02. Biện Sắc Không

17 Tháng Mười Hai 201100:00(Xem: 9299)

CON SƯ TỬ VÀNG CỦA THẦY PHÁP TẠNG
Hoa Nghiêm Kim Sư Tử Chương
Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2011

02.

Biện sắc không
Biện minh về sắc không

____________________

Biện sắc không
Vị sư tử tướng hư, duy thị chân kim. Sư tử bất hữu, kim thể bất vô, cố danh sắc không. Hựu phục không vô tự tướng, ước sắc dĩ minh, bất ngại huyễn hữu, danh vi sắc không.

Biện minh về sắc không
Tướng sư tử là hư vọng, chỉ có vàng là thật. Sư tử là bất hữu, còn vàng là bất vô cho nên gọi đó là sắc không. Không là không có tự tính, nhờ sắc mà được thấy rõ, không bị ngăn ngại bởi huyễn hữu của sắc nên gọi là sắc không.


Ở đây chúng ta bắt đầu thấy giáo lý vô tướng. Chữ sắc không ở đây nên dịch là Form is Emptiness. Có hai ý niệm dung thường: có và không. Nếu không quán chiếu thì ta sẽ bị kẹt vào hai ý niệm “có và không” ấy, rất ngây thơ, rất buồn cười. Nếu quán chiếu thì ta sẽ có cái nhìn “về có và không” rất khác. Có là có giả và không cũng là không giả. Khi ta thấy được cái có giả và cái không giả thì ta cũng thấy được cái có thật và cái không thật. Cái có giả gọi là huyễn hữu và cái không giả gọi là đoạn không, tức là cái không ngược lại với cái có. Cái có thật gọi là diệu hữu và cái không thật gọi là chân không. Ta không bị cái không (ngược với cái có) ngây thơ giam hãm nữa.

Ví dụ như khi coi TV, chúng ta thấy rõ là có người, có động tác, có khóc, có cười, và chúng ta có thể cười và khóc theo người trên màn hình TV. Những người, những động tác trên màn hình là có nhưng có một cách ảo. Chúng ta tới bắt tay những người đó không được, mời những người đó uống nước không được. Nó có nhưng là có ảo (une existence virtuelle). Nói Làng Hồng ở địa chỉ: "Meyrac, Loubès-Bernac, France", thì đó là một địa chỉ có thật. Chúng ta lái xe theo chỉ dẫn trên bản đồ thì có thể tới địa chỉ đó được. Nhưng muốn lái xe tới www.plumvillage.org thì không bao giờ tới được, vì đây là một địa chỉ ảo.

Vậy thì cái ta hay danh từ hoa cũng vậy. Khi hạt giống, đám mây, mặt trời, đại địa tới với nhau để làm phát hiện ra hoa thì hoa đó là một cái gì ảo, là một tên gọi. Ngoài những duyên tới với nhau để làm biểu hiện ra hoa thì không tìm được một bông hoa riêng biệt. Sự có mặt của hoa nằm ngoài những điều kiện, đó là một cái ảo không thể có được. Vậy thì những cái mà ta gọi là hoa, là mây hay là gió đều là những cái ảo, không thể nắm bắt được. Không nắm bắt được, trong đạo Phật gọi là bất khả đắc. Đôi khi chúng ta tưởng là nắm bắt được nhưng thật ra là không nắm bắt được. Vì vậy bản chất của các pháp là không nên gọi là sắc tức thị không.

Sắc tức thị không có nghĩa là những cái mình tin là có thật, thật ra nó là giả, là huyễn hữu, là không. Không ở đây vượt thoát “cái không” thường nên gọi là chân không. Chân không làm nền tảng cho huyễn hữu cũng như vàng làm nền tảng cho sư tử. Vàng không phải là không có.

Không là không có tự tính, nhờ sắc mà thấy được rõ, không bị ngăn ngại bởi cái huyễn hữu của sắc nên gọi là sắc không. Chính nhờ quan sát sắc mà ta thấy được không, đi tìm không ngoài sắc thì không được. Cũng như nhờ có sóng mà ta nhận diện được sự có mặt của nước. Nếu không có sóng thì đi tìm nước làm sao được? Tuy sóng là huyễn hữu, là giả hữu, nhưng nhờ sóng mà ta nhận diện ra được sự có mặt của nước. Ngoài thế giới hiện tượng ta không thể nào thấy được thế giới bản thể. Vứt bỏ tích môn thì ta không thể nào tìm thấy bản môn. Con sư tử thầy Pháp Tạng đang cầm trên tay là con sư tử vàng, nếu sư tử không có đó thì làm gì ta thấy được vàng? Nhờ hiện tượng giới mà ta thấy bản thể giới. Nhờ những đợt sóng mà ta thấy nước. Nước không có tự tánh, nhờ có sóng mà ta thấy được nước. Vàng không có tự tánh, nhờ con sư tử mà ta thấy được vàng.

Trong đoạn thứ hai chúng ta thấy được nghĩa của đoạn thứ nhất. Nhờ hiện tượng giới hư ảo mà ta biết bản thể giới có đó. Nhờ có tướng sư tử hư vọng mà ta thấy được chất vàng. Nhờ có sắc (form) mà ta biết được không (emptiness). Nếu không có sắc làm sao ta biết được không? Không đây là Niết Bàn, là thực tại tối hậu vượt ra ngoài ý niệm có và không.

Trong truyền thống Cơ đốc giáo người ta dùng chữ Thượng đế. Có những nhà thần học nói: Thượng đế là nền tảng của hiện hữu (God is the ground of everything). Họ nói đến một cái gì rất tương tợ với cái không, nền tảng của tất cả cái hữu. Không không có nghĩa là không có mặt của hiện hữu nhưng tất cả đều có mặt một cách ảo. Không đó là không có cũng không không. Nó không có cũng không không nên mới thật là không, gọi là chân không. Cái ngược lại với “cái có” không phải là chân không. Chân không là nền tảng của vạn pháp, nó vượt thoát ý niệm có và không thông thường.

Đi tới mức cao nhất thì Thượng đế không phải có cũng không phải không. Nói Thượng đế có cũng sai mà nói Thượng đế không cũng sai. Nếu hiểu như vậy thì Thượng đế là Niết Bàn, là nền tảng của mọi hiện tượng. Niết Bàn là không có cũng không không, không sinh cũng không diệt, không tới cũng không đi. Niết Bàn là nền tảng của tất cả các cái mà ta cho là có sinh có diệt, có tới có đi, có có có không.

Ý niệm chân khôngdiệu hữu giúp cho chúng ta nhiều lắm. Cái này (diệu hữu) không phải là “cái có” mà ta thường nói tới tức là giả hữu. Cái không này (chân không) không phải là “cái không” mà ta thường nói tới tức là đoạn không.

Tướng sư tử là hư vọng, chỉ có vàng là thật. Sư tử là “cái có” hư vọng, vàng là “cái không” chân thật. Sư tử là bất hữu còn kim thể là bất vô. Hiện tượng giới là hư ảo trong khi bản thể giới là có thật.

Khoa học có nói tới một chất gọi là H2O. Trong không khí ta thở có hơi nước mà ta không thấy được. Khi hơi nước trong không khí va chạm với những luồng khí lạnh thì tự nhiên ta thấy được nó dưới hình thức của những đám sương mù hay những đám mây. Đám mây trên trời nhiều khi cũng biến thành hơi nước trở lại. Đám mây được làm bằng những giọt nước rất nhỏ, chỉ lớn độ 0,02 mm. Có khi mây được làm bằng những hạt nước đá rất nhỏ. Khi có sự vận động trong đám mây thì những giọt nước va chạm nhau thành những hạt lớn hơn và rớt xuống. Nếu khi rớt xuống mà gặp phải hơi nóng thì hạt nước trở thành hơi nước trở lại, cứ đi xuống đi lên như vậy. Nếu có điều kiện thuận lợi thì hơi nước trở thành mưa, mưa đá hay tuyết. Hơi nước, sương mù, đám mây, tuyết hay mưa là hiện tượng giới. Những thứ đó là huyễn hữu, cái thật là H2O.

Làm sao ta biết được vàng? Biết được vàng là tại nhờ ta nhìn con sư tử. Làm sao ta biết được H2O? Tại vì quan sát hơi nước, mây mù và tuyết cho nên ta biết có H2O. H2O không phải là có hay không, nhẹ hay nặng, cứng hay mềm. Nước đá thì cứng, nước lỏng thì mềm, mây thì nhẹ, nước đá thì nặng. H2O không có những đặc tính đó. Nhưng từ H2O sinh ra những cái có đặc tính như mềm, cứng, cao, thấp, có, không.

H2O và đám mây, nước và sóng, vàng và con sư tử... là liên hệ giữa hiện tượng giới và bản thể giới là như vậy.

Cái không ở đây tương đương với H2O. H2O không phải là sương mù, hơi nước, mây, mưa hay tuyết. Nhưng nếu không có hơi nước, sương mù, mây, mưa hay tuyết thì làm sao nhận diện được sự có mặt của H2O. Nền tảng không có tự tính, nhờ hiện tượng giới (sắc) mà ta biết được nó có đó. Những cái ảo có mặt dưới nhiều hình thức nhưng nó không ngăn cản ta thấy được nền tảng của tất cả hiện hữu, cho nên gọi là sắc không.

Hơi nước là H2O, H2O là hơi nước. Mây là H2O, H2O là mây. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Tuy rằng đám mây không phải là H2O nhưng hai cái đó là nhau. Tướng sư tử là hư vọng, chỉ có vàng là thật. Tất cả những gì mình thấy trong thế giới hiện tượng đều là ảo, không có thật (une existence virtuelle). Nhìn cho sâu, cho kỹ, mình thấy được bản chất, thấy được tự tánh mà từ đó cái ảo được phát hiện ra. Nền tảng đó được gọi là không. Nhưng không ở đây không có nghĩa là sự không có mặt (đoạn không) hay sự ngược lại của cái ảo. Cái không ấy, nền tảng của những cái ảo, ta sẽ không nhận diện được nếu ta không quán sát những cái ảo. Tuy nhìn đây cũng thấy những cái ảo nhưng chúng không làm chướng ngại cho cái không, cho nên quán sát cái ảo sâu sắc thì ta thấy được cái không.

Làng Mai hay nói đến bản môn và tích môn. Nhìn vào tích môn mình nhận diện sự có mặt của bản môn. Nếu liệng tích môn đi thì bản môn không còn nữa. Nếu nói con sư tử là huyễn, liệng nó đi thì sẽ không còn vàng nữa. Chính nhờ con sư tử mà ta thấy vàng. Con sư tử là huyễn hữu. Đi sang đoạn thứ ba thì chúng ta sẽ hiểu thêm nữa.

 

Chúng ta ôn lại chương hai:

Tướng sư tử là hư vọng, cái có thật là vàng. Sư tử không thật có (bất hữu), chất vàng không phải là không (bất vô). Bất hữu đi với bất vô, không phải ngược với bất vô. Đứng về phương diện hiện tượng nó là bất hữu nhưng về phương diện bản thể nó là bất vô.

Thêm nữa, không không có tự tính riêng biệt. Chính nhờ sắc mà mình thấy không. Nhờ thế giới hiện tượng mà mình thấy thế giới bản thể, nhờ có sinh diệt mà mình thấy được Niết Bàn. Nếu không nhìn sinh diệt thì không thấy được Niết Bàn. Ngoài mây mù, sương, tuyết thì làm gì có H2O.

Bất ngại huyễn hữu danh vi sắc không có nghĩa là: Những cái ảo đó (sắc) không che dấu sự có mặt của cái không, không phải là đối lập với không. Sự có mặt của hiện tượng không phải là sự không có mặt của bản thể. Sự có mặt của mây không phải là sự không có mặt của H2O. Mây là H2O, H2O là mây. Thế giới hiện tượng tức là thế giới bản thể. Nhờ thế giới hiện tượng mà ta thấy được thế giới bản thể cho nên sắc tức là không và không tức là sắc. Khi thấy được tính hư ảo của sắc thì ta thấy được bản chất của sắc. Khi thấy được bản chất của sắc rồi thì ta vượt thoát được ý niệm “có không” thông thường.

Theo tục đế (according to the conventional truth) thì tướng sư tử là có, nhưng theo chân đế thì tướng sư tử là không, bởi vì sư tử không thể có mặt độc lập ngoài vàng. Cho nên không ở đây là không có tự tính riêng biệt, không thể có mặt một cách độc lập. Nếu hiểu được chữ không như vậy là hay lắm rồi.

Chúng ta công nhận sư tử là có nhưng cái có đó là giả hữu (fictive, virtuel), là có một cách ảo. Ví dụ như màu hồng trong bông hoa này, ta tưởng tự tánh của nó là màu hồng, ta không nhìn thì màu hồng cũng ở đó. Ta tin rằng màu hồng có mặt thực sự như một thực tại khách quan.

Nhưng theo khoa học thì nó không phải như vậy, tiếng Phạn là neti (na-iti). Khi ánh sáng chiếu vào bông hoa thì có những luồng ánh sáng được hút vào hoa và có những luồng ánh sáng bị phản chiếu lại. Vì vậy ta thấy vàng, xanh, trắng, đỏ trong hoa chứ thật ra hoa không phải vàng, xanh, đỏ như vậy. Ánh sáng có bảy màu, bảy màu đó được thu hút phần nào, phần còn lại bị phản chiếu trở lại cho ta có cảm tưởng là hoa màu vàng, màu xanh, màu trắng hay màu đỏ. Vàng, xanh, trắng, đỏ không phải là sự thật khách quan độc lập.

Chúng ta có cảm tưởng như hoa có mặt ngoài những yếu tố làm ra hoa, nhưng thật sự không phải như vậy. Hoa không có mặt ngoài những điều kiện làm ra bông hoa. Bản chất của hoa chẳng qua chỉ là duyên khởi. Hoa được làm bằng những yếu tố không phải hoa. Hoa có nghĩa là không hoa (flower is made only of non-flower elements). Bản chất của nó là không. Hoa không phải là hoa, cho nên hoa mới là thật là hoa.

Không không phải là sự không có mặt của sư tử mà lại là thể tính của sự có mặt ấy. Con sư tử đầy vàng nhưng trống rỗng sự có mặt riêng biệt của nó. Ngoài vàng làm sao có sư tử được, cho nên không là nền tảng của sự có mặt của sư tử. Vậy thì không là nền tảng, là bản thể (la base ontologique) của hiện tượng. Đây không phải là đoạn không (ngoan không) mà là chân không. Cái không mà người ta thường kẹt vào là đoạn không, tức là “cái không” đối lập với “cái có”. Ở đây, con sư tử là không trong khi nó đang có mặt. Hoa đang không chứ không phải khi héo tàn rồi mới không, và hoa đang có nhưng là có trên nền tảng của duyên khởi, nó không thể có mặt riêng biệt được. Nó có mà đang không, không ngay bây giờ, tiếng Hán-Việt là đương hữu tức không.

Danh từ giả hữu dùng để chữa bịnh cho người kẹt vào cái có, danh từ chân không dùng để chữa bệnh cho người chấp vào cái không (ngoan không). Chân không cũng không thể có mặt ngoài giả hữu. Chính nhờ vào giả hữu mà ta thấy được sự có mặt của chân không. Nhờ vào tướng của sư tử mà ta thấy được sự có mặt của vàng. Tướng sư tử không phải là chướng ngại cho vàng, do đó ta nói sắc tức thị không.

Thầy Long Thọ có một câu rất nổi tiếng trong Trung Luận: Dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành. Có nghĩa là nhờ có không làm nền tảng, cho nên các pháp mới có thể có mặt được. Thành ra không không phải là chướng ngại cho sự có mặt của vạn pháp mà nền tảng cho tất cả các pháp. Tuy tướng sư tử hư ảo nhưng nhờ tướng hư ảo đó (giả hữu) mà ta thấy được không, tức là bản chất của vàng. Đó gọi là tùng tướng nhập tánh.

Hựu phục Không vô tự tướng, ước Sắc dĩ minh. Tiếng Việt dịch là Không là không có tự tính, nhờ sắc mà được thấy rõ. Không vô tự tướng có nghĩa là chân không không có tự tính, không có sự có mặt riêng biệt ngoài những hiện tượng. Vàng không thể có mặt ngoài con sư tử. Vàng tượng trưng cho chân không, không thể có mặt ngoài cái giả hữu của con sư tử. Ước sắc dĩ minh có nghĩa là nhìn vào hình dáng, sắc tướng của sư tử mà chúng ta thấy được vàng.

Bất ngại huyễn hữu tức là tướng sư tử không phải là chướng ngại cho vàng. Nhưng cái không tượng trưng bởi vàng không có nghĩa là sự không có mặt của sư tử mà chính là thể tính của sự có mặt ấy. Nó không phải là đoạn không mà là chân không. Vậy sư tử là vàng, vàng là sư tử. Sắc tức là không, không tức là sắc. Không là nền tảng của sắc, sắc là sự biểu hiện của không. Sự có mặt của sắc không là chướng ngại cho cái không. Trái lại nhìn vào sắc ta thấy được không, hiểu được không rồi thì ta nhìn sắc là huyễn hữu.

Sư tử là vàng, sóng là nước. Vàng là sư tử, nước là sóng. Bây giờ chúng ta nói một chút về đám mây. Hơi nước có trong không khí nhưng ta không nhìn thấy. Không thấy đám mây nhưng ta biết là hơi nước có đó. Hơi nước là một loại khí ta không thấy được. Sương mù, mây, mưa, tuyết, nước đá thì ta nhìn thấy được. Chất hơi có thể biến thành chất đặc, chất đặc có thể biến thành chất lõng, chất lõng có thể biến thành hơi. Hơi nước có thể mang hình thái của mây, sương, tuyết. Tất cả đều nương vào một cái gọi là H2O để có mặt. Nhưng đừng mong đi tìm H2O ngoài những cái đó. H2O không có sự có mặt riêng rẽ ngoài những yếu tố kể trên. Phân tử H2O có hai nguyên tử hydrogène và một nguyên tử oxygène. Muốn đi tìm những nguyên tử đó, ta phải đi tìm trong nước đá, hơi nước, mây, mưa, sương, tuyết cũng như muốn đi tìm vàng thì ta phải tìm trong con sư tử, trong hoa tai hay kiềng vàng. Đi tìm H2O ngoài sương mù, mây, mưa, tuyết, nước đá thì không có.

Trong bài luận nói "vàng không có tự tính" (kim vô tự tính) thì H2O cũng không có tự tính, không có sự có mặt riêng. Muốn tìm bản môn ta phải tìm nơi tích môn, ta phải tìm Niết Bàn trong sinh tử. Bỏ sinh tử chạy đi tìm Niết Bàn thì không bao giờ có được. Cũng vậy bỏ mây, mưa, hơi nước v.v… để đi tìm H2O thì không bao giờ có được.

Khi hơi nước hiện thành sương mù thì ta thấy được. Khi là hơi nước, nó là H2O; khi là sương mù, nó cũng là H2O. Sương mù bị nắng làm trở lại thành hơi nước, tuy là không có sương mù nhưng H2O vẫn còn đó không mất. Chúng ta đi đến chương tới là vô tướng. Vô tướng là không bị kẹt vào tướng, hoặc là tướng hơi nước, hoặc tướng sương mù hay là tướng mây. H2O hay vàng tượng trưng cho không. Tất cả sương mù, mây, mưa, tuyết, nước đá, sư tử, bông tai v.v… là tướng hư vọng. Khi không nhìn thấy tướng đó nữa thì ta đừng nói nó là không có. Khi nhìn kỹ vào, ta sẽ thấy H2O. Những tướng đó không có mặt riêng biệt ngoài H2O nên gọi nó là không.

Chướng ngại của đoạn văn này là những danh từ bất hữu, bất vô. Vì cách xây dựng nên trở thành khó, thật ra thì không có gì khó. Nếu chúng ta nắm được những danh từ đó thì những cái sau này rất dễ.

Khi đi thiền hành chúng ta nói theo bài kệ:

Bụt là thở, Bụt là đi
Mình là thở, mình là đi (1)

Khi Đức Thế Tôn thở thì phẩm chất của hơi thở rất cao. Hơi thở rất nhẹ, có niệm và định. Ngoài Đức Thế Tôn làm gì có một hơi thở như vậy? Nếu không có Đức Thế Tôn thì làm gì có một hơi thở có phẩm chất như vậy? Chính qua hơi thở đó ta thấy được sự có mặt của Đức Thế Tôn. Nếu không có hơi thở đó thì làm sao thấy được Đức Thế tôn. Tìm Đức Thế Tôn ngoài hơi thở đó là tìm một cái ảo.

Khi bước đi thì bước chân của Đức Thế Tôn có phẩm chất rất cao, có nhiều vững chãi, thảnh thơi, hạnh phúc, tự do. Chính trong bước chân đó ta nhận diện được sự có mặt của Đức Thế Tôn. Đi tìm Đức Thế Tôn ngoài bước chân, ngoài hơi thở, ngoài trí tuệ, từ bi thì làm gì có. Đức Thế Tôn đó là ảo. Khi ta nói “Bụt là thở, Bụt là đi” thì ta phải thấy được Đức Thế Tôn trong hơi thở, trong bước chân.

Khi nói “mình là thở, mình là đi” thì ta phải quán chiếu như vậy. Làm gì có cái mình riêng biệt được? Ta có khi thấp, có khi cao. Khi thấp thì bước chân của ta không vững, hấp tấp, vụt chạc, hơi thở của ta hổn hển; khi cao thì bước chân của ta nhẹ nhàng, hơi thở của ta dịu dàng. Vì vậy khi nhìn vào bước chân, nhìn vào hơi thở, ta thấy được mình. Ngoài bước chân, ngoài hơi thở thì làm gì có một cái mình riêng biệt, cho nên nói mình là thở, mình là đi. Đi tìm bản thân ngoài hơi thở, ngoài bước chân thì làm gì có? Giá trị của mình là giá trị của hơi thở, của bước chân. Hơi thở càng nhẹ nhàng, bước chân càng vững chãi thì giá trị của mình càng cao. Ngoài bước chân, ngoài hơi thở, ngoài những điều kiện đó thì không có một cái mình riêng biệt. Chúng ta đi tới bài kệ tiếp:

Chỉ có thở, chỉ có đi
Không người thở, không người đi

Nếu ta tưởng tượng ra một Đức Thế Tôn ngoài năm uẩn đó, ngoài sự giáo hóa, ngoài trí tuệ từ bi đó thì không thể có được, đó là một cái ảo. Bài kệ thiền hành trên là để quán chiếu chứ không phải chỉ để có an lạc trong khi đi mà thôi.

 

(1)

Đây là toàn văn bài kệ:

Để Bụt thở
Để Bụt đi
Mình khỏi thở
Mình khỏi đi
Bụt đang thở
Bụt đang đi
Mình được thở
Mình được đi
Bụt là thở
Bụt là đi
Mình là thở
Mình là đi

Chỉ có thở
Chỉ có đi
Không người thở
Không người đi
An khi thở
Lạc khi đi
An là thở
Lạc là đi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn