36-10-phẩm Xưng Tán Phó Pháp

01 Tháng Năm 201000:00(Xem: 39906)

KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
Xuất bản: Ban Văn Hóa Thành Hội TP. Hồ Chí Minh PL 2543 - DL 1999

XXXVI
PHÁP HỘI

THIỆN TRỤ Ý THIÊN TỬ

THỨ BA MƯƠI SÁU

Hán dịch : Tùy Pháp Sư Đạt Ma Cấp Đa
Việt Dịch : Việt Nam Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

PHẨM XƯNG TÁN PHÓ PHÁP
THỨ MƯỜI

Đức Phật phán dạy : “ Nầy Văn thù Sư Lợi ! Nếu được nghe pháp môn Tu đa la thậm thâm nầy thì đồng với gặp Phật xuất thế.

Nầy Văn Thù Sư Lợi ! Nếu được nghe kinh nầy thì đồng với chứng Tu Đà Hoàn, đồng với chứng Tư Đà Hàm, đồng với chứng A Na Hàm, đồng với chứng A La Hán. Tại sao ?Vì như như ấy không khác vậy.

Lại nầy Văn Thù sư Lợi ! Nếu được nghe kinh nầy sanh lòng tin hiểu thì đồng với bực hậu thân Bồ Tát ngồi đạo tràng dưới cội Bồ đề quyết định thành Vô thương Chánh Giác. Tại sao ? Vì pháp môn nầy là yếu đạo của Tam thế chư Phật vậy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói ; “Đúng như vậy, bạch đức Thế Tôn ! Như lời Phật dạy, như không chẳng khác, như vô tướng chẳng khác, như vô nguyện chẳng khác, như như như chẳng khác, như pháp giới chẳng khác, như thiệt tế chẳng khác, như bình đẳng chẳng khác, như ly dục chẳng khác. Duy nguyện Đức Như Lai hộ trì pháp môn như vậy, ở thời kỳ mạt thế năm trăm năm sau sẽ khiến kinh nầy lưu hành khắp Diêm Phù Đề cho các chúng sanh đều được nghe đều được biết”.

Lúc Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thỉnh Phật như vậy, khắp Đại Thiên Thế giới tất cả âm nhạc không đánh tự kêu, tất cả cây cối tự nhiên sum suê, tất cả thứ hoa đều đua nở, cả Đại Thiên thế giới chấn động sáu cách phóng quang minh chiếu khắp mọi nơi hơn ánh sáng nhựt nguyệt. Trăm ngàn vạn ức chư Thiên hớn hở vui mừng được chưa từng có, ở trên hư không mưa thiên hương thiên hoa các thứ hoa các thứ vòng hoa, hương bột hương thoa mùi thơm ngào ngạt khắp mười phương, trổi âm nhạc trời hòa nhã dịu dàng tất cả chư Thiên ấy đều vòng tay chắp tay ca ngợi rằng : “Hi hữu hi hữu pháp môn kỳ đặc, nay đây Đại Sĩ Văn Thù Sư Lợi thuyết pháp chúng tôi được nghe, chúng tôi làm phước hội, từ lúc sơ sanh đến nay tái ngộ chuyển đại pháp luân tại Diêm Phù Đề, các chúng sanh có đủ thiện căn mới được nghe pháp môn thâm diệu nầy. Nếu các chúng sanh rồi tin thọ phụng hành thì nên biết là đã từng cúng dường tất cả chư Phật, cũng là đã được pháp nhẫn thậm thâm. Nếu có chúng sanh nghe kinh điển nầy mà chẳng kinh sợ chẳng thối thất, thâm tâm ưa thích thì nên biết người nầy chẳng phải chẳng phải từ căn lành nhị thừa mà đến vậy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch Phật : “Bạch đức Thế Tôn ! Nay thoại ứng kỳ lạ nầy phải chăng là pháp môn nầy sẽ khắp lưu hành ở Diêm Phù Đề trong đời vị lai mà còn mãi chẳng diệt mất ư !”.

Đức Phật nói : “Đúng như vậy, vừa rồi hiện thoại ứng là chỉ để vì kinh nầy lưu hành khắp Diêm Phù Đề còn mãi chẳng mất vậy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ ;Tát nói : “Bạch đức Thế Tôn! Ngưỡng mong đức Phật lại lập lời thánh thiệt cho kinh nầy lưu hành hưng thạnh chẳng diệt mất tại thế gian’’.

Đức Phật dạy : “Nầy Văn Thù Sư Lợi ! Nếu ba môn giải thoát có thể chứng Niết bàn là lời thành thiệt thì đời mạt thế năm trăm năm sau kinh pháp nầy lưu hành tại Diêm Phù Đề hưng thạnh chẳng diệt là lời thành thiệt vậy.

 Nầy Văn Thù Sư Lợi ! Nếu khổ Vô thường, nếu không vô ngã là lời thành thiệt, đời mạt thế năm trăm năm sau kinh pháp nầy lưu truyền rộng khắp Diêm Phù Đề hưng thạnh chẳng diệt là lời thành thiệt vậy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói : “ Bạch đức Thế Tôn ! Như lời Phật dạy không có ngã nhơn chúng sanh thọ mạng trượng phu, không có ma nô xà ma na bà không có phiền não không có thanh tịnh là lời thành thiệt, đời mạt thế năm trăm năm sau kinh pháp nầy hoằng truyền khắp Diêm Phù Đề hưng thạnh chẳng diệt là lời thành thiệt vậy.

Bạch đức Thế Tôn !Như lời Phật dạy không có sanh tử không có Niết bàn, không có tham dục sân khuể ngu si, không có danh sắc, không có nhơn quả, không có hữu không có tri, không có thân không có thân chứng, không có tâm không có tâm quả, không có niệm không có niệm xứ, không có phát không có phát xứ, không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có nhãn nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không có Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, không đoạn không thường,các pháp được nói như vậy là lời thành thiệt, đời mạt thế năm trăm năm sau kinh pháp nầy hoằng truyền khắpDiêm Phù Đề hưng thạnh chẳng diệt là lời thành thiệt vậy.

Bạch đức Thế Tôn ! Như lời Phật dạy không có Tu Đà Hoàn không có quả Tu Đà Hoàn, không có Tư Đà Hàm, không có quả Tư Đà Hàm, không có A Na Hàm không có quả A Na Hàm, không có A La Hán không có các pháp A La Hán, không có Bích Chi Phật không có các pháp Bích Chi Phật, không có Như Lai không có các pháp Như Lai, không có chứng quả v.v…không lực không úy không trí quả không thánh chúng, không có không vô tướng vô nguyện, không có ly dục xứ, không có được bổn tánh, không có bình đằng, không có chứng xứ, không có ám minh, không có phược giải, không có bỉ ngạn, thử ngạn và trung gian, không có niệm không có giác, các pháp được Phật nói như vậy là lời thành thiệt, đời mạt thế năm trăm năm sau pháp môn của kinh nầy hoằng truyền Diêm Phù Đề lưu hành khắp nơi hưng thạnh chẳng diệt là lời thành thiệt vậy.

Bạch đức Thế Tôn !Như lời Phật dạy ở nơi các pháp môn không có chúng sanh tín giải đắc quả tương ưng chẳng tương ưng chẳng hiệp chẳng tan, các pháp như vây là lời thành thiệt, đời mạt thế năm trăm năm sau pháp môn kinh nầy hoằng truyền Diêm Phù Đề lưu hành khắp nơi hưng thạnh chẳng diệt là lời thành thiệt vậy.

Bạch đức Thế Tôn ! Như lời Phật dạy chư Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác thuở quá khứ đã nói không có một pháp nào có thể làm cho chúng sanh ở trong sanh tử diệt trừ phiền não được giải thoát Niết bàn, cũng không chúngg sanh có pháp sanh diệt nhẫn đến không có tội lỗi không xuất không động, chư Phật vị lai và hiện tại cũng nói như vậy, nếu các pháp ấy là lời thành thiệt, đời mạt thế năm trăm năm sau pháp môn của kinh nầy lưu hành Diêm Phù Đề truyền bá khắp nơi hưng thạnh không diệt là lời thành thiệt vậy.

Lại như lúc đức Thế Tôn nói pháp nầy không có Bồ Tát được tam muội các đà la ni cũng không có ngữ ngôn cú nghĩa được chư Phật ấy nói nhẫn đến chẳng nói một câu một chữ không có người lắng nghe không có người được hiểu không có người thành Phật các pháp như vậy là lời thành thiệt, đời mạt thế năm trăm năm sau pháp môn của kinh nầy lưu hành Diêm Phù Đề hoằng truyền khắp nơi hưng thạnh chẳng diệt là lời thành thiệt vậy.

Như đức Thế Tôn nói không có giới thân không có tam muội không có trí huệ, không có giải thoát không có giải thoát tri kiến, các pháp như vậy là lời thành thiệt đời mạt thế năm trăm năm sau pháp môn kinh nầy lưu hành Diêm Phù Đề hoằng truyền khắp noi hưng thạnh chẳng diệt là lời thành thiệt vậy.

Như đức Thế Tôn nói chư Bồ Tát chẳng hành bố thí chẳng trì cấm giới chẳng tu nhẫn nhục chẳng phát tinh tiến chẳng nhập thiền định chẳng được Bát nhã chẳng cầu Bồ đề chẳng chuyển các địa chẳng được Phật đạo chẳng được thập lực chẳng được tứ vô úy chẳng được các tướng hảo chẳng được biện tài chẳng chuyển pháp luân chẳng độ chúng sanh khiến được chánh giác, các pháp như vậy là lời thành thiệt, đời mạt thế năm trăm năm sau pháp môn kinh nầy lưu hành Diêm Phù Đề hoằng truyền khắp nơi hưng thạnh chẳng diệt là lời chơn thiệt vậy”.

Lúc Văn Thù Sư Lợi bồ Tát truyền lời thệ thành thiệt ấy, đại địa các Đại Thiên thế giới chấn động sáu cách.

Di Lặc Bồ Tát bạch Phật : “Bạch đức Thế Tôn ! Nay duyên cớ gì mà thế giới chấn động ?”.

Đức Phật phán : “ Nầy Di Lặc ! Nay ông chớ hỏi sự ấy. Tại sao? Vì đời mạt thế chúng sanh ít tín căn độn có nghe cũng chẳng hiểu được họ sẽ sa vào nghi mạn mãi mãi thọ khổ”.

Di Lặc Bồ Tát lại bạch Phật : “ Ngưỡng mong đức Thế Tôn nói cho. Nếu được đức Thế Tôn tuyên nói thì có thể lợi ích nhiều cho tất cả thế gian Trời Người đại chúng vậy.

Đức Phật phán : “ Nầy Di Lặc ! Kinh điển như vậy thuở trước đã có bảy mươi bốn ức trăm ngàn na do tha chư Phật Thế Tôn ở địa phương nầy xưng dương tuyên nói, đều do nhơn Văn Thù Sư Lợi cùng Thiên Tử các người hỏi đáp luận bàn ?”.

Di Lặc Bồ Tát bạch Phật : “Bạch đức Thế Tôn ! Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Thiện Trụ Ý Thiên Tử nầy được nghe pháp môn như vậy đã bao lâu ?”.

 
Đức Phật phán : “ Nầy Di Lặc ! Quá khứ bảy a tăng kỳ kiếp có đức Phật xuất thế hiệu Phổ Hoa Tối Thượng Sư Tử Du Bộ Thắng Công Đức Tụ Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác, Văn Thù Sư Lợi và Thiện Trụ Ý Thiên Tử ở chỗ đức Phật ấy ban đầu nghe kinh nầy”.

Lúc nói kinh nầy, trong chúng có hằng sa chúng sanh phát tâm Vô thượng Bồ đề, lại có chúng sanh nhiều gấp bội được an trụ bất thối nhẫn, lại có chúng sanh gấp bội nữa xa lìa trần cấu được pháp nhãn tịnh.

Đức Phật nói kinh nầy rồi, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Thiện Trụ Ý ThiênTử cùng chư Bồ Tát mười phương, chúng chư Thiên, các Tôn giả Xá Lợi Phất, Ma Ha Ca Diếp và chúng Tỳ Kheo nhẫn đến tất cả ThiênLong Bát Bộ nghe lời đức Phật dạy đều rất vui mừng tín thọ phụng hành. 

Pháp hội Thiện Trụ Ý Thiên Tử 
THỨ BA MƯƠi SÁU 
HẾT

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1563)
27 Tháng Chín 2022(Xem: 84102)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
16 Tháng Chín 2020(Xem: 6031)
20 Tháng Tám 2018(Xem: 7819)