08. Phẩm Ngũ Bách Đệ Tử Thọ Ký

26 Tháng Sáu 201200:00(Xem: 9890)

KINH PHÁP HOA GIẢNG GIẢI
Lê Sỹ Minh Tùng
PL. 2556 DL. 2012


Chương Thứ Tám

Phẩm NGŨ BÁCH ĐỆ TỬ THỌ KÝ

Download Giọng Đọc: Nguyên Hà & Mỹ Ngân

 

Ở phẩm Thí Dụ, đức Phật đã thọ ký cho Tôn giả Xá Lợi Phất, rồi đến phẩm Tín Giải, Phật lại thọ ký cho các ngài Đại Ca Diếp, Tu Bồ Đề, Mục Kiền Liên, Ca Chiên Diên. Bây giờ ở phẩm này, Phật mới thọ ký cho 500 vị đệ tử như các vị Phú Lâu Na, Kiều Trần Như…về sau sẽ thành Phật.

Học về thọ ký, người đệ tử Phật đừng quá vội mừng rằng được đức Phật quan tâm thương xót mà thọ ký cho ta sẽ được thành Phật ở hằng sa kiếp đời sau. Nhưng ở đây người đệ tử Phật nên hiểu rằng thọ ký là một nền giáo lý độc đáo, đặc biệt chỉ có trong tư tưởng Đại thừa nhằm nói lên mọi người là Phật, trong mỗi người đã có sẵn chất Phật cho nên Phật mới thọ ký được. Nếu trong mỗi chúng sinh không có sẵn Tri Kiến Phật (chất Phật) thì Phật không bao giờ dám thọ ký cho ai cả. Đức Phật không bao giờ vẽ bùa, làm phép hay thương ai thì cho họ thành Phật được. Vì trong tất cả mọi chúng sinh đã có sẵn chất Phật, nhưng vì bị che lấp bị vô minh phiền não nên họ không nhận biết đấy thôi. Do đó nếu dựa theo Chánh pháp tu hành, tiêu trừ hết vô minh lậu hoặc thì sẽ thành Phật.

Ông Phú-lâu-na sau khi nghe Phật nói về những phương tiện tùy cơ thuyết pháp lại nghe Phật thọ ký cho các vị đệ tử lớn, lại nghe việc nhân duyên đời trước…và sức tự tại thần thông của chư Phật trong lòng hớn hở bèn quỳ gối đảnh lễ Phật và bạch rằng:

-Như Lai Thế Tôn thật là hi hữu, làm việc khó làm, thuận theo tâm tánh của vô lượng chúng sanh mà thuyết pháp cứu vớt. Chúng con không thể dùng lời nói tuyên bày cho hết công đức của Thế Tôn. Nhưng xin Thế Tôn biết bổn nguyện trong thâm tâm của chúng con.

Lúc đó, Tôn giả Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử tức là Mãn Từ Tử nghe Phật thọ ký cho các đại đệ tử Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên…nên trong lòng vui mừng vì nghĩ rằng chính mình đã được Phật khen tặng là đệ nhất thuyết pháp, là một trong mười đại để tử Phật thì thế nào Phật cũng thương xót thọ ký cho đời sau sẽ thành Phật. Đó là tâm khao khát được thọ ký của Tôn giả.

Phật bèn nhắc công phu tu hành của ông Phú-lâu-na ở các tiền kiếp:

-Rằng ở 90 ức đức Phật thuở quá khứ, Phú-lâu-na từng hộ trì, phụ trợ tuyên bày chánh pháp của Phật. Ông là người bậc nhất trong số người thuyết pháp thuở đó. Về nghĩa “không” của các pháp ông thông suốt tận tường, đầy đủ “bốn trí vô ngại”, thường hay suy gẫm sâu xa, nói pháp thanh tịnh không chỗ nghi lầm. Tuy ông đầy đủ việc làm của Bồ-tát, mà người thời bấy giờ đều hiểu ông là Thanh Văn thật. Ông dùng phương tiện qua hình thức Thanh Văn mà làm lợi ích vô số chúng sanh và giáo hóa vô số người khởi lòng tin vững chắc nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Các Tỳ-kheo, ở vào thời bảy đức Phật quá khứ, Phú-lâu-na cũng là bậc nhất trong hàng người nói pháp, trong tương lai ông cũng là người bậc nhất và hộ trì truyền bá chánh pháp của vô lượng vô biên chư Phật. Vì muốn xây dựng cõi Phật thanh tịnh mà Phú-lâu-na thường tinh tiến giáo hóa chúng sanh lần lần đầy đủ đạo Bồ Tát. Nhờ đó mà qua vô lượng kiếp sau, Phú-lâu-na sẽ thành Phật, hiệu là Pháp Minh, lấy hằng sa tam thiên, đại thiên thế giới làm thành một cõi Phật, lấy bảy báu làm đất. Cõi nước bằng phẳng như mặt bàn tay, không núi đồi, khe rãnh, gò nổng, ghồ ghề. Đài thất bảo dẫy đầy, cung điện của chư Thiên gần với hư không, Trời, Người giao tiếp nhau và đều thấu được nhau, không ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh) cũng không có người nữ.

Chúng sanh cõi ấy thần thông tự tại chí nguyện bền chắc, tinh tấn và trí tuệ. Nhân dân nước ấy thường sử dụng hai cách ăn: Một là “thiền duyệt”. Hai là “pháp hỉ”. 

Bồ tát cõi đó đông vô số, Thanh Văn cũng vậy. Nước Phật tên là Thiện Tịnh. Kiếp tên Bảo Minh.

Phú Lâu Na sinh ra trong một gia đình thuộc hạng giàu có ở Ấn Độ, nhưng khi lớn lên, ông nhận biết rằng ái ân, tài bảo của thế gian là giả tạm, có lúc biệt ly tan rã. Chỉ có một điều quan trọng nhất của cuộc đời là cầu cho mình thấu biết một chân lý tối thượng nên mới quy y theo Phật. Vì trong nhiều kiếp quá khứ, ông có biện tài vô ngại, tuyên duyên chánh pháp mà trở thành “thuyết pháp đệ nhất”. Khi đã đi sâu vào Phật pháp, con người sẽ phát sinh tứ vô ngại nghĩa là có pháp vô ngại, nghĩa vô ngại, từ vô ngại và lạc thuyết vô ngại.

1) Pháp vô ngại : Khi đã thành tựu trí tuệ thì nhìn vạn pháp thấy cái gì cũng đúng với chân lý nên khi thuyết pháp biến tất cả các pháp trở thành Phật pháp. Thí dụ như khi thấy lá rụng, tuyết rơi thì nghĩ ngay đến sự tạm bợ, vô thường. 

2) Nghĩa vô ngại : là biết đúng nên nói đúng, nói chánh ngữ, đúng nghĩa, không sai chân lý.

3) Từ vô ngại : là lời nói trôi chảy, không ngăn ngại.

4) Lạc thuyết vô ngại là càng nói càng thêm phấn khởi, dồi dào phong phú chớ không bao giờ bị bế tắc.

Đứng về phương diện ý thức, tư tưởng thì tứ vô ngại được gọi là tứ vô ngại trí tức là do trí tuệ mà phát sinh ra bốn thứ vô ngại. Còn dựa trên ngôn từ diễn đạt mà nói thì gọi là tứ vô ngại biện tức là tứ vô ngại biện tài. Sau cùng khi chúng sinh nhìn kinh điển mà có thể nhận thức, thấy biết ngay thì gọi là tứ vô ngại giải, nghĩa là đọc kinh thì biết ngay ý nghĩa mà khỏi cần nghiên cứu. Chẳng những ông có biệt tài tứ vô ngại, mà trong quá khứ, ông còn thuyết pháp thông suốt về ý nghĩa chữ “Không” của vạn pháp.

Ngày xưa, đức Phật tọa thiền 49 ngày đêm dưới cội Bồ Đề đến khi sao mai mọc thì Ngài chứng Lục Thông và đắc Tam Minh trở thành bậc Vô thượng Bồ Đề cho nên Lục Thông (lục thần thông) là sáu diệu dụng vô ngại tự tại của Phật. Đó là:

1)Thần túc thông: Năng lực hiện thân tùy ý muốn tự tại vô ngại.

Dựa theo Luận Đại Tì Bà Sa thì có 3 thứ thần dụng:

-Vận thân thần dụng: Thân bay lên hư không giống như chim bay, bay nhẹ nhàng như tiên.

-Thắng giải thần dụng: Ở xa mà thấy như gần, nương vào năng lực này thì tuy thân ở thế giới Ta Bà mà tay với tới mặt trăng, mặt trời.

-Ý thế thần dụng: Nhãn thức có thể lên tới những siêu việt vô biên thế giới.

Còn theo Luận Đại Trí Độ của ngài Long Thọ thì có 3 thứ Như ý:

-Năng đáo: Thân bay đi được, giống như chim bay vô ngại. Dời xa lại gần, không đi mà đến. Biến mất nơi đây, xuất hiện nơi khác. Trong một niệm là đến nơi.

-Chuyển biến: Lớn biến thành nhỏ, nhỏ biến thành lớn. Một biến thành nhiều, nhiều biến thành một cho nên mọi vật đều có thể chuyển biến.

-Thánh như ý: Tức năng quán vật bất tịnh không đáng ưa thích của 6 trần là tịnh, quán vật thanh tịnh đáng ưa là bất tịnh. Pháp thánh như ý này chỉ Phật mới có.

2)Thiên nhĩ thông: Có thể nghe tất cả những ngôn ngữ, âm thanh, vui, sướng, khổ của chúng sinh trong 6 đường.

3)Thiên nhãn thông: Có thể thấy được tướng khổ, vui, sống, chết của chúng sinh trong 6 đường và thấy tất cả hình sắc, chủng loại trong thế gian không gì ngăn ngại.

4)Tha tâm thông: Có thể biết sự suy nghĩ của chúng sinh trong 6 đường.

5)Túc mạng thông: Có thể biết thọ mạng, việc làm của chính mình và chúng sinh trong 6 đường, từ trăm nghìn muôn kiếp.

6)Lậu tận trí chứng thông: Đoạn trừ hết Kiến Hoặc và Tư Hoặc trong 3 cõi, chẳng bị sự sinh tử trong 3 cõi trói buộc mà được sức thần thông lậu tận.

Tuy nói Lục Thông, nhưng ba pháp Thiên nhãn thông, Túc mạng thông và Lậu tận thông còn được gọi là Tam Minh.

Bây giờ hãy triển khai ý nghĩa của Lục Thông ở trên để có thể áp dụng vào trong đời sống của chúng ta.

Thần có nghĩa bất tư nghì, việc làm mà người thường không thể làm được. Thông có nghĩa là vô ngại, thông suốt tức là không còn ngăn ngại.

Một ý nghĩa của Thiên nhãn thônglàkhi mắt thấy biết thực tướng của vạn pháp là vô tướng nên trong cái thấy đó không có sự ngăn ngại bởi không gian và thời gian vì thế giới bây giờ trở thành mộttứclà nhất chân pháp giới.

Thế thì con người có thể đạt được Thiên Nhĩ Thông trong cuộc đời này chăng?Nếu chúng sinh dùng lỗ tai (thịt) để nghe thì chắc chắn sẽ bị ngăn ngại. Tại sao? Bởi vì khi tai nghe những âm thanh, tiếng nói không hài lòng khiến tâm bực bội, khó chịu.Ngược lại nghe những lời bùi tai thì say đắm.Thí dụ như vợ chồng, con cái bất ổn, thường hay cải vã, lời qua tiếng lại cũng vì tư tưởng khác đồng chuyển qua lời nói làm cho người nghe chịu không nổi, đâm ra bực tức, rồi sinh ra chửi bới, đánh đấm…cuối cùng dẫn nhau ra tòa ly dị…hoặc vào tù ra khám. Đó cũng tại vì chấp lời nói kia là thật nên bị ngăn ngại. Bây giờ nếu hiểu Phật pháp thì không chấp vào lời nói thị phi của người khác. Tại sao? Bởi vì trên thế gian này chỉ có ta mới thật sự hiểu rõ ta mà thôi, không một người nào khác có thể biết ta bằng ta được. Thí dụ một người chê ta là người xấuhoặc khen ta làngười tốt thì họ chỉ dựa theo kiến giải và kinh nghiệm bản thân của họ mà so sánh, đánh giá người khác chớ làm sao họ biết ta bằng chính ta. Mình tốt bao nhiêu mình biết, mình xấu bao nhiêu thì cũng chính mình biết. Vì thế nếu mình là người xấu mà có người khen tặng mình mà mình nhận chẳng khác nào chính mình tự lừa dồi mình,sống trong ảo tưởng. Ngược lại nếu mình là người tốt, luôn nghĩ thiện, nói lời lành và làm việc thiệnmà có ai chê ta thế này thế kia thì ta cứ mặc họvì cuộc sống nhẹ nhàng, thánh thoát, an vui, tự tại thì chính ta đã có rồi đâu cần người đời trao tặng nữa.Nên nhớ những tiếng thị phi, những lời khen chê thì ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có chẳng khác nào thời tiết nóng lạnh bất thường. Do đó người biết tự chủ tâm mình là người không chạy theo khách trần phiền não cho nên nghe thì nghe tất cả mà như không nghe gì hết, trong ngoài tự tại, không còn ngăn ngại thì chính ta đã chứng được Thiên nhĩ thông rồi.

Cùng lý luận ấy, thấy thì cái gì cũng thấy, thấy tất cả mà như không thấy gì hết, tâm không dính mắc, không còn ngăn ngại là có Thiên nhãn thông. Kinh điển thường nói “Nhục nhãn ngại phi thông. Thiên nhãn thông phi ngại” nghĩa là nhìn thấy bằng mắt thịt thì sẽ bị ngăn ngại, không thông suốt tại vì tâm còn chấp. Ngược lại, dùng thiên nhãn tức là dùng mắt trí tuệ để quán xét thì tất cả sẽ thông suốt, không còn ngăn ngại. Từ đó cuộc sống sẽ được an vui tự tại.

Các thông còn lại cũng y như vậy. Vì thế chúng sinh hằng ngày nên bồi dưỡng trí tuệ của mình bằng cách sống trong tĩnh thức,chánh niệm để chứng từng món thông mà biến cuộc đời từ phiền não ưu bi trở thành thanh tịnh, thánh thoát, an vui,tự tại. Thí dụ hằng ngàymắt vẫn thấy sắc như nhà to, xe đẹp, áo lụa, quần là…Nếu là người thường thì dễ bị nó lôi cuốn, nhận chìm, mê hoặc vào đó, nhưng đối với người có tư duy chánh niệm thì nhận thức được hiện tượng của vạn pháp là vô thường nên tâm họ không hề bị dính mắc. Họ quán rằng vạn pháp là không nghĩa là tất cả mọi vật thể trong thế gian này dù to lớn như mặt trời, mặt trăng hay nhỏ như hạt cát như vi trần đều do duyên khởi tác tạo mà thành chớ không vật nào tự nó sinh khởi hay tồn tại được cho nên vật thể là vô ngã, không có tự thể nên tuy là có, là thấy sờ sờ ở đó nhưng một ngày nào đó nó sẽ bị biến hóa, tiêu hoại nên gọi là không. Do đó, cái không của Phật giáo là không tham đắm, si mê, không chấp thủ chạy theo hình sắc sinh diệt chớ không phải dùng thần thông hay quán làm biến đi tất cả. Người có tư duy, chánh niệm khi thấy đóa hoa đẹp thì họ vẫn biết cái đẹp của hoa đấy chứ, nhưng họ quán rằng đóa hoa là dotrùng trùng duyên khởi mà thành vì vậyđến tuần sau đóa hoa bắt đầu héo úa, tàn phai rồi trở thành phân bón cho nên nhìn đóa hoa thì họ cũng nhìn, cũng biết nó đẹp, nhưng không đắm nhiễm say mê, lúc nào cũng tự tại với sắc đẹp. Lấy đóa hoa làm tiêu chuẩn để nhìn tất cả những hình sắc khác trên thế gian này cho nên tuy mắt có nhìn các loại trân châu bảongọc quý báu, đẹp đẽ đến đâu thì nó cũng là loại vô thường hoại diệt. Ngược lại nếu nhìn theo con mắt của phàm nhân thì tham đắm, say mê rồi chấpthủ đem về làm của riêng cho mình đưa đến tranh chấp, chiến tranh giết hại lẫn nhau. Nói tóm lại, người biết đạo thấy đẹp thì cũng biết là đẹp, nhưng họ biết vật chất đó từ “Không” mà “Có” vì thế một ngày nào đó từ “Có” sẽ trở thành “Không” cho nên thấy tất cả vật chất nhưng không bị chúng lôi cuốn nhận chìm nên họ mới có an nhiên tự tại được. Đó chính là “Kiến sắc phi can sắc” vậy. Người học Phật không những thấy biết rõ ràng sự hoại diệt, vô thường của thế gian mà còn thấy rốt ráo sự trường tồn vĩnh cửu tức là tánh vô sanh vô diệt của vạn pháp nữa. Bởi vì lúc đóa hoa tàn úa thì từ cái diệt này bắt đầu cho sự sanh khác để tạo thành đóa hoa mới.Đó là hiện tượng quy về bản thể và bản thể duyên khởi thành ra hiện tượng cho nên không có cái gì là thật sinh hay cái gì là thật diệt nghĩa làsinh để rồi diệt, diệt rồi lại sinh, sinh sinh diệt diệt vô cùng vô tận nên sinh diệt, sống chết là chuyện thường, chẳng có gì quan trọng nên không còn lo sợ, buồn phiền. Chúng sinh khi thấy mình già yếu, bệnh tật thì đau khổ, lo âu, sợ sệt. Ngược lại, đối với người biết đạo thìsống chết là chuyện bình thường, tử sanh là trò dâu biển nằm trong chu kỳ bất biến tùy duyên rồi tùy duyên bất biến thế thôi. Vì vậy vớiPhật nhãn của chư Phật thì nhìn vạn pháp sanh mà không thật sanh và diệt nhưng không phải là mất hẳn nghĩa là sinh để rồi diệt và diệt rồi để lại sanh, sinh sinh diệt diệt vô cùng vô tận.

Tóm lạithần thông được hiểu là bất tư nghì, vô ngại tự tại. Vô ngại tự tại đối với những việc khó tự tại để vượt qua những thử thách mà người thường không thể nào tự tại được. Vì vậyngười có thần thông là người mà lục căn được sức tự tại vô ngại một cách bất tư nghì (không thể nói được) mà đối với một người thường không nghĩ đến được, không thực hành được, không thể chiến thắng được những dục vọng làm ô nhiễm tâm ýcủa mình. Đó là mắt đối với sắc, tai đối âm thanh, lưỡi đối với mùi vị, mũi đối với hương vị, thân đối với cảm xúc và ý đối với pháp trần mà vẫn được tự tại vô ngại một cách bất tư nghì thì người đó chứng được lục thông.

Đối với Phật giáo, việc gì đến sẽ đến, khỏi trông chờ mong đợi chi hết cũng như khi đào ao xong có nước trong thì ánh trăng hiện xuốnghay mây tan thì trời chiếu sáng vậy thôi.Vì thế nếu hành giả tu theo chánh pháp mà tâm cứ mong cầu đạt được các thứ thần thông thì những tham vọng này sẽ che lấp tâm thanh tịnh của mình. Cái tâm mong cầu này gọi là Vũ tâm trong sáu mươi tướng vọng tâm sai biệt của phàm phu (Lục Thập Tâm).

Ngày nay với đà phát triển của văn minh khoa học, con người có thể trực tiếp nói chuyện với người thân tận bên kia quả địacầu. Xa hơn nữa, con người có thể lên cung trăng thăm chị Hằng, chú Cuội. Có những chiếc tàu ngầm chạy bằng nguyên tử lực có thể lặn sâu ở dưới lòng đại dương cả năm trời. Thế thì thần thông không nhất thiết phải là thấy xa, nghe rộng hay là bay cao nhảy xa giống như ảo thuật mà phải được hiểu là khả năng đoạn trừ mọi tham đắm, si mê, không bị lôi cuốn nhận chìm trong ái dục và dĩ nhiên lúc nào cũng sống trong tĩnh thức chánh niệm tức là luôn làm chủ tâm mình. Đây mới chính là những thứ tự tại vô ngại, bất khả tư nghì mà người thường không thể làm được.

Vì có được tứ vô ngại nên tôn giả tuy thuyết pháp nhưng tâm không rời pháp giới tánh. Đức Phật biết ông có tài biện thuyết lớn lao nên dạy ông tu hạnh thuyết pháp. Do thuyết pháp đứng đắn, đúng với chân lý, dùng ngọn lưỡi thay ánh thép quét sạch tà ma ngoại đạo nên ông đắc quả A la hán. Tuy Tôn giả bên ngoài là A la hán, nhưng việc làm và trí tuệ bên trong chẳng khác gì một vị Bồ Tát. Đó là ngài không đề cao mình, giản dị hóa cuộc sống, không câu nệ để gần gủi với quần chúng mà có dịp giáo hóa họ. Trong biết bao đời trong quá khứ, ngài đã từng giúp đở chư Phật trong việc giáo hóa và làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh nên sau này sẽ thành Phật hiệu là Pháp Minh Như Lai trong cõi nước Thiện Tịnh.

Trong thế giới Thiện Tịnh của Pháp Minh Như Lai thì chúng sinh nhờ tu đầy đủ hạnh thanh tịnh nên có đủ nguyện lực mà được hóa sanh đến đây nên không có tướng nam nữ. Khác với thế giới Ta Bà chúng ta đang sống, đói phải ăn thực phẩm thì ở cõi Thiện Tịnh chỉ cần chánh pháp và thiền định chớ không ăn uống cơm gạo như chúng ta. Đó là khi đói thì họ nghe pháp hoặc tọa thiền khiến tâm hoan hỉ liền được no. Chúng đệ tử toàn là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát nhiều vô lượng không thể đếm hết được và tuổi thọ dài vô biên.

Để lập lại nghĩa trên, đức Phật nói một bài kệ…

Bấy giờ 1.200 vị La-Hán, những vị tâm được tự tại nghĩ rằng: Nếu Phật đều thọ ký cho mình như đã thọ ký cho các vị đệ tử lớn thì sung sướng biết bao. Đức Phật biết tâm nịêm đó, bèn lần lượt thọ ký cho 500 vị A-la-hán. Trước hết là tỳ-kheo Kiều-Trần-Như và tất cả đều sẽ thành Phật đồng một hiệu là Phổ Minh.

Sau khi đức Phật thọ ký cho Tôn giả Phú Lâu Na sẽ được thành Phật hiệu là Pháp Minh Như Lai, 1.200 vị A la hán còn lại mong rằng các ngài cũng sẽ được Phật thọ ký. Lý do các ngài đều mong được Phật thọ ký vì các ngài đã thâm hiểu bản hoài của Phật, đã thấu hiểu Phật thừa và dĩ nhiên các ngài tự mình muốn tiến thẳng đến cứ cánh tối thượng là thành Phật chớ không an phận ở Thánh quả A la hán. Đức Phật biết được tâm niệm (tha tâm thông) của các ngài nên lần lượt thọ ký từ các đệ tử lớn như Tôn giả Kiều Trần Như rồi đến 500 vị A la hán khác như Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Dà Gia Ca Diếp, Nan Đề Ca Diếp, A Na Luật…đều sẽ thành Phật và tất cả cùng chung một Phật hiệu là Phổ Minh Như Lai nghĩa là vị Phật có trí tuệ phóng ra khắp cùng. 

Được thọ ký xong, 500 A-la-hán vui mừng lễ Phật thưa:

Bạch Thế Tôn ! Từ trước tới nay chúng con cứ tưởng là mình được diệt độ rồi. Nay mới biết chúng con vô trí. Vì sao? Vì đáng được trí tuệ của Như Lai mà cứ bằng lòng với trí nhỏ của mình cho là đủ. Rồi các vị đồng tâm, trình lên Phật một thí dụ:

Trong kho tàng Phật báu, chúng con mới được một phần mà tự cho là đủ. Chắng khác một người nghèo đến chơi nhà bạn thân giàu lớn. Tiệc rượu xong, anh nghèo say vùi nằm ngủ. Bạn giàu vì có việc đi xa gấp, bèn lấy một viên ngọc vô giá buộc vào vạt áo của bạn say để tặng. Hết say, anh nghèo ra đi, không hay trong người có ngọc. Đến một nước khác, cầu y cầu thực làm ăn vất vả, mỗi khi được một ít của cải tự cho là đủ, không dám mong một tình cảnh tốt đẹp hơn. Về sau anh bạn giàu gặp trở lại anh bạn nghèo, thấy bạn khốn khổ quá mới trách: Sao không dùng viên ngọc trong vạt áo để kinh doanh, tạo cho mình cuộc sống giàu sang. Chừng ấy anh nghèo mới hay là mình giàu, liền dùng vốn ấy mà kinh doanh và trở nên giàu có.

Các vị A-la-hán kết luận: chúng con cũng như vậy, từ lâu xưa, Thế Tôn thường giáo hóa cho. Vậy là Thế Tôn đã gieo trong lòng chúng con hạt giống Vô Thượng Chánh Đắng Chánh Giác. Thế mà chúng con vô trí không hay không biết, được chút phần Niết Bàn cho là đủ rồi, không cần gì nữa. Nay Phật giác ngộ cho chúng con, dạy cho biết phải được Phật tuệ Vô thượng mới thật là Diệt Độ.

Sau khi được Phật thọ ký, 500 vị A la hán vừa vui mừng vừa thầm trách cho sự sự hiểu biết nông cạn của mình. Đó là các ngài đều có khả năng thành Phật và đã được Phật thọ ký thế mà bấy lâu nay lại an phận với quả vị A la hán. Các ngài biết hối lỗi tự trách nên cùng nhau đến trước đức Phật đảnh lễ sám hối dưới chân Phật. Cũng giống như thí dụ ánh chàng Cùng từ ở chương trước, ở đây các ngài cũng bạch lên Phật một thí dụ Bảo châu trong áo.

Tâm trạng của họ chẳng khác nào anh chàng nghèo khổ, một hôm đến nhà thăm một người bạn thân. Người nghèo khổ ví cho chúng sinh còn bạn thân là chỉ cho đức Phật. Trong tiệc, người nghèo khổ uống rượu đến say mèm rồi lăn ra ngủ li bì. Say là chỉ cho rượu ngũ dục lạc mê hoặc làm cho con người mất trí tuệ, sống trái với chân lý cũng như người say thì thường siêu đình ngã quán. Chủ nhà vì có việc phải đi xa một thời gian nhưng thương người bạn nghèo nên trước khi ra đi lấy nhiều viên ngọc rất quý cột vào chiếc áo của bạn rồi may rất kỹ trước khi lên đường. Sau khi tỉnh rượu, người nghèo khổ thấy bạn mình đã đi rồi nên bỏ đi lang thang đến nước khác. Vì cuộc sống nên phải cố sức lao động rất khổ nhọc, nếu có chút ít tiền bèn cho là đủ. Tỉnh rượu là chỉ cho sự thức tỉnh biết rằng cuộc đời giả tạm phù du, càng chạy theo dục vọng thì càng bị ràng buộc bởi thế tình cho nên cố gắng làm ăn là chỉ cho tinh tấn nỗ lực tu hành. Sau cùng có chút ít vốn mà cho là đủ là chỉ cho hàng Thanh Văn chứng Niết bàn, đắc A la hán mà tự mãn nghĩ mình đã đạt đến cứu cánh tối thượng là thành Phật.

Thời gian mười mấy năm sau đó, người nghèo khổ vẫn mang chiếc áo rách cũ và tình cờ gặp lại người bạn thân thửa nào. Thấy dáng nghèo khổ, rách rưới người đó thốt lên rằng “Tại sao anh lại nghèo khổ đến thế nầy? Từ hôm gặp gở lần trước, vì anh quá say nên trước khi ra đi tôi có may vào trong chiếc áo của anh nhiều viên ngọc quý mà”. Vừa nói anh vừa vạch vạt áo của bạn mình ra rất đổi ngạc nhiên “Những viên ngọc quý vẫn còn đây, tại sao anh không đem chúng bán đi mà lại sống một đời sống bần cùng rách rưới như thế?”. Thời gian sau tái ngộ với người bạn nghèo của mình cũng như đức Phật thuyết giảng kinh Pháp Hoa cho tất cả đệ tử tại núi Linh Thứu. Viên ngọc là chỉ cho Phật tánh (Tri Kiến Phật) vốn sẵn có trong mỗi chúng sinh. Tuy con người không biết là trong ta lúc nào cũng có sẵn cái Phật tánh thiêng liêng huyền diệu cũng như anh chàng nghèo khổ tuy mang viên ngọc quý báu trong vạt áo mà không hề hay biết nên sống trong lầm than khổ cực. Đức Phật đã may vào trong vạt áo của con người rất nhiều viên bảo ngọc mà không ai hay biết nên cứ mãi sống một cuộc đời cùng khổ. Vì thế đây chính là thời điểm để thức tỉnh mà phát hiện những viên bảo ngọc mà đức Phật đã để vào trong chiếc áo của chúng ta. Từ đây chúng ta sẽ giả từ cuộc sống bần cùng nghèo khó và bắt đầu có cuộc sống mới sung túc, giàu có và hạnh phúc viên mãn.

Tóm lại, học kinh Pháp Hoa là thấu hiểu bản hoài của chư Phật muốn cho tất cả chúng sinh “khai,thị,ngộ,nhập Phật tri kiến”nghĩa là đức Phật muốn khai mở, chỉ bày, làm tỏ ngộ và thâm nhập cái thấy biết của Phật và cũng chính là cái thấy biết của Pháp Hoa vốn đã có sẵn trong tất cả mọi chúng sinh.Đó là ai ai cũng có đầy đủ tri kiến Phật, là trí tuệ bổn lai đều giống như Phật. Vậy Phật tri kiến mà đức Phật muốn nói ở đây chính là chơn tâm, là Phật tánh thường có vĩnh hằng, nhưng vì bị vô minh che lấp nên con người không thấy biết chơn tánh hằng giác của mình. Cái bổn tánh này ví như mỏ vàng đang đợi khai phá, chưa được hiển lộ. Vì thế đức Phật muốn chúng sinh thanh lọc chất vàng trong mỏ tức là khai mở tri kiến Phật của mình để có sự thanh tịnh, an lạc ngay trong cõi đời có tan có hợp nàycũng giống y như Phật vậy.Một khi chúng sinh đã ngộ nhập cái Phật tri kiến này thì chỉ cần nương theo con đường duy nhất là Phật thừa để hoàn thành Phật đạo tức là thành Phật.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn