A HÀM - MƯA PHÁP CHUYỂN HÓA PHIỀN NÃO

19 Tháng Năm 201607:39(Xem: 10432)
A HÀM
MƯA PHÁP CHUYỂN HÓA PHIỀN NÃO
Thích Nữ Giới Hương
(Trọn Bộ Hai Tập) Tái bản lần thứ 3
Nhà xuất bản Hồng Đức 2016


LỜI GIỚI THIỆU

Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.

Riêng Tạng Nam Truyền, Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu - Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh đã dịch gần xong trước khi Ngài viên tịch từ tiếng Pali sang tiếng Việt. Tổng cộng Kinh, Luật, Luận có 13 quyển, mỗi quyển từ 700 trang đến 1.500 trang. Đây là tạng bằng tiếng Pali được chính thức viết thành văn tự năm 85 trước Dương Lịch. Điều ấy cũng có nghĩa rằng Tạng Nam Truyền cũng đã trải qua khẩu truyền của các vị Thánh Tăng trên dưới 500 năm như vậy. Cả hai bộ Nam và Bắc Truyền đều là những Pháp Bảo quý giá nhất của Phật Giáo Việt Nam nói riêng cũng như Phật Giáo thế giới nói chung. Người học Phật dẫu cho ở truyền thống nào đi chăng nữa thì trước sau cũng phải đi vào Đại Tạng mới có chiều sâu về Pháp được.

Nay Ni Sư Giới Hương đã tổng hợp được chỉ riêng phần A Hàm của Bắc Truyền và Kinh Tạng Nikaya qua Nam Truyền để xâu nên những chuỗi ngọc ma ni lấp lánh, đẹp tuyệt vời qua lời dạy của Đức Phật bằng văn phong dịch thuật, trong sáng cũng như chú giải của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ và Hòa Thượng Thích Đức Thắng, là những nhà học giả của Phật Giáo Việt Nam đương đại, thì còn quý giá nào hơn nữa. Vả lại suốt những năm học tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam, vốn là hậu thân của Đại Học Vạn Hạnh, được trực tiếp do Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu hướng dẫn, giảng dạy thì chắc rằng Ni Sư đã thâu thập được rất nhiều, kể cả hai truyền thống Nam Bắc nầy. Cô lại cất công tổng hợp, phân loại và đặc biệt là theo thứ tự A, B, C…để độc giả dễ nhận biết khi đọc cũng như tra cứu qua các bản Kinh Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm và Tăng Nhất A Hàm. Ở phần đầu và phần cuối của tập 1 và tập 2 là những sự nghiên cứu của Tác Giả đã dày công tổng hợp lại. Đây là một cách làm việc mới mẻ của những thế hệ Tăng Ni trẻ sau nầy.

Riêng tôi chỉ có một lời nguyện là những ngày còn lại của cuộc đời nầy sẽ đọc hết tất cả 3 Tạng Kinh, Luật, Luận của Bắc truyền nầy và cho đến hôm nay cũng đã đọc xong 8 cuốn trong 203 cuốn, mỗi cuốn độ 800 trang đến 1.500 trang về 4 chủ đề A Hàm bên trên. Do vậy khi đọc lại lần nầy những phần trích dẫn của Cô Giới Hương thì tôi cũng đã quen đi rồi. Xin cảm ơn Cô cũng như mọi người đã cho tôi thêm nhiều cơ hội để ôn lại những lời dạy nhiệm màu của Đức Phật, qua tác phẩm “A Hàm- Mưa Pháp chuyển hóa phiền não” nầy. Đọc để chiêm nghiệm, tu tập cũng như luyện tâm, vì tâm không Tu thì Trí không sáng, mà Trí không sáng thì sự hiểu biết về giáo lý của Đức Phật vẫn còn nằm ngoài tầm tay của hành giả học Phật.

Cứ dành thật là nhiều thời gian để đi vào Đại Tạng. Ví dụ như trong Trường A Hàm thuộc Kinh Du Bộ số 2 có tán thán ca ngợi về công đức việc hành hương các Thánh Tích sau khi Phật nhập diệt. Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 4, nói về Địa Ngục thứ 30. Trường A Hàm phần nói về người nữ và Đức Phật dặn dò Ngài A Nan nên bỏ những giới cấm nhỏ nhặt ở phần Kinh Du Bộ số 2. Nói về Đức Phật Di Lặc, Đức Thích Ca Mâu Ni cũng đã dạy cho cặn kẽ trong Trường A Hàm, Kinh Chuyển Luân Vương Tu Hành, số 6. Phần quỷ thần, Đức Phật cũng đã nói trong Trường A Hàm, Kinh Thế Ký, Phẩm 8 thuộc Đao Lợi Thiên số 30. Đến phần Sáu Tư Niệm hay Thập Niệm của Nam Truyền, Đức Phật cũng đã nói trong Trường A Hàm, Kinh Tam Tụ số 12. Rồi đến Bát Kính Pháp, Đức Phật cũng đã nói trong Trung A Hàm, Kinh Cù Đàm Di, Phẩm 10, số 116. Kế tiếp là Tạp A Hàm, Đức Phật đã nói về ba lọai Hương Thơm cho Ngài A Nan và Đại chúng nghe. Phần thứ tư là Tăng Nhất A Hàm, Đức Phật cũng đã nói về Bát Quan Trai Giới, Ba Pháp, 24, Phẩm Cao Tràng, Kinh số 6. Cũng trong Tăng Nhất A Hàm nầy, Đức Phật đã nói về việc báo ân cha mẹ trong Hai Pháp 20, Phẩm Thiện Tri Thức, Kinh số 11. Phần Tâm như khỉ chuyền cành thì có thể tìm trong Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp 9, Phẩm Con Một, Kinh số 3 và cuối cùng”Những chủ đề chung trong A Hàm” là những nhận định của Tác Giả qua phần Kinh Tạng này.

Chỉ những ai muốn có đời sống ẩn cư, nhàn tịnh để hành trì lời Phật dạy thì mới có thời gian thiền tập, tụng Kinh, Lễ bái, niệm Phật và từ đó mới có thể thẩm thấu được lời Phật dạy qua hằng trăm ngàn vạn lời ở vào thưở quá khứ xa xôi trong hơn 2.600 năm về trước. Còn những vị Pháp Sư nào đứng trên quan điểm của mình thuyết giảng mà nói cái nầy Đức Phật nói, cái kia không phải Đức Phật nói hay kinh điển Bắc truyền là do các vị Tổ Trung Hoa soạn ra thì cũng nên xem lại những Kinh Điển căn bản nầy để thấy rằng tại sao sự thăng hoa của Phật Giáo Đại Thừa phải có và từ Kinh nào trong tiếng gốc Pali mà chư Tổ Ấn Độ, Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam đã thể hiện như vậy. Thật ra thì tinh thần Thượng Tọa và Đại Chúng Bộ đã manh nha sau kỳ kết tập Kinh Điển lần thứ hai tại Ấn Độ cũng như tinh thần Trung Quán và Bát Nhã là do các Ngài Vô Trước, Thế Thân, Mã Minh, Long Thọ gốc người Ấn Độ đã hình thành hệ tư tưởng nầy sau Đức Phật nhập diệt 1.000 năm, chứ không phải hoàn toàn biến dạng từ Trung Quốc hay Nhật Bản. Điều quan trọng của các vị Pháp Sư khi giảng pháp thì nên nói rằng: theo sự hiểu biết của tôi hay theo quan niệm của tôi là như vậy v.v.. thì người nghe sẽ không thắc mắc, nếu bảo chắc nịch rằng: Đức Phật không nói như vậy hay nói như vầy theo sở học, sở kiến của mình thì chưa hẳn đã hoàn toàn đúng.

Vậy điều căn bản và cần thiết cho việc Tu và Học Phật là phải Hành Trì cũng như nghiên tầm giáo điển qua những trang Kinh trên, qua đó chúng ta sẽ thẩm thấu được lời Phật dạy và xin đừng nhân danh bất cứ cái gì để chúng ta xa dần những lời dạy căn bản của Đức Thế Tôn. Mong được như vậy và xin trân trọng giới thiệu với các độc giả tác phẩm giá trị này của Ni Sư Thích Nữ Giới Hương.

 

 Viết xong lời tựa này
vào lúc 7 giờ sáng ngày 29 tháng 12 năm Ất  Mùi (nhằm ngày  6 tháng 2 năm 2016)
tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover.

Thích Như Điển,
Phương Trượng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc.



LỜI ĐẦU

Mưa là một dạng ngưng tụ của hơi nước khi gặp điều kiện lạnh. Mưa có thể được sử dụng như nước uống và là nguồn cung cấp nước cho các loại cây trồng cho nên mưa được xem là nguồn sống cho tất cả các loài sinh vật trên hành tinh của chúng ta. Dù là mưa rào, mưa phùn hay mưa ngâu, hương vị của mưa thật là dễ chịu, trong sang nên mưa được chúng ta chào đón với một sự vui mừng thoải mái nhẹ nhàng. Cũng thế, pháp vị A-hàm thật nhẹ nhàng, dễ hiểu, làm tươi sáng tâm tư của chúng ta. A-hàm có thể đẩy tan những dục vọng phiền não đang thiêu đốt chúng ta và nuôi lớn giới thân tuệ mạng thánh hiền của chúng ta, vì thế tác phẩm ‘A-hàm: Mưa pháp chuyển hóa phiền não’ (2 tập) xin được ra mắt với nội dung giới thiệu A-hàm như một suối nguồn Phật pháp không thể thiếu trong việc tưới tẩm và nuôi dưỡng nguồn tâm linh của chúng ta.

Tập 1

1. Sự Hình Thành & Cấu Trúc của Ahàm & Nikaya
2. Ý Nghĩa A-hàm
3. Những Lời Phật Dạy trong Trường A-hàm
4. Những Lời Phật Dạy trong Trung A-hàm

Tập 2
1.Những Lời Phật Dạy trong Tạp Ahàm
2.Những Lời Phật Dạy trong Tăng Nhất A-hàm
3.Những Chủ đề Chung trong A-hàm;
4. Kết Luận

kinhtruongaham-biakinhtrungahamkinhtapaham2kinhtangnhataham-biaBốn bộ A hàm xuất phát từ tiếng Phạn, Hán và Thượng Tọa Tuệ Sĩ cùng Tỳ Kheo Thích Đức Thắng đã dịch qua Việt Ngữ. Bốn bộ Nikaya xuất phát từ ngôn ngữ Pali và Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch qua Việt Ngữ. Vì xuất phát từ ngôn ngữ (Phạn và Pali) khác nhau nên văn phong chuyển dịch sang Việt Văn có ngắn dài khác nhau, nhưng nhìn chung nội dung ý tưởng đều giống nhau. Nên nếu chúng ta hiểu bốn bộ A-hàm thì chúng ta cũng sẽ hiểu được bốn bộ Nikaya. Đó là lý do trong chương 1, tác giả có sự so sánh về cấu trúc cả hai bộ A-hàm và Nikaya. Bốn bộ A-hàm gồm có 2086 bài pháp thoại, nên chương 3 & 4 của tập 1 và chương 1 và 2 của tập 2 là phần tóm gọn các bài pháp thoại A-hàm này. Vì tựa đề của tác phẩm là ‘Mưa pháp’ nên tác giả chỉ chú trọng và sắp xếp các đoạn văn kinh tóm gọn không theo số thứ tự tuần tự của bốn bộ A-hàm mà theo thứ tự của những đức hạnh, tánh cách, ý tưởng của từng bộ kinh mà Đức Phật đã tặng cho chúng ta. Những chủ đề đức hạnh này có khả năng giúp chúng ta có cái nhìn hướng thượng hơn về cuộc sống, nhân cách, tánh tình, tập quán và sự tu tập giải thoát. Vì cách đây 2600 năm, thời của Đức Phật chưa có nghệ thuật in ấn nên mỗi khi thuyết giảng Đức Phật từ bi, chịu khó trùng tuyên lại nhiều lần cho các thính chúng dễ nhớ, còn bây giờ chúng ta may mắn có nghệ thuật in ấn nên có những đoạn văn, tác giả trích y như chánh văn dịch, nhưng cũng có những đoạn tác giả lược bỏ những phần phụ và mẫu văn trùng lập do thời xưa truyền khẩu để đoạn văn ngắn gọn hơn nhưng vẫn nói lên ý chính của Đức Phật đã giảng. Tiêu đề của những đoản văn này là do tác giả đặt dựa theo nội dung để giúp đọc giả dễ theo dõi và nắm ý chính của những đoạn mà chúng ta sắp đọc. Mỗi đoạn đều có ghi xuất xứ, sẽ giúp quý độc giả dễ đối chiếu với chánh văn kinh….
.../....

(Click vào hình bìa bên trái xem nội dung bản dịch kinh của TT. Thích Tuệ Sỹ và TT. Thích Đức Thắng)


Quý độc giả có thể đọc online theo bảng mục lục bên phải hoặc in bản PDF theo links dưới đây hay có thể liên lạc vớí Chùa Hương Sen để thỉnh mua, trước để nghiên cứu học hỏi sau là giúp chùa đang xây dựng:

pdf_download_2
A Hàm Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não Tập 1 - 2016
A Hàm Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não Tập 2 - 2016



thichnugioihuongsmĐịa chỉ Liên lạc:
Huong Sen Buddhist Temple
19865 Seaton Avenue,
Perris, CA 92570. USA
Tel:  951 657 7272 Cell: 951 616 8620
Email: huongsentemple@gmail.com,
thichnugioihuong@yahoo.com
Web:  www.huongsentemple.comHuong Sen Buddhist Temple





Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Hai 2015(Xem: 15568)
Pháp Hoa là kinh tối thượng của Phật giáo Đại thừa bởi vì cấu trúc của kinh rất phức tạp, ý nghĩa sâu sắc có lẽ vượt ra ngoài tầm tư duy và suy luận của con người bình thường. Trong kho tàng kinh điển Đại thừa, kinh Pháp Hoa bắt đầu được phát triển, truyền bá rất sớm và rất rộng rãi vào khoảng 700 năm sau ngày Đức Phật nhập Niết bàn.
09 Tháng Hai 2015(Xem: 11625)
Nội dung của bộ kinh này nói về những nền tảng căn bản nhất trong việc tu học Phật Pháp. Hay nói cách khác, tu học hết thảy Phật môn, đều lấy nội dung chính của “Thập Thiện Nghiệp Đạo” làm cơ sở.
13 Tháng Giêng 2015(Xem: 9144)
Chúng tôi biên soạn và chú giải bản Kinh Người Áo Trắng, để giúp cho người cư sĩ tại gia, trước nhất là có niềm tin chân chính đối với Tam bảo và phát nguyện gìn giữ năm điều đạo đức. Đây là bản kinh gối đầu nằm cho người cư sĩ tại gia, người Phật tử tại gia hãy nên tụng đọc, nghiền ngẫm và tu tập, sẽ thấm nhuần yếu chỉ của Kinh mà sống đời bình an, hạnh phúc trong từng phút giây.
08 Tháng Giêng 2015(Xem: 7985)
Theo kinh Hoa Nghiêm, được xem là kinh cao rộng nhất của Đại thừa, thì vũ trụ này là Báo thân và Hóa thân của Phật bổn nguyên Tỳ Lô Giá Na. Phật Tỳ Lô Giá Na là pháp thân của Đức Phật Thích Ca và tất cả chư Phật.
30 Tháng Mười 2014(Xem: 10131)
Bát-nhã tâm kinh là bài kinh nói về tâm, nhưng không phải là tâm suy nghĩ thường tình của người đời mà nói về cái tâm “đến bờ kia”. Nó là cái trí có thể soi thấu được cội nguồn của mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này. Với người tu Phật, bài kinh đó là ngọn đuốc dẫn đường giúp hành giả đến đích.
02 Tháng Mười 2014(Xem: 16968)
“Bát nhã ba la mật đa tâm kinh” là bộ kinh ngắn nhất của Đại thừa Phật giáo, vì chỉ có 260 chữ Hán, kể luôn bài kệ ở sau rốt. Nhưng đó là tinh yếu, là cốt tủy của bộ kinh “Đại Bát nhã”, dày 60 quyển. Nguyên văn bằng chữ Phạn (sanscrit), bộ kinh nhỏ này có tất cả sáu bản dịch ra Hán văn. Bản được lưu hành rộng xa nhất ở Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam
29 Tháng Tám 2014(Xem: 13285)
Bài Kinh này gián tiếp giới thiệu một cách khái quát giá trị tâm linh của người xuất gia, bắt đầu bằng một đời sống thanh cao, không màn đến sở hữu tài sản vật chất thế gian. Mục đích của người tu không phải để được làm trụ trì một ngôi chùa, được người đời cúng dường và cung kính, mà nhằm tầm cầu con đường tâm linh, hướng đến các giá trị nội tại. Các giá trị đó chỉ có thể đạt được bằng cách thực hành theo con đường trung đạo, khởi đi bằng cái nhìn đúng đắn (chánh kiến) và kết thúc bằng đời sống thiền định
24 Tháng Tám 2014(Xem: 7720)
Tâm quá khứ là tâm gì? Tức là tâm tưởng nhớ lại việc quá khứ. Phần nhiều chúng ta hiện nay sống với mấy tâm? Mình sống với ba thời: tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai. Những người đầu hơi hoa râm như tôi hoặc là bạc trắng hơn nữa thì sống với tâm nào? Tâm quá khứ, cứ nhớ thuở xưa, lúc đương thời làm những gì, nhớ những gì thuộc quá khứ như vậy là tâm quá khứ. Nhưng những tâm duyên về quá khứ có thật không? Nó là bóng dáng không thật nên quá khứ tâm bất khả đắc. Rồi tâm hiện tại là tâm gì?
14 Tháng Năm 2014(Xem: 14752)
Tôi được Tăng sai phụ trách hướng dẫn Bồ tát Học xứ cho chúng Giới tử tân thọ Bồ tát giới. Trong thời gian khá lâu, hướng dẫn cho nhiều lớp, tôi đã cố gắng Việt dịch – Biên soạn – Chú thích và tập thành đầu sách mang tựa đề.