa cầu Nhứt thiết trí
 Chỗ Phật quá khứ được ký rồi
 Cúng dường Đại bi Lưỡng Túc Tôn
 Đầy đủ chỗ hai ức chư Phật
 Để được lên Vô thượng Bồ đề
 Chỗ Phật tu thí cũng chẳng thiếu
 Tu trì tịnh giới tu thiền định
 Tịnh tu trí huệ phát tinh tấn
 Nơi c ác quần sanh tu nhẫn nhục
 Thường tu tập sáu Ba la mật
 Lựa chọn trí huệ cầu Bồ đề
 Mã Thắng thỉnh hỏi đấng hàng ma
 Phát tâm thích cầu Phật Bồ đề
 Những khổ não ấy do đảng ác
 Y chỈ trong chỗ có kiến thủ
 Chúng ấy nay thấy Thắng Đạo Sư
 Bỏ các ác kiến đều không thừa
 Do được thiệt hiểu lời Phật dạy
 Tùy thuận Phật pháp khởi thâm tín
 Họ có nhiều ức Phật vị lai
 Đều siêng cúng dường cầu Bồ đề
 Ở đời vị lai kiếp Tinh Tú
 Đều được làm Phật đồng một hiệu
 Hiệu Phổ Văn Phật danh tiếng lớn
 Phật ấy đại trí độ thế gian
 Quốc độ Phật ấy rất thanh tịnh
 Nhiều thứ trang nghiêm không đâu bằng
 Cõi ấy chúng sanh không ác kiến
 Thuần cầu Bồ đề quả hiền thánh
 Cõi ấy chúng sanh không ác thú
 Thuở ấy cũng không tất cả nạn
 Tất cả Phật ấy thọ mạng lâu
 Đồng trụ thế gian tám vạn tuổi
 Chúng sanh nghe được danh Phật ấy
 Đều được bất thối thượng Bồ đề
 Nếu những người nữ nghe hiệu Phật
 Tất cả đều được thân nam nhi
 Như vậy Thế Tôn đấng hàng ma
 Đã thọ ký cho chúng ngoại đạo
 Tất cả Trời Người nghe thọ ký
 Thảy đều mừng vui sanh kính tin”.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1522)
27 Tháng Chín 2022(Xem: 84077)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
16 Tháng Chín 2020(Xem: 6003)
20 Tháng Tám 2018(Xem: 7805)