Chương 6 - Bất Tư Nghì

10 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 13282)

DUY MA CẬT SỞ THUYẾT KINH
TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
GIÁO ÁN TRUNG CAO CẤP PHẬT HỌC
Tập I và II 

Pháp Sư Thích Từ Thông dịch giải

LỜI TỰA TẬP II

THIỀN và QUÁN là tông chỉ của đạo Phật. Trên đường tu Phật, thiền, quán là phương tiện đặc thù không thể không có đối với một Phật tử. Bồ đề, Niết bàn là mục đích cần đạt đến mà Thiền Quán được ví như hai cổ xe chuyên chở lữ hành trên suốt lộ trình tiến về mục đích ấy.

Muốn hiểu kinh Duy Ma Cật học giả phải vận dụng công phu trong việc "Tư duy", phải xử dụng nhiều "Quán trí". Có "Tư duy tu" trong "tĩnh lự" có quán chiếu sâu sắc mới thật thấy, thật biết và thật chứng nhiều điều trong kinh nói. "Thập huyền duyên khởi" là những đề tài Thiền Quán vi diệu thậm thâm. Đọc, nghiên cứu kinh Bất Tư Nghì Giải Thoát Pháp Môn mà không có khả năng tư duy không thể nhập Thập huyền duyên khởi thì không thể nào hiểu đúng được tông chỉ mục đích của kinh.

Để chuẩn bị tư tưởng, trước khi nghiên cứu tập hai của bộ kinh Duy Ma Cật, tôi trân trọng giới thiệu cùng quý đọc giả về những đề tài Thiền Quán vi diệu thậm thâm ấy:

1.- Đồng thời cụ túc tương ứng môn.

2.- Nhất đa tương dung bất đồng môn.

3.- Chư pháp tương túc tự tại môn.

4.- Nhân đà la võng cảnh giới môn.

5.- Vi tế tương dung an lập môn.

6.- Bí mật ẩn hiển câu thành môn.

7.- Chư tàng thuần tạp cụ đức môn.

8.- Thập thế cách pháp dị thành môn.

9.- Duy tâm hồi chuyển thiện thành môn.

10.- Thác sự hiển pháp sanh giải môn.

Thiền giả tư duy vạn pháp, nhận thức vạn pháp qua "mười mặt" của một vấn đề. Thể nhập sâu sắc "Thập huyền duyên khởi". Thiền giả sẽ lý giải đúng ý nghĩa, quán triệt hết tông chỉ mục đích của toàn kinh. Những chuyện nghe như hoang đường, thần thoại, sau khi lý giải đúng tông chỉ mục đích của kinh, thì ra đó không phải kinh có ý nghĩ chép chuyện thần thoại hoang đường. Mà đó là nhằm mục đích hướng dẫn cho người đệ tử Phật cách nhận thức vạn pháp trong vũ trụ qua "mười mặt" của một vấn đề. Phải nhận thức như thế mới biết bằng cái biết toàn diện, thấy bằng cái thấy toàn diện của "một pháp".

Thiền của kinh Duy Ma Cật là Đại thừa thiền. Thiền mà không cần trốn tránh trách nhiệm, không từ chối bổn phận trong việc lợi lạc chúng sanh. Thiền giả có thể làm tất cả việc, mà không luyến ái chấp thủ ở sự nghiệp, ở thành tích của mình làm. Thiền giả cũng không cần xua đuổi chối bỏ thành tích để hy vọng đổi lấy cảnh giới Niết bàn, Bồ đề nào ở một thế giới xa xăm nếu có.

"Bất tận hữu vi, bất trụ vô vi" là tinh thần Thiền của Duy Ma Cật. Về tục đế, không một việc gì lợi ích chúng sanh mà không làm. Bên chân đế, không thủ đắc một pháp dù đó là Bồ đề, Niết bàn vô thượng.

Tu học kinh Duy Ma Cật là tu học Bất Tư Nghì Giải Thoát Pháp Môn, cho nên thành quả của hành giả chứng đắc phải là Cảnh giới bất tư nghì giải thoát, nghĩa là giải thoát ngay trong cuộc sống hiện tại, giải thoát ở trên mặt đất này, ở trong mọi hoàn cảnh mà kinh điển thường gọi :"Bất ly ư đương xứ".

Viết tại Huỳnh Mai Tịnh Thất

Ngày 20 tháng 12 năm 1991.

Pháp sư THÍCH TỪ THÔNG

Kính đề.

 

CHƯƠNG THỨ SÁU

BẤT TƯ NGHÌ

1.- Ông Xá Lợi Phất thấy trong tịnh thất không có giường cũng chẳng có một chiếc ghế nào. Ông bèn khởi ý nghĩ: Tịnh thất trống trơn như thế này, chư Bồ tát và Thanh văn chúng rồi sẽ ngồi vào đâu?

Biết ý nghĩ của Ông Xá Lợi Phất, trưởng giả Duy Ma Cật bèn hỏi:

- Thưa ngài Xá Lợi Phất! ngài vì pháp đến đây hay vì chỗ ngồi mà đến?

- Tôi vì pháp mà đến chớ không phải vì chỗ ngồi. Ông Xá Lợi Phất đáp.

- Thưa ngài Xá Lợi Phất! người thực tâm cầu pháp, thân mạng còn không đáng tiếc hà huống phải quan tâm nghĩ đến chỗ ngồi. Cầu pháp phải quên đi cái thân ngũ uẩn. Cầu pháp phải đóng bít lục căn, cắt đứt lục trần và vô hiệu hóa hết cả lục thức.

Cầu pháp không cầu những pháp triền phược tương quan trong cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô Sắc.

- Thưa ngài Xá Lợi Phất! người cầu pháp không phải vì ham quả vị Phật. Cầu pháp không phải vì đam mê giáo pháp. Cầu pháp không phải vì cảm tình với chúng Tăng. Không vì thấy khổ mà cầu pháp. Không vì đoạn tập mà cầu pháp. Không vì chứng đắc Niết bàn mà cầu pháp. Và cũng không vì nguyên nhân chứng đắc Niết bàn mà cầu pháp. Vì sao? Vì pháp không phải hý luận. Nếu nói rằng ta vì thấy khổ, vì đoạn tập, vì chứng Niết bàn, vì tu đạo mà cầu pháp thì pháp đó trở thành hý luận, không phải cầu pháp.

- Thưa ngài Xá Lợi Phất! Pháp là tịch diệt. Nếu biểu hiện qua hành vi sanh diệt thì đó là cầu sanh diệt, chớ không phải cầu pháp.

Pháp là vô nhiễm. Nếu nhiễm ở pháp cho đến nhiễm Niết bàn, thế là cầu nhiễm chớ không phải cầu pháp.

Pháp không năng hành, sở hành. Nếu dụng ý hành ở nơi pháp, đó là cầu năng hành sở hành chớ không phải cầu pháp.

Pháp không có thủ xả. Đối với pháp mà có ý thủ xả, đó là cầu thủ xả chớ không phải cầu pháp.

Pháp không có xứ sở. Nếu chấp nê xứ sở, đó là cầu xứ sở chớ không phải cầu pháp.

Pháp là vô tướng. Nếu dựa trên tướng để nhận biết, đó là cầu tướng chớ không phải cầu pháp.

Pháp không được trụ. Nếu trụ ở nơi pháp, đó là cầu trụ chớ không phải cầu pháp.

Pháp không phải thấy, nghe, hiểu biết. Nếu biểu hiện qua thấy, nghe, hiểu biết đó là cầu thấy, nghe, hiểu biết chớ không phải cầu pháp.

Pháp là vô vi. Nếu hiểu qua hữu vi, đó là cầu hữu vi chớ không phải cầu pháp. Vì vậy cho nên:

- Thưa ngài Xá Lợi Phất! nếu là người cầu pháp, đối với tất cả không nên khởi ý niệm cầu.

Ông Duy Ma Cật nói xong những điều trên, bấy giờ có năm trăm thiên tử đối với các pháp có được cái nhận thức thanh tịnh ( đắc pháp nhãn tịnh).

2.- Ông Duy Ma Cật hỏi Bồ tát Văn Thù rằng: Nhân giả từng vân du vô lượng vô số cõi nước, Ngài biết cõi Phật nào có tòa sư tử đẹp nhất do công đức trang nghiêm thành tựu?

- Có, thưa cư sĩ. Bồ tát Văn Thù đáp. Ở về phương Đông, từ đây phải trải qua ba mươi sáu hằng hà sa nước, có thế giới tên Tu Di Tướng, đức Phật ở cõi nước đó hiệu Tu Di Đăng Vương đang trụ thế. Thân Phật lớn tám muôn bốn ngàn do tuần. Tòa sư tử của Phật cũng cao tám muôn bốn ngàn do tuần, lộng lẫy trang nghiêm bậc nhất.

 Ông Duy Ma Cật vận dụng hiện sức thần thông khiến ba muôn hai ngàn tòa sư tử lộng lẫy trang nghiêm cao rộng tự chuyển vào trong tịnh thất của ông trong khoảnh khắc.

Chư Bồ tát, các đại đệ tử, Đế thích, Phạm thiên nghĩ rằng việc này từ trước đến nay chưa từng thấy. Chu vi ngôi tịnh thất hữu hạn chừng ấy, lại bao dung cả ba muôn hai ngàn tòa sư tử đồ sộ thế kia mà không chướng ngại gì nhau. Thành Tỳ Da Ly cũng có chừng mực phạm vi của nó thế mà mọi hiện trạng đều y nguyên như cũ, không chật chội hơn chút nào!

Ông Duy Ma Cật mời Bồ tát Văn Thù và chư đại Bồ tát an tọa. Các Bồ tát được thần thông tự biến thân cao lớn bốn muôn hai ngàn do tuần, mới lên tòa ngồi được. Các Bồ tát tân phát ý và hàng Thanh văn đại đệ tử đều không lên ngồi được.

Trưởng giả Duy Ma Cật mời ông Xá Lợi Phất thăng tòa.

Ông Xá Lợi Phất nói: Thưa cư sĩ, tòa cao quá tôi không lên được.

Trưởng giả Duy Ma Cật nói: Xá Lợi Phất! Ngài làm lễ đức Tu Di Đăng Vương Như Lai rồi có thể lên tòa ngồi được.

Hàng tân phát ý Bồ tát và tất cả đại đệ tử Thanh Văn làm lễ đức Tu Di Đăng Vương Như Lai, bấy giờ mọi người đều lên được tòa ngồi.

Ông Xá Lợi Phất nói: Thưa cư sĩ! Quả là việc lạ lùng chưa từng có. Diện tích của ngôi tịnh thất hữu hạn này mà lại có thể dung chứa hàng mấy muôn cái tòa cao rộng. Thành Tỳ Da Ly, xóm làng, cõi nước đều không chật chội trở ngại gì nhau. Đây là việc chưa từng có!

Thưa ngài Xá Lợi Phất! Ông Duy Ma Cật nói: Chư Phật, Bồ tát có pháp môn giải thoát gọi là "Bất khả tư nghì". Nếu Bồ tát trụ trong pháp môn giải thoát đó, có thể lấy núi Tu Di cao rộng để vào trong một hạt cải, mà núi Tu Di vẫn y nguyên trạng, hạt cải cũng không thêm bớt chút nào. Trời Tứ Thiên vương, Đao Lợi, chư Thiên không thể hay biết cảnh giới chư Thiên đang ở trong hạt cải. Chỉ có những người đáng độ (Bồ tát đăng địa), mới thấy biết núi Tu Di được đặt vào trong hạt cải.

Bồ tát trụ bất tư nghì giải thoát, có thể lấy nước biển cả để vào lỗ chân lông mà nước biển cả vẫn y nhiên. Các loài thủy tộc cá, tôm, rùa, trạnh v.v...không bị khuấy động, Long vương, quỷ thần, A tu La...không hề hay biết và họ chẳng bị nhiễu hại chút nào.

Bồ tát trụ bất tư nghì giải thoát, còn xắn lấy ba ngàn đại thiên thế giới để trên bàn tay và ném qua hằng hà sa thế giới, rồi thu về đặt lại chỗ cũ, mà thế giới vẫn y nhiên. Người người ở trong các thế giới kia không hề hay biết về sự đi lại của mình.

3.- Còn nữa thưa ngài Xá Lợi Phất! Nếu có chúng sanh thích sống lâu ở đời, vì hóa độ họ, trong khoảng bảy ngày, Bồ tát nói với họ là một kiếp, khiến chúng sanh kia tin nhận là một kiếp. Hoặc có chúng sanh không thích sống lâu ở đời, vì hóa độ họ, Bồ tát rút ngắn một kiếp nói là bảy ngày, khiến chúng sanh kia tin nhận là bảy ngày.

Còn nữa thưa ngài Xá Lợi Phất! Trụ bất tư nghì giải thoát, Bồ tát lấy những sự trang trí đẹp đẽ của tất cả cõi Phật nhóm lại ở một chỗ chỉ bày cho chúng sanh xem thấy rõ ràng. Bồ tát lại lấy tất cả chúng sanh và cõi Phật để trên bàn tay bay đến khắp mười phương, chỉ rõ cho tất cả mà "bổn xứ" không hề động chuyển.

Thưa ngài Xá Lợi Phất! Những món đồ cúng dường chư Phật trong mười phương, Bồ tát có thể đem vào trong một lỗ chân lông khiến cho ai cũng có thể được thấy.

Mười phương cõi nước có bao nhiêu nhật nguyệt, tinh tú gom về trong một lỗ chân lông, khiến cho xem thấy dễ dàng.

Mười phương thế giới có bao nhiêu gió, Bồ tát hớp vào miệng mà thân không hề tổn hại. Tất cả cỏ cây bên ngoài không bị gãy đổ.

Mười phương thế giới, khi kiếp tận, lửa cháy ngút trời, Bồ tát hút tất cả lửa vào trong bụng, mà thân không bị hại.

Bồ tát có thể lấy một cõi Phật ở hằng hà sa thế giới ở hạ phương, cầm đem lên cách hằng hà sa số thế giới ở thượng phương như cầm một que tăm găm vào một lá táo, không khó khăn mệt nhọc chút nào.

Còn nữa thưa ngài Xá Lợi Phất! Trụ bất tu nghì giải thoát, Bồ tát có thể dùng thần thông hiện thân Bích chi Phật, hoặc hiện thân Thanh văn, hoặc hiện thân Đế thích, hoặc hiện thân Phạm vương. hoặc hiện thân Chuyển luân vương.

Lại nữa, trong mười phương thế giới có bao nhiêu thứ âm thanh, thượng, trung, hạ đều có thể biến thành âm thanh Phật, diễn nói những pháp của chư Phật trong mười phương đã nói như vô thường, khổ, không, vô ngã khiến cho chúng sanh hữu duyên đều được nghe.

Thưa ngài Xá Lợi Phất! Tôi lược nói về thần lực bất khả tư nghì giải thoát của Bồ tát là thế. Nếu nói rộng suốt kiếp cũng không thể nói hết được.

4.- Ngài Đại Ca Diếp, sau khi nghe pháp môn bất khả tư nghì giải thoát, rất hoan hỉ, tán thán và nói với ông Xá Lợi Phất rằng:

Ví như sắc tượng hiện hữu ngay trước mắt người mù nhưng người mù không sao thấy được. Cũng vậy, với pháp môn bất khả tư nghì giải thoát, hàng Thanh văn dù có nghe nhưng cũng không hiểu rõ được.

Người trí ai nghe mà chẳng phát tâm vô thượng Bồ đề.

Hàng Thanh văn chúng ta vì sao lại dứt hẳn hạt giống đại thừa để cho mầm tược cháy khô! Tất cả hàng Thanh văn nghe pháp môn bất khả tư nghì giải thoát, nên khóc rống lên đi! Khóc cho vang động cả ba ngàn đại thiên thế giới! Còn tất cả những Bồ tát, những người chủng tánh đại thừa nên hoan hỉ tiếp thụ, kê đầu đội lấy pháp môn này.

Bồ tát tin và hiểu pháp môn bất khả tư nghì giải thoát, tất cả các ma dù có thế lực bao nhiêu đi nữa cũng không làm gì động chuyển.

Ngài Đại Ca Diếp nói xong, khi bấy giờ có ba muôn hai ngàn thiên tử phát tâm vô thượng Bồ đề.

Ông Duy Ma Cật nói với ngài Đại Ca Diếp:

5.- Thưa nhân giả! Trong thập phương vô lượng A tăng kỳ thế giới, những người làm ma vương phần nhiều là Bồ tát trụ bất tư nghì giải thoát, dùng sức phương tiện giáo hóa chúng sanh mà hiện làm ma vương như vậy.

Lại nữa, thưa ngài Ca Diếp! Bồ tát trong mười phương nhiều vô số. Có khi người ta theo các ngài để xin mắt, mũi, tay, chân, máu thịt, xương tủy, đầu óc...Xin quốc thành thê tử, tượng mã, kim ngân...xin cả y phục và thức ăn. Người xin như vậy, phần nhiều là Bồ tát trụ bất khả tư nghì giải thoát dùng sức phương tiện để thử thách hạnh sở hành của Bồ tát khiến cho sức kiên cố càng thêm kiên cố.

Thử thách như vậy để làm gì?

Bởi vì Bồ tát trụ bất tư nghì giải thoát có nghị lực và uy đức lớn lao, cho nên dùng những hành động bức bách dồn ép làm những việc khó làm để biểu thị sức tinh tấn, chỉ bày đức nhẫn nhục...vì sự nghiệp giáo hóa chúng sanh.

Hạng phàm phu hạ liệt không có uy lực, không thể kham chịu những sự bức bách nghiệt ngã như Bồ tát được. Ví như sức lừa không thể chịu nổi sự dẫm đạp của long tượng.

Đó là pháp môn phương tiện và trí tuệ của Bồ tát trụ bất khả tư nghì giải thoát pháp môn.

TRỰC CHỈ

Bất khả tư nghì có nghĩa là vượt ngoài khái niệm suy tư phân biệt của sự hiểu biết thường tình. Sự kiện bất tư nghì đồng nghĩa với những gì xưa nay chưa từng có mà nay có.

Duy Ma Cật là người bất tư nghì. Ông thuyết bất tư nghì pháp, tập hợp bất tư nghì chúng để khởi động bất tư nghì tâm, khiến cho những ai còn mơ hồ về khả năng trí tuệ của đại thừa, nhân cơ hội này đều được nghe qua sự trình diễn "bất tư nghì cảnh", của vị Bồ tát tại gia là trưởng giả Duy Ma Cật.

1.- Tịnh thất trống không tiêu biểu chân lý: vạn pháp giai không.

Một thân nằm trên một giường, tiêu biểu pháp giới thân và pháp giới độ viên dung, bất ly, bất tức.

Phật có "Pháp thân, Báo thân, và Ứng thân". Con người ai ai cũng có ba thân như vậy. Về pháp thân thì ở Thánh cũng không thể tốt thêm ra, ở phàm cũng không xấu bớt, nghĩa là pháp thân thì Phật và chúng sanh cùng có y nhau. Chỉ có Báo và Ứng hai thân này thì sự thọ dụng tùy phước đức và trí huệ riêng khác của mỗi con người.

Vì vậy, một thân nằm choán trên một giường và chỉ một giường bệnh đơn độc ở trong một tịnh thất trống, đó là một báo hiệu mở màn cho những thời pháp bất tư nghì ở các chương sắp tới.

Đi nghe pháp cốt để học chánh pháp, hành chánh pháp và sống theo chánh pháp. Sống đúng chánh pháp tức là sống trong Bồ đề Niết bàn rồi. Cho nên nghe pháp, học pháp không nên dụng ý khởi tâm mong cầu. Cầu chứng đắc Bồ đề, Niết bàn vẫn đã là sai huống chi cầu chỗ ngồi, nghĩ đến chỗ ngồi và khởi tâm mong cầu những điều gì khác.

Sống đúng theo chánh pháp đồng nghĩa với sống đúng pháp tánh. Sống đúng pháp tánh tức là mình sống với Phật tánh của mình rồi. Vì Phật tánh và Pháp tánh không hai. Vì tánh thanh tịnh bản nhiên của chúng sanh vô tình trong vũ trụ vạn hữu gọi là pháp tánh. Tánh thanh tịnh bản nhiên của chúng sanh hữu tình, của con người gọi là Phật tánh. Ví như cùng là lửa do đốt rơm hay đốt than đá mà tên của lửa và độ nóng của lửa khác nhau.

2.- Bồ tát trụ trong pháp môn bất tư nghì có thể làm tất cả việc bất tư nghì do Bồ tát xử dụng "Quán trí" bất tư nghì vậy.

Xử dụng Quán trí bất tư nghì, Bồ tát thấy và hiểu biết rõ tánh duyên khởi huyền diệu của vạn pháp như sau:

a.- Đồng thời cụ túc tương ứng môn : Bồ tát xử dụng quán trí biết và thấy rõ ràng một pháp có đủ chủng tử, chất liệu của vạn pháp tự nó ứng hợp lại với nhau mà hình thành.

b.- Nhất đa tương dung bất đồng môn: Một là một của cái nhiều. Nhiều là nhiều của cái một. Một và nhiều dung nhiếp quyện chặt với nhau. Trong cái nhiều có nhiều cái một. Cái một là yếu tố cấu tạo nên cái nhiều. Dù vậy tướng một và tướng nhiều không hai mà cũng không phải một.

c.- Chư pháp tương tức tự tại môn: Pháp này tức là pháp kia. Pháp kia tức là pháp này. Trong pháp này hàm chứa chủng tử của pháp kia. Trong tất cả pháp kia có chứa chất liệu chủng tử của pháp này. Chủng tử của vạn pháp trùng trùng duyên khởi cho nhau, tương túc tương nhập một cách tự tại.

 d.- Nhân đà la võng cảnh giới môn: Nhân đà la võng là màn lưới châu nhiều lớp của Thiên Đế Thích. Lưới châu này ánh hiện hình ảnh trùng trùng, cho nên sự phản chiếu và ánh hiện của lưới châu vô tận. Hiện tượng vạn pháp tương ưng, tương dung, tương tức, tương nhập tác dụng lẫn nhau mà hình thành, sự tương quan tác dụng đó như sự ánh hiện của lưới châu trời.

 e.- Vi tế tương dung an lập môn: Dù vật nhỏ như một mảy may hay ở một điểm vi tế nào cũng hàm dung chất liệu của tất cả hiện tượng vạn pháp. Ví như đầu mảy lông của con sư tử vàng cùng với chất vàng của toàn thân con sư tử tương dung tương tức mà an lập hình thành ra sư tử vàng.

 f.- Bí mật ẩn hiển câu thành môn: Một pháp tức là tất cả các pháp. Khi thấy biết một pháp thì một pháp hiển, tất cả pháp ẩn. Bấy giờ, tất cả pháp tức là một pháp. Khi thấy biết tất cả pháp thì tất cả pháp hiển, một pháp ẩn. Bấy giờ, một pháp là tất cả pháp. Ví như ngôi nhà và nguyên liệu xây dựng ngôi nhà.

 g.- Chư tàng thuần tạp cụ đức môn: Mỗi pháp là một chỉnh thể hàm tàng hỗn hợp. Những pháp do hỗn hợp nhiều chất liệu, nhiều yếu tố mà thành gọi là tạp. Có pháp không do nhiều chất tương đối có tính đơn thuần hỗn hợp mà vẫn được thành, gọi đó là thuần. Dù thuần dù tạp pháp nào cũng có vị trí của nó và tương quan tác dụng với nhau để hình thành vạn pháp trong thế giới hiện tượng.

 h.- Thập thế cách pháp dị thành môn: Dựa trên bảy môn trên, thiền giả quán chiếu nhận thức vạn pháp bên mặt không gian, không có pháp nào đơn độc tự nó hình thành ra nó. Về mặt thời gian cũng thế. Khái niệm thời gian là dựa trên quá trình vận động biến chuyển vô thường của sự vật hiện tượng. Đã là biến chuyển vận động vô thường thì không thể có một phút giây dừng đứng. Cho nên, đời chỉ là một khái niệm ước định nhận thức của con người. Chơn thật mà nói, đời không có gì làm điểm tựa. Quá, hiện. vị lai gọi là ba đời. Kỳ thật trong quá khứ đã có đủ quá, hiện, vị lai. Trong hiện tại đã có quá, hiện, vị lai và vị lai vẫn đã có quá, hiện, vị lai. Chín đời tổng hợp thành một đời. Một đời do chín đời hợp lại. Cho nên gọi là thập thế cách pháp dị thành nghĩa là chín đời dị biệt lại có thể thành tựu một đời.

 i.- Duy tâm hồi chuyển thiện thành môn: Duy tâm tức là Duy Như Lai tàng tâm. Tất cả vạn pháp duy Như Lai tàng tâm mà chuyển biến xoay vần, duyên khởi tác dụng vào nhau hình thành một cách mầu nhiệm. Cho nên gọi là Duy tâm hồi chuyển thiện thành.

 j.- Thác sự hiển pháp sanh giải môn: Dựa trên sự vật cụ thể phô diễn trước mắt, người ta có thể suy luận, tư duy và nhận thức vạn pháp một cách không khó khăn về cả hai mặt: không gian và thời gian. Người thiền giả nhận thức rõ sự tổ hợp hình thành của vạn pháp với chân lý trùng trùng duyên khởi qua Thập huyền môn cũng là một chân lý hiển nhiển không khó khăn gì.

Thể nhập sâu sắc chân lý của vạn pháp qua thập huyền duyên khởi, người học Phật mới cắt nghĩa được những bất tư nghì sự của Bồ tát thi thố, mới hiểu đúng những bất tư nghì pháp của Bồ tát nói, mới thật thấy mà không phải thấy thật những bất tư nghì cảnh giới mà Bồ tát trình diễn ở kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết này.

Tòa sư tử cao rộng 84.000 do tuần (một do tuần 30 km), vậy 84.000 x 30 = 2.520.000 km. Thế là một tòa sư tử chiếm diện tích: hai triệu năm trăm hai chục ngàn cây số. Vậy mà trưởng giả Duy Ma Cật mượn về và đem vào tịnh thất của mình ba muôn hai ngàn tòa sư tử cao rộng như thế. Thế mà tịnh thất vẫn dung chứa hết. Thành Tỳ Da Ly, xóm làng cũng không chật chội hơn chút nào.

Sự kiện này, kinh Duy Ma Cật muốn nói gì đây? Người đệ tử Phật phải tin hiểu cách nào? Pháp sư truyền bá chánh pháp phải giảng dạy như thế nào để cho người đệ tử Phật sau khi học pháp không ngu đần mê tín dị đoan hơn lúc chưa đi nghe pháp.

Giải đáp mấy nghi vấn vừa nêu, người học Phật chỉ có một con đường duy nhất phải hành thiền, phải tư duy và quán chiếu thập huyền duyên khởi cho thấu triệt, thể nhập tận tường. Bấy giờ trí tuệ của thiền giả phát triển thì sự thấy nghe và nhận thức vạn pháp xuyên qua kinh điển không lầm.

Bồ tát trụ bất tư nghì giải thoát làm những việc bất tư nghì...là cách vận dụng ngôn ngữ để chuyên chở trí tuệ bất tư nghì của con người thành tựu nhất thiết chủng trí.

Xử dụng nhất thiết chủng trí nhìn bất cứ một pháp nào đều thấy :Đồng thời cụ túc tương ứng.

Xử dụng nhất thiết chủng trí nhìn vạn pháp, thiền giả sẽ thấy: Chư pháp tương tức tự tại.

Xử dụng nhất thiết chủng trí nhìn vạn pháp, thiền giả sẽ thấy: Nhất đa tương dung bất đồng.

Xử dụng nhất thiết chủng trí nhìn vạn pháp, thiền giả sẽ biết: Quảng hiếp tự tại vô ngại.

Kinh nói trưởng giả Duy Ma Cật mượn ba muôn hai ngàn tòa sư tử cao rộng 84.000 do tuần ở thế giới thượng phương đem vào trong thất mà tịnh thất vẫn dung nạp hết. Thành Tỳ Da Ly và xóm làng không hề chật chội và chẳng trở ngại gì.

Mở gút nghi ngờ đó, thiền giả phải xử dụng nhất thiết chủng trí nhìn vạn pháp qua tri kiến: Quảng hiếp tự tại vô ngại. Thiền giả thấy rằng: sự rộng, hẹp, lớn, nhỏ của vạn pháp trên hiện tượng chỉ là hiện tượng. Còn bản thể của vạn pháp thì tương ứng, tương dung, tương tức, tương nhập, tương thành.

Người học Phật và là đệ tử Phật chơn chánh tuyệt đối không được khởi niệm tin rằng Bồ tát Duy Ma Cật có tài phép biến hóa như một nhà ảo thuật, như một thôi miên gia...

3.-Nói về việc kéo dài thời gian ngắn ra dài, dài rút ngắn để đáp ứng nguyện vọng của chúng sanh cốt là khiến cho họ quay về với Phật pháp.

Làm được điều đó, thiền giả chỉ cần xử dụng quán trí: Thập thế cách pháp dị thành. Thành tựu phép quán đó, thiền giả chợt thấy thời gian chẳng có giá trị chơn thật. Khái niệm thời gian chỉ là dựa trên sự vô thường vận động chuyển biến của các pháp hữu vi vẫn luôn luôn chuyển biến vận động vô thường.

Do vậy, dưới mắt của người thành tựu nhất thiết chủng trí thời gian ngắn dài chỉ là hí luận để luận thuyết với những ai còn mê mộng chân lý cuộc đời.

Xử dụng nhất thiết chủng trí nhìn vạn pháp qua lăng kính Bát nhã Ba la mật, thiền giả sẽ thấy vạn pháp giai không thì không gian và thời gian dù có diễn tả thiên ngôn vạn ngữ bùi tai đẹp ý cách nào thì cũng chỉ là hí luận mà thôi.

Người học Phật không tư duy sâu sắc, không thể nhập ý nghĩa Thập huyền duyên khởi mà đem kinh Duy Ma Cật ra giảng nói lếu láo, qua loa càng khiến cho những người Phật tử chưa có điều kiện học Phật vốn đã mê tín, sau thời gian đi nghe giảng kinh Duy Ma, óc mê tín càng tăng thêm vạn bội.

Bởi vì trưởng giả Duy Ma Cật là người bất tư nghì, tập hợp bất tư nghì chúng, thuyết bất tư nghì pháp, làm bất tư nghì sự, trình diễn bất tư nghì cảnh giới, trụ bất tư nghì giải thoát pháp môn, nhưng bất tư nghì không được hiểu như người có tài phép biến hóa. Càng không được hiểu bất tư nghì đồng nghĩa với sự khéo tay trình diễn trước công chúng của các nhà ảo thuật thiên tài.

4.- Hàng Thanh văn sau khi nghe bất tư nghì sự của Bồ tát rồi tự trách về tri kiến mình và sau đó, phát tâm Vô thượng Bồ đề, đó là chân lý đương nhiên vậy.

5.- Có lửa cao mới biết tuổi vàng. Có chiến đấu mới thể hiện khả năng của dũng sĩ. Bồ tát thì phải làm cho được những việc khó làm. Để trắc nghiệm mức độ thành công của Bồ tát là những sự bức bách, những bất như ý, khó khăn Bồ tát phải vận dụng sức trí tuệ đáp ứng mọi tình huống, mọi yêu cầu để hoàn thành hạnh nguyện. Vì tất cả chủng loại chúng sanh là Tịnh Độ của Bồ tát.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 8857)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 7995)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 9564)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9117)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..