Kinh Nuôi Lớn Tình Thương

12 Tháng Sáu 201415:54(Xem: 4911)
KINH PHÁP CÚ HÁN TẠNG
Thích Nhất Hạnh dịch

Từ Nhân Phẩm Pháp Cú Kinh đệ thất

慈仁品法句經第七

Kinh Nuôi Lớn Tình Thương

Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng

Kinh thứ 7

Phẩm này có 18 bài kệ. Bài thứ 16 nói tới Từ như một trong bốn tâm vô lượng, là Từ, Bi, Hỷ và Xả: năng lượng thương yêu có thể bao trùm được tất cả mọi loài, đó là tình yêu thương không có biên giới. Bài thứ 18 nói: chỉ một giây phút phát khởi tâm từ cũng có giá trị hơn cả một đời chuyên cần cúng tế cầu đảo hoặc làm việc xã hội. Bài thứ 11 nói về sự thực tập bất bạo động (ahimsa), buông bỏ mọi ý muốn trừng phạt, buông bỏ tâm niệm oán cừu. Bài thứ tư căn dặn là tình thương cần được biểu lộ bằng cả ba nghiệp thân, khẩu và ý. Bài thứ nhất cho ta thấy từ bi là năng lượng bảo hộ hữu hiệu nhất, giúp ta sống trong an ổn, không gặp tai ương hoạn nạn. Bài thứ 15 nói tới 11 cái lợi ích của sự thực tập từ bi.

Bài kệ 1

Vi nhân bất sát 為 仁 不 殺

Thường năng nhiếp thân 常 能 攝 身

Thị xứ bất tử 是 處 不 死

Sở thích vô hoạn 所 適 無 患

Có lòng từ bi thì không bao giờ muốn làm hại đến mạng sống, lại có khả năng bảo hộ mạng sống, luôn cư trú trong thế giới bất tử và đi đến đâu cũng không gặp tai ương hoạn nạn.

Bài kệ 2

Bất sát vi nhân 不 殺 為 仁

Thận ngôn thủ tâm 慎 言 守 心

Thị xứ bất tử 是 處 不 死

Sở thích vô hoạn 所 適 無 患

Hành trì giới bất sát, đó chính là bản chất của từ bi, hành trì ngay trong lời nói thận trọng của mình và trong tâm ý chánh niệm của mình, do đó luôn luôn được cư trú trong thế giới bất tử và đi đâu cũng không gặp tai ương hoạn nạn.

Bài kệ 3

Bỉ loạn dĩ chỉnh 彼 亂 已 整

Thủ dĩ từ nhân 守 以 慈 仁

Kiến nộ năng nhẫn 見 怒 能 忍

Thị vi phạm hạnh 是 為 梵 行

Kẻ kia thác loạn nhưng ta vẫn nghiêm chỉnh, bởi vì ta duy trì được tâm từ ái. Ta thực tập giữ được hạnh nhẫn nhục mỗi khi gặp trường hợp người ta nổi cơn thịnh nộ. Đó chính là nếp sống phạm hạnh.

Bài kệ 4

Chí thành an từ 至 誠 安 徐

Khẩu vô thô ngôn 口 無 麤 言

Bất sân bỉ sở 不 瞋 彼 所

Thị vị phạm hạnh 是 謂 梵 行

Tâm dạ chí thành, phong độ an nhiên từ tốn, miệng không nói lời thô ác, không nổi giận với kẻ khác, đó là nếp sống phạm hạnh.

Bài kệ 5

Thùy củng vô vi 垂 拱 無 為

Bất hại chúng sanh 不 害 眾 生

Vô sở nhiêu não 無 所 嬈 惱

Thị ưng phạm hạnh 是 應 梵 行

Tỏ bày thái độ cung kính, tĩnh mặc vô vi, không gây tàn hại đối với các loài chúng sanh, không gây phiền não và nhiễu hại cho bất cứ loài nào, đó là nếp sống phạm hạnh.

Bài kệ 6

Thường dĩ từ ai 常 以 慈 哀

Tịnh như Phật giáo 淨 如 佛 教

Tri túc tri chỉ 知 足 知 止

Thị độ sanh tử 是 度 生 死

Thường lấy lòng từ bi thương xót chúng sanh, tịnh hóa tự tâm như lời Bụt dạy, thực tập tri túc, biết dừng lại lúc cần dừng lại, như vậy là có cơ duyên vượt được sinh tử.

Bài kệ 7

Thiểu dục hảo học 少 欲 好 學

Bất hoặc ư lợi 不 惑 於 利

Nhân nhi bất phạm 仁 而 不 犯

Thế thượng sở xưng 世 上 所 稱

Biết thực tập thiểu dục, biết ham muốn học hỏi, không bị lợi lộc thế gian làm mê hoặc, không làm tổn hại đến đức từ bi của mình, như thế thì trên đời ai cũng ngợi khen.

Bài kệ 8

Nhân thọ vô phạm 仁 壽 無 犯

Bất hưng biến khoái 不 興 變 快

Nhân vi tránh nhiễu 人 為 諍 擾

Tuệ dĩ mặc an 慧 以 嘿 安

Hành giả không xâm phạm đến thọ mạng của người, không tạo ra tranh chấp và tai biến. Người đời vì tranh chấp cho nên tạo ra cảnh nhiễu nhương. Kẻ hành giả nhờ tuệ giác mà đem lại được tình trạng tĩnh mặc an ổn.

Bài kệ 9

Phổ ưu hiền hữu 普 憂 賢 友

Ai gia chúng sanh 哀 加 眾 生

Thường hành từ tâm 常 行 慈 心

Sở thích giả an 所 適 者 安

Yêu mến tất cả mọi người, xem ai cũng là bạn hiền, thương xót mọi loài chúng sanh, luôn luôn hành xử với tâm từ bi thì đi đến đâu cũng gặp an lành.

Bài kệ 10

Nhân nho bất tà 仁 儒 不 邪

An chỉ vô ưu 安 止 無 憂

Thượng thiên vệ chi 上 天 衛 之

Trí giả lạc từ 智 者 樂 慈

Kẻ sĩ biết thực tập từ bi sẽ không đi lạc vào tà đạo, được sống an lành và lắng dịu, được chư thiên bảo hộ, bởi vì ai có trí tuệ đều yêu thích lòng từ.

Bài kệ 11

Trú dạ niệm từ 晝 夜 念 慈

Tâm vô khắc phạt 心 無 尅 伐

Bất hại chúng sanh 不 害 眾 生

Thị hành vô cừu 是 行 無 仇

Nếu ngày đêm đều có thực tập chánh niệm về Từ thì trong tâm không còn ý muốn trách phạt ai nữa. Thực tập pháp vô hại đối với tất cả chúng sanh, đó là hạnh nguyện không oán cừu.

Bài kệ 12

Bất từ tắc sát 不 慈 則 殺

Vi giới ngôn vọng 違 戒 言 妄

Quá bất dữ tha 過 不 與 他

Bất quán chúng sanh 不 觀 眾 生

Không có tâm từ mới nhẫn tâm sát hại chúng sanh, làm trái với giới luật và đưa tới sự nói dối. Ngu si không biết hiến tặng sự sống, đó là tại vì không quán chiếu về tâm ý của mọi loài (là tâm ý ham sống sợ chết).

Bài kệ 13

Tửu trí thất chí 酒 致 失 志

Vi phóng dật hành 為 放 逸 行

Hậu đọa ác đạo 後 墮 惡 道

Vô thành bất chân 無 誠 不 真

Uống rượu say rồi thì mất sáng suốt, do đó có thể làm những hành động sai trái đưa mình về con đường xấu ác, không thành tâm cũng không chân thật.

Bài kệ 14

Lý nhân hành từ 履 仁 行 慈

Bác ái tế chúng 博 愛 濟 眾

Hữu thập nhất dự 有 十 一 譽

Phước thường tùy thân 福 常 隨 身

Thực tập nhân từ, đem lòng bác ái mà tế độ chúng sanh thì sẽ thành tựu được mười một điều đáng khen ngợi, do đó phước và đức sẽ đi theo mình suốt đời.

Bài kệ 15

Ngọa an giác can 臥 安 覺 安

Bất kiến ác mộng 不 見 惡 夢

Thiên hộ nhân ái 天 護 人 愛

Bất độc bất binh 不 毒 不 兵

Thủy hỏa bất tang 水 火 不 喪

Tại sở đắc lợi 在 所 得 利

Tử thăng phạm thiên 死 昇 梵 天

Thị vi thập nhất 是 為 十 一

Mười một điều ấy là ngủ yên, thức dậy an lành, không có ác mộng, được chư thiên bảo hộ, được loài người yêu mến, không bị đầu độc, không trở thành nạn nhân của binh hỏa, không bị chết trôi, không bị lửa cháy, hiện tại được hưởng nhiều phúc lợi, qua đời sẽ sinh lên cõi Phạm thiên.

Bài kệ 16

Nhược niệm từ tâm 若 念 慈 心

Vô lượng bất phế 無 量 不 廢

Sanh tử tiệm bạc 生 死 漸 薄

Đắc lợi độ thế 得 利 度 世

Nếu tu tập từ niệm trở thành vô lượng tâm mà không phế bỏ nửa chừng thì sẽ dần dần thoát cảnh sinh tử và làm được nhiều việc lợi ích cho đời.

Bài kệ 17

Nhân vô loạn chí 仁 無 亂 志

Từ tối khả hành 慈 最 可 行

Mẫn thương chúng sanh 愍 傷 眾 生

Thử phước vô lượng 此 福 無 量

Tâm Từ làm cho ta nhất tâm, tâm Bi đưa tới hành động quảng đại. Thương xót và cứu độ chúng sanh, phước đức này quả là vô lượng.

Bài kệ 18

Giả lệnh tận thọ mạng 假 令 盡 壽 命

Cần sự thiên hạ nhân 懃 事 天 下 人

Tượng mã dĩ từ thiên 象 馬 以 祠 天

Bất như hành nhất từ 不 如 行 一 慈

Dù có bỏ cả cuộc đời để chuyên cần làm việc xã hội hoặc tế trời bằng voi và ngựa, cũng không bằng trong một phút tu tập quán từ bi.

cần được biểu lộ bằng cả ba nghiệp thân, khẩu và ý. Bài thứ nhất cho ta thấy từ bi là năng lượng bảo hộ hữu hiệu nhất, giúp ta sống trong an ổn, không gặp tai ương hoạn nạn. Bài thứ 15 nói tới 11 cái lợi ích của sự thực tập từ bi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2023(Xem: 713)
27 Tháng Chín 2022(Xem: 82764)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
16 Tháng Chín 2020(Xem: 5211)
20 Tháng Tám 2018(Xem: 7044)