Con Mắt Còn Lại

01 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 10390)

GƯƠM BÁU TRAO TAY
Đỗ Hồng Ngọc
Nhà xuất bản Phương Đông

Con mắt còn lại

Phật bỗng hỏi Tu Bồ Đề, ông nghĩ sao? Như Lai có “mắt thịt” không? Dạ có! Như Lai có mắt thịt! Tu Bồ Đề vội đáp. Hỏi ta, chắc ta ấp úng, không dám nói. Ta dễ nghĩ rằng Phật hẳn chỉ có phật nhãn (mắt Phật) còn phàm phu chúng ta mới có nhục nhãn (mắt thịt) chứ, ai dè kinh Kim Cang nói Phật cũng có nhục nhãn như phàm phu, chẳng cũng khoái ru? Và lòng tự tin trong ta bỗng dâng lên. Ta có khác gì Phật đâu, chẳng qua… Hèn chi mà Bồ tát Thường Bất Khinh gặp ai cũng cung kính vái chào “Xin chào ngài, một vị Phật tương lai… “. Thế rồi Tu Bồ Đề dạ có, dạ có, năm lần cả thảy! Thì ra Phật có đủ cả năm thứ con mắt: nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn… Những 5 thứ mắt ư, có nhiều quá lắm không?

Dĩ nhiên “mắt” là để nhìn, để “thấy”! Và, nhiều loại con mắt là để thấy nhiều … kiểu khác nhau – nói khác đi là để nhìn dưới nhiều “quan điểm”- chứ không khư khư bám chặt lấy quan điểm của mình, khư khư cho rằng mình đúng người sai để chí chóe hoặc để thựơng cẳng tay hạ cẳng chân! “Thấy” như thế nào là một chuyện hệ trọng. Thấy thế nào sẽ dẫn tới nghĩ suy, nói năng, hành động thế đó! Thấy sai sẽ suy nghĩ, hành động sai. Cho nên Quán Thế Âm bồ tát mới có nghìn mắt nghìn tay mà trên mỗi bàn tay đều có một con mắt!

Thấybiết liên quan chặt chẽ với nhau nhưng không phải là một! Thấy vậy mà không phải vậy, không phải vậy mà vậy! Thấy có thể dẫn đến cái biết, nhưng biết không ở chỗ cái thấy. Bởi thấy do mắt còn biết thì do… “não”! Vậy mới có xung đột, mười người mười ý, mới có “điên đảo mộng tưởng”! Biết rộng dễ thấy rộng – nhìn xa trông rộng- biết ít dễ thấy hẹp, thiên kiến, thiển cận! Ếch ngồi đáy giếng!

Trong Bát chánh đạo thì Chánh kiến ở vị trí số một! “Kiến” mà không chánh thì dễ lệch lạc! Chánh kiến rồi mới có chánh tư duy! Không thì cứ loay hoay không lối thoát hoặc hý luận chẳng tới đâu!

Thấy và biết có khi xa lơ xa lắc dù cũng căn đó cũng trần đó! Chuyên kể hai vợ chồng nhà kia đang xem xiếc trong rạp. Cô diễn viên trẻ đẹp mặc một bộ đồ biểu diễn rất hấp dẫn đang treo toòng teng trên chiếc đu bay! Người vợ bỗng kêu lên: Bên dưới không có gì hết!Anh chồng gật đầu đồng ý. Nhưng sau một lúc nhìn kỹ lại, anh nói: Không phải! Bên dưới có lớp vải màu da người đó chứ! “Tôi muốn nói không có lưới bảo đảm dưới cái đu bay, còn ông đang nói về cái gì vậy hử?”! Thì ra, yêu nhau là cùng nhìn về một hướng nhưng thấy… khác nhau! Người vợ thì… từ bi, ông chồng thì… từ ái!

Chỉ riêng nhục nhãn, mắt thịt, đủ lôi thôi rồi! Nhãn cầu to hơn một chút đã sinh tật cận thị, trông gà hóa cuốc Giác mạc cong không đều một chút, đã sinh loạn thị, nhìn cái gì cũng méo mó. Rồi loạn sắc, quáng gà… đủ thứ! Rồi cườm nước, cườm khô, bong võng mạc, thoái hóa hoàng điểm, hoa đốm hư không, cứ tưởng tại không gian ai ngờ tại mắt mình lão hóa! Khi mất dao thì cái mắt thịt đó thấy người nào cũng giống kẻ ăn cắp dao. Mắt thịt chỉ là một cấu trúc của “tứ đại” giúp ta thấy - mà không giúp ta biết. Cái biết nằm ở đằng sau kìa. Nằm ở vỏ não, ở thùy chẩm kìa. Mắt thịt chỉ tiếp thu ánh sáng, hình thể, màu sắc… rồi dẫn truyền về cho não phân tích, tổng hợp, so sánh… Tâm thức thế nào thì vạn pháp thế đó. Mặc sức mà vẽ vời. Mặc sức mà diễn dịch, mà phê phán, nhận xét, rồi chí chóe, rồi sứt càng mẻ gọng vì những “nhỡn quan” khác nhau! Mắt thịt không có lỗi! Căn trần gặp nhau tạo ra “tướng” thì cái tướng cũng không có lỗi! Chính cái tâm ta nhiễu sự, “dán” vào cái tướng đó mới thành cái “tưởng”, mới sinh sự. Mà sinh sự thì sự sinh! Các vị Alahán đựơc gọi là “vô sinh” bởi họ đã được giải thoát!

Vấn đề là chuyển hóa cái tâm đó cách nào, huấn luyện cái tâm đó ra sao, để thấy cho đúng và biết cho đúng. Từ cái tâm “điên đảo mộng tưởng”, cái tâm luôn sinh sự, xuyên tạc, lăng xăng, căng thẳng, mệt mỏi đến cái tâm “vô sinh”, vô sự, vô hành… thảnh thơi vui thú có khó lắm không? Khó, nhưng có thể. Miễn là phải tinh tấn, phải thiền định… để đạt đến trí tuệ. Khi rèn tập như vậy, dần dà ta có những con mắt… mới!

Thiên nhãn- mắt thần – là những loại… siêu âm, nội soi, chụp cắt lớp (MRI) bây giờ! Nó cũng là… kính hiển vi điện tử, phóng lớn hằng triệu lần, là viễn vọng kính khổng lồ… nhìn xa hằng triệu năm ánh sáng! Thời Phật chưa có hiển vi điện tử, chưa có viễn vọng kính, chưa có siêu âm, chụp cắt lớp… vậy mà Phật vẫn thấy đựơc trong ly nước kia có vô số những vi sinh vật, thấy đựơc tam thiên đại thiên thế giới chớ không phải chỉ mình ta cô độc trên quả địa cầu! Quả là Phật có … thiên nhãn! Các nhà khoa học thường dừng lại ở thiên nhãn. Bởi họ chỉ lo tìm kiếm, phát hiện những thứ ở bên ngoài mà quên nhìn vào bên trong, khám phá, phát hiện những thứ từ bên trong. Trừ những nhà khoa học cỡ như Einstein. Gần đây có vẻ các nhà vật lý học, các nhà y sinh học, với những tiến bộ khoa học kỹ thuật của mình đã có thể “thấy” ra nhiều chuyện lạ, và họ đã giật mình không ít. Tuệ nhãn là con mắt thứ ba, con mắt bất nhị, con mắt nhìn rõ chân không mà diệu hữu, vô thường, vô ngã. Tuệ nhãn có khi là đủ. Đủ để dừng chân, đủ để quay đầu lại. Đủ để vượt qua “bờ bên kia”. Tủm tỉm cười một mình. Ung dung. Tự tại.

Thế nhưng, hình như mọi sự không dừng lại ở đó. Nếu chỉ vậy thì đức Phật có lẽ sẽ quanh quẩn dưới gốc cây bồ đề việc gì phải lặn lội gió mưa đi khất thực và truyền trao giáo pháp suốt cả cụôc đời? Những vị học trò của Phật chắc cũng yên bề tự tại, có đâu buổi truyền trao “gươm báu” nhằm hướng dẫn một lớp trai thiện gái lành dấn thân vào đời làm những vị Bồ tát hôm nay? Cho nên cần có “pháp nhãn”! Con mắt pháp (pháp nhãn) là một “con mắt” lý tưởng, hoài bão cao đẹp, có phần “lãng mạn” nữa! Muốn vậy họ phải xả thân, phải chí nguyện, và trước hết phải… “chủng ngừa” đầy đủ cho chính mình trước khi xuống núi! Không chủng ngừa đầy đủ, họ dễ bị nhiễm ô, mắc bệnh! Kinh Kim Cang lụôn nghiêm khắc nhắc nhở chưa có điều này thì chưa xứng danh Bồ tát, chưa có điều kia thì chưa xứng danh Bồ tát ! Có con mắt pháp đó họ mới đủ sức thỏng tay vào chợ. Anh chàng Tất Đạt trong “Câu chuyện của dòng sông” (Hermann Hess, Phùng Khánh dịch) là một điển hình! Một vị sa môn, lăn lóc vào đời, gặp một người đàn bà đẹp, tham gia vào chuyện buôn bán làm ăn, mới đầu mọi thứ trôi chảy nhưng sau thì… sụp đổ hoàn toàn. Chàng tuyệt vọng, sắp tự tử bên bờ sông, chợt nghe được lời mách bảo của dòng sông mà đại ngộ! Lần này thì “ngộ” thiệt! Lần trước – dưới màu áo sa môn- tưởng ngộ mà chưa ngộ. Thế rồi chàng trở thành một lão già chèo đò, ngày ngày đưa khách sang sông! Có pháp nhãn rồi mới có thể tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên đó vậy!

Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? Như lai hữu Phật nhãn phủ? Tu Bồ Đề, ông nghĩ sao? Như lai có Phật nhãn không? Phật mà không có phật nhãn thì ai có? Nhưng phật nhãn là gì? Là cái thấy cái biết của Phật, là “tri kiến Phật”. Ba chục năm trước khi chưa đi tu thấy núi là núi, thấy sông là sông, sau nhân theo bậc thiện tri thức chỉ cho chỗ vào, thấy núi chẳng phải núi, sông chẳng phải sông, rồi nay thể nhập chốn yên vui, tịch tĩnh, lại thấy núi là núi, sông là sông… Một thiền sư bộc bạch.

Phật không cần phải tốn nhiều thời gian đến thế, với cái nhìn Phật nhãn, cái “tri kiến Phật” thì núi bao giờ cũng là núi và sông bao giờ cũng là sông. Nhưng đó là một cái núi khác, cái sông khác, cái núi của ‘sắc tức thị không” và cái sông của “không tức thị sắc”, không vướng bận, không dính mắc.

Bùi Giáng, một thi sĩ thấm đẫm Kim Cang thường hạ những câu “hà dĩ cố” trong thơ có lần viết “ Còn hai con mắt khóc người một con…” mà Trịnh Công Sơn đã nối theo: Còn hai con mắt một con khóc người! Con mắt còn lại…? Ừ, con mắt còn lại thì sao nhỉ? Con mắt còn lại… nhìn một thành hai, nhìn em yêu thương nhìn em thú dữ… Con mắt còn lại là con mắt ai? Con mắt còn lại nhìn tôi… thở dài! “ (TCS). Phải rồi, cái con mắt còn lại quả thực là con mắt gây phiền hà! Nó bị diplobie, nhìn một thành hai! Nhưng người bị diplobie thì nhìn một thành hai giống hệt nhau còn đầu này nó nhìn em… yêu thương thành em thú dữ, rồi còn “ nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp…”, nghĩa là cái nhìn đầy hận thù, hằn học, “phân biệt đối xử”! Nó như của ai khác- “con mắt còn lại là con mắt ai?”- nó quan sát ta, nhìn ngắm ta và rồi nó …thở dài thấy mà ghét! Thở dài, bởi nó thấy ta tội nghiệp! Thấy ta đáng đời! “ Ta đã làm chi đời ta?” (VHC); rồi “… đời tôi ngốc dại, tự làm khô héo tôi đây…” (TCS). Chi mà khổ rứa? Đó chính là con mắt của “Thức”. Của biện biệt, so sánh, đếm đo. Khi “thức” biến thành “trí” thì mọi chuyện đã khác! Trí là trí tuệ, ở đây là Prajnã, Bát Nhã! Lúc đó, Con mắt còn lại / nhìn đời là không / nhìn em hư vô/ nhìn em bóng nắng không, chứ không phải bằng không! Là không, đó là cái không của có, cái có của không. Không bất dị sắc. Không tức thị sắc. Duyên sinh. Vô thường, Vô ngã… Tóm lại, còn hai con mắt…” khóc người một con” kia là con mắt của Bi! “Con mắt còn lại nhìn đời là không” này chính là con mắt của Tuệ. Bi mà không có Tuệ (Trí ) thì cứ sẽ khóc hoài, dỗ không nín. Nên cần có con mắt Tuệ để “giải thoát”. Giải thoát cho mình và giải thoát cho người, dĩ nhiên.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Năm 2016(Xem: 10651)
19 Tháng Ba 2016(Xem: 8272)
Bịnh trầm kha của con người là thích tìm tòi những giải đáp thắc mắc cao siêu để thỏa mãn óc hiếu kỳ mà thiếu thực tế với đời sống, thích luận bàn những việc xa vời viễn vong không tưởng hơn là thực hành để đem lại an lành hạnh phúc bản thân. Chứng bịnh trầm kha nầy đã đẩy con người sống chơi vơi trong huyền đàm phiếm luận của thiết thực đến đời sống đạo đức tiến bộ. Vì vậy số người mang danh hành đạo thì nhiều mà chứng đạo thì gần như gợn mây mỏng trong bầu trời giáo pháp. Để tránh mắc phải bịnh năng thuyết bất năng hành, cổ đức đã khuyên: Muốn đạt thành tâm nguyện tiến bộ thì cần phải “tri hành hợp nhất, trí đức tương ưng”.
22 Tháng Ba 2016(Xem: 7188)
Kinh tâm - Bát nhã ba la mật đa là một bản kinh được rút ra từ bộ kinh Đại Bát nhã, gom lại thành 262 từ. Qua nhiều thế hệ dịch thuật, các dịch giả đã viết bài kinh này lên lá bối. Đến thế kỷ thứ VII, ngài Huyền Trang đã cho khắc bản kinh tâm này vào đá ở tại chùa Bạch Mã, nơi ngài trụ trì.
22 Tháng Ba 2016(Xem: 6408)
Tại thành Xá Vệ, vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo-ni Avalika khoác y ôm bình bát, đi vào thành Xá Vệ để khất thực. Khi Tỳ-kheo-ni đi khất thực ở thành Xá Vệ và trở về, sau bữa thọ trai của mình, Tỳ-kheo-ni đi đến vườn cây của ông Cấp-Cô-Độc để nghỉ vào ban ngày. Khi vào sâu trong vườn cây Cấp-Cô-Độc, Tỳ-kheo-ni ngồi xuống dưới một gốc cây để thiền quán.
02 Tháng Giêng 2016(Xem: 7532)
Kinh "Chiếc lưới ái ân" được dịch từ kinh Pháp Cú, Hán tạng. Chữ "ái ân" nằm ngay trong bài kệ thứ ba của kinh, câu “Nhân vi ân ái hoặc”. Trong kinh có sử dụng hình ảnh chiếc lưới để ví với sự mất tự do của một người khi bị vướng vào ái dục.
18 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 8854)
Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh là bài kinh được tụng đọc tại các chùa theo hệ thống Phật Giáo Đại Thừa, là bài kinh rất phổ thông được nhiều người đọc thuộc, nhưng về ý nghĩa thì cũng có nhiều gút mắc vì kinh được tụng đọc bằng âm Việt nhưng phải hiểu theo nghĩa tiếng Hán. Nhân 3 tháng an cư Kiết Đông 2015 tại Tổ Đình Thiền Tánh Không, Perris, California, chúng tôi được giảng dạy và ôn tập lại bài kinh này và hôm nay có ý muốn ghi lại chia sẻ cùng các bạn có nhu cầu muốn nghiên cứu tìm hiểu.
29 Tháng Năm 2015(Xem: 8310)
Viên Giác là Chân Tâm thanh tịnh của chư Phật, của tất cả chúng sanh cùng toàn thể vũ trụ. Như thế tôi nghe, một thời Phật nhập chánh định thần thông Đại Quang Minh Tạng, là chỗ trụ trì quang nghiêm của tất cả Như lai, đó chính là giác địa thanh tịnh của tất cả chúng sanh. Thân tâm tịch diệt, bình đẳng suốt ba đời, viên mãn khắp mười phương
22 Tháng Năm 2015(Xem: 14229)
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đưa người ta đến một sự chuyển hóa toàn triệt và toàn diện cuộc đời sanh tử khổ đau manh mún bởi chia cắt, phân biệt, oán ghét và xung đột của mình bằng cái thấy biết chân thật của Phật (tri kiến Phật).
16 Tháng Năm 2015(Xem: 12688)
Năm 2003, tôi cho ấn hành cuốn Nghĩ Từ Trái Tim, viết về Tâm Kinh. Thật ngạc nhiên, nhiều bạn đọc gần xa rất chia sẻ, có bạn lại mong có được bản dịch Anh ngữ để cho con em họ – thế hệ thứ hai – ở hải ngoại không rành tiếng Việt được đọc và hiểu Tâm Kinh Bát Nhã. Đến năm 2008, sau khi nghiền ngẫm, thực hành Kim Cang, tôi cho ra mắt cuốn Gươm Báu Trao Tay,