01. Minh Duyên Khởi

17 Tháng Mười Hai 201100:00(Xem: 9998)

CON SƯ TỬ VÀNG CỦA THẦY PHÁP TẠNG
Hoa Nghiêm Kim Sư Tử Chương
Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2011

01

Minh duyên khởi
Làm sáng tỏ lý duyên khởi

_______________________

Minh duyên khởi
Vị kim vô tự tính, tùy công xảo tượng duyên, toại hữu sư tử tướng khởi; khởi đãn thị duyên, cố danh duyên khởi.

Làm sáng tỏ lý duyên khởi
Vàng không có tự tính, nhờ có thợ khéo mà tướng sư tử sinh khởi. Sự sinh khởi ấy sở dĩ
có được là do nhân duyên nên gọi nó là duyên khởi.

 

Chúng ta có bản dịch bằng tiếng anh của ông Wing-Tsit Chan, một học giả người Trung Quốc. Bản tiếng Anh này có tên là A source book in Chinese philosophy do Princeton University Press xuất bản năm 1963. Giáo sư Chan đã từng là giáo sư triết học tại Chatham College ở Pittsburg, tiểu bang Pennsylvania và là giáo sư về văn hoá và triết học Trung quốc ở Darmouth College, Hannover, New Hampshire. Trước đó ông đã tốt nghiệp tại đại học Lĩnh Nam Trung quốc và có bằng tiến sĩ tại Harvard university. Ông bắt đầu giảng dạy ở Mỹ năm 1929. Ông đã tịch rồi.

Duyên khởi là sự sinh khởi của các pháp tùy trên điều kiện. Duyên tiếng Anh dịch là condition, khởi là sinh khởi, cũng có thể dịch là birth hay production. Trong bản tiếng Anh của giáo sư Chan, duyên khởi được dịch là things arise through causation. Nếu dịch ra tiếng Pháp thì có thể dùng chữ la genèse conditionnée, l´apparition conditionnée hay la génération conditionnée.

Ví dụ như một bông hoa, nhờ hạt giống, nhờ mưa, nhờ nắng, nhờ đất... mà bông hoa sinh khởi ra. Nhờ có những điều kiện mà sinh khởi thì gọi là conditioned arising (nhờ duyên mà khởi). Chúng ta có thể dùng một chữ khác hay hơn để thay cho chữ sinh khởi như chữ biểu hiện (manifestation, la manifestation conditionnée).

Vàng không có tự tính, nhờ có điều kiện là thợ khéo mà có tướng sư tử sinh khởi. Chúng ta nên biết rằng con sư tử thầy Pháp Tạng cầm trên tay để thuyết pháp là một ví dụ thôi. Thầy dùng hai hình ảnh để nói chuyện là vàng và sư tử, thêm vào đó là ông thợ. Trong sự liên hệ giữa vàng và sư tử có ông thợ chen vô trong đó. Nếu không có ông thợ thì vàng không bao giờ thành sư tử.

Vàng chính nó không có tự tính, nhờ điều kiện có thợ giỏi mới có tướng sư tử hiện ra. Sự có mặt của sư tử chỉ do duyên mà thôi, không duyên thì không có sư tử. Đó gọi là duyên khởi.

Trong đoạn này, chính nhờ ông thợ nên tướng sư tử mới hiện. Nhờ quán sát nên chúng ta mới thấy vàng trong tướng sư tử. Nếu không có sư tử thì làm sao thấy được vàng. Không thấy sóng thì làm sao thấy nước ? Nói tới duyên sinh ta thấy có hai loại: ông thợ là duyên khởi, vàng là tánh khởi. Tánh cũng là một loại duyên.

Bây giờ chúng ta dùng một ví dụ khác là nước và sóng. Giữa nước và sóng cũng có một liên hệ như là giữa vàng và sư tử. Sự liên hệ đó là anh chàng gió. Nếu gió không can thiệp vào thì làm gì có sóng nổi lên cho chúng ta thấy. Ở đây cũng vậy, nếu không có ông thợ khéo thì làm sao có được con sư tử. Qua đó, chúng ta thấy có ba điều kiện:

1. Vàng tượng trưng cho bản thể, nền tảng của những hiện tượng (base ontologique, ontological ground). Cũng như nước là nền tảng của sóng thì vàng là nền tảng của sư tử. Nếu không biểu hiện ra sư tử thì vàng biểu hiện ra cái gì? Nó có thể biểu hiện ra đôi bông tai, chiếc vòng hoặc dây chuyền.

Vàng cũng như chân như, như bản thể, là nền tảng cho những hiện tượng phát khởi. Nếu không có sự can thiệp của ông thợ thì chúng ta không thấy được sư tử, đôi bông tai..., không thấy được vàng, cũng như nếu không có sự can thiệp của gió thì không thấy được sự liên hệ giữa nước và sóng.

2. Sư tử tượng trưng cho thế giới hiện tượng (phenumenal world), hiện tượng giới. Trong khi học bài này ta phải biết con sư tử vàng thầy Pháp Tạng cầm trên tay chỉ là một ví dụ. Chúng ta đừng nên kẹt vào ví dụ.

Vàng không có tự tính, nhưng con sư tử thì có có, có không, có đẹp, có xấu. Đợt sóng thì có xuống, có lên, có cao, có thấp, nhưng nước thì không có tính đó. Sư tử, bông tai, dây chuyền..., có lớn, có nhỏ, có đẹp, có xấu. Nhưng vàng thì vượt thoát những cái đó, không nhỏ, không to, không đẹp, không xấu. Chúng ta không thể nói gì về vàng vì vàng là vô tính. Nhờ không có tự tính nên mới có ra được những hiện tượng trên thế giới (thế giới hiện tượng). Hiện tượng là phenumena.

3. Ông thợ tượng trưng cho duyên, cho điều kiện. Nhờ có điều kiện thợ khéo mà có tướng sư tử sinh khởi.

Chúng ta có thể nói đến bốn giáo lý về duyên khởi:

1- Nghiệp cảm duyên khởi (conditioned arising from Karma)

Nghiệp là hành động, những hành động thiện, ác, đẹp, xấu của mình. Chính những hành động đó đưa tới sự có mặt của mình và của hoàn cảnh của mình. Nghiệp cảm duyên khởi là conditioned arising from Karma. Nghiệp cảm duyên khởi đưa tới chánh báo và y báo. Chánh báo là con người, là ngũ uẩn của mình. Y báo là hoàn cảnh của mình. Đó là lời giải thích của các tông phái Tiểu thừa.

Sau khi Bụt nhập diệt khoảng 140 năm thì có những tông phái khác nhau ra đời. Thời gian đó gọi là thời gian Đạo Bụt Bộ phái. Trước đó có Đạo Bụt Nguyên thỉ và sau đó là Đạo Bụt Đại thừa. Đạo Bụt Nguyên thỉ đưa tới Đạo Bụt Bộ phái rồi Đạo Bụt Bộ phái đưa tới Đạo Bụt Đại thừa. Có tiến trình, có sự phát triển của sự tìm tòi, sự học hỏi, giống như trong khoa học vậy.

Đối với Đạo Bụt Bộ phái, như phái Hữu bộ, thì duyên khởi quan trọng nhất là nghiệp cảm. Do nghiệp cảm đưa tới quả báo gọi là Nghiệp cảm duyên khởi.

2- A lại gia duyên khởi (conditioned arising from the store of conciousness).

Khi bắt đầu đi sang Đạo Bụt Đại thừa thì Pháp tướng tông dạy về Duy Thức hay Duy Biểu, chủ trương :

Từ A lại gia thức hạt giống chín muồi và biểu hiện ra thành chánh báo và y báo. Chúng ta có thể thấy được sự tiếp tục và không trái chống nhau của Nghiệp cảm duyên khởi đến A lại gia duyên khởi. Ở A lại gia duyên khởi chúng ta có một cái nhìn khác rộng hơn, vậy thôi. Vì A lại gia cũng là nghiệp, A lại gia có những hạt giống (chủng tử), rồi tùy theo những hạt giống phát triển, được tưới tẩm như thế nào mà chúng ta có nghiệp. Duyên khởi căn cứ trên A lại gia, trên nghiệp mà phát khởi ra chánh báo và y báo.

3- Chân như duyên khởi (conditioned arising from suchness)

Chân như là thực tại căn bản, là nền tảng, là bản thể (ontological ground). Cũng như nước là nền tảng của sóng hay vàng là nền tảng của sư tử. Chân như là thực tại tự thân. Chúng ta không thể nói nước cao hay thấp, lớn hay nhỏ, có hay không, còn hay mất được. Cũng như các đợt sóng sinh khởi từ nước, thế giới hiện tượng phát khởi từ chân như. Bắt đầu chúng ta có ý niệm về tánh khởi tức là, từ bản thể (ontological ground) phát khởi ra hiện tượng ( phenumena).

4- Pháp giới duyên khởi (conditioned arising from the realm of the dharma)

Pháp giới duyên khởi hoàn toàn đứng trên phương diện hiện tượng mà nói. Pháp giới, tiếng Anh là the realm of Phenumena, tức là thế giới của các pháp. Các pháp nương vào nhau mà có.

Tóm lại, duyên khởi có ít nhất là bốn loại: Nghiệp cảm duyên khởi, A lại gia duyên khởi, Tánh duyên khởi và Pháp giới duyên khởi.

Tất cả các cái hợp thành một cái và một cái chứa đựng tất cả các cái. Đó là giáo lý của kinh Hoa Nghiêm. Trong giáo lý Hoa Nghiêm, người ta phân biệt ra Sự. là thế giới của bản thể (bản thế giới) và Sự là thế giới của hiện tượng (hiện tượng giới).

Chúng ta thấy đầu tiên là quan niệm về nghiệp khởi, thứ hai là thức khởi, thứ ba là tánh khởi và thứ tư là pháp giới duyên khởi. Đó là quá trình phát triển của tư tưởng Phật giáo.

Chúng ta ôn lại chương một:

Trước hết mình phải nhớ sư tử vàng là một ví dụ. Một ví dụ thì luôn luôn có khuyết điểm. Có ví dụ này hay hơn ví dụ kia ở chổ này nhưng dở hơn ví dụ kia ở chổ khác. Thay vì dùng sư tử vàng thì tôi dùng ví dụ đám mây, hơi nước. Trong khi nghe giảng về đám mây sẽ giúp cho quý vị hiểu rõ hơn về con sư tử vàng.

Vàng tượng trưng cho , tiếng Anh là principle. Nhưng chúng ta cũng có thể dịch lý là nền tảng, là bản thể (ontological ground). Vàng tượng trưng cho thể tánh (nature, substance), cho bản môn (ultimate dimension) hay chân như (suchness). Có khi gọi là lý tánh. Lý ở đây là lý nhân duyên hay lý duyên khởi (principle of conditioned arising).

Khi nói đến tánh, chúng ta có cảm tưởng đó là một chất liệu căn bản. Nhưng ở đây tánh có nghĩa là nguyên tắc căn bản. Lý nhân duyên là một nguyên tắc căn bản chứ không phải là một chất liệu.

Khi nói tới vàng chúng ta nghĩ đó là một chất liệu, kỳ thật vàng là một cái lý, là một căn bản trên đó phát hiện ra sư tử. Vàng ở đây đại diện cho không, nhưng không phải là không đối với có. Không này là không trong Tâm Kinh Bát Nhã, là cái vượt ra ngoài “cái có” và “cái không”.

Sư tử đại diện cho ngã và pháp tức là những hiện tượng chúng ta có thể tiếp xúc được như đám mây, bông hoa, con sư tử, con người, ông Nguyễn văn A, bà Trần thị B (les hommes, les choses).

Thợ khéo là một trong những duyên (điều kiện). Vàng cũng là một loại duyên, vì từ thể vàng mà sinh ra sư tử. Từ nước mà dậy sóng là duyên theo chiều đứng (vertical). Nước tượng trưng cho thể. Đó là sự liên hệ Tánh - Tướng. Sóng là tướng, nước là tánh, loại duyên khởi đó gọi là tánh khởi (arising from nature, arising from suchness, arising from the ultimate dimension). Tương đương với vàng là nước. Dựa trên nước mà có sóng như dựa trên vàng mà có sư tử. Nước chỉ cho phép thôi, chính gió thổi làm cho sóng biểu hiện. Gió là một điều kiện chiều ngang. Nếu có vàng mà không có ông thợ khéo thì làm gì có con sư tử? Nếu nước mà không có gió thì làm gì có sóng? Sóng cũng là một loại duyên. Sóng này xô làm thành sóng khác. Chính sự xô đẩy nhau của các sóng làm ra sóng, đó là liên hệ chiều ngang. Đó cũng là duyên khởi, chúng ta tạm gọi là tướng khởi.

Tánh là thể tánh (numena), tướng là hiện tượng (phenumena). Chúng ta có hai cách để đi tới vấn đề: một là tánh khởi (numenal approach), hai là tướng khởi (phenumenal approach). Các sóng xô đẩy nhau, giúp nhau sinh khởi, đó là tướng khởi. Đứng ở phương diện hiện tượng (tích môn) thì cái này giúp làm ra cái kia, đó là liên hệ chiều ngang hay liên hệ mặt phẳng. Nước đâu có ý định làm ra sóng, chỉ có sóng này làm ra sóng kia. Thợ khéo là một duyên làm thành sư tử nhưng vàng cũng là một duyên làm ra sư tử. Duyên vàng thuộc về tánh, duyên thợ thuộc về tướng.

Chúng ta có hai loại duyên: Tánh khởi (une approche ontologique) và tướng khởi (une approche phénoménologique). Con sư tử là sóng, vàng là nước. Thợ khéo và gió là những duyên chiều ngang trên mặt tích môn giúp nhau mà sinh khởi (tướng khởi). Nước và vàng là loại duyên làm chỗ tựa để có sinh khởi (tánh khởi). Một bên là chiều ngang, vạn vật nương nhau mà làm thành nhau. Một bên là chiều dọc tức là vạn vật có một nền tảng, nền tảng đó tìm ngay trong vạn vật, không thể tìm được ngoài vạn vật. Cũng như trong ví dụ nước với sóng, phải nhìn vào sóng mới thấy nước, vứt sóng đi thì không thể thấy được nước. Nền tảng của sóng nằm trong sóng mà không nằm ngoài sóng. Tuy nước là nền tảng của sóng nhưng tìm nước ngoài sóng không được cũng như chúng ta không thể tìm được tìm bản môn ngoài tích môn.

Tôi viết lại câu này, cũng ý đó nhưng cấu trúc khác cho dễ hiểu hơn:

Làm sáng tỏ lý duyên khởi

Nhờ duyên thợ khéo mà tướng sư tử xuất hiện từ vàng. Đó là duyên khởi. Sư tử không có mặt ngoài vàng cũng như vàng không có mặt ngoài sư tử. Sư tử không có tự tính riêng biệt, vàng cũng không có tự tính riêng biệt.

Chúng ta thấy rõ ràng có hai duyên: duyên thợ khéo và duyên vàng. Duyên thợ khéo là điều kiện chiều ngang, còn duyên vàng là điều kiện chiều dọc. Duyên thợ khéo đứng về mặt hiện tượng, duyên vàng đứng về mặt bản thể, một bên là tướng khởi còn một bên là tánh khởi

Vậy thì duyên có hai chiều: tướng khởi và tánh khởi. Không có tướng khởi thì không thành mà thiếu tánh khởi cũng không thành. Không có gió thì không có sóng mà không có nước cũng không có sóng. Sư tử không có mặt ngoài vàng mà vàng cũng không có mặt ngoài sư tử. Đây là chữ nghĩa mới, vì trong nguyên văn thầy Pháp Tạng viết: Vị kim vô tự tính (bởi vì vàng không có tự tánh), thì quá triết học, khó hiểu, vì có danh từ chuyên môn. Chúng ta nói: Vàng không có sự có mặt riêng (gold does not have a separated existence). Như vậy thì dễ hiểu hơn là nói vàng không có tự tính

Trong ví dụ bông hoa, chúng ta thấy có những điều kiện làm thành bông hoa như nắng, mưa, phân bón, mặt trời. Hoa có mặt đó chứ không phải không có mặt, nhưng hoa không phải có mặt riêng biệt ngoài những điều kiện làm ra nó. Nguyên văn chữ Hán viết Kim vô tự tính (vàng không có tự tánh riêng biệt), trong văn mới chúng ta nói: Vàng không có mặt ngoài sư tử. Nếu vàng không có mặt ngoài sư tử thì sư tử cũng không có mặt ngoài vàng. Nếu nước không có mặt ngoài sóng thì sóng cũng không có mặt ngoài nước. Đó gọi là không có tự tánh. Tôi dịch là không có mặt riêng biệt ngoài những điều kiện. Hoa không có mặt riêng biệt ngoài những điều kiện làm ra hoa. Vì hoa không có tự tánh nên nói nó là không. Không không có nghĩa là không có mà là không có tự tánh riêng biệt, không có mặt riêng biệt (no separate existence), (pas d´existence séparée). Không là có nhưng không có riêng ngoài những điều kiện.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn