Phụ Lục 3 Nghi Thức Truyền Giới Bồ-tát Tại Gia

19 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 9392)

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
LUẬT HỌC TINH YẾU

Hoà Thượng Thích Phước Sơn
Nhà xuất bản Phương Đông 2006 – PL 2550

PHẦN PHỤ LỤC

Phụ lục 3
NGHI THỨC TRUYỀN GIỚI BỒ-TÁT TẠI GIA

(Trích từ “Nghi thức truyền giới và Bố-tát...”, HT. Thích Trí Thủ, in năm 1974, từ trang 16 -> trang 45)

A. PHẦN MỞ ĐẦU

Chung với Bồ-tát xuất gia. Nhưng lúc truyền giới, Bồ-tát tại gia được truyền trước, Bồ-tát xuất gia được truyền sau hoặc ngược lại, hoặc Giới sư được phân làm hai ban, một ban truyền giới xuất gia, và một ban truyền giới tại gia, tại chánh điện (XG) và tại giảng đường (TG).

I. TẠI NHÀ PHƯƠNG TRƯỢNG HOAËC TẠI TĂNG ĐƯỜNG:

Lễ Thỉnh Sư

1. Vị dẫn thỉnh: Sau khi khai 3 tiếng chuông bảo chúng báo hiệu giờ truyền giới bắt đầu, khoảng 10 phút, vị dẫn thỉnh đánh ba hồi khánh và 4 tiếng, xướng rằng:

- Cung thỉnh chư Tôn đức an tọa.

- Chư giới tử cầu thọ Bồ-tát giới tựu ban. (xuất gia trước tại gia sau).

2. Đại diện giới tử tác bạch cầu thỉnh Giới sư:

Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Ngưỡng bạch chư Tôn đức, chúng con có duyên sự xin đầu thành đảnh lễ tác bạch (Tất cả đồng lễ một lạy, quỳ bạch):

Ngưỡng bạch chư Tôn đức, chúng con là... bấy lâu có lòng khát ngưỡng Giới pháp Bồ-tát, hôm nay gặp đủ duyên lành, chúng con thành tâm đảnh lễ thỉnh chư Tôn đức, không quản lao nhọc, đăng đàn truyền cho chúng con Giới pháp Bồ-tát (xuất gia và tại gia). Cúi xin chư Tôn đức ai mẫn hứa khả để chúng con được ân triêm công đức. (Bạch 3 lần).

3. Lời hứa khả của Giới sư:

Lành thay, để truyền thừa sự nghiệp của đức Phật, chư Tôn đức hiện tiền đều hoan hỷ hứa khả.

4. Đại diện giới tử bạch:

Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật:

Trên chư Tôn đức đã từ bi hứa khả cho rồi, chúng con xin đầu thành đảnh lễ cúng dường tam bái. (đồng lễ 3 lạy)

5. Thỉnh chư Tôn đức lên Tổ đường:

Dẫn thỉnh xướng:

- Chư giới tử xuất ban.

- Cung thỉnh chư Tôn đức tề nghệ Tổ đường.

(Đoàn cung thỉnh gồm có tàn, lọng, bê tích, khánh pháp hiệu, ngũ âm v.v... dẫn đầu, giới tử quỳ hai hàng từ Tăng đường đến Tổ đường).

II. TẠI TỔ ĐƯỜNG:

1. Giới sư và giới tử lễ Tổ:

Dẫn thỉnh xướng:

- Cung thỉnh chư Tôn đức lập ban, niêm hương cáo Tổ. (Niêm hương xong xướng lễ Tổ):

- Nhất tâm đảnh lễ Tây Thiên Đông Độ Việt Nam Lịch Đại chư vị Tổ sư Hòa thượng tam bái.

- Cung thỉnh chư Tôn đức phân lập lưỡng ban.

- Chư giới tử Bồ-tát tựu ban.

- Nhất tâm đảnh lễ Tây Thiên Đông Độ Việt Nam Lịch Đại chư vị Tổ sư Hòa thượng tam bái: (giới tử đồng lễ)

2. Thỉnh chư Giới sư lên chánh điện:

- Chư giới tử thối ban. (giới tử và đoàn cung nghinh Giới sư lên chánh điện)

- Cung thỉnh chư Tôn đức tề nghệ Tam bảo tiền.

III. TẠI CHÁNH ĐIỆN:

1. Lễ niêm hương, bạch Phật:

Dẫn thỉnh xướng:

- Cung thỉnh chư Tôn đức lập ban.

- Chư giới tử tựu ban.

- Chư giới tử! Hồ quỳ, hiệp chưởng.

- Khởi Bát nhã chung cổ.

- Cung thỉnh Giới sư niêm hương, bạch Phật, cầu gia bị.

2. Giới sư đảnh lễ: (giới tử vẫn quỳ)

 Sau khi Giới sư niêm hương, dẫn thỉnh xướng lễ:

 - Nhất tâm đảnh lễ, tận hư không biến pháp giới, quá hiện vị lai thập phương thường trụ chư Phật. (1 lạy)

(Đại chúng đồng lạy, nếu chỗ rộng, không thì chỉ xá)

- Nhất tâm đảnh lễ, tận hư không biến pháp giới, quá hiện vị lai thập phương thường trụ tôn Pháp. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ, tận hư không biến pháp giới, quá hiện vị lai thập phương thường trụ Hiền Thánh Tăng. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ, đạo tràng Giáo chủ Bổn sư Thíc-ca Mâu-ni Phật. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ Phạm Võng Giáo chủ Lô-xá-na Phật. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ Thiên hoa Đài thượng Thiên bách ức hóa thân Thích-ca Mâu-ni Phật. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ đương hội đạo tràng nhất thiết chư Phật. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ Đại Hạnh Phổ Hiền Vương Bồ-tát. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ Đại Từ Di Lặc Bồ-tát. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ Bổn Tôn Địa Tạng Vương Bồ-tát Ma-ha-tát. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ Chư vị Hộ Pháp Bồ-tát. (1 lạy)

3. Tán hương: A-xà-lê cử tán:

 Nhất trần tài nhiệt, hải tạng viên thâu, hà sa chư Phật hiện mao đầu, xứ xứ tiện quy lưu, hương ái sơ phù, tâm địa giới châu lưu.

Nam mô Hương Vân Cái Bồ-tát Ma-ha-tát.

4. Thỉnh chư Tôn đức thăng tòa:

Dẫn thỉnh xướng:

- Chư giới tử! Hồ quỳ, hiệp chưởng.

Dẫn thỉnh quỳ phía hữu, phía để chuông gia trì, quay mặt vào giữa, chắp tay, xướng rằng:

Nhất chú chiên đàn hương

Cử khởi biến thập phương

Thỉnh sư đăng bảo tọa

Bỉnh pháp quảng tuyên dương.

(Giới sư thăng tòa. Có thể chia thành 2 ban, nếu giới tử đông. Một ban ở tại chánh điện truyền giới Bồ-tát xuất gia. Một ban khác được cung thỉnh ra giảng đường truyền giới Bồ-tát tại gia).

Dẫn thỉnh đứng lên, xướng:

- Chư giới tử! Khởi thân, chí thành đảnh lễ tam bái.

- Chư giới tử xuất ban.

Vị dẫn thỉnh trở về chỗ ngồi cùng ngồi như chư Tôn đức.

B. PHẦN TRUYỀN GIỚI BỒ-TÁT:

I. KHAI LUẬT KỆ:

Giới sư chủ đàn đứng dậy, cầm thủ lư, cử tụng:

Nguyện thử hương hoa vân

Biến mãn thập phương giới

Nhất thiết chư Phật độ

Vô lượng hương trang nghiêm

Cụ túc Bồ-tát đạo

Thành tựu Như Lai hương.

Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Khai Luật kệ:

Vô thượng thậm thâm Tỳ-ni pháp

Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ

Ngã kim kiến văn đắc thọ trì

Nguyện giải Như Lai Tỳ-ni nghĩa.

Giới sư chủ đàn để thủ lư xuống bàn, ngồi kiết già an tọa.

II. HỌP TĂNG, KIẾT TIỂU GIỚI:

1. Họp Tăng: Yết-ma A-xà-lê vỗ thủ xích, hỏi rằng:

- Đại đức Tăng đã họp đông đủ chưa?

- Tăng đã họp (dẫn thỉnh đáp).

- Hòa hiệp không?

- Hòa hiệp.

- Người chưa thọ giới Bồ-tát đã ra chưa?

- Đã ra.

- Các Tỳ-kheo không đến họp, có thuyết dục không.

- Không

Tăng hội họp để làm gì?

Vì người hảo tâm, Yết-ma truyền Bồ-tát Đại giới.

2. Kiết tiểu giới: (Nếu gặp chỗ chưa kiết giới. Chỗ đã kiết giới rồi thì không cần). Yết-ma A-xà-lê bạch rằng:

- Đại đức Tăng lắng nghe, Tăng nay họp một chỗ, kiết tiểu giới, nếu Tăng phải thời mà đến, Tăng thuận cho, kiết Tiểu giới, bạch như thế, tác bạch có thành không?

- Thành (chúng Tăng đồng đáp)

- Đại đức Tăng lắng nghe, Tăng nay hội họp một chỗ kiết Tiểu giới, các Trưởng lão bằng lòng thì im lặng, ai không bằng lòng thì nói. Yết-ma có thành không?

- Thành (chúng Tăng đồng đáp)

- Tăng đã bằng lòng kiết Tiểu giới xong. Tăng bằng lòng cho nên im lặng, việc này tôi ghi nhận như vậy. (Tất cả đồng chắp tay, cúi đầu xá).

III. TRUYỀN GIỚI BỒ-TÁT TẠI GIA:

1. Giới tử tựu ban, đảnh lễ:

Dẫn thỉnh đánh khánh, xướng:

- Giới tử cầu thọ giới Bồ-tát tại gia tựu ban.

 (nam phía trái, nữ phía phải)

- Các giới tử hãy nghe tôi xướng và theo mỗi tiếng chuông, chí thành đảnh lễ.

- Nhất tâm đảnh lễ, tận hư không biến pháp giới, quá hiện vị lai thập phương thường trụ chư Phật. (1 lạy)

(Đại chúng đồng lạy, nếu chỗ rộng, không thì chỉ xá)

- Nhất tâm đảnh lễ, tận hư không biến pháp giới, quá hiện vị lai thập phương thường trụ tôn Pháp. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ, tận hư không biến pháp giới, quá hiện vị lai thập phương thường trụ Hiền Thánh Tăng. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ, đạo tràng Giáo chủ Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ Phạm Võng Giáo chủ Lô-xá-na Phật. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ Thiên hoa Đài thượng Thiên bách ức Hóa thân Thích-ca Mâu-ni Phật. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ đương hội đạo tràng nhất thiết chư Phật. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ Đại Hạnh Phổ Hiền Vương Bồ-tát. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ Đại Từ Di Lặc Bồ-tát. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ Bổn Tôn Địa Tạng Vương Bồ-tát Ma-ha-tát. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ đương hội đạo tràng chư tôn Bồ-tát. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ Lịch đại chư vị Tổ sư Bồ-tát (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ A-xà-lê Hòa thượng. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ Yết-ma A-xà-lê. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ Giáo thọ A-xà-lê. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ thất vị Tôn Chứng sư. (1 lạy)

- Nhất tâm đảnh lễ hiện tiền chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng già. (1 lạy)

2. Hướng dẫn giới tử thỉnh sư:

 Dẫn thỉnh xướng và hướng dẫn:

- Chư giới tử, hồ quỳ, hiệp chưởng.

- Các giới tử, các vị đã nhất tâm đảnh lễ chư Phật, chư Bồ-tát, chư Tổ và Liệt vị Giới sư. Giờ này, để khỏi bỡ ngỡ trong khi nói lời tác bạch cần cầu được truyền trao Đại giới Bồ-tát, các giới tử hãy nói lặp lại theo lời tôi hướng dẫn sau đây:

- Đại đức nhất tâm niệm, đệ tử pháp danh là… cầu xin Đại đức truyền trao cho tất cả tịnh giới Bồ-tát. Cúi xin Đại đức không vì mệt nhọc, thương tưởng, hứa khả lời thỉnh cầu của chúng con. (Bạch 3 lần, theo tiếng khánh, 3 lần cúi đầu lễ bái).

Giới sư đáp rằng:

- Lành thay! Chư Tôn đức đều hoan hỷ hứa khả.

3. Khai đạo giới tử:

Giáo thọ sư dạy bảo rằng:

- Này các Giới tử! Nên biết rằng theo tiếng Phạn, Giới được gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa, dịch là Bảo giải thoát, có nghĩa là giới thường bảo hộ người tu hành, giải thoát sinh tử, đạt đến vô thượng Bồ đề. Bởi thế, Giới là vị Đạo sư của quả vị tối thượng Bồ ầề, là đường tắt vào Vô thượng Đại Niết-bàn. Quá khứ chư Phật nhờ giới mà thành đạo. Hiện tại chư Phật lấy giới để độ sinh. Vị lai người tu hành sẽ nhờ giới mà được giải thoát. Giới là nền tảng của thiền định và trí tuệ. Muôn đức trang nghiêm, giới là căn bản. Vì thế, kinh có nói rằng: Giới như vị lương y hay trị ba độc tham, sân, si. Giới như thuyền bè đưa người qua bể khổ. Giới như chuỗi anh lạc để trang nghiêm Pháp thân. Nhưng giới này có ba thứ: một là giới tại gia là 5 giới và 8 giới; hai là giới xuất gia là 10 giới và 250 giới, ba là Đạo tục thông hành giới là Bồ-tát tam tụ tịnh giới, là giới mà các Phật tử sắp lãnh thọ.

Thế nào là Tam tụ tịnh giới?

1. Nhiếp luật nghi giới: Không làm các điều ác, để cầu chứng Pháp thân.

2. Nhiếp thiện pháp giới: Làm mọi việc lành, để cầu chứng Báo thân.

3. Nhiêu ích hữu tình giới: Làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh, để cầu chứng Hóa thân.

Giới thể tuy một, nhưng vì nhân duyên của các hàng xuất gia và tại gia không giống nhau nên sự hành trì do đó có khác. Tức là phân biệt có xuất gia Bồ-tát và tại gia Bồ-tát giới.

Giới pháp tại gia Bồ-tát này do đức Thích Tôn vì thương tưởng các hàng tại gia bị nhiều trần duyên trói buộc, nhưng đã dõng mãnh phát Bồ-đề tâm, cầu thành Phật đạo, hộ trì chánh pháp vĩnh viễn trường tồn, giáo hóa chúng sinh, tu hành thiện nghiệp, nên Ngài đã phương tiện khai thị trong kinh Ưu-bà-tắc giới.

 Giới pháp này chính là căn bổn của hết thảy thiện pháp. Nếu ai thành tựu được giới pháp như vậy, chẳng những sẽ chứng đắc Tu-đà-hoàn quả cho đến A-na-hàm quả, mà còn sẽ dẫn đến Bồ-tát đạo. Nếu ai phá giới này, sẽ đọa lạc trong ba ác đạo.

 Giới pháp này là bất khả tư nghì. Vì sao vậy? Vì người đã thọ giới pháp này tuy là tại gia hưởng thọ ngũ dục mà không bị chướng ngại các Thánh đạo.

 - Các giới tử! Các ngươi có phải vì thương tưởng hết thảy chúng sinh mà cầu thọ giới pháp này chăng?

Giới tử đáp: - Bạch Hòa thượng, chính phải.

4. Hỏi về già nạn:

Về các già nạn, Giáo thọ sư lại hỏi tiếp rằng:

- Các giới tử! Để được thọ giới Bồ-tát, các giới tử phải là người không có 7 tội chướng. Bây giờ tôi hỏi các vị, các vị cứ như sự thật mà đáp.

1. Nay Phật không còn ở đời, nhưng những hành động moi khoét tượng Phật, phá chùa, hoại tháp, đều giống với tội làm thân Phật ra máu. Phật tử có phạm tội này không?

- Mô Phật, không. (Giới tử đáp).

2. Phật tử có giết cha không?

- Mô Phật, không.

3. Phật tử có giết mẹ không?

- Mô Phật, không.

4. Phật tử có giết Hòa thượng không?

- Mô Phật, không.

5. Phật tử có giết A-la-hán không?

- Mô Phật, không.

6. Phật tử có phá Yết-ma Tăng không?

- Mô Phật, không.

7. Phật tử có giết Thánh Tăng không?

- Mô Phật, không.

Dẫn thỉnh xướng:

- Khởi thân đảnh lễ tam bái. (Giới tử lễ 3 lạy)

Hồ quỳ, hiệp chưởng.

5. Giới sư thỉnh Phật và Bồ-tát làm Thập sư:

Giới sư hướng dẫn giới tử thỉnh Phật và Bồ-tát làm Thập sư, để cầu giới. Giới sư dạy rằng:

Các giới tử! Các vị đã không có các già nạn, tức các vị có thể thọ lãnh giới Bồ-tát. Bây giờ, các vị phải hết lòng cầu thỉnh Phật Thích-ca làm Hòa thượng, Bồ-tát Văn Thù và Di Lặc làm A-xà-lê, mười phương Như Lai là Tôn chứng sư, mười phương Bồ-tát là bạn lữ đồng học. Các vị hãy nhất tâm lặp lại theo lời tôi hướng dẫn để cầu thỉnh.

Đệ tử pháp danh là... nhất tâm phụng thỉnh, đức Thích-ca Như Lai, vì con làm Hòa thượng. Con nương theo Hòa thượng, để được thọ giới tại gia Bồ-tát, xin thương xót chúng con. (3 lần thỉnh, 3 lần cúi đầu xá).

- Đệ tử pháp danh là... nhất tâm phụng thỉnh Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát vì con làm Yết-ma A-xà-lê. Con nương tựa theo A-xà-lê để được thọ giới tại gia Bồ-tát, xin thương xót chúng con. (3 lần thỉnh, 3 lần cúi đầu xá)

- Đệ tử pháp danh là... nhất tâm phụng thỉnh Di Lặc Bồ-tát vì con làm Giáo thọ A-xà-lê, con nương theo A-xà-lê để được thọ giới tại gia Bồ-tát, xin thương xót chúng con. (3 lần thỉnh, 3 lần cúi đầu xá)

- Đệ tử pháp danh là:.. nhất tâm phụng thỉnh thập phương Như Lai, vì con làm Tôn chứng. Con nương theo các đức Như Lai để được thọ giới tại gia Bồ-tát, xin thương xót chúng con. (3 lần thỉnh, 3 lần cúi đầu xá)

- Đệ tử pháp danh là... nhất tâm phụng thỉnh thập phương chư đại Bồ-tát, vì con làm bạn lữ đồng học, con nương theo các Bồ-tát để được giới tại gia Bồ-tát xin thương xót chúng con. (3 lần thỉnh, 3 lần cúi đầu xá)

Hướng dẫn giới tử, Dẫn thỉnh xướng:

- Khởi thân đảnh lễ chư Phật, chư Bồ-tát tam bái.

- Hồ quỳ, hiệp chưởng.

6. Dẫn sư thay giới tử bạch xin giới

Hướng dẫn giới tử thỉnh, Dẫn sư dạy rằng:

- Các giới tử, nay tôi hướng dẫn các vị cầu xin giới Bồ-tát tại gia. Các vị hãy lặp lại theo lời tôi nói:

- Chúng con pháp danh là... thành tâm cầu xin chư Đại đức thương xót trao cho chúng con tất cả tịnh giới Bồ-tát tại gia. (3 lần thỉnh, 3 lần cúi đầu xá)

 - Lành thay! Hiện tiền chư Tôn đức đều hứa khả. (lời đáp của Giới sư)

7. Khuyên phát Bồ đề tâm: Giới sư bảo rằng:

- Các giới tử! Các vị muốn cần cầu giới pháp, hãy chuyên tâm, thành kính hướng về cảnh giới thanh tịnh, chớ có vọng tưởng đến cảnh khác. Hãy khởi tâm suy nghĩ như thế này: Tôi nay không bao lâu sẽ được đại công đức tạng không lường, không cùng, không có công đức nào hơn giới pháp này.

- Các giới tử! Các vị nên biết, muốn thọ giới Bồ-tát cần phải phát Bồ-đề tâm. Tâm Bồ-đề là tâm đại đạo. Thế nào gọi là tâm đại đạo? Nghĩa là tâm thật rộng lớn, trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ tất cả chúng sinh, đó là đại đạo tâm, tức là Phật tâm. Vì muốn cầu Phật đạo hàng Bồ-tát phát tâm không hạn lượng, phụng thờ cúng dường không những chỉ một đức Phật, hai đức Phật mà cho đến trăm ngàn đức Phật ở khắp mười phương vô tận thế giới, hư không giới, để cầu nhất thiết trí, thành tựu không lường trăm ngàn pháp môn. Lại vì cứu độ chúng sinh, hàng Bồ-tát phát tâm không hạn lượng, không những chỉ độ chúng sinh trong một thế giới, hai thế giới mà cho đến độ thoát tất cả chúng sinh khắp 10 phương vô tận pháp giới, hư không giới. Đó là hai mục đích mà Bồ-tát phát tâm Bồ-đề. Người phát âm và lập nguyện như thế chính là Bồ-tát. Trong giờ phút trang nghiêm và thanh tịnh này, các vị đã phát tâm như thế chưa?

Giới từ đáp: Mô Phật đã phát.

Giới sư lại dạy rằng:

Các giới tử! Bồ-tát chỉ mới phát tâm Bồ-đề thôi mà đã có căn lành, công đức không hạn lượng. Vì sao? Vì Bồ-tát này không dứt chủng tánh Như Lai. Vì do phát tâm mà hành Bồ-tát được tất cả chư Phật trong ba đời thường nhớ tưởng, hộ niệm, và sẽ được Vô thượng Bồ-đề của tất cả chư Phật trong ba đời, đồng thời cũng được nhập vào thể tánh bình đẳng như tất cả chư Phật. Bởi thế, ngay lúc phát tâm Bồ-đề, liền được tất cả Như Lai khen ngợi, liền được trừ diệt tất cả thống khổ trong các ác đạo, liền có thể sẽ được thanh tịnh quốc độ Phật, và được chủng tánh Phật, rồi đây các Phật tử sẽ ở trong các thế giới, sẽ thị hiện làm Phật.

Các giới tử! Các vị có phải là Bồ-tát không?

Giới tử đáp: Mô Phật, phải.

Giới sư lại hỏi tiếp:

- Các giới tử đã nguyện phát tâm Bồ-đề chưa?

Giới tử đáp: Mô Phật, đã phát tâm Bồ-đề. (cúi đầu xá)

8. Gạn hỏi phép thọ giới. Giới sư hỏi rằng:

Các giới tử! Hãy lắng nghe tôi hỏi. Trong giờ phút trang nghiêm thanh tịnh này, các vị muốn nương nơi tôi để thọ tất cả học xứ của Bồ-tát, thọ lãnh tất cả tịnh giới của Bồ-tát; đó là Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới. Học xứ như thế, tịnh giới như thế, quá khứ tất cả Bồ-tát đều đã đầy đủ; vị lai tất cả Bồ-tát đều sẽ đầy đủ; hiện tại tất cả Bồ-tát đang có đầy đủ. Học xứ này, tịnh giới này, quá khứ tất cả Bồ-tát đã học; vị lai tất cả Bồ-tát sẽ học; hiện tại tất cả Bồ-tát đang học. Các vị có thể thọ trì được không?

Giới tử đáp: Mô Phật, thọ được (3 lần hỏi đáp, 3 lần đánh khánh khấu thủ)

9. Thọ 4 tín tâm thất hoại:

Giới sư dạy bảo rằng:

Các giới tử! Trong giờ phút này, các vị còn phải thọ 4 điều tin kiên cố, kinh gọi là “Tứ bất hoại tín”. Các vị hãy lặp lại theo lời tôi hướng dẫn, và hãy chí thành lãnh thọ.

Đệ tử pháp danh là... từ thân này cho đến thân cùng tột đời vị lai, nguyện quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, quy y chánh pháp giới. (3 lần lặp lại, 3 lần cúi đầu xá)

10. Sám hối tội trong ba đời:

Giới sư dạy bảo rằng:

Các giới tử! Các vị đã thọ 4 đức tin kiên cố rồi. Giờ này trước Tam bảo, các vị nên sám hối tội lỗi trong ba đời, các vị hãy lặp lại lời tôi nói:

Đệ tử pháp danh là... nếu trong quá khứ, thân, khẩu, ý đã tạo mười điều ác, thì hôm nay nguyện cùng tận đời vị lai, không bao giờ sinh khởi, tái phạm. (3 lần lặp lại, 3 lần cúi đầu xá).

Đệ tử pháp danh là... nếu trong đời hiện tại, thân, khẩu, ý đã tạo mười điều ác, thì hôm nay nguyện cùng tận đời vị lai, không bao giờ sinh khởi. (3 lần lặp lại, 3 lần cúi đầu xá).

Đệ tử pháp danh là... nếu trong đời vị lai, thân, khẩu, ý đã tạo mười điều ác, thì hôm nay nguyện cùng tận đời vị lai, không bao giờ sinh khởi, tái phạm. (3 lần lặp lại, 3 lần cúi đầu xá).

Giới sư lại dạy tiếp:

Các giới tử! Các vị phải dốc lòng cầu sám hối các tội lỗi. Hãy lặp lại lời tôi hướng dẫn:

Xưa con đã tạo các ác nghiệp

Đều do vô thỉ tham, sân, si

Từ thân miệng ý phát sinh ra

Tất cả con nay xin sám hối.

Nam mô Cầu Sám Hối Bồ-tát Ma-ha-tát. (3 lần cúi đầu xá)

Dẫn thỉnh xướng:

 - Khởi thân, chí thành đảnh lễ Tam bảo tam bái.

- Hồ quỳ, hiệp chưởng.

11. Khuyên phát nguyện rộng lớn:

Giới sư khuyên dạy rằng:

Các giới tử! Các vị đã sám hối rồi, 3 nghiệp thanh tịnh, như bình lưu ly trong sạch, trong ngoài sáng chói. Bây giờ, các vị nên đối với bốn chân lý khổ, tập, diệt, đạo phát 4 lời thệ nguyện rộng lớn.

Thế nào là khổ đế? Khổ là các thứ quả báo mà tất cả chúng sinh trong lục đạo đều phải gánh chịu. Bồ-tát thấy thế liền phát nguyện cứu độ tất cả chúng sinh thoát ly khổ quả. Tức là chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.

Thế nào là tập đế? Tập là những phiền não vọng tưởng mà tất cả chúng sinh đã tích lũy từ vô thủy kiếp đến nay, chiêu cảm vô lượng khổ quả ở vị lai, xoay vần trong ba cõi, không hẹn ngày ra khỏi. Bồ-tát thấy thế liền phát nguyện cứu độ tất cả chúng sinh, bằng cách trừ diệt tất cả phiền não nghiệp cảm. Tức là phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.

Thế nào là diệt đế? Đây là Niết-bàn vắng lặng. Tất cả chúng sinh vì không biết tu hành theo chánh pháp, nên không chứng được Niết-bàn không sinh không diệt của chư Phật Như Lai. Bồ-tát thấy thế, liền phát nguyện chóng thành Phật đạo để hóa độ chúng sinh. Tức là Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Thế nào là đạo đế? Đây là con đường, là phương pháp tu nhân chân chính để được giải thoát. Tất cả chúng sinh vì không biết tu tập chánh pháp, cho nên phải trôi lăn trong sáu đường, không thể nào được an lạc, tự tại. Bồ-tát thấy thế, liền tuyên dương vô lượng pháp môn để giáo hóa chúng sinh tu học. Tức là pháp môn vô lượng thệ nguyện học.

Bốn chân lý mà tôi vừa trình bày, là nơi nương tựa cho bốn thệ nguyện rộng lớn.

Các giới tử phải nhất tâm phát 4 lời nguyện rộng lớn, bằng cách lặp lại theo lời tôi hướng dẫn:

Đệ tử pháp danh là... dốc lòng phát nguyện: chúng sanh không số lượng, thề nguyện đều độ thoát; phiền não không cùng tận, thề nguyện đều dứt sạch; pháp môn không số kể, thề nguyện đều tu học; Phật đạo không gì hơn, thề nguyện đều viên thành.

(Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành)

Nam mô Đại Hạnh Phổ Hiền Vương Bồ-tát

(3 lần đọc, 3 lần cúi đầu xá)

12. Khải bạch pháp Yết-ma: Giới sư dạy bảo:

Các giới tử! Các vị đã phát nguyện rộng lớn rồi, tôi nay vì các vị mà khải bạch Tam bảo chứng minh cho các vị thọ giới. Vậy các vị nên nhất tâm lắng nghe để ý suy nghĩ kỹ.

Nên biết rằng: Bạch Yết-ma lần thứ nhất rồi, giới pháp tốt lành to lớn trong mười phương thế giới, do năng lực tâm nghiệp cảm cách của quý vị mà thảy đều chấn động. Bạch Yết-ma lần thứ hai rồi, pháp giới tốt lành to lớn trong mười phương thế giới, như mây, như lọng, che trên đảnh các vị. Bạch Yết-ma lần thứ ba xong, pháp giới tốt lành to lớn trong mười phương thế giới, từ đảnh môn quý vị chảy vào trong thân tâm các vị. Các vị sẽ được chánh báo tốt đẹp, đầy đủ, cùng tột đời vị lai, hằng tiếp nối làm giống Phật.

Đây là giới thể vô tác, đạo pháp vô lậu, do chỗ cơ cảm tăng thượng thiện tâm của quý vị mà thành tựu. Bởi thế, các vị phải chí thành cúi đầu thọ lãnh.

13. Chính thức bạch Yết-ma:

Giới tử vẫn quỳ như cũ. Giới sư đến trước tượng Phật quán tưởng thập phương Tam bảo, cầm ba nén hương, quỳ bạch rằng:

Ngưỡng bạch chư Phật, chư Bồ-tát trong mười phương vô biên thế giới. Trong đạo tràng này, các Phật tử đã ba lần cầu xin Giới sư chúng con cho thọ giới Bồ-tát tại gia. Con đã tác chứng cho các giới tử. Cúi xin chư Phật, chư Bồ-tát, chư Hiền Thánh trong mười phương pháp giới, từ bi chứng giám cho các giới tử tại đạo tràng này được thọ giới Bồ-tát tại gia.

(3 lần bạch, 3 lần cúi đầu xá)

14. Dặn bảo bền giữ giới pháp:

 Sau khi bạch Phật xong trở về chỗ, Giới sư dặn bảo giới tử rằng:

 - Các giới tử! Từ trước đến nay, chư Tôn đức đã cung đối trước chư Phật, chư Bồ-tát, đã ba lần bạch Yết-ma.

 Ở trong Thánh chúng, đức Thích-ca có dặn bảo như thế này: Đại chúng hãy lắng nghe, ở trong thế giới Ta-bà này cõi nước Việt Nam này, có Phật tử pháp danh là… cầu thọ tịnh giới Bồ-tát. Vì Phật tử này không thầy, tôi rất xót thương, xin đứng làm thầy. Trong giờ phút này, mười phương các đức Như Lai nghĩ tưởng các vị là con, các Đại Bồ-tát nghĩ tưởng các vị là em. Nhờ lòng từ bi thương tưởng của chư Phật, chư Bồ-tát, từ nay cho đến về sau, các vị sẽ được tăng trưởng công đức, thiện căn không bao giờ mất. Các vị hãy tinh chuyên nhớ nghĩ bền giữ không phạm, để giới thể tròn đầy, trọn không lùi sụt, cho đến ngày chứng quả Bồ-đề, thành tựu 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Các vị có đầy đủ tất cả chủng trí thần thông diệu dụng, vô lượng pháp môn, để đi khắp trong mười phương rộng độ chúng sinh, lòng không mỏi mệt.

 Dẫn thỉnh xướng rằng:

 - Khấu thủ, (giới tử cúi đầu xá)

 15. Truyền 6 trọng pháp:

 Để truyền 6 trọng pháp, Giới sư dạy rằng:

 Các giới tử! Hãy lắng nghe cho kỹ, Bồ-tát tại gia có 6 trọng pháp, nếu người nào thọ giới rồi mà phạm là không phải hạnh Bồ-tát, sẽ mất 42 quả vị Hiền Thánh. Các vị hãy lắng nghe và lãnh thọ:

1. Từ thân này đến thân thành Phật, trong thời gian ấy, không được sát sinh. Các Phật tử giữ được không?

- Mô Phật, giữ được. (giới tử đáp, cúi đầu xá)

2. Từ thân này đến thân thành Phật, trong thời gian ấy, không được trộm cắp. Các Phật tử giữ được không?

- Mô Phật, giữ được. (giới tử đáp, cúi đầu xá)

3. Từ thân này đến thân thành Phật, trong thời gian ấy, không được tà dâm. Các Phật tử giữ được không?

- Mô Phật, giữ được. (giới tử đáp, cúi đầu xá)

4. Từ thân này đến thân thành Phật, trong thời gian ấy, không được nói dối. Các Phật tử giữ được không?

- Mô Phật, giữ được. (giới tử đáp, cúi đầu xá)

5. Từ thân này đến thân thành Phật, trong thời gian ấy, không được nói lỗi của người tại gia và người xuất gia. Các Phật tử giữ được không?

- Mô Phật, giữ được. (giới tử đáp, cúi đầu xá)

6. Từ thân này đến thân thành Phật, trong thời gian ấy, không được bán rượu, nấu rượu. Các Phật tử giữ được không?

- Mô Phật, giữ được. (giới tử đáp, cúi đầu xá)

16. Khuyên học và giữ 28 giới khinh:

Giới sư truyền dạy:

Các giới tử! Vừa rồi, tôi đã trao cho các Phật tử 6 trọng pháp. Còn 28 tội thất ý, các Phật tử phải học mới biết và giữ gìn không phạm. Tiếp theo đây, tôi nói về 28 tội thất ý này, các Phật tử hãy lắng nghe.

 1. Không cúng dường cha mẹ, sư trưởng, đó là Bồ tát tại gia phạm tội thất ý.

2. Say đắm rượu chè, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

3. Cố ý gớm ghê không chăm sóc người bệnh khổ, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

4. Gặp người hành khất, không nhiều thì ít, phải tùy tâm mà bố thí, nếu để người hành khất về không, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

5. Nếu thấy Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Trưởng lão, bậc Tôn đức, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di v.v… không đứng dậy nghinh tiếp, lễ bái hỏi thăm, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

6. Nếu thấy Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di hủy phạm giới đã thọ, sinh tâm kiêu mạn, rồi nói rằng: “Ta hơn những người kia, người kia không bằng ta”, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

7. Trong mỗi tháng có sáu ngày trai, nếu không đi thọ Bát quan trai giới, không cúng dường Tam bảo, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

8. Trong khoảng 40 dặm, có nơi thuyết pháp, mà không đến nghe, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

9. Thọ dụng vật của thường trụ Tăng như: ngọa cụ, giường, tòa ngồi, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

10. Nghi trong nước có vi trùng, nhưng vẫn tùy tiện dùng, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

11. Không có bạn mà vẫn một mình đi vào những nơi hiểm nạn, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

12. Một mình ngủ lại tại chùa Ni, nếu là Ưu-bà-tắc, hoặc chùa Tăng, nếu là Ưu-bà-di, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

13. Vì của cải, thân mạng mà đánh mắng người giúp việc, trẻ con hầu hạ, hoặc người ngoài… đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

14. Nếu đem thức ăn dư thừa dâng cúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, hoặc cung cấp cho người đồng giới, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

15. Nếu nuôi (những loài ăn thịt) như mèo, chồn… đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

16. Có các loài vật như voi, ngựa, trâu, dê, lừa, lạc đà v.v… nếu không làm phép tịnh thí cho những người chưa thọ giới, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

17. Nếu không sắm cất các thứ y bát, tích trượng, ngọa cụ (để phòng khi cần cúng dường cho vị xuất gia thọ Bồ-tát giới), đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

18. Nếu vì nuôi thân mạng mà phải làm ruộng, nhưng không tìm nước trong (để tưới) và đất ruộng cũ (để trồng trọt), đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

19. Nếu vì nuôi thân mạng mà mở tiệm buôn bán hàng hóa, thì khi đã thỏa thuận giá cả với ai rồi, không được đem bán cho người trả giá cao hơn. Cân đấu dùng để cân đo hàng hóa phải đúng mức đã định từ trước; nếu cân đấu không đúng mức, phải sửa chữa lại cho đúng mức. Nếu không như vậy, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

20. Nếu không phải chỗ, không phải thời mà hành dục, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

21. Nếu vì buôn bán mà đẩy giá lên xuống, mua rẻ, bán đắt, gian lận trốn thuế, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

22. Trái phạm luật pháp nhà nước, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

23. Nếu có lúa mới, hoa trái, dưa rau các thứ đầu mùa, không cúng dường Tam bảo mà thọ dụng trước, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

24. Nếu chúng Tăng không chấp thuận mà vẫn tự mình thuyết pháp, tán thán quan điểm riêng của mình, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

25. Trên đường đi mà giành đi trước Tỳ-kheo, Sa-di, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

26. Sau khi dọn thức ăn ở giữa Tăng chúng, nếu vì thiên vị thầy mình mà lựa chọn các thứ ngon lành dâng cho nhiều hơn các vị khác, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

27. Nếu nuôi tằm, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

28. Trên đường đi gặp người bệnh tật mà không dừng lại chăm sóc, làm các phương tiện, dặn bảo những người tại chỗ giúp đỡ, lại thản nhiên bỏ đi, đó là Bồ-tát tại gia phạm tội thất ý.

Các giới tử! Sau khi đã thọ giới Bồ-tát tại gia rồi, mà phạm một trong 28 tội thất ý trên đây, thì giới thể sẽ không còn được vững vàng, trở thành bất tịnh, bị chướng ngại. Vậy các người phải cẩn thận mà hành trì.

Giới tử đáp: - Y giáo phụng hành. (3 lần)

17. Lợi ích của giới Bồ-tát:

Giới sư nói lợi ích của giới Bồ-tát và khuyên giới tử nghiêm trì. Giới sư dạy bảo rằng:

Các giới tử! Vừa rồi, tôi đã truyền cho các Phật tử 6 giới trọng và 28 tội thất ý.

Các Phật tử nên biết rằng: Giới Bồ-tát là giới nặng về phần lợi tha. Hàng Bồ-tát luôn luôn quên mình vì người, thay người khác chịu khổ, nhận cái vui của người khác làm cái vui của mình. Nhân đã cao thượng, rộng lớn như thế, cho nên kết quả cũng thật tốt đẹp vô biên. Bởi thế, kinh còn gọi giới của Bồ-tát là giới vô tận tạng, nghĩa là trong giới có hàm chứa các công đức rất lớn lao, không cùng tận, các giới khác không thể sánh kịp. Giới Bồ-tát giúp người qua khỏi bến mê, vượt ra ngoài sinh tử. Từ đời này đến đời khác giới thường hỗ trợ người tu hành, theo người tu hành cho đến ngày thành Phật. Người thọ giới Bồ-tát tức là đã tham dự vào địa vị Phật đà.

Vậy các Phật tử hãy nỗ lực, tinh tấn hành trì, cẩn thận chớ buông lung.

(câu chót, Giới sư nói 3 lần, để giới tử đáp 3 lần)

Giới tử đồng thanh đáp rằng:

- Y giáo phụng hành. (3 lần)

Giới sư lại tiếp rằng:

- Các giới tử đã nguyện y giáo phụng hành, vậy hãy đứng dậy lễ tạ Tam bảo.

Dẫn thỉnh xướng:

- Nhất tâm đảnh lễ tận hư không biến pháp giới, quá hiện vị lai, chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng Thường trụ Tam bảo, tam bái.

C. CÚNG HƯƠNG: (nếu có)

Dẫn thỉnh xướng:

- Hồ quỳ, hiệp chưởng. (Giới tử đồng quỳ)

Vài lời khai đạo Giới tử về lễ cúng hương, Giới sư dạy rằng:

Các giới tử! Các người đã phát tâm Bồ đề, thọ giới Bồ-tát tại gia, chí cầu Phật thừa, nguyện hành Bồ-tát đạo, ấy là làm những việc khó làm, cho nên từ đây cho đến tận vị lai, trên vì Phật đạo, dưới vì hết thảy chúng sinh, không bao giờ được thối ý khiếp nhược, không bao giờ tiếc nuối cái gì, dù cả thân mạng của mình. Như Bồ-tát Địa Tạng nguyện mãi mãi ở chốn u đồ để hóa độ chúng sinh ác nghiệp. Như Bồ-tát Dược Vương tự đốt cháy thân mình trên để cúng dường chư Phật và chánh pháp, dưới để rọi sáng chúng sinh trong chỗ tối tăm. Các hạnh nguyện Đại hùng Đại lực ấy, đức hy sinh vô úy ấy, các người phải từ nay cho đến cùng tận vị lai luôn luôn noi theo mà học tập và hành trì.

Nay để phát dương chí nguyện cao vời ấy, các người cần đối trước Tam bảo tự đốt lên một phần nhỏ của thân thể để chứng minh ý chí Đại hùng của người đã thọ Bồ-tát giới.

Đối trước Tam bảo, các Phật tử đã phát tâm cúng hương, vậy hãy dũng mãnh lên và chí thành niệm Phật cầu gia hộ.

Dẫn thỉnh xướng:

- Khởi thân, chí thành đảnh lễ Tam bảo, tam bái.

- Chư giới tử kiết già an tọa.

- Cung thỉnh chư Tôn đức hộ hương tấn đàn.

Lễ cúng hương bắt đầu, Giới sư cùng Đại chúng hướng về Tam bảo nhất tâm niệm Phật. Giới sư cử tụng.

A Di Đà Phật thân kim sắc…

D. HỒI HƯỚNG

Sau khi hoàn tất lễ cúng hương. Giới sư cùng Đại chúng hướng về Tam bảo, tụng hồi hướng:

- Ma ha bát nhã ba la mật đa ………………

- Thiên A-tu-la dược-xoa ………………

- Thọ giới công đức thù thắng hạnh ………………

- Tam tự quy ………………

E. GIỚI TỬ LỄ TẠ

Sau ba tự quy, Giới sư vẫn an tọa, Giới tử lễ tạ.

Dẫn thỉnh xướng:

- Nhất tâm đảnh lễ, tận hư không biến pháp giới, quá hiện vị lai, thập phương Thường trụ Tam bảo, tam bái.

- Nhất tâm đảnh lễ, Ta bà thế giới Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật, tam bái.

- Nhất tâm đảnh lễ, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, tam bái.

- Nhất tâm đảnh lễ, Di Lặc Bồ-tát, tam bái.

- Nhất tâm đảnh lễ, Thập phương Như Lai, tam bái.

- Nhất tâm đảnh lễ, Thập phương chư Đại Bồ-tát, tam bái.

- Nhất tâm đảnh lễ, Đắc giới Hòa thượng, tam bái.

- Nhất tâm đảnh lễ, Liệt vị A-xà-lê, tam bái.

- Nhất tâm đảnh lễ, hiện tiền chư vị Đại đức Tăng già, tam bái.

- Giới tử thoái ban. (ra xếp hàng đợi tiễn chư Tôn đức)

G. GIẢI TIỂU GIỚI: (nếu có kiết giới)

I. Họp Tăng: (như phần kiết tiểu giới)

II. Giải Tiểu giới:

Vị Yết-ma bạch rằng:

 Đại đức Tăng lắng nghe, Tăng nay họp để giải tiểu giới, nếu Tăng phải thời mà đến, Tăng thuận cho giải tiểu giới, bạch như thế, tác bạch có thành không?

 - Thành (chúng đồng đáp)

 - Tăng đã bằng lòng giải Tiểu giới nên im lặng, việc ấy tôi ghi nhận như vậy.

Nguyện dĩ thử công đức ………………

Hòa nam Thánh chúng.

H. THỈNH GIỚI SƯ VỀ TỔ ĐƯỜNG, TẠ TỔ, VỀ TỊNH PHÒNG AN NGHỈ:

Dẫn thỉnh xướng:

- Cung thỉnh chư Tôn đức thối ban, hồi nghệ Tổ đường.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đại Chính tạng các tập 22-24 (Phần giới luật).
  2. Tục tạng kinh tập 65, Tỳ-ni tác trì tục thích (Luật sư Châu Hoằng soạn).
  3. Luật tông khái thuật cập kỳ thành lập…, nhiều tác giả, Đài Bắc, 1978.
  4. Luật tông tư tưởng luận tập, nhiều tác giả, Đài Bắc, 1979.
  5. HT. Thích Trí Thủ, Yết-ma yếu chỉ, Trường Cao cấp…,1991.
  6. HT. Thích Trí Thủ, Tứ phần hiệp chú, Trường Cao cấp…,1991.
  7. HT. Thích Trí Thủ, Toàn tập Tâm Như Trí Thủ, Nxb:Tp.HCM, 2002.
  8. HT. Thích Trí Quang, Tỳ-kheo giới, Nxb: Tp.HCM, 1994.
  9. HT. Thích Trí Quang, Tỳ-kheo-ni giới, Nxb: Tp.HCM, 1994.
  10. HT. Thích Trí Quang, Bồ-tát giới, Nxb: Tp.HCM, 1994. 
  11. HT. Thích Trí Quang, Sa-di giới và Sa-di-ni giới, Nxb: Tp.HCM, 1994.
  12. HT. Thích Thiện Siêu, Cương yếu giới luật, Viện Nghiên cứu PHVN, 1996.
  13. HT. Thích Thiện Hòa, Giới đàn Tăng, Nxb: Tp.HCM, 1991. 
  14. HT. Thích Thanh Kiểm, Luật học đại cương, Thành hội Phật giáo Tp.HCM, 1991.
  15. HT. Thích Hành Trụ, Luật Tứ phần giới bổn như thích, S. 1967.
  16. HT. Thích Đôn Hậu, Cách thức sám hối các tội phạm giới, GHTGTP xb. 1961.
  17. HT. Thích Đôn Hậu, Tứ Phần Tỳ-kheo-ni sao (dịch), Giáo hội PGVN xb. 1986 .
  18. HT. Thích Đỗng Minh, Luật Bí-sô (Căn bản), [cảo bản], 1998.
  19. HT. Thích Đỗng Minh, Luật Bí-sô-ni (Căn bản), [cảo bản], 1998.
  20. HT. Thích Đỗng Minh, Tâm Hạnh, Bách nhất Yết-ma (dịch), [cảo bản], 1990.
  21. HT. Thích Đỗng Minh, Luật Ngũ phần (dịch), [cảo bản], 1997.
  22. HT. Thích Đỗng Minh, Trùng trị Tỳ-ni… (dịch), Nxb Tôn giáo, 2006.
  23. HT. Thích Đỗng Minh, Luật Tứ phần (dịch), Nxb Tổng hợp, Tp HCM. 2006.
  24. HT. Thích Đỗng Minh, Luật Tỳ-kheo sớ nghĩa (dịch), [cảo bản], 1994.
  25. HT. Thích Đỗng Minh, Nghi truyền giới (soạn), [cảo bản], 1999.
  26. HT. Thích Thiện Chơn, Luật Tứ phần bổn giới Tỳ-kheo-ni lược ký, ấn tống, Pl.2513.
  27. HT. Thích Bình Minh, Yết-ma chỉ nam (dịch), Thành hội Phật giáo, 1991.
  28. Pháp sư Thích Thánh Nghiêm, Giới luật học cương yếu, Đài Bắc, 1990.
  29. Luật sư Hoằng Xuyên, Tăng-già tác trì yếu tập, Đài Bắc, 1990.
  30. Tỳ-kheo Thích Phước Sơn, Luật Ma-ha-tăng-kỳ (dịch), Nxb Tôn giáo, 2003. 
  31. Tỳ-kheo Hộ Tông, Luật xuất gia, S. 1966.
  32. Tỳ-kheo Giới Nghiêm, Luật tạng Pàli. 
  33. Tỳ-kheo Bửu Chơn, Tứ Thanh tịnh giới, S. 1970.
  34. Tỳ-kheo Giác Giới, Luật nghi tổng quát, 1985.
  35. Bhikkhu Indacanda (Trương Đình Dũng), Tạng Luật Phật giáo Nguyên thủy (dịch), Nxb Tôn giáo, 2005.
  36. Tỳ-kheo Thích Tâm Hạnh, Tỳ-kheo giới tướng biểu ký (dịch), 1996.
  37. Tỳ-kheo Thích Tâm Hạnh, Chú giải luật Thiện kiến [cảo bản], 2.543.
  38. Tỳ-kheo-ni Thể Thanh, Luật Tứ phần TKN giới bổn lược ký, Trường Cao cấp.., 1991.
  39.  Thích nữ Tuệ Đăng, Giới luật học cương yếu (dịch), Thành hội PG, 2000.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Ba 2016(Xem: 6506)
Trong bảy chúng, Tỳ kheo là bậc nhất. Trong ba tụ giới, Cụ Túc là đứng đầu. Người học Phật lấy giới luật làm nền tảng căn bản, là thềm thang đầu tiên để hướng chí đến quả vị giải thoát. Nếu không nghiêm trì Tịnh giới cho chuyên cẩn, thì cũng giống như đứng ở ngoài cửa mà chưa bước vào trong nhà Phật pháp. Giới luật không chỉ ngăn ngừa các điều ác chưa phát sanh, mà còn làm tăng trưởng thiện căn nơi hành giả. Vì thế, Tuyển Phật Trường là nơi chọn ra được những vị Sa di có bình cam lồ thật sạch để ngày mai đây tiếp nhận dòng nước giới pháp mà giới sư truyền trao.
08 Tháng Giêng 2016(Xem: 7142)
Từng nghe sanh tử là việc lớn, vô thường lại chóng mau, thật không đợi chờ người. Nếu không quyết tâm ngay đời này giải thoát thì làm sao thắng nỏi con quỷ vô thường giết người không ngừng trong mỗi niệm và giải quyết cho xong việc lớn sanh tử?
30 Tháng Bảy 2015(Xem: 11336)
Chúng ta đang thảo luận về tâm giác ngộ và một vị Bồ tát có nghĩa là gì, và chúng ta đã thấy rằng chỗ nào để thọ giới Bồ tát có trong sự tiến bộ của việc phát triển tâm giác ngộ, và những giai tầng của việc phát triển tâm giác ngộ.
29 Tháng Bảy 2015(Xem: 6457)
Giới tử phải thọ luật nghi Cận trú từ người khác chứ không thể tự thọ. Nếu sau này gặp phải các duyên khiến cho giới tử phạm phải việc ác (phạm giới duyên) thì nhờ sinh tâm hổ thẹn đối với thầy truyền giới mà có thể sẽ không phạm các giới đã thọ. Nếu không làm đúng theo các điều trên đây thì người thọ giới có thể có được hành động tốt (diệu hạnh) nhưng không thể đắc giới. Nếu làm đúng theo các điều trên thì luật nghi Cận trú sẽ có tác dụng rất lợi ích ngay cả đối với những người phạm phải ác giới thuộc về một ngày một đêm (như giết hại, trộm cắp, v.v.)[
20 Tháng Bảy 2015(Xem: 6588)
“Loại luật nghi này có tên là Cận trú (upavāsa) bởi vì, nhờ biểu hiện được lối sống phù hợp với lối sống của các A-la-hán (tadanuśikṣaṇāt), cho nên luật nghi này được đặt gần (upa) với A-la-hán. Có ý kiến khác cho rằng sở dĩ có tên Cận trú là vì nằm gần với loại luật nghi thọ trì suốt đời...... .
04 Tháng Bảy 2015(Xem: 6434)
Bồ Tát Anh Lạc Bản Nghiệp Kinh: “Nhược nhất thiết chúng sinh sơ nhập tam bảo hải dĩ tín vi bản, trụ tại phật gia dĩ giới vi bản”[1]: Hết thảy chúng sanh khi mới bắt đầu vào biển Tam bảo lấy tín làm gốc; khi sống trong ngôi nhà của Phật, thì lấy giới làm gốc. Học giới khởi sinh từ nơi tư tâm sở hay từ nơi ước muốn và thệ nguyện của một người tha thiết khất cầu pháp học giới để sống đời thanh tịnh....
02 Tháng Bảy 2015(Xem: 10553)
Những giới khinh của Bồ tát giới là để tránh khỏi 46 hành vi lỗi lầm (nyes-byas). Những hành vi lỗi lầm này được phân thành bảy nhóm gây thiệt hại, mỗi nhóm, liên hệ đến việc rèn luyện của chúng ta trong sáu ba la mật và với việc làm lợi ích cho người khác của chúng ta.
02 Tháng Năm 2015(Xem: 11231)
Giới là một hình thức vi tế không thấy trong sự tương tục tinh thần, là thứ hình thành thái độ. Một cách đặc biệt, nó là một sự kềm chế khỏi "một hành vi lỗi lầm", hoặc là một thứ tiêu cực một cách tự nhiên hay một việc mà Đức Phật ngăn cấm cho những cá nhân đặc thù đang tu tập để đạt đến những mục tiêu đặc biệt.