Kinh Đối Chiếu

12 Tháng Sáu 201416:01(Xem: 8092)
KINH PHÁP CÚ HÁN TẠNG
Thích Nhất Hạnh dịch

Song Yếu Phẩm Pháp Cú Kinh đệ cửu

雙要品法句經第九二十有二章

Kinh Đối Chiếu

Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng

Kinh thứ 9

Phẩm này có 22 bài kệ. Bên phía tiếng Pali thì chỉ có 20 bài. Bắt đầu từ phẩm này ta có thể tham chiếu với kinh Pháp Cú tiếng Pali. Đối chiếu ở đây có nghĩa là so sánh các nghiệp thân, khẩu và ý về hai phía thiện ác. Cái thiện đưa tới cái tốt lành, cái ác đưa tới cái xấu xa.

Bốn bài kệ đầu nói về vai trò lãnh đạo của tâm ý. Hành động và lời nói bao giờ cũng đi theo tư duy. Cho nên, chánh tư duy là thực tập căn bản. Hai bài kệ trước nói về tâm. Hai bài sau nói về ý. Hai bài sau (bài 3 và 4, không có trong bản Pali – các bài 13 và 14 cũng nói về ý). Hình ảnh mái nhà bị dột, bị nước mưa lọt vào ví dụ cho tâm ý không được nhiếp phục, để cho các hành vi phóng đãng lọt vào, là một hình ảnh rất thực.

Hai bài kệ thứ 15 và 16 nói đến sự gần gũi người hiền; gần kẻ ngu phu thì lây thói mê lầm và làm điều sai trái. Hai bài kệ này cũng thiếu trong văn bản Pali.

Bài kệ 1

Tâm vi pháp bản 心 為 法 本

Tâm tôn tâm sử 心 尊 心 使

Trung tâm niệm ác 中 心 念 惡

Tức ngôn tức hành 即 言 即 行

Tội khổ tự truy 罪 苦 自 追

Xa lịch vu triệt 車 轢 于 轍

Tâm là gốc các pháp, tâm làm chủ, tâm sai sử. Nếu tâm nghĩ ác thì lời nói và hành động làm theo, tội ác và khổ đau tự khắc đi theo sau đó như bánh xe lăn trên đường tạo thành vệt bánh xe.

Bài kệ 2

Tâm vi pháp bản 心 為 法 本

Tâm tôn tâm sử 心 尊 心 使

Trung tâm niệm thiện 中 心 念 善

Tức ngôn tức hành 即 言 即 行

Phước lạc tự truy 福 樂 自 追

Như ảnh tùy hình 如 影 隨 形

Tâm là gốc các pháp, tâm làm chủ, tâm sai sử. Nếu tâm nghĩ thiện thì lời nói và hành động làm theo, phước lạc tự khắc đi theo như bóng đi theo hình.

Bài kệ 3

Tùy loạn ý hành 隨 亂 意 行

Câu ngu nhập minh 拘 愚 入 冥

Tự đại vô pháp 自 大 無 法

Hà giải thiện ngôn 何 解 善 言

Ý đi theo đường loạn, xui người u mê đi vào chỗ tối. Tự tôn tự đại không có phép tắc gì, thì làm sao mà hiểu, làm sao mà nói được lời lành?

Bài kệ 4

Tùy chánh ý hành 隨 正 意 行

Khai giải thanh minh 開 解 清 明

Bất vi đố tật 不 為 妬 嫉

Mẫn đạt thiện ngôn 敏 達 善 言

Ý đi theo đường chính, thì sẽ có khả năng khai mở đi vào nơi trong sáng. Không còn tật đố, có khả năng nói được lời lành.

Bài kệ 5

Uấn ư oán giả 慍 於 怨 者

Vị thường vô oán 未 嘗 無 怨

Bất uấn tự trừ 不 慍 自 除

Thị đạo khả tông 是 道 可 宗

Đối với người đang oán hận mình, biết sử dụng cái không hận thù, không oán giận mới có thể diệt trừ được cái hận thù, cái oán giận. Đó là con đường đạo, đáng làm tông chỉ cho mọi hành động.

Bài kệ 6

Bất hảo trách bỉ 不 好 責 彼

Vụ tự tỉnh thân 務 自 省 身

Như hữu tri thử 如 有 知 此

Vĩnh diệt vô hoạn 永 滅 無 患

Không cần chê trách kẻ khác, chỉ biết tu tỉnh lại thân phận mình, ai biết được phép hành xử này thì vĩnh viễn sẽ không còn tai họa.

Bài kệ 7

Hành kiến thân tịnh 行 見 身 淨

Bất nhiếp chư căn 不 攝 諸 根

Ẩm thực bất tiết 飲 食 不 節

Mạn đọa khiếp nhược 慢 墮 怯 弱

Vi tà sở chế 為 邪 所 制

Như phong mị thảo 如 風 靡 草

Kẻ nào không thấy được thân là bất tịnh, không thu nhiếp được các căn, ăn uống không chừng mực, kiêu mạn, đọa lạc, khiếp nhược, kẻ ấy sẽ bị cái tà chế ngự như gió thổi làm cho cỏ nằm rạp xuống.

Bài k 8

Quán thân bất tịnh 觀 身 不 淨

Năng nhiếp chư căn 能 攝 諸 根

Thực tri tiết độ 食 知 節 度

Thường lạc tinh tấn 常 樂 精 進

Bất vi tà động 不 為 邪 動

Như phong đại sơn 如 風 大 山

Kẻ nào quán được thân là bất tịnh, có khả năng thu nhiếp được các căn, ăn uống biết chừng mực, thường có hạnh phúc trong sự tinh tiến tu học, kẻ ấy sẽ không bị cái tà lay chuyển, như ngọn núi cao không bị gió làm cho lay động

Bài kệ 9

Bất thổ độc thái 不 吐 毒 態

Dục tâm trì sính 欲 心 馳 騁

Vị năng tự điều 未 能 自 調

Bất ưng Pháp y 不 應 法 衣

Kẻ nào không lấy ra khỏi tự thân những chất độc hại, lòng dục còn rong ruổi, chưa có khả năng điều phục được tự thân thì kẻ ấy không xứng đáng được khoác lên chiếc áo pháp.

Bài kệ 10

Năng thổ độc thái 能 吐 毒 態

Giới ý an tĩnh 戒 意 安 靜

Hàng tâm dĩ điều 降 心 已 調

Thử ưng Pháp y 此 應 法 衣

Kẻ nào lấy ra được khỏi tự thân những chất độc hại, giữ giới luật và tâm ý thanh tịnh, an ổn, hành phục được tâm mình và chế ngự được thân mình, kẻ ấy xứng đáng được khoác lên chiếc áo pháp.

Bài kệ 11

Dĩ chân vi ngụy 以 真 為 偽

Dĩ ngụy vi chân 以 偽 為 真

Thị vi tà kế 是 為 邪 計

Bất đắc chân lợi 不 得 真 利

Cho chân là ngụy, cho ngụy là chân, đó là kẻ đi theo tà tư duy, không bao giờ đạt tới lợi ích chân thực.

Bài kệ 12

Tri chân vi chân 知 真 為 真

Kiến ngụy tri ngụy 見 偽 知 偽

Thị vi chánh kế 是 為 正 計

Tất đắc chân lợi 必 得 真 利

Biết chân là chân, thấy ngụy là ngụy, đó là kẻ đi theo chánh tư duy, chắc chắn sẽ đạt tới lợi ích chân thực.

Bài kệ 13

Cái ốc bất mật 蓋 屋 不 密

Thiên vũ tắc lậu 天 雨 則 漏

Ý bất duy hành 意 不 惟 行

Dâm dật vi xuyên 淫 泆 為 穿

Mái lá không kín, nước mưa lọt vào, nếu không nhiếp phục tâm ý để hành trì thì những hành vi phóng đãng sẽ lọt vào được.

Bài kệ 14

Cái ốc thiện mật 蓋 屋 善 密

Vũ tắc bất lậu 雨 則 不 漏

Nhiếp ý duy hành 攝 意 惟 行

Dâm dật bất sanh 淫 泆 不 生

Mái lá lành kín, mưa không lọt vào, nếu biết nhiếp phục tâm ý để hành trì thì những hành vi phóng đãng sẽ không phát sinh.

Bài kệ 15

Bỉ phu nhiễm nhân 鄙 夫 染 人

Như cận xú vật 如 近 臭 物

Tiệm mê tập phi 漸 迷 習 非

Bất giác thành ác 不 覺 成 惡

Thân cận với những người hủ lậu, thô bỉ thì sẽ bị ảnh hưởng xấu như ngồi gần vật thối bị lây mùi hôi, sẽ từ từ đi vào mê lầm và học thói quen sai trái.

Bài kệ 16

Hiền phu nhiễm nhân 賢 夫 染 人

Như cận hương huân 如 近 香 熏

Tiến trí tập thiện 進 智 習 善

Hành thành khiết phương 行 成 潔 芳

Thân cận những bậc hiền giả thì được ảnh hưởng tốt, như gần hương hoa được thấm mùi thơm, trí tuệ tăng trưởng, học được thói lành, công hạnh sẽ tinh khiết và thơm tho.

Bài kệ 17

Tạo ưu hậu ưu 造 憂 後 憂

Hành ác lưỡng ưu 行 惡 兩 憂

Bỉ ưu duy cụ 彼 憂 惟 懼

Kiến tội tâm cụ 見 罪 心 懼

Tạo ưu phiền đưa tới ưu phiền, làm điều ác đức lại khiến cho lo buồn tăng gấp đôi. Sau cái lo buồn lại còn có cái sợ hãi, thấy mình gây tội thì tâm mình lo sợ

Bài kệ 18

Tạo hỉ hậu hỉ 造 喜 後 喜

Hành thiện lưỡng hỉ 行 善 兩 喜

Bỉ hỉ duy hoan 彼 喜 惟 歡

Kiến phước tâm an 見 福 心 安

Tạo niềm vui sẽ có niềm vui đi theo, làm điều lành sẽ khiến cho hạnh phúc tăng gấp đôi. Sau niềm vui lại còn có nỗi mừng, thấy mình làm được chuyện phước đức thì tâm mình an ổn.

Bài kệ 19

Kim hối hậu hối 今 悔 後 悔

Vi ác lưỡng hối 為 惡 兩 悔

Quyết vi tự ương 厥 為 自 殃

Thọ tội nhiệt não 受 罪 熱 惱

Bây giờ hối thì sau này cũng hối, làm điều ác đức thì sẽ khiến cho cái hối hận tăng gấp đôi. Điều này tạo tai ương cho bản thân mình, trong tương lai mình sẽ phải nhận chịu tội báo nóng bức.

Bài kệ 20

Kim hoan hậu hoan 今 歡 後 歡

Vi thiện lưỡng hoan 為 善 兩 歡

Quyết vi tự hữu 厥 為 自 祐

Thọ phước duyệt dự 受 福 悅 豫

Bây giờ hoan hỷ thì sau hoan hỷ, làm điều lành thì mừng vui tăng gấp đôi. Điều này đem tới an tường cho bản thân, trong tương lai mình sẽ nhận được nhiều phước đức và niềm vui sống.

Bài kệ 21

Xảo ngôn đa cầu 巧 言 多 求

Phóng đãng vô giới 放 蕩 無 戒

Hoài dâm nộ si 懷 婬 怒 癡

Bất duy chỉ quán 不 惟 止 觀

Tụ như quần ngưu 聚 如 群 牛

Phi Phật đệ tử 非 佛 弟 子

Nói lời xảo trá, ham muốn nhiều điều, sống phóng đãng không nghiêm trì giới luật, mang trong người tham, sân và si thì không có Chỉ cũng không có Quán. Tụ họp như một đàn trâu, không phải là đệ tử Bụt.

Bài k ệ 22

Thời ngôn thiểu cầu 時 言 少 求

Hành đạo như pháp 行 道 如 法

Trừ dâm nộ si 除 婬 怒 癡

Giác chánh ý giải 覺 正 意 解

Kiến đối bất khởi 見 對 不 起

Thị Phật đệ tử 是 佛 弟 子

Nói năng đúng thời đúng lúc, sống thiểu dục, hành đạo như pháp, trừ tâm sân si, biết được con đường chánh và tâm ý có liễu giải, khi bị chống đối không khởi tâm sân hận, đó mới đích thực là đệ tử Bụt.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1734)
27 Tháng Chín 2022(Xem: 84307)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
16 Tháng Chín 2020(Xem: 6224)
20 Tháng Tám 2018(Xem: 7978)