- Bài tựa - Kết một tràng hoa
- Bài tựa Kinh Pháp Cú
- Kinh Quán Chiếu Vô Thường
- Kinh Học Hỏi và Thực Tập
- Kinh Mở Rộng Tầm Hiểu Biết
- Kinh Bồi Đắp Niềm Tin
- Kinh Nghiêm Trì Giới Luật
- Kinh Thực Tập Quán Niệm
- Kinh Nuôi Lớn Tình Thương
- Kinh Thực Tập Ái Ngữ
- Kinh Đối Chiếu
- Kinh Tinh Chuyên
- Kinh Điều Phục Tâm Ý
- Kinh Hoa Hương
- Kinh Người Ngu Muội
- Kinh Bậc Minh Triết
- Kinh Vị La Hán
- Kinh Vượt Thắng
- Kinh Quả Báo
- Kinh Bất Hại
- Kinh Tuổi Già
- Kinh Thương Thân
- Kinh Thoát Tục
- Kinh Phật Bảo
- Kinh An Lạc
- Kinh Luyến Ái
- Kinh Chế Ngự Phẫn Nộ
- Kinh Thanh Lọc Tâm Ý
- Kinh Phụng Trì
- Kinh Con Đường
- Kinh Tuyết Trên Đỉnh Núi
- Kinh Địa Ngục
Thích Nhất Hạnh dịch
Kinh Thanh Lọc Tâm Ý
Kinh thứ 26
Phẩm Trần Cấu (Kinh Thanh Lọc Tâm Ý).
Phẩm này có 19 bài kệ. Trần cấu ở đây là ô nhiễm, là cấu uế (mala).
Bài kệ thứ 2 dạy ta phải thắp ngọn đèn tâm lên, nghĩa là phải học sống với chánh niệm để từ từ làm hiển lộ tuệ giác, và diệt trừ được mọi ô nhiễm của tâm ý. Cụm từ ‘‘nhiễm ý định’’ trong bài kệ này có nghĩa là thắp lên ngọn đuốc của tâm ý. Chữ định 定 ở đây phải hiểu là định quang 定光 hay 錠光 những từ đã từng được sử dụng để dịch từ dipamkara. Dipamkara có nghĩa là đèn hay đuốc. Quý vị hãy thắp đuốc lên mà đi, đó là một lời nói rất nổi tiếng của Bụt. Dipamkara cũng có nghĩa là hải đảo (của tự thân). Bản Pháp cú Pali đã được hiểu theo nghĩa này.
Lười biếng, sắc dục, xan tham, si mê, bạo động, phạm giới… đều là những gì tạo ra ô nhiễm, đó là những ngọn lửa đốt cháy rất kinh khiếp. Bài kệ thứ 17 dạy: không có lửa nào nóng bằng lửa dâm, không có lửa nào cháy nhanh bằng lửa giận, không có lưới nào sít sao bằng lưới si, và không có dòng sông nào chảy xiết bằng dòng sông ái.
Hai bài kệ 18 và 19 dạy các vị xuất gia phải nỗ lực tiến tu, đừng đi tìm những lạc thú bên ngoài. Phải thực tập hết lòng để đạt được cái thấy vô ngã.
1.
Còn sống đây mà không chịu làm điều lành thì sau khi chết sẽ rơi vào những nẻo ác.
Rơi vào một cách nhanh chóng, không có thời gian để có thể tạm dừng lại.
Và khi đã rơi vào rồi thì cũng chẳng có hành trang nào mang theo được để giúp cho mình bớt khổ.
2.
Phải phát tâm tìm cầu tuệ giác,
phải thắp sáng ngọn đuốc của tâm ý,
phải trừ khử cấu uế, đừng bị ô nhiễm, như vậy thì có thể buông bỏ được những đau khổ của hình hài.
3.
Người có trí tuệ biết từ từ đi tới một cách an lành,
diệt trừ được những cấu uế trong tâm, như người thợ luyện kim (lọc ra ngoài những chất dơ trong quặng).
4.
Những ác hành đều phát sinh từ cái tâm, và trở lại hủy hoại cái hình, như chất rỉ của thép từ thép sinh ra trở lại ăn hư cả thỏi thép.
5.
Không siêng năng tụng đọc và học hỏi kinh điển thì sẽ đi tới sự cấu uế của cách nói năng
cũng như không siêng năng dọn dẹp nhà cửa thì sẽ đi tới sự cấu uế của nhà cửa.
Sắc dục đưa tới sự cấu uế của cách hành xử không đoan nghiêm.
Biếng lười đưa tới cái cấu uế của sự tan tành cơ nghiệp.
6.
Cái xan tham đem lại sự cấu uế cho ân huệ và rộng lượng.
Cái bất thuận đem lại sự cấu uế cho hành vi.
Đời này cũng như đời sau, cái ác nào cũng luôn luôn đem tới sự cấu uế.
7.
Cái cấu uế nhất trong các cấu uế không có gì bằng sự si mê.
Vị tỳ khưu phải thực tập buông bỏ những tâm hành bất thiện để đạt tới vô cấu.
8.
Người sống cẩu thả, khinh suất, không có liêm sỉ thì cũng như một con quạ mỏ dài, mổ ăn tạp nhạp, đó thật là một nếp sống cấu uế.
9.
Kẻ có liêm sỉ tuy sống thanh bần nhưng nghĩa khí thanh bạch, không bao giờ chịu nhục, không bao giờ dối trá, đó gọi là một nếp sống tinh khiết.
10.
Kẻ ngu hiếu sát, lời nói không thật, không cho mà lấy, xâm phạm vào vợ con của kẻ khác.
11.
Mặc ý phạm giới, cứ mãi say sưa, những kẻ ấy đời đời kiếp kiếp tự đào gốc bản thân mình.
12.
Thấy được như thế người ta sẽ không còn dám nghĩ tới việc làm ác,
cũng không muốn gần gũi những kẻ ngu phu mà làm điều phi pháp để tự mình đốt cháy mình một cách lâu dài.
13.
Có người bố thí vì niềm tin, có người bố thí vì muốn được tiếng khen.
Nếu mình còn ham tham dự vào những cái phù phiếm trang sức bên ngoài của thiên hạ thì mình vẫn chưa có cơ hội đi vào những cõi thiền định thanh tịnh.
14.
Phải đoạn trừ mọi dục, phải cắt đứt gốc nguồn của dục nơi tâm ý, đêm ngày một lòng, thì mới đi vào được thiền định an tĩnh.
15.
Dục là đối tượng của tâm, vướng mắc vào dục là bị nhiễm ô bởi trần lậu.
Người hành giả không để bị nhiễm ô, không đi theo dục, biết tịnh hóa tâm mình và lìa xa vô minh trần lậu.
16.
Thấy kẻ kia sa đọa thì mình phải thường nội tỉnh:
còn đi vào trần lậu thì còn bị lừa gạt dối trá. Hết trần lậu thì mới thành vô cấu.
17.
Không có lửa nào nóng bằng lửa dâm.
Không có gì cháy nhanh hơn lửa nộ.
Không có lưới nào sít sao bằng lưới si.
Không có dòng sông nào chảy cuồn cuộn bằng dòng sông ái.
18.
Nếu hư không không có dấu tích thì vị sa môn cũng không hề có ý tìm cầu bên ngoài.
Phần lớn người đời đều đi theo những gì trói buộc gây chướng ngại (triền sử) mà lại ưa thích làm như thế.
Chỉ có đạo Bụt mới chủ trương phải thanh lọc thân tâm, đừng cho cấu uế xâm nhập.
19.
Nếu hư không không để lại dấu vết thì vị sa môn cũng không hề có ý tìm cầu bên ngoài.
Phần lớn người đời đều chạy theo những cái vô thường.
Chỉ có Bụt mới nói rằng không có cái ta, cũng không có cái của ta.
Gửi ý kiến của bạn