I. Phạm Tội Và Sám Hối

19 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 10240)

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
LUẬT HỌC TINH YẾU

Hoà Thượng Thích Phước Sơn
Nhà xuất bản Phương Đông 2006 – PL 2550

Chương 3
THỂ THỨC SÁM HỐI VÀ TRỪNG PHẠT

I. PHẠM TỘI VÀ SÁM HỐI

1. Khái quát về ngũ thiên thất tụ

Trong 250 giới điều của Tỳ-kheo bao gồm có 8 cột, 5 thiên, 7 tụ và 6 loại quả báo, liệt kê như đồ biểu dưới đây:

  8 cột  5 thiên 7 tụ 6 quả

 4. Ba-la-di Ba-la-di Ba-la-di Diễm nhiệt địa ngục

 13. Tăng tàn Tăng tàn Tăng tàn Đại khiếu địa ngục

 2. Bất định Thâu-lan-giá Khiếu hoán địa ngục

 30. Xả đọa Ba-dật đề Ba-dật đề Chúng hợp địa ngục

 90. Đơn đọa

 4. Hối quá Đề-xá-ni Đề-xá-ni Hắc thằng địa ngục

 100. Chúng học Ác tác

 Đột-cát-la Đẳng hoạt địa ngục 

 7. Diệt tránh Ác thuyết 

Trên đây toàn là những danh từ chuyên môn vừa được dịch âm, vừa được dịch nghĩa, nên cần phải giải thích như sau:

(1). Ba-la-di, tiếng Phạn là Pàràjika, còn được dịch âm là Ba-la-thị-ca, nghĩa là tội khí (bỏ ra ngoài Phật pháp), tội đoạn đầu (như người bị chặt đầu, không thể dùng thuốc cứu chữa được nữa).

(2). Tăng-già-bà-thi-sa, tiếng Phạn là Samghà-vasesa (Sangha-disesa) dịch là Tăng tàn, nghĩa là kẻ bị trọng thương đối với Tịnh pháp của Tăng già nhưng vẫn còn có thể dùng phương pháp sám hối để cứa chữa được.

(3). Bất định (Aniyata), loại này không phải phạm một tội danh nào nhất định, có thể phạm Ba-la-di, Tăng tàn hoặc Ba-dật-đề, nên gọi là Bất định.

(4). Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề, tiếng Phạn là Nissaggiya Pàyattika (Nissaggiya Pàycittiya) đây là một tiếng Phạn hỗn hợp. Ni-tát-kỳ nghĩa là xả bỏ tất cả; Ba-dật-đề nghĩa là đọa. Hợp cả 2 gọi là Xả đọa. Tội này là do cất giữ những vật dụng mà mình không được phép cất giữ. Trước hết phải đem những vật ấy ra giữa Tăng thí xả, sau đó mới sám hối tội Ba-dật-đề.

(5). Ba-dật-đề, tiếng Phạn là Pàyattika (P: Pàcittiya) còn được dịch là Ba-dật-để-ca, Ba-dạ-đề, nghĩa là tội phải đọa địa ngục. Vì phạm tội này không có vật để xả bỏ, nên thông thường gọi là Đơn đọa.

(6). Ba-la-đề-đề-xá-ni, tiếng Phạn là Pràti-desaniya (P. Patidesaniya), còn được dịch là Ba-la-xá-ni hay gọi tắt là Đề-xá-ni, ý nghĩa của nó là hướng về một người khác sám hối, nên gọi là Hướng bỉ hối.

(7). Thi-sa-ca-la-ni, tiếng Phạn là Siksà-kàrani (Sekkhiyavatta), còn được dịch là Thức-xoa-ca-la-ni có nghĩa là môn học, nên thông thường gọi là Ưng đương học hay Chúng học pháp.

(8). Diệt tránh (P. Adhikarana Samattha). Trong Tăng đoàn, khi có sự tranh chấp về một vấn đề gì đến nỗi phát sinh những ý kiến bất đồng, chia làm 2 phe đối lập nhau, thì phải dùng đến pháp Diệt tránh để giải quyết. Nghĩa là dùng pháp Yết-ma, lấy ý kiến của đa số làm ý kiến chung quyết.

(9)Thâu-lan-giá, tiếng Phạn Sthùlàtyaya (Thullaccaya) dịch là Đại chướng thiện đạo, đại tội, thô ác, thô quá v.v…, hoặc gọi là phạm tội nặng, ô trược. Chủ yếu là do phạm tội Ba-la-di hoặc Tăng tàn mà chưa hoàn toàn đầy đủ. Nó gồm 2 loại: Nếu từ một tội khác mà phát sinh thì gọi là Tùng sinh Thâu-lan-giá, nếu nó phát sinh một cách độc lập thì gọi là Độc đầu Thâu-lan-giá.

(10). Đột-cát-la, tiếng Phạn là Duskrta (Dukkata), còn được dịch là Đột-sắt-cơ-lý-đa, Đột-tất-các-lật-đa, độc-kha-đa v.v... Ở đây gồm có 2 loại tội danh là ác tác, thuộc thân nghiệp và ác thuyết, thuộc khẩu nghiệp. Tội này là do những sơ xuất, những lỗi nhỏ thuộc cử chỉ, ngôn ngữ, phạm vi của nó rất rộng, nên trong giới bản gọi là Chúng học giới.

Đối với 4 tội Ba-la-di, sự sám hối không giải quyết được gì, vì các tội này thuộc về tánh tội. Sám hối chỉ trừ được già tội, còn tánh tội thì phải chịu quả báo.

Trong các giới của Tỳ-kheo, có nhiều giới tánh tội và già tội giống nhau, cũng có một số giới chỉ có già tội. Có tánh tội tức có già tội, nhưng có già tội chưa chắc đã có tánh tội. Có một số giới gồm cả 2 tội, có một số giới chỉ có một tội, đại khái phạm giới dâm, trộm, sát, vọng, hủy báng v.v... thì phạm một lần cả 2 tội: tánh và già, còn phạm các giới về oai nghi thì chỉ thuộc già tội mà thôi.

  • So sánh 5 thiên với ngũ hình (luật pháp của Trung Quốc đời nhà Tùy)

- Thiên Ba-la-di = tội Tử (tử hình).

- Thiên Tăng tàn = tội Lưu (đày đi xa).

- Thiên Ba-dật-đề = tội Đồ (khổ sai).

- Thiên Đề-xá-ni = tội Trượng (đánh bằng gậy).

- Thiên Pháp chúng học = tội Si (đánh bằng roi).

 * Thời gian thọ quả báo tại các cõi địa ngục:

Diễm nhiệt địa ngục 16.000 năm = 92160 ức năm

(cõi trời Tha hóa) (cõi nhân gian)

Đại hào khiếu địa ngục 8.000... Hóa lạc = 23.040 ức năm

Hào khiếu địa ngục 4.000... Đâu suất = 5.760 ức năm

Chúng hợp địa ngụïc 2.000... Diệm ma = 1.440 ức năm

Hắc thằng đia ngục 1.000... Đao lợi = 360 ức năm

Đẳng hoạt địa ngục 500... Tứ thiên vương = 90 ức năm

  • Số người thọ sám thuộc các tội phạm

Tên tội Pháp sám Số người

1. Ba-la-di Dữ học Ba-la-di 20 người

2. Tăngtàn Sám Tăng tàn 20 người

3. Thâu-lan-giá Thâu- lan-giá 4 người

4. Ba-dật-đề Ba-dật-đề 3 người

5. Hối quá pháp Hối quá pháp 1 người

6. Đột-cát-la Đột-cát-la tự trách tâm

2. Sám hối tội Ba-la-di

Người phạm tội Ba-la-di có 3 trường hợp xử trí:

2.1. Trường hợp phạm tội mà che giấu.

Nếu Tỳ-kheo phạm tội Ba-la-di mà che giấu, không phát lồ, thì Tăng phải tác pháp ức niệm. Khi Tỳ-kheo đã tự xác nhận tội trạng, Tăng sẽ bạch tứ Yết-ma diệt tẫn.

  • Tác tiền phương tiện.

Thầy Yết-ma hỏi và Duy na đáp:

- Tăng đã tập họp chưa?

- Tăng đã tập họp.

- Hòa hợp không?

- Hòa hợp

- Người chưa thọ Cụ túc đã ra chưa?

- Trong đây không có người chưa thọ giới Cụ túc.

- Những Tỳ-kheo không đến có gởi dục Yết-ma không?

- Không có người vắng mặt.

- Tăng nay hòa hợp để làm gì?

- Để làm Yết-ma đuổi người phạm tội Ba-la-di.

Thầy Yết-ma gọi người phạm tội vào làm lễ Tăng, rồi bảo: “Tội của thầy đã phạm không thể sám hối. Vì ai phạm tội ấy, ví như người đã bị chặt đầu không thể sống lại được. Nếu thầy dốc lòng muốn sửa đổi thì nên tìm nơi núi rừng thanh vắng, ngày đêm tinh cần trì tụng lễ bái, chí thành sám hối, thề không tái phạm. Nếu cảm được chư Phật và Bồ-tát gia hộ, phóng hào quang, hiện tướng tốt cho thấy, thì đời này tuy không được trở lại làm Tỳ-kheo thanh tịnh, nhưng có thể chuyển được khổ báo nặng nơi cõi địa ngục, thành quả báo nhẹ trong hiện tại".

  • Pháp bạch tứ Yết-ma đuổi hẳn.

Thầy Yết-ma bạch:

- Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo () này phạm tội Ba-la-di. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay bằng lòng cho Tỳ-kheo () phạm tội Ba-la-di pháp Yết-ma đuổi hẳn, không được ở chung, không được làm việc chung. Đây là lời tác bạch.

- Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo () này phạm tội Ba-la-di, Tăng nay cho Tỳ-kheo () phạm tội Ba-la-di pháp Yết-ma đuổi hẳn, không được ở chung, không được làm việc chung, các Đại đức nào bằng lòng cho Tỳ-kheo () phạm tội Ba-la-di pháp Yết-ma đuổi hẳn, không được ở chung, không được làm việc chung thì im lặng; ai không bằng lòng hãy nói (nói 3 lần).

Tăng đã bằng lòng cho Tỳ-kheo () phạm tội Ba-la-di pháp Yết-ma đuổi hẳn, không ở chung, không làm việc chung, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

2.2. Trường hợp phạm tội mà phát lồ.

Luật dạy: Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni phạm tội Ba-la-di mà hoàn toàn không có ý che giấu, sám hối như pháp, thì Tăng nên làm pháp Yết-ma cho người ấy giới Ba-la-di, bảo họ đến trước Tăng đảnh lễ, quỳ gối chắp tay, cầu xin như sau:

- Bạch Đại đức Tăng! Con Tỳ-kheo () phạm tội Ba-la-di, hoàn toàn không có tâm che dấu. Nay theo Tăng xin giới Ba-la-di. Nguyện mong Tăng cho con Tỳ-kheo () giới Ba-la-di. Xin từ mẫn cho. (3 lần)

  • Tác tiền phương tiện (như thông lệ chỉ thay đổi những chỗ cần thiết).
    • Bạch tứ Yết-ma:

- Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo () này phạm tội Ba-la-di, không có tâm che giấu, nay theo Tăng xin giới Ba-la-di. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay cho Tỳ-kheo () giới Ba-la-di. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo () này phạm tội Ba-la-di, không có tâm che giấu, nay theo Tăng xin giới Ba-la-di. Các Đại đức nào bằng lòng cho Tỳ-kheo () giới Ba-la-di, thì im lặng; ai không bằng lòng hãy nói (3 lần).

Tăng đã bằng lòng cho Tỳ-kheo () giới Ba-la-di, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

Sau khi Yết-ma xong, thầy Yết-ma trao cho người thọ học 35 pháp sau đây, bắt phải giữ gìn suốt đời:

- 5 pháp liên quan đến tư cách làm thầy.

1. Không được truyền giới Cụ túc cho người.

2. Không được cho người y chỉ.

3. Không được nuôi Sa-di.

4. Không được giáo giới Tỳ-kheo-ni.

5. Dù được Tăng sai cũng không nên đến giáo giới (1).

- 5 pháp liên quan đến Tăng.

  1. Không được thuyết giới cho Tăng nghe (thuyết giới mỗi nửa tháng)
  2. Không được vấn đáp Tỳ-ni trong chúng Tăng.
  3. Không được nhận làm Tri sự do Tăng sai.
  4. Không được nhận làm người xử đoán việc ở nơi khác do Tăng sai.
  5. Không được nhận làm người đại diện cho Tăng.

- 5 pháp tự thúc liễm chính mình.

  1. Không được sáng sớm vào trong làng, chiều tối mới về.
  2. Phải gần gũi các Tỳ-kheo.
  3. Không được gần gũi ngoại đạo và cư sĩ.
  4. Phải thuận theo pháp của Tỳ-kheo.
  5. Không được nói chuyện thế tục.

- 5 pháp liên quan đến luật nghi.

  1. Không được dạy Luật cho chúng, nhưng nếu không có ai dạy được thì cho phép dạy. (dạy Luật cho người khác)
  2. Không được tái phạm tội này.
  3. Không được phạm tội tương tự hay tội tùng sinh, hoặc nặng hơn tội này (2).
  4. Không được chỉ trích việc Tăng làm pháp Yết-ma.
  5. Không được chỉ trích người làm Yết-ma.

- 5 pháp liên quan đến sự phục vụ.

  1. Không được để Tỳ-kheo thanh tịnh trải tòa cho mình ngồi.
  2. Không được để Tỳ-kheo thanh tịnh múc nước cho mình rửa chân.
  3. Không được để Tỳ-kheo thanh tịnh rót nước cho mình uống.
  4. Không được để Tỳ-kheo thanh tịnh lau giày cho mình.
  5. Không được để Tỳ-kheo thanh tịnh xoa bóp thân thể của mình.

- 5 pháp thuộc về lễ độ.

  1. Không được nhận sự lễ bái của Tỳ-kheo thanh tịnh.
  2. Không được nhận sự đưa rước của Tỳ-kheo thanh tịnh.
  3. Không được nhận sự chào hỏi của Tỳ-kheo thanh tịnh.
  4. Không được để Tỳ-kheo thanh tịnh cầm giữ y của mình.
  5. Không được đề Tỳ-kheo thanh tịnh cầm giữ bát của mình.

- 5 pháp thuộc về kiềm chế.

  1. Không được cử tội Tỳ-kheo thanh tịnh hoặc ức niệm, hoặc tự ngôn trị.
  2. Không được làm nhân chứng việc của người khác.
  3. Không được ngăn Tỳ-kheo thanh tịnh tụng giới.
  4. Không được ngăn Tỳ-kheo thanh tịnh Tự tứ.
  5. Không được tranh chấp với Tỳ-kheo thanh tịnh. (1)

Ngoài ra, đối với sinh hoạt của Tăng chúng có những điều kiện liên quan đến người này như sau:

- Khi chúng Tăng Bố-tát tụng giới, người này đến dự hay không đến, Tăng chúng không phạm tội biệt chúng.

- Người này được phép tham dự 2 pháp Yết-ma Bố-tát và Tự tứ, nhưng không được tính vào túc số của Tăng.

- Khi Tăng Yết-ma Bố-tát cần túc số tối thiểu 4 Tỳ-kheo thanh tịnh, mà chỉ có 3 vị và vị học pháp này thì không được làm Tăng pháp Yết-ma mà chỉ đối thủ Bố-tát mà thôi. Ngoài ra, tất cả các pháp Yết-ma khác của Tăng, người này đều không được phép tham dự.

- Người được trao giới Ba-la-di này phải ngồi sau tất cả các Tỳ-kheo và trước tất cả Sa-di. Người này không được ngủ cùng phòng với Tỳ-kheo hay Sa-di quá 3 đêm.

- Nếu Tăng chúng nghi ngờ một Tỳ-kheo phạm giới Ba-la-di mà chưa có thể xác định được, thì hãy bảo họ tịnh tọa trong phòng, hướng dẫn họ thiền quán. Nếu giới thể của họ không bị ô nhiễm, thì họ sẽ vào được Định. Ngược lại, nếu giới thể đã bị phá vỡ thì họ không thể có được định tâm. Nhờ đó mà Tăng chúng có thể quyết đoán được sự phạm tội.

2.3. Trường hợp tái phạm.

Nếu vị này tái phạm tội Ba-la-di thì Tăng phải tác Yết-ma đuổi hẳn. Thể thức thực hiện như sau:

  • Tác tiền phương tiện như thông lệ (chỉ thay đổi những chỗ cần thiết).
  • Bạch tứ Yết-ma:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo () này phạm tội Ba-la-di, không có ý che giấu, đã theo Tăng xin giới Ba-la-di. Tăng đã cho Tỳ-kheo () giới Ba-la-di. Trong thời gian học pháp Học hối, Tỳ-kheo () này đã tái phạm tội Ba-la-di. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay cho Tỳ-kheo () tái phạm tội Ba-la-di này pháp Yết-ma đuổi hẳn, không được ở chung, không được làm việc chung. Đây là lời tác bạch.

Bạch Đại đức Tăng! Tỳ-kheo () này phạm tội Ba-la-di, không có ý che giấu, đã theo Tăng xin giới Ba-la-di. Tăng đã cho Tỳ-kheo () giới Ba-la-di. Trong thời gian thọ pháp Học hối, Tỳ-kheo () này tái phạm tội Ba-la-di. Tăng nay cho Tỳ-kheo tái phạm tội Ba-la-di này pháp Yết-ma đuổi hẳn, không được ở chung, không được làm việc chung. Các Đại đức nào bằng lòng Tăng cho Tỳ-kheo () tái phạm Ba-la-di, pháp Yết-ma đuổi hẳn thì im lặng; ai không bằng lòng hãy nói. (3 lần)

Tăng đã bằng lòng cho Tỳ-kheo () tái phạm tội Ba-la-di pháp Yết-ma đuổi hẳn, không được ở chung, không được làm việc chung, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

Yết-ma xong, lấy lại y bát, rồi bảo họ rời khỏi trú xứ.

Ghi chú:

- Vị Tỳ-kheo phạm Ba-la-di về giới dâm là Nan-đề, được đức Phật ban cho pháp Học hối. Một hôm, Tỳ-kheo Nan-đề đang ngồi thiền dưới gốc cây, bỗng nhiên ma Ba-tuần hóa làm 1 cô gái đẹp, đến quyến rũ, phá hoại sự tu thiền của Tôn giả. Tôn giả trông thấy nó bèn khởi tâm say đắm, đứng dậy đến gần nó. Nó liền lùi xa. Tôn giả theo nó đến chỗ xác một con ngựa chết, cô gái ấy liền biến mất. Vì lửa dục vọng đang bốc mạnh, Tôn giả không thể kiềm chế được, liền hành dâm với tử thi con ngựa. Sau khi thỏa mãn dục vọng, Tôn giả cảm thấy rất ân hận, liền đi đến Thế Tôn, phát lồ tội lỗi vừa rồi, và xin Thế Tôn ban cho Tôn giả được phép học lại những pháp học của Tỳ-kheo (YMCN, trang 37).

- Trường hợp Tỳ-kheo nếu khởi tâm tham lấy trộm vật trị giá 5 tiền, nhưng khi lấy xong, liền hối hận, đem vật ấy trả lại chỗ cũ, rồi thành khẩn phát lồ, xin được học pháp Ba-la-di, thì Tăng có thể ban pháp Ba-la-di cho thầy.

- Về giới Đại vọng ngữ. Nếu nhân cơ hội có người khen mình tu hành đắc đạo, liền khởi tâm cao hứng nói vọng ngữ rằng đã chứng được pháp Thượng nhân. Nhưng liền sau đó hối hận, phát lồ, xin pháp học hối thì có thể ban cho pháp học hối.

- Về giới đoạn nhân mạng. Theo tinh thần chung của Luật tạng thì đã sát hại mạng người, dù không có tâm che giấu, cũng không thể khai cho thọ pháp học hối.

3. Sám hối tội Tăng tàn

3.1. Định nghĩa khái quát (1)

Nguyên chữ Sanskrit là Sanghàvasena và chữ Pàli là Sanghadisesa được phiên âm là Tăng-già-bà-thi-sa, và được định nghĩa là Tăng tàn hay còn gọi là Tăng sơ tàn, Chúng dư, Chúng quyết đoán. Loại tội này được xem là tội nặng, chỉ kém tội Ba-la-di mà thôi. Người phạm tội này nếu phát lồ với một Tỳ-kheo thanh tịnh ngay sau khi phạm, thì Tăng sẽ cho thi hành pháp Ma-na-đỏa, rồi sau đó cho xuất tội. Trái lại, nếu phạm mà che giấu thì Tăng sẽ cho pháp Yết-ma phú tàng, tức là hành pháp biệt trú. Biệt trú tức là ở phòng riêng nhưng cùng sinh hoạt chung với Tăng chúng, và phải chấp hành mọi việc khó nhọc mà Tăng chúng phân công.

3.2. Hành phú tàng hay hành biệt trú.

Người phạm tội Tăng tàn mà cố ý che giấu (phú tàng) không chịu phát lồ ngay khi phạm tội, trải qua một thời gian mới phát lồ, hoặc được Tăng chúng phát hiện, thì Tăng sẽ cho pháp Yết-ma phú tàng. Pháp Yết-ma này được thực hiện với Tăng số là 4 Tỳ-kheo thanh tịnh.

Trong thời gian hành pháp biệt trú này phải chấp hành 35 pháp hạn chế như đã được trình bày trong giới học hối thuộc thiên tội Ba-la-di. Đồng thời phải thực hiện 8 yếu tố khác, như sau:

1. Khi đến chùa khác phải bạch với Tăng chúng tại đó biết là mình đang hành phú tàng.

2. Khi có Tỳ-kheo khách đến chùa thì phải bạch cho họ biết.

3. Khi đi ra ngoài trú xứ, gặp các Tỳ-kheo phải bạch cho họ biết.

4. Lúc ở tại chùa, gặp Tỳ-kheo đi kinh hành, phải bạch.

5. Lúc đau ốm phải nhờ người tin cậy bạch cho Tăng biết.

6. Không được ngủ chung phòng với 2, 3 Tỳ-kheo khác.

7. Không được ở tại trú xứ không có Tỳ-kheo.

8. Mỗi nửa tháng tụng giới phải bạch với Tăng.

Nếu không thực hiện một trong 8 điều trên đây thì ngày hành biệt trú ấy bị hủy bỏ, phạm thêm tội Đột-cát-la, nên pháp này gọi là thất dạ (mất đêm); nghĩa là trọn ngày đêm 24 giờ hành biệt trú ấy không được tính.

Người đang hành biệt trú, nếu hay tin có Tỳ-kheo khách không đáng tin cậy sắp đến trú xứ mình, vì sợ hổ thẹn khi phải trình báo, thì có thể báo cho một Tỳ-kheo biết rằng mình tạm đình chỉ thi hành pháp biệt trú. Sau đó, khi thời gian thích hợp, sẽ đến một Tỳ-kheo thanh tịnh, xin tiếp tục hành biệt trú trở lại. Trong trường hợp có duyên sự phải đi xa, nên xin nghỉ pháp biệt trú mà đi, đến lúc trở về sẽ xin tiếp tục trở lại.

Trong thời gian hành phú tàng có 2 trường hợp xảy ra: 1. Tái phát lồ; 2. Tái phạm.

1/ Tái phát lồ:

Trong khi đang hành phú tàng mà tái phát lồ hoặc một tội, hoặc nhiều tội với những số ngày khác nhau, thì Tăng sẽ căn cứ tội nào nhiều ngày nhất lấy đó làm tiêu biểu chung cho các tội, cộng với số ngày còn lại của tội trước, cho pháp Yết-ma biệt trú. Ví dụ phát lồ một lúc 3 tội: tội a che giấu 10 ngày, tội b che giấu 20 ngày và tội c che giấu 30 ngày, thì sẽ lấy số 30 ngày làm tiêu biểu. Đồng thời số ngày của tội trước còn lại 5 ngày, thì bấy giờ cho hành biệt trú với số ngày: 30 + 5 = 35 ngày.

2/ Tái phạm

Nếu người đang hành biệt trú mà tái phạm thì có 2 trường hợp xảy ra: a. Phát lồ ngay sau khi phạm; b. Che giấu.

a. Phát lồ ngay sau khi phạm (nghĩa là không để qua cách đêm): Tăng sẽ cho tiếp tục hành số ngày biệt trú còn dang dở cho đến hết, rồi mới cho pháp Yết-ma Ma-na-đỏa.

b. Che giấu: nếu trong khi đang hành biệt trú mà tái phạm tội cũ rồi che giấu, sau đó hoặc tự phát lồ hoặc bị Tăng chúng phát hiện, thì số ngày đã hành biệt trú của tội trước coi như bị hủy bỏ. Do đó, phải hành lại toàn bộ số ngày của tội trước cộng với số ngày che giấu sau khi tái phạm. Trường hợp này gọi là hoại phú tàng bản nhật trị.

Người phạm tội trong khi thi hành pháp phú tàng mà không tái phát lồ, không tái phạm, chấp hành nghiêm chỉnh 35 pháp hạn chế và 8 pháp hỗ trợ, thì lúc thi hành xong sẽ đến xin Tăng ban cho mình pháp Yết-ma Ma-na-đỏa.

3.3. Hành Ma-na-đỏa.

Ma-na-đỏa là từ dịch âm của tiếng Phạn Mànàpya và tiếng Pàli Mànatta, được dịch nghĩa là duyệt chúng ý, tức làm cho tâm ý chúng Tăng vui thích, hay ý hỉ, nghĩa là làm cho tâm ý hoan hỷ. Pháp này phải thi hành trong thời gian 6 hôm mà danh từ Luật gọi là lục dạ Ma-na-đỏa. Trong thời gian thi hành pháp Ma-na-đỏa này vẫn tiếp tục chấp hành 35 pháp hạn chế, còn 8 pháp hỗ trợ thì chỉ giải tỏa điều thứ 6, là được ngủ cùng phòng với 2, 3 Tỳ-kheo khác.

Túc số Tăng để thực hiện pháp Yết-ma Ma-na-đỏa này là 4 Tỳ-kheo thanh tịnh. Trong khi hành pháp Ma-na-đỏa có thể phát sinh hai trường hợp: 1. Tái phát lồ; 2. Tái phạm.

1/ Tái phát lồ: Nếu trong lúc hành Ma-na-đỏa mà tái phát lồ một tội phạm trước đã che giấu bao nhiêu ngày, thì Tăng bắt đình chỉ pháp Ma-na-đỏa, rồi cho pháp Yết-ma phú tàng bắt hành biệt trú số ngày đã che giấu. Sau khi thi hành xong, Tăng sẽ cho pháp Ma-na-đỏa trở lại. Khoảng này có hai thuyết: một thuyết cho rằng phải hành 6 đêm Ma-na-đỏa của tội phát lồ sau, cộng với số đêm còn lại của tội trước. Thuyết thứ hai cho rằng gộp chung hai khoản tội trước sau chỉ hành 6 đêm Ma-na-đỏa là đủ. Thuyết này thường được chấp nhận hơn.

2/ Tái phạm: Nếu đang hành Ma-na-đỏa mà tái phạm thì có thể dẫn đến một trong 2 trường hợp: a. Phát lồ ngay sau khi phạm; b. Che giấu.

  1. Phát lồ ngay khi phạm: trường hợp này Tăng sẽ cho hành 6 đêm Ma-na-đỏa của tội tái phạm, cộng với số đêm còn lại của tội trước.
  2. Che giấu: nếu người đang hành Ma-na-đỏa mà tái phạm tội cũ rồi che giấu, sau đó hoặc tự phát lồ, hoặc bị phát hiện, thì Tăng bắt đình chỉ Ma-na-đỏa, cho pháp Yết-ma phú tàng, phạt biệt trú số ngày đã che giấu. Sau khi hành xong biệt trú, Tăng sẽ bắt hành 6 đêm Ma-na-đỏa của tội tái phạm, cộng với toàn bộ 6 đêm Ma-na-đỏa của tội trước, thành 12 đêm. Đây gọi là Hoại Ma-na-đỏa bản nhật trị. Nghĩa là khi đang hành Ma-na-đỏa mà tái phạm nên số ngày đã làm ấy bị hủy bỏ, phải làm lại toàn bộ số ngày cũ.

3.4. Xuất tội hay giải tội

Người phạm tội Tăng tàn sau khi hoàn tất các công đoạn biệt trú (nếu có phú tàng) và Ma-na-đỏa, sẽ đến giữa Tăng xin pháp Yết-ma xuất tội. Để thực hiện pháp Yết-ma này túc số Tăng phải đủ 20 Tỳ-kheo thanh tịnh, 20 người là con số tối thiểu, nhiều hơn thì không sao (các pháp bạch Yết-ma xin xem Yết-ma Chỉ nam).

Sau khi được Tăng làm Yết-ma xuất tội thì đồng thời cũng giải tỏa luôn 35 pháp hạn chế và 8 pháp hỗ trợ. Thầy Tỳ-kheo này đương nhiên phục hồi phẩm chất Tỳ-kheo, được xem là một Tỳ-kheo thanh tịnh.

Trong trường hợp người phạm tội hành xong Ma-na-đỏa, Tăng chưa làm pháp Yết-ma xuất tội mà qua đời, thì Phật dạy rằng người ấy cũng được xem là thanh tịnh. (Tăng già tác trì yếu tập, Hoằng Xuyên, tr. 271)

3.5. So sánh cách xử trị giữa Tăng và Ni

Số giới Tăng tàn của Tỳ-kheo-ni là 17 và số giới Tăng tàn cửa Tỳ-kheo là 13 giới. Trong 9 giới đầu hễ làm là phạm, còn 4 giới sau phải đến lần can gián thứ ba mà không bỏ mới gọi là phạm. Tuy gọi là ba lần can gián, nhưng cụ thể đến 9 lần: ba lần can gián ở chỗ vắng, ba lần can gián ở chỗ nhiều người và ba lần can gián ở giữa chúng Tăng. Nếu sau ba lần khuyên can giữa chúng Tăng mà không từ bỏ, mới thực sự phạm tội Tăng tàn.

 Bảng so sánh thể thức xử trị giữa Tăng và Ni:

 

TĂNG

NI

1

Tăng có pháp Biệt trú

1’

Ni không có pháp này, dù có che giấu hay không.

2

Số ngày hành Ma-na-đỏa

 = 6 ngày

2’

Số ngày Ma-na-đỏa

= 15 ngày, và phải hành giữa 2 bộ Tăng và Ni.

3

Túc số làm Yết-ma Ma-na-đỏa

 = 4 người

3’

Túc số là 8 người

= 4 Tỳ-kheo và 4 Tỳ-kheo-ni.

4

Túc số làm Yết-ma xuất tội = 20 người

4’

Túc số là 40 người

= 20 Tỳ-kheo và 20 Tỳ-kheo ni

­ Ghi chú:

1. Tội tùng sinh:

(l) - Người phạm tội Tăng tàn mà không phát lồ ngay để trải qua một đêm thì phạm thêm một tội Đột-cát-la Kinh dạ phú tàng, nghĩa là che giấu qua một đêm. Đến đêm kế tiếp cũng không phát lồ, sẽ phạm thêm tội Đột-cát-la Tùy dạ triển chuyển phú tàng, nghĩa là che giấu liên tục đêm này qua đêm khác. Tội Đột-cát-la này sẽ chịu khổ trong địa ngục Đẳng hoạt thời gian 90.000.000 năm. Đó là số năm thọ báo của một tội; nếu tội càng nhiều thì thời gian thọ báo càng tăng.

(2) - Người phạm tội thì không được nghe Tăng tụng giới, nếu nghe tụng thì phạm một tội Đột-cát-la.

(3) - Khi Tăng tụng giới hỏi 3 lần “có thanh tịnh không?” mà không chịu đứng dậy phát lồ thì phạm thêm một tội Đột-cát-la im lặng vọng ngữ.

(4) - Khi Tăng tụng giới, mình đến trễ, muốn được tham dự bèn tự nói mình thanh tịnh, thì phạm một tội Ba-dật-đề cố ý vọng ngữ.

(5) - Khi đối thủ tụng giới với 1, 2 Tỳ-kheo khác, tự nói mình thanh tịnh, phạm một tội Ba-dật-đề cố ý vọng ngữ.

(6) - Khi Tăng Tự tứ, tự nói mình thanh tịnh, phạm một tội Ba-dật-đề cố ý vọng ngữ.

(7) - Khi đối thủ Tự tứ, tự nói mình thanh tịnh, phạm một tội Ba-dật-đề cố ý vọng ngữ.

(8) - Khi tâm niệm tụng giới, tự nói mình thanh tịnh, phạm một tội Đột-cát-la.

(9) - Khi tâm niệm Tự tứ, tự nói mình thanh tịnh, phạm một tội Đột-cát-la.

(10) - Bản thân mình không thanh tịnh mà tụng giới cho Tăng, phạm một tội Đột-cát-la.

(11) - Bản thân mình không thanh tịnh mà nhận sự sám hối của người khác, phạm một tội Đột-cát-la.

Những tội phạm kể trên gồm có 4 phẩm Tùng sinh Ba-dật-đề, 6 phẩm Tùng sinh Đột-cát-la và một tội căn bản Tăng tàn, tội lớn tội nhỏ gồm 11 phẩm. Nếu trải qua đêm đầu che giấu (Kinh dạ phú tàng), đêm kế tiếp lại che giấu (Triển chuyển phú tàng) sẽ thành ra tất cả 33 phẩm tội.

Ở trên, tuy được liệt kê thành 11 khoản, nhưng không phải phạm đủ tất cả; Ví dụ: nếu đã tham dự tụng giới với Tăng thì sẽ không có đối thủ và tâm niệm tụng giới. Do vậy, người làm Yết-ma phải tùy trường hợp mà hỏi.

2. Một số quan điểm cởi mở

- Trong bài tựa Luật Thập Tụng viết: Có 6 trường hợp sau đây khi phạm tội Tăng tàn, nếu phấn phát dũng mãnh tự trách tâm, thành khẩn sám hối, thì có thể được xem là thanh tịnh, không đọa ác đạo. Đó là: 1. Bậc Thượng tọa có uy danh; 2. Bậc tôn túc có tiếng đức hạnh; 3. Người cả hổ thẹn; 4. Người đang lâm bệnh; 5. Tăng không đủ túc số để làm các pháp Yết-ma; 6. Tăng chúng không thanh tịnh. (dẫn theo Trùng Trị Tỳ-ni Sự Nghĩa Tập Yếu, Ngẫu Ích)

- Luật Nhiếp đề cập: Có 6 hạng người khi phạm các lời giáo huấn (Chúng giáo: Tăng tàn), chỉ cần sám hối với một Tỳ-kheo thanh tịnh, thì tội có thể tiêu trừ. Đó là: 1. Người thọ trì tạng Kinh; 2. Người thọ trì tạng Luật; 3. Người thọ trì tạng Luận; 4. Người cả hổ thẹn; 5. Vị Thượng tọa cao tuổi nhất trong chúng; 6. Người có phước đức lớn.

Sáu hạng người này nếu bị trị phạt sẽ dẫn đến hậu quả không tốt đối với đại chúng. Do đó, nếu phạm tội mà họ quyết tâm sám hối, thì tội có thể trừ được.

3. Các trường hợp hoàn tục.

1. Xả giới làm cư sĩ.

2. Xả giới Cụ túc, làm Sa-di.

3. Bị điên loạn.

4. Bị bệnh tâm thần.

5. Bị bệnh trầm kha.

6. Bị Tăng cử tội “Có tội mà không thấy tội”.

7. Bị Tăng cử tội “Có tội mà không sám hối”.

8. Bị Tăng cử tội “Không chịu từ bỏ ác kiến”.

4. Các trường hợp truy phạt.

Nếu người phạm tội đang hành pháp phú tàng (Biệt trú) hay Ma-na-đỏa mà xả giới, hoặc bị tẫn, hoặc bị điên cuồng, sau đó hoặc được giải tẫn, hoặc lành bệnh, hoặc thọ Đại giới ở lại, thì vẫn phải thi hành đầy đủ các pháp dở dang trước, rồi mới cho xuất tội.

a. Trường hợp phát lồ hoặc che giấu: Nếu Tỳ-kheo phạm 2 tội Tăng tàn mà một tội phát lồ, một tội che giấu rồi xả giới hoàn tục; về sau xuất gia thọ Đại giới trở lại, tội phát lồ trước lại phát lồ, tội che giấu trước lại che giấu, thì nên xử trí: Tội trước sau đều phát lồ cho pháp Yết-ma Ma-na-đỏa; tội trước sau đều che giấu cho pháp Biệt trú số ngày đã che giấu.

b. Trường hợp nhớ hoặc không nhớ: Nếu người phạm tội mà nhớ số tội phạm và nhớ số ngày, hoặc không nhớ số tội phạm nhưng nhớ số ngày, thì tùy theo số ngày nhớ được mà cho pháp Yết-ma phú tàng. Nếu nhớ số tội phạm mà không nhớ số ngày, hoặc không nhớ tội phạm cũng không nhớ số ngày, thì nên tính số ngày từ lúc thanh tịnh trở lại mà cho Yết-ma phú tàng.

c. Trường hợp nghi: Nếu người phạm tội Tăng tàn mà nghi là tội Thâu-lan-giá, Ba-dật-đề v.v..., rồi che giấu, thì đó không phải là che giấu. Trường hợp này nên bảo người ấy sám hối tội Đột-cát-la tùng sinh, sám hối xong, cho pháp Yết-ma Ma-na-đỏa.

d. Trường hợp biết: Nếu người phạm tội Tăng tàn mà biết đó là Tăng tàn, rồi che giấu, đó mới gọi là che giấu (phú tàng). Trường hợp này nên bảo người ấy sám hối tội Đột-cát-la tùng sinh; sau khi sám hối xong, cho pháp Yết-ma phú tàng.

Nói chung, trong 4 trường hợp trên, mỗi trường hợp gồm 4 khía cạnh mà danh từ chuyên môn gọi là Tứ cú, và tổng cộng gồm có 16 khía cạnh, như đồ biểu tóm tắt sau đây:

16 Trường hợp sau khi tu lại

 1.Trước sau đều che giấu

 2. Trước che giấu sau phát lồ

 3. Trước phát lồ sau che giấu

 4. Trước sau đều phát lồ

 5. Trước sau đều nhớ

 6. Trước nhớ sau quên

 7. Trước quên sau nhớ

 8. Trước sau đều quên

 9. Trước sau đều nghi

10. Trước nghi sau không nghi

11. Trước không nghi sau nghi

 12. Trước sau đều không nghi

 13. Trước sau đều biết

 14. Trước biết sau không biết

 15. Trước không biết sau biết

 16. Trước sau đều không biết

(Luật Huyền Ty – tr.452)


4. Sám hối tội Thâu-lan-giá

4.1. Định nghĩa và phân loại:

Sau hai thiên tội Ba-la-di và Tăng tàn là tội Thâu-lan-giá. Tội này chủ yếu phát sinh là do phạm 2 thiên tội trên mà chưa đầy đủ. Thâu-lan-giá là cách phiên âm của tiếng Pàli Thullaccaya, và tiếng Phạn Sthùlàtyaya. Ngoài cách phiên âm trên, còn có những cách phiên âm khác là: Thâu-lan-giá-da, Thâu-la-giá, Thổ-la-giá, Tốt-thổ-la-để-dã. Đồng thời được dịch nghĩa là: Thô tội; trọng tội; thô ác; thô quá; đại tội; đại chướng thiện đạo v.v...

Tội này được chia thành 2 loại: a. Độc đầu; b. Tùng sinh.

  1. Độc đầu, hay còn gọi là quả đầu; tự tánh; căn bản; cứu cánh; quả lan; chánh tội; dĩ toại tội.
  2. b. Tùng sinh, hay còn gọi là phương tiện; nhân lan; vị toại tội.

Mỗi khoản tội trên đều được chia thành 3 bậc:

(1). Thượng phẩm; (2). Trung phẩm; (3). Hạ phẩm.

Như trên đã nói: Tội Thâu-lan-giá phát sinh từ 2 tội Ba-la-di và Tăng tàn mà chưa đầy đủ. Do đó, ta có thể lập sơ đồ để trình bày cho dễ hiểu như sau:

Thâu-lan-giá dưới mức Ba-la-di dưới mức Tăng tàn

1 .Thượng phẩm = bậc (1)

2. Trung phẩm = bậc (2) = bậc (1)

3 .Hạ phẩm = bậc (3) =  bậc (2)

Đồng thời chúng được trình bày cụ thể:

(1). a. Thượng phẩm độc đầu gồm có: chủ xướng phá pháp luân Tăng; trộm lấy 4 tiền; trộm vật của thường trụ; giết loài phi nhân...

(1). b. Thượng phẩm tùng sinh gồm có: muốn phạm giới dâm, 2 căn tiếp xúc mà nam căn chưa vào trong nữ căn; muốn trộm 5 tiền mà lấy chưa đủ số, định giết người mà người chưa chết; định nói mình chứng thánh quả mà nói không rõ, người nghe không hiểu...

(2). a. Trung phẩm độc đầu gồm có: định phá Yết-ma Tăng; đồng lõa phá pháp luân Tăng; trộm 3 tiền hay 2 tiền...

(2). b. Trung phẩm tùng sinh gồm có: hai thân kề nhau mà nam căn chưa vào trong nữ căn; muốn lấy 5 tiền nhưng chỉ rờ mà chưa lấy, hoặc lấy ít hơn 5 tiền và chưa đem đi; định giết người mà người kia chưa bị hại...

(3). a. Hạ phẩm độc đầu gồm có: ác tâm hủy báng Tăng; cạo lông 3 chỗ: nách, đại tiện và tiểu tiện; để khỏa thân; mang da người; dùng bát bằng đá (vì bát này dành cho Phật dùng); ăn máu thịt sống...

(3). b. Hạ phẩm tùng sinh gồm có: nhận làm mai mối, đến nói với nhà kia mà không trở về báo lại; định làm phòng lớn, phòng nhỏ nhưng chưa làm; định hủy báng Tăng, nhưng chưa nói liền từ bỏ; phá Tăng và ngoan cố, nhưng khi Tăng vừa bạch Yết-ma liền từ bỏ...

4.2. Thể thức sám hối.

1/ Thể thức bạch Tăng để xin sám hối.

Sau khi Tăng tập họp, người phạm tội đến trước Tăng, quỳ gối tác bạch như sau:

- Xin Đại đức Tăng lắng nghe, tôi Tỳ-kheo (nói tên) phạm tội Thâu-lan-giá (nói tên tội), nay đến trước Tăng cầu xin sám hối; kính mong đại Tăng cho tôi Tỳ-kheo (...) sám hối, xin từ bi thương xót. (xin 3 lần)

Vị Thượng tọa bảo:

- Thầy đã 3 lần cầu xin, và Tăng chúng đã mặc nhiên chuẩn thuận; vậy trước hết thầy hãy thiûnh một vị làm sám chủ để thầy sám hối.

Người phạm tội tùy nghi đến trước vị nào mà mình kính mến nhất, lạy một lạy, quỳ gối chắp tay cầu thỉnh như sau:

- Đại đức nhất tâm niệm, tôi Tỳ-kheo (nói tên), nay xin thỉnh Đại đức nhận làm sám chủ tội Thâu-lan-giá. Xin từ bi thương xót. (nói 3 lần).

2/ Thể thức bạch Tăng để nhận sám hối:

Vị Đại đức này nhận lời rồi, liền phải bạch Tăng.

- Xin Đại đức Tăng lắng nghe, Tỳ-kheo (nói tên) phạm tội Thâu­lan-giá (nói tên tội), nay đến trước đại Tăng xin sám hối, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng bằng lòng cho tôi Tỳ-kheo (...) làm sám chủ cho Tỳ-kheo (…) thì tôi sẽ nhận.

Vị Thượng tọa đáp: Được lắm.

Khi Tăng đã chuẩn thuận, người thọ sám nên đảnh lễ Tăng một lạy, rồi mới nhận người kia sám hối. Nhưng nếu trong chúng không có vị Thượng tọa nào lớn hơn mình thì khỏi đảnh lễ, mà bảo người kia đến trước mình, quỳ gối chắp tay, rồi hỏi các chi tiết:

- Từ khi thầy phạm tội đến nay đã trải qua bao nhiêu ngày tháng? Khi vừa phạm tội, thầy đã từng đến trước một Tỳ-kheo thanh tịnh nào để phát lồ chưa?

Nếu đáp đã phát lồ tức là không có tội phú tàng, nếu nói chưa phát lồ tức là đã mắc các tội phú tàng, liền hỏi tiếp:

- Lẽ ra khi vừa phạm tội thầy phải đến trước vị Tỳ-kheo thanh tịnh để phát lồ sám hối; nhưng vì không phát lồ để đến hôm sau nên sinh ra một tội Đột-cát-la, do kinh hạ phú tàng (che giấu qua một đêm).

Thế rồi, đến ngày kế tiếp lại không phát lồ nên sinh thêm một tội Đột-cát-la tùy dạ triển chuyển phú tàng (che dấu liên tục qua đêm sau). Đã che giấu tất nhiên không thanh tịnh, nên không được nghe tụng giới, thế mà thầy lại nghe Tăng thuyết giới, cho nên phạm thêm một tội Đột-cát-la.

Hơn nữa, khi Tăng tụng đến giới ấy (giới đã phạm), hỏi 3 lần có thanh tịnh không, đáng lẽ thầy phải đứng dậy phát lồ, nếu như sợ làm náo loạn, thì thầy có thể nói khẽ với người ngồi bên cạnh rằng: “Tôi phạm tội ấy, đợi khi tụng giới xong, tôi sẽ phát lồ”. Thế nhưng, thầy không làm như vậy, nên phạm thêm một tội Đột-cát-la vì im lặng vọng ngữ.

Hai tội Đột-cát-la trên lẽ ra thầy phải phát lồ ngay, nhưng vì không phát lồ nên từ 2 tội này sinh thêm 2 tội Đột-cát-la kinh dạ phú tàng và tùy dạ triển chuyển phú tàng.

Sau khi nghe trình bày xong, vị sám chủ kết luận:

- Căn cứ theo những gì thầy đã trình bày thì thầy đã phạm 8 tội nhỏ: hai tội Tùng sinh (Nghe tụng giới và im lặng vọng ngữ) và 6 tội phú tàng. Vậy thầy phải thỉnh một vị sám chủ đến chỗ vắng để sám hối các tội nhỏ, xong rồi mới trở vào giữa chúng sám hối tội chính (Thâu-lan-giá).

3/ Thể thức sám hối tiểu tội tùng sinh.

Người phạm tội sau khi nghe dạy, có thể thỉnh ngay vị ấy hoặc một vị khác làm sám chủ để sám hối các tiểu tội tùng sinh. Và sau khi cầu thỉnh, vị kia đã đồng ý, bèn đem nhau đến chỗ vắng, quỳ gối chắp tay, tác bạch sám hối như sau:

- Đại đức nhấùt tâm thương tưởng, tôi Tỳ-kheo... phạm tội Đột-cát-la vì nghe thuyết giới và im lặng vọng ngữ. Nay tôi đến trước Đại đức xin phát lồ sám hối, không dám tái phạm. Nguyện xin Đại đức chứng nhận tôi là người thanh tịnh, giới thân đầy đủ, thanh tịnh Bố-tát. (nói 1 lần)

Vị sám chủ bảo: “Thầy hãy tự trách mình và quyết tâm sửa đổi”.

Đáp: “Xin vâng”.

Vị sám chủ trở lại trong chúng, tuyên bố: “Tôi đã nhận sự sám hối của người kia xong rồi”.

Thượng tọa nói: “Tốt lắm”.

Vị sám chủ lại bảo người phạm tội: “Bây giờ thầy hãy sám hối tội căn bản Thâu-lan-giá”.

4/ Chính thức sám hối Thượng phẩm Thâu-lan-giá.

Người phạm tội đến trước vị sám chủ quỳ gối chắp tay tác bạch:

- Đại đức nhất tâm thương tưởng, tôi Tỳ-kheo... phạm tội Thâu-lan-giá..., nay đến trước Đại đức phát lồ sám hối, không dám che giấu; vì sám hối thì được an lạc, không sám hối thì không an lạc. Kính xin Đại đức chứng nhận tôi đã thanh tịnh, giới thân đầy đủ, thanh tịnh Bố-tát. (nói 3 lần)

Vị sám chủ nói: “Thầy hãy tự trách lấy mình, mà quyết tâm sửa đổi”.

Người phạm tội đáp: Xin vâng, rồi lạy một lạy, quỳ gối chắp tay, lắng nghe Thượng tọa giáo huấn.

Bấy giờ, vị Thượng tọa giáo huấn:

- Hôm nay, Tăng chúng thanh tịnh nhóm họp tuân theo sự chế định của Phật mà tác pháp sám hối cho thầy đã xong. Nhưng e rằng sự phát tâm của thầy chưa được thành thật thì không thể sạch hết tội lỗi. Vậy, muốn sạch hết tội lỗi, thầy phải vận dụng lòng chí thành đảnh lễ thiên Phật (ngàn vị Phật) để sám hối, và trì niệm thần chú trong một thời gian. Nhờ công đức lễ bái tụng niệm ấy mà tội trước được tiêu trừ, tội sau không phát sinh, và thầy phải lập nguyện kiên cố rằng: “Thà bỏ thân mạng chứ không bao giờ tái phạm”.

Người phạm tội đáp: Y giáo phụng hành, rồi đầu thành đảnh lễ đại chúng 3 lạy.

5/ Thể thức sám hối Trung phẩm Thâu-lan-giá.

Tội trung phẩm này chỉ sám hối với 4 Tỳ-kheo. Do đó, nếu trong cương giới có số Tỳ-kheo nhiều hơn 4 người, thì chỉ thỉnh 4 người ra ngoài cương giới để sám hối. Vì, nếu sám hối riêng với 4 người này trong trú xứ, thì Tăng phạm tội biệt chúng. Nếu tại trú xứ chỉ có 4 Tỳ-kheo thì có thể tác pháp sám hối ngay trong trú xứ. Trong số 4 người ấy, một người làm sám chủ, còn lại 3 người, nên không thể áp dụng Tăng pháp Yết-ma mà chỉ áp dụng pháp đối thủ sám hối.

Nếu trường hợp trong trú xứ chỉ có 3 người cũng có thể thực hiện pháp sám hối này. Về thể thức thỉnh vị sám chủ, tác bạch sám hối và lời giáo huấn của Thượng tọa thì cũng tương tự như trong pháp sám Thượng phẩm ở trên.

6/ Thể thức sám hối hạ phẩm Thâu-lan-giá.

Người phạm tội này phải sám hối với một Tỳ-kheo thanh tịnh, chỉ trừ việc bạch Tăng xin sám hối, ngoài ra các việc còn lại giống như trước. Trong Tỳ-ni Mẫu nói: “Nếu Thượng tọa sám hối trước Hạ tọa, thì phải thực hiện 4 việc:

1. Trật vai áo bên phải.

2. Cởi bỏ giày dép.

3. Chắp tay cung kính.

4. Trình bày tội mình đã phạm.

Còn Hạ tọa sám hối trước Thượng tọa thì thêm một việc quỳ gối nữa. Thế nhưng, Tứ Phần Luật thì bảo: “Khi Thượng tọa sám hối trước Hạ tọa cũng phải thực hiện các việc kể trên, chỉ trừ việc đảnh lễ sát dưới chân”.

5. Sám hối tội Xả đọa

Tiếp sau thiên tội Thâu-lan-giá thứ 3, bây giờ đề cập đến thiên tội thứ 4. Trong thiên này gồm có 2 phần: tội Xả đọa và tội Đơn đọa.

Trước hết hãy nói về tội Xả đọa. Tiếng Phạn Nissaggiya-pàyattika được phiên âm là Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề. Ni-tát-kỳ nghĩa là xả bỏ tất cả; Ba-dật-đề nghĩa là Đọa. Người phạm tội này là do cất giữ những vật trái quy định, thế nên, trước hết phải mang vật ấy ra thí xả giữa chúng Tăng, rồi sám hối tội Đọa. Nếu phạm tội này mà không sám hối sẽ đọa vào địa ngục Chúng hợp, chịu khổ hai ngàn năm, tức là khoảng 144.000.000 năm ở cõi nhân gian.

Chữ Xả ở đây gồm có 3 nghĩa:

1. Xả tài: Xả bỏ tài vật đã phạm để trừ cái duyên phạm tội; 2. Xả tâm: xả bỏ tâm tham luyến đối với vật để lìa cái nhân gây tội; 3. Xả tội: sám hối đúng pháp sẽ dứt trừ được tội lỗi.

Người phạm tội này trước hết phải đem vật đã phạm ra xả giữa chúng Tăng rồi thỉnh một Tỳ-kheo thanh tịnh làm chủ sám, để sám hối tội lỗi đã phạm ngay giữa chúng Tăng. Do đó, pháp sám hối này gọi là Chúng pháp đối thủ. Tuy nhiên, nếu tại một trú xứ chỉ có 4, 3 hoặc 2 Tỳ-kheo, thì cũng có thể sám hối được, nhưng phải sám hối với sự hiện diện của tất cả, chứ không được sám hối biệt chúng.

Luật quy định, trong 30 điều này, nếu phạm điều 11 (dùng tơ tằm làm ngọa cụ) thì phải tự tay cắt vụn tơ tằm, trộn lẫn với đất dẻo, rồi trét vào tường. Nếu phạm điều 18 (cất giữ vàng bạc) và điều 19 (mua bán bảo vật), thì nên xả cho cư sĩ có đạo tâm, chứ không được xả giữa chúng Tăng, rồi sám hối với một người ở ngoài đại giới (trú xứ). Ngoài ra, nếu phạm 27 giới còn lại, thì phải xả và sám hối ở giữa chúng Tăng.

5.1. Thể thức xả vật và sám hối

Người phạm tội đem vật đã phạm ra giữa chúng Tăng, quỳ gối, chắp tay, bạch:

- Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo... cố chứa y dư, phạm tội Xả đọa. Nay xin xả cho chúng Tăng. (nói 1 lần)

1/ Thể thức xin Tăng để sám hối.

Sau khi xả vật xong, người này lại tiếp tục xin Tăng sám hối.

- Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo... cố chứa y dư, phạm tội Xả đọa. Y ấy đã xả cho Tăng; nay có (bao nhiêu) tội Ba-dật-dề, xin đến trước Tăng cần cầu sám hối, mong Tăng cho tôi Tỳ-kheo... sám hối. Xin hãy từ bi lân mẫn. (xin 3 lần)

Vị làm Yết-ma bảo: “Chúng Tăng không nói gì tức là đã mặc nhiên chấp nhận, vậy thầy hãy thỉnh một vị làm chủ sám, để sám hối tội phạm”

2/ Thể thức thỉnh vị chủ sám hối.

Người phạm tội liền đến trước một Tỳ-kheo làm lễ, quỳ gối, chắp tay, thỉnh như sau:

- Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo... nay kính thỉnh Đại đức làm chủ sám hối tội Ba-dật-đề; xin Đại đức vì tôi làm chủ sám hối tội Ba-dật-dề. Mong Đại đức từ bi lân mẫn. (xin 3 lần)

3/ Thể thức xin Tăng để làm chủ sám.

Vị Tỳ-kheo được thỉnh phải bạch với Tăng như sau:

- Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Vị Tỳ-kheo... cố chứa y dư, phạm tội Xả đọa. Y ấy đã xả cho Tăng; trong đây phạm (bao nhiêu) tội Xả đọa. Nay theo Tăng xin sám hối. Nếu Tăng bằng lòng cho tôi làm chủ sám để thầy ấy sám hối, thì tôi sẽ nhận. (nói 1 lần)

Sau khi Tăng đã đồng ý, vị chủ sám phải rời tòa, đến đảnh lễ Thượng tọa 1 lạy. Nhưng nếu không có ai lớn hơn mình, thì khỏi phải lễ, mà bảo người kia quỳ gối, chắp tay trước mình, rồi hỏi các khoản: đã phạm tội từ bao lâu; có phát lồ hay che giấu; có sử dụng vật đã phạm hay không và có nghe Tăng tụng giới hay không v.v…; gồm có 5 phẩm Ba-dật-đề, 7 phẩm Đột-cát-la được tóm tắt như sau:

  1. Chứa vật dư, phạm căn bản Ba-dật-đề.
  2. Khi Tăng tụng giới, tự nói mình thanh tịnh, phạm Ba-dật-đề.
  3. Khi đối thủ tụng giới, tự nói mình thanh tịnh, phạm Ba-dật-đề.
  4. Khi Tăng Tự-tứ, tự nói mình thanh tịnh, phạm Ba-dật-đề.
  5. Khi đối thủ tự-tứ, tự nói mình thanh tịnh, phạm Ba-đật-đề.
  6. Tự mình có tội mà tụng giới cho Tăng, phạm Đột-cát-la.
  7. Tự mình có tội mà nghe Tăng tụng giới, phạm Đột-cát-la.
  8. Khi Tăng tụng giới, 3 lần hỏi mà im lặng vọng ngữ, phạm tội Đột-cát-la.
  9. Khi tâm niệm tụng giới, tự nói mình thanh tịnh, phạm Đột-cát-la.

10. Khi tâm niệm Tự tứ, tự nói mình thanh tịnh, phạm Đột-cát-la.

11. Tự mình có tội mà nhận người khác sám hối, phạm Đột-cát-la.

12. Sử dụng vật đã vi phạm, phạm Đột-cát-la.

 (Tứ Phần Giới Bổn Như thích, Hoằng Tán soạn, Thiùch Hành Trụ dịch, tr. 246)

Người phạm tội nếu che giấu, thì ngoài tội căn bản Ba-dật-đề còn phạm thêm một hoặc nhiều tội Ba-dật-đề và Đột-cát-la tùng sinh trên đây. Do đó, phải thỉnh một vị sám chủ khác, hoặc thỉnh vị vừa rồi, đi đến chỗ vắng để sám hối các tội tùng sinh Đột-cát-la và Ba-dật-đề.

4/ Sám hối tội tùng sinh Đột-cát-la

Người phạm tội quỳ gối, chắp tay bạch sám hối như sau:

- Đại đức nhất tâm thương tưởng! Tôi Tỳ-kheo... phạm tội sử dụng vật bất tịnh, nghe Tăng thuyết giới và im lặng vọng ngữ (có bao nhiêu tội tùng sinh Đột-cát-la kể ra hết) gồm có (bấy nhiêu) tội.

Nay đến trước Đại đức phát lồ sám hối, không dám tái phạm, nguyện xin Đại đức chứng nhận rằng tôi thanh tịnh, giới thân đầy đủ, thanh tịnh Bố-tát. (nói 1 lần)

Người thọ sám bảo: “Thầy hãy tự trách lấy mình mà sinh tâm từ bỏ”.

Người phạm tội đáp: “Xin vâng”.

Rồi sám hối tiếp tội tùng sinh Ba-đật-đề, nếu như có phạm.

5/ Sám hối tội tùng sinh Ba-đật-đề.

Người phạm tội bạch sám hối như sau:

Đại đức nhất tâm thương tưởng! tôi Tỳ-kheo... cố phạm tội Ba-dật-đề do im lặng vọng ngữ v.v..., không nhớ số lượng là bao nhiêu (nếu nhớ số lượng thì phải nêu ra rõ ràng). Nay đến trước Đại đức phát lồ không dám che giấu, sám hối thì được an lạc, không sám hối thì không an lạc, biết mình phạm tội, nay đã phát lồ, không dám tái phạm. Kính xin Đại đức chứng nhận rằng tôi đã thanh tịnh, giới thân đầy đủ, thanh tịnh Bố-tát. (nói 3 lần)

Người thọ sám bảo: “ Thầy hãy tự trách lấy mình mà sinh tâm từ bỏ”.

Người sám hối đáp: “Xin vâng”.

Sau khi sám hối xong, cả hai người cùng vào trong Tăng, người thọ sám tuyên bố: “Tôi đã nhận sự sám hối các tội tùng sinh của người kia rồi”.

Vị Thượng tọa bảo: “Tốt lắm”.  

6/ Sám hối tội căn bản Ba-dật-dề

Bấy giờ người phạm tội quỳ gối, chắp tay bạch sám hối như sau:

- Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo... cố chứa y dư quá 10 ngày, phạm tội Xả đọa. Y này đã xả cho Tăng. Trong đây có (bao nhiêu) tội Ba-dật-đề, nay hướng đến Đại đức phát lồ sám hối, không dám che giấu, sám hối thì được an lạc, không sám hối thì không an lạc, biết mình phạm tội nay đã phát lồ không dám tái phạm. Kính xin Đại đức chứng nhận rằng tôi đã thanh tịnh, giới thân đầy đủ, thanh tịnh Bố-tát. (nói 3lần)

Người thọ sám bảo: “Thầy hãy tự trách mình mà sinh tâm từ bỏ”.

Người sám hối đáp: “Xin vâng”, đoạn lễ tạ Thượng tọa rồi lui ra.

5.2. Thể thức trả lại vật

Vật dư thừa chủ yếu có 5 thứ:

1. Vải cất giữ trong vòng một tháng.

2. Y do thí chủ vì việc gấp mà cúng dường.

3. Bát dư thừa, ngoài cái mà Luật cho phép.

4. Loại thuốc 7 ngày còn thừa.

5. Chiếc y dư, ngoài ba cái luật định.

Trên nguyên tắc, các vật đã phạm, sau khi xả giữa chúng Tăng, sẽ thành tịnh vật (vật không có lỗi), và Tăng nên để cách một hôm, tác pháp hoàn lại chủ cũ. Nhưng nếu chiếc y phạm trong trường hợp ngủ cách ly với y, thì sau khi người phạm tội sám hối xong, sẽ được trao ngay tại đó. Vì nếu để qua cách đêm thì người này sẽ phạm tội thiếu y. Trong trường hợp thứ hai, nếu người này có công việc phải rời khỏi trú xứ gấp, và Tăng chúng đông đúc, tập hợp khó khăn, thì vật phạm kia cũng được trao lại ngay lúc ấy. Ngoài hai trường hợp này, các trường hợp khác phải để cách đêm mới trao lại. Vì, nếu trao ngay lại, thì vật phạm trước và vật nhận sau sẽ có thời gian liên tục, như vậy trái với Luật định.

Nhưng theo Luật Sư Hoằng Xuyên, trong Tăng Già Tác Trì Yếu Tập, trang 312, thì chỉ trừ 5 vật kể trên và các điều cất giữ vàng bạc, mua bán bảo vật, dùng tơ tằm làm ngọa cụ, ngoài ra các vật thuộc 22 giới khác từ ly y túc cho đến giới biển thủ Tăng vật, đều nên trao ngay tại lúc ấy.

1/ Thể thức trao lại vật ngay khi ấy:

Vị sám chủ hai tay cầm y, bạch như sau:

Bạch Đại đức Tăng, Tỳ-kheo... này cố chứa y dư quá 10 ngày, phạm tội Xả đọa. Y này đã xả cho chúng Tăng. Nếu Tăng bằng lòng, thì giờ đây đem y này trả lại cho Tỳ-kheođây là lời tác bạch.

Bạch Đại đức Tăng! Tỳ-kheo... này cố chứa y dư quá 10 ngày, phạm tội Xả đọa. Y ấy đã xả cho chúng Tăng. Tăng nay đem y ấy trả lại cho Tỳ-kheocác Đại đức nào bằng lòng Tăng nay đem y ấy trả lại cho Tỳ-kheo... thì im lặng; ai không bằng lòng thì nói.

Tăng đã bằng lòng trả y lại cho Tỳ-kheo..., vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

2/ Thể thức để qua đêm trao lại vật:

Nếu như không có nhân duyên đặc biệt thì 5 vật kể trên phải để trải qua đêm mới trao lại. Nhưng khi tập họp Tăng, nếu tác pháp tại giới trường thì không cần phải thuyết dục. Nghĩa là không cần phải tập họp toàn bộ Tăng mà chỉ tập họp một số người vẫn được. Thể thức như đã trình bày ở trên.

3/ Thể thức trao lại bát:

Nếu cái bát của thầy Tỳ-kheo sử dụng, chưa hàn đủ 5 chỗ, mà vì chuộng đẹp, sắm thêm bát mới, thì cái bát này sau khi xả giữa chúng Tăng, Tăng bắt buộc phải để hôm sau mới hoàn lại.

Luật Tăng Kỳ nói: Sau khi ấn định ngày giờ hoàn lại bát, phải thông báo cho mọi người mang theo cái bát mình đang sử dụng lúc đến tập họp.

Khi Tăng tập họp xong, lại cử một người đi đưa bát. Người này trước hết cầm cái bát đã phạm ấy đến dâng cho Thượng tọa. Nếu ngài thích đổi, thì xin lại cái bát cũ của ngài, đem đến Trung tọa đổi tiếp. Cứ thế lần lượt cho đến cái bát cuối cùng của người thấp hạ nhất. Sau đó đem cái bát này trao cho người đã phạm tội, bắt phải giữ gìn cho đến trọn đời, không được sử dụng, không được tịnh thí và không được làm vỡ. Hoặc giả, Tăng chúng không ai muốn đổi cái bát ấy, thì cuối cùng bát ấy cũng được trao lại cho chủ cũ và bắt phải giữ gìn như trên.

6. Sám hối tội Ba-dật-đề

Sám hối tội này chủ yếu giống như sám hối tội Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề, chỉ khác nhau là không có tài vật để xả bỏ. Khi sám hối thì thỉnh một Tỳ-kheo thanh tịnh, rồi đối thủ sám hối ngay trong trú xứ (giới nội) mà không phạm tội biệt chúng.

Vị Tỳ-kheo cầu sám hối phải đến trước một Tỳ-kheo thanh tịnh làm lễ 3 lạy, chắp tay, quỳ gối thỉnh như sau:

- Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo (mỗ giáp) cố ý vọng ngữ (giới thứ nhất của Ba-dật-đề), phạm tội Ba-dật-đề. Nay xin thỉnh Đại đức làm chủ sám hối, mong Đại đức vì tôi làm chủ sám hối. Xin thương xót tôi (3 lần).

Vị sám chủ đáp: “Tốt”.

Vị kia nói: “Xin vâng”. Rồi lạy 1 lạy.

Nếu vị thọ sám là Thượng tọa, hoặc là Sư trưởng thì nên bảo: “Cho phép ông sám hối”.

6.1. Thể thức thẩm sát các tội tùng sinh

Người xin sám hối lạy vị chủ sám 1 lạy, rồi chắp tay quỳ xuống. Vị sám chủ bắt đầu hỏi: “Thầy phạm tội ấy đến nay đã bao lâu rồi? Đã từng hướng đến người khác phát lồ chưa?”

(Nếu đáp có phát lồ thì không phạm tội phú tàng. Nếu đáp chưa phát lồ tức là có tội phú tàng. Đáp xong, lại hỏi tiếp).

Sau khi thầy phạm tội này rồi có nghe Tăng thuyết giới vào mỗi nửa tháng hay không?

(Nếu đáp “có” thì nên bảo):

- Sau khi thầy phạm tội này, lẽ ra phải hướng đến thầy Tỳ-kheo thanh tịnh phát lồ sám hối, nhưng vì không sám hối để trải qua 1 đêm, nên từ tội Ba-dật-đề này phát sinh 1 tội Đột-cát-la phú tàng. Hôm sau, lẽ ra phải phát lồ, thầy không phát lồ nên lần lượt trải qua 1 đêm, do đó mắc thêm 1 tội Đột-cát-la phú tàng. Thầy phạm tội mà che giấu không chịu phát lồ thì bản thân không thanh tịnh, không nên nghe giới, thế mà thầy lại nghe giới, nên lại phạm thêm một tội Đột-cát-la do nghe Tăng thuyết giới. Tội này lại cũng không phát lồ, rồi trải qua một đêm che giấu, tiếp theo đêm sau lần lượt che giấu, thế là mắc phải hai tội tùng sinh. Luật dạy: “Khi Tăng thuyết giới, trải qua 3 lần hỏi, người nào nhớ biết mình có tội mà không phát lồ thì phạm Đột-cát-la”. Thầy đã nghe Tăng thuyết giới, tụng đến giới ấy (tức là giới đã phạm), lại hỏi đến 3 lần “có thanh tịnh hay không?”, lẽ ra phải phát lồ, mà vì không phát lồ nên phạm tội Đột-cát-la khi Tăng thuyết giới mà im lặng vọng ngữ. Tội này lại cũng không phát lồ, trải qua đêm che giấu, rồi lần lượt đêm kế tiếp che giấu, nên mắc phải hai tội tùng sanh”.

Mỗi mỗi hỏi xong, thẩm định có hay không, tùy đáp nhiều hay ít, có (bao nhiêu) tội tùng sanh, liền bảo:

Căn cứ vào những điều thầy đã nói thì gồm chung có 8 tội nhỏ: Một là nghe giới, phạm 1 Đột-cát-la. Hai là im lặng vọng ngữ, phạm 1 Đột-cát-la. Hai phẩm tội này mỗi tội đều có trải qua đêm, rồi đêm kế tiếp che giấu, và 2 phẩm che giấu tội căn bản Ba-dật-đề, cho nên gọi là 8 phẩm tiểu tội. Trước đây thầy thỉnh làm chủ sám hối tội Ba-dật-đề, nay thầy phải thỉnh riêng tôi làm chủ sám hối tội Đột-cát-la. Trước hết phải sám hối tội nhỏ cho xong, sau đó mới sám hối tội Ba-dật-đề.

6.2. Thể thức thỉnh vị chủ sám tội Đột-cát-la

Người xin sám hối làm lễ một lạy, rồi chắp tay, quỳ xuống, thỉnh như sau:

- Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo (mỗ giáp), nay xin thỉnh Đại đức làm chủ lễ sám hối tội Đột-cát-la. Kính mong Đại đức vì tôi làm chủ lễ sám hối tội Đột-cát-la. Xin thương xót tôi. (3 lần)

Vị thọ sám nói: “ Tốt lắm.”

Người sám hối nói: “Xin vâng”, rồi lạy 1 lạy.

6.3. Thể thức sám hối tội Tùng sanh Đột-cát-la

Người phạm tội quỳ gối, chắp tay bạch:

- Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo (mỗ giáp), cố vọng ngữ (ngoài ra, tùy theo tội phạm, tên tội, chủng loại mà kê khai riêng ra), phạm tội Ba-dật-đề, trải qua một đêm che giấu, rồi qua đêm kế tiếp lại lần lượt che giấu, đồng thời nghe Tăng thuyết giới, và im lặng vọng ngữ, phạm tội Đột-cát-la. Trải qua đêm lại che giấu, tiếp theo đêm sau lại che giấu, phạm thêm tội Đột-cát-la, không nhớ số lượng (nếu chỉ có một lần thì không cần dùng câu “không nhớ số lượng” mà chỉ nói):

Nay hướng đến Đại đức phát lồ sám hối, không dám làm nữa. Kính mong Đại đức chứng minh cho tôi.(3 lần)

Vị chủ sám bảo: “Hãy tự trách tâm thầy mà sinh nhàm chán”.

Đáp: “Xin vâng”, rồi lạy 1 lạy.

6.4. Chính thức sám hối tội căn bản Ba-dật-đeÀ

Người sám hối quỳ gối, chắp tay, tác bạch như sau:

Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo (mỗ giáp), cố vọng ngữ, phạm (bao nhiêu) tội Ba-dật-đề (nếu nhiều quá không nhớ số thì đổi hai chữ “bao nhiêu” thành ra nhiều tội).

Nay hướng đến Đại đức phát lồ sám hối, không dám che giấu. Sám hối thì được an lạc, không sám hối thì không an lạc, nhớ những tội đã phạm xin phát lồ, đã biết không dám che giấu nữa. Mong Đại đức nhớ cho tôi thanh tịnh, giới thân đầy đủ, thanh tịnh Bố-tát (ức ngã thanh tịnh, giới thân Cụ túc, thanh tịnh bố tát). (nói 3 lần).

Vị sám chủ bảo: “Hãy tự trách tâm thầy mà sinh nhàm chán”.

Đáp: “Xin vâng”, rồi lạy 1 lạy.

(Tăng già tác trì yếu tập, trang 323 - 333)

7. Sám hối tội Ba-la-đề Đề-xá-ni

Ba-la-đề-đề-xá-ni là phiên âm của chữ (Pàli) Patidesaniya, dịch nghĩa là Hướng bỉ hối, Tỳ-kheo gồm 4 pháp, Tỳ-kheo-ni có 8 pháp. Tội này là do vấn đề ăn uống mà tăng trưởng lòng tham làm hỏng lòng tín kính của thí chủ, cho nên Phật ngăn cấm. Căn bản Luật Nhiếp nói: Tại một trú xứ, hiện có bao nhiêu Tỳ-kheo, thì đều phải đối diện trình bày riêng với từng người, không giống như các tội khác, nên gọi là Hướng bỉ hối (hướng đến người kia sám hối). Khi phạm tội này, thì phải bày tỏ ngay, không được diên trì.

Căn cứ Luật Tăng Kỳ, Thập Tụng và Tứ Phần, khi phạm tội này, phải hướng đến một người, nói lên một lần sự hối lỗi, tội liền được tiêu trừ.

7.1. Phân biệt tướng của tội.

Nếu Tỳ-kheo không bệnh mà tự tay nhận thức ăn của Tỳ-kheo-ni không phải bà con; hoặc tại nhà cư sĩ, ăn thức ăn do Tỳ-kheo-ni trao cho; hoặc không bệnh mà nhận thức ăn của người học gia; hoặc ở A-lan-nhã không bệnh mà tự tay nhận thức ăn của thí chủ để ăn, thì thành tội. Trong 4 pháp này, nếu nhận thức ăn do Tỳ-kheo-ni trao cho, mà không có Tỳ-kheo nào khuyến cáo, thì thành phạm tội. Những Tỳ-kheo này đều phải hướng vào nhau mà nói lời sám hối (nghĩa là người phạm tội hướng vào người cùng ăn với mình mà nói lời hối lỗi), thì tội mới tiêu trừ. Ngoài ra, 3 pháp kia chỉ cần hướng đến một Tỳ-kheo nói lời sám hối, thì tội được tiêu trừ.

7.2. Thể thức thỉnh vị chủ sám hối tội Đề-xá-ni

Người xin sám hối phải đến một Tỳ-kheo thanh tịnh, đảnh lễ 3 lạy, quỳ gối, chắp tay, xin như sau:

Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo (mỗ giáp), không bệnh mà ở tại thôn xóm kia, tự tay nhận thức ăn của Tỳ-kheo-ni không phải bà con để ăn, (ngoài ra tùy theo chỗ phạm mà kể ra từng loại tên riêng...) phạm tội Ba-la-đề-đề-xá-ni. Nay kính thỉnh Đại đức làm chủ sám hối, mong Đại đức vì tôi làm chủ sám hối. Xin thương xót. (3 lần).

Sám hối chủ đáp: “Tốt”.

Người ấy nói: “Xin vâng”. Rồi lạy một lạy.

Nếu người thọ sám là Thượng tọa, hoặc Sư trưởng, thì nên nói: “Cho phép thầy sám hối”.

Theo Căn Bản Luật Nhiếp thì khi phạm tội này phải trình bày ngay, không được để lâu, không giống như những tội khác, nên không có các tội phú tàng. Hơn nữa, trong San Bổ Yết Ma và Hành Sự Sao đều không có đề cập đến việc sám hối tiểu tội phú tàng.

7.3. Thể thức sám hối chính

Người xin sám hối, quỳ trước vị sám chủ chắp tay, chí thành xả tội:

Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo (mỗ giáp) không bệnh mà ở tại thôn xóm cố ý tự tay nhận lấy thức ăn của Tỳ-kheo-ni không phải bà con để ăn, phạm tội Ba-la-đề-đề-xá-ni, phạm pháp đáng quở trách, lẽ ra không nên làm. Nay hướng đến Đại đức xin sám hối.(nói 3 lần)

Sám hối chủ hỏi: “Thầy có thấy tội không?”.

Người sám hối đáp: “Có thấy”.

- Cẩn thận chớ có tái phạm.

- Xin thành kính ghi nhận.

(Lạy 1 lạy rồi trở về vị trí)

8. Sám hối tội Đột-cát-la

Trường hợp phạm tội Đột-cát-la có hai loại không giống nhau.

Kinh Tỳ-ni Mẫu nói: “Nếu cố ý làm thì đối diện sám hối với một người. Nếu làm vì lầm lỡ thì tự trách tâm sám hối”.

8.1. Thể thức thỉnh vị chủ sám hối

Người xin sám hối, tùy ý đến một Tỳ-kheo thanh tịnh, làm lễ, quỳ gối chắp tay, thỉnh như sau:

Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo (mỗ giáp), cố ý mặc Tăng-già-lê không tề chỉnh, phạm tội Đột-cát-la. Nay xin thỉnh Đại đức làm chủ sám hối, mong Đại đức vì tôi làm chủ sám hối. Xin thương xót (3 lần).

Sám hối chủ nói: “Tốt”.

 Người xin sám hối nói: “Xin vâng”, rồi lạy 1 lạy.

Nếu sau khi phạm rồi che giấu, hoặc một ngày hoặc nhiều ngày mới sám hối thì nên thẩm xét các tội tùng sanh, gồm 5 phẩm, hoặc đủ hoặc không đủ, các việc không nhất định, tùy phạm mà nói. Nếu có, trước hết sám hối tội tùng sinh rồi đến căn bản. Cách thức sám hối, tương tự như sám tội Ba-dật-đề. Nếu không che giấu thì thỉnh vị chủ sám rồi, liền sám hối tội căn bản.

8.2. Phép sám hối tội do cố ý

Người xin sám hối, lại phải đối diệän với vị chủ sám, quỳ gối chắp tay, chí thành xả tội:

Đại đức nhất tâm niệm! Tôi Tỳ-kheo (mỗ giáp), cố ý mặc y Tăng-già-lê không tề chỉnh, phạm tội Đột-cát-la. Nay hướng đến Đại đức phát lồ sám hối, không dám làm lại, mong Đại đức chứng minh cho. (nói 1 lần)

Vị sám chủ bảo: “Thầy hãy tự trách lấy mình mà sinh tâm từ bỏ”.

Người sám hối nói: “Xin vâng”.

Ở đây chỉ căn cứ vào giới thứ 2 trong 100 giới chúng học, ngoài ra nếu phạm các giới khác thì cách sám hối giống như trên, chỉ có tên tội là khác thôi.

Nếu phá An cư, thì nói: “Cố phá An cư, phạm tội Đột-cát-la. Nay hướng đến Đại đức phát lồ sám hối, v.v.. .”

Người phá An cư, dù có sám hối cũng không được tuổi hạ, không được y công đức, chỉ khi mệnh chung khỏi sa vào địa ngục; nếu như không sám hối thì mệnh chung sẽ rơi vào địa ngục.

8.3. Sám hối tội do vô ý

Nếu vô ý làm thì pháp sám hối không cần đối diện với người khác, mà chỉ tự trách tâm mình. Nếu không làm nữa, thì tội liền tiêu diệt. Người phạm tội phải sửa soạn đầy đủ oai nghi, tâm sinh tàm quý, miệng nói như sau:

Tôi Tỳ-kheo (mỗ giáp), sơ ý mặc y Tăng-già-lê không tề chỉnh, phạm tội Đột-cát-la, tôi nay tự trách tâm mà hối lỗi. (nói 1 lần).



(1) – Nghĩa là trước đây đã được Tăng sai đi giáo giới, nhưng nay không được đi nữa.

(2) – Tương tự: 3 tội Ba-la-di khác.

Tùng sinh: Tức loại tội Thâu-lan-giá của Ba-la-di.

Nặng hơn: Tức tội nghịch hay phá phạm hạnh người khác.

(1) – Luật Trùng Trị Huyền Ty.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn