KHÔNG TÀN HẠI CHÚNG SANH
Thích Thái Hòa Tâm hay trách móc, hay hờn tủi, tâm đó sẽ làm cho chúng ta khổ đau. Không sợ già, không sợ chết, chỉ sợ chúng ta không có trí tuệ, chúng ta không biết tu tập, nên chúng ta không có khả năng để vẽ đời sống của chúng ta, cái dáng dấp đẹp đẽ của chúng ta trong tương lai. Chúng ta phóng sanh loài khác chính là phóng sanh cho chính chúng ta, chúng ta cứu giúp sự sống của người khác chính là cứu giúp sự sống của chính chúng ta. Chúng ta có thể tiếp xúc, cảm nhận được hạnh phúc và an lạc ở bất cứ thời gian và không gian nào. Khi chúng ta ý thức rõ về sự sống, chúng ta biết gạn lọc tất cả những cái gì làm cho sự sống của chúng ta bị cáu bẩn, thì sự thanh trong của cuộc sống tự nó sẽ hiện ra. Chính chúng ta làm cho chúng ta khổ, vì chúng ta không ý thức được cuộc sống là vô tận và quý báu, chúng ta chỉ là kẻ đi tìm sự sống mà không nhận ra được sự sống, chúng ta chỉ đặt tâm của chúng ta vào nơi sự sống vô tận ấy dù chỉ trong một giây phút, thì sự sống của chúng ta cũng trở nên vô cùng tận và phong phú . Chúng ta không đặt được tâm của chúng ta nơi sự sống vô tận ấy, nên chúng ta cứ chạy hoài, kiếm hoài nhưng vẫn không nhận ra sự sống. Khi chúng ta không nhận ra được sự sống của chúng ta , thì chúng ta không thể nào nhận diện ra được sự sống của những người thân, chúng ta không nhận ra được sự sống của cha, mẹ để chúng ta làm những người con có hiếu, chúng ta không nhận ra được sự sống của anh, chị, em, nên chúng ta không thể yêu thương thương họ theo ý nghĩa đích thực và chúng ta không thể nào thấy được sự sống của người yêu để mà chung thủy. Muốn có được tất cả được tất cả những cái đó, chúng ta phải nhận diện cho được sự sống, khi đó chúng ta mới trân quý sự sống của mình và khi chúng ta trân quý sự sống của chính mình, thì có nghĩa là chúng ta trân quý sự sống của muôn loài. Chúng ta cứu sự sống cho người khác cũng chính là cứu sự sống cho chính mình. Chúng ta tìm cách phóng sinh cho kẻ khác chính là chúng ta đang giải phóng cho chính chúng ta. Chúng ta muốn sự sống của chúng ta hoàn hảo, tất nhiên chúng ta phải nổ lực làm cho sự sự sống chung quanh chúng ta hoàn hảo. Chúng ta chỉ muốn bảo vệ nhà chúng ta sạch thôi, còn môi trường chúng quanh thì mặc kệ, khi đường sá, môi trường chúng quanh bị ô nhiễm, thì thử hỏi nhà của chúng ta có sạch được không? Ở Sài Gòn, nhà thì cao tầng, nhưng nước ở sông Sài Gòn thì bị ô nhiễm, như vậy thì chúng ta có bị ô nhiễm không? Chúng ta yêu nhà chúng ta, thì chúng ta phải yêu sông Sài Gòn, sông Thủ Thiên, sông Đồng nai, Sông Hương, . . . chúng ta không thải những chất ô nhiễm vào dòng sông, chúng ta cứu sự ô nhiễm của môi trường chính là chúng ta đang cứu sống chính chúng ta và những người chung quanh vì môi trường đã hỗ trợ rất lớn cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có an lạc, thảnh thơi, có sự vô nhiễm không bệnh hoạn, chúng ta có được những điều như thế là do sự đóng góp rất lớn của môi trường chung quanh. Đời sống tương lai của chúng ta có gốc rễ từ nơi hiện tại, mỗi chúng ta là mỗi nhà kiến trúc sư cho đời sống của chúng ta. Tâm của ta vụng dại, thì chúng ta sẽ vẽ ra những hình ảnh vụng dại cho chính đời sống của chúng ta và môi trường chung quanh, khi đó ai ở gần chúng ta cũng thấy khó chịu, bất an. Chúng ta thông minh, tỉnh táo, thì chúng ta vẽ ra cho đời sống của chúng ta, cho môi trường chung quanh chúng ta những đường nét độc đáo, mát mẽ và có như vậy chúng ta mới làm cho những người chung quanh chúng ta cũng mát mẽ theo. Chúng ta là chủ nhân, là tác giả của đời sống chúng ta, chúng ta không có quyền trách móc ai khác. Thưa quý vị, tại sao trong một nước, vị Quốc Vương cần phải thọ trì Bồ Tát Giới. Bởi vì, Quốc Vương là một trong những tác nhân trọng yếu, nếu đó là một Quốc Vương có từ tâm, thì chỉ một giọt mực đọng nơi ngòi bút của vị đó thôi, thì hết thảy muôn loài từ nhân dân cho đến loài thảo mộc đều được lợi lạc. Nhưng trái lại, khi vị Quốc Vương đó có tâm vụng về, thì chi cần một lời phê thôi, thì hàng vạn cái đầu rơi xuống đất. Vì vậy, chúng ta học Phật là phải biết cách áp dụng lời Phật dạy, áp dụng cách nhìn đạo phật ở trong cuộc đời của chúng ta để chúng ta có thể chuyển hóa sự không an lạc thành an lạc, sự rối rắm thở thành thanh thản. Vì thế mà lúc xưa, các bậc Thánh nhân đã ca ngợi rằng: “Thanh bần lạc đạo”, muốn vui với đạo thì phải sống giản dị. Muốn phát huy được tâm từ bi và hiếu thuận, thì chúng ta phải thường xuyên thấy được lý nhân duyên, thấy được lý trùng trùng duyên khởi. Khi thấy và nuôi dưỡng được lý trùng trùng duyên khởi một cách liên tục, chúng ta mới phát huy được chất liệu từ bi và hiếu thuận trong đời sống của chúng ta. Chúng ta nuôi dưỡng cách thấy đó trong đời sống của mình trong từng cách nhìn, cách nghe, cách ngửi, cách nếm, cách tiếp xúc, trong từng động tác của chúng ta, chúng ta sẽ không còn cảm giác cô đơn nữa, cảm giác cô đơn sẽ hoàn toàn vắng lặng. Chúng ta không còn giong ruổi tìm cầu gì nữa, người chạy đi tìm cầu là vì họ cảm thấy cô đơn, họ không thấy được lý trùng trùng duyên khởi. Chúng ta trốn chạy cô đơn chừng nào, thì chúng ta càng thất vọng chừng đó, thực tế trong đời sống của chúng ta không có gì gọi là cô đơn. Chúng ta nhìn bàn tay của chúng ta thử xem, trong bàn tay của chúng ta đủ tất cả, có mặt trăng, mặt trời, có đêm, có ngày, có âm, dương, có đất, có nước, có cây cỏ, trong bàn tay chúng ta có ba, có mẹ, có anh, có chị, có em, có người yêu, có cả dòng họ tổ tiên tâm linh và huyết thống. Nhìn bàn tay, chúng ta tiếp xúc được với cả người yêu, thì chúng ta đâu có còn cô đơn nữa, vì nhìn bàn tay mà không thấy được lý trùng trùng duyên khởi nên không tiếp xúc được với người yêu, nên phải lên đồi thông Đà Lạt để ngồi, ngồi rồi nhưng vẫn thấy trong mình vẫn còn cô đơn, vẫn trằn trọc. Vì vậy, khi chúng ta đã trang bị trong tâm tư của chúng ta lý trùng trùng duyên khởi, thì chúng ta chỉ nhìn một bông hoa, ngọn cỏ thôi chúng ta cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ, chúng ta còn muốn tìm ai nữa, ai cũng có mặt trong chúng ta cả rồi. Mọi loài sinh ra đều có nhân duyên quả báo của nó. Thượng đế sinh ra con vật để cho con người ăn, thượng đế sinh ra con người là để phụng sự thượng đế, có phải như vậy không? Như vậy, thượng đế có âm mưu, thượng đế mà còn cần con người để phụng sự, như thế thì thượng đế không có tài năng bằng con người, chỉ có con người bị tàn phế mới cần người khác phụng sự, dìu dắt mình đi, chứ con người lành lặn đâu có cần người dìu dắt. Mặt trời đâu cần ai phụng sự, mặt trời cho muôn loại ánh sáng mà không đòi hỏi một thứ gì cả. Nên, thuyết chỉ có Thượng đế là nguyên nhân đầu tiên sinh ra vạn loại thật sai lầm. Học giới là rất quan trọng, nó có tác dụng lên rất nhiều mặt trong đời sống của chúng ta trên phương diện tu tập, nhận thức, trên phương diện nuôi dưỡng đạo đức. Chúng ta học những lời Đức Phật dạy mà chúng ta không áp dụng được trong đời sống hàng ngày, thì cái đó chưa gọi là học. Cũng giống như khi chúng ta đói bụng nhưng chúng ta chỉ nói đến chuyện thức ăn mà không ăn, thì chúng ta không thể giải quyết được vấn đề đói. Nên khi chúng ta học đạo, chúng ta phải học và thực hành như thế nào đó để trong đời sống của mình có đạo, để tạo được an lạc trong đời sống của chúng ta. Có nhiều người nói, Bồ tát Đạo xa xôi quá học không nổi, chúng ta tu tập cũng giống như người thông minh đi tìm trầm và khám phá được cả khu rừng chiên đàn, khi đó người thông minh tùy theo sức của mình mà thưởng thức mùi hương, người mạnh thì đốn cả cây, người yếu thì chỉ lấy nhánh, người yếu hơn thì ngắt lá bỏ bọc, người không đủ khả năng để hái thì đến đó ngửi hương rồi về, mùi hương trầm xông ngát nơi thân thể, nơi tâm của mình, mình đem hương đó về nhà thì gia đình ba, mẹ, anh, em, vợ, chồng, con cái cũng được hưởng lây một ít. Chứ người không thông minh thấy cả rừng chiên đàn, tưởng phải gánh hết cả rừng về mới ngửi được hương, sợ không đủ sức nên không dám đến đó, nên cả đời người chẳng ngửi được hương. Trong Kinh Bách Dụ kể rằng, có một anh nông dân nọ lên thành phố, anh ta thấy người ta xây nhà lầu nhiều tầng, anh thích quá, bèn kêu thợ đến và bảo rằng, bác thợ ơi! Xây cho tui cái nhà nhiều tầng. Bác thợ xây bèn tính toán, đào móng, nhưng người nông dân nói, không đào móng, chỉ xây nhà nhiều tầng lên thôi. Cuối cùng bác thợ xây phải bó tay. Cũng vậy, nhiều người không thích tu mà chỉ thích làm Phật liền thôi, không tu mà thích lập đạo tràng, thì ra chúng ta cũng giống những người nông dân khờ khạo đó thôi, chúng ta mới học được năm ba chữ mà đã xem như là thông rồi, cái khờ khạo đó có mặt trong tất cả chúng sinh, cho nên trong Bồ Tát Giới mới nói là chỗ nào có giảng pháp, thì phải đến nghe, biển học là vô cùng, vô tận, “Học hải vô nhai”! Thích Thái Hòa |