Kinh Địa Ngục

30 Tháng Mười Hai 201503:41(Xem: 6420)

KINH PHÁP CÚ HÁN TẠNG
Thích Nhất Hạnh dịch
Địa Ngục Phẩm Pháp Cú Kinh đệ tam thập
地獄品法句經第三十
Kinh Địa Ngục
Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng
Kinh thứ 30

 

 

Phẩm này có 16 bài kệ. Các bài kệ 2, 3, 6, 7 và 8 đặc biệt nói tới sự hành trì của người xuất gia, là những tiếng chuông chánh niệm gióng lên cho người xuất gia. Những bài khác là để răn dạy cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Địa ngục có mặt ngay trong hiện tại, nếu mình phạm giới, nếu mình làm chứng nhân gian dối, nếu mình gây ra oan ức cho người vô tội. Bốn bài kệ chót đưa ra những tiêu chuẩn hành động chính xác để đừng tạo nhân địa ngục.

Bài thứ 8 nêu lên phương châm thật đơn giản: những gì thường nhật cần làm thì phải nên làm và làm hết lòng. Nên tránh xa những tập tục dị đoan, đừng học thói quen tung lên bụi mờ.

 

 

Bài kệ 1

Vọng ngữ địa ngục cận                  妄  語  地  獄  近

Tác chi ngôn bất tác                       作  之  言  不  作

Nhị tội hậu câu thọ                        二  罪  後  俱  受

Thị hành tự khiên vãng                 是  行  自  牽  往

 

Nói dối sẽ đi vào địa ngục. Có làm mà nói không làm, cả hai tội ấy đều sẽ đưa tới sự tiếp nhận quả báo. Tự mình gây nghiệp, nghiệp kéo mình đi.

 

Bài kệ 2

Pháp y tại kỳ thân                          法  衣  在  其  身

Vi ác bất tự cấm                           為  惡  不  自  禁

Cẩu một ác hành giả                      苟  沒  惡  行  者

Chung tắc đọa địa ngục                 終  則  墮  地  獄

 

Pháp y còn khoác trên thân mà cứ tiếp tục làm điều ác, không biết tự chế, khinh suất, tự đánh mất mình trong hành động xấu, cuối cùng vị Tỳ-khưu sẽ phải rơi vào địa ngục.

 

Bài kệ 3

Vô giới thọ cúng dường             無  戒  受  供  養

Lý khởi bất tự tổn                           理  豈  不  自  損

Tử đạm thiêu thiết hoàn                死  噉  燒  鐵  丸

Nhiên nhiệt kịch hỏa thán             然  熱  劇  火  炭

 

Phạm giới mà vẫn tiếp nhận sự cúng dường thì làm sao mà tránh khỏi sự tổn hại của phước đức tự thân? Chết đi sẽ phải nuốt viên sắt nóng và hình hài sẽ bị lửa đốt cháy thành than.

 

Bài kệ 4

Phóng dật hữu tứ sự                      放  逸  有  四  事

Hảo phạm tha nhân phụ               好  犯  他  人  婦

Ngọa hiểm phi phước lợi            臥  險  非  福  利

Hủy tam dâm dật tứ                      毀  三  淫  泆  四

 

Phóng túng và có ý muốn xâm phạm đến tiết hạnh của người sẽ đưa tới bốn tai hại: thứ nhất là gặp tai họa, thứ hai là đánh mất tất cả mọi phúc lợi, thứ ba là bị chê bai, thứ tư là trở nên dâm dật.

 

Bài kệ 5

Bất phước lợi đọa ác                      不  福  利  墮  惡

Úy ác úy lạc quả                             畏  惡  畏  樂  寡

Vương pháp trọng phạt gia           王  法  重  罰  加

Thân tử nhập địa ngục                  身  死  入  地  獄

Những kẻ ấy đánh mất phước đức, đi về nẻo tối tăm, sợ hãi, mất an vui, bị pháp luật trừng phạt và khi chết sẽ đọa xuống địa ngục.

 

Bài kệ 6

Thí như bạt gian thảo                    譬  如  拔  菅  草

Chấp hoãn tức thương thủ           執  緩  則  傷  手

Học giới bất cấm chế                      學  戒  不  禁  制

Ngục lục nãi tự tặc                     獄  錄  乃  自  賊

 

Nắm quá chặt một nắm cỏ Kusa thì sẽ bị đứt tay, kẻ thọ giới rồi mà không hành trì giới thì thế nào cũng tự làm hại mình, sổ sách địa ngục thế nào cũng có ghi chép những gì mình đã phạm.

Bài kệ 7

Nhân hành vi mạn nọa               人  行  為  慢  惰

Bất năng trừ chúng lao                  不  能  除  眾  勞

Phạm hạnh hữu điếm khuyết        梵  行  有  玷  缺

Chung bất thọ đại phước              終  不  受  大  福

 

Hành đạo mà kiêu mạn và lười biếng thì không có khả năng diệt trừ được trần lao. Đời sống phạm hạnh mà bị hoen ố thì cuối cùng người hành đạo cũng không đạt được hạnh phúc lớn.

Bài kệ 8

Thường hành sở đương hành       常  行  所  當  行

Tự trì tất lệnh cường                      自  持  必  令  強

Viễn ly chư ngoại đạo                    遠  離  諸  外  道

Mạc tập vi trần cấu                        莫  習  為  塵  垢

 

Những gì thường nhật cần làm thì phải nên làm và phải làm với tất cả khả năng mình. Nên tránh xa những tập tục dị đoan, đừng học thói quen tung lên bụi mờ.

 

Bài kệ 9

Vi sở bất đương vi                          為  所  不  當  為

Nhiên hậu trí uất độc                     然  後  致  欝  毒

Hành thiện thường cát thuận       行  善  常  吉  順

Sở thích vô hối lận                         所  適  無  悔  恡

Làm những việc không nên làm thì sau này sẽ gánh chịu nhiều độc hại. Làm điều lành thì đem tới nhiều điều may mắn và thuận lợi, sau đó cảm thấy thoải mái và sẽ không bao giờ hối hận.

 

Bài kệ 10

Kỳ ư chúng ác hành                       其  於  眾  惡  行

Dục tác nhược dĩ tác                      欲  作  若  已  作

Thị khổ bất khả giải                        是  苦  不  可  解

Tội cận nan đắc tị                           罪  近  難  得  避

 

Những hành vi sai trái mà mình định làm hoặc đã làm, các khổ đau do chúng gây ra khó mà giải trừ được. Khi quả báo đến thì khó mà tránh thoát.

 

Bài kệ 11

Vọng chứng cầu bại                       妄  證  求  敗

Hành dĩ bất chánh                         行  已  不  正

Oán trấm lương nhân                    怨  譖  良  人

Dĩ  uổng trị sĩ                                  以  抂  治  士

Tội phược tư nhân                         罪  縛  斯  人

Tự đầu vu khanh                           自  投  于  坑

Như bị biên thành                          如  備  邊  城

Trung ngoại lao cố                          中  外  牢  固

Làm chứng nhân gian dối để cho kẻ khác bị hại, làm những việc bất chánh, gây ra oan ức cho người vô tội, dùng những biện pháp không ngay thẳng để hại người, những việc làm như thế sẽ trói buộc mình và làm cho mình rơi xuống hầm hố của địa ngục.

Bài kệ 12

Tự thủ kỳ tâm                          自  守  其  心

Phi pháp bất sanh                        非  法  不  生

Hành khuyết trí ưu                        行  缺  致  憂

Lệnh đọa địa ngục                          令  墮  地  獄

 

Như kẻ cố thủ thành quách ở biên ải, trong ngoài đều phải kiên cố, ta phải giữ gìn tâm ta để cho những việc phi pháp đừng có dịp phát sinh. Bởi vì mọi sơ sót đều có thể đem tới lo âu và làm cho mình rơi vào địa ngục.

 

Bài kệ 13

Khả tu bất tu                                可  羞  不  羞

Phi tu phản tu                                 非  羞  反  羞

Sanh vi tà kiến                                生  為  邪  見

Tử đọa địa ngục                           死  墮  地  獄

Cái sai lạc mà nói không sai lạc, cái không sai lạc mà nói là sai lạc, lúc sống cứ mang tà kiến này thì khi chết sẽ sa vào địa ngục.

 

Bài kệ 14

Khả úy bất úy                                 可  畏  不  畏

Phi úy phản úy                               非  畏  反  畏

Tín hướng tà kiến                           信  向  邪  見

Tử đọa địa ngục                             死  墮  地  獄

 

Cái đáng sợ mà không sợ, cái không đáng sợ mà sợ, tin tưởng vào cái thấy sai lạc ấy thì khi chết sẽ sa vào địa ngục.

Bài kệ 15

Khả tị bất tị                                     可  避  不  避

Khả tựu bất tựu                              可  就  不  就

Ngoạn tập tà kiến                           翫  習  邪  見

Tử đọa địa ngục                             死  墮  地  獄

 

Cái đáng trách mà không chịu trách, cái không đáng trách mà cứ trách, cứ theo cái thói quen ấy thì khi chết sẽ sa vào địa ngục.

 

Bài kệ 16

Khả cận tắc cận                              可  近  則  近

Khả viễn tắc viễn                           可  遠  則  遠

Hằng thủ chánh kiến                     恒  守  正  見

Tử đọa thiện đạo                            死  墮  善  道

 

Cái đáng thân cận thì nên thân cận, cái cần lánh xa thì nên lánh xa, thường xuyên duy trì chánh kiến thì khi chết sẽ đi về nẻo an lành.

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1522)
27 Tháng Chín 2022(Xem: 84077)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
16 Tháng Chín 2020(Xem: 6003)
20 Tháng Tám 2018(Xem: 7805)