Kinh Nghiêm Trì Giới Luật

12 Tháng Sáu 201415:44(Xem: 5193)
KINH PHÁP CÚ HÁN TẠNG
Thích Nhất Hạnh dịch

Giới Thận Phẩm Pháp Cú Kinh đệ ngũ

戒慎品法句經第五

Kinh Nghiêm Trì Giới Luật

Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng

Kinh thứ 5

Thận, có nghĩa là thận trọng, giữ gìn cho kỹ lưỡng. Phẩm này có 16 bài kệ. Bài kệ thứ 4 nói lên được đầy đủ cái hạnh phúc của người trì giới: trì giới đem lại sự an ổn, làm cho thân tâm không bị não loạn, ban đêm có được giấc ngủ an lành, thức dậy thì cảm thấy tươi vui. Giới luật và uy nghi là sự biểu hiện cụ thể của sự thực tập chánh niệm. Bài kệ thứ 3 nêu rõ điều ấy: muốn luôn luôn nhận diện được đối tượng tâm ý (quán thọ và quán tâm) thì phải bảo hộ giới luật, lấy giới luật làm cho tâm ý sáng tỏ: làm như thế thì sẽ thành tựu được chánh kiến. Như vậy có nghĩa: giới là gốc của niệm, định và tuệ.

Bài kệ 1

Nhân nhi thường thanh 人 而 常 清

Phụng luật chí chung 奉 律 至 終

Tịnh tu thiện hành 淨 修 善 行

Như thị giới thành 如 是 戒 成

Những ai biết giữ cho bản thân thường xuyên được thanh tịnh, biết suốt đời hành trì giới luật, biết sống đời phạm hạnh và làm những việc lành, những người ấy sẽ thành tựu được sự hành trì giới pháp.

Bài kệ 2

Tuệ nhân hộ giới 慧 人 護 戒

Phước trí Tam Bảo 福 致 三 寶

Danh văn đắc lợi 名 聞 得 利

Hậu thượng thiên lạc 後 上 天 樂

Những ai có tuệ giác, biết hộ trì giới luật là những người đã có phúc đức cho nên mới có duyên tới được với ba ngôi báu. Trong hiện tại họ được hưởng nhiều lợi lạc và được ngợi khen, sau này họ cũng sẽ được sinh lên các cõi trời và hưởng hạnh phúc ở các cõi ấy.

Bài kệ 3

Thường kiến pháp xứ 常 見 法 處

Hộ giới vi minh 護 戒 為 明

Đắc thành chân kiến 得 成 真 見

Bối trung cát tường 輩 中 吉 祥

Muốn luôn luôn nhận diện được đối tượng của tâm ý thì phải bảo hộ giới luật, lấy giới luật làm cho tâm ý sáng tỏ. Làm như thế thì sẽ thành tựu được chánh kiến và suốt đời được sống trong cảnh an lành may mắn.

Bài kệ 4

Trì giới giả an 持 戒 者 安

Lệnh thân vô não 令 身 無 惱

Dạ ngọa điềm đạm 夜 臥 恬 淡

Ngụ tắc thường hoan 寤 則 常 歡

Trì giới đem lại sự an ổn, làm cho thân tâm không bị não loạn, ban đêm có được giấc ngủ an lành, thức dậy thì cảm thấy tươi vui.

Bài kệ 5

Tu giới bố thí 修 戒 布 施

Tác phước vi phước 作 福 為 福

Tùng thị thích bỉ 從 是 適 彼

Thường đáo an xứ 常 到 安 處

Hành trì giới luật và bố thí là tạo tác và vun trồng phước đức, do đó mình có thể thích nghi và thoải mái với những kẻ khác và đi đến đâu cũng được bình an.

Bài kệ 6

Hà chung vi thiện 何 終 為 善 Hà thiện an chỉ 何 善 安 止

Hà vi nhân bảo 何 為 人 寶

Hà đạo bất thủ 何 盜 不 取

Cái gì là cái tốt lành nhất cho cả một đời người? Cái gì là cái có khả năng đưa tới sự an ổn và lắng dịu thật sự? Cái gì là vật quý giá nhất của con người? Cái gì là cái mà kẻ khác không thể đánh cắp được?

Bài kệ 7

Giới chung lão an 戒 終 老 安

Giới thiện an chỉ 戒 善 安 止

Tuệ vi nhân bảo 慧 為 人 寶

Phước đạo bất thủ 福 盜 不 取

Giới là cái tốt lành an ổn nhất cho cả một đời người. Giới là cái có khả năng đem lại sự yên vui và lắng dịu thật sự. Tuệ giác là vật quý giá nhất của con người. Phước đức là cái mà kẻ khác không thể nào đánh cắp được.

Bài kệ 8

Tỳ-kheo lập giới 比 丘 立 戒

Thủ nhiếp chư căn 守 攝 諸 根

Thực tri tự tiết 食 知 自 節

Ngộ ý lệnh ưng 悟 意 令 應

Vị tỳ khưu trì giới, nhiếp thủ sáu căn, biết tiết chế trong sự ăn uống tiêu thụ, lúc nào cũng biết ứng xử có ý thức.

Bài kệ 9

Dĩ giới hàng tâm 以 戒 降 心

Thủ ý chánh định 守 意 正 定

Nội học chánh quán 內 學 正 觀

Vô vong chánh trí 無 忘 正 智

Lấy sự hành trì giới luật để hàng phục tâm mình, thực tập chánh niệm và chánh định, trong nội tâm luôn luôn duy trì chánh quán không để gián đoạn.

Bài kệ 10

Minh triết thủ giới 明 哲 守 戒

Nội tư chánh trí 內 思 正 智

Hành đạo như ưng 行 道 如 應

Tự thanh trừ khổ 自 清 除 苦

Bậc minh triết nghiêm trì tịnh giới, bên trong duy trì chánh trí và nhờ hành trì được như thế cho nên tự thanh lọc được thân tâm và diệt trừ được khổ nạn.

Bài kệ 11

Quyên trừ chư cấu 蠲 除 諸 垢

Tận mạn vật sanh 盡 慢 勿 生

Chung thân cầu pháp 終 身 求 法

Vật tạm ly thánh 勿 暫 離 聖

Muốn diệt trừ được ô nhiễm, dứt hết mọi mặc cảm, khiến cho không mặc cảm nào phát hiện trở lại thì suốt đời phải cầu học Phật pháp, đừng có giây phút nào xa lìa con đường thánh đạo.

Bài kệ 12

Giới định tuệ giải 戒 定 慧 解

Thị đương thiện duy 是 當 善 惟

Đô dĩ ly cấu 都 已 離 垢

Vô họa trừ hữu 無 禍 除 有

Muốn liễu giải được trình tự tam học là giới, định và tuệ thì phải thực tập chánh tư duy. Chánh tư duy giúp ta dứt trừ phiền não ô nhiễm, tránh được tai họa và chấm dứt được luân hồi.

Bài kệ 13

Khán giải tức độ 着 解 則 度

Dư bất phục sanh 餘 不 復 生

Việt chư ma giới 越 諸 魔 界

Như nhật thanh minh 如 日 清 明

Nhờ liễu giải được như thế mà hành giả qua được bờ bên kia, không còn sinh trở lại trong cõi luân hồi, vượt thoát được mọi cảnh giới của ma vương, sáng trong như một vầng mặt trời.

Bài kệ 14

Cuồng hoặc tự tứ 狂 惑 自 恣

Dĩ thường ngoại tị 已 常 外 避

Giới định tuệ hành 戒 定 慧 行

Cầu mãn vật ly 求 滿 勿 離

Nên tránh xa những kẻ ngông cuồng, phóng đãng. Phải hành trì giới, định và tuệ cho đến nơi đến chốn, đừng bỏ nửa chừng.

Bài kệ 15

Trì giới thanh tịnh 持 戒 清 淨

Tâm bất tự tứ 心 不 自 恣

Chánh trí dĩ giải 正 智 已 解

Bất đổ tà bộ 不 覩 邪 部

Giữ cho giới thể luôn luôn nghiêm mật, tâm không buông lung. Một khi chánh trí đã đạt được thì những điều sai trái sẽ không còn xuất hiện.

Bài kệ 16

Thị vãng cát xử 是 往 吉 處

Vi vô thượng đạo 為 無 上 道

Diệc xả phi đạo 亦 捨 非 道

Ly chư ma giới 離 諸 魔 界

Như thế là ta đang hướng về chỗ an lành, đi trên con đường vô thượng, vứt bỏ những gì trái chống với đạo lý và xa lìa cảnh giới của các loài ma.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2023(Xem: 712)
27 Tháng Chín 2022(Xem: 82764)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
16 Tháng Chín 2020(Xem: 5210)
20 Tháng Tám 2018(Xem: 7043)