Chương 20: Hữu Thể Con Người: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã

18 Tháng Giêng 201100:00(Xem: 14614)

Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
TÌM HIỂU KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản Thời Đại 2010

Chương 20: Hữu thể con người: Vô thường, khổ, vô ngã

I. DỊCH NGHĨA

Đức Phật dạy rằng: Hãy quán sát bốn hợp thể cấu tạo nên thân thể con người, không có một hợp thể nào tự nó là một ngã thể. Ngã thể không thật có, nên hợp thể con người như huyễn mà thôi.

II. LƯỢC GIẢI

Phật giáo khai sáng rằng con người là một hợp thể nhân duyên gồm nhiều thành phần, cấu tạo bởi vật chất và tinh thần. Vật chất gồm bốn hợp thể: địa, thủy, hỏa, phong. Tinh thần cũng gồm bốn hợp thể: thọ, tưởng, hành, thức. Cả hai thành phần vật chất và tinh thần, không có cái nào là một hữu kiện bất biến theo nghĩa một cố thể hữu ngã. Mà tất cả là một hợp thể, nhiều thành tố cấu thành. Đó cũng chính là nội dung, là tinh thần của phần kinh văn chương này. Để có một cái nhìn quán triệt, chúng ta lần lượt khảo sát những vấn đề sau:

1.- Tính chất của tứ đại tính trong con người

Căn bản thân xác của con người chỉ là một tập hợp vật chất được cấu tạo bởi các nguyên tử, phân tử rất nhỏ nhiệm, giữa chúng có khoảng cách rất lớn so với kích thước tự thân của các nguyên tử, phân tử. Các nguyên tử cấu tạo nên thân xác con người này luôn ở trong trạng thái chuyển động, biến đổi, rồi sinh, trụ, dị, diệt. Nhưng thực chất các nguyên tử, phân tử của thân xác con người không có bản chất thực thể, mà chỉ là năng lực. Năng lực ấy chính là tứ đại tính.

a/ Địa tính: Địa tính là tính chất cứng[1] trong thân thể con người như xương thịt, đầu, mình, tứ chi. Nó là một năng lực tạo nên hình hài vóc dáng con người. Chính công năng này làm cho chúng ta có cảm giác rằng thân thể chúng ta có thật chất, nhưng kỳ thật, thân thể chỉ là tập hợp của vô số tế bào sinh sinh diệt diệt trong từng sát na, không phải là cố thể.

b/ Thủy tính: Thủy tính là chất dịch thủy, chất lỏng[2] trong cơ thể con người như máu huyết, mồ hôi, nước bài tiết, nước miếng, nước mắt. Nó là một năng lực lưu nhuận. Khi thì tập hợp, khi thì phân tích, nhằm giữ các yếu tố chất ngại. Không có nó, con người sẽ khô cằn và chết. Nó luôn luân lưu, vận chuyển khắp cơ thể để dung hòa lượng nước cần thiết cho sự sống của cơ thể chúng ta.

c/ Hỏa tính: Hỏa tính là tính chất nóng, hơi ấm[3] trong cơ thể con người. Nó là một dạng năng lực với công năng viêm nhiệt. Nghĩa là bão hòa nhiệt độ trong cơ thể, duy trì độ ấm, làm cơ thể thích ứng kịp thời với thời tiết, khí hậu chung quanh ta. Nó là mấu chốt xác định sự sống của cơ thể. Ở người chết, hỏa tính hoàn toàn nguội lạnh.

d/ Phong tính: Phong tính là tính phiêu động trong cơ thể con người. Nó làm khai thông các quá trình trao đổi chất, sự vận hành hơi thở, khí huyết trong cơ thể, đều do công năng phiêu động này, thân thể con người chỉ là một khối tế bào chết, ứ đọng. Nhờ có nó, các tế bào chết rồi sống, tạo ra sự phát triển của sự sống.

Tứ đại tính này nương tựa vào nhau, bổ sung cho nhau để duy trì thân mạng nhưng cũng có lúc chúng chống trái nhau (Tứ đại phò trì, thường tương vi bội – Quy Sơn Cảnh Sách). Điều mà Phật giáo muốn gởi gắm khi phân tích tính nhân duyên của tứ đại tính trong cơ thể con người là tất cả chúng không phải là một ngã thể độc lập, cố định.

“Ví như cọng, cánh, tua, gương, hạnh, nhụy hợp lại là hoa sen. Lìa những thứ này thời không có hoa sen riêng biệt. Cái gọi là ngã thể của chúng sinh cũng như vậy. Không có cái gọi là ngã. Ngã thể mà chúng sinh gọi, thật ra chỉ là hợp thể tứ đại tính, nhân duyên, vô thường. Ngoài tứ đại tính không có ngã nào tồn tại, hiện hữu riêng biệt.”[4]

Ở đoạn kinh khác, Đức Phật tái khẳng định tính vô ngã của một hữu thể con người như một chân lý, nơi tập hợp của 36 vật nhơ uế, bất tịnh: “Trong tứ đại tính, không có đại nào là ngã. Tính địa đại không phải là ngã. Tính thủy, tính hỏa, tính phong cũng chẳng phải ngã. Tất cả trong thân này đều không có ngã. Chỉ do nhân duyên hòa hợp mà hiện hữu cùng với những tác dụng… Thân này của ta do 36 vật hội hiệp, hôi nhơ bất tịnh, nơi nào mà có ngã bao giờ.”[5]

Khái niệm về ngã là một hữu thể, độc lập, bất biến, hoàn toàn không có trong Phật giáo.

2.- Bản chất hữu thể con người

Đề cập đến hữu thể con người, kinh điển Phật giáo phân tích mổ xẻ trên ba lãnh vực: vô thường, khổ, vô ngã. Hữu thể con người là một hợp thể năm uẩn. Do đó, năm uẩn là vô thường, khổ, vô ngã: “Cái gì thuộc về sắc chất, cái gì thuộc về thọ, cái gì thuộc về tưởng, về hành, về thức. Các pháp ấy là vô thường (vận động) là khổ (tương đối) là bệnh hoạn (khổ đau) là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là biến hoại, là trống không, là vô ngã.”[6]

 Tính chất vô thường, khổ, không, vô ngã như là một thuộc tính của con người, nó hiện hữu từ khi con người được khai sinh và nó tùy hành với con người đến lúc con người trở về với cát bụi. Hễ có con người là có nó, và hễ có nó là có con người, sở dĩ gọi là con người cũng vì nó là thuộc tính: “Này các Tỳ kheo, con người là năm uẩn, năm uẩn là vô thường, là khổ, là vô ngã, là hữu vi, là kẻ giết người.”[7]

Trong quá trình hiện hữu, sinh tồn, phát triển, và hoại diệt, con người hiện hữu chỉ là năm thủ uẩn hiện hữu. Ở sự hiện hữu như vậy, là tập khởi của đau khổ, già chết.

“Này các Tỳ kheo, cái gọi là con người chỉ là năm thủ uẩn sinh, trú, khởi, hiện hữu. Cái ấy là khổ sinh, bệnh tật trú, già chết hiện hữu.”[8]

Chính do hữu thể con người hiện diện bằng tính vô thường, khổ, vô ngã của năm uẩn nhân duyên, cho nên Đức Phật gọi con người là một cây chuối không có lõi, mong manh, tạm bợ, giả dối:

“Sắc ví như đống bọt

Thọ ví bong bóng nước

Tưởng ví ráng mặt trời

Hành ví với cây chuối

Thức ví với ảo thuật

Đấng Như Lai Thế Tôn

Đã thuyết giảng như vậy

Nếu như vậy chuyên chú

Như chân lý quán sát

Hiện rõ tính rỗng không

Cái thân liên tục này

Tìm không thấy lõi cây.”[9]

Có một lần, để thuyết minh bản chất vô thường, khổ, vô ngã của năm thủ uẩn, Đức Phật không ngần ngại cúi xuống, nhặt lấy một miếng phân bò rồi nói với chúng Tỳ kheo rằng:

“Này các Tỳ kheo, cho đến một ngã thể nhỏ như thế này cũng không thường còn, không thường trú, luôn biến hoại, huống chi là hữu thể con người.”[10]

Do đó, theo Đức Phật, người có cái nhìn chánh kiến, tuệ giác thẩm thấu được bản chất của sự vật, của hợp thể con người không bao giờ chấp nhận một cái gì là ngã thể bất biến, mà chỉ là nhân duyên tương tác. Chính nhân duyên hợp thành và cũng chính nhân duyên tan rã nó. Nhân duyên hình thành sinh, trụ, dị, diệt của các pháp. Nhân duyên tác tạo thành, trụ, hoại, không của các thiên thể, tinh cầu và nhân duyên là chủ nhân của quá trình sinh, lão, bệnh, tử ở con người.

“Đây là sắc. Đây là sắc tập khởi. Đây là sắc đoạn diệt. Đây là con đường đưa đến sắc đoạn diệt. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Như vậy do cái này có, cái kia có. Do cái này sinh, cái kia sinh. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt.”[11]

Vì năm uẩn tạo nên hợp thể con người là nhân duyên sinh, là vô thường, khổ, vô ngã nên ngay sự hiện hữu của nó, người ta nhận ra được tính bất toàn, tính vô thực chất, giả huyễn rồi. Do đó, bất kỳ ai “Mong rằng có sắc trong tương lai, có thọ trong tương lai, có tưởng, có hành trong tương lai, có thức trong tương lai. Này các Tỳ kheo, đó là những hư vọng hão huyền.”[12]

Thái độ của Đức Phật luôn là thái độ phản ánh sự thật, quảng bá sự thật. Ngài dạy chúng ta, ngay sự mục kích năm uẩn, nên nhận chân được bản chất duyên hợp, vô chủ của nó: “Tỳ kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, là khổ, bệnh hoạn, bất hạnh, hủy hoại, vô ngã.”[13]

Đó là cái nhìn chánh kiến, vừa nhận rõ được bản chất vừa ly khai được sự chấp thường và năm thủ uẩn, hợp thể tạo nên con người, trong Phật giáo nói chung, bản văn kinh này nói riêng.

3.- Ngũ uẩn vô ngã, như huyễn

Đề cập đến con người, không thể bỏ qua hợp thể năm uẩn nhân duyên. Đề cập đến ngũ uẩn, không thể không bàn tới tính vô thường, khổ, vô ngã. Vô ngã và như huyễn, tuy hai mà một, nói lên bản chất không kiên thật hay giả hữu của năm uẩn. Thông qua nhận thức quan cơ bản nhưng lại là nền tảng này, người ta có thể đánh giá được đây là người chánh kiến hay tà kiến, người toàn diện hay phiến diện. Điển hình là Đức Phật, bậc Thế Tôn của chư Thiên và loài người, sở dĩ có danh hiệu này là do tuệ tri được bản chất đó của năm uẩn: “Đối với năm uẩn, cái gọi là dục, là tham, là khát ái, những gì thuộc chấp thủ, tâm chấp trước. Như Lai đã đoạn tận chúng như chặt đứt gốc rễ cây không cho tái sinh. Nhờ vậy, Như Lai được gọi là du hành không gia đình, bậc Thế Tôn.”[14]

Cái vô thường, khổ, vô ngã như huyễn của năm uẩn được Đức Phật mô tả rất gợi hình, chính xác, linh động. Nó như là một công án, một thoại đầu, một pháp môn tu tập: không, vô tướng, vô nguyện: “Thân này không bền chắc, khác nào như bọt nước, như cây chuối, như cọng lau. Thân này vô thường niệm niệm không dừng, như làn chớp, nước dốc, ảo thuật, ngọn lửa, lằn vẽ trên nước. Thân này dễ hư rã như cây mọc bên bờ sông lở. Có ai là người trí mà lại ưa thích thân này. Đem hết nước biển đựng trong dấu chân trâu còn không khó bằng kể cho đủ sự vô thường, nhơ nhớp của thân này… Thế nên phải nhàm chán thân này như khạc nhổ đàm dãi. Vì những nhân duyên ấy, các vị thường phải tu pháp không, vô tướng, vô nguyện.”[15]

Và cái ngày lịch sử khi hay tin Đức Phật Niết bàn, tứ chúng đệ tử thiểu não, đau xót nhưng Đức Phật vẫn thản nhiên. Hơn thế nữa Ngài còn tận dụng phương tiện để thuyết minh tính vô thường, khổ, vô ngã, như huyễn lần chót cho chúng đệ tử:

“Các thầy Tỳ kheo nên nhớ rằng, mọi hiện tượng trên thế gian này đều chuyển biến vô thường. Có hợp phải có tan. Có sống phải có chết. Không có gì để các thầy phải ôm lòng quyến luyến. Bản chất thế gian là như vậy, các thầy hãy tinh cần, tinh tấn sớm xu hướng giải thoát. Sự ra đi của Như Lai như vứt bỏ căn bệnh dữ, tức là hợp thể năm uẩn, vật mang tính vô thường, vô ngã, như huyễn, tạm gọi là thân. Thế nên, nó luôn chịu sự chi phối khốc liệt của sinh lão bệnh tử. Người có tuệ giác sẽ không hệ lụy nó.”[16]

Và trong khi những giọt nước mắt lã chã nhỏ trên đôi má già nua của cư sĩ Thuần Đà, Đức Phật vẫn kiên định khai thị chân lý bất di bất dịch này:

“Chớ nên khóc than tiều tụy, ông phải hiểu rằng thân này như cây chuối, như ánh nắng, như bọt nước, như huyễn hóa, như làn chớp, như hình vẽ trên nước, như bức dệt đã hết khổ… phải quán sát các hành pháp như món ăn lẫn chất độc, pháp hữu vi nhiều tai hại.”[17]

Ở Kinh Duy Ma Cật, Duy Ma Cật còn ví sự huyễn hóa, vô ngã của thân, của hợp thể năm uẩn như là lông rùa, sừng thỏ, những pháp chỉ có giá trị mặc ước, giả danh, không thật thể, không hiện hữu của một ngã tính: “Bồ Tát quán thân này như trăng dưới nước, như tượng trong gương, như dương diệm, như tiếng vang, như mây giữa trời cho đến không thể tưởng tượng nổi: lông rùa, sừng thỏ.”[18]

Sự diễn tả tính vô ngã, như huyễn của hợp thể năm uẩn ở các kinh rất đa dạng, phong phú nhưng đều cùng một mục đích giáo dục duy nhất là giúp cho người học Phật nhận thức rằng: “Các hợp thể cấu tạo nên thân thể con người, không có một hợp thể nào tự nó là một ngã thể. Ngã thể không có nên hợp thể con người như huyễn mà thôi”. Mà như huyễn thì chúng ta không nên đam mê nó, hệ lụy nó.

4.- Phương pháp và mục đích tu tập

Mục đích phân tích tính vô thường, khổ, vô ngã, như huyễn của năm uẩn con người là nhằm cho con người thức tri nó như một quy luật phổ biến gắn liền với bản chất như thị của năm uẩn. Hoàn toàn không có nghĩa mổ xẻ nó để bi quan hóa nhận thức tư tưởng của con người. Do đó, mục đích của Phật giáo phân tích quán vô ngã, là đem lại cái nhìn chánh kiến cho con người trên cơ sở đó, thăng hoa nhận thức quan của con người giúp con người vượt lên trên vị dục, vị ngọt của năm uẩn mà hướng đến vị xuất ly của nó, tức là quán chiếu, tu tập và giải thoát. Mục đích như vậy là mục đích hết sức nhân bản và đáng được đề cao. Nhưng để thực hiện được điều này, đòi hỏi chúng ta phải có phương pháp tu tập cụ thể.

a/ Lợi ích đầu tiên mà kinh gọi là giải thoát khỏi khổ uẩn là do tùy quán và nhận chân được bản chất của năm thủ uẩn: “Ai sống tùy quán trong năm uẩn, vị ấy sẽ liễu tri thật chất của năm uẩn. Do liễu tri, vị ấy giải thoát khỏi năm uẩn. Giải thoát năm uẩn là giải thoát khỏi sinh già bệnh chết ưu bi khổ não. Ta nói vị ấy thoát khỏi đau khổ.”[19]

b/ Chúng ta có thể bắt đầu tu tập pháp quán vô ngã như huyễn bằng cách liên quán biện chứng tam pháp ấn: vô thường, khổ, vô ngã. Từ mỗi biện chứng, ta đều phải tuệ tri được, không có cái gọi là ngã, ngã sở hữu: “Ngũ uẩn, này các Tỳ kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã phải như thật quán với chánh trí tuệ cái này không phải tôi, cái này không phải sở hữu của tôi.”[20] Từ đó, nhận chân rõ tất cả các yếu tố cấu tạo nên từng uẩn một trong năm uẩn cũng như vậy.

“Ngũ uẩn là vô thường, khổ, vô ngã. Cái gì là nhân là duyên cho năm uẩn sinh khởi cái ấy cũng vô thường, khổ, vô ngã. Năm uẩn hình thành từ cái vô thường, khổ, vô ngã thì làm sao nó thường, không khổ, ngã được.”[21] Nghĩa là phải quán sát tuệ tri tận bản chất gốc rễ của nó.

c/ Để thành tựu như lý chánh kiến về năm uẩn quán, về tứ đại tính quán, chúng ta có thể quán tính “phi tướng, vô tướng” của năm uẩn. Nghĩa là không chấp năm uẩn là tự nhiên sinh, là do thần ý sinh, không chấp tướng ngã, nhẫn, chúng sinh, thọ giả: “Bạch Thế Tôn, sắc ấm chẳng phải tự, chẳng phải tha, chẳng phải nhân, chúng sinh, thọ giả. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Tôi quán như thế mà chứng chánh pháp nhãn.”[22]

d/ Người tu quán vô ngã như huyễn cần có cái nhìn sâu sắc, vi tế. Nghĩa là không chấp thủ, luyến ái, đam mê năm uẩn dù là quá khứ, hiện tại hay vị lai. Nhờ có cái nhìn như vậy mà không hệ lụy, giải thoát. “Năm uẩn là vô thường, khổ, vô ngã, trong quá khứ, vị lai nói gì là hiện tại. Thấy vậy, vị thánh đệ tử nghiên cứu nhiều đối với năm uẩn quá khứ không nuối tiếc, đối với năm uẩn vị lai không hoan hỷ, đối với năm uẩn hiện tại hướng đến yểm ly, đoạn diệt.”[23]

e/ Hay cũng có thể quán tính chất của các sắc, của các cảm thọ, của các tưởng, của các hành, của các thức ở trong ba thời, từ thô đến tế đều là phi ngã, phi ngã sở: “Này các Tỳ kheo, phàm sắc gì (bốn uẩn kia tương tự) quá khứ, vị lai, hiện tại hoặc thô, hay tế, hoặc nội, hoặc ngoại, hoặc liệt, hoặc thấp, hoặc xa hay gần… tất cả phải như thật quán với chánh trí tuệ rằng cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã tôi.”[24]

g/ Cần phải có cái nhìn rằng năm uẩn sẽ đem lại đau khổ cho người hệ lụy. Do đó phải quán tính hiểm nguy của nó. Do quán tính hiểm nguy mà chúng ta nhàm chán, viễn ly nó. Nhờ vậy được giải thoát: “Này các Tỳ kheo, nếu không thấy được tính hiểm nguy của năm uẩn thời các loài hữu tình không có yểm ly đối với sắc.”[25]

Pháp quán tính hiểm nguy của năm uẩn để đoạn trừ dục lậu còn được cụ thể hóa qua hình ảnh than đỏ: “Ngũ uẩn, này các Tỳ kheo, là than đỏ. Hãy nhàm chán nó. Do nhàm chán nên giải thoát. Ngay cái quán vô thường, người ta đoạn trừ được lòng dục.”[26] Hoặc “Do tu tập vô thường tưởng tất cả dục tham, sắc tham, hữu tham và vô minh được đoạn tận. Tất cả ngã mạn được tận trừ.”[27]

h/ Ngoài ra, hành giả cũng có thể quán sự hý luận của các quan niệm chấp ngã trong ba thời: “Này các Tỳ kheo, các người cần phải học tập, tôi là, là một hý luận. Cái này là tôi, là một hý luận. Hý luận, này các Tỳ kheo, là tham, là mụt nhọt, là mũi tên, là ngã mạn.”[28]

i/ Qua Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật còn dạy rằng muốn chứng đắc Niết bàn, phải quán vô ngã, vô thường, để diệt trừ tâm ngã mạn. Như vậy, vô ngã như huyễn quán có công năng diệt trừ mạn tâm: “Bạch Thế Tôn, không có lý do gì khen cây chuối là cứng chắc. Cũng vậy, không có gì khen ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, dưỡng dục, tri kiến, tác giả, là chân thật được… Bản chất các pháp là vô ngã, vô ngã sở. Tu như đây thời trừ được ngã mạn. Rời ngã mạn thời chứng Niết bàn. Bạch Thế Tôn, không bao giờ có dấu chân chim bay nơi hư không. Người tu tập quán vô ngã, không còn các kiến chấp.”[29]

k/ Kinh Tăng Chi còn cho biết, người quán vô ngã như huyễn đúng mức, không chỉ ly dục, ly ác pháp mà còn chứng đắc sơ thiền, cộng trú với chư thiên: “Này các Tỳ kheo, có người ly dục, ly ác pháp, chứng sơ thiền là do khi nhìn thấy các pháp thuộc về sắc, thuộc thọ, tưởng, hành, thức, vị ấy tùy quán là vô thường, khổ, là bệnh, là một ung nhọt, là mũi tên, là bất hạnh, là hoại diệt, là rỗng không, là vô ngã. Nhờ vậy, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy cộng trú với chư thiên ở Tịnh Cư Thiên.”[30]

l/ Kinh Duy Ma Cật, cư sĩ Duy Ma Cật còn nhấn mạnh, tất cả mọi chấp thủ đều đặt nền tảng ở chấp ngã và ngã sở. Giải thoát được chấp thủ là viễn ly, là xa lìa nhị nguyên kiến, đạt được bình đẳng quan: “Thế nào là viễn ly? Lìa ngã và ngã sở. Ngã và ngã sở là nhị pháp, lìa nhị pháp là không chấp nội ngoại, thô tế v.v… đạt được bình đẳng.”[31]

Trên đây là mười pháp quán vô ngã cụ thể, nhưng cũng chỉ trình bày ngắn gọn. Các phương pháp tu tập vô ngã như huyễn và lợi ích đem lại từ pháp quán này còn rất nhiều trong kinh cả Nam truyền lẫn Bắc truyền, ở đây không tiện trưng dẫn hết. Điều mà chúng ta cần lưu ý ở phép quán này là thẩm sát vô thường như là một cơ sở kiến tạo chánh kiến về nhân sinh quan, vũ trụ quan trong Phật giáo. Nó giúp cho hành giả có nhận thức chánh kiến về con người và vũ trụ với những thuộc tính như là bản chất, là vô thường (vận động), khổ (tương đối), vô ngã (không đồng nhất, không cố thể). Hành giả sau một thời gian quán chiếu với trí tuệ, sẽ giải thoát mọi tâm lý hệ lụy chấp thủ, tâm được tự tại giải thoát. Pháp quán như vậy là cần thiết cho mọi người, mọi đối tượng. Nếu người ta muốn thăng hoa nhận thức cũng như mức độ tu tập cho chính mình và quán như vậy sẽ mang lại nhiều lợi ích không nhỏ, làm nhân cho tiến trình giác ngộ, giải thoát.

 

 


[1] Đại Bát Niết Bàn II, tr. 283.

[2] Đại Bát Niết Bàn II, tr. 283.

[3] Đại Bát Niết Bàn II, tr. 283.

[4] Đại Bát Niết Bàn II, tr. 327.

[5] Đại Bát Niết Bàn I, tr. 452-453.

[6] Tăng Chi II, tr. 259.

[7] Tương Ưng III, tr. 136.

[8] Tương Ưng III, tr. 38.

[9] Tương Ưng III, tr. 170-171.

[10] Tương Ưng III, tr. 172.

[11] Tương Ưng II, tr. 33.

[12] Tương Ưng III, tr. 13.

[13] Tương Ưng III, tr. 201.

[14] Tương Ưng III, tr. 11.

[15] Đại Bát Niết Bàn I, tr. 24-25.

[16] Kinh Di Giáo.

[17] Đại Bát Niết Bàn I, tr. 61.

[18] Kinh Duy Ma Cật, phẩm 7, tr. 79.

[19] Tương Ưng III, tr. 50.

[20] Tương Ưng III, tr. 26.

[21] Tương Ưng III, tr. 28.

[22] Đại Bát Niết Bàn II, tr. 524.

[23] Tương Ưng III, tr. 23-25.

[24] Tăng Chi I, tr. 329.

[25] Tương Ưng III, tr. 36.

[26] Tương Ưng III, tr. 213.

[27] Tương Ưng III, tr. 185.

[28] Tương Ưng IV, tr. 208.

[29] Đại Bát Niết Bàn I, tr. 77-78.

[30] Tăng Chi I, tr. 508.

[31] Kinh Duy Ma Cật, phẩm 5, tr. 62.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 8857)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 7995)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 9564)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9118)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..