Chương 5. Điều Độ

16 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 10458)

TỨ PHẦN LUẬT 四分律
Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm. 
Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng

PHẦN THỨ TƯ
 PHẦN TẠP PHÁP

CHƯƠNG V.
ĐIỀU BỘ

A. BA-LA-DI

I. BẤT TỊNH HẠNH

1. Ưu-ba-ly thỉnh vấn

[971c11]1. Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly.

Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:

«Bạch đức Thế Tôn, Tu-đề-na Ca-lan-đà Tử[1] cùng vợ cũ làm bất tịnh hạnh, như vậy có phạm Ba-la-di hay không?»

Đức Phật dạy:

«Ưu-ba-ly, lúc ban đầu chưa chế giới, nên không phạm.»

Tỳ-kheo Bà-xà Tử[2] ưu sầu không vui, không thích sống đời tịnh hạnh liền trở về nhà cùng vợ cũ làm bất tịnh hạnh. Tỳ-kheo ấy nghĩ: «Đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo chế giới: ‘nếu tỳ-kheo phạm bất tịnh hạnh, làm pháp dâm dục, phạm Ba-la-di, không được sống chung.’ Ta sầu ưu không vui, không thích sống đời tịnh hạnh, cùng vợ cũ làm bất tịnh hạnh như vậy có phạm Ba-la-di chăng?» Không biết việc này thế nào, liền nói với tỳ-kheo đồng bạn như sau:

«Đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo chế giới: ‘Nếu tỳ-kheo phạm bất tịnh hạnh, làm pháp dâm dục, phạm Ba-la-di, không được sống chung.’ Tôi sầu ưu không vui, không thích sống tịnh hạnh, trở về nhà cùng với vợ cũ làm bất tịnh hạnh. Tôi có phạm Ba-la-di? Lành thay, Trưởng lão có thể vì tôi bạch với Phật. Tùy theo lời Phật dạy, tôi sẽ phụng hành. Nếu tôi còn được phép ở trong Phật pháp tu phạm hạnh thì tôi sẽ tiếp tục tu.»

Tỳ-kheo kia liền đến chỗ đức Phật, đầu mặt kính lẽ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, đem nhơn duyên trên bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Ty kheo Tăng, dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Bà-xà Tử:

«Ngươi làm điều phi pháp, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, [972a1] chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Ngươi ngu si, vì sao không vui sống với tịnh hạnh, lại trở về nhà cùng với vợ cũ làm bất tịnh hạnh? Nếu đã vào thì phạm Ba-la-di, không được sống chung. Nếu các tỳ-kheo khác sầu ưu không vui, không thích sống tịnh hạnh, cho phép xả giới để về nhà. Nếu sau đó muốn trở lại trong Phật pháp tu hạnh thanh tịnh thì cho phép xuất gia, thọ đại giới lại.» 

2. Bấy giờ Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật:

«Là đạo,[3] tưởng là đạo. Có phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

Ưu-ba-ly lại hỏi:

«Là đạo, nghi là đạo. Có phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

Ưu-ba-ly lại hỏi:

«Là đạo, tưởng phi đạo có bị phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

Ưu-ba-ly lại hỏi:

«Chẳng phải đạo, tưởng là đạo. Có phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Ưu-ba-ly lại hỏi:

«Chẳng phải đạo mà nghi. Có phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Ưu-ba-ly lại hỏi:

«Là nam mà tưởng là nữ, làm bất tịnh hạnh. Có phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

Ưu-ba-ly lại hỏi:

«Là nữ mà tưởng là nam, làm bất tịnh hạnh. Có phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

Ưu-ba-ly lại hỏi:

«Với người nữ này tưởng cũng đồng như người nữ kia, cùng làm bất tịnh hạnh. Có phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

«Đối với người nam này tưởng là người nam kia, cùng làm bất tịnh hạnh. Có phạm hay không»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di » 

3. Cộng súc sanh

1. Khi ấy có tỳ-kheo cùng với con voi cái làm bất tịnh hạnh, nghi không biết có phạm ba-la-di hay không?

Đức Phật dạy:

«Phạm.»

Cũng vậy, các loài cái như bò, ngựa, lạc đà, nai, lừa, dê, heo, chó, chim nhạn, khổng tước, gà ... Tất cả đều phạm ba-la-di. 

2. Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ có một tỳ-kheo khất thực trú ở trong rừng. Có một con khỉ cái sống trong khu rừng ấy. Tỳ-kheo này vào trong nhân gian khất thực đem về rừng ăn, thức ăn còn dư cho con khỉ cái ấy. Do đó, con khỉ cái kia ngày càng thân cận, thường đi theo tỳ-kheo, cho đến tỳ-kheo dùng tay bắt nó, nó vẫn không chạy. Khi ấy, tỳ-kheo cùng nó làm bất tịnh hạnh. Bấy giờ chúng tỳ-kheo đi xem xét phòng xá, ngọa cụ, lần lượt đến trong rừng kia. Con khỉ cái đến chỗ các tỳ-kheo đứng đưa cái đuôi lên, hiện tướng. Các tỳ-kheo kia nghĩ: «Con khỉ cái này trước mặt ta hiện tướng như vậy, đâu không phải có tỳ-kheo khác đã phạm đến con khỉ cái này?» Các tỳ-kheo liền ẩn trong chỗ khuất để rình. Khi tỳ-kheo khất thực kia trở về lại trong rừng, ăn xong, cho khỉ ăn, khỉ ăn xong cùng nó làm bất tịnh hạnh. Các tỳ-kheo thấy sự việc như vậy nói:

«Này Trưởng lão, há không phải đức Phật không chế cấm tỳ-kheo không được làm bất tịnh hạnh hay sao?»

Vị ấy trả lời:

«Đức phật cấm đối với người nữ chứ đâu cấm đối với súc sanh.»

Các tỳ-kheo về lại chỗ đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, quở trách tỳ-kheo khất thực rằng:

«Ngươi làm việc sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao ngươi cùng con khỉ cái làm bất tịnh hạnh. Nếu vào, tức là phạm ba-la-di. Ngươi là người si, không được sống chung.» 

3. Bấy giờ Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa đức Thế Tôn:

«Bạch Đại đức, nếu tỳ-kheo cùng với loài súc sanh khác làm bất tịnh hạnh. Có phạm ba-la-di hay không? Đức Phật dạy:

«Phạm.»

4. Dữ học giới

1. Bấy giớ đức Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Tỳ-kheo Nan-đề[4] ngồi thiền, đạt được tâm giải thoát thuộc thế tục, từ đệ tứ thiền giác tỉnh. Khi ấy có ma thiên nữ đứng trước mặt. Tỳ-kheo nắm lấy muốn phạm ma nữ. Ma nữ bèn ra ngoài, tỳ-kheo cũng theo ra ngoài. Ma ra ngoài hành lang của thất, tỳ-kheo cũng theo ra ngoài hành lang của thất. Ma ra giữa sân, tỳ-kheo cũng ra giữa sân. Ma ra ngoài chùa, tỳ-kheo cũng ra ngoài chùa. Bên ngoài chùa, lúc ấy có một con ngựa cái đã chết. Nơi xác chết của con ngựa im nữ ẩn hình, biến mất. Khi ấy tỳ-kheo Nan-đề bèn làm bất tịnh hạnh với con ngựa chết. Làm bất tịnh hạnh xong, tỳ-kheo hoàn toàn không có tâm che dấu, liền rằng: «Đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo chế giới không được làm bất tịnh hạnh, nếu làm bất tịnh hạnh phạm ba-la-di, không được sống chung. Nay ta làm bất tịnh hạnh hoàn toàn không có tâm che dấu. Ta đâu không phạm ba-la-di, ta nên làm thế nào?» Nan-đề liền nói với tỳ-kheo đồng bạn: «Đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo chế giới, nếu tỳ-kheo làm bất tịnh hạnh, phạm ba-la-di, không được sống chung. Nay tôi phạm bất tịnh, hoàn toàn không có tâm che dấu, há không phạm ba-la-di? Lành thay, Trưởng lão vì tôi bạch Phật. Tùy theo lời dạy của đức Phật, tôi sẽ phụng hành.»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, bảo rằng:

«Nay Tăng nên trao cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di bằng pháp bạch tứ yết-ma.»

Pháp thức như sau: tỳ-kheo phạm nên đến trong Tăng, cởi bỏ giày dép, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi là tỳ-kheo Nan-đề phạm pháp dâm, hoàn toàn không có tâm che dấu. Nay đến trong Tăng xin Tăng giới ba-la-di. Nguyện Tăng từ mẫn trao cho tôi giới ba-la-di.»

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa xin như vậy.

Trong Tăng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Nan-đề này phạm pháp dâm, hoàn toàn không có tâm che dấu. Nay đến trong Tăng xin giới ba-la-di. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di. Đây là lời tác bạch.

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Nan-đề này phạm pháp dâm, hoàn toàn không có tâm che dấu. Nay đến trong Tăng xin giới ba-la-di, nay Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề này giới ba-la-di. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.»

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.

«Tăng đã trao cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»

Tỳ-kheo phạm được trao cho giới ba-la-di rồi, nên làm hạnh tùy thuận. Tùy thuận pháp gồm có: không được trao đại giới cho người và cho người y chỉ; không được nuôi sa-di; không được nhận giáo thọ tỳ-kheo-ni, dù có sai cũng không được đến giáo thọ; không được vì Tăng nói giới; không được giữa Tăng vấn đáp Tỳ-ni; không được nhận Tăng sai làm người tri sự;[5] không được nhận Tăng sai làm bình đoán sự;[6] không được nhận Tăng sai làm sứ mạng; không được vào xóm làng sớm đến sẫm tối mới về; nên gần gũi tỳ-kheo, không được gần gũi ngoại đạo, bạch y; nên tùy thuận pháp của tỳ-kheo; không nói lời của thế tục; không được phạm trở lại tội này; tội khác cũng không được, hoặc tương tợ, hoặc từ tội này sanh, hoặc nặng hơn đối với tội này; không được ngăn yết-ma, ngăn người làm yết-ma; không được để cho tỳ-kheo thanh tịnh trải chỗ ngồi ngồi, rửa chân, lấy đồ đựng nước, lau giày dép, xoa bóp thân thể, lễ bái, nghinh đón, hỏi chào; không được để cho tỳ-kheo thanh tịnh cầm y bát; không được cử tội tỳ-kheo thanh tịnh, tác ức niệm, tác tự ngôn; không được tán trợ thuyết của người khác; không được ngăn thuyết giới, tự tứ; không được cùng tỳ-kheo thanh tịnh tranh cãi.

Tỳ-kheo được trao giới ba-la-di rồi, khi Tăng thuyết giới và yết-ma, [973a1] đến hay không đến, Tăng không phạm.

Các tỳ-kheo thưa:

«Tỳ-kheo được trao giới ba-la-di rồi, phạm trở lại, được trao giới ba-la-di nữa hay không?»

Đức Phật dạy:

«Không được trao mà nên diệt tẫn.» 

5. Phi đạo

1. Bấy giờ, có tỳ-kheo cơ thể mềm mại, dùng nam căn để vào miệng. Vị ấy nghi không biết có phạm ba-la-di hay không.

Đức Phật dạy:

«Phạm.» 

2. Có tỳ-kheo tên là Lam-bà-na, nam căn dài, nắm để vào đường đại tiện. Vị ấy nghi không biết có phạm ba-la-di hay không?

Đức Phật dạy:

«Phạm.» 

3. Khi ấy có tỳ-kheo nam căn khởi. Tỳ-kheo khác liền nắm, để vào trong miệng mình. Tỳ-kheo này không cảm thấy khoái lạc, bỏ đi, không thọ. Nhưng sanh nghi: như vậy mình có phạm ba-la-di?

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Tỳ-kheo kia phạm.» 

4. Có tỳ-kheo khất thực buổi sáng, khoác y, bưng bát đến nhà bạch y. Nhà bạch y có đứa nhỏ nam căn khởi. Tỳ-kheo liền cầm, để vào trong miệng mình; rồi nghi: mình có phạm ba-la-di? Đức Phật dạy:

«Phạm.» 

6. Cưỡng dâm

1. Có tỳ-kheo bắt ép tỳ-kheo khác cùng hành dâm. Vị kia nghi: Ta có phạm ba-la-di? đức Phật hỏi:

«Ngươi có thọ lạc không?»

Vị kia trả lời: «Có.»

Đức Phật dạy:

«Cả hai đều phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo cùng với sa-di hành dâm, rồi nghi, ta có phạm?

Đức Phật :

«Ngươi sa-di có thọ lạc không?»

Sa-di thưa: « Có.»

Đức Phật dạy:

«Cả hai đều phạm.»

Có sa-di bắt ép đại tỳ-kheo cùng hành dâm, rồi nghi, đức Phật hỏi tỳ-kheo:

«Tỳ-kheo, ngươi có thọ lạc không?»

Tỳ-kheo thưa: «Có.»

Đức Phật dạy:

«Cả hai đều phạm.»

Có sa-di cùng với sa-di hành dâm, rồi nghi, đức Phật hỏi:

«Ngươi có thọ lạc không?»

Sa-di thưa: «Có.»

Đức Phật dạy:

«Cả hai đều phạm.»

Có tỳ-kheo bị cưỡng bức cùng tỳ-kheo hành dâm, không thọ lạc; lấy ra rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi có thọ lạc không?»

Tỳ-kheo kia thưa: «Không thọ lạc.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi không phạm. Người nào để vào thì phạm.»

Có tỳ-kheo cưỡng bức bắt ép sa-di hành dâm, không thọ lạc; lấy ra, vị kia nghi. Đức Phật hỏi ông sa-di:

«Ngươi có thọ lạc không?»

Sa-di thưa: «Không thọ lạc.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi không phạm. Người để vào thì phạm.»

Có sa-di cưỡng bức bắt ép tỳ-kheo hành dâm, không thọ lạc; lấy ra rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi có thọ lạc không?»

sa-di thưa: «Không thọ lạc.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi không phạm. Người nào để vào thì phạm.»

Có sa-di cưỡng bức bắt sa-di hành dâm, không thọ lạc. Lấy ra rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi có thọ lạc không?»

Sa-di thưa: «Không thọ lạc.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi không phạm. Người nào để vào thì phạm.»

Có tỳ-kheo thân căn bị hư hoại, không có cảm giác. Vị ấy có ý nghĩ: «Ta không có cảm giác, hành dâm không phạm.»

Vị ấy hành dâm rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo nam căn không khởi, nghĩ rằng mình hành dâm không phạm. Vị ấy bèn hành dâm, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo có ý nghĩ: «Ta cùng với người nữ đang ngủ hành dâm. Nó không biết khoái lạc. Ta không phạm.» Vị kia bèn hành dâm, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo có ý nghĩ: «Cùng với người nữ say hành dâm. Người kia không biết khoái lạc. Ta không phạm.» Vị kia bèn hành dâm, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo có ý nghĩ: «Ta cùng người nữ điên cuồng hành dâm. Người kia không biết cảm giác lạc. Ta không phạm.» Vị kia bèn hành dâm, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo có ý nghĩ: «Ta cùng người nữ đang sân hận hành dâm. Người kia không thọ lạc, không phạm.» Vị kia hành dâm, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo có ý nghĩ: «Ta cùng người nữ đang đau nhức khổ hành dâm. Người kia không thọ lạc. Ta không phạm.» Vị kia hành dâm rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo có ý nghĩ: «Ta cùng người nữ thân căn bị hư hoại hành dâm. Người kia không biết lạc. Ta không phạm.» Vị kia hành dâm rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo có ý nghĩ: «Ta cưỡng bức bắt buộc người nữ hành dâm. Người kia không thọ lạc. Ta không phạm.» Vị kia bèn hành dâm, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo có ý nghĩ: «Ta cưỡng bức bắt buộc huỳnh môn hành dâm. Nó không thọ lạc. Ta không phạm.» Vị kia liền hành dâm rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo có ý nghĩ: «Ta cưỡng bức bắt buộc nam tử hành dâm. Nó không thọ lạc. Ta không phạm.» Vị kia liền hành dâm, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

Bấy giờ, có người nữ cưỡng bức bắt tỳ-kheo hành dâm. Tỳ-kheo không thọ lạc; lấy ra rồi nghi. Phật hỏi tỳ-kheo:

«Ngươi có thọ lạc không?»

Vị đó thưa:

«Không thọ lạc.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi không phạm.»

Có huỳnh môn cưỡng bức bắt tỳ-kheo hành dâm, nghi. Đức Phật hỏi tỳ-kheo:

«Ngươi có thọ lạc không?»

Vị kia thưa:

«Không thọ lạc.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi không phạm.»

Có nam tử cưỡng bức bắt tỳ-kheo cùng hành dâm. Tỳ-kheo không thọ lạc, lấy ra, rồi nghi, đức Phật hỏi tỳ-kheo:

«Ngươi có thọ lạc không?»

Tỳ-kheo trả lời: «Không thọ lạc.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi không phạm.»

Bấy giờ, có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã bắt ép tỳ-kheo để vào đường đại tiện, hoặc nơi miệng hành dâm. Thân vị kia thọ lạc. Khi lấy ra, nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi có thọ lạc không? Vị kia trả lời:

«Có thọ lạc.»

Đức Phật dạy:

«Cả hai đều ba-la-di.»

Có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã bắt ép tỳ-kheo-ni, sa-di, sa-di ni, thức-xoa-ma-na để vào đường đại tiểu tiện hoặc trong miệng hành dâm. Vị kia thọ lạc. Khi lấy ra nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi có thọ lạc không?»

Vị kia trả lời:

«Có thọ lạc.»

Đức Phật dạy:

«Cả hai đều phạm.»

Có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã bắt ép tỳ-kheo để vào đường đại tiện, trong miệng hành dâm. Vị kia không thọ lạc, nghi. Đức Phật hỏi tỳ-kheo:

«Ngươi tỳ-kheo có thọ lạc không?»

Vị kia thưa:

«Không thọ lạc.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi không phạm. Người kia phạm.»

Có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã bắt ép tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni để vào đường đại tiểu tiện, trong miệng hành dâm. Vị kia không thọ lạc. Khi lấy ra, nghi. Đức Phật hỏi sa-di ni:

«Có thọ lạc không?»

Vị kia thưa:

«Không thọ lạc.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi không phạm. Người kia phạm.»

Có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã bắt ép tỳ-kheo đang ngủ để vào đường đại tiểu tiện, trong miệng hành dâm. Vị đang ngủ kia không biết, khi thức dậy cũng không biết. Vị kia nghi. Đức Phật hỏi:

«Người có biết hay không?»

Vị kia thưa:

«Không biết.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi không phạm. Người kia phạm.»

Có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã bắt ép tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đang ngủ để vào để vào đường đại tiểu tiện, trong miệng hành dâm. Vị đang ngủ kia không biết, khi thức dậy cũng không biết. Vị kia nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi có biết không?»

Vị kia trả lời:

«Không biết.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi sa-di-ni[7] không phạm. Người kia phạm.»

Có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã đối với tỳ-kheo đang ngủ để vào nơi đại tiện, trong miệng hành dâm. Vị ngủ kia tỉnh giấc, nhưng không thọ lạc. Khi lấy ra, vị kia nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi có thọ lạc không?»

Vị kia thưa:

«Không thọ lạc.»

Đức phật dạy:

«Ngươi sa-di-ni không phạm. Người để vào phạm.»

Có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã với tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni đang ngủ để vào đường đại tiểu tiện, trong miệng hành dâm. Vị đang ngủ kia không biết. Khi tỉnh giấc, không thọ lạc, nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi có thọ lạc không?»

Vị kia trả lời: «Không thọ lạc.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi không phạm. Người để vào kia phạm.»

Có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã với tỳ-kheo đang ngủ để vào đường đại tiện, trong miệng hành dâm. Vị ngủ kia không biết, [974a1] khi tỉnh giấc thì biết, thọ lạc. Khi lấy ra, nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi có thọ lạc không?

Vị kia nói: «Có thọ.»

Đức Phật dạy:

«Cả hai đều phạm.»

Có ác tỳ-kheo, ác sa-di, ác a-lan-nhã, với tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni đang ngủ, để vào trong đường đại tiểu tiện, trong miệng hành dâm. Vị ngủ kia không biết, tỉnh giấc mới biết, thọ lạc. Đức Phật hỏi:

«Ngươi có thọ lạc hay không?»

Vị kia thưa: «Có thọ lạc.»

Đức Phật dạy:

«Cả hai đều phạm.» 

2. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc, ban ngày không đóng cửa mà ngủ. Giặc vào nhà hành dâm, rồi đi. Tỳ-kheo-ni không biết. Thức dậy rồi, thấy đồ bất tịnh bẩn người, bèn nghĩ: «Thân ta có đồ bất tịnh dơ dáy thế này, có người phạm dâm ta sao?» Nghi. Đức Phật nói:

«Không phạm. Nhưng tỳ-kheo-ni ban ngày không được không đóng cửa mà ngủ.»

Tỳ-kheo-ni Nan-đà, ban ngày ngồi dưới gốc cây hoa, chỗ nhiều người vui đùa, bọn cướp bắt ép phạm dâm. Tỳ-kheo-ni nghi. Đức Phật hỏi:

«Này Nan-đà, ngươi có thọ lạc hay không?»

Tỳ-kheo-ni thưa:

«Bạch Đại đức, cảm thọ như bị sắt nóng áp vào người con.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng tỳ-kheo-ni không được ở chỗ như vậy. 

3. Có tỳ-kheo trì khất thực. Buổi sáng, khoác y, bưng bát, đến nhà bạch y, bên dưới cửa của nhà kia có cột một con chó. Thấy tỳ-kheo nó sủa, tỳ-kheo dủ lòng thương đối với nó nên mở thả nó ra. Tỳ-kheo lại đến chỗ khác. Vợ cũ thấy, gọi vào làm bất tịnh hạnh. Vị kia tự nghĩ: «Ta mở thả con chó của người khác, đã phạm ba-la-di rồi.» Bèn cùng vợ cũ làm bất tịnh hạnh. Các tỳ-kheo nghĩ: «Tỳ-kheo này, việc làm trước phạm, hay việc làm sau phạm?»

Đức Phật dạy:

«Việc trước không phạm, việc sau phạm. Nhưng không được thả chó của người ta.»

Có tỳ-kheo, buổi sáng, khoác y, bưng bát đến nhà bạch y, thấy con heo con bị chìm xuống nước. Thấy tỳ-kheo nó kêu. Tỳ-kheo thưong xót, vớt nó lên và thả nó đi. Tỳ-kheo đến chỗ khác thấy người nữ tư thông trước kia, rủ làm bất tịnh hạnh. Tỳ-kheo với ý nghĩ: «Ta thả con heo của người đi, đã phạm ba-la-di rồi.» Bèn làm bất tịnh hạnh. Tỳ-kheo khác nghĩ: «Tỳ-kheo này, việc làm trước phạm hay việc làm sau phạm?» Đức Phật dạy:

«Việc làm trước không phạm. Việc làm sau phạm. Nhưng không được làm việc như vậy.»

Có một người đàn bà đến chỗ bán thịt bò, mua thịt mang đi. Có con quạ đớp lấy miếng thịt bay đi. Nhưng sơ ý, rơi xuống trong bình bát của tỳ-kheo khất thực. Người đàn bà kia thấy vậy kêu:

«Đại đức, miếng thịt đó của tôi, đừng mang đi!»

Tỳ-kheo trả lời:

«Nó rơi vào bát của tôi, chẳng phải thịt của bà.»

Tỳ-kheo nói như vậy rồi cứ mang đi.

Trên đường đi, sau đó, có dâm nữ rủ tỳ-kheo cùng hành bất tịnh hạnh. Vị kia có ý nghĩ: «Vừa rồi ta lấy thịt của người, đã phạm ba-la-di rồi.» Bèn cùng người nữ làm bất tịnh hạnh. Các tỳ-kheo nghĩ: «Tỳ-kheo kia, việc làm trước phạm, hay việc làm sau phạm?» Đức phật dạy:

«Việc làm trước không phạm. Việc làm sau phạm. Nhưng không được lấy thịt như vậy.»

Có tỳ-kheo hành dâm vào miệng con chó rồi nghi. Đức Phật nói:

«Phạm ba-la-di.» 

4. Có tỳ-kheo vén y tiểu tiện, có con chó đến liếm nước tiểu, rồi lại ngậm nam căn của tỳ-kheo. Vị kia không thọ lạc; lấy ra, nghi. Đức Phật hỏi tỳ-kheo:

«Ngươi có thọ lạc không?»

Tỳ-kheo thưa:

«Không thọ lạc.»

Đức phật dạy:

«Không phạm.»

Có tỳ-kheo vén y để tiểu tiện, con chó liếm nước tiểu rồi lại ngậm nam căn của tỳ-kheo, tỳ-kheo thọ lạc; lấy ra, nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi có thọ lạc hay chăng?»

Tỳ-kheo thưa: «Có thọ lạc.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo vén y lội qua sông Y-la-bà-đề. Cá ngậm nam căn tỳ-kheo. Tỳ-kheo không thọ lạc; lấy ra, nghi. Đức Phật hỏi tỳ-kheo:

«Ngươi có thọ lạc không?»

Vị kia thưa: «Không thọ lạc.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

Có tỳ-kheo vén y lội qua sông Y-la-bà-đề. Cá ngậm nam căn. Tỳ-kheo thọ lạc; lấy ra, nghi. Đức Phật hỏi tỳ-kheo:

«Ngươi có thọ lạc hay không?

Vị kia thưa: «Thọ lạc.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.» 

5. Có tỳ-kheo hành dâm giữa đường đại tiện và tiểu tiện rồi nghi. Đức Phật nói:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Nơi khuỷu chân, nách, lỗ tai, nơi mụt ghẻ lỡ, giữa giường dây, giường cây, nơi nạm lớn nạm nhỏ, nơi gối, nơi lỗ bùn, nơi miệng bình, hoặc tưởng đạo, hoặc nghi, tất cả đều phạm thâu-lan-giá.

Có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm, khoác y, bưng bát đến nhà bạch y. Có bé gái nằm ngữa ngủ bên trong cửa. Tỳ-kheo nghĩ: «Nếu ta dùng nam căn để vào thì phạm tội ba-la-di.» Tỳ-kheo lấy ngón chân cái để vào nữ căn, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm tăng-tàn.»

Có tỳ-kheo đang ngáp. Tỳ-kheo khác dùng nam căn để vào trong miệng, không thọ lạc; lấy ra, nghi. Đức phật hỏi:

«Ngươi có thọ lạc không?»

Vị ấy trả lời:

«Không thọ lạc.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi không phạm. Người nào để vào thì phạm. Từ nay về sau khi ngáp, nên dùng tay che miệng lại.»

Có tỳ-kheo ở trong nhà tắm, xoa mình cho vì tỳ-kheo khác. Tỳ-kheo kia thân hình mềm mại. Tỳ-kheo này tâm dâm khởi lên, bèn làm bất tịnh hạnh. Vị kia không thọ lạc. Lấy ra, nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi có thọ lạc không?»

Vị kia thưa: «Không thọ lạc.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi không phạm. Người kia để vào là phạm.» 

6. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo, ban ngày không đóng cửa mà ngủ, nam căn khởi. Lúc đó có một số đông người nữ đến tham quan nơi Tăng phòng, chỗ tỳ-kheo kia ngủ. Thấy tỳ-kheo nằm ngửa ngủ, nam căn khởi, hổ thẹn đi ra gấp. Trong số đó có một tặc nữ cùng đi. Tặc nữ vào trong nhà, hành dâm bên trên thân của tỳ-kheo. Hành dâm xong, lấy tràng hoa quàng lên đầu nam căn, rồi đi. Tỳ-kheo kia ngủ không biết. Khi thức dậy, thấy đồ bất tịnh bẩn thân; nam căn lại có quàng tràng hoa; bèn nghĩ: «Có vật bất tịnh bẩn thân, nam căn lại có quàng trang hoa. Có người nữ hành dâm ta ư ?» Sinh nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi có biết hay không?»

Vị kia thưa:

«Không biết.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được ban ngày không đóng cửa mà ngủ.»

7. Bấy giờ tại nước Xá-vệ có tỳ-kheo cùng tỳ-kheo-ni, là mẹ con, an cư mùa hạ. Mẹ con thường gặp nhau. Vì việc thường thấy nhau nên đều sanh dục tâm. Người mẹ nói với con:

«Ông từ nơi đây mà ra, nay trở lại vào nơi đây, có thể được, không phạm.»

Người con liền làm theo lời của mẹ, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.» 

8. Có tỳ-kheo hành dâm trên xác chết của người nữ rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

Nếu xác chết kia đa phần không hư hoại thì phạm ba-la-di. Nếu hư hoại phân nửa thì phạm thâu-lan-giá. Đa phần hư hoại, hoặc tất cả đều bị hư hoại, cũng phạm thâu-lan-giá. Nếu là bộ xương, cũng phạm thâu-lan-giá. 

9. Bấy giờ ưu-bà-di Tô-tỳ nói với tỳ-kheo: «Nam căn, nữ căn đều có vật ngăn che, hành dâm có thể được, không phạm.»

Tỳ-kheo liền như lời nói đó hành dâm, rồi nghi. Đức Phật nói:

«Phạm ba-la-di.»

Ưu-bà-di Tô-tỳ nói với tỳ-kheo, «Thầy cùng tôi hành dâm, nhưng để tinh xuất ra ngoài, có thể được, không phạm.»

Tỳ-kheo liền như lời nói đó, hành dâm; rồi nghi. Đức Phật nói:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

Có dâm nữ nói với tỳ-kheo, «Thầy dùng lá cây bao nam căn, hành dâm có thể được, không phạm.» Tỳ-kheo như lời nói kia hành dâm; rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo đi nơi bãi thây ma, thấy thân người nữ chết, y phục còn trang nghiêm, hành dâm rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

Tỳ-kheo giữ phòng, có bé gái đến báo giờ ăn. Tỳ-kheo liền bắt ép hành [975a1]dâm. Nữ căn của đứa nhỏ bị vỡ, cùng đường đại tiện thông qua, đứa nhỏ mạng chung. Vị kia nghi. Đức Phật hỏi:

Ngươi với tâm niệm thế nào? Có vị thưa:

«Con không có tâm giết nó.»

Đức phật dạy:

«Không phạm sát mà phạm dâm, ba-la-di.» 

10. Có Tỳ-kheo hành dâm nơi tượng gỗ của người nữ rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Hành dâm với hình tượng nữ nơi vách. Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Có tỳ-kheo cùng thiên nữ hành dâm rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

Hành dâm cùng a-tu-la nữ, long nữ, dạ-xoa nữ, ngạ quỷ nữ hoặc súc sanh cái có thể biến hóa, tất cả đều phạm ba-la-di.

Có tỳ-kheo, buổi sáng khoác y, bưng bát đến nhà bạch y khất thực. Gặp lúc trời mưa lớn, có người nữ cúi người xuống để khơi thông nước ngập nên lộ hình. Vị kia nghĩ: «Ta không xúc chạm nơi thân người nữ, mà chỉ dùng nam căn để vào, có lẽ không phạm.» Nghĩ rồi hành dâm, và nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.» 

11. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Có tỳ-kheo đến nơi a-lan-nhã, ngủ ngày. Bấy giờ, có người nữ hái củi hành dâm bên trên thân của tỳ-kheo, rồi bỏ đi. Cách tỳ-kheo không xa, đứng lại. Tỳ-kheo thức dậy, thấy thân mình bất tịnh dơ bẩn, nghĩ: «Chắc người nữ này hành dâm bên trên thân của ta.» Sanh nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi có biết không?»

Vị kia thưa:

«Không biết.»

Đức Phật dạy không phạm. Nhưng tỳ-kheo không được ban ngày mà ngủ chỗ khuất như vậy.

Thế Tôn ở tại nước Bà-kỳ-đề. Bấy giờ có tỳ-kheo trụ nơi a-lan-nhã, ngủ ngày. Có người nữ gánh cỏ, hành dâm bên trên thân của tỳ-kheo. Tỳ-kheo bất ngờ biết, nhưng không thọ lạc; liền đuổi đánh người nữ. Tỳ-kheo nghi, đức phật hỏi:

«Ngươi có thọ lạc hay không?»

Vị kia thưa:

«Không thọ lạc.»

Đức phật dạy:

«Ngươi không phạm. Nhưng đánh người nữ. Phạm đột-kiết-la.» 

12. Thế Tôn ở tại nước Chiêm-bà. Có tỳ-kheo đến chỗ a-lan-nhã, ban ngày tư duy, buộc niệm trước mặt. Tỳ-kheo này là bậc A-la-hán. Bị gió gắt, nam căn khởi. Bấy giờ, có tặc nữ cưỡng bức tỳ-kheo hành dâm. Các tỳ-kheo nói như vầy: «A la hán còn có dục, nên nam căn khởi chăng?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Có năm nhơn duyên khiến cho nam căn khởi: đại tiện thúc bách, tiểu tiện thúc bách, gió gắt, trùng ủy-châu-lăng-già[8] cắn, có dục tâm. Đó là năm nhơn duyên khiến cho nam căn khởi. Không có trường hợp A-la-hán nam căn khởi do có dục tâm.» 

13. Thế Tôn ở tại thành Vương-xá.

Bấy giờ nam căn của Vương tử Vô Úy bị bệnh, khiến người nữ ngậm, sau đó được lành. Được lành rồi, Vương tử lại hành dâm nơi miệng người nữ này. Người nữ này ưu sầu không vui nên nghĩ: «Nếu khi nào Vua Bình-sa đến, ta sẽ trùm đầu, để lộ hình, đứng trước mặt người. Nếu Vua hỏi: ‘Ngươi điên hay sao? Tại sao làm như vậy?’ Khi ấy ta sẽ trả lời: ‘Tôi không điên. Nhưng vì Vương tử cần nên tôi phải trùm đầu lại để giữ. Tại sao vậy? Vương tử thường hành dâm nơi miệng tôi, nên tôi phải trùm đầu lại để giữ miệng.’»

Sau đó Vua Bình-sa đến chỗ Vô úy. Người nữ kia làm như đã nghĩ trước mặt Vua. Vua hỏi:

«Ngươi điên phải không? Tại sao làm như vậy?»

Người nữ trả lời:

«Tôi không điên. Nhưng vì Vương tử cần nên tôi phải trùm đầu lại để giữ.»

Vua liền kêu Vô Úy đến hỏi:

«Tại sao con lại hành dâm nơi miệng của thị nữ?»

Vô Úy nghe như vậy rất hổ thẹn. Sau đó Vương tử Vô Úy nói người nữ này có tội, cho mặc áo đen, để đứng bên ngoài cửa thành, với lời rao: «Nếu ai có mắc bệnh như vậy thì hành dâm nơi miệng người nữ này sẽ được lành bệnh.»

Các tỳ-kheo nghĩ: «Nếu cần trị bệnh thì nên đem nam căn để vào trong miệng người nữ bảo họ ngậm lại thì không phạm phải không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.» 

14. Bấy giờ có một thị trấn tên là Bà-lâu-việt-xa,[9] Vua tự là Hải. Có một dâm nữ bị tội, Vua truyền lệnh: «Lóc thịt hai bên nữ căn của người ấy để trị phạt.» Lệnh ấy được thi hành. Các tỳ-kheo nói: «Nếu đối với người còn sống mà hành dâm giữa hai đốt xương, có bị phạm hay không?» Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

 

II. BẤT DỮ THỦ

1. Ưu-ba-ly thỉnh vấn

Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:

«Kính bạch đức Thế Tôn, Đại đức Đà-ni-già, con ông thợ gốm, lấy cây gỗ của Vua. Không cho mà lấy như vậy có phạm không?»

Đức Phật dạy:

«Mới ban đầu chưa chế giới, không phạm.»

Ưu-ba-ly lại bạch Phật:

«Bạch Đại đức, nếu chỗ đồng trống, lấy vật có người thủ hộ, giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền. Có phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

«Vật của người khác tưởng là vật của người khác, giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, không được cho mà lấy, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

«Vật của người khác hay nghi, giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, không cho mà lấy. Có phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

«Chẳng phải vật của người khác, tưởng là vật của người khác, giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, lấy, phạm thâu-lan-giá. Chẳng phải vật của người khác, nghi, giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, không cho mà lấy, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

«Vật của người tưởng là vật của người, giá trị dưới năm tiền, không cho mà lấy, phạm hay chăng?»

Đức phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

«Vật của người, nghi, dưới năm tiền, không cho mà lấy phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm đột-kiết-la.»

Chẳng phải vật của người, tưởng là vật của người, dưới năm tiền, không cho mà lấy, phạm hay không? Đức Phật dạy:

«Phạm đột-kiết-la.»

«Chẳng phải vật của người, nghi, dưới năm tiền, không cho mà lấy, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm đột-kiết-la.»

«Nếu khởi ý tưởng là người nữ mà lấy vật của người nam, năm tiền hay hơn năm tiền, không cho mà lấy, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

«Nếu ý tưởng là người nam mà lấy vật của người nữ, năm tiền hoặc trên năm tiền, không cho mà lấy, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

«Nếu khởi ý tưởng là người nữ này mà lấy vật của người nữ khác, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

«Nếu khởi ý tưởng là người nam này mà lấy vật của người nam khác, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.» 

2. Vật gia dụng

1. Thế Tôn ở tại Ba-la-nại. Gặp lúc mất mùa nhân dân đói khát, khất thực khó được. Bấy giờ, có tỳ-kheo khất thực, buổi sáng khoác y, bưng bát đến nhà bạch y. Nơi đó có người nữ dùng đồ đựng đầy thức ăn để dưới đất rồi vào nhà trong. Tỳ-kheo kia nhìn quanh thấy không có ai, bèn nghĩ: «Ta lấy thức ăn này. Có ích cho ta.» Nghĩ như vậy rồi lấy đi. Vị kia nghi, đức Phật hỏi:

«Với tâm niệm như thể nào khi lấy?»

Vị kia thưa:

«Lấy với tâm ăn trộm.»

Đức Phật dạy:

«Nếu trị giá đủ năm tiền, lấy khỏi chỗ cũ, phạm ba-la-di. Lương khô, cơm, cá, thịt, khư-xà-ni, tất cả các thứ như trên mà trị giá năm tiền, lấy khỏi chỗ cũ, phạm ba-la-di.» 

2. Có tỳ-kheo khất thực, buổi sáng khoác y, bưng bát đến nhà bạch y, thấy có cái bồn bằng đồng. Nhìn chung quanh không thấy ai, tự nghĩ: «Cái này đối với ta có ích.» Nghĩ như vậy rồi lấy đi, nhưng nghi. Đức Phật hỏi:

«Với tâm niệm thế nào khi ngươi lấy?»

Vị đó thưa:

«Với tâm trộm cắp.»

Đức Phật dạy:

«Nếu trị giá năm tiền, lấy khỏi chỗ cũ, phạm ba-la-di.» 

3. Có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm khoác y, bưng bát đến nhà cư sĩ thấy có chiếc ghế đơn.[10] tỳ-kheo nhìn chung quanh không thấy ai, liền nghĩ: «Chiếc ghế này có ích cho ta.» Nghĩ như vậy rồi lấy đi, nhưng nghi. Đức Phật hỏi:

«Khi thầy lấy với tâm niệm như thế nào?»

Vị đó thưa:

«Với tâm trộm cắp.»

Đức Phật dạy:

«Nếu trị giá đủ năm tiền, lấy khỏi chỗ cũ, phạm ba-la-di.»

3. Y phục

1. Có tỳ-kheo đến chỗ giặt y, lấy y của người khác đi, nhưng nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi lấy với ý nghĩ như thế nào?»

Vị đó nói: «Lấy với tâm trộm cắp.»

[976a1]Đức Phật dạy:

«Nếu trị giá đủ năm tiền, lấy khỏi chỗ cũ, phạm ba-la-di.» 

2. Có tỳ-kheo đi cách chỗ giặt y không xa, thấy có chiếc y quý giá phơi, để ý, với ý nghĩ sẽ trở lại lấy, sanh nghi. Đức Phật hỏi:

«Khi ngươi muốn lấy với tâm niệm như thế nào?»

Vị đó thưa:

«Với tâm ăn trộm.»

Đức Phật dạy:

«Phương tiện tìm cầu năm tiền, chưa lấy khỏi chỗ cũ, phạm thâu-lan-giá.» 

3. Có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm đắp y mang bát đến nhà bạch y, thấy bên dưới cửa có phơi một chiếc y quý giá, lấy chân lật qua để xem, rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Với ý nghĩ như thế nào trong khi làm như vậy?»

Vị đó thưa:

«Với tâm niệm kẻ trộm.»

Đức Phật dạy:

«Phương tiện tìm cầu năm tiền, chưa dời khỏi chỗ cũ, phạm thâu-lan-giá.» 

4. Có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm khoác y, bưng bát đến nhà bạch y, thấy có cái giường đơn. Nhìn chung quanh không thấy ai, tự nghĩ: «Cái này đối với ta có ích.» Bèn lấy đi; rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Với ý nghĩ như thế nào khi ngươi lấy?»

Vị đó thưa:

«Với tâm ăn trộm.»

Đức Phật dạy:

«Ba-la-di.» 

5. Có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm khoác y, bưng bát đến nhà thế gian, thấy có cái giường ngồi một người và y. Nhìn chung quanh không thấy ai, tự nghĩ: «Đối với ta cái này có ích.» Bèn lấy đi; rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Khi ngươi lấy với ý nghĩ thế nào?»

Vị đó thưa:

«Với tâm của kẻ trộm.»

Đức Phật dạy:

«Trị giá năm tiền, lấy khỏi chỗ cũ, phạm ba-la-di.» 

6. Có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm khoác y, bưng bát đến nhà bạch y, thấy chiếc ghế ngồi một người, tạm lấy để dùng, nhưng nghi. Đức Phật hỏi:

«Với ý nghĩ thế nào khi ngươi lấy?»

Vị đó thưa:

«Với ý nghĩ lấy tạm chứ không có tâm trộm cắp.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được không hỏi chủ mà lấy như vậy.» 

7. Có tỳ-kheo lấy y trong tháp miếu của người khác rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Với Tâm niệm thế nào khi ngươi lấy nó?»

Vị đó thưa:

«Nghĩ là y phấn tảo nên con lấy.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được lấy y trang sức trong tháp miếu của người.» 

4. Trốn thuế

1. Có tỳ-kheo cùng đi với người bán tơ lụa. Vị đó nói với tỳ-kheo:

«Thưa Trưởng lão, các ngài đi qua chỗ quan thuế, khỏi phải đóng thuế. Tôi muốn gởi tơ lụa này cho các ngài mang qua khỏi chỗ quan thuế.»

Tỳ-kheo liền vì họ mang qua, nhưng nghi. Đức Phật hỏi:

«Với ý nghĩ thế nào khi thầy làm việc ấy?»

Vị đó thưa:

«Với tâm trộm cắp.»

Đức Phật dạy:

«Trị giá thuế đủ năm tiền thì phạm ba-la-di.»

5. Trộm tổ chức

1. Có số đông tỳ-kheo phương tiện sai một người lấy vật của người khác đáng giá năm tiền hay hơn năm tiền, rồi nghi. Đức Phật nói:

«Tất cả đều phạm ba-la-di.» 

2. Có số đông tỳ-kheo phương tiện sai một người lấy vật của người. Trong số đó có người nghi mà không ngăn. Vật ấy đáng năm tiền hoặc hơn năm tiền được lấy. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy:

«Tất cả đều phạm ba-la-di.» 

3. Có số đông tỳ-kheo phương tiện sai một người lấy vật của người. Trong số đó có người nghi liền ngăn. Nhưng người kia vẫn cố đi lấy được năm tiền hoặc hơn năm tiền. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy:

«Người ngăn phạm thâu-lan-giá. Người không ngăn phạm ba-la-di.» 

4. Có số đông tỳ-kheo phương tiện sai một người lấy trộm vật của người khác. Người kia đến tìm cầu năm tiền hay hơn năm tiền, nhưng lấy được dưới năm tiền. Vị kia nghĩ, «Chúng ta được dưới năm tiền, không phạm ba-la-di.»

Đức Phật dạy:

«Căn cứ theo chỗ vật vốn định lấy, đủ năm tiền thì phạm ba-la-di.» 

5. Có số đông tỳ-kheo phương tiện khiến một người lấy năm tiền hoặc hơn năm tiền, trở về cùng nhau chia, mỗi phần đều dưới năm tiền. Vị kia nghĩ: «Chúng ta được dưới năm tiền không phạm ba-la-di.»

Đức Phật dạy:

«Chung lại thành một phần, đều phạm ba-la-di.» 

6. Có số đông tỳ-kheo phương tiện khiến một người lấy vật của kẻ khác, đi lấy vật dưới năm tiền. Nhưng đem về vật giá trị năm tiền. Vị kia nghĩ: «Chúng ta lấy được năm tiền, phạm ba-la-di.»

Đức Phật dạy:

«Căn cứ theo chỗ vật vốn định lấy, phạm thâu-lan-giá.» 

5. Sở hữu tụ lạc

1. Bấy giờ, có tỳ-kheo lấy vật của tụ lạc kia, rồi mang vào thành. Vị ấy nghi. Đức Phật dạy:

«Khi ngươi lấy, với tâm ý thế nào?»

Vị kia thưa:

«Với tâm ăn trộm.»

Đức Phật dạy:

«Lấy năm tiền rời khỏi chỗ, phạm ba-la-di.»

6. Trộm kinh

Có tỳ-kheo lấy trộm kinh của người khác với ý nghĩ: «Lời của đức Phật thì vô giá. Chỉ nên căn cứ giấy mực để định giá trị.»

Vị kia nghi. Đức Phật dạy:

«Khi thầy lấy với tâm niệm thế nào?»

Vị kia thưa:

«Với tâm niệm kẻ trộm.»

Đức Phật dạy:

«Lấy năm tiền, rời khỏi chỗ, phạm ba-la-di.» 

7. Đồng loã

Bấy giờ, có người dũng kiện của Vương thất, do sự tin ưa nên theo Phật xuất gia. Có tỳ-kheo phá giới khác đến dụ dỗ dối gạt rằng: «Trưởng lão, nơi thôn kia, trong đó có nhiều của cải, cũng có người khỏe nhưng không khỏe hơn ngài. Bây giờ chúng ta cùng đi lấy.» Vị kia đồng ý. Tỳ-kheo kia nói xong rồi đi. Đi một đoạn đường không xa, tỳ-kheo này khởi ý nghĩ: «Với lòng tin, ta xuất gia, không được làm việc ác thế này.»

Một thời gian sau, tỳ-kheo phá giới kia lại đến nói: «Bây giờ chúng ta hãy cùng đi lấy tài vật đó.» Vị kia nói: «Tôi không đi.» «Tại sao vậy?» Vị kia trả lời: «Sau khi thầy đi, tôi suy nghĩ: ‘Ta vì tín tâm xuất gia không được làm việc ác như vậy.’ Vì vậy tôi không đi.»

Sau đó một thời gian, tỳ-kheo phá giới kia đến thôn đó lấy trộm của cải của người, chia cho nhau rồi, còn một phần đem đến cho tỳ-kheo này. Tỳ-kheo này nói: «Tôi không nhận phần này. Trước đây tôi đã nói, ‘Ta vì tín tâm xuất gia không được làm việc ác như vậy.’» Nhưng vị ấy lại nghi. Đức Phật hỏi:

«Ý nghĩ của ngươi như thế nào?»

Vị kia liền đem nhơn duyên trình bày rõ ràng với đức Phật. Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng trước có hứa khả nên mắc đột-kiết-la.» 

8. Trộm nhầm

1. Có tỳ-kheo muốn ăn trộm y của người khác mà nhầm lấy y của mình, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm thâu-lan-giá.» 

2. Có tỳ-kheo lấy trộm y của người luôn cả y của mình, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Y của mình phạm thâu-lan-giá. Y của người phạm ba-la-di.» 

3. Có tỳ-kheo trộm đồ vật vốn là đồ ăn trộm của người khác; rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.» 

4. Có số đông bạch y, tại bãi tha ma, cởi y để một chỗ để chôn người chết. Có tỳ-kheo trì y phấn tảo tưởng là y phấn tảo nên mang đi. Các bạch y thấy, nói: «Đại đức, chớ lấy y của chúng tôi đi.» Vị kia trả lời: «Tôi tưởng là y phấn tảo.» Nói như vậy rồi để y xuống mà đi. Nhưng nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi lấy với ý nghĩ như thế nào?»

Vị kia thưa:

«Con tưởng là y phấn tảo chứ không có tâm ăn trộm.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng nếu có đống y như vậy, không được gọi là y phấn tảo để lấy.» 

5. Có tỳ-kheo đi cách bãi tha ma không xa, thấy có nhiều y phấn tảo, liền tập trung lại rồi đi, nghĩ rằng để trở về lại sẽ lấy. Sau đó có tỳ-kheo trì y phấn tảo thấy, tưởng là y phấn tảo liền mang đi. Tỳ-kheo kia khi trở lại không thấy y, về đến chùa lại thấy có tỳ-kheo đang giặt y, liền nói:

«Thầy lấy y của tôi, phạm tội ăn trộm.»

Vị kia trả lời:

«Tôi không lấy trộm mà chỉ lấy y phấn tảo.»

Vị kia nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi lấy với ý nghĩ thế nào?»

Vị kia trả lời:

«Con nghĩ là y phấn tảo nên lấy.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được lấy y phấn tảo mà tập trung thành đống như vậy.» 

6. Có cư sĩ đi cách bãi tha ma không xa, thấy có y phấn tảo rất quý giá, liền lấy để trong đám cỏ rồi đi, với ý định trở lại sẽ lấy để cúng cho tỳ-kheo. Vào lúc đó có tỳ-kheo trì y phấn tảo thấy, liền lấy đem đi. Cư sĩ kia khi trở lại không thấy chiếc y, lúc đến chùa thấy tỳ-kheo đang giặt, nói:

«Thầy lấy trộm y của tôi.»

Tỳ-kheo trả lời:

«Tôi không lấy trộm y của người. Tôi chỉ lượm y phấn tảo.» Nhưng rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi với ý nghĩ thế nào khi lấy?»

Tỳ-kheo kia thưa:

«Con nghĩ là y phấn tảo nên lấy.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được lấy y phấn tảo để chỗ như vậy.» 

7. Có người chăn bò cởi y để trên đầu nằm ngủ. Có tỳ-kheo trì y phấn tảo thấy tưởng là người chết, [977a1] nên nghĩ: «Đức Thế Tôn không cho phép tỳ-kheo lấy y của người chết còn nguyên hình.» Bèn lấy tay người chết đánh vào đầu người chết. Đứa chăn bò hoảng hốt thức dậy hỏi: «Tại sao Đại đức lại đánh tôi?» Tỳ-kheo trả lời: «Tôi tưởng ngươi là người chết.» Đứa chăn bò kia giận nói: «Ông không thể phân biệt được người chết với người sống hay sao?» Nói xong liền đánh tỳ-kheo nhừ tử. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được đánh người chết khiến cho rã thây để lấy y.» 

8. Có số đông trẻ nhỏ cởi y để một chỗ rồi cùng nhau nô đùa. Tỳ-kheo trì y phấn tảo thấy, liền muốn lấy y. Mấy đứa nhỏ thấy, nói: «Đừng lấy y của chúng tôi đi.» Tỳ-kheo nói: «Tôi tưởng là y phấn tảo.» Tỳ-kheo để y lại đi, nhưng nghi. đức Phật hỏi:

«Ngươi nghĩ thế nào khi lấy?»

Tỳ-kheo thưa:

«Con nghĩ là y phấn tảo nên lấy.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được lấy y phấn tảo tập trung thành đống như vậy.» 

9. Di chuyển vật

1. Nhóm sáu tỳ-kheo dùng đường mía khuyến dụ con nít để dẫn đi bán. Cha mẹ nó thấy, hỏi tỳ-kheo: «Đại đức nói gì với nó vậy?» Tỳ-kheo nhóm sáu nói: «Có nói gì đâu.» Nhóm sáu để trẻ nít lại rồi đi; nhưng nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi dẫn chúng nó đi với ý nghĩ thế nào?»

Nhóm sáu thưa:

«Dẫn đi với tâm trộm.»

Đức Phật dạy:

«Trị giá năm tiền dời khỏi chỗ, phạm ba-la-di.» 

2. Có tỳ-kheo với tâm ăn trộm, đảo ngược và dời chỗ thẻ chia phần của người khác, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Khi dời liền thành ba-la-di.»

3. Có tỳ-kheo ăn trộm thẻ chia vật của người khác, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Trị giá năm tiền, lìa khỏi chỗ cũ phạm ba-la-di.» 

4. Có tỳ-kheo lật nghiêng thẻ chia phần của người khác, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phương tiện lấy năm tiền, chưa rời khỏi chỗ cũ, phạm thâu-lan-giá.» 

5. Có tỳ-kheo ăn trộm lần thứ hai, lấy vật không đủ năm tiền, nghĩ rằng: «Ta lấy hai lần, trước sau (mỗi lần) không đủ năm tiền, không phạm ba-la-di.» Đức Phật dạy:

«Trước sau (cọng lại) đủ năm tiền, phạm ba-la-di.» 

6. Cách Kỳ-hoàn không xa có cư sĩ cày đất. Tỳ-kheo khách thấy, nói rằng, «Đất này của Tăng. Chớ cày.» Cư sĩ nói, «Chẳng phải đất của Tăng mà là đất của tôi.» Tỳ-kheo lại nói, «Đây là đất của Tăng. Chớ cày.» Cư sĩ liền thả bò đi, và nói rằng, «Đất của ta mà không được cày!» Tỳ-kheo khách kia vào trong Kỳ-hoàn hỏi cựu tỳ-kheo:

«Có cư sĩ cày khoảnh đất cách đây không xa. Vậy đất đó của ai?»

Cựu trú tỳ-kheo nói:

«Đó là đất của cư sĩ.»

Vị cựu trú tỳ-kheo hỏi vị khách tỳ-kheo:

«Tại sao thầy hỏi điều đó?»

Khách tỳ-kheo đem nhơn duyên kia nói lại đầy đủ, rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi nghĩ như thế nào?»

Vị đó trình bày đầy đủ nhân duyên, đức Phật dạy:

«Ngươi không phạm. Nhưng không được nói như vậy.» 

7. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, bạch Phật:

«Nếu tác ý làm hao hụt, lấy năm tiền hoặc hơn năm tiền, tự mình lấy hoặc dạy người lấy, tự đoạn hoại hoặc dạy người đoạn hoại, tự phá hoặc dạy người phá, hoặc đốt, hoặc chôn, hoặc làm hoại sắc, như vậy có phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Tất cả đều phạm ba-la-di.» 

8. Có tỳ-kheo chia đất, dời cột mốc của người khác; rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi nghĩ thế nào khi dời?»

Vị kia thưa: «Với tâm ăn trộm.»

Đức Phật dạy:

«Dời cột mốc, nếu trị giá năm tiền,[11] phạm ba-la-di.» 

10. Nguồn nước

1. Bấy giờ trong vườn của chúng Tăng không có nước nên bị cằn cỗi. Nhóm sáu tỳ-kheo tháo nước từ ruộng của người khác vào trong vườn của Tăng, rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi tháo nước với ý nghĩ thế nào?»

Vị kia thưa:

«Với tâm của kẻ trộm.»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

Ruộng của nhà đàn-việt không có nước nên bị cằn cỗi. Tỳ-kheo kia tháo nước của người khác vào ruộng của đàn-việt, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ba-la-di.» 

2. Có tỳ-kheo cùng nhà bạch y oán cừu nhau, bèn tháo nước ruộng của người đó bỏ, khiến cho ruộng bị hoang phế. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy:

«Ba-la-di.» 

3. Có tỳ-kheo ăn trộm nước của người khác, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Tính đủ năm tiền phạm ba-la-di.»

Các tỳ-kheo nghi, không dám lấy nước nơi kênh, nơi suối, nơi ao hồ. Đức Phật dạy:

«Không phải sở hữu của người nào đó thì không phạm.» 

11. Chiếm dụng

1. Tỳ-kheo Chiên-đà-la có việc tranh châp. Vị ấy có chiếc bát quý giá của nước Tô-ma. Vì việc tranh chấp nên vị kia thường ôm lòng ưu sầu, nói, «Nếu ai có thể chấm dứt việc tranh chấp của tôi thì sẽ lấy chiếc bát này.» Bấy giờ, có tỳ-kheo A-di-đầu thông minh, chuyên môn giải quyết việc tránh sự, liền vì vị kia giải quyết việc đấu tranh rồi lấy chiếc bát đi. Tỳ-kheo này nghĩ rằng chiếc bát bị mất nên đi tìm. Thấy tỳ-kheo A-di-đầu bưng nơi tay liền nói, «Thầy lấy trộm chiếc bát của tôi.» Vị kia liền trả lời, «Tôi không lấy trộm bát của thầy. Thầy đã có giao ước, nếu người nào có thể chấm dứt việc tranh đấu của tôi thì sẽ lấy chiếc bát này. Vì vậy nên tôi lấy chiếc bát.» Vị kia nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi lấy với ý nghĩ thế nào?»

Vị kia trình bày đầy đủ nhơn duyên. Đức Phật dạy:

«Ngươi không phạm. Nhưng không được nhận vật như vậy.» 

2. Tỳ-kheo tên Da-thâu-già có y Tăng-già-lê. Tỳ-kheo tên Bà-tu-đạt-đa không nói mà lấy mặc vào trong xóm khất thực. Vị kia tưởng là y bị mất đi tìm. Thấy Bà-tu-đạt-đa mặc, liền nắm lấy nói, «Thầy phạm tội ăn trộm.» Vị kia trả lời, «Tôi không trộm y của thầy, tôi lấy mặc với ý thân tình.» Nói xong, nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi lấy với tâm niệm thế nào?»

Vị kia thưa: «Lấy với ý thân tình chứ không lấy với tâm ăn trộm.»

Đức Phật nói:

«Không phạm. Nhưng không được không phải thân tình mà tác ý thân tình để lấy.» 

3. Tỳ-kheo tự Thanh Tịnh có y Tăng-già-lê. Tỳ-kheo Tu-đà-di không hỏi chủ mà tự tiện lấy mặc vào tụ lạc khất thực. Người chủ tưởng y bị mất nên đi tìm. Thấy Tu-đà-di mặc liền nắm lấy và nói, «Thầy lấy y tôi, phạm giới trộm.» Tỳ-kheo kia trả lời tôi không ăn trộm mà mượn để dùng. Vị kia nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi lấy y với tâm nghĩ thế nào?»

Vị kia thưa:

«Với tâm mượn chứ không phải với tâm ăn trộm.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Không được không hỏi chủ mà vội lấy mặc vào tụ lạc như vậy.» 

12. Hoa quả

1. Có tỳ-kheo lấy trái lê của người khác, nghi. Đức Phật dạy:

«Tính đủ năm tiền, dời khỏi chỗ cũ phạm ba-la-di.»

Trái diêm-bà, trái ba-lê-bà, các loại trái bồ đào, nếu trị giá năm tiền, tất cả đều phạm ba-la-di. 

2. Có tỳ-kheo rung trái lê của người khác cho rụng, với ý muốn làm cho ít bớt. Đức Phật dạy:

«Tính đủ năm tiền, ba-la-di.»

Nếu rung cho rụng trái diêm-bà, trái ba-lê-bà, các loại trái bồ đào, cũng với ý muốn khiến cho ít bớt, tất cả đều ba-la-di. 

3. Có tỳ-kheo ăn trộm dưa của người. Đức Phật dạy:

«Tính đủ năm tiền phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo ăn trộm mía, nghi. Đức Phật dạy:

«Tính đủ năm tiền, phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo lấy rau của người, nghi. Đức Phật dạy:

«Tính đủ năm tiền ba-la-di. »

Có tỳ-kheo lấy bông sen của người, nghi. Đức Phật dạy:

«Tính đủ năm tiền ba-la-di.»

Hoa bát-đầu-ma, câu-đầu-ma, phân-đà-lợi, tính đủ năm tiền, tất cả đều ba-la-di. Nếu bẻ phá, làm hư hoại, hao hụt của người khác, tính đủ năm tiền tất cả đều ba-la-di.

Có người canh giữ cho kẻ khác, và giặc, mang thức ăn khư-đà-ni cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo nghĩ đây không phải là của người này nên không nhận.[12] Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Đây tức là thức ăn của đàn-việt, cho phép tác tịnh,[13] rửa tay, rồi thọ nhận và ăn.»

Có tỳ-kheo lấy ngó sen của người, nghi. Đức Phật dạy:

«Tính đủ năm tiền, ba-la-di.»

Có tỳ-kheo lấy gỗ trong rừng do người khác bảo vệ, nghi. Đức Phật dạy:

«Ba-la-di.»

Có tỳ-kheo với tâm trộm cắp, vô căn cứ lấy thức ăn của người, nghi. Đức Phật dạy:

«Ba-la-di.»

Có tỳ-kheo vô căn cứ lấy thức ăn của người, nghi, đức Phật hỏi:

«Ngươi với tâm niệm như thế nào khi lấy?»

Vị kia nói:

«Không có tâm trộm.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng vì vọng ngữ nên phạm ba-dật-đề.»

Có tỳ-kheo sai tỳ-kheo lấy trộm giường dây, giường cây. Tỳ-kheo được sai tưởng là không phải ăn trộm nên lấy đem đến, rồi nghi. [978a1] Đức Phật dạy:

«Phương tiện dạy người phạm ba-la-di. Vị bị sai không phạm.»

Có tỳ-kheo sai tỳ-kheo lấy giường dây. Vị được sai kia tưởng là bảo lấy trộm liền lấy đem đến, rồi nghi, đức Phật nói:

«Người lấy phạm ba-la-di. Người bảo không phạm.» 

13. Xe thuyền

1. Số đông tỳ-kheo có chiếc xe, cho nhóm sáu tỳ-kheo cùng đi. Nhóm sáu tỳ-kheo có ý muốn, trước khi đến trú xứ đó, sẽ lấy chiếc xe này. Đức Phật dạy:

«Nếu lấy trộm tại đây, phạm ba-la-di. Nếu lấy giữa đường hay đến trú xứ đó cũng phạm ba-la-di.» 

2. Nhóm sáu tỳ-kheo thấy trên sông Hằng có chiếc thuyền, bèn nghĩ, «Chúng ta có thể trộm lấy chiếc thuyền này mà không lao nhọc chi cả.» Nhưng nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi nghĩ như thế nào?»

Nhóm sáu liền trình bày đầy đủ nhơn duyên. Đức Phật dạy:

«Chỉ có ý nghĩ thì không phạm. Nhưng không được sanh ý nghĩ như vậy.» 

3. Có tỳ-kheo trộm lấy thuyền của người từ bờ này đem đến bờ kia, nghi. Đức Phật dạy:

«Ba-la-di.»

Từ bờ kia qua bờ này, xuôi dòng nước, ngược dòng nước, nhận chìm hay kéo đi đem lên bờ, dời địa điểm, tất cả đều phạm ba-la-di. Nếu phương tiện muốn mở ra mà chưa rời khỏi chỗ cũ thì phạm thâu-lan-giá. 

4. Có hai tỳ-kheo đến sông A-di-la-bạt-đề tắm, thấy cái giỏ tre đựng y quý giá trôi theo dòng nước. Một tỳ-kheo thấy bèn nói: «Cái giỏ tre này thuộc về của tôi.» Tỳ-kheo thứ hai nói: «Vật dụng trong giỏ tre thuộc về của tôi.» Hai vị cùng lấy được y quý giá, bèn nghi. Đức Phật dạy:

«Ngươi nghĩ thế nào?»

Vị kia thưa:

«Tưởng là y phấn tảo.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được lấy y phấn tảo trong nước.» 

14. Vật từ thú vật

1. Có tỳ-kheo trộm tràng hoa bằng vàng, nghi. Đức Phật dạy:

«Ba-la-di.» 

2. Trong Kỳ-hoàn có nhiều tổ chim. Cuối đêm[14] chúng kêu inh ỏi, náo loạn các tỳ-kheo ngồi thiền. Tỳ-kheo cựu trú sai người giữ vườn đuổi chúng đi. Người giữ vườn thấy trong tổ chim có vàng và lụa vụn, lấy đem đưa cho cựu tỳ-kheo, Vị kia nghi. Đức Phật dạy:

«Các thứ đó vô dụng đối với loài chim nên không phạm. Nhưng không được nhận vật như vậy.» 

3. Trong Kỳ-hoàn có ổ chuột. Tỳ-kheo sai người giữ vườn phá ổ chuột. Trong ổ chuột có thuốc uống và lụa vụn, người giữ vườn lấy đem đưa tỳ-kheo, tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy:

«Các thứ đó vô dụng đối với súc sanh nên không phạm. Nhưng không được nhận vật như vậy.»

4. Cách chùa không xa, có những con chuột tha trái bồ đào từ thôn đem đến trong chùa, dồn lần thành một đống lớn. Nhóm sáu tỳ-kheo với tâm trộm lấy ăn, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.» 

5. Cách Kỳ-hoàn không xa có người thợ săn gài bẩy để bắt nai, trong bẩy có con nai chết. Nhóm sáu tỳ-kheo với tâm trộm lấy ăn, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ba-la-di.»

15. Giải phóng súc vật

1. Có tỳ-kheo ban ngày đi vào chỗ a-lan-nhã, nơi đó có cướp, buộc con bò dưới gốc cây. Thấy tỳ-kheo nó khóc. Tỳ-kheo từ niệm nên mở thả, rồi nghi, đức Phật hỏi:

«Khi mở thả nó, ngươi nghĩ thế nào?»

Vị kia thưa:

«Vì lòng thương chứ không phải với tâm trộm.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được làm việc như vậy.» 

2. Có tỳ-kheo ban ngày đến chỗ a-lan-nhã, nơi đó kẻ cướp cột con bò trong nhà trạm. Tỳ-kheo nhìn quanh không thấy ai, có ý nghĩ: «Con vật này có ích cho ta.» Bèn mở con bò dắt đi. Dắt đi không xa, tỳ-kheo lại nghĩ: «Ta cần gì con bò này?» Vì vậy thả nó đi. Rồi tỳ-kheo nghi, Đức Phật hỏi:

«Khi dắt đi ngươi nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo trả lời: «Khi dắt với tâm trộm.»

Đức Phật dạy:

«Tính đủ năm tiền dời khỏi chỗ cũ, phạm ba-la-di.» 

3. Con beo rượt bắt con nai. Nai bị thương chạy vào chùa, rồi chết. Các tỳ-kheo đem làm thịt ăn; rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

Ông thợ săn, săn con nai. Nai chạy vào chùa. Thợ săn tìm nai, đến hỏi các tỳ-kheo: «Thấy có con nai như vậy, như vậy hay không?»

Các tỳ-kheo không thấy nên trả lời là không thấy. Người thợ săn tìm khắp nơi trong chùa, bắt gặp được con nai, nổi giận cơ hiềm nói các tỳ-kheo rằng: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, nói dối không thật, tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi thấy con nai mà nói là không thấy?»

Các tỳ-kheo nghi, bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không phạm.» 

16. Vật dụng của tỳ-kheo

Có tỳ-kheo ăn trộm lấy y ba-lị-ca-la, nghi, rời khỏi chỗ cũ. Đức Phật dạy:

«Ba-la-di.»

Có tỳ-kheo với tâm trộm lấy y ba-lị-ca-la của người, đem đến chỗ khác rồi nghi. Đức Phật nói:

«Phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo với tâm trộm di chuyển y ba-lị-ca-la sang một bên rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phương tiện tìm cầu năm tiền, chưa dời khỏi chỗ cũ phạm thâu-lan-giá.»

Có tỳ-kheo với tâm trộm lấy giường dây, giường cây, nệm lớn, nệm nhỏ, gối, mền giạ, bình nước, bình tưới, gậy, quạt. Đức Phật dạy: «Tính đủ năm tiền, tất cả đều phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo trao đổi giường dây, giường cây, nói đây cũng là Tăng, kia cũng là Tăng. Đức Phật dạy:

«Không được trao đổi như vậy.»

Có tỳ-kheo trao đổi giường cây, nệm lớn, nệm nhỏ, hoặc gối, nói đây cũng là Tăng kia cũng là Tăng. Và mền giạ, bình tưới nước, gậy, quạt, cũng nói đây là Tăng, kia cũng là Tăng. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy.»

Có tỳ-kheo ăn trộm đá của người, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Tính đủ năm tiền, thành ba-la-di.»

Trộm ao, hào, cây gỗ, tre trúc, cỏ văn nhã, cỏ bà bà, vỏ cây, hoặc cây lá, hoa trái có người bảo vệ, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Tính đủ năm tiền, tất cả đều ba-la-di.»

Có tỳ-kheo từ trên giá y của người khác lấy trộm y rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ba-la-di.»

Có tỳ-kheo với tâm trộm lấy chiếc y trên giá, lìa khỏi giá rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Ba-la-di.»

Có tỳ-kheo với tâm trộm, chuyển đổi y của người từ trên giá, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phương tiện tìm cầu năm tiền, chưa dời khỏi chỗ, phạm thâu-lan-giá.»

Có tỳ-kheo lấy cái dây lưng trên giá y của người khác, và lấy luôn cái giá, rồi nghi, đức Phật hỏi:

«Ngươi nghĩ thế nào khi lấy?»

Vị kia thưa:

«Với tâm trộm.»

Đức Phật dạy:

«Tính đủ năm tiền, dời khỏi chỗ cũ, thành ba-la-di.»

Khi ấy có số đông tỳ-kheo cùng nhóm sáu tỳ-kheo ngồi ăn trong nhà bạch y. Bạch y dùng chiếc y đại giá trải làm chỗ ngồi. Một trong nhóm sáu tỳ-kheo với tâm trộm dùng chân cuốn lại, rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Với ý nghĩ thế nào khi ngươi cuốn?»

Vị kia thưa:

«Với tâm trộm.»

Đức Phật dạy:

«Phương tiện cầu năm tiền, chưa dời khỏi chỗ, phạm thâu-lan-giá.»[15] 

17. Phần của người khác

[978c22] Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Sai-ma, có nhà đàn-việt. Đệ tử của tỳ-kheo-ni đến nhà người đàn-việt đó nói:

«A-di Sai-ma cần năm đấu vừng.»

Người đàn-việt kia nói:

«Có thể được.».

Người đàn-việt đưa cho. Cô đệ tử kia nhận được vừng rồi, ăn hết.

Sau đó vào một buổi sáng, tỳ-kheo-ni Sai-ma, khoác y, bưng bát đến nhà đàn-việt kia, trải chỗ ngồi ngồi, người đàn-việt hỏi:

«Vừng có tốt hay không?»

Sai-ma hỏi lại:

«Vừng gì?»

Người đàn-việt thuật lại đầu đuôi. Tỳ-kheo-ni Sai-ma khi về chùa nói với người đệ tử rằng:

«Cô ăn trộm của tôi năm đấu vừng (mè).»

Người đệ tử trả lời:

«Con không ăn trộm. Con nghĩ thân tình nên ăn.»

Sau đó nghi. Đức Phật hỏi:

«Cô dùng với ý gì?»

Cô đệ tử thưa:

«Con dùng với ý thân tình.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được, không phải thân tình mà tác ý thân hậu để lấy dùng. Vì nói dối nên mắc tội ba-dật-đề.» 

Tỳ-kheo-ni Sai-ma có nhà đàn-việt. Đệ tử của cô đến nhà đàn-việt đó nói:

«A-di Sai-ma cần cháo ba món thuốc.»

Người đàn-việt nói:

«Có thể được.»

Rồi đưa cho. Cô đệ tử nhận được, ăn hết.

Sau đó, vào buổi sáng sớm, tỳ-kheo-ni Sai-ma, khoác y, bưng bát đến nhà đàn-việt kia, trải chỗ ngồi an tọa. Người đàn-việt thưa hỏi:

«Thưa A di, cháo ba món thuốc có khá hay không?»

Sai-ma hỏi lại:

«Cháo ba món thuốc gì?»

Người đàn-việt liền thuật lại đầu đuôi. Khi trở về chùa, Sai-ma nói với người đệ tử rằng:

«Cô lấy trộm của tôi cháo ba món thuốc.»

Người đệ tử trả lời:

«Con không lấy trộm. Con lấy với ý thân tình.»

Cô đệ tử nói như vậy rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Cô lấy với ý gì?»

«Con lấy với ý thân tình.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được, chẳng phải thân tình, mà tác ý thân tình để lấy. Vì nói dối nên phạm ba-dật-đề.» 

Có tỳ-kheo lấy phần khư-xà-ni của Hòa thượng. Hòa thượng nói:

«Ông ăn phần của tôi, phạm tội trộm.»

Tỳ-kheo thưa:

«Con không ăn trộm. Con lấy với ý thân tình.»

Vị kia nghi, đức Phật hỏi:

«Ông lấy với tâm gì?»

«Con lấy với ý nghĩ là thân tình.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được, chẳng phải thân tình mà tác ý thân tình để lấy.»

18. Cầm nhầm

1. Có người thợ gốm là đàn-việt của một tỳ-kheo. Người đàn-việt nói:

«Đại đức cần đồ gì cứ nói.»

Tỳ-kheo nói:

«Tốt lắm.»

Người đàn-việt nói xong, đứng dậy đi vào nhà. Có một người khác đến chỗ bán hàng để bán. Sau đó, tỳ-kheo cầm (nhầm) cái bình của người bán hàng đi. Người ấy nói với tỳ-kheo:

«Thưa Đại đức, chớ lấy cái bình của tôi đi.»

Tỳ-kheo nói:

«Cái bình này là cái bình của ai? Ông thợ gốm trước đây có nói với tôi, nếu cần đồ gì thì cứ lấy, cho nên tôi lấy.»

Người bán hàng nói:

«Cái đó không phải là đồ của người ấy.»

Tỳ-kheo liền để cái bình xuống mà đi. Nhưng rồi nghi. đức Phật hỏi:

«Ngươi lấy với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo kia thuật lại đầy đủ nhơn duyên với đức Phật. Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được không hỏi chủ mà lấy.» 

2. Có nhà bán rượu là đàn-việt của một tỳ-kheo. Người đàn-việt nói với tỳ-kheo:

«Đại đức cần cái nồi thì cứ lấy.»

Tỳ-kheo nói: «Tốt lắm.»

Người đàn-việt nói xong trở về nhà. Có một người khác đến đứng chỗ bán rượu. Sau đó, tỳ-kheo cần cái nồi nên đến lấy (nhầm) đi. Người kia nói:

«Đại đức đừng lấy cái nồi của tôi đi.»

Tỳ-kheo nói:

«Cái nồi này của ai? Người bán rượu trước đây có nói với tôi, cần cái nồi thì cứ lấy. Cho nên tôi lấy.»

«Đó không phải cái nồi của người ấy.»

Tỳ-kheo để cái nồi xuống rồi đi. Nhưng rồi nghi, đức Phật hỏi:

«Ngươi lấy với ý gì?»

Tỳ-kheo trình bày rõ nhơn duyên với đức Phật. Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được không nói với chủ mà lấy vật của người.» 

3. Có người lái buôn là đàn-việt của tỳ-kheo. Người đàn-việt nói:

«Đại đức cần gì cứ lấy.»

Tỳ-kheo nói: «Tốt lắm.»

Lái buôn kia trở về nhà. Có một người khác đến chỗ bán hàng. Sau đó, tỳ-kheo cần gạo, bèn đến lấy (nhầm) gạo đi, người kia nói:

«Đại đức đừng lấy gạo của tôi đi.»

Tỳ-kheo nói:

«Gạo này là của ai? Người lái buôn trước đây có nói với tôi là cần gì thì cứ lấy, nên tôi mới lấy.»

Người kia nói:

«Đây không phải là gạo của ông lái buôn.»

Tỳ-kheo liền để gạo xuống mà đi. Nhưng nghi. Đức Phật nói:

«Ngươi lấy với tâm gì?

Tỳ-kheo trả lời thuật lại đầy đủ nhơn duyên với đức Phật. Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được không hỏi chủ mà lấy.» 

4. Bấy giờ, có người bán y là đàn-việt. Đàn-việt thưa:

«Đại đức cần gì thì cứ lấy.»

Tỳ-kheo nói: «Tốt lắm.»

Người đàn-việt kia qua đời. Còn một đứa con nhỏ. Tỳ-kheo cần y, liền lấy y đi. Đứa nhỏ nói:

«Đại đức đừng lấy y của con đi.»

Tỳ-kheo nói:

«Y này của ai? Người bán y trước đây có nói với tôi cần y cứ lấy.»

Đứa nhỏ nói:

«Người bán y ấy chết rồi.»

Tỳ-kheo liền bỏ y mà đi, nhưng nghi. Đức Phật nói:

«Ngươi lấy với ý gì?»

Tỳ-kheo trình bày đầy đủ nhân duyên. Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được không hỏi chủ mà lấy.» 

19. Vật vô chủ

1. Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Có một Ly-xa không có lòng tin, dùng một miếng giẻ rách gói năm tiền, để trong đống rác, sai người rình, nếu thấy ai lấy thì bắt. Bấy giờ có tỳ-kheo trì y phấn tảo tưởng là y phấn tảo, liền lấy bỏ trong đãy. Sứ giả kia thấy, nói:

«Ông Ly-xa gọi tỳ-kheo.»

Tỳ-kheo nói:

«Gọi đi đâu?»

Khi tỳ-kheo đi đến chỗ Ly-xa, Ly-xa hỏi:

«Đại đức được phép cầm tiền bạc của báu chăng?»

Tỳ-kheo nói:

«Điều đó không được.»

Ly-xa nói:

«Không được, sao thầy lấy?»

Tỳ-kheo nói:

«Tôi đâu có lấy.»

Ly-xa bảo đưa chiếc đãy xem. Ly-xa liền lấy gói tiền từ trong đãy của tỳ-kheo ra. Tỳ-kheo này hổ thẹn, và tỳ-kheo khác cũng vậy. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nói với các tỳ-kheo:

«Các ngươi lắng nghe. Nếu có tỳ-kheo nào muốn lấy y phấn tảo như vậy, thì nên dùng ngón chân bên tả kẹp, ngón chân bên hữu kéo ra để xem. Cái gì bất tịnh thì gỡ nó ra, cái gì tịnh thì lấy mang đi.» 

2. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Ca-lưu-đà-di cùng nhóm sáu tỳ-kheo tắm tại sông A-di-bà-đề. Ca-lưu-đà-di tắm xong lên bờ trước, mặc lộn y của Nhóm sáu tỳ-kheo, rồi đi. Nhóm sáu tỳ-kheo tắm rồi sau lên bờ không thấy y của mình mà lại thấy y của Ca-lưu-đà-di, bèn nói:

«Ca-lưu-đà-di ăn trộm y của chúng ta, liền tác pháp diệt tẫn, trong lúc vắng mặt Ca-lưu-đà-di.

Ca-lưu-đà-di nghe như vậy sanh nghi, đến chỗ đức Thế Tôn đầu mặt đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem nhân duyên trên trình bày đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn hỏi:

«Với ý nghĩ thế nào, khi ngươi lấy?»

Ca-lưu-đà-di thưa:

«Con tưởng là y của mình nên lấy, chứ không có tâm ăn trộm.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được không xem kỹ y mà vội lấy. Cũng không được không có mặt người mà tác pháp quở trách, tẫn, y chỉ, ngăn không cho đến nhà bạch y, cử tội, hay yết-ma diệt tẫn. Nếu làm thì không thành lại mắc tội đột-kiết-la.» 

3. Có tỳ-kheo lượm được cái y do gió thổi bay, nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi lấy với tâm gì?»

Vị ấy thưa:

«Với ý nghĩ là y phấn tảo, chứ không có tâm ăn trộm.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được lấy y phấn tảo do gió thổi bay.» 

4. Có cư sĩ giặt y rồi phơi trên tường. Khi ấy, có tỳ-kheo trì y phấn tảo thấy, tưởng là y phấn tảo, nên lấy đi. Cư sĩ kia thấy, nói:

«Đại đức đừng mang y của tôi đi.»

Tỳ-kheo nói:

«Tôi tưởng là y phấn tảo.»

Nói rồi liền bỏ y mà đi; rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi lấy với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo thưa:

«Con lấy với ý nghĩ là y phấn tảo.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được lấy y phấn tảo từ trên tường, trên rào, hay trong hào.»

Có cư sĩ giặt y rồi phơi trên nia. Một vị trong nhóm sáu tỳ-kheo, với tâm trộm lấy đi, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.» 

5. Có số đông bọn cướp đi ra khỏi thành Xá-vệ, cách Kỳ-hoàn không xa, ban ngày uống ruợu xong, còn dư, để giữa gốc cây, vào thành Xá-vệ. Bấy giờ, Nhóm sáu tỳ-kheo ra ngoài Kỳ-hoàn, với tâm trộm, lấy uống. Đức Phật nói:

«Phạm ba-la-di.» 

6. Có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm khoác y, bưng bát đến nhà đàn-việt, gặp lúc trời mưa to, nước trôi các loại mỡ lạng. Vị kia nghĩ đây là vật không cầu mà được, có thể dùng làm thuốc, liền lấy uống, rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi lấy, với ý nghĩ thế nào?»

Vị kia thưa:

«Tưởng là vật phấn tảo, cho nên lấy, chứ không với tâm trộm.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được lấy vật phấn tảo trong nước. Không thọ mà dùng phạm ba-dật-đề.»[16]

20. Mượn tiếng lấy

Tỳ-kheo có nhà đàn-việt. Tỳ-kheo khác hỏi tỳ-kheo này rằng:

«Tôi muốn đến nhà đàn-việt của Thầy. [980a1] Thầy có muốn nói gì?»

Vị kia nói:

«Tùy ý Thầy. Nói gì cũng được.»

Tỳ-kheo này cần năm mươi lượng đường mía, nên khi đến nhà đàn-việt nói:

«Tỳ-kheo kia cần năm mươi lượng đường mía.»

Người đàn-việt thưa:

«Có thể được.»

Nói xong, liền lấy cho. Tỳ-kheo này nhận được đường rồi dùng hết không đưa cho tỳ-kheo kia. Một thời gian sau, tỳ-kheo kia đến nhà đàn-việt. Người đàn-việt ấy hỏi:

«Thưa Đại đức, đường mía có khá không?»

Tỳ-kheo kia hỏi lại:

«Đường mía gì? Cho ai?»

Người đàn-việt thuật rõ đầu đuôi. Tỳ-kheo kia khi về chùa nói với tỳ-kheo này rằng:

«Ngươi lấy đường mía của tôi, phạm giới trộm.»

Tỳ-kheo này nói:

«Tôi không phạm giới trộm. Vì Thầy bảo tôi tùy ý muốn nói gì thì nói.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được nói như vậy. Phải bảo, ‘Nên nói như vầy. Nên bảo như vầy.’» 

Có tỳ-kheo trộm xe của người khác, rồi nghi. Đức Phật nói:

«Phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo trộm củi của người khác, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Tính đủ năm tiền, phạm ba-la-di.» 

21. Bắt cóc trẻ

Người đàn-việt của Tất-lăng-già-bà-ta[17] có hai đứa nhỏ, thông tuệ sáng sủa, không sợ người. Mỗi lần Tất-lăng-già-bà-ta đến nhà, chúng nó liền ôm chân và chạy quanh vui chơi. Sau đó một thời gian hai, hai đứa nhỏ này bị cướp bắt. Bấy giờ, vào buổi sáng sớm Tất-lăng-già-bà-ta, khoác y, bưng bát đến nhà đàn-việt, trải chỗ ngồi an tọa, cha mẹ tiểu nhi đến khóc sướt mướt nói:

«Con của con cướp bắt mất rồi. Nếu chúng nó còn ở nhà thì đã đến ôm chân Đại đức, vui vẻ biết bao!»

Tất Lăng Già Bà Ta nói:

«Nên tìm khắp trong nhà, xem thử chúng nó ở đâu?»

Cha mẹ tiểu nhi nói:

«Tìm khắp rồi mà không có.»

Tất-lăng-già-bà-ta trở về chùa, vào trong phòng, tư duy nhập định, đặt niệm trên thân, dùng thiên nhãn thanh tịnh vượt hẵn người thường, thấy tiểu nhi bị giặc, để trong chiếc thuyền nơi dòng sông Hằng. Thấy rồi, trong khoảnh khắc bằng khi người lực sĩ co duỗi cánh tay, Tất-lăng-già-bà-ta biến mất khỏi chùa, xuất hiện đứng trong chiếc thuyền của cướp trên dòng sông Hằng. Tiểu nhi thấy liền vui vẻ đến ôm chân. Tất-lăng-già-bà-ta dùng thần túc khiến tiểu nhi trở về, và đem chúng để gác trên phòng, rồi đến nhà chỗ đàn-việt, trải chỗ ngồi an tọa. Bấy giờ, cha mẹ chúng cũng khóc kể và nói:

«Con của con nếu còn chúng sẽ đến ôm chân Đại đức thì vui biết bao!»

Tất-lăng-già-bà-ta nói:

«Có thể tìm các phòng trên gác xem sao!»

Cha Mẹ nó nói:

«Đã tìm rồi mà không có.»

Tất-lăng-già-bà-ta nói:

«Nên tìm lại.»

Cha mẹ chúng nó tìm lại ở tren trên trong phòng thì bắt gặp hai đứa nhỏ. Cha mẹ nó rất vui mừng nói:

«Con của tôi bị giặc bắt mất, Tất-lăng-già-bà-ta vì tôi bắt nó đem về.»

Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Tất-lăng-già-bà-ta: «Tại sao giặc bắt con người ta rồi đoạt lại?»

Tất-lăng-già-bà-ta nghe rồi nghi, đến chỗ đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, đem nhân duyên này bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi:

«Với ý nghĩ thế nào khi Thầy bắt thiếu nhi lại?»

«Bạch Thế Tôn với lòng từ con bắt thiếu nhi lại, chứ không có tâm trộm.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được làm việc như vậy.»[18] 

22. Nhận di chúc

Có tỳ-kheo tự là Cao Thắng,[19] có người đàn-việt. Người đàn-việt bệnh, tỳ-kheo đến thăm. Đàn-việt có hai tiểu nhi thông tuệ sáng sủa. Bấy giờ, người đàn-việt chỉ chỗ chôn của quý cho tỳ-kheo và nói:

«Hai đứa con của con, khi nó lớn lên, đứa nào giỏi hơn[20] thì chỉ chỗ chôn của quý này cho nó.»

Sau khi người đàn-việt qua đời, tỳ-kheo Cao Thắng chỉ chỗ chôn của quý cho đứa tốt hơn. Tiểu nhi kia khóc kể, đến trong chùa nói với A-nan:

«Thưa Đại đức, tài sản cha con để lại cho hai đứa con. Tỳ-kheo Cao Thắng này lại giao hết cho một người.»

A-nan nói với tỳ-kheo Cao Thắng:

«Tại sao tài sản cha mẹ người ta để lại cho hai người, thầy lại đem giao hết cho một người? Này Cao Thắng, Thầy hãy đi đi. Tôi không đồng Bố-tát với Thầy.»

Trải qua sáu lần bố-tát, A-nan không bố-tát chung.

Tỳ-kheo Cao Thắng là bạn hữu với La-hầu-la.[21] Bấy giờ, La-hầu-la vào buổi sáng, khoác y, bưng bát đến nước Ca-duy-la-vệ chỗ các bà Xá-di, bảo các bà Câu-lê:

«Các bà hãy bồng con của các bà đến để trước Ngài A-nan. Con của các bà khóc. Ngài A nan sẽ bảo các bà bồng nó lên. Các bà sẽ nói như vầy: ‘Chúng con sẽ không bồng con của chúng con lên, đến khi nào tôn giả A-nan chịu nghe tỳ-kheo Cao Thắng nói.»

Các bà nghe theo lời La-hầu-la đem con mình để trước mặt tôn giả A-nan. Khi ấy, các thiếu nhi khóc, tôn giả A-nan bảo các bà:

«Bồng các con lên.»

Bấy giờ, các bà nói:

«Chúng con không bồng chúng nó lên, cho đến khi nào tôn giả chịu nghe tỳ-kheo Cao Thắng nói.»

Tôn giả A nan động lòng từ liền nói với Cao Thắng:

«Sự việc của Thầy thế nào?»

Cao Thắng liền trình bày đầy đủ nhơn duyên với A-nan. Tôn giả A-nan nói:

«Như thế là Thầy không phạm, dù chỉ là tội đột-kiết-la.»[22]

 

III. ĐOẠN NHÂN MẠNG

1. Ưu-ba-ly thỉnh hỏi

Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:

«Kính bạch đức Thế Tôn, các tỳ-kheo ở bên sông Bà-cầu, quán bất tịnh, nhàm chán thân, tự sát, như vậy có phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Ban đầu chưa chế giới không phạm.»

«Người, tưởng là người, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Ba-la-di.»

«Là người mà nghi, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.»

«Người mà tưởng là phi nhân, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.»

«Phi nhơn, mà tưởng là người, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.»

«Phi nhơn mà nghi, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.»

«Bạch Đại đức, nếu khởi tưởng là người nữ mà đoạn mạng người nam, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

«Bạch Đại đức, nếu khởi tưởng là người nam mà đoạn mạng người nữ, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Ba-la-di.»

«Nếu khởi tưởng là người nữ này mà đoạn mạng người nữ kia, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

«Bạch Đại đức, nếu khởi tưởng là người nam này, mà đoạn mạng người nam kia, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Ba-la-di.»

«Nếu tìm kiếm người cầm dao, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Nếu mạng bị dứt thì phạm.»

2. Khuyến khích chết

Có tỳ-kheo đến thăm đàn-việt bệnh. Vợ của người đàn-việt nhan sắc xinh đẹp. Tỳ-kheo thấy, tâm dục đắm trước. Tỳ-kheo nói với người vợ của đàn-việt:

«Cùng tôi làm việc như vậy, như vậy.»

Người vợ đàn-việt nói:

«Đại đức đừng nói như vậy! Chồng của con còn sống, con không muốn làm việc ác như vậy.»

Tỳ-kheo liền đến nơi người chồng khen ngợi sự chết. Người chồng liền chết. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật hỏi:

Ngươi khen với ý nghĩ thế nào? Tỳ-kheo thưa:

«Con khen với tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

3. Phương tiện giết

1. Có tỳ-kheo đến thăm đàn-việt bệnh. Vợ của đàn-việt xinh đẹp. Tỳ-kheo thấy, tâm dục đắm trước, nói:

«Cùng tôi làm việc như vậy, như vậy.»

Vợ của đàn-việt nói:

«Chồng con còng sống, con không muốn làm việc như vậy.»

Tỳ-kheo liền cho người chồng uống thuốc khiến cho chết. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi cho uống thuốc, với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo thưa:

«Với tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

2. Có tỳ-kheo đến thăm đàn-việt bệnh. Vợ của đàn-việt xinh đẹp. Tỳ-kheo thấy, tâm dục đắm trước, nói:

«Cùng tôi làm việc như vậy, như vậy.»

Vợ của đàn-việt nói:

«Chồng của con còn sống con không muốn làm việc như vậy.»

Tỳ-kheo liền cho người chồng thuốc xổ khiến cho đứt mạng. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi với ý nghĩ thế nào khi cho uống thuốc?»

Tỳ-kheo thưa:

«Với tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

3. Có tỳ-kheo tới thăm đàn-việt bệnh. Vợ của đàn-việt xinh đẹp. Tỳ-kheo thấy, dục tâm tham đắm, nói:

«Cùng tôi làm việc như vậy.»

Vợ đàn-việt nói:

«Chồng con còn sống, con không muốn làm việc như vậy.»

Tỳ-kheo liền cho người chồng ăn thức ăn không được phép ăn, khiến cho chết; rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi với ý nghĩ thế nào [981a1] khi cho ăn thức ăn đó?»

Tỳ-kheo thưa:

«Với tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

4. Có tỳ-kheo đàn-việt bịnh đến thăm. Vợ của đàn-việt xinh đẹp. Tỳ-kheo thấy, dục tâm đắm trước, nói:

«Cùng tôi làm việc như vậy.»

Vợ của đàn-việt nói:

«Chồng con còn sống con không muốn làm việc như vậy.»

Tỳ-kheo liền cho người chồng uống thuốc độc, khiến cho đứt mạng, rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Với ý nghĩ thế nào, khi thầy cho uống thuốc ấy? Tỳ-kheo thưa:

«Với tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

5. Có tỳ-kheo đến thăm đàn-việt bịnh. Hình mạo của tỳ-kheo đoan chánh. Vợ của đàn-việt thấy, tâm dục tham đắm, ngõ ý với tỳ-kheo:

«Đại đức có thể cùng tôi làm việc như vậy.»

Tỳ-kheo nói:

«Này chị, không được nói như vậy. Việc đó tôi không được làm. Chồng của chị còn, tại sao làm việc xấu như vậy?»

Vợ của đàn-việt nói:

«Khi mà chồng tôi chưa chết, thì không thể hòa hiệp với thầy được.»

Người vợ liền cho chồng uống thuốc cho chết. Chồng chết rồi người vợ nói với tỳ-kheo:

«Chồng tôi đã chết, có thể cùng tôi làm việc như vậy.»

Tỳ-kheo nói:

«Đại tỷ chớ nên nói như vậy. Việc đó, tôi không được làm.»

Vợ của đàn-việt nói:

«Tôi vì Thầy nên đã giết chồng tôi rồi, tại sao Thầy không chịu làm việc như vậy?»

Tỳ-kheo nghe sanh nghi, bạch Phật, Phật hỏi:

«Ngươi nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo liền thuật lại đầy đủ nhân duyên với đức phật. Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

Thuốc xổ, thức ăn không đúng, thuốc không đúng, cũng như vậy.

4. Phá thai

1. Bấy giờ, có người đàn bà chồng đi vắng, người đàn ông bên cạnh làm cho có thai, liền đến vị tỳ-kheo mà gia đình thường cúng dường thưa:

«Chồng con đi vắng, người đàn ông bên cạnh làm cho con có mang. Thầy cho con thuốc trụy thai.»

Tỳ-kheo liền chú nguyện nơi thức ăn rồi cho ăn, khiến cho người kia thai bị sẩy. Tỳ-kheo nghi, đức Phật hỏi:

«Ngươi với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo thưa:

«Với tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Ngươi phạm ba-la-di.»

2. Có người đàn bà chồng đi vắng, bèn có thai với người khác. Cô liền đến vị tỳ-kheo mà gia đình thường cúng dường, nói:

«Thưa Đại đức! Chồng con đi vắng, con có thai với người khác. Thầy cho con thuốc để cho thai sẩy.»

Tỳ-kheo liền chú nguyện nơi thuốc, đưa cho uống, khiến cho thai bị sẩy. Tỳ-kheo nghi, đức Phật hỏi:

«Ngươi với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo thưa:

«Với tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

Chú nguyện nơi thuốc bột mịn, chú nguyện nơi tràng hoa, chú nguyện nơi hương xông y phục, chú nguyện nơi thai cũng như vậy. Tất cả đều phạm ba-la-di.

3. Bấy giờ, có người phụ nữ, chồng đi vắng, bèn có thai với người khác. Cô liền đến vị tỳ-kheo-ni mà gia đình thường cúng dường, thưa:

«Kính thưa A-di, chồng con đi vắng, người đàn ông bên cạnh làm con mang thai. Sư cô cho con thuốc làm sẩy thai.»

Tỳ-kheo-ni nói:

«Này chị, tôi không rành về thuốc. Chị đến đây, tôi sẽ đè nơi bụng của chị.»

Tỳ-kheo-ni đè nơi bụng, khiến cho thai bị sẩy; rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Cô làm với ý nghĩ như thế nào?»

Tỳ-kheo-ni thưa:

«Với tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

4. Có người phụ nữ, chồng đi vắng, bèn có thai với người khác. Cô liền đến vị tỳ-kheo-ni mà gia đình thường cúng dường, thưa:

«Kính thưa A di, chồng con đi vắng, người đàn ông bên cạnh làm cho con có mang. Sư cô cho con thuốc uống thai sẩy.»

Tỳ-kheo-ni nói:

«Tôi không rành về thuốc, đại tỷ đến đây, tôi sẽ vì đại tỷ cắn nơi đó.»

Cô ni liền cắn nơi bụng, chỗ có thai, khiến cho thai bị đọa, rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Cô làm với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo-ni thưa:

«Với tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

5. Có người phụ nữ chồng đi vắng, bèn có thai với người khác. Cô liền đến chỗ tỳ-kheo thường cúng dường thưa:

«Đại đức, chồng con đi vắng, người bên cạnh làm cho con có mang. Thầy cho con thuốc để phá thai.»

Tỳ-kheo cho thuốc thổ hạ quá độ làm cho bà mẹ chết mà con còn sống. Vị kia nghi. Đức Phật dạy:

«Bà mẹ chết không phạm. Phương tiện muốn đọa thai mà thai không chết, phạm thâu-lan-giá.»

6. Có tỳ-kheo đỡ người bịnh đứng dậy. Người bịnh qua đời, nghi. Đức phật dạy:

«Không phạm.»

Nếu đỡ ngồi dậy mà qua đời, không phạm.

Nếu vì bệnh nhơn tắm mà họ qua đời, không phạm.

Nếu khi uống thuốc mà họ qua đời, không phạm.

5. Cho bệnh chết sớm

1. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh lâu ngày. Người nuôi bệnh mỏi mệt, cho ăn thức ăn không thích hợp, khiến cho bệnh nhân đoạn mạng; rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi với ý nghĩ thế nào?»

Vị nuôi bệnh thưa:

«Với tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

2. Có tỳ-kheo bệnh lâu ngày. Người nuôi bệnh, mỏi mệt, cho ăn thức ăn không thích hợp, khiến cho bệnh nhân đoạn mạng; rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi với ý nghĩ thế nào?»

Vị nuôi bệnh thưa:

«Với tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

Có tỳ-kheo bệnh lâu ngày. Người nuôi bệnh mỏi mệt, cho uống không đúng thuốc, khiến cho chết; rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi với ý nghĩ thế nào?»

Vị kia thưa:

«Với tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

3. Có tỳ-kheo bị bệnh lâu ngày mà có nhiều vật sở hữu. Vị nuôi bệnh với tâm tham của lợi, liền cho ăn thức ăn không thích hợp, khiến cho qua đời; rồi nghi. Đức phật hỏi:

«Ngươi với ý nghĩ thế nào?»

Vị nuôi bệnh thưa:

«Với tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

4. Có tỳ-kheo bệnh lâu ngày, mà có nhiều tài vật. Vị nuôi bệnh với tâm tham lợi, cho uống không đúng thuốc, khiến cho qua đời; rồi nghi. Đức phật hỏi:

«Ngươi với ý nghĩ thế nào?»

Vị nuôi bệnh thưa:

«Với tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Ba-la-di.»

5. Có tỳ-kheo dưới nách có mụt nhọt, một tỳ-kheo nặn giùm. Tỳ-kheo kia nói: «Đừng nặn, đừng nặn nữa!» Tỳ-kheo này vẫn cứ nặn, không chịu thôi. Tỳ-kheo kia chết. Tỳ-kheo này nghi, Đức phật hỏi:

«Ngươi với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo thưa:

«Không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được nặn mạnh như vậy.»

6. Có tỳ-kheo bị sưng cả mình, một tỳ-kheo dùng thuốc cấp tháo[23] thoa. Tỳ-kheo kia nói: «Thôi, thôi đừng thoa nữa. Đau nhức và nóng quá.» Tỳ-kheo này nói, «Gắng chịu đau một chút đi, sẽ khỏi.» Tỳ-kheo này không chịu ngưng thoa thuốc. Tỳ-kheo kia chết. Tỳ-kheo này nghi, đức Phật hỏi:

«Ngươi làm với ý nghĩ thế nào?»

Tỳkheo thưa:

«Không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được cưỡng ép xoa như vậy.»

7. Có tỳ-kheo dời tỳ-kheo bệnh từ chỗ bóng mát đến chỗ nắng. Tỳ-kheo bịnh qua đời. Tỳ-kheo kia nghi. Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

Dời từ chỗ nắng đến chỗ bóng mát cũng như vậy, không phạm.

Tỳ-kheo bệnh tự ý muốn dời từ chỗ bóng mát đến chỗ nắng, từ chỗ nắng đến chỗ bóng mát. Người bệnh qua đời; người dìu nghi. Đức Phật nói:

«Không phạm.»

Dìu người bịnh ra khỏi nhà hoặc vào nhà, rồi người bệnh qua đời. Người dìu nghi. Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

Người bệnh tự ý muốn ra khỏi phòng, dìu ra khỏi phòng; muốn vào phòng, dìu vào phòng, rồi qua đời. Người dìu không phạm. Dìu người bệnh đến chỗ đại tiện, rồi qua đời, hoặc dìu trở lại trong phòng rồi qua đời, người dìu đều không phạm. Dìu người bệnh đến chỗ tiểu tiện, rồi qua đời, hoặc dìu trở lại phòng, rồi qua đời, đều không phạm.

8. Có tỳ-kheo bị sốt rét. Một tỳ-kheo cưỡng bức đè xuống. Tỳ-kheo bệnh nói: «Chớ đè, chớ đè!» Tỳ-kheo kia cứ đè không thôi. Tỳ-kheo bệnh chết. Tỳ-kheo kia nghi, đức Phật hỏi:

«Ngươi làm với ý gì?»

Tỳ-kheo kia thưa:

«Không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được cưỡng bức đè như vậy.»

9. Có tỳ-kheo bệnh, tỳ-kheo khác đến thăm, lật ngược cái khăn để xem mặt và hỏi:

«Trưởng lão có bớt chút nào không?»

Tỳ-kheo bệnh nói:

«Đừng lật, đừng lật!» Vị kia cứ lật, không nghe. Tỳ-kheo bệnh chết. Tỳ-kheo kia nghi, đức Phật hỏi:

«Ngươi làm với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo thưa:

«Không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được cưỡng mà lật như vậy.»

6. Sai bảo giết

1. Có số đông tỳ-kheo, phương tiện sai một người đi giết người kia. Người được sai bèn đi giết; rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Tất cả đều phạm ba-la-di.»

2. Có số đông tỳ-kheo phương tiện sai một người đi giết người khác. Trong số đó có một người nghi, mà không ngăn. Người được sai liền đi giết. Người kia nghi. Đức Phật dạy:

«Tất cả đều phạm ba-la-di.»

3. Có số đông tỳ-kheo, phương tiện cùng giết người khác. Trong số đó có một người nghi, liền ngăn. Nhưng người được sai kia vẫn đi giết. Người kia nghi. Đức Phật dạy:

«Người ngăn phạm thâu-lan-giá. Người không ngăn phạm ba-la-di.»

7. Ngộ sát và cố sát

1. Có kẻ trộm lấy y bát, ống đựng kim, tọa cụ của tỳ-kheo. Tỳ-kheo bắt kẻ trộm đè xuống trị. Kẻ trộm chết. Tỳ-kheo nghi, đức Phật hỏi:

«Ngươi với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo thưa:

«Không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được đè xuống để trị như vậy.»

2. Có kẻ trộm lấy y bát tọa cụ ống đựng kim của tỳ-kheo. Tỳ-kheo bắt kẻ trộm bỏ dưới cái hầm. [982a1] Kẻ trộm chết, tỳ-kheo nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi làm với tâm gì?»

Tỳ-kheo thưa:

«Không có tâm sát.»

Đức phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được làm như vậy.»

3. Có ác tỳ-kheo lấy trộm y bát tọa cụ ống đựng kim của tỳ-kheo. Tỳ-kheo khác nói: «Ác tỳ-kheo này trộm lấy y bát tọa cụ ống đựng kim của tỳ-kheo. Cần phải bắt mà dạy cho biết pháp.» Bèn bắt đánh một trận quá tay. Sau đó, tỳ-kheo kia qua đời. Tỳ-kheo kia nghi, đức Phật hỏi:

«Ngươi đánh với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo thưa:

«Không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng đánh người thọ đại giới, phạm tội ba-dật-đề.»[24]

4. Có tỳ-kheo cùng bạch y cãi nhau. Tỳ-kheo đến quan kiện. Vị đại thần ra lệnh bắt nhốt bạch y vào ngục. Bạch y qua đời. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo thưa:

«Không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng kiện người mắc tội đột-kiết-la.»

5. Có tỳ-kheo giết con khỉ; rồi nghi rằng: «Mình đã đoạn mạng người, phạm ba-la-di.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không phạm. Đoạn mạng súc sanh, phạm ba-dật-đề.»

6. Có tỳ-kheo cùng với tỳ-kheo kia tranh cãi. Tỳ-kheo kia bệnh, tỳ-kheo này đến thăm. Tỳ-kheo khác xét thấy, tỳ-kheo này cùng tỳ-kheo bệnh trước có sự oán thù nhau, nay đến thăm ắt có việc gì khác. Tỳ-kheo này liền cho người bệnh dùng phi dược. Tỳ-kheo bệnh qua đời. Tỳ-kheo này nghi, đức Phật hỏi:

«Ngươi làm với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo thưa:

«Với tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

7. Có tỳ-kheo cùng tỳ-kheo tranh cãi. Tỳ-kheo kia du hành trong nhân gian, rồi mắc bệnh. Tỳ-kheo này nói: «Dù ngươi có đi đâu, cũng không thoát.» Liền đến thăm hỏi. Tỳ-kheo khác xét thấy, tỳ-kheo này trước đây cùng tỳ-kheo bệnh có sự oán thù, nay đến thăm hỏi, chắc có việc gì khác. Tỳ-kheo này liền cho tỳ-kheo bệnh phi dược. Tỳ-kheo bệnh qua đời. Tỳ-kheo này nghi, đức Phật hỏi:

«Ngươi với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo thưa:

«Với tâm sát.»

Đức phật dạy:

«Ba-la-di.»

Cho phi thực, có hai loại, cũng như vậy.

8. Bấy giờ, vào buổi sáng, tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà, khoác y, bưng bát đến nhà bạch y. Có một đứa bé đang ngủ trong nhà giã gạo. Thâu-la-nan-đà đến mó vào cái chày giã. Chày rơi nhằm đứa nhỏ, nó chết. Thâu-la-nan-đà nghi, đức Phật hỏi:

«Cô làm với tâm niệm thế nào?»

Tỳ-kheo-ni thưa:

«Không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được sờ mó chày giã của người ta.»

9. Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà, vào buổi sáng, khoác y, bưng bát đến nhà bạch y. Có một đứa nhỏ nằm ngủ bên cái cối giã gạo. Thâu-la-nan-đà đụng cái cối. Cái cối bị lật, đè chết đứa nhỏ. Thâu-la-nan-đà nghi. Đức Phật hỏi:

«Cô làm với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo-ni thưa:

«Không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được đụng chạm cái cối của người ta như vậy.»

10. Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà, vào buổi sáng, khoác y, bưng bát đến nhà bạch y. Trên giường có đứa nhỏ đang ngủ. Thâu-la-nan-đà không nhìn mà ngồi lên. Vợ người đàn-việt nói:

«A-di chớ ngồi lên đứa nhỏ!»

Cô không nghe nên ngồi lên. Đứa nhỏ liền chết. Cô ni nghi, đức Phật hỏi:

«Cô với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo-ni thưa:

«Không có tâm sát. Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được, nơi nhà bạch y không xem nơi chỗ ngồi mà ngồi.»

11. Bấy giờ, nước Xá-vệ có đàn-việt thỉnh Phật và Tăng thọ thực vào sáng hôm sau. Đêm đó, sửa soạn các thức đồ ăn ngon bổ xong, sáng sớm đến thỉnh Thế Tôn phú trai. Đức Thế Tôn khoác y, bưng bát cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo đều đến nhà đàn-việt, an tọa nơi chỗ ngồi. Theo thường pháp của Chư Phật là, chúng chưa tập hợp đủ thì không thọ thực. Bấy giờ, có một tỳ-kheo xuất gia khi tuổi muộn, dẫn theo đứa con cho xuất gia luôn. Tỳ-kheo, cha của đứa bé, khi tiểu thực, đi đến nhà bạch y khác. Các tỳ-kheo hỏi đứa bé:

«Bố chú đi đâu, để đức Thế Tôn đợi mà không ăn?»

Đứa bé thưa:

«Con không biết.»

Các tỳ-kheo bảo đứa bé đi tìm. Nó đi tìm gặp được tỳ-kheo bố. Nó nói:

«Bố đi đâu mà để đức Phật và chúng Tăng phải chờ bố, không thọ thực?»

Tỳ-kheo giận, nắm lấy đứa con. Đứa nhỏ vì tìm cách để chạy thoát khỏi nên xô tỳ-kheo cha té xuống đất. Bố nó bị chết, nó nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi làm với ý nghĩ thế nào, khi xô bố ngươi?»

Nó thưa:

«Con không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được xô như vậy.»

12. Có bà mẹ bắt tỳ-kheo. Tỳ-kheo tìm cách thoát, nên xô bà mẹ té xuống đất chết. Vị kia nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi làm với ý nghĩ thế nào?»

Vị kia thưa:

«Không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được xô đẩy mẹ như vậy.»

13. Có người cha bắt tỳ-kheo. Tỳ-kheo tìm cách thoát, nên xô cha té xuống đất chết, rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi làm với ý nghĩ thế nào?»

Vị kia thưa:

«Không với tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được xô cha như vậy.»

Anh bắt tỳ-kheo, chị bắt tỳ-kheo, vợ cũ bắt tỳ-kheo cũng như vậy.

14. Bấy giờ, có chị của vợ cũ nói với người em mình rằng:

«Tại sao không đến tỳ-kheo đòi y thực?»

Người em nói:

«Vì đã xuất gia, em không muốn đòi cái gì cả.»

Người chị nói:

«Chỉ chỗ của tỳ-kheo cho chị. Chị sẽ sẽ đòi cho.»

Người kia liền chỉ chỗ. Người chị nói với tỳ-kheo rằng:

«Tại sao không cấp dưỡng y thực cho em gái tôi?»

Người kia nắm tỳ-kheo. Tỳ-kheo xô để thoát. Người kia té xuống đất, chết. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo thưa:

«Không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được xô như vậy.»

15. Có nam nữ bắt tỳ-kheo, tỳ-kheo xô để thoát, nam nữ bị té xuống đất chết. Tỳ-kheo nghi, đức Phật hỏi:

Ngươi với ý nghĩ thế nào?

Tỳ-kheo thưa:

«Không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được xô như vậy.»

16. Bấy giờ, cách chùa ni không xa có người đàn ông bị chặt tay chặt chân. Tỳ-kheo-ni bưng nước tô-tỳ-la đi[25] qua, cách nam tử không xa. Nam tử thấy, nói:

«A-di cho con nước uống.»

Tỳ-kheo-ni đưa cho Người đàn ông uống rồi, chết. Tỳ-kheo-ni nghi. Đức Phật hỏi:

«Cô cho với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo-ni thưa:

«Con không có ý nghĩ sát sanh.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

17. Cách chùa tỳ-kheo-ni không xa, có người bị chặt tay, chặt chân. Tỳ-kheo-ni bưng nước đi qua, cách người đó không xa. Người đó thấy, nói:

«A di cho con uống nước.»

Tỳ-kheo-ni cho người đó uống rồi họ chết. Tỳ-kheo-ni nghi. Đức Phật hỏi:

«Cô cho với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo-ni thưa:

«Con không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

18. Cách chùa tỳ-kheo-ni không xa, có người bị chặt tay, chặt chân. Tỳ-kheo-ni bưng nước tô-tỳ-la đi qua cách người đó không xa. Người đó thấy, nói:

«A-di, tôi cần tô-tỳ-la để rửa vết thương cho bơt nhức.»

Tỳ-kheo-ni liền cho để rửa, rửa rồi bị chết. Tỳ-kheo-ni nghi. Đức Phật hỏi:

«Cô cho với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo-ni thưa:

«Con không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được cho rửa như vậy.»

Bưng nước đi cũng thế.

19. Cách chùa tỳ-kheo-ni không xa, có người bị chặt chân, chặt tay. Tỳ-kheo-ni bưng nước tô-tỳ-la đi qua cách đó không xa. Tỳ-kheo-ni nghĩ: «Nếu cho tô-tỳ-la để rửa vết thương, may ra có thể chết sớm.» Nghĩ rồi liền cho. Người đó rửa xong thì chết. Tỳ-kheo-ni nghi. Đức Phật hỏi:

«Cô với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo-ni thưa:

«Con cho với tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

Bưng nước cho để rửa cũng như vậy.

20. Có số đông tỳ-kheo cùng nhóm sáu tỳ-kheo ở tại núi Kỳ-xà-quật, cùng nhau xẻ cây để lợp nhà. Một vị trong Nhóm sáu tỳ-kheo cầm một khúc cây nhọn, ném thẳng trúng nhằm một người. Khúc cây xuyên qua mình, người kia chết liền. Vị này nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi làm với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo thưa:

«Không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được ném thẳng như vậy; mà nên liệng ngang.»

21. Tỳ-kheo tri sự [983a1] làm phòng mới. Đá rơi, trúng tỳ-kheo chết. Vị kia nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi làm với ý nghĩ thế nào?»

Vị kia thưa:

«Con không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

Ngói rơi, cây rơi, kèo rơi, xà rơi, đòn dông roi, gỗ rơi, trúng người; cũng như vậy.

22. Bấy giờ, tại núi Kỳ-xà-quật, có người chăn bò, thả bò ăn cỏ. Một vị trong nhóm sáu tỳ-kheo lấy hòn đá đập vào sừng bò. Đá văng trúng người chăn bò, chết. Vị ấy nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi làm với ý nghĩ thế nào?»

Vị ấy thưa:

«Không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng đánh súc sanh không thể biến hóa thì mắc tội đột-kiết-la.»

23. Có tỳ-kheo ở trong núi Kỳ-xà-quật cạy đá rơi, trúng người đi đường chết; nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi làm với ý nghĩ thế nào?»

Vị kia thưa:

«Con không có ý nghĩ giết người.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được cạy đá. Nếu có nhân duyên cần lấy đá thì nên bảo người đi tránh xa nơi đó.»

24. Có tỳ-kheo muốn xả giới, làm nghề hạ tiện.[26] Vị ấy nghĩ: «Ta đã từng xuất gia trong Phật pháp thì không thể lại làm ác sự như vậy.» Nghĩ như vậy xong, vị ấy liền lên trên đỉnh núi Ma-đầu tự gieo mình xuống để tự tử. Nhưng rơi trúng người đốn tre. Tỳ-kheo sống, người kia chết. Tỳ-kheo nghi, đức Phật nói:

«Người kia chết, (tỳ-kheo) không phạm. Nhưng phương tiện muốn tự sát, phạm thâu-lan-giá.»

25. Có tỳ-kheo muốn thôi tu, làm nghề hạ tiện. Nhưng nghĩ: «Ta đã từng xuất gia trong Phật pháp thì không thể lại làm ác sự như vậy.» Vị kia liền leo lên đảnh núi Ba-la-ha-na, tự gieo mình xuống để chết, nhưng rơi trúng trên người chặt trúc. Người kia chết, tỳ-kheo sống. Vị tỳ-kheo nghi, đức Phật nói:

«Người kia chết, (tỳ-kheo) không phạm. Nhưng phương tiện muốn tự sát mắc tội thâu-lan-giá.»

26. Có tỳ-kheo bưng nước tô-tỳ-la đi cách bãi tha ma không xa. [Theo phép nước, trị người có tội, lấy cọc nhọn xiên người rồi đem vất.][27] Một người bị bêu trên cỏ nhọn, nói, «Cho tôi uống nước.» Tỳ-kheo cho uống rồi, người ấy liền chết. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi cho uống với ý tưởng thế nào?»

Tỳ-kheo thưa:

«Không có tâm sát.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

27. Có tỳ-kheo bưng nước đi cách bãi tha ma không xa. Một người bị bêu trên cọc nhọn nói, «Cho tôi uống nước.» Tỳ-kheo cho uống rồi, người ấy chết. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật nói:

«Không phạm.»

28. Có tỳ-kheo điên cuồng giết người, sau khi tỉnh lại thì biết, bèn nghi. Đức Phật nói:

«Không phạm. Nếu tâm thác loạn, bị thống khổ bức bách, tất cả đều không phạm.»

 

IV. ĐẠI VỌNG NGỮ

1. Ưu-ba-ly thỉnh vấn

1. Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch đức Thế Tôn:

«Kính bạch Đại đức, tỳ-kheo ở bên sông Bà-cầu, sự thật mình không có, nhưng vì miếng ăn, lại đến trước bạch y, tự khen mình, nói là được pháp thượng nhơn. Như vậy có phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Ban đầu chưa chế giới, không phạm.»

2. Có tỳ-kheo tăng thượng mạn, tự bảo là đã đắc đạo, sau đó tinh cần không biếng nhác, chứng tăng thượng thắng pháp. Vị kia ghĩ: «Đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo chế giới, Nếu tỳ-kheo nào không tự tri kiến mà tự xưng là đắc pháp thượng nhơn, nói rằng: ‘Tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.’ Sau thời gian khác, hoặc có người hỏi, hoặc không có người hỏi, vì mong cầu sự thanh tịnh, cho nên nói: ‘Tôi thật sự không biết, không thấy mà tự nói là biết là thấy.’ Tỳ-kheo nói hư vọng, phạm ba-la-di, không được sống chung. Tôi do tăng thượng mạn, tự bảo là đã đắc đạo. Sau đó, tinh tấn không biếng nhác, đặng tăng thượng thắng pháp. Ta nên làm thế nào?»

Vị ấy, liền đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ với các tỳ-kheo đồng ý, nói:

«Lành thay, Trưởng lão vì tôi bạch đức Thế Tôn. Tùy theo lời dạy của đức Thế Tôn, tôi sẽ y theo đó mà thực hành.»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi đem nhân duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ.

Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, tùy thuận nói pháp, dùng vô số phương tiện khen ngợi trang nghiêm hạnh đầu-đà là điều khó làm, thiểu dục tri túc ưa xuất ly, và bảo các tỳ-kheo: «Nếu là tăng thượng mạn thì không phạm.»

Các tỳ-kheo bạch Phật:

«Bạch Đại đức, nếu đối trước loài súc sanh không thể biến hóa, tự xưng là đắc pháp thượng nhơn thì phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm đột-kiết-la.»

«Bạch Đại đức, người tưởng là người, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

«Người mà nghi, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

«Người mà khởi ý tưởng chẳng phải người, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

«Chẳng phải người mà tưởng là người, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.»

«Chẳng phải người mà nghi, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.»

«Bạch Đại đức, nếu trước người nam mà khởi ý tưởng là nữ, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Ba-la-di.»

«Trước người nữ mà tưởng là nam, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Ba-la-di.»

«Nếu đối với trước người nữ này mà khởi ý tưởng là người nữ kia, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Nếu nói rõ ràng thì phạm ba-la-di. Nói không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.»

«Đối trước người nam này mà khởi ý tưởng người nam kia, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Nếu nói rõ ràng thì phạm ba-la-di. Nói không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.»

Nếu bằng ấn tín, hoặc sai người, hay viết thư, hiện tướng khiến cho họ biết rõ ràng thì phạm ba-la-di; không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.

«Kính bạch Đại đức, nếu đối trước trời rồng, a-tu-la, kiền-thát-bà, dạ-xoa, ngạ quỷ, súc sanh có thể biến hóa được, tự xưng đắc pháp thượng nhơn, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Nói rõ ràng thì phạm thâu-lan-giá; không rõ ràng phạm đột-kiết-la.»

Bằng ấn tín, sai sứ, viết thư, hiện tướng khiến cho họ biết rõ ràng thì phạm thâu-lan-giá; không rõ ràng phạm đột-kiết-la.

2. Tự xưng

1. Có tỳ-kheo trước người khác tự xưng là đắc pháp thượng nhơn, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Nếu nói rõ ràng thì phạm ba-la-di. Không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.»

Muốn nói với người này, lại nói với người kia , tất cả đều phạm ba-la-di.

2. Có số đông tỳ-kheo du hành tại nước Câu-tát-la. Khi ấy, có bà-la-môn tin Phật, giỏi xem tướng, gặp họ, nói:

«Đại đức A-la-hán đến.»

Tỳ-kheo hỏi:

«Ông nói gì?»

Đáp:

«Đại đức xứng đáng nhận y phục, thuốc men, những gì cần thiêt.»

«Có lý đó.»

Tỳ-kheo nói rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Không phạm.» 

3. Có tỳ-kheo tự nói chứng đắc căn, lực, giác ý, thiền định, giải thoát, tam muội, chánh thọ. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm ba-la-di.»

4. Có tỳ-kheo giảng cho người về căn lực, giác ý, thiền định, giải thoát tam muội, chánh thọ. Nhưng không tự nói là đã đạt được. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy:

«Không phạm.» 

3. Tự ám chỉ

1. Bấy giờ, tỳ-kheo có đàn-việt. Tỳ-kheo nói rằng:

«Người thường nói pháp cho thí chủ đây là vị A-la-hán.»

Đàn-việt liền hỏi:

«Đại đức vừa nói gì?»

Tỳ-kheo im lặng, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.»

2. Bấy giờ, tỳ-kheo có đàn-việt. Tỳ-kheo nói rằng:

«Người thường đến nhà thí chủ đây là A-la-hán.»

Đàn-việt liền hỏi:

«Đại đức vừa nói gì?»

Tỳ-kheo không trả lời, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Nói không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.»

3. Tỳ-kheo có đàn-việt. Tỳ-kheo nói:

«Người thường đến ngồi chỗ ngồi đây là A-la-hán.»

Đàn-việt liền hỏi:

«Đại đức vừa nói gì?»

Tỳ-kheo im lặng; rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.»

4. Tỳ-kheo có đàn-việt. Tỳ-kheo nói người:

«Thường nhận thức ăn của ngươi là A-la-hán.»

Đán việt liền hỏi:

«Đại đức vừa nói gì?»

Vị kia im lặng, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Nói không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.» 

4. Tự hiện tướng

1. Bấy giờ, đàn-việt nói với tỳ-kheo mà mình thường cúng dường rằng: «Nếu Đại đức là A-la-hán thì cởi tăng-già-lê ra.»

Tỳ-kheo liền cởi y, hiện tướng, mà không nói; nhưng rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

2. Đàn-việt nói với tỳ-kheo mà mình thường cúng dường rằng:

«Nếu Đại đức là A-la-hán thì [984a1] có thể ngồi trên giường giây.»

Vị kia liền ngồi, hiện tướng, không nói; nhưng rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

3. Đàn-việt nói với tỳ-kheo mà mình thường cúng dường rằng:

«Nếu Đại đức là A-la-hán thì đứng dậy.»

Vị kia liền đứng dậy, hiện tướng, không nói; nhưng rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm, thâu-lan-giá.»

4. Đàn-việt nói với tỳ-kheo mà mình thường cúng dường rằng:

«Nếu Đại đức là A-la-hán, thì lên trên tầng gác.»

Tỳ-kheo đi lên, hiện tướng, mà không nói. Nhưng rồi nghi. Phật nói:

«Phạm thâu-lan-giá.»

5. Đàn-việt nói với tỳ-kheo mà mình thường cúng dường rằng:

«Nếu Đại đức là A-la-hán thì có thể bước xuống.»

Tỳ-kheo liền bước xuống, hiện tướng, không nói rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

6. Tỳ-kheo có đàn-việt. Tỳ-kheo nói:

«Người thường nói pháp cho thí chủ đây là Thanh văn đệ tử Phật.

Đàn-việt hỏi:

«Đại đức nói gì?»

Vị kia im lặng, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.»

Thường vào nhà đàn-việt, nhận chỗ ngồi, nhận thức ăn, cũng như vậy.

7. Có đàn-việt nói với tỳ-kheo mà mình thường cúng dường rằng:

«Nếu Đại đức là Thanh văn đệ tử Phật thì cởi tăng-già-lê.

Vị kia liền cởi, hiện tướng, không nói nhưng rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Khoác tăng-già-lê, ngồi, đứng dậy, leo lên nhà gác, leo xuống cũng như vậy.

5. Mục-liên tự thuyết

1. Bấy giờ, tôn giả Mục-liên nói với các tỳ-kheo, về nghiệp, báo nhơn duyên, đạt được thần túc. Các tỳ-kheo nói với tôn giả:

«Tôn giả nói có nghiệp báo, nhân duyên, đạt được thần túc. Việc không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, phạm ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Có nghiệp báo, nhân duyên, và có thể đạt được thần túc như vậy. Mục-liên không phạm.»

2. Mục-liên bảo các tỳ-kheo là có nghiệp báo, nhân duyên, đạt được thiên nhĩ, biết túc mạng, biết được tâm của kẻ khác, thiên nhãn.

Các tỳ-kheo nói với Mục-liên:

«Tôn giả nói có nghiệp báo nhân duyên đạt được thiên nhĩ, cho đến thiên nhãn, là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Có nghiệp báo, nhân duyên, có thể đạt được thiên nhĩ, cho đến đạt được thiên nhãn. Mục-liên không phạm.»

3. Mục-liên bảo các tỳ-kheo rằng:

«Này các Trưởng lão, có chúng sanh như vậy, từ hư không bay qua, nghe tiếng xúc chạm của xương cốt nó.»

Các tỳ-kheo nói với Mục-liên:

«Đại đức, thầy nói có chúng sanh như vậy từ hư không bay qua, nghe tiếng khua động của xương cốt họ. Đó là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật daỵ:

«Có chúng sanh như vậy. Mục-liên không phạm.»

4. Mục-liên bảo các tỳ-kheo:

«Tôi thấy có chúng sanh toàn lông trong người của nó đều bằng kim, khi rút ra, khi đâm vào, nhận lấy vô lượng khổ. Nó kêu lớn tiếng vừa khóc vừa la.»

Các tỳ-kheo nói với Mục-liên:

«Tôn giả nói có chúng sanh như vậy. Đó là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Trước đây ta cũng thấy chúng sanh như vậy, mà ta không nói. Tại sao vậy? Vì sợ mọi người không tin. Người không tin sẽ chịu khổ lâu dài. Chúng sanh ở trong thành Vương-xá này ưa nói hai lưỡi, đấu tranh. Ác nghiệp nhơn duyên này phải đọa vào trong địa ngục trải qua trăm ngàn vạn năm, thọ các khổ não. Đây là nhân duyên tội còn sót lại, nên thọ lấy hình trạng như vậy. Do đó Mục-liên không phạm.»

5. Mục-liên bảo các tỳ-kheo:

«Tôi Thấy có chúng sanh lặn hụp trong hầm xí, chịu đại khổ thống, rên khóc kêu la.»

Các tỳ-kheo nói với Mục-liên:

«Tôn giả tự nói thấy có chúng sanh lặn hụp trong hầm cầu, chịu đại khổ thống kêu la rên khóc như vậy. Đó là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Trước đây, ta cũng thấy chúng sanh như vậy, mà không nói. Tại sao vậy? Vì sợ mọi người không tin. Người không tin phải chịu khổ lâu dài. Chúng sanh ở trong nước Ba-la-nại này, thời đức Phật Ca-diếp, làm bà-la-môn, khi ấy thỉnh Phật và Tăng thọ thực, rồi dùng cái máng đựng đầy phẩn, sai người đến bạch: “Đến giờ.” Khi Phật và Tăng đến, bà-la-môn thưa: “Chư Đại đức, các Ngài có thể dùng thức ăn này theo ý muốn của mình, và tùy ý mang đi.” Do ác nghiệp nhơn duyên này mà đọa trong địa ngục Nê lê, thọ khổ trăm ngàn vạn năm. Vì tội ác nhơn duyên còn sót lại, phải lặn trong hầm cầu tiêu. Cho nên Mục-liên không phạm.»

6. Mục-liên bảo các tỳ-kheo:

«Tôi thấy có chúng sanh ngồi trên giường bằng sắt. Lửa từ giường sắt tuôn ra đốt cháy cả thân, y bát tọa cụ, ống đựng kim cũng đều bị đốt cháy.»

Các tỳ-kheo nói với Mục-liên:

«Tôn giả nói thấy chúng sanh như vậy, thọ khổ như vậy, là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Trước đây ta cũng thấy chúng sanh như vậy, mà không nói. Tại sao vậy? Vì sợ mọi người không tin. Người không tin phải thọ khổ lâu dài. Chúng sanh ở nước Ba-la-nại này, trong quá khứ, thời đức Phật Ca-diếp, đã làm tỳ-kheo ác. Do nhơn duyên này đọa vào địa ngục trăm ngàn vạn năm thọ các khổ thống. Vì ác nghiệp nhân duyên còn sót lại nên thọ thân như vậy. Do đó Mục-liên không phạm.»

Tỳ-kheo-ni ác, thức-xoa-ma-na ác, sa-di, sa-di-ni thọ khổ cũng như vậy.

7. Mục-liên bảo các tỳ-kheo:

«Tôi thấy chúng sanh, thân hình của nó bị đốt cháy, các con ruồi bao quanh rúc rỉa, đau khổ kêu la»

Các tỳ-kheo nói với Mục-liên:

«Tôn giả nói thấy có chúng sanh như vậy, thọ khổ như vậy, là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Trước đây ta cũng thấy chúng sanh như vậy, mà không nói. Tại sao vậy? Vì sợ mọi người không tin. Người không tin thọ khổ lâu dài. Chúng sanh này là đệ nhất phu nhân của Vua Ca-lăng-già, vì tâm tật đố, nên lấy dầu và nước sôi rót vào đầu của đệ nhị phu nhân đang ngủ. Do nghiệp báo nhân duyên này phải đọa vào địa ngục trăm ngàn vạn năm chịu các sự đau khổ. Vì nghiệp báo nhân duyên còn dư nên thọ thân này như vậy. Do đó Mục-liên không phạm.»

8. Mục-liên bảo các tỳ-kheo:

«Tôi thấy cung điện thành quách của A-tu-la ở dưới đáy biển mà nước treo bên trên, không vào trong cung thành của họ.»

Các tỳ-kheo nói với Mục-liên:

«Tôn giả tự nói là thấy cung thành của A-tu-la ở dưới đáy biển, bốn bên và trên đều không có nước vào, là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Có sự việc như vậy. Cung thành của A-tu-la, bốn phía và trên có bốn loại gió để giữ nước lại:[28] trụ phong, trì phong, bất diệt phong, lao hệ phong. Cho nên Mục-liên không phạm.»

9. Mục-liên bảo các tỳ-kheo:

«Tôi thấy có chúng sanh như vầy: Không xương, không da, không thịt, không máu, không có bất tịnh cũng không có nhọc mệt, và người nữ mà không sanh sản.»

Các tỳ-kheo nói với Mục-liên:

«Tôn giả tự nói có chúng sanh như vậy, cho đến có người nữ mà không sanh sản, là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Có chúng sanh như vậy, Mục-liên không phạm.»

10. Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, đại Mục-liên bảo các tỳ-kheo:

«Các Trưởng lão, tôi nhập định không huệ,[29] nghe có tiếng nước khi voi chúa Y-la-bà-ni đi[30] xuống ao Nan-đà.[31]»

Các tỳ-kheo nói với Đại đức Mục-liên rằng:

«Đại đức nói nhập định không huệ, nghe tiếng có nước khi voi chúa Y-la-bà-ni đi xuống ao Nan-đà. Đại đức nhập định không huệ mà nghe âm thanh là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Có loại định như vậy mà không thanh tịnh. Mục-liên không phạm.»

11. Mục-liên bảo các tỳ-kheo:

«Tôi nhập định không huệ, nghe tiếng nước khua động của tám mươi bốn ngàn con voi vào trong ao Mạn-đà-diên.»

Các tỳ-kheo nói với Mục-liên:

«Đại đức tự nói nhập định không huệ mà nghe tiếng khua động của nước do các con voi kia vào trong ao Mạn-đà-diên.»

«Đại đức, vào định không huệ mà con nghe âm thinh là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Có loại định như vậy, nhưng không thanh tịnh. Mục-liên không phạm.»

12. Mục-liên bảo các tỳ-kheo:

«Tôi nhập định không huệ, nghe tiếng nước khua động của voi chúa nọ vào trong ao Tô.»

Các tỳ-kheo nói với Mục-liên rằng:

«Tự nói, nhập định không tuệ mà nghe tiếng khua động của nước do voi chúa nọ vào trong ao Tô. Làm sao nhập vào định không huệ nào mà còn nghe âm thanh? Điều này không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:

«Có loại định như vậy, nhưng chẳng phải là thanh tịnh. Mục-liên không phạm.»

Thức không huệ xứ, vô sở huệ không xứ[32] cũng như vậy.

13. Bấy giờ, Mục-liên bảo các tỳ-kheo:

«Các Trưởng lão, phương Bắc có ao tên là A-nậu-đạt.[33] Nước trong ao thanh tịnh không có cấu uế. Trong ao có hoa phân-đà-lợi,[34] lớn như bánh xe, gốc của nó như cái trục xe. Bẻ nó, thì có một loại nước màu trắng tiết ra như sữa, vị của nó như mật.»

Các tỳ-kheo nói:

«Tôn giả tự nói phương Bắc có cái ao như vậy, đó là điều không thể có. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Phương Bắc có cái ao như Mục-liên đã nói. Mục-liên không phạm.»

14. Mục-liên bảo các tỳ-kheo:

«Phương Bắc có ao tên là A-nậu-đạt. Cách ao ấy không xa, lại có một ao tên là Man-đà-diên,[35] ngang dọc năm mươi do tuần. Nước trong ao thanh tịnh, không có cấu uế. Trong ao có bông sen sắc vàng, lớn như bánh xe.»

Các tỳ-kheo nói với Mục-liên:

«Như lời Thầy nói có cái ao như vậy, đó là điều không thể có. Bấy giờ, đại Mục-liên dùng sức thần lực đến nơi đó, hái một bông sen đem về chùa để trong phòng, mời các tỳ-kheo đến nói:

«Phương Bắc có ao tên là A-nậu-đạt, cách ao đó không xa có ao tên là Man-đà-diên, trong ao có hoa sen sắc vàng, lớn như bánh xe.»

Các tỳ-kheo nói với Mục-liên:

«Không có điều đó. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Bấy giờ, Mục-liên trở về trong phòng lấy hoa sen đem ra chỉ cho các tỳ-kheo và nói:

«Các Trưởng lão, hoa sen này là thật chăng?» Các tỳ-kheo lại nói:

«Tôn giả là A-la-hán, có sức thần thông, có thể biến hóa ra chứ chẳng phải là chơn thật. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Mục-liên nói đúng sự thật. Không phạm.»

15. Mục-liên bảo các tỳ-kheo:

«Phương bắc có ao tên là A-nậu-đạt. Nước từ trong ao ấy chảy đến đây; trào vọt ra ở đây.[36] »

Các tỳ-kheo nói với Mục-liên:

«Tôn giả nói phương Bắc có ao tên là A-nậu-đạt. Nước từ trong ao ấy chảy đến đây; trào vọt ra ở đây. Đức Thế Tôn đã dạy như vầy: “Dựa vào gốc để biết.” Nước trong ao kia trong mà mát, mà nước này nóng và bẩn đục. Sự việc này không phù hợp. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Mục-liên nói đúng vì nước này chảy qua tiểu địa ngục rồi mới tuôn ra nơi thành Vương-xá, cho nên mới nóng và bẩn. Mục-liên không phạm.»

16. Mục-liên bảo các tỳ-kheo:

«Ở chỗ xuất xứ của dòng nước này, bên dưới đó có ao nước trong mát. Nước từ đó chảy đến đây.»

Các tỳ-kheo nói với Mục-liên:

«Mục-liên nói như vậy. Nhưng Thế Tôn dạy: “Dựa vào gốc để biết.” Nước này nóng sôi; mà nước bên dưới lại trong mát. Điều này không phù hợp. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Này các tỳ-kheo, như Mục-liên nói. Chỗ xuất xứ của dòng nước sôi này, bên dưới có ao nước trong mát, không có bẩn đục. Nước từ đó chảy qua tiểu địa ngục rồi tuôn ra nơi thành Vương-xá, cho nên nóng sôi, có bẩn đục. Mục-liên không phạm.»

17. Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la, và Vua A-xà-thế nước Ma-kiệt, đánh nhau ở biên giới giữa hai nước. Vua Ba-tư-nặc phá vỡ quân của Vua A-xà-thế. Lúc ấy, Mục-liên bảo các tỳ-kheo:

«Vua Ba-tư-nặc, và Vua A-xà-thế đánh nhau ở biên giới giữa hai nước. Vua Ba-tư-nặc đã thắng.»

Sau đó, Vua A-xà-thế cất quân đánh lại. Vua A-xà-thế thắng.

Bấy giờ, thành Vương-xá công bố cho quốc nội được biết, Vua A-xà-thế phá quân của Vua Ba-tư-nặc. Các tỳ-kheo nói với Mục-liên:

«Thầy nói, Vua Ba-tư-nặc cùng Vua A-xà-thế đánh nhau, Vua Ba-tư-nặc phá quân của A-xà-thế, mà nay trong nước Ma-kiệt công bố Vua A-xà-thế phá quân của Vua Ba-tư-nặc. Mục-liên, dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Có sự việc như vậy. Vua Ba Tư Nặc phá quân Vua A-xà-thế. Vua A Xà Thế, sau đó lại cất quân phá quân của vua Ba-tư-nặc trở lại. Mục-liên thấy việc trước mà không thấy việc sau cho nên Mục-liên không phạm.»

Vua A Xà Thế cùng Tỳ-xá-ly đánh nhau cũng như vậy.

18. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Mục-liên:

«Thôi, đủ rồi, Thầy đừng nói nữa. Tại sao vậy? Các tỳ-kheo không tin lời Thầy. Đừng khiến cho các tỳ-kheo không tin mà phải mắc nhiều tội.»

Đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:

«Các ngươi nên tin tỳ-kheo A-la-hán có đại thần lực này. Chớ có nghi ngờ, không tin, để rồi phải chịu khổ lâu dài.»

19. Trong số đó có tỳ-kheo tên là Nghiêm Hảo,[37] bảo các tỳ-kheo:

«Các Trưởng lão, tôi nhớ sự việc của năm trăm kiếp.»

Các tỳ-kheo nói:

«Đức Thế Tôn chưa từng tự nói là nhớ sự việc của năm trăm kiếp, mà Thầy tự nói như vậy. Dối xưng đạt được pháp thượng nhơn, mắc tội ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Tỳ-kheo Nghiêm Hảo nhớ sự việc của một đời sống.[38] Ta còn nhớ sự việc của vô số đời sống khác nhau, cho đến việc thọ hình tướng mạo, những gì đã nói năng thảy đều nhớ hết.»

Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo Nghiêm Hảo không phạm.»

 

B. TĂNG-GIÀ-BÀ-THI-SA

I. LỘNG ÂM

1. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất chắp tay, bạch Phật:

«Bạch Đại đức! Ca-lưu-đà-di cố ý lộng âm xuất bất tịnh, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Ban đầu chưa chế giới, không phạm.»

2. Có tỳ-kheo ngủ với tâm tán loạn, trong mộng xuất bất tịnh, biết rõ. Vị kia nghĩ: «Đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo chế giới, ‘Cố ý lộng âm xuất bất tịnh, phạm Tăng-già-bà-thi-sa.’ Ta ngủ với tâm tán loạn, trong mộng xuất bất tịnh, tự nhớ biết rõ, vậy ta có phạm không?» Không biết nên thế nào, Vị ấy đem nhân duyên này thưa với các tỳ-kheo: «Lành thay, Trưởng lão! Thầy vì tôi bạch với đức Phật. Nếu đức Phật dạy thế nào thì tôi phụng hành thế ấy.»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn vì nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng và bảo các tỳ-kheo rằng:

«Ngủ với tâm tán loạn có năm điều tai hại: 1. Mộng thấy việc ác. 2. Chư thiên không hộ vệ. 3. Tâm không nhớ pháp. [986a1] 4. Không buộc tư tưởng nơi ánh sáng. 5. Trong mộng bị xuất tinh. Ngủ với tâm tán loạn có năm điều tai hại như vậy.

«Ngủ trụ tâm có năm điều công đức: 1. Không thấy ác mộng. 2. Chư thiên hộ vệ. 3. Tâm tư vui nơi pháp. 4. Buộc tư tưởng nơi ánh sáng. 5. Không xuất bất tinh. Ngủ trụ tâm có năm điều công đức như vậy.

«Trong mộng xuất bất tịnh, không phạm.»

3. Có tỳ-kheo, trong mộng hồi tưởng rồi lộng âm xuất bất tịnh. Vị kia nghi. Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

Có tỳ-kheo hồi tưởng tà vạy, xuất bất tịnh. Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nếu thấy sắc đẹp, không xúc chạm mà xuất bất tịnh thì không phạm.»

Có tỳ-kheo hồi tưởng, rồi lộng âm xuất bất tịnh, vị kia nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm tăng-già-bà-thi-sa.»

Có tỳ-kheo hồi tưởng, lộng âm mà không xuất, nghi. Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.» 

4. Có người nữ nắm phía trước tỳ-kheo. Tỳ-kheo động thân, xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm tăng-già-bà-thi-sa.»

Có người nữ nắm phía trước tỳ-kheo, không động thân mà xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm đột-kiết-la.»

Nắm sau tỳ-kheo có ba việc, cũng như vậy. 

5. Có người nữ cầm chân tỳ-kheo kính lễ. Vị ấy động thân, xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm tăng-già-bà-thi-sa. »

Có người nữ cầm chân tỳ-kheo kính lễ, không động thân, mà xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm đột-kiết-la.» 

Có người nữ kính lễ sát chân Nan-đà. Nan-đà đa dục, xuất bất tịnh, rơi trên đầu người nữ. Người nữ hổ thẹn. Nan-đà cũng xấu hỗ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép Nan-đà sắm chiếc y để ngăn thân.» 

6. Có tỳ-kheo khi đi, nam căn chạm vào niết-bàn-tăng, xuất bất tịnh. Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

Nếu khi đại tiểu tiện xuất bất tịnh, không phạm. Nếu tắm rửa trong nước lạnh, nước nóng, bị xuất bất tịnh, không phạm. 

7. Có tỳ-kheo đem nam căn để ngược nước, tưởng tượng, thân động xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm Tăng-già-bà-thi-sa.» 

Có tỳ-kheo dùng nam căn để xuôi nước, tưởng tượng, thân động xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy:

«Tăng-già-bà-thi-sa.» 

Có tỳ-kheo dùng nước rưới nam căn, tưởng tượng, động thân xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy:

«Tăng-già-bà-thi-sa.» 

Có tỳ-kheo dùng nam căn để ngược gió, tưởng tượng, động thân xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy:

«Tăng-già-bà-thi-sa.» 

Trường hợp để xuôi gió, dùng miệng thổi nam căn, tưởng tượng, động thân xuất bất tịnh, tưởng tượng không động thân, xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy:

«Tất cả các trường hợp trên đều phạm tăng-già-bà-thi-sa.» 

Có bà mẹ nắm con là tỳ-kheo. Tỳ-kheo thân không động, xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm đột-kiết-la.»

Người chị nắm tỳ-kheo, vợ cũ, người tình cũ, dâm nữ nắm tỳ-kheo cũng như vậy. 

8. Có tỳ-kheo tưởng tượng rồi vọc kẽ giữa của xương, xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.» 

Có tỳ-kheo tắm trong nhà tắm, dùng thuốc bột mịn hoặc bùn xoa chà nơi thân, xúc chạm nhầm, xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

Khi kêu lớn tiếng, hoặc khi dụng sức để làm việc, xuất bất tịnh, không phạm. 

Có tỳ-kheo tưởng tượng, vọc ở khoảng giữa đường đại tiểu tiện, xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy:

«Nếu tưởng là đạo hoặc nghi, phạm thâu-lan-giá. Nếu tưởng phi đạo mà không nghi, phạm tăng-già-bà-thi-sa.»

Cũng vậy, nơi bắp vế, eo bàn chân, eo đầu gối, bên nách, kẽ vú, nơi nách, lỗ mũi, lỗ tai, nơi mụt ghẻ, nơi kẽ giường giây, giường cây, hoặc nơi nệm lớn, nệm nhỏ, nơi gối, nơi đất, nơi bùn, nơi gạch, trong miệng bình, tất cả những trường hợp như vậy, nếu tưởng là đạo hoặc nghi, đều phạm thâu-lan-giá; nếu tưởng là phi đạo, không nghi, phạm tăng-già-bà-thi-sa. 

Tỳ-kheo vì mục đích khoái lạc, nên tưởng tượng và vọc âm, xuất bất tịnh, nghi. Đức Phật dạy:

«Tăng-già-bà-thi-sa.»

Vì mục đích khoái lạc, vì để thử nghiệm, vì phúc đức, vì thờ tự, vì thiện đạo, vì bố thí, vì lấy giống, vì vui đùa, vì sức lực, vì nhan sắc, nên thẩm định mà làm, tất cả đều phạm tăng-già-bà-thi-sa.[39]

 

II. XÚC NỮ

1. Thế Tôn ở nước Xá-vệ. Bấy giờ Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, bạch Phật rằng:

«Kính bạch Đại đức, Ca-lưu-đà-di cùng người nữ, hai thân xúc chạm nhau, phạm hay không»

Đức Phật dạy:

«Ban đầu chưa chế giới, không phạm.»

Thưa:

«Bạch Đại đức, nếu cùng đàn ông, thân xúc chạm nhau, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm đột-kiết-la.»

Thưa:

«Bạch Đại đức, nếu cùng huỳnh môn, thân xúc chạm nhau phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Thưa:

«Bạch Đại đức, nếu cùng người hai căn, thân xúc chạm nhau, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.»

Thưa:

«Bạch Đại đức, nếu cùng súc sanh không thể biến hóa, thân xúc chạm nhau, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Đột-kiết-la.»

Thưa:

«Nữ loài người, tưởng là nữ loài người, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Tăng-già-bà-thi-sa.»

Thưa:

«Nữ loài người, mà nghi, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.»

Thưa:

«Nữ loài người, tưởng nữ loài phi nhơn, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.»

Thưa:

«Nữ loài phi nhơn, tưởng là nữ loài người, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.»

Thưa:

«Nữ loài phi nhơn, nghi, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.»

Thưa:

«Bạch Đại đức, nếu khởi tưởng là người nữ, nhưng xúc chạm thân người nam, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.»

Thưa:

«Nếu khởi tưởng là người nam nhưng xúc chạm người nữ, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.»

Thưa:

«Xúc chạm thân người nữ này nhưng khởi ý tưởng là thân người nữ khác, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Tăng-già-bà-thi-sa.»

Thưa:

«Xúc chạm thân người nam này, nhưng khởi ý tưởng là thân người nam khác, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Đột-kiết-la.»

Thưa:

«Cùng thiên nữ, long nữ, a-tu-la nữ, dạ-xoa nữ, ngạ quỉ nữ, súc sanh cái có thể biến hóa, thân xúc chạm nhau, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.» 

2. Có người nữ nắm chân tỳ-kheo kính lễ. Khi cảm giác được xúc chạm, vị ấy cảm thọ lạc, động thân; sinh nghi. Đức Phật dạy:

«Tăng-già-bà-thi-sa.»

Có người nữ nắm chân tỳ-kheo kính lễ. Khi cảm giác được xúc chạm, vị ấy cảm thọ lạc, không động thân; sinh nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm đột-kiết-la.»

Có người nữ nắm chân tỳ-kheo kính lễ. Khi cảm giác được xúc chạm, vị ấy cảm thọ lạc, động ngón chân cái; sinh nghi. Đức Phật dạy:

«Tăng-già-bà-thi-sa.»

Có người nữ giỡn, nắm tỳ-kheo. Tỳ-kheo nghi. đức Phật hỏi tỳ-kheo:

«Khi biết được xúc chạm, ngươi có cảm giác thọ lạc không?»

Vị kia thưa:

«Không.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

Tỳ-kheo giỡn, nắm tay người nữ; cũng như vậy. 

3. Có tỳ-kheo nắm đuôi con trâu cái lội qua sông. Lội qua rồi mới biết là con trâu cái. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật nói:

«Không phạm. Nhưng không được nắm đuôi con trâu cái để lội qua sông.»

Có tỳ-kheo vì dục tâm nắm chéo y người nữ, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Có tỳ-kheo vì dục tâm nên nắm lấy đồ trang sức phần trên thân người nữ, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.» 

4.Có tỳ-kheo vì tâm dục sờ đốt xương cùng của người nữ rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm tăng-già-bà-thi-sa.» 

5. Có người mẹ nắm tỳ-kheo. Tỳ-kheo khi cảm giác được xúc chạm thì cảm thọ lạc, không động thân; nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm đột-kiết-la.»

Chị, vợ cũ, dâm nữ; cũng như vậy. 

6. Có tỳ-kheo vì dục[987a1] tâm nắm tóc người nữ, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm tăng-già-bà-thi-sa.» 

7. Có người đàn bà chưa chồng bị nước trôi. Tỳ-kheo thấy, khởi từ tâm liền vớt lên, rồi nghi, đức Phật hỏi tỳ-kheo:

«Khi biết được xúc chạm, ngươi có cảm giác thọ lạc không?»

Tỳ-kheo thưa:

«Không.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm.» 

Có người nữ Ma hương[40] bị nước trôi, tỳ-kheo thấy khởi từ tâm liền vớt lên, rồi nghi, đức Phật hỏi tỳ-kheo:

«Khi biết được xúc chạm, ngươi có cảm giác thọ lạc không?»

Tỳ-kheo thưa:

«Không.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm.» 

Có tỳ-kheo xúc chạm thân người nữ chết mà chưa rã, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm tăng-già-bà-thi-sa.»

Nếu xúc chạm với thân mà đa phần chưa hư hoại, cũng phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nếu xúc chạm với thân hư hoại phân nửa, phạm thâu-lan-giá. Nếu xúc chạm với thân phần nhiều bị hư hoại, hoặc tất cả đều hư hoại, đều phạm thâu-lan-giá. 

8. Có người nữ dựa vào giường. Tỳ-kheo vì dục tâm động vào giường, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.» 

Có tỳ-kheo vì dục tâm nắm tay người nữ, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm tăng-già-bà-thi-sa.» 

Có tỳ-kheo vì dục tâm nắm chân người nữ, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm Tăng-già-bà-thi-sa.» 

Có người nữ nắm tay tỳ-kheo. Tỳ-kheo khi cảm giác được xúc chạm, có cảm thọ lạc, bèn động thân, rồi nghi. Đức Phật hỏi tỳ-kheo:

«Khi biết được xúc chạm, ngươi có cảm giác thọ lạc không?»

Đáp:

«Có.»

Đức Phật dạy:

«Phạm tăng-già-bà-thi-sa.»

Người nữ nắm chân tỳ-kheo cũng như vậy. 

Có tỳ-kheo vì giỡn nắm tay người nữ, rồi nghi, đức Phật hỏi tỳ-kheo:

«Khi biết được xúc chạm, ngươi có cảm giác thọ lạc không?»

Vị kia thưa:

«Không.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

Nắm chân cũng như vậy.

Có người nữ vì giỡn, nắm tay tỳ-kheo, tỳ-kheo nghi, đức Phật hỏi tỳ-kheo:

«Khi biết được xúc chạm, ngươi có cảm giác thọ lạc không?»

Vị kia thưa:

«Không.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

Nắm chân cũng như vậy. 

Có tỳ-kheo vì dục tâm nắm chéo y người nữ kéo. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.» 

Có tỳ-kheo vì dục tâm cùng người nữ đập dũ y, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.» 

Có tỳ-kheo vì dục tâm nắm khoen tai của người nữ, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Nắm tràng hoa, nắm vòng xuyến, tất cả đều phạm thâu-lan-giá. 

9. Có tỳ-kheo đi chung với người nữ trong mưa. Bùn trơn, người nữ bị trượt chân té xuống đất. Tỳ-kheo cũng trượt chân té xuống đất, nằm lên trên người nữ, rồi nghi, đức Phật hỏi:

«Khi đụng chạm nhau, ngươi có thọ lạc không?»

Tỳ-kheo trả lời:

«Không.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

Tỳ-kheo té xuống, người nữ té chồng lên trên cũng vậy. 

Có tỳ-kheo đi chung với người nữ trong mưa. Cả hai đều trượt chân, cùng té, chạm nhau và cùng lăn, rồi tách ra. Tỳ-kheo nghi. Đức Phật hỏi:

«Khi đụng chạm nhau, ngươi có thọ lạc không?»

Vị kia thưa:

«Không.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm.» 

10. Có tỳ-kheo, tay đụng chạm vào khoảng giữa đường đại tiện và tiểu tiện của người nữ, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm tăng-già-bà-thi-sa.»

Nếu đụng chạm giữa đùi, vào háng, vào khuỷu chân, bên hông, giữa hai vú, lỗ tai, lỗ mũi, vào mụt nhọt, tất cả đều phạm tăng-già-bà-thi-sa. 

11. Có tỳ-kheo ôm sa-di nhỏ, vuốt ve, hôn; rồi nghi, đức Phật bảo:

«Ngươi làm như vậy với ý nghĩ thế nào?»

Vị kia thưa:

«Vì thương mến nó, chứ không có tâm dục.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được làm như vậy.» 

12. Có tỳ-kheo cùng tỳ-kheo-ni, hai thân xúc chạm nhau; rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm tăng-già-bà-thi-sa.»

Thức-xoa-ma-na, sa-di-ni; cũng như vậy. 

13. Có tỳ-kheo bưng nước tô-tỳ-la đi trên đường. Vợ cũ gọi, bảo cùng làm bất tịnh hạnh, rồi đưa nữ căn ra cho thấy. Vị kia liền dùng nước tô-tỳ-la rưới trên đó và nói: «Đồ thối thì cho dính đồ thối.» Tỳ-kheo nghi. đức Phật hỏi:

«Ngươi với tâm như thế nào khi làm như vậy?»

Tỳ-kheo thưa:

«Vì làm nhục tâm ý nó chứ không có dục tâm.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng không được làm như vậy.»

Bưng nước đi trên đường, cũng như vậy. 

Có dâm nữ rủ tỳ-kheo bảo làm bất tịnh hạnh. Dâm nữ khoe nữ căn cho tỳ-kheo thấy. Tỳ-kheo lấy hòn đá đập vào nữ căn của người kia, rồi nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi nghĩ thế nào khi đập như vậy?»

Vị kia thưa:

«Vì làm nhục tâm ý của nó chứ không có dục tâm»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng đánh người nữ phạm đột-kiết-la» 

14. Có người nữ dựa vào cây, tỳ-kheo vì dục tâm động cây, nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Giường giây, giường ngồi, giường xí,[41] ván, đá, bình phong, thang, tất cả đều phạm thâu-lan-giá. 

Có người nữ đi trên xe. Tỳ-kheo vì dục tâm, động xe, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Xe kéo, thuyền, cũng như vậy. 

Có người nữ nắm sau lưng tỳ-kheo. Tỳ-kheo quay lại nhìn, thấy là người nữ, có cảm thọ lạc khi biết được xúc chạm, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm tăng-già-bà-thi-sa.»

 

III. THÔ ÁC NGỮ

1. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất chấp tay, bạch Phật:

«Bạch Đại đức, Ca-lưu-đà-di nói lời thô ác với người nữ, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Ban đầu chưa chế giới, không phạm.»

Hỏi:

«Kính bạch Đại đức, nếu nói lời thô ác với người nam, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm đột-kiết-la.»

Hỏi:

«Nếu nói lời thô ác với huỳnh môn, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Hỏi:

«Nếu nói lời thô ác với người hai căn, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Hỏi:

«Nếu nói lời thô ác với súc sanh có thể biến hóa được, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm đột-kiết-la.»

Hỏi:

«Kính bạch Đại đức, nữ loài người, tưởng là nữ loài người, nói lời thô ác, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm tăng-già-bà-thi-sa.»

Hỏi:

«Nữ loài người mà nghi, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Hỏi:

«Nữ loài người tưởng nữ loài phi nhơn, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Hỏi:

«Nữ loài phi nhơn, tưởng là nữ loài người, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Thưa:

«Nữ loài phi nhơn mà nghi, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Thưa:

«Kính bạch Đại đức, tưởng là người nữ, nói lời thô ác với người nam, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Hỏi:

«Bạch Đại đức, tưởng là người nam, nói lời thô ác với người nữ, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Thưa:

«Bạch Đại đức, nếu khởi ý tưởng là người nữ này mà nói lời thô ác với người nữ kia, rồi nghi.»

Đức Phật dạy:

«Nếu nói rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nói không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.»

Ấn tín, thơ tín, ra dấu, người kia biết rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.

Hỏi:

«Bạch Đại đức, nếu khởi ý tưởng là người nam này, nói lời thô ác với người nam kia, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm đột-kiết-la.»

Hỏi:

«Bạch Đại đức, nếu cùng thiên nữ, long nữ, a-tu-la nữ, dạ xoa nữ, ngã quỷ nữ, súc sanh cái có thể biến hóa được nói lời thô ác, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Nói rõ ràng phạm thâu-lan-giá, không rõ ràng phạm đột-kiết-la.»

Ấn tín, thư tín, ra dấu người ấy biết rõ ràng phạm thâu-lan-giá; không rõ ràng, phạm đột-kiết-la. 

2. Bấy giờ, có tỳ-kheo nói thô ác đối với người nữ, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Nói rõ ràng phạm tăng-già-bà-thi-sa, không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.» Muốn nói với người này, nhưng nhầm với người kia, tất cả đều phạm Tăng-già-bà-thi-sa. 

Có dâm nữ bảo tỳ-kheo cùng làm bất tịnh hạnh. Dâm nữ khoe nữ căn cho thấy. Tỳ-kheo nói:

«Mong cho nữ căn của ngươi bị vỡ, bị thúi, bị rã, bị cháy, bị rụng mất, để cho con lừa làm chuyện như vậy như vậy.»

Tỳ-kheo nói như vậy rồi nghi, đức Phật hỏi:

«Ngươi nói như vậy với ý nghĩ thế nào?»

Tỳ-kheo thưa:

«Chỉ muốn làm nhục tâm ý nó, chứ không có tâm dục.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm. Nhưng dùng ác ngôn, phạm đột-kiết-la.» 

3. Ca-lưu-đà-di là người có tánh ưa nói tục. Phật nói:

«Tánh ưa nói tục, phạm đột-kiết-la.»

Nhóm sáu tỳ-kheo, có tánh ưa nói tục. Phật nói:

«Đột-kiết-la.» 

4. Bấy giờ, có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm khoác y, bưng bát đến nhà bạch y, nói với vợ đàn-việt rằng:

«Có thể được hay không?»

Vợ đàn-việt liền hỏi lại:

«Đại đức vừa nói gì, có thể được hay không?»

Tỳ-kheo im lặng; rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Nói không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.»

Có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm khoác y, [988a1] bưng bát đến nhà bạch y nói với vợ đàn-việt rằng:

«Cho tôi đi!»

Vợ cư sĩ liền hỏi lại:

«Đại đức nói cho cái gì?»

Tỳ-kheo im lặng, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Nói không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.»

Hoặc nói, «Sẽ cho tôi không?» Hoặc nói, «Hãy xem.» Hoặc nói, «Giống cái gì?» Nói không rõ ràng, tất cả đều phạm thâu-lan-giá. 

5. Tỳ-kheo có đàn-việt. Đàn-việt nói với vợ rằng:

«Tỳ-kheo ấy, cần gì thì cho.»

Người vợ trả lời:

«Được.»

Đàn-việt ấy liền đến chỗ tỳ-kheo nói:

«Tôi đã bảo vợ tôi, tỳ-kheo ấy cần gì thì cho. Đại đức cần gì thì cứ đến lấy.»

Tỳ-kheo nói:

«Được.»

Sau đó, tỳ-kheo khoác y, bưng bát đến nhà đàn-việt, trải chỗ ngồi an tọa. Vợ đàn-việt nói với tỳ-kheo:

«Chồng tôi bảo tôi rằng, tỳ-kheo cần gì thì cho. Nay Đại đức có cần gì thì cứ nói.»

Tỳ-kheo nói:

«Cô không thể cho hết cho tôi đâu.»[42]

Vợ đàn-việt thưa:

«Thưa Đại đức, cho hết, là cho cái gì mà không thể?»

Tỳ-kheo im lặng, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.»

Tỳ-kheo có đàn-việt. Đàn-việt bảo vợ:

«Tỳ-kheo ấy cần gì thì cứ cho.»

Đàn-việt liền đến chỗ tỳ-kheo nói:

«Con đã bảo vợ con, Đại đức cần gì thì cứ cho. Vậy Đại đức cần gì thì cứ đến lấy.»

Tỳ-kheo nói:

«Tốt.»

Sau đó, tỳ-kheo khoác y, bưng bát đến nhà đàn-việt trải chỗ ngồi an tọa. Vợ đàn-việt thưa:

«Chồng con đã bảo, tỳ-kheo ấy cần gì thì cho. Bây giờ Đại đức cần gì, thì cứ nói.»

Tỳ-kheo nói:

«Cô có thể cho hết, trừ việc ấy thì không thể cho.»

Vợ đàn-việt biết ý của tỳ-kheo liền nói:

«Cho hết được. Viêc ấy cũng cho được.»

Tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy:

«Phạm tăng-già-bà-thi-sa.»

Tỳ-kheo có đàn-việt. Đàn-việt nói với vợ: «Hết thảy cái gì tỳ-kheo ấy cần cứ cho hết.»

Đàn-việt đến chỗ tỳ-kheo thưa:

«Con đã bảo vợ con, hết thảy cái gì tỳ-kheo ấy cần cứ cho hết. Vậy Đại đức cần gì cứ đến lấy.»

Tỳ-kheo nói:

«Được.»

Sau đó, tỳ-kheo khoác y, bưng bát đến nhà kia, trải chỗ ngồi an tọa. Vợ đàn-việt thưa:

«Chồng con đã dặn: Hết thảy cái gì tỳ-kheo ấy cần cứ cho hết. Giờ Đại đức cần gì thì cứ nói.»

Tỳ-kheo nói:

«Cô không nên cho hết.»

Vợ đàn-việt hỏi:

«Đại đức, cái gì mà nói là không nên cho hết?»

Tỳ-kheo im lặng, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.»

(Vế kế tiếp hoàn toàn đồng với vế này, thay bằng câu nói: Cô hết thảy nên cho, trừ việc này không được cho. Cô kia nói: Việc này cũng có thể cho, tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy: tăng-già-bà-thi-sa).[43]

Có tỳ-kheo khất thực sáng sớm khoác y, bưng bát đến nhà bạch y, nam căn khởi, nói với vợ đàn-việt rằng:

«Nảy nở.»[44]

Vị kia hỏi:

«Đại đức, nảy nở cái gì?»

Tỳ-kheo im lặng, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.»

6. Tỳ-kheo có thức-xoa-ma-na là đàn-việt. Cô thường phạm giới, đối trước tỳ-kheo sám hối. Tỳ-kheo nói:

«Ngươi không hổ thẹn, phạm bất tịnh hạnh.»

Tỳ-kheo nghi. Đức Phật hỏi:

«Ngươi nói với tâm ý thế nào?»

Vị kia thưa:

«Vì giáo thọ chứ không có dục tâm.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

7. Tỳ-kheo có đồng nữ là đàn-việt, thường phạm giới, nói cho tỳ-kheo biết. Tỳ-kheo nói:

«Ngươi không hổ thẹn, phạm người trì giới.»

Tỳ-kheo nghi. Phật hỏi:

«Ngươi nói với tâm ý thế nào?»

Vị kia thưa:

«Vì giáo thọ, chứ không có dục tâm.»

Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

8. Có tỳ-kheo sáng sớm khoác y, bưng bát đến nhà bạch y. Nơi đây, có người nữ đang quậy sữa,[45] để hớ hênh. Tỳ-kheo thấy rồi nói:

«Cô quậy sữa?»

Cô gái hỏi lại:

«Thưa Đại đức, đúng vậy, tôi đang quậy sữa.»

Tỳ-kheo im lặng, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.»

Có tỳ-kheo khất thực, sáng sớm khoác y, bưng bát đến nhà bạch y, bấy giờ, có người đàn bà quàng áo đỏ, để lộ hình. Tỳ-kheo thấy, bèn nói:

«Cô quàng áo đỏ?»[46]

Cô ấy trả lời:

«Thưa Đại đức, tôi quàng đỏ.»

Tỳ-kheo im lặng, rồi nghi. Phật:

«Phạm thâu-lan-giá.»

9. Thế Tôn ở tại Ba-la-nại. Có dâm nữ là đàn-việt của tỳ-kheo, nói với tỳ-kheo:

«Thưa Đại đức, nếu cần chuyện ấy, cứ nói.»

Tỳ-kheo im lặng. Dâm nữ nói:

«Thưa Đại đức, bây giờ Đại đức cần cái gì? Sao im lặng?»

Vị kia nghi. Đức Phật dạy:

«Không phạm.» 

10. Thế Tôn ở nước Xá-vệ. Có người nữ ngoại đạo,[47] tướng mạo xinh đẹp. Tỳ-kheo thấy phải lòng người ấy.

Thời gian sau, người nữ này đang đi cách Kỳ-hoàn không xa. Tỳ-kheo nói:

«Cô làm nhiều.»[48]

Người nữ nói:

«Thật vậy, làm nhiều.»[49]

Tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy:

«Tăng-già-bà-thi-sa.»[50]

 

IV. SÁCH CÚNG DƯỜNG 

1. Thế Tôn ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, bạch đức Thế Tôn:

«Kính bạch Đại đức, Ca-lưu-đà-di đối trước người nữ, tự khen ngợi thân mình, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Ban đầu chưa chế giới, không phạm.»

Hỏi:

«Bạch Đại đức, nếu đối trước đàn ông, tự khen ngợi thân mình; phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm đột-kiết-la.»

Hỏi:

«Bạch Đại đức, đối trước huỳnh môn, tự khen ngợi thân mình, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Hỏi:

«Bạch Đại đức, đối trước người hai căn, tự khen thân mình, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Hỏi:

«Nếu đối với súc sanh không thể biến hóa, tự khen thân mình, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm đột-kiết-la.»

Thưa:

«Nữ loài người tưởng là nữ loài người, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm tăng-già-bà-thi-sa.»

Thưa:

«Nữ loài người mà nghi, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Thưa:

«Nữ loài người tưởng nữ phi nhơn, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Thưa:

«Nữ phi nhơn tưởng nữ loài người phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.»

Thưa:

«Nữ phi nhơn, nghi, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.»

Thưa:

«Bạch Đại đức, nếu khởi ý tưởng là nữ, nhưng đối trước người nam, tự khen ngợi thân mình, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm thâu-lan-giá.»

Thưa:

«Bạch Đại đức, nếu khởi ý tưởng người nữ này, nhưng đối trước người nữ kia, tự khen ngợi thân mình, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Nói rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nói không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.»

Ấn tín, thư tín, hiện tướng rõ ràng thì phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng phạm thâu-lan-giá.

Hỏi:

«Bạch Đại đức, nếu đối trước người nam này, khởi ý tưởng là người nam kia, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm đột-kiết-la.»

Thưa:

«Bạch Đại đức, nếu đối trước thiên nữ, long nữ, a-tu-la-nữ, dạ-xoa nữ, ngã quỉ nữ, súc sanh cái có thể biến hóa, tự khen ngợi thân mình, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Nói rõ ràng, phạm thâu-lan-giá, không rõ ràng thì phạm đột-kiết-la.»

Ấn tín, thư tín, hiện tướng khiến cho biết rõ ràng phạm thâu-lan-giá, không rõ ràng, đột-kiết-la.

2. Tỳ-kheo có đàn-việt. Đàn-việt nói với vợ:

«Nếu tỳ-kheo ấy nói cần thứ gì, thì tùy theo đó, mình nên cúng dường.» Người vợ nói:

«Được.»

Nói với vợ xong, đàn-việt đến chỗ tỳ-kheo nói:

«Con đã bảo vợ con, tỳ-kheo ấy nếu cần thứ gì thì tùy theo yêu cầu, mình nên cúng dường. Đại đức cần chi thì cứ đến lấy.»

Tỳ-kheo nói: «Được.»

Sau đó, vào buổi sáng, tỳ-kheo khoác y, bưng bát, đến nhà kia, an tọa nơi chỗ ngồi. Vợ đàn-việt nói:

«Chồng của con đã bảo con, tỳ-kheo [989a1] cần chi thì tùy theo yêu cầu, con nên cúng dường. Vậy nay Đại đức cần gì cứ nói.»

Tỳ-kheo nói:

«Cô không thể cúng dường tất cả đâu.»[51]

Vợ đàn-việt hỏi:

«Đại đức, không thể cúng dường tất cả, là sao?»

Tỳ-kheo im lặng, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.»

(Trong đây bốn vế, đồng với bốn vế trong giới nói lời thô ác. Kia nói thô ác, đây nói cúng dường chỉ khác nhau như thế. Cho nên ở đây chỉ nói một vế chứ không nói hết, vì sợ phiền vậy).[52]

Bấy giờ, có tỳ-kheo đến nhà người nữ kia là đàn-việt, nói:

«Chị, sự việc này là đệ nhất tối thượng, với thân từ, khẩu từ, ý từ mà cúng dường tỳ-kheo trì giới thực hành thiện pháp.»

Vị kia nghi. Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

 

V. MÔI GIỚI

1. Thế Tôn ở thành Xá-vệ. Bấy giờ, Ưu-Ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật:

«Bạch Đại đức, tỳ-kheo Ca-la làm mai mối, đến người nam khen người nữ, đến người nữ khen người nam, để làm thành việc vợ chồng, hoặc làm thành việc tư thông, phạm hay không»

Đức Phật dạy:

«Ban đầu chưa chế giới, không phạm.»

Thưa:

«Nhận lời bên này đến nói bên kia, đem lời bên kia trở về nói bên này, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Tăng-già-bà-thi-sa.»

Thưa:

«Nếu nhận lời bên này đến nói bên kia; nhưng không đem lời bên kia trở lại nói bên này, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Thâu-lan-giá.»

Nếu nghe rồi đến bên kia nói, không đem trở lại nói bên này, phạm thâu-lan-giá.

Nếu không nhận lời, nhưng đến bên kia nói, đem lời bên kia trở lại, thâu-lan-giá.

Nếu nhận lời, không đến bên kia nói, không đem lời bên kia trở về, đột-kiết-la.

Nếu nghe, không đến bên kia nói, không đem lời bên kia trở về, đột-kiết-la.

Nếu không nhận lời, đến bên kia nói, không đem lời bên kia trở về, đột-kiết-la.

2. Tỳ-kheo có nhà đàn-việt. Vợ đàn-việt qua đời chưa bao lâu, tỳ-kheo đến thăm. Đàn-việt có hai đứa con. Tỳ-kheo nói:

«Sao ông không lấy người vợ khác?»

Đàn-việt nói:

«Sợ hai con phải bị khổ. Nếu được cô đồng nữ kia đồng ý thì tôi sẽ lấy.»

Tỳ-kheo liền đến chỗ cô gái nói:

«Tôi nghe cư sĩ kia nói, nếu được cô gái kia đồng ý, thì sẽ lấy làm vợ.»

Đồng nữ nói:

«Ông ấy chịu tôi làm vợ, tôi cũng chịu ông ấy làm chồng.»

Tỳ-kheo liền trở lại chỗ đàn-việt nói:

«Tôi nghe người nữ kia nói, ông ấy cần tôi làm vợ thì tôi cũng cần ông ấy làm chồng.»

Tỳ-kheo không đem lời ấy nói trở lại, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Nếu nghe mà đến người kia nói, không đem lời bên kia trở lại, phạm thâu-lan-giá.»

Người nữ Ma hương[53] cũng như vậy. 

3. Có cư sĩ đến trong Tăng-già-lam nói với các tỳ-kheo rằng:

«Đại đức vì tôi nói giùm.»

Các tỳ-kheo hỏi:

«Cư sĩ muốn nói gì?»

Cư sĩ nói:

«Nói với cư sĩ ấy giùm tôi, gả con gái làm vợ tôi.»

Tỳ-kheo nói với cư sĩ:

«Sẽ nói giùm cho ông.»

Các tỳ-kheo liền sai một tỳ-kheo bằng pháp bạch nhị yết-ma, khiến đến chỗ cư sĩ kia nói với cư sĩ:

«Tôi truyền đạt lời chúng Tăng muốn nói với ông.»

Người kia nói:

«Thưa Đại đức, Tăng cần dạy tôi điều gì?»

Tỳ-kheo nói:

«Chúng Tăng nói, ông nên gả con gái của ông làm vợ cư sĩ kia.»

Người kia nói:

«Thưa Đại đức, tôi xin vâng lời Tăng dạy.»

Tỳ-kheo kia trở về trong Tăng-già-lam bạch Tăng. Tăng liền báo cho cư sĩ kia biết. Tỳ-kheo nghi, đức Phât dạy:

«Tất cả phạm tăng-già-bà-thi-sa.» 

Có đàn-việt đến trong Tăng-già-lam nói với các tỳ-kheo:

«Đại đức Tăng nói giùm tôi.»

Tỳ-kheo hỏi cư sĩ:

«Muốn nói điều gì?»

Đàn-việt nói:

«Nói với cư sĩ kia cho con gái của ông làm vợ tôi.»

Tỳ-kheo nói:

«Tôi sẽ nói giùm cho.»

Các tỳ-kheo liền sai một tỳ-kheo bằng pháp bạch nhị yết-ma, khiến đến cư sĩ kia nói:

«Này cư sĩ, tôi chuyển lời của chúng Tăng đến ông.»

Cư sĩ kia nói:

«Đại đức Tăng cần dạy tôi điều gì?»

tỳ-kheo nói:

«Chúng Tăng nói ông cho con gái của ông làm vợ cư sĩ kia.»

Người kia nói:

«Thưa Đại đức, tôi sẽ vâng lời dạy của Tăng.»

Tỳ-kheo sứ giả kia nghĩ: Nay ta, nếu trở về bạch chúng Tăng thì ân ấy không thuộc về ta. Tỳ-kheo ấy liền tự đến báo với cư sĩ kia, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Chúng Tăng phạm thâu-lan-giá. Tỳ-kheo sứ giả phạm tăng-già-bà-thi-sa.» 

Có đàn-việt đến chỗ tỳ-kheo thường cúng dường nói:

«Thầy nói với cư sĩ ấy giùm tôi, cho con gái ông làm vợ tôi.»

Tỳ-kheo nói với cư sĩ:

«Tôi sẽ nói cho ông.»

Tỳ-kheo liền đến chỗ cư sĩ kia nói:

«Ông nên cho con gái ông làm vợ cư sĩ kia.»

Cư sĩ kia nói:

«Con gái của tôi đã hứa cho người khác rồi.»

Hoặc nói người khác đã chuẩn bị dẫn đi, hoặc nói chết, hoặc nói giặc cướp đi, hoặc nói không. Tỳ-kheo trở lại chỗ cư sĩ nói như vậy, tất cả đều phạm thâu-lan-giá. 

Có đàn-việt nói với tỳ-kheo thường cúng dường rằng:

«Thầy đến nói với cư sĩ kia giùm tôi, hãy cho con gái của cư sĩ ấy, làm vợ tôi.»

Tỳ-kheo nói:

«Tôi sẽ nói cho ông.»

Tỳ-kheo liền đến chỗ cư sĩ kia nói:

«Ông nên cho con gái làm vợ cư sĩ kia.»

Cư sĩ nói:

«Con gái của tôi bị bịnh hủi.»

Hoặc nói bệnh ung thư, hoặc nói bệnh hủi trắng, hoặc nói bệnh can tiêu,[54] hoặc nói bị cuồng, hoặc nói bị bệnh trỉ, hoặc nói bị bệnh ra máu, hoặc nói bị bệnh thường nóng dưới chân. Tỳ-kheo trở lại chỗ cư sĩ nói như vậy, rồi nghi, đức Phât dạy:

«Tất cả đều phạm tăng-già-bà-thi-sa.» 

4. Có cư sĩ cãi nhau với vợ, đuổi vợ đi. Vợ đến chỗ tỳ-kheo thường cúng dường nói:

«Thưa Đại đức, chồng tôi với tôi cãi nhau, rồi đuổi tôi đi. Nay tôi muốn sám hối.»

Tỳ-kheo liền vì sự hòa hợp, khiến cho người vợ sám hối; rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Vì sự sám hối nên không phạm.» 

Có người vợ cãi nhau với chồng rồi bỏ đi, đến chỗ tỳ-kheo thường cúng dường nói:

«Tôi cãi nhau với chồng rồi bỏ đi, nay muốn sám hối.»

Tỳ-kheo liền vì sự hòa hợp đến khiến sám hối, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Vì sự sám hối nên không phạm.» 

Có người vợ cãi lộn với chồng, nói:

«Nếu ông không cần tôi làm vợ thì cứ nói không cần.»

Người chồng nói: «Tôi không cần bà làm vợ.» Rồi đuổi vợ đi.

Người vợ đến chỗ tỳ-kheo thường cúng dường nói:

«Tôi cãi nhau với chồng. Tôi nói với chồng tôi rằng: Nếu không cần tôi làm vợ thì cứ nói không cần, người chồng nói không cần và đuổi tôi đi. Nay tôi muốn sám hối.»

Tỳ-kheo liền vì sự hòa hợp, khiến sám hối, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Vì sự sám hối nên không phạm.» 

Có cư sĩ lấy dâm nữ làm vợ. Người khách trước thường lui tới cô, nay gặp lại, nói:

«Tôi muốn cùng cô làm việc như vậy như vậy. Nhưng những người khác nói bây giờ cô không làm như vậy nữa, mà làm vợ của cư sỹ kia rồi.»

Người đó cưỡng bức hành dâm. Người chồng biết liền đuổi đi. Cô đến chỗ tỳ-kheo thường cúng dường nói:

«Thưa Đại đức, tôi là vợ của cư sĩ kia xưa nay chưa từng phạm đến người đàn ông nào khác. Chỉ có gã giặc cướp này cưỡng bức phạm đến tôi. Nay tôi muốn sám hối chồng tôi.»

Tỳ-kheo liền vì sự hòa hợp, khiến sám hối, rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Không phạm.» 

5. Có cư sĩ cung cấp mọi nhu cầu cho một dâm nữ, rồi đến vị tỳ-kheo thường cúng dường, nói:

«Nói với dâm nữ ấy giùm tôi, đợi tôi tại chỗ đó.»

Tỳ-kheo nhận lời rồi đến chỗ dâm nữ nói:

«Cư sĩ kia nói với cô, chờ ông ta tại chỗ đó.»

Tỳ-kheo nói rồi nghi. Đức Phật dạy:

«Trước vì hòa hợp, không phạm. Ở đây, như làm sứ giả cho bạch y, phạm đột-kiết-la.» 

6. Có cư sĩ giám hộ [990a1] cô gái kia, rồi không rước về làm vợ, cũng không cho người khác cưới. Cô kia nói với tỳ-kheo thường cúng dường rằng:

«Thưa Đại đức, vì tôi nói với cư sĩ kia rằng, Cha mẹ tôi muốn đoạt[55] tôi lại để gả cho người khác. Nếu ông ấy không rước tôi thì buông tôi ra[56].» Tỳ-kheo nhận lời, đến chỗ cư sĩ nói:

«Cô gái kia nói, cha mẹ tôi muốn đoạt cô lại để gả cho người khác. Ông nên rước cô ấy về, bằng không buông cô ta ra.»

Tỳ-kheo nghi. Đức Phật dạy:

«(Hai bên) đã có lời giao ước trước rồi,[57] thì không phạm. Nhưng nếu làm sứ giả cho bạch y, mắc tội đột-kiết-la.» 

Có cư sĩ giám hộ cô gái, rồi không rước về làm vợ, cũng không cho người khác cưới. Cha mẹ của đồng nữ nói:

«Không biết nhờ ai nói với cư sĩ kia, hãy rước con gái nầy đi, hoặc để cho người khác cưới.»

Tỳ-kheo mà gia đình kia thường cúng dường đang mắc bệnh cuồng, liền nói:

«Tôi sẽ làm điều đó cho.»

Tỳ-kheo liền đến chỗ cư sĩ kia, nắm đầu cư sĩ nói:

«Ông phải rước cô gai kia về; bằng không, phải buông người ta ra.»

Sau đó, tỳ-kheo hết cuồng, nghi. Đức Phật dạy:

«Điên cuồng tâm loạn, thống não bức bách, tất cả đều không phạm.»

 

VI. VÔ CĂN BA-LA-DI[58]

1. Thế Tôn ở tại thành Vương xá. Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật:

«Bạch Đại đức, Đạp-bà-ma-la Tử thanh tịnh mà tỳ-kheo Từ Địa dùng vô căn hủy báng, như vậy phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Ban đầu chưa chế giới, không phạm.»

Thưa:

«Bạch Đại đức, nếu dùng vô căn pháp hủy báng tỳ-kheo thanh tịnh, phạm hay không?»

Đức Phật dạy:

«Phạm tăng-già-bà-thi-sa.» 

2. Có tỳ-kheo cùng người nữ ngồi dưới gốc cây. Tỳ-kheo khác nói:

«Thầy phạm dâm với người nữ.»

Vị kia trả lời:

«Tôi không phạm. Tôi chỉ cùng ngồi dưới gốc cây thôi.»

Vị hủy báng kia nghi. Đức Phật dạy:

«Vì lời nói chân thật, chứ không cố ý hủy báng thì không phạm.» 

3. Có tỳ-kheo về nhà cọng thông cùng vợ cũ. Có tỳ-kheo nọ tướng mạo giống như với tỳ-kheo này, nên các tỳ-kheo khác nói với tỳ-kheo giống rằng:

«Ngươi phạm vợ cũ.»

Vị đó nói:

«Tôi không phạm, vị kia phạm. Tỳ-kheo kia giống tôi.»

Vị ấy nghi. Đức Phật dạy:

«Vì lời nói thật, chứ không vì hủy báng, không phạm.» 

4. Có dâm nữ là đàn-việt của tỳ-kheo nọ. Tỳ-kheo khác nói:

«Ngươi phạm dâm nữ.»

Vị kia nói:

«Người ấy là đàn-việt của tôi. Tôi không phạm dâm với người ấy.»

Vị hủy báng nghi. Đức Phật dạy:

«Vì thật ngữ, chứ không vì hủy báng thì không phạm.»

Nếu đối với vợ, đồng nữ, huỳnh môn, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di-ni cũng như vậy.

5. Có tỳ-kheo ôm sa-di nhỏ, vuốt ve và hôn. Tỳ-kheo khác nói:

«Ngươi phạm với sa-di.»

Vị kia nói:

«Tôi không phạm. Chỉ vuốt ve và hôn thôi.»

Vị kia nghi, đức Phật nói:

«Vì thật ngữ chứ không vì hủy báng, không phạm.» 

6. Có tỳ-kheo lấy giây lưng của tỳ-kheo khác. Vị kia nói:

«Ngươi lấy trộm giây lưng của tôi.»

Vị kia nói:

«Tôi không lấy trộm, tôi lấy với ý thân tình.»

Vị kia nghi. Đức Phật dạy:

«Vì thật ngữ chứ không vì hủy báng nên không phạm.» 

7. Có tỳ-kheo dùng vô căn tăng-già-bà-thi-sa hủy báng người khác, rồi nghi, đức Phật dạy:

«Phạm ba-dật-đề.»

 


[1] Xem Phần I Chương I, ba-la-di 1, cht. 25; q. 1 tr. 20.

[2] Bà-xà Tử 婆闍子. Trên kia dịch là Bạt-xà Tử. Xem Phần I. Chưong I, ba-la-di 1, cht. 33; q.1 tr.26

[3] Chỉ sinh dục đạo.

[4] Xem Phần iii, ch. i Thọ giới, dữ học giới. Ngũ phần 34 (T22n1428 tr.809a14)

[5] Trên kia gọi là doanh sự tỳ-kheo. Xem cht. 37, Phần ii, ch. ii, tr. 166.

[6] Trên kia gọi là bình đáng nhân. Xem cht. 34; Phần iv, Ch. ii, tr. 130.

[7] Để bản: «Ngươi sa-di-ni...» Các bản Tống-Nguyên-Minh lược bỏ. Đây kể luôn cả tỳ-kheo vv.

[8] Uỷ-châu-lăng-già trùng 慰周陵伽虫. Pali. Vin.iii. 58: uccāliga, «sâu gặm.»

[9] Bà-lâu-việt-xa 婆樓越奢. Pali: Bharukaccha (?), Vin.iii. 39.

[10] Độc tọa sáp đắng 獨座榻蹬.

[11] Giá trị của phần điền thổ thêm hay bớt sau khi dời cột mốc. Không phải giá trị bản thân cột mốc.

[12] Cf. Pali, Vin. iii. 66: Người giữ vườn (cho người khác) mang trái cây cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo không dám nhận, vì không phải của người mang cho.

[13] Năm cách tác tịnh đối với trái cây. Xem cht. 107. Phần iii, Ch. viii «Thuốc».

[14] Khuya, cho đến trước khi mặt trời mọc, được gọi là cuối đêm.

[15] Hết quyển 55.

[16] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 40.

[17] Tất-lăng-già-bà-ta 畢陵伽婆蹉. Pali, Pilindavaccha. Truyện kể, Vin.iii. 67.

[18] Pali, ibid., Phật nói: «Không phạm, đối với ai hiện thần thông khi cần hiện thần thông.» (anāpatti bhikkhave iddhipadamassa iddhavisaye).

[19] Cao Thắng 高勝. Ngũ phần 28: A-thù. Thập tụng 58: Trực Tín, đệ tử cộng hành của A-nan. Pali, Vin.iii. 66: Ajju.

[20] Pali, ibid., «cho đứa nào có tín tâm.»

[21] Ngũ phần 28, Tăng chia thành hai bộ, tán trợ A-thù (Cao Thắng) và A-nan; sáu năm không bố-tát. Do đó, La-hầu-la phải can thiệp, vận động các bà họ Thích yêu cầu A-nan hoà hiệp với A-thù.

[22] Pali, ibid., do chính Upāli can thiệp.

[23] Cấp tháo dược 急躁藥; không hiểu thuốc gì.

[24] Tỳ-kheo, ba-dật-để 78.

[25] Tô-tỳ-la tương 蘇毘羅漿. Pali: suvīraka, cháo chua. Cf.Vin. iii. 86: cho uống takka, sữa bò tinh luyện, sữa bơ. Tham chiếu Thập tụng 58 (T23n1435 tr.436a23): có phạm chí bịnh ghẻ ngứa, xin thuốc nước tô-tỳ-la 蘇毘羅漿. Người ấy uống và chết.

[26] Hạ nghiệp 下業; nghề nghiệp thấp hèn, thường chỉ nghề giết chó của Chiên-đà-la. Skt. nīca-karma.

[27] Đoạn trong ngoặc, có trong Tống-Nguyên-Minh, nhưng không có trong bản Cao-ly.

[28] Bốn thứ gió: trụ phong 住風, trì phong 持風, bất diệt phong 不滅風, lao hệ phong 牢繫風 . Xem Trường A-hàm 20 (T01n01 tr.130a25): trụ phong 住, trì phong 持, bất động phong 不動, kiên cố phong 堅固.

[29] Đây chỉ không vô biên xứ định. Định thuộc thế gian, hữu lậu. Cf. Vin.iii. 108: Nghe đàn voi đang qua sông khi nhập bất động tam muội (āneñjaṃ samādhiṃ).

[30] Y-la-bà-ni tượng vương 伊羅婆尼象王. Pali: erāvaṇa (Skt. airāvaṇa), con voi sáu ngà của Thiên đế Thích. Xem, Trường A-hàm 20 (T01n01 tr.132a19): Y-bát-la Long vương 伊羅缽龍王.

[31] Nan-đà trì 難陀池. Pali: Nandapokkharaṇī, ao sen trong vườn Nanda trên trời Đao-lợi (Tāvatiṃsa). Xem Trường A-hàm 20 (T01n01 tr.132a11): Đại hỷ trì 大喜池.

[32] Tức thức vô biên xứ định, và vô sở hữu xứ định.

[33] A-nậu-đạt 阿耨達. Pali: Anotatta, xem cht. trên.

[34] Phân-đà-lợi 分陀利. Pali: puṇḍarīka, hoa sen trắng.

[35] Mạn-đà-diên 曼陀延. Pali: Mandākinī, một trong bảy hồ lớn trên Himālaya. Cf. A.iv. 101.

[36] A-nậu-đạt được coi là phát nguyên của bốn sông lớn: Hằng hà, Tín độ, Đồ-đa, Phược-xo. Xem Câu-xá 11.

[37] Nghiêm Hảo 嚴好. Vin. iii. 109: Sobhita. Được Phật công nhận là có thể nhớ nhiều tiền kiếp (pubbenīvāsānussata).

[38] Chỉ nhớ được đời sống của một người (trải qua nhiều kiếp). Cf. ibid., sā ca kho ekāyeva jāti.

[39] Hết quyển 56.

[40] Ma hương nữ nhân 磨香女人. Có lẽ phiên âm từ một dạng hỗn chủng giữa vañjihā (Pali) và vandhyā (Skt.): thạch nữ, người đàn bà không sinh đẻ.

[41] Xí sàng 企床; không hiểu loại giường gì.

[42] Đoạn này được kể lại trong điều 4 «Sách cúng dương» ở sau.

[43] Trong ngoặc, phụ chú trong bản Hán.

[44] Hán: tăng ích 增益. Có lẽ Pali: vuddhi, hay Skt. vṛddhi, sự phát triển, sự khuếch đại, mà Hán thường dịch là tăng ích hay tăng trưởng.

[45] Hán: tiêu tô 消酥. Skt. dadhiṃ mathati, quậy hay trộn sữa đông làm thức uống.

40 Vin.iii. 130, lohitaṃ kho te, bhagini, «Này chị, cái của chị đỏ.»

[47] Ngoại đạo nữ nhân 外道女人; Pali (Vin. iii. 131): paribbajikā, nữ xuất gia (ngoại đạo), nữ du sỹ.

[48] Đa tác 多作. Từ này tương đương với nhiều từ Pali. Hoặc bahukata, được làm nhiều, hay tu tập nhiều. Hoặc bahukicca, công việc nhiều, bận rộn… Cf. Vin.iii. 131, kacci bhagini maggo saṃsīdati, Nghĩa thông thường: «Này chị, con đường tận cùng rồi.» Nhưng tỳ-kheo nói ngụ ý. Sớ giải: maggo... aṅgajātamaggaṃ sandhāyāha, đạo, nói ngụ ý sinh dục đạo. Do đó, saṃsīdati cũng ngụ ý «thụng xuống».

[49] Pali, dẫn trên, āma bhikkhu paṭipajjissati, vâng, tỳ-kheo, ông sẽ đi theo. Cô này không hiểu ngụ ý, nên đáp thực tình.

[50] Theo kết luận này thì cô kia hiểu ngụ ý dâm dục của tỳ-kheo. Nhưng, Pali, ibid., āptti thullaccayassa, phạm thâu-lan-giá, vì người nghe không hiểu ngụ ý.

[51] Đoạn này cũng được kê trong điều ba trên.

[52] Đoạn trong ngoặc, phụ chú của bản Hán.

[53] Ma hương nữ nhân, xem cht. 35 trên.

[54] Xem cht. 22, Phần i, Ch.iv Ni-tát-kỳ 2.

[55] Theo phong tục, đã trao tín vật hứa hôn, cô gái không thuộc quyền cha mẹ, mà thuộc quyên giám hộ của người đã trao tín vật. Vì vậy, nói là đoạt, tức cha mẹ cướp con gái lại. Xem Pháp uẩn 1 (tr. 456), quyền giám hộ, và quyền cướp đoạt đối với người nữ.

[56] Trả quyền giám hộ lại cho cha mẹ cô.

[57] Vì cô gái đã hứa hôn rồi.

[58] Các điều 6 & 7. được lướt qua.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn