Chương 5: Lỗi Lầm Và Hối Quá

18 Tháng Giêng 201100:00(Xem: 14084)

Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
TÌM HIỂU KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản Thời Đại 2010

Chương 5: Lỗi lầm và hối quá

I. DỊCH NGHĨA

Đức Phật dạy rằng: Khi người ta phạm phải nhiều lỗi lầm mà không biết ăn năn hối quá, để ngăn trừ lòng quấy thì hiển nhiên, tội lỗi sẽ chụp vồ lên thân ngày càng nhiều hơn, như trăm sông tuôn về biển. Khi phạm lỗi lầm mà biết nhìn nhận tội lỗi của mình, để bỏ ác làm lành thời tội lỗi nhờ đó mà tiêu diệt. Cũng như bệnh nhân mà xuất hạn thời biết bệnh tình chóng thuyên giảm vậy.

II. LƯỢC GIẢI

Tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi chánh pháp của Đức Phật, người ta phải thừa nhận rằng: “Pháp, những lời dạy của Đức Phật, là thiết thực hiện tại (sanditthiko), là không có thời gian (akaliko), là đến để mà thấy (ehipaasiko) và được bậc tri giác hiểu. Chính vì thế, người ta đã tôn xưng Ngài với một danh hiệu vừa cao vĩ vừa gần gũi là “nhà đạo đức học nhân bản” hay “nhà tâm lý học đạo đức”. Sự tôn xưng này không phải là không lý do như một sự ngẫu nhiên nào đó, mà thật sự nó bắt nguồn từ những đóng góp to lớn về giáo dục đạo đức, giáo dục tâm lý của chính cuộc đời truyền đạo của Ngài do người ta cảm nhận được rồi tôn vinh. Những đức tính đạo đức, giáo dục tâm lý ở Ngài thường được biểu hiện qua các pháp thoại, dụ ngôn… tuy ngắn gọn nhưng súc tích, sâu sắc. Đoạn kinh văn của chương này sẽ cho chúng ta thấy được phần nào những đức tính ấy.

Để nắm bắt trọn vẹn nội dung kinh văn, chúng ta hãy lưu ý đến những gợi ý sau:

1.- Bắt đầu vào kinh văn, Đức Phật cho thấy những khuyết tật về tính nết, về hành vi, về cách sống của con người như là một quy luật tất yếu, hiếm có ai tránh khỏi lỗi lầm. Lỗi lầm được đề cập như là một thuộc tính cố hữu xấu xa của con người, mà làm người thì chúng ta cần phải cải thiện nó. Lỗi lầm tự bản thân nó không có gì là xấu xa, đáng trách, chính thái độ vô trách nhiệm về những hành vi xấu ác (biết là xấu ác mà không chịu ăn năn hối cải) mới là đáng trách. Mà đã gọi là hành vi xấu ác thì chúng ta dư biết rằng nó chỉ phát triển theo chiều hướng tăng dần, nghĩa là càng xấu ác thêm. Do đó, chúng ta cần phải thường xuyên theo dõi hành vi tạo tác của mình để kịp thời cải thiện. Cải thiện thì đời sống đạo đức của ta ngày càng tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn. Đó chính là mục đích tối hậu của cuộc sống và cũng chính là mục đích giáo dục của Đức Phật đối với chúng ta qua nội dung bài này.

2.- “Khi người ta phạm phải nhiều lỗi lầm mà không biết ăn năn hối quá để ngăn trừ lòng quấy thì hiển nhiên tội lỗi sẽ chụp lên thân người ấy ngày càng nhiều hơn, như trăm sông tuôn về biển”. Lời dạy này làm chúng ta liên tưởng đến câu Phật ngôn nói về sự phát triển tăng dần của các nghiệp (dù chỉ là nghiệp ác nhỏ) nhưng lâu ngày trở nên nhiều tác hại không thể lường được. Vì thế, chúng ta không nên ỷ lại như một người bất chấp, tự phụ:

“Chớ khinh chê điều ác

Cho rằng chưa đến mình

Như nước nhỏ từng giọt

Rồi bình cũng đầy tràn

Người ngu chứa nhiều ác

Do chất chứa dần dần.”[1]

Bài kệ trên còn cho chúng ta thấy, cái gọi là nghiệp ác hay lỗi lầm của con người là do tích tụ mà không biết ngăn đón, phản tỉnh. Trong khi đó, luồng chuyển biến của tâm tưởng ta thường có xu hướng tác ý ác và tác tạo ác: “Khởi tâm động niệm vô phi thị tội – Kinh Địa Tạng”. Một khi các ác nghiệp đã đến thời trổ quả, tất nhiên khi ấy, kẻ làm ác mới giật mình, nhưng muộn rồi: “Khi ác nghiệp chín muồi. Người ác mới thấy ác,”[2] hay “Tội ác đến kẻ ngu. Như ngược gió tung bụi.”[3]

3.- Yếu tố quan trọng trong việc tái tạo lại những giá trị đạo đức đã một thời mất mát ở con người tội lỗi không gì quan trọng hơn là thái độ ăn năn, sửa đổi. Chính thái độ ăn năn, sửa đổi đã phục hồi những gì đã mất và kiến tạo một cuộc đời mới. Trong các kinh, Đức Phật luôn tán thán, khích lệ những con người sau khi phạm lỗi dám tự nhận lỗi để sửa đổi và ngăn đón mãi mãi về sau là những người có trí: “Phạm tội, thấy là phạm tội. Sau khi thấy mình phạm tội, như pháp sám hối, đó là người hiền trí.”[4] Chính Đức Phật đã tự thuật rằng, trước ngày giác ngộ, Ngài cũng chạy theo dòng sinh tử tạo nghiệp luân hồi, nhưng sau đó, Ngài biết chặn đứng để cứu thoát Ngài ra khỏi mạng lưới triền miên này, là cũng do biết cải hối đường mê:

Trước tâm ta buông lung

Chạy theo ái dục lạc

Nay ta chánh chế ngự

Như cầm móc điều voi.”[5]

Kinh còn cho biết, đứng trước hiện tượng một người phạm tội, thành khẩn sám hối để tự hoàn thiện, Đức Phật luôn cởi mở, hoan hỷ để đối tượng phạm tội có cơ hội ăn năn, làm lại cuộc đời: “Này Bhaddali, nếu nhà ngươi sau khi thấy một lỗi lầm là một lỗi lầm và như pháp phát lộ, ta sẽ sẵn sàng chấp nhận cho ngươi, vì rằng, này Bhaddali, như vậy là sự lớn mạnh trong giới luật của bậc Thánh. Nghĩa là, bất cứ ai, sau khi thấy lỗi lầm là một lỗi lầm, phát lộ rồi phòng hộ trong tương lai.”[6] Ở một đoạn kinh khác, Đức Phật còn dạy rằng, mọi tội lỗi sẽ bị tiêu diệt hoặc giảm thiểu, nếu người phạm tội biết ăn năn, hối cải đúng mức: “Này các Tỳ kheo, có người làm điều tội lỗi và biết hối hận, chính ở đây, các pháp bất thiện khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn.”[7]

4.- Theo Duy Thức Học, hối tâm sở là trung tính. Người ta không thể quy nó vào thiện hay ác, khi mà chưa xác định được trước đó nó đã tác tạo những gì và bây giờ nó ăn năn, hối cải những gì. Duy Thức Tam Thập Tụng liệt nó vào một trong bốn pháp bất định. Còn Bộ Pháp Tụ thì diễn tả nó như là một năng lực “phản lực” các hành vi trước đó. “Việc không đáng, nghĩ là đáng. Việc đáng nghĩ là không đáng. Việc không tội nghĩ là tội. Việc tội nghĩ là không tội. Sự nào như vậy là hối hận, sự ăn năn của tâm.”[8] Do đó, sự hối cải, ăn năn chỉ thật sự có lợi ích hay được thuần thiện, khi nó ăn năn về những lỗi lầm trong quá khứ. Và còn đối với những hành vi thiện ích đã làm thì cần phải giữ vững lập trường, như Đức Phật đã dạy, có thế, mới được lợi ích:

“Ác hạnh không nên làm

Làm xong chịu khổ lụy

Thiện hạnh ắt nên làm

Làm xong, không ăn năn.” [9]

Không ăn năn về hành vi thiện chính là lập trường đạo đức, chân chính. Ăn năn về những hành vi bất thiện chính là cách mạng hành vi. Theo nguyên lý này, chúng ta có thể chứng minh được rằng sự ăn năn là một năng lực tương phản sẽ triệt thoái những nguồn năng lực trước đó như một lực bù trừ hay triệt tiêu. Khi lực triệt tiêu hay bù trừ do ăn năn, hối quá này đã thành tựu thì nhất định, các ác nghiệp trước đây sẽ được hóa giải hoàn toàn. Như vậy, “Tội tùng tâm tạo, tội tùng tâm sám. Tâm sám tịnh thời, tội diệt vong” quả thật là xác đáng.

5.- “Khi phạm phải lỗi lầm mà biết nhìn nhận lỗi lầm của mình để bỏ ác làm lành thời tội lỗi nhờ đó mà tiêu diệt. Cũng như bệnh nhân mà xuất hạn thời biết bệnh tình chóng thuyên giảm vậy”. Đoạn văn này nhằm thuyết minh rõ trọng lực của một lực ăn năn về những lỗi lầm sẽ hóa giải hoàn toàn mọi ác nghiệp.

6.- Trong một sát na, tâm hoặc nắm bắt cảnh thiện, hoặc là nắm bắt cảnh ác. Và do đó:

“Ai chậm làm việc lành

Ý ưa thích việc ác

Hãy gấp làm điều lành

Để xóa mờ tâm ác.”[10]

Như vậy, chứng tỏ rằng người ta có thể làm lại cuộc đời và làm lại một cách hoàn thiện, nếu người ta luôn duy trì các thiện nghiệp để chặn đứng, triệt tiêu các tiền ác nghiệp:

“Ai dùng các hạnh lành

Làm xóa mờ nghiệp ác

Chói sáng cuộc đời này

Như trăng thoát mây che.”[11]

Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên lý: “Không có cái gọi là định nghiệp, nhưng chỉ là sự chuyển biến từ xấu ra tốt, hoặc xấu hơn và ngược lại”. Đồng thời còn phù hợp với lời dạy:

“Tự mình điều ác làm

Tự mình làm nhiễm ô

Tự mình bỏ điều ác

Tự mình làm thanh tịnh

Thanh tịnh hay nhiễm ô

Đều do tự chính mình

Không ai thanh tịnh ai.”[12]

Đó chính là nội dung, là mục đích giáo dục của bài kinh này, vừa mang bản sắc đạo đức nhân bản, vừa đượm nhuần tâm lý giáo dục của Đức Phật nhằm kiến tạo một thế giới lý tưởng mà trong đó, không ai là không hướng đến cái chân, cái thiện, xóa mờ những cái tệ, cái ác trong quá khứ, để mọi người tự thăng hoa, tự làm đẹp cuộc sống của mình và người khác.

7.- Thông qua nội dung chính của kinh văn cộng với các vấn đề gợi ý trên, chúng ta có thể đúc kết cho chính mình những bài học “tư tưởng” để cùng chiêm nghiệm và thực hiện:

 1) Người ăn năn là người biết tàm quý.

 2) Bắt đầu ăn năn là bắt đầu cuộc sống mới.

 3) Những bậc vĩ nhân về đạo đức luôn là người biết ăn năn về những khinh suất của mình.

 4) Lỗi lầm mà không ăn năn là kẻ tà kiến ngoan cố đến mức trầm trọng.

 5) Người không bao giờ tạo ác, người luôn ăn năn những lỗi lầm, chỉ hai hạng này mới có triển vọng thành bậc Thánh.

 6) Ăn năn chỉ là hồi đầu, cải tạo mới là hoàn thiện.

 7) Ăn năn chỉ là hóa thành của nếp sống đẹp mà bảo sở của nó phải là cải tổ, cải thiện.

 8) Bạn hãy cho tôi biết bạn ăn năn những gì, tôi sẽ cho bạn biết bạn là người thế nào.

 9) Cuộc đời sẽ không đen bạc với những hành động lỗi lầm, nếu ta chịu hồi đầu cải thiện.

 10) Làm thiện mà không nuối tiếc về việc thiện của mình thì việc làm đó mới đích thực là toàn thiện.

 11) Ăn năn chưa hẳn là tốt, nếu ăn năn về việc làm thiện.

 12) Nếu mọi người đều biết ăn năn và ăn năn những gì cần ăn năn thì xã hội lo gì mà không tươi thắm!

 13) Nuối tiếc về việc làm tốt chỉ là biến loạn tâm thần của những kẻ dại dột.

 14) Không nên đắm mình trong nuối tiếc vì quá khứ không thể giúp gì được cho hiện tại và tương lai.

 15) Hãy cẩn thận trong mọi hành vi của thân, ngữ, ý nếu bạn không muốn hối tiếc về hành vi của mình.

 16) Đừng chôn vùi trong nuối tiếc, hãy phấn đấu với từng phút giây hiện tại rồi bạn sẽ thấy tương lai là gì.

 17) Phạm lỗi chưa phải là tội lỗi, không ăn năn về lỗi lầm mới thật là tội lỗi.

 18) Hãy để tội nhân có thời gian ăn năn hối cải, đừng kết tội dồn dập mà đẩy họ vào bế tắc: quyên sinh trong vũng lầy tội lỗi chưa được khai hóa.

 19) Đừng quá quấy rầy kẻ phạm tội, vì họ vẫn còn khả năng để làm lại cuộc đời.

 20) Cuộc đời là bãi rác tội lỗi, ăn năn hướng thiện là cơn gió lốc, cuốn phăng đi tất cả.

 21) Tội lỗi là vết hằn ở tâm, ăn năn là thuốc tẩy, tẩy sạch những hằn vết ấy.

 22) Chúa chỉ chấp nhận rửa tội một lần. Phật chỉ hứa khả sám hối một nỗi.

 23) Ăn năn là biểu hiện thái độ cầu thiện.

 24) Ai dám tự hào mình là con người thập toàn, do đó, hãy hoan hỷ với những người biết ăn năn, hối cải.

 25) Không có gì phải xấu hổ khi bày tỏ lỗi lầm của mình.

 26) Lọ nhơ chỗ nào phải tẩy rửa chỗ đó.

 27) Hối hận về lỗi lầm là đồng nghĩa với không lỗi lầm.

 28) Thẩm quán lại chính mình là phương cách tu tập của người hiền triết.

 29) Ăn năn là chất liệu cải thiện cuộc đời.

 30) Mãnh lực của ăn năn là biến đổi lỗi lầm trong quá khứ thành hành động thiện ích trong hiện tại và tương lai.

 31) Xấu hổ hay ý thức phạm tội sẽ trở nên vô nghĩa khi mà ăn năn nói lên được tiếng nói chân thành.

 32) Con đường “cuộc sống” luôn có nhiều mảng đá “lỗi lầm”, nhưng ăn năn là xe ủi lô, sẽ san bằng những chỗ lồi lõm.

 33) Không phải sự ăn năn nào cũng đáng tán thán, ngoại trừ ăn năn về một việc làm chưa hoàn thiện.

 34) Con người là một hợp thể các yếu tố: lỗi lầm, ăn năn và cải đổi.

 35) Chính những hậu quả đau khổ khốc liệt sẽ dạy người ta ăn năn có hiệu quả nhất.

 36) Trong một sát na của ăn năn, người tội lỗi sẽ hiện hữu với một con người hoàn thiện.

 37) Như vầng nhật chiếu tan sương tuyết, cải thiện lỗi lầm: tội sạch tiêu.

 38) Không có lỗi lầm không phải con người, nhưng không biết ăn năn thì không thể trở thành con người hoàn thiện.

 39) Tạo ác là một thực tại tội lỗi, làm thiện là một thực thể toàn lương. Ăn năn là chất liệu tạo nên thực thể toàn lương.

 40) Một năng lượng ăn năn tương đương với một lực bù trừ để triệt tiêu một năng lượng tội lỗi đã tạo ra trước đó.

 

 


[1] Dhp. 121.

[2] Dhp. 119.

[3] Dhp.125.

[4] Tăng Chi I, tr. 115.

[5] Dhp.326.

[6] Trung Bộ II, tr. 159.

[7] Tăng Chi II, tr. 174.

[8] Bộ Pháp Tụ, tr. 304, số 752.

[9] Dhp. 314.

[10] Dhp.116.

[11] Dhp.173.

[12] Dhp.109.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 10467)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 8693)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 10620)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 10049)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..