Sống Thủy Chung Để Bảo Vệ Hạnh Phúc Gia Đình Mình Và Người Khác

13 Tháng Giêng 201519:59(Xem: 5267)

KINH NGƯỜI ÁO TRẮNG
Thích Đạt Ma Phổ Giác


SỐNG THỦY CHUNG ĐỂ BẢO VỆ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH MÌNH VÀ NGƯỜI KHÁC

Đạo đức thứ ba: Đệ tử áo trắng quyết tâm xa lìa tà dâm ngoại tình, sống hạnh chung thủy, bảo vệ hạnh phúc tất cả mọi người trong sự bảo hộ của cha và mẹ, hoặc cả cha mẹ, hoặc anh chị em, hoặc bên sui gia, hoặc người đồng tính, hoặc vợ chồng con của mình và người, cả kẻ cuồng dâm, bạo lực gia đình, hoặc kẻ bán phấn. Nhờ thực tập này, đệ tử áo trắng không bị tâm lý hưởng thụ thấp kém làm mất hạnh phúc.      

Ý thức được những khổ đau do xâm phạm tiết hạnh của người khác, người Phật tử chân chính nguyện chỉ sống một vợ một chồng chung thủy có đôi, không dan díu ăn nằm với người khác nếu không phải là vợ hoặc chồng. Chúng ta phải ý thức rằng tà dâm là hành động sai lầm về tình dục nam nữ, làm mất đi nhân cách của con người.

Người Phật tử chân chính khi lớn khôn có quyền cưới vợ, lấy chồng, xây dựng cuộc sống gia đình. Song, ngoài vợ chồng chính thức ta không được quan hệ tình dục với người khác vì đó là ngoại tình, là phá hoại hạnh phúc gia đình người. Đi tìm thú vui trong chốn thanh lâu cho đến cưỡng bức xâm hại người khác, hoặc nam nữ đã có gia đình hay chưa có thường phóng tâm đam mê tửu sắc, chơi bời trác táng đều thuộc hạnh tà dâm.

Xưa nay, từ vua chúa quan quyền cho đến thứ dân bần cùng nghèo khổ bị tan nhà nát cửa, mất nước mất thành, gia đình đổ vỡ đều do hạnh tà dâm mà ra. Nhiều vụ án xảy ra do ghen tuông mà hủy hoại nhan sắc tình địch hoặc giết người dã man.

Bản chất của chúng sinh là ái dục, chính vì điều đó mà chúng ta có mặt trong cuộc đời này, nhưng không vì thế mà chúng ta quá lạm dụng trong vấn đề tình dục. Ai ham hưởng thụ quá đáng vấn đề khoái lạc xác thịt và đi quá đà trong chừng mực cho phép thì dễ đánh mất nhân cách, phẩm chất đạo đức.

Thường như thế sẽ kéo theo sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình là ghen tuông, giận dỗi, mắng nhiếc, đánh đập và chia lìa, quả báo hiện đời không bao giờ có được mái ấm gia đình hạnh phúc. Vì vậy, người Phật tử chân chính hãy sống chung thủy một chồng một vợ, để không bị người khác phá hoại hạnh phúc gia đình mình.

Ai cũng có thể biết tình yêu đưa đến hôn nhân nhằm phát triển giống nòi nhân loại và bảo vệ truyền thống gia tộc, nhưng lại là đầu mối của nhiều hệ lụy khổ đau, bởi sự yêu thương trong vị kỷ cho nên nói tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ, đời mất vui khi đã vẹn câu thề. 

Thật ra tình dục không phải là chuyện xấu, nó luôn gắn liền với con người từ vô thủy kiếp đến nay. Đã là chúng sinh thì phải ăn, phải ngủ, phải làm việc và thụ hưởng cảm giác khoái lạc. 

Ngược lại, vì tình cảm riêng tư muốn chiếm hữu trong sự ganh ghét, tham lam và ích kỷ, sẽ gây khổ đau cho nhau. Chính vì thế, mà loài người luôn đứng ở vị trí cao quý vì biết cách làm chủ bản thân, nếu vì lòng tham cho riêng mình thì cùng hung cực ác, nếu vì lợi ích chung cho nhân loại thì lợi ích cho con người không loài nào bằng.     

Trong tình yêu ghen tuông luôn gắn liền với ích kỷ và nó là trạng thái tâm lý không thể tách rời nhau, có yêu thương là có ghen ghét. Bao nhiêu vụ án xảy ra làm đau lòng nhân thế với những cái chết thật đáng tiếc và vô lý làm sao, chỉ vì ghen tuông trong mù quáng. Bởi vì chúng ta yêu thương trong sự lợi dụng lẫn nhau, mà không có tình yêu thương chân thật, nên dẫn đến ích kỷ, hẹp hòi làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. 

Trong tình ái do bảo vệ cái ta ích kỷ hoặc ghen tuông vô cớ, dễ làm con người mù quáng gây nhiều đau khổ cho nhau. Tình yêu bản chất vốn không xấu xa tội lỗi, ai cũng muốn mình được an vui hạnh phúc trong đời sống lứa đôi, nhưng vì chúng ta không có sự hy sinh và chia sẻ cho nhau, ta không biết bao dung và độ lượng, cảm thông và tha thứ, vì sự tham lam ích kỷ của ta. 

Ai thương yêu và giúp đỡ ta, ta sẽ quý mến họ. Ai làm hại ta, ta sẽ thù ghét họ. Đó là quy luật tất yếu của thế gian mà ít người vượt qua nỗi. Một khi giữa hai người không đáp ứng được nhu cầu cho nhau, từ đó vợ chồng bị sức mẻ rạn nức, dẫn đến gây gổ cãi vả và việc bạo hành sẽ xảy ra, cuối cùng dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc, vì trong họ không có tình yêu thương chân thật.  

Quan niệm về tình yêu, hôn nhân vợ chồng sống với nhau vừa có tình, vừa có nghĩa, trong mối quan hệ vợ chồng phải có tình yêu, tình bạn tri kỷ, phải có sự tôn trọng lẫn nhau và có trách nhiệm, bổn phận trong việc sẻ chia niềm vui hay nỗi buồn. 

Những đổ vỡ, trong đời sống gia đình dẫn đến mất hạnh phúc, tình trạng ly dị, ly thân, ngoại tình, gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội, đã khiến cho người ta xem xét lại và tìm thấy những giá trị tích cực, lời Phật dạy trong hôn nhân tình yêu. 

Sợi dây kết hợp vợ chồng là ân ái. Nhưng chúng ta ân ái phải có hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và biết tiết chế trong sinh hoạt tình dục thì mới bảo đảm hạnh phúc lâu dài. Tình yêu lứa đôi, luôn đóng vai trò thiết yếu quan trọng trong cuộc sống và thế giới loài người sở dĩ tồn tại và phát triển nhờ loại tình yêu mãnh liệt này. 

Chúng ta vì muốn bảo vệ tình yêu cho riêng mình trong sự ích kỷ, nên mới phát sinh ra các thứ tình cảm như yêu ghét, buồn vui, thương giận và lo lắng. Tình ở đây nói chung gọi là tình người trong cuộc sống như tình cha mẹ, tình chồng vợ, tình anh em, tình bè bạn, tình làng nghĩa xóm, tình yêu, tình nhân loại v..v… 

Vì cái tình đó, cho nên con người sinh ra luyến ái, mến thương, yêu thích và luôn gắn bó với nhau nhiều hơn. Chính vì nhìn thấy được bản chất thật của tình cảm con người rất phức tạp và phiền toái, nên các bậc Thánh nhân thường hay khuyên nhủ mọi người hãy nên tu tập tâm từ bi để mở rộng tấm lòng rộng lớn, bằng tình yêu thương chân thật. 

Tình cảm con người thật sự bao la không ngần mé, phải được xuất phát từ tình yêu thương chân thật bằng trái tim hiểu biết, nên dễ cảm thông và tha thứ cho nhau. Trong tình yêu ngoài sự quan hệ tình dục ra, chúng ta còn có trách nhiệm bổn phận đối với việc nuôi dạy con cái. Cho nên trong tình yêu cần có sự hy sinh, bao dung và độ lượng, nâng đỡ và sẻ chia, rồi còn phải biết tha thứ và cảm thông cho nhau. 

Tóm lại, muốn cho tình nghĩa vợ chồng được hạnh phúc dài lâu thì chúng ta phải biết thương yêu nhau, sống thủy chung, tôn trọng, thành thật, biết thông cảm và tha thứ cho nhau….. Đây chính là những điểm then chốt làm nên hạnh phúc gia đình của người cư sĩ tại gia, mà ai cũng cần phải biết để áp dụng và thực hành. 

Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình được hạnh phúc, an vui thì xã hội mới được bền vững và lâu dài. Phật dạy người cư sĩ tại gia có quyền lấy vợ lấy chồng, nhưng phải thủy chung một chồng một vợ, không được dan díu và quan hệ bất chính với vợ chồng người khác. Ngoại tình là nguyên nhân dẫn đến ghen tuông vô cớ và phá hoại hạnh phúc gia đình mình và người khác. 

Giới này nhằm bảo vệ tiết hạnh của cá nhân, đời sống lứa đôi và nền tảng hạnh phúc gia đình. Biết bao vụ án đã xảy ra vì hành động tà dâm, vì nếp sống thiếu trách nhiệm, vì đắm nhiễm sắc đẹp. Biết bao gia đình đã ly hôn, ly dị vì nạn tà dâm đam mê sắc đẹp và một số trẻ em là những nạn nhân trực tiếp của sự cưỡng bức, do người nặng về dâm dục quá đáng. Nếu chúng ta muốn sống hạnh phúc thủy chung một vợ một chồng thì ta sẽ không phá hoại hạnh phúc gia đình người khác, vì ta có ý thức và trách nhiệm. 

Nguyên tắc thứ ba là xa lìa các hành vi tà dâm. Đây là nguyên tắc hay giới thứ ba mà người cư sĩ tại gia phải giữ gìn. Vị đệ tử áo trắng xa lìa tà dâm, chấm dứt sự tà dâm, bảo vệ cho bất cứ ai, dù người ấy nằm trong sự bảo hộ của cha, mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ, hoặc chị em, hoặc anh em, hoặc cha mẹ bên sui gia, hoặc gia đình sui gia, hoặc bởi người đồng tính, hoặc là vợ con hay chồng con kẻ khác, kể cả kẻ bị cuồng dâm khủng bố, hoặc kẻ bán phấn buôn hương. Vị này diệt trừ tận gốc tâm niệm tà dâm. 

Có nghĩa là ta phải thực tập sống có ý thức và trách nhiệm, thương yêu bản thân mình và người khác, thì ta mới có một đời sống trong sạch trong lĩnh vực này.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 9077)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 8082)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 9708)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9232)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..