Chương 33: Tỳ Kheo-chiến Sĩ Diệt Lậu Hoặc

18 Tháng Giêng 201100:00(Xem: 13355)

Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
TÌM HIỂU KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản Thời Đại 2010

Chương 33: Tỳ kheo-chiến sĩ diệt lậu hoặc

I. DỊCH NGHĨA

Đức Phật dạy rằng: Người hành đạo giải thoát như một chiến sĩ chiến đấu với muôn người. Nhưng có kẻ thì mới mặc giáp ra đến ải đã khiếp nhược, có kẻ nửa đường thì lui về, có kẻ đánh quyết liệt đến chết và quyết thắng trở về. Bậc sa môn hành đạo cũng như chiến sĩ đắc thắng khải hoàn, nghĩa là kiên trì tâm ý, tinh tấn, dũng mãnh, không sợ tiền cảnh quyết diệt chúng ma, thành tựu đạo quả mới thôi.

II. LƯỢC GIẢI

1/ Điều chúng ta ghi nhận đầu tiên là rất có thể nội dung kinh văn chương này được hai dịch giả Ma Đằng và Trúc Pháp Lan lược trích từ Kinh “Người Chiến Sĩ” (số 75 – A.III, 89) trong phẩm Chiến Sĩ thứ 8 của Tăng Chi II, tr. 94-99, khi Đức Phật ví hạng Tỳ kheo với năm loại chiến sĩ:

a/ Hạng chiến sĩ chỉ thấy “bụi mù dấy lên” đã chùn chân, không còn can đảm tham gia chiến trận. Cũng vậy, có hạng Tỳ kheo chỉ nghe nói về thiếu nữ, phụ nữ đẹp, duyên dáng đã chùn chân rùn chí, không còn can đảm, không tiếp tục đời sống phạm hạnh.

b/ Hạng chiến sĩ chịu đựng được bụi mù, nhưng khi thấy cờ xí dựng lên, chùn chân, mất can đảm không tham gia chiến trận. Cũng vậy, có những hạng Tỳ kheo bất động trước những gì nghe được về thiếu nữ, phụ nữ đẹp, duyên dáng, nhưng khi mục kích diện kiến lại chao lòng, chùn chân, không còn can đảm, trở lui đời sống thế tục.

c/ Hạng chiến sĩ chịu đựng được bụi mù, chịu đựng được cờ xí dấy lên, nhưng khi nghe tiếng la hét lại chùn chân mất can đảm, không dám xáp trận. Cũng vậy, có hạng Tỳ kheo khi có nữ sắc đến cười duyên cợt nhã đưa tình liền chùn chân, không còn can đảm, trở lui đời sống thế tục.

d/ Hạng chiến sĩ chịu đựng được bụi mù, chịu đựng được cờ xí dấy lên, chịu đựng được tiếng la hét, nhưng khi lâm trận xáp chiến bị thương liền thất tâm. Cũng vậy, có hạng Tỳ kheo ở nơi vắng vẻ, có nữ sắc đến ngồi nằm cạnh bên, vuốt ve mơn trớn, tuy không từ bỏ học tập, không hoàn tục, nhưng đã hành dâm với nữ sắc ấy.

e/ Hạng chiến sĩ chịu đựng được bụi mù, chịu đựng được cờ xí dấy lên, chịu đựng được tiếng la hét, chịu đựng được xáp chiến lâm trận dù thương tật, cuối cùng dành được chiến thắng trong chiến trận. Cũng vậy, có hạng Tỳ kheo ở nơi vắng vẻ, có nữ sắc đến ngồi nằm cạnh bên, vuốt ve mơn trớn, nhưng vị ấy sáng suốt không bị cám dỗ, mạnh dạn gỡ thoát và ra đi nơi nào mình muốn rồi kiết già để niệm trước mặt, đoạn tận thứ lớp tham, sân, si, trạo hối, hôn thùy, chứng đạt sơ thiền đến tứ thiền, tâm tịnh tĩnh rõ biết “Đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt”, và như thật rõ biết “Đây là lậu hoặc, đây là lậu hoặc tập khởi, tâm là lậu hoặc đoạn diệt, đây là con đường đưa đến lậu hoặc đoạn diệt”. Vị ấy rõ biết sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái sinh tử này nữa.

Ở đây kinh văn được hai dịch giả Ma Đằng và Trúc Pháp Lan rút ngắn chủng loại chiến sĩ Tỳ kheo từ năm còn bốn và có thay đổi ít nhiều nội dung, nhưng vẫn toát lên tinh thần chiến đấu ma quân nội tâm, ngoại cảnh của các chiến sĩ Tỳ kheo. Cái hay của dịch giả ở chỗ đúc kết lại nội dung thật ngắn gọn, dễ nhớ, mà không làm mất tinh thần ý nghĩa chuyên chở trong nguyên tác, âu cũng là bài học kinh nghiệm cho công việc phiên dịch tạng ngoại ngữ sang tạng quốc ngữ của chúng ta, vừa thuần Việt hóa, thoát văn, vừa chuyên chở đủ tinh thần nội dung của nguyên tác.

2/ Điều quan trọng khác mà chúng ta cũng cần ghi nhớ là tỷ lệ chiến sĩ đắc thắng khải hoàn trong nguyên tác là 1/5, và trong kinh văn là một phần tư (1/4) cũng nói lên được cái gian lao, khó khăn vô vàn trên con đường tu tập phạm hạnh, hướng đến giải thoát. Và thật vậy, thành quả giải thoát của hành giả là ở sự nỗ lực, tinh tấn, xem thường các thú vui thế tục, buông bỏ tất cả để đạt được giải thoát. Nó đòi hỏi ở con người hành giả cái giá rất đắt: phải duy trì phạm hạnh ở từng phút giây và ở mọi nơi, xem thường nữ sắc, nữ dục… Đây cũng chính là nguyên lý của mọi thành công. Thành công là kết quả của nỗ lực, kiên quyết, như chính khách Phan Bội Châu nói: “Nếu phải đường đời bằng phẳng hết, anh hùng hào kiệt có hơn ai” hay “Dục thành sự nghiệp, tinh thần cánh yếu đạo”[1] và Phật giáo thì nói “Trên đường đạo không gì bằng tinh tấn, không gì bằng trí tuệ của đời ta. Sống điêu linh trong kiếp sống Ta bà, chỉ tinh tấn là vượt qua tất cả”. Điều này gián tiếp khích lệ chúng ta nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa trong đời sống phạm hạnh để với đến thành quả giải thoát.

3/ Vấn đề giải thoát là ở chỗ kiên trì tâm ý, tinh tấn, dũng mãnh, thông rõ tiền cảnh (năm dục và sáu trần) quyết diệt chúng ma (nội ma, ngoại ma) chứ không phải hình thức chiếc áo, cái đầu hay van xin, cầu nguyện.

4/ Để có cái nhìn rộng hơn về hạnh chiến sĩ của Tỳ kheo chúng ta nên tham khảo thêm Tăng Chi II, tr. 99-106, Tăng Chi I, tr. 457-462 và 564-565…

 


[1] Hồ Chí Minh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 9068)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 8076)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 9703)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9225)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..