9. Tin Hiểu

15 Tháng Năm 201516:13(Xem: 6932)
MƯỜI TƯ TƯỞNG PHÁP HOA 
TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY 
Đương Đạo
Thiện Tri Thức

Tin Hiểu

Trong phẩm Tín Giải (Tin Hiểu) thứ tư, nói rằng tất cả chúng ta lưu lạc đã lâu như gã cùng tử không dám tin mình là con của ông Trưởng giả “giàu có và thế lực lớn”, cho đến khi cha mình dùng đủ các thứ phương tiện dẫn dụ về nhà, cuối cùng mới dám nhận mình là con : mới tin hiểu rằng “ta vốn không có lòng mong cầu, nay kho tàng quý báu tự nhiên mà đến”. Thì ra, “tất cả đều có phần trong kho tàng quý báu tri kiến Như Lai”. Nào ngờ “Không có lòng mong cầu mà ngày nay kho báu vĩ đại của Pháp vương tự nhiên mà đến : con Phật đáng được những gì thì chúng con đều đã nhận được cả”.

Đời sống Pháp Hoa bắt đầu bằng sự tin hiểu để kính giữ (kính giữ : Trì, phẩm thứ mười ba) và quảng bá, rộng truyền. Tin hiểu là bước khởi đầu để “thọ trì, đọc tụng, vì người khác nói”.

Tin hiểu được điều rất khó tưởng tượng, không thể ngờ, không dám mong cầu mà điều đó vốn là tự nhiên (“kho tàng quý báu tự nhiên mà có”), đó là một cuộc cách mạng vĩ đại thay đổi toàn bộ cuộc sống của mỗi người. Để khai mở sự tin hiểu này, chúng ta cần phải tư duy, thiền định từng chủ đề một, từng câu kinh một gây thắc mắc hoài nghi và nhờ những vị thầy quyết nghi cho. Chỉ cần tin hiểu được một chủ đề, một câu kinh, toàn bộ thế giới Pháp Hoa, kho tàng quý báu ấy sẽ tự nhiên mà đến, tự nhiên mở ra trước mắt chúng ta. Chúng ta nên nhớ rằng những câu kinh không ở ngoài, chúng là những chân lý được chôn dấu tận đáy lòng mỗi người, vì thế hãy tiếp xúc với chúng, trò chuyện với chúng, hỏi han chúng ở tận đáy lòng mình. Cũng như một vị Thầy, ngài là một kinh điển sống, bởi thế khi tiếp xúc học hỏi với ngài, những hạt giống tận đáy lòng chúng ta có thể nứt vỏ và bắt đầu thức giấc, triển khai để thành một mùa hoa trái của ánh sáng chân lý và tình thương tỏa hương.

Như chúng ta vẫn biết, đạo Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn. Những con đường đưa chúng ta đến chân lý trong kinh Pháp Hoa cũng là vô số, tùy từng người, tùy thiện căn và cơ cấu tâm sinh lý của mỗi người. Nhưng chúng ta có thể quy kết những con đường nhỏ thành hai khuynh hướng lớn : Trí Huệ và Từ Bi. Những Đại Bồ tát trong kinh Pháp Hoa đại diện cho hai khuynh hướng lớn này : Trí Huệ và Từ Bi. Nhìn lại chúng ta, chúng ta thấy ngoài thân thể, chúng ta còn có trí thức và tình cảm, tức là sự phản chiếu yếu ớt của Trí Huệ và Từ Bi. Tận trong sâu mỗi người, chúng ta đều có trí huệ và từ bi. Con đường Phật giáo nói chung và kinh Pháp Hoa nói riêng khởi từ Trí Huệ và Từ Bi để kết thúc trong sự rạng rỡ của Trí Huệ và sự trùm khắp của Từ Bi. Lấy một ví dụ cụ thể, một câu kinh mà chúng ta có thể xem là “tổng trì” : Đều đã thành Phật đạo. Chúng ta có thể tiếp cận với chân lý, với sự thật đó bằng trí huệ, hoặc bằng từ bi, hoặc bằng cả hai cái phối hợp.

Sự tin hiểu Pháp Hoa khởi từ trí huệ và từ bi và viên thành trong trí huệ và từ bi. Sự tin hiểu Pháp Hoa khởi phát là do trí huệ thức dậy trong chốn thâm sâu của cõi lòng chúng ta ; sự tin hiểu Pháp Hoa khởi phát là do từ bi sống lại tận đáy lòng của chúng ta. Bởi vì Pháp Hoa không gì khác hơn là Trí Huệ và Từ Bi. Ở nơi cùng đích, Trí Huệ và Từ Bi là một, như mặt trời (trí huệ) và sự tỏa chiếu ánh sáng nuôi dưỡng của nó (từ bi) : không có mặt trời nào không tỏa chiếu và không có sự tỏa chiếu rực rỡ nhất nào mà không phải là mặt trời.

Về mặt trí huệ (nói về mặt trí huệ chỉ là nói một cách quy ước, vì trí huệ luôn luôn thấm nhuần từ bi), qua một số chủ đề mà chúng ta đã tìm hiểu, tư duy và thiền định, chúng ta có thể tóm lại sự tin hiểu Pháp Hoa là như sau :

Qua ít nhất là các chương Nhất Thừa, Hiện Bảo Tháp, Như Lai Thọ Lượng và Như Lai Thần Lực, chúng ta cần tin hiểu rằng chúng ta đang sống trong Thọ Lượng vô biên của Như Lai, trong một thế giới mà bất cứ sự việc gì hiện khởi đều diễn xuất từ và trong Thần Lực của Như Lai, trong một thế giới hợp nhất – đã là như vậy, đang là như vậy và vĩnh viễn sẽ là như vậy – bởi vì tất cả đều ở trong Nhất Thừa, trong một thực tại tràn đầy vẻ đẹp, sự thanh tịnh và hằng hằng mới mẻ vì chưa từng nhiễm ô. Nói tóm lại chúng ta đang sống và chết trong Phật, đang sử dụng nguồn năng lực Phật, tất cả âm thanh là âm thanh Phật, tất cả hình sắc là hình sắc Phật, tất cả sự hiển xuất của ba cõi thế gian sanh tử là thần lực Phật. Tin hiểu được như vậy, hộ trì được như vậy, sống được như vậy là đời sống của một hành giả Pháp Hoa. Người đó bắt đầu đi vào thế giới “Diệu” của Diệu Pháp Liên Hoa.

Sự tin hiểu bằng phương diện trí huệ này được phát lộ qua một tâm thức rỗng rang đến tận cội nguồn của nó, hay nói cách khác, sự rỗng rang của tâm thức chính là trí huệ cho chúng ta tin hiểu được thế giới Pháp Hoa.

Nếu tính cách rỗng rang là trí huệ, thì chính tính cách lấp đầy, tràn đầy, lan rộng của tâm thức là từ bi. Sau đây chúng ta sẽ nói rõ hơn về cách tiếp cận với Pháp Hoa qua từ bi, hay nói theo ngôn ngữ thông thường, là qua lòng thương yêu.

Chúng ta đã thấy trong phẩm thứ nhất, đức Phật từ sợi lông trắng giữa đôi mày phóng một luồng hào quang chiếu khắp một vạn tám ngàn cõi ở phương Đông, khiến tất cả thông suốt với nhau, thành một thế giới, thành Nhất Chân Pháp Giới. Làm cho tất cả các thế giới hợp thành một thế giới, điều đó có thể thực hiện được bằng trí huệ hoặc bằng thương yêu. Cái Nhất thừa hợp nhất toàn bộ chúng sanh cũng có thể thực hiện được bằng trí huệ hay bằng thương yêu. Những câu chuyện diễn tả tình thương yêu của Cha đối với Con, cha làm cho tất cả mọi loại xe, xe trâu, xe dê, xe nai và xe trâu trắng trang hoàng đẹp đẽ (phẩm Thí Dụ), cha làm mọi cách để đứa con nghèo cùng trở về (phẩm Tín Giải), cha làm lương y nói dối để con chịu uống thuốc (phẩm Như Lai Thọ Lượng)… Và có thể nói, khi các vị Thanh Văn tự cho mình đã đủ với Niết Bàn “Hóa thành” các vị chứng được, đứng về mặt tình thương yêu, đó là do các vị đã không tin hiểu nổi tình thương yêu của Phật đối với các con mình sâu sắc đến dường nào, muốn các con đều “nhận được những gì con Phật đáng nhận được”.

Trong các vị Đại Bồ tát tu hành Pháp Hoa cũng thế, lòng thương yêu bi mẫn là yếu tố quan trọng, từ Bồ tát Từ Thị (Di Lặc), Bồ tát Thường Bất Khinh, Bồ tát Dược Vương cho đến Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Phổ Hiền. Và những mối liên hệ gia đình ví dụ như của đức Phật Đại Thông Trí Thắng, ngài có mười sáu người con trai (ông nội của mười sáu người con trai này là một vị Chuyển Luân Thánh Vương). “Khi nghe cha thành Phật, tất cả đều bỏ của cải quý báu đi đến chỗ Phật ở, xin Phật Đại Thông chuyển pháp luân”. Mười sáu vị vương tử ấy sau đó xuất gia thành mười sáu vị Sa di, và đến nay đều đã thành Phật, trong đó có đức Phật A Súc ở phương Đông, đức Phật A Di Đà ở phương Tây, và vị thứ mười sáu là Phật Thích Ca Mâu Ni ở cõi Ta Bà. Chúng ta lại có gia đình vua Diệu Trang Nghiêm Vương đồng tu Phật đạo, làm thiện tri thức cho nhau. Chỉ nêu ra một vài điều ấy, chúng ta có thể thấy Pháp Hoa chú trọng tình thương yêu như thế nào.

Vậy thì thế giới Pháp Hoa có thể ngộ nhập qua lòng thương yêu. Diệu Pháp Liên Hoa có thể được khai thị ngộ nhập bởi lòng thương yêu. Khi thương yêu phát khởi, tuôn trào nơi lòng người, người đó dễ dàng hợp nhất với mọi sự, từ cái thấp nhất đến cái cao nhất, tức là những chân lý của Pháp Hoa : Nhất Thừa, Hiện Bảo Tháp, Tùng Địa Dũng Xuất, Như Lai Thọ Lượng và Như Lai Thần Lực. Thương yêu là mối dây vô hình nối kết chỗ sâu thẳm nhất của tâm thức chúng ta với cái sâu thẳm nhất của mọi sự. Thương yêu là cái “bản năng” tìm lại sự hợp nhất vốn có của tất cả mọi sự, cái Nhất Chân Pháp Giới. Khi để cho thương yêu được “tùng địa dũng xuất”, chúng ta xóa tan thế giới ngăn ngại, xung đột của mình để cho Nhất Chân Pháp Giới, tức thế giới Pháp Hoa hiển lộ.

Thương yêu Phật đưa chúng ta đến gần Phật hơn, và dần dần chúng ta thấy trong đáy lòng mỗi chúng ta đều có Phật, như một mặt trăng hiện muôn bóng trong muôn triệu ao hồ, và cũng vì thế mà dần dần chúng ta có thể thương yêu, tha thứ, bao dung và độ lượng với chúng sanh hơn. Thương yêu người khác sẽ xóa đi “cái ta” và “cái của ta”, sự ngăn cách giả tạo, xóa đi sự khác biệt do nghiệp, để thấy tất cả đang dự hội Pháp Hoa, trong vĩnh cửu Nhất Thừa. Thương yêu một hòn đá, một cội cây sẽ xóa đi biên giới vô hình trong tâm thức để dũng xuất vào cái thế giới “mình là tất cả, tất cả là mình”, cái thế giới sinh động vô tư của Như Lai Thần Lực. Thương yêu tất cả mọi sự vật, mọi biến cố để thấy tất cả đều là phương tiện của lòng thương yêu vô bờ bến của Phật đối với mỗi chúng sanh ; những phương tiện đó là những xe dê, xe hươu, xe trâu, cứu đàn con ra khỏi nhà lửa. Thương yêu tất cả để thấy mình là một với Nhất Chân Pháp Giới. Thương yêu là một cái Diệu – đừng bao giờ nói tôi thương yêu như vậy là đủ – để thấy mình là muôn ngàn vô số cái Diệu khác hợp thành thế giới Pháp Hoa, thế giới của Phật. Khi nào nơi ta có lòng thương yêu, khi đó ta đang ở trong thế giới Pháp Hoa, và khi nào thương yêu càng tùng địa dũng xuất, thế giới đó càng đậm chất và đậm nét, hiển lộ rực rỡ vinh quang.

Kinh Pháp Hoa trong những phẩm đầu thường nêu lên những giới hạn của những vị A La Hán, lý tưởng của Thanh Văn thừa. Đứng về mặt lòng thương yêu và hậu quả trực tiếp của nó là lòng đại nguyện, giới hạn đó là không chấp nhận có thể có một lòng thương có tính chất vũ trụ, một tình thương yêu ‘đong đầy’ pháp giới, một thực tại “đồng thể đại bi” và cũng chính nhờ lòng thương yêu này mà vị Bồ tát phá bỏ được những hàng rào chấp “ta và cái của ta” đạt đến giải thoát và tiến hơn nữa, Phật Quả. Về mặt này “năm ngàn vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ chưa chứng mà cho đã chứng, đứng dậy lễ Phật mà lui về” trước khi Phật thuyết Pháp Hoa biểu lộ sự không chấp nhận đó. Những chương cuối cùng của kinh Pháp Hoa nói về những “bổn sự”, những cuộc đời của những Đại Bồ tát hay những vị đã thành Phật đều nói đến công hạnh “một lòng thương yêu cho cả pháp giới” này.

Tới một lúc nào, thành một Phật tử thật sự, thành một người con Phật thật sự, chúng ta thấy rằng không thể nào giải quyết được những vấn nạn của thế gian này bằng cái gì khác ngoài trí huệ và từ bi. Ví dụ chúng ta không thể thanh toán được nghiệp quả cho một người khác – đừng nói gì chúng ta, ngay cả các bậc giác ngộ cũng không thể tự nhiên và “vô tư” xóa sạch nghiệp quả của một chúng sanh. Nhưng chúng ta có thể có lòng thương yêu bi mẫn thấu đến những chiều sâu của sanh tử, và thương yêu thì vượt lên nghiệp quả và do đó sẽ biến đổi “bản chất” của nghiệp quả. Cũng như chúng ta đang sống trong cõi Ta Bà – cõi Kham Nhẫn, đó vừa là một cay đắng – kham nhẫn – vừa là một vinh quang vì kham nhẫn là một mặt của thương yêu. Phải chăng chính trong cõi Kham Nhẫn mà thương yêu biểu lộ rõ hơn hết, và phải chăng vì cái vinh quang đó của cõi Kham Nhẫn mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từ chối sự hộ trì kinh Pháp Hoa của các Bồ tát ở các cõi khác ?

Thương yêu là một cái Diệu của Diệu Pháp Liên Hoa, mà chúng ta phải khai mở cho được ở tận đáy lòng mình và mở rộng, tràn lan cho đến khắp cõi Kham Nhẫn này. Thương yêu là đời sống của người tin hiểu Pháp Hoa, đó là động lực để tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 8857)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 7995)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 9562)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9115)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..