Ii. Hai Phật Thuyết Pháp

20 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 12887)

PHẬT NÓI KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT
TÂM ĐỊA PHẨM LƯỢC SỚ

Dịch giả: Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Trí Hải (tự Như Hải)

Phần hai
GIẢI THÍCH KINH VĂN

II. HAI PHẬT THUYẾT PHÁP


1. Phật trên ngàn hoa thuyết pháp

Trước nói về Phật ngồi trên ngàn đài hoa, hiện thân ở mười nơi mà nói pháp. Sau nói về ngàn trăm ức Thích Ca cũng hiện thân ở mười nơi mà thuyết Pháp. Mười nơi ấy là:
1. Kim cang tòa và Diệu Quang đường
2. Trong cung trời Đế Thích
3. Cõi trời Diệm Ma
4. Cõi trời Đâu Suất
5. Cõi trời Hóa Lạc
6. Cõi trời Tha Hóa
7. Cõi trời Sơ Thiền
8. Cõi trời Nhị Thiền
9. Cõi trời Tam Thiền
10. Cõi trời Tứ Thiền.

(Đây là Sắc giới, Đệ Tứ thiền, thuộc trên đỉnh sắc giới cứu cánh thiên, trên đó không còn cõi trời nào nữa).

Giải thích:

Hỏi: Trên cõi Sắc cứu cánh không còn cõi Trời nào hết, vậy Tứ không thiên thuộc Vô sắc ở chỗ nào?

Đáp: Tứ không thiên kia dùng bốn uẩn làm thân (Thọ, Tưởng, Hành, Thức), không còn sắc chất, con người giống như ngọc nát, cõi như hư không, nên không có nơi chốn, chỉ tùy người đó ở chỗ nào tu chứng Tứ không định thì gọi là Tứ không thiên. Do định kia đã vượt ra ngoài Tứ thiền, nên để trên Tứ thiền.

Mỗi mỗi Phật đều từ thế giới Liên hoa Đài tạng này rồi ẩn khuất, ẩn khuất rồi nhập Tam muội thể tánh hư không hoa quang, trở lại thế giới bổn nguyên đến cõi Diêm Phù Đề, ngồi dưới cội Bồ đề.

Giải thích:

Thể tánh thì vô tướng, nên nói hư không, chính là Bổn nguyên tâm địa. tâm địa vốn đủ trí dụng, nên nói tâm thể tuy không nhưng đầy đủ hằng sa tánh đức, trí quang diệu dụng, nên gọi là thể tánh Hoa quang. Vậy Tam muội (định) của Như Lai chẳng phải từ ngoài mà vào, nên nói: “Na Già thường tại định, không lúc nào chẳng định.”

Lại nói: “Không khởi diệt định, hiện các oai nghi, chỉ cho biết ảnh tượng mười pháp giới để dẫn đạo chúng sanh.” Nay nói nhập và xuất, do thể dụng hợp nhứt, nên nói nhập, thể dụng toàn bày nên nói “xuất”. Nghĩa là trăm ngàn định môn, đồng quy một tịch diệt, biển trí vô biên, cũng không lìa bổn nguyên. Ngài Khuê Phong nói: “Dứt hết tâm phân biệt, trí và lý hợp nhau, gọi đó là nhập.”

Tam muội, Trung Hoa dịch là Chánh định, cũng gọi là Chánh thọ. Tên gọi Tam muội rất nhiều nên quả vị tu chứng cũng không giống nhau. Như tất cả Thiền định, cũng gọi là định, cũng gọi là Tam muội. Nay nói Thể tánh Hoa quang là vượt xa các Tam muội trên.

Diêm Phù Đề, Trung Hoa dịch là Thắng Kim Châu, nghĩa là phía Bắc cõi Nam Thiệm Bộ Châu này có cây Đại thọ tên là Diêm Phù Đề, dưới cây có sông, sông ấy có cát vàng màu đỏ, nên lấy đó đặt tên . Cây này dựa vào sông đặt tên, Châu là dựa vào cây mà đặt tên, cho nên tân dịch là Thiệm Bộ Châu.

Bồ đề, Trung Hoa dịch là Đạo, là đạo cùng tột, gọi đó là Bồ đề, là đạo Đại Giác ngộ. Tên cây đó vốn gọi là Tất Bát La, Phật ngồi dưới gốc cây này, thành đạo chánh giác, nên gọi là Bồ đề. Cây này cao vài trăm thước, võ cây vàng trắng, lá cây màu xanh lục, mùa đông và mùa hạ không bị điêu tàn xơ xác, màu sắc tươi sáng không thay đổi. Thường thường đến ngày 15 tháng 2 âm lịch, là ngày Như Lai nhập niết bàn, lá cây đều xơ xác rơi rụng, trong khoảnh khắc lại xanh tươi trở lại. Kinh Hoa Nghiêm ghi: “Cây Bồ đề cao lồ lộ rất đặc biệt, kim cang làm thân lưu ly làm cành, các thứ diệu báu xen lẫn làm nhánh, lá bấu víu nhau, rũ xuống như mây che, hoa báu nhiều màu sắc, phần nhánh cây bủa khắp, lại dùng Ma ni làm quả”. Đây là Tha thọ dụng thân của Xá Na. Cảnh giới của Bồ Tát Thập địa, chẳng phải hàng phàm phu Nhị thừa có thể thấy được, đó cũng là biểu trưng cho Trí Quang thần thông tam muội của Phật, ảnh hiện trang nghiêm trong tâm địa, lại đồng thể tánh Hoa quang. Đức Thích Ca do tu tập đạo pháp này, nên nói rằng trở về thế giới bổn nguyên, dưới gốc Bồ đề.

Từ thể tánh tam muội hư không Hoa quang xuất định xong, Ngài mới ngồi kim cang Thiên Quang Vương tòa và Diệu Quang đường, diễn nói Thập Thế giới hải. Ngài lại từ tòa đứng dậy, đến cung trời Đế Thích nói pháp Thập trụ; đến cung trời Diệm Ma nói pháp Thập hạnh; đến cung trời Đâu Suất nói pháp Thập Hồi hướng; đến cung trời Hóa lạc nói pháp Thập Thiền định; đến cung trời Tha Hóa nói pháp Thập địa; đến cõi Sơ thiền nói pháp Thập Kim cang; đến cõi Nhị thiền nói pháp Thập nhẫn; đến cõi Tam thiền nói pháp Thập nguyện, sau cùng ở cõi Tứ thiền nơi vương cung cõi trời Ma-hê-thủ-la, nói Phẩm Pháp môn Tâm địa mà Phật Lô Xá Na đã từng diễn nói trong Thế giới Liên Hoa Đài tạng Bổn nguyên của ta.

Giải thích:

Trước nói rõ ngàn Phật Thích Ca, sau cùng nói trăm ngàn ức Thích Ca, tất cả đều ở trước Phật Xá Na lãnh thọ Bồ Tát giới tạng rồi mới nhập định, trở về thế giới bổn nguyên. Nay nói rõ xuất định, hiện thân mười nơi nói pháp. Tòa Thiên Quang Vương, ở dưới cội Bồ đề, cách Vương Xá thành 200 dặm, về phía Tây thuộc nước Ma Kiệt Đà, trung Thiên Trúc. Khi xưa thế giới này mới thành, tòa Thiên Quang Vương cùng đại địa đều dựng lập. Xét trong Tam thiên Đại thiên thế giới, tận cùng trái đất là kim luân, trên nối liền với mặt đất. Nó do kim cang tạo thành, chu vi hơn tám trăm bước. Vào thời Hiền kiếp một ngàn vị Phật ra đời, đều ngồi tòa này để nhập định kim cang, thành Vô thượng chánh giác, nên gọi đây là tòa kim cang Thiên Quang Vương. Đây là nơi Như Lai tu chứng thành đạo, cũng gọi là Đạo tràng.

Kinh Hoa Nghiêm chép: “Đất kia kiên cố, do kim cang tạo thành, các hoa báu và bánh xe báu thượng diệu, ma ni trong sáng, để làm đồ trang nghiêm, các sắc tướng hiển hiện vô biên, do thần lực của Phật khiến cho đạo tràng này được trang nghiêm hiện bày, cung điện lầu các, chỗ Như Lai ở trang nghiêm, rộng lớn trùm khắp mười phương, do các sắc quang lập nên ma ni, các thứ hoa báu dùng để trang nghiêm, điện đường lầu các, thềm cấp cửa sổ, tất cả các vật tượng để trang nghiêm thể tánh. Tòa sư tử kia, rất cao rộng tốt đẹp, ma ni làm đài, hoa sen làm lưới, các báu thượng diệu thanh tịnh dùng làm bánh xe. Nếu chẳng phải hàng Đại cơ Bồ Tát, thì đâu có thể thấy được. Còn hàng phàm phu Nhị thừa, chỉ thấy được cây Bồ đề, tòa Bồ đề chu vi hơn trăm bước và Phật kim thân trượng sáu mà thôi.”

Diệu Quang đường, nghĩa là dùng các báu trang nghiêm, nên gọi là Diệu, đồ báu rực rỡ chiếu rọi vào nhau nên gọi là Quang, cũng gọi là Phổ Quang đường, hay Phổ Quang Minh điện. Nó ở phía Tây cây Bồ đề không xa, khi Như Lai mới thành chánh giác, trời Phạm Vương dùng bảy báu kiến lập nhà này. Trời Đế Thích xây tòa bảy báu, phóng ánh sáng lạ chiếu dưới cội Bồ đề, đức Phật ngồi trên tòa này bảy ngày phóng quang. Ngày nay các thứ báu biến thành đá rồi. Kinh Hoa Nghiêm chép: “Ở nơi Phổ Quang Minh điện, ngồi tòa sư tử Liên hoa Đài tạng là thế.”

Thập Thế giới hải: Xem kỹ trong Kinh Hoa Nghiêm. Tóm lại gồm:

1. Thế giới hải
2. Chúng sanh hải
3. Pháp giới an lập hải
4. Phật hải
5. Phật Ba-la-mật hải
6. Phật giải thoát hải
7. Phật biến hóa hải
8. Phật diễn thuyết hải
9. Phật danh hiệu hải
10. Phật thọ lượng hải.

Biển lấy sâu rộng làm nghĩa, tức là tất cả pháp Như Lai đã nói, mười thứ này tóm thâu hết.

Kinh Anh Lạc chép: “Khi Phật mới đắc đạo, dưới cội cây Bồ đề, Ngài nói pháp môn Thập Thế giới hải. Lúc đó có 80,000 Vô cấu Bồ Tát hiện thân thành Phật. Lại nói có 90 ức người thể nhập Lục nhập Minh môn. Ngài lại đến pháp đường Phổ Quang giảng về mười quốc độ Phật, có trăm muôn ức người, thể nhập Lục nhập Minh môn, cho nên Ngài ở Ma Ni đường – cõi trời thứ sáu - giảng pháp Thập địa, có trăm muôn hằng hà sa số người thể nhập Lục nhập Minh môn.

Cung điện của Đế Thích: Đế Thích tiếng Phạn nói đủ là Thích Đề Hoàn Nhơn, Trung Hoa dịch là Năng Thiên Chủ, nghĩa là người này thường làm thiên chủ ba mươi ba cõi trời. Cung điện của thiên chủ này tên là Thù Thắng điện, ở trên đỉnh núi Tu Di, chính là cõi trời Đao Lợi thứ hai trong các cõi trời dục giới. Kinh Hoa Nghiêm chép: “Lúc bấy giờ do oai thần lực của Như Lai, tất cả thế giới trong mười phương, mỗi một tứ thiên hạ trong cõi Diêm Phù Đề thảy đều thấy Như Lai, ngồi nơi cội Bồ đề, mỗi Phật đều có Bồ Tát nương thần lực của Chư Phật để diễn nói pháp. Họ đều cho rằng ta hằng ở nơi Phật.”

Bấy giờ đức Thế Tôn không rời khỏi cội Bồ đề, mà lên đỉnh núi Tu Di, hướng về cung điện trời Đế Thích, ngoài ra Phật trong các cõi cũng đều như vậy.

Kinh Sớ ghi: “Như Lai chẳng rời Bồ đề mà lên cõi trời Đế Thích, đó là thể dụng tự tại, phó cảm đến lòng ham muốn của chúng sanh.” Thí như khi nước sông yên lặng, dù một mặt trăng, nhưng ba thuyền cùng thấy, một thuyền dừng lại, hai thuyền đi về phía Nam và Bắc. Người trên thuyền phía Nam thấy trăng ngàn dặm theo phía Nam, người trên thuyền phía Bắc thấy trăng ngàn dặm theo phía Bắc, người trên thuyền dừng lại thấy trăng không dời đổi. Ấy là mặt trăng không lìa giữa dòng mà đến phía Nam hay phía Bắc. Như Lai ứng hiện cũng thế. Nên biết dụng của pháp thân là ứng thân cùng khắp, đi hay ở là do nơi duyên chứ Phật không động tĩnh. Nên Kinh chép: “Thân Phật biến khắp pháp giới, khắp hiện ở trước tất cả chúng sanh, tùy duyên phó cảm đều châu biến mà vẫn hằng ở nơi tòa Bồ đề.” Bởi vậy, Như Lai không rời chơn tế mà lợi lạc khắp quần sanh.

Thập trụ, là hàng Bồ Tát tấn tu từ cạn đến sâu, lấy Diệu giác làm quả cuối cùng , nhưng bắt đầu từ Thập tín nên nói quả Diệu giác từ Tín mà vào, vào rồi an trụ.

Từ đây sắp xuống bốn mươi ngôi vị: Trụ, Hạnh, Hướng, Địa. Các Kinh khác chỉ nêu sơ lược.

Ngay trong Phẩm Thượng, bản kinh nói phát lòng tin nhẫn kiên cố rồi, tiến lên Thập Phát Thú Tâm. Mười tâm ấy là:

1. Xả tâm
2. Giới tâm
3. Nhẫn tâm
4. Tấn tâm
5. Định tâm
6. Huệ tâm
7. Nguyện tâm
8. Hộ tâm
9. Hỉ tâm
10. Đảnh tâm.

Kinh An Lạc Bổn Nghiệp chép:

1. Phát tâm trụ
2. Trì địa tâm trụ
3. Tu hành tâm trụ
4. Sanh quý tâm trụ
5. Cụ túc phương tiện tâm trụ
6. Chánh tâm trụ
7. Bất thối tâm trụ
8. Đồng chơn tâm trụ
9. Pháp vương từ tâm trụ
10. Quán đảnh tâm trụ.

Diệm Ma Thiên, tiếng Phạn là Diệm Ma hoặc Dạ Ma, Trung Hoa dịch là Thời Phần, là cõi trời thứ ba trong sáu cõi dục. Cung điện cõi trời này gọi là Bảo đường.

Thập hạnh, là do mười Trụ trước tấn thú tu hành được viên mãn. Tuy tu hành chưa thành tựu nhưng được lợi ích cả hai là tự lợi và lợi tha, nên lợi ích khắp chúng sanh, tùy thuận lòng mong muốn của họ, khiến họ được vui mừng, thực hành pháp nhẫn kiên cố, gọi là Thập Trưởng dưỡng tâm.

Mười tâm được Trưởng dưỡng ấy là:

1. Từ tâm
2. Bi tâm
3. Hỉ tâm
4. Xả tâm
5. Thí tâm
6. Hảo tâm
7. Ích tâm
8. Đồng tâm
9. Định tâm
10. Huệ tâm

Kinh Anh Lạc chép:

1. Hoan hỷ tâm hành
2. Nhiêu ích tâm hành
3. Vô sân hận tâm hành
4. Vô tận tâm hành
5. Vô si loạn tâm hành
6. Thiện hiện tâm hành
7. Vô trước tâm hành
8. Tôn trọng tâm hành
9. Thiện pháp tâm hành
10. Chơn thật tâm hành.

Cõi trời Đâu Suất là cõi trời thứ tư trong sáu cõi trời dục, Trung Hoa dịch là Hỷ Túc. Cung điện cõi trời này gọi là Pháp Quang đường.

Thập Hồi hướng, nghĩa là hành giả tấn tu thập hạnh viên mãn rồi, khởi tâm đại bi cứu độ tất cả chúng sanh, hồi chuyển pháp thiện của Thập hạnh, hướng đến ba chỗ:

1. Hướng đến Chơn như thật tế, ấy là sở chứng.
2. Hướng đến Vô thượng Bồ đề, ấy là sở cầu.
3. Hướng đến tất cả chúng sanh, ấy là đối tượng sở độ.

Lại dùng tâm năng hồi hướng và thiện hạnh, sở hồi hướng, hướng đến muôn loại, vạn hạnh được viên mãn, đồng nhập vào pháp giới, chính là “Kiên trì tu nhẫn” trong Phẩm Thượng, kiên cố tu trì trong tâm nhẫn.

Thập Kim cang tâm gồm:

1. Tín tâm
2. Niệm tâm
3. Hồi hướng tâm
4. Đạt tâm
5. Trực tâm
6. Bất thối tâm
7. Đại thừa tâm
8. Vô tưởng tâm
9. Huệ tâm
10. Bất hoại tâm.

Kinh Anh Lạc chép:

1. Tâm hồi hướng cứu độ tất cả chúng sanh, lìa chúng sanh tướng.
2. Tâm hồi hướng chẳng hoại
3. Tâm hồi hướng ngang bằng tất cả Phật
4. Tâm hồi hướng đến mọi nơi
5. Tâm hồi hướng kho tàng công đức vô tận
6. Tâm hồi hướng tùy thuận căn lành bình đẳng
7. Tâm hồi hướng tùy thuận quán tất cả chúng sanh như nhau
8. Tâm hồi hướng tướng chân như
9. Tâm hồi hướng giải thoát, không trói buộc
10. Tâm hồi hướng thể nhập vô lượng pháp giới.

Cõi trời Hóa Lạc là cõi trời thứ năm trong sáu cõi trời dục giới.

Thập Thiền định, cũng gọi là Thập Đại tam muội, các Đại Bồ Tát mới có khả năng khéo vào. Vào tam muội này (nhập định) được pháp giới lực không cùng tận, được pháp vương vị vô lượng tự tại, sanh vào nhà Như Lai, thị hiện các thứ thần thông quảng đại. Thập Đại tam muội ấy là:

1. Phổ Quang tam muội
2. Diệu Quang tam muội
3. Thứ lớp khắp đến các cõi Phật tam muội
4. Thành tinh tấn tâm hành tam muội
5. Biết quá khứ tạng trang nghiêm tam muội
6. Trí Quang Minh Tạng tam muội
7. Biết rõ tất cả thế giới Phật trang nghiêm tam muội.
8. Chúng sanh sai biệt thân tam muội
9. Pháp giới tự tại tam muội
10. Vô ngại luân tam muội.

(Xem phẩm Thập Định trong Kinh Hoa Nghiêm.)

Cõi trời Tha Hóa là cõi trời thứ sáu trong sáu cõi trời dục giới. Cung điện cõi trời này tên là Ma Ni Bảo Tạng.

Thập địa, nghĩa là hành Bồ Tát chứng ngôi Thập địa này, cũng như đất liền, tất cả Phật pháp nương vào đây phát sanh.

Kinh Anh Lạc chép: “Địa gọi là Trì, giữ gìn tất cả muôn A Tăng Kỳ công đức.” Địa cũng gọi là sanh, vì sanh ra tất cả nhơn quả, tức Thập Địa trong Thánh Nhẫn Kiên Cố ở Phẩm Thượng, gồm:

1. Thể tánh bình đẳng địa
2. Thể tánh thiện huệ địa
3. Thể tánh quang minh địa
4. Thể tánh nhĩ diệm địa
5. Thể tánh huệ chiếu địa
6. Thể tánh hoa quang địa
7. Thể tánh mãn túc địa
8. Thể tánh Phật hống địa
9. Thể tánh Hoa Nghiêm địa
10. Thể tánh nhập Phật giới địa.

Kinh Anh Lạc chép:

1. Hoan hỷ địa
2. Ly cấu địa
3. Minh địa hay Pháp quang địa
4. Diệm Huệ địa cũng gọi là Diệm địa
5. Nan Thắng địa
6. Hiện tiền địa
7. Viễn hành địa
8. Bất động địa
9. Diệu Huệ địa cũng gọi là Thiện Huệ địa
10. Pháp Vân địa.

Sơ thiền là sơ Thiền thiên trong Sắc giới.

Thập Kim cang: Xét ở phẩm thượng và phẩm hạ trong kinh này chính là Thập Hồi hướng. Nhưng ở cõi trời thứ tư đã nói đến Thập Hồi hướng, ở đây tên gọi tuy giống nhưng ý nghĩa thì khác. Nay dựa vào Kinh Hoa Nghiêm nêu ra Thập Kim cang tâm. Nhưng bản kinh này và kinh Hoa Nghiêm, cùng nói trong một thời gian, về sau các vị kết tập, chia làm hai bộ. Nghĩa là tâm nguyện của Bồ Tát thì kiên cố vững chắc không gì lay động được, chắc như Kim cang.

1. Tâm rõ biết các pháp
2. Tâm hóa độ chúng sanh
3. Tâm trang nghiêm thế giới
4. Tâm đem căn lành hồi hướng
5. Tâm phụng sự Đại sư
6. Tâm thực chứng các pháp
7. Tâm hành hạnh nhẫn nhục rộng lớn
8. Tâm luôn luôn tu hành
9. Tâm tự hành đầy đủ
10. Tâm khiến cho người khác được mãn nguyện.

Nhị thiền là đệ nhị Thiền thiên trong Sắc giới.

Thập nhẫn, hành giả đạt được sức nhẫn này, thì đạt được nhẫn địa vô ngại của Bồ Tát, chứng đắc tất cả Phật pháp, vô ngại không cùng tận. Đây chính là hậu tâm Đẳng giác Bồ Tát đã chứng các pháp, đoạn dứt hết vi tế vô minh. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Nhẫn có nhiều loại:

1. Âm thanh nhẫn
2. Thuận nhẫn
3. Vô sanh pháp nhẫn
4. Như huyễn nhẫn
5. Như diệm nhẫn
6. Như mộng nhẫn
7. Như hưởng nhẫn
8. Như ảnh nhẫn
9. Như hóa nhẫn
10. Như không nhẫn.

Tam Thiền là đệ tam Thiền thiên trong Sắc giới.

Thập nguyện: Kinh Hoa Nghiêm nêu ra 2 loại:

Thập nguyện trước:

1. Nguyện thành tựu chúng sanh không có mệt mỏi
2. Nguyện hành đầy đủ các việc thiện để thanh tịnh các thế giới
3. Nguyện thừa sự Như Lai, thường sanh tâm tôn kính
4. Nguyện hộ trì chánh pháp, không tiếc thân mạng
5. Nguyện dùng trí tuệ quán sát các cõi Phật
6. Nguyện cùng các Bồ Tát, đồng một thể tánh
7. Nguyện vào cửa Như Lai, rõ tất cả pháp
8. Nguyện thấy Phật sanh lòng tin kính đều được lợi ích
9. Nguyện dùng thần lực trụ thế, mãi cho đến kiếp vị lai
10. Nguyện đầy đủ hạnh nguyện của đức Phổ Hiền, trừ sạch cấu uế, chứng đắc môn nhứt thiết chủng trí.

Thập nguyện sau:

1. Nguyện lễ kính Chư Phật
2. Nguyện xưng dương tán thán Như Lai
3. Nguyện rộng tu các pháp môn để cúng dường
4. Nguyện sám hối tất cả nghiệp chướng
5. Nguyện vui theo tất cả công đức
6. Nguyện thỉnh Phật chuyển bánh xe pháp
7. Nguyện thỉnh Phật trụ thế
8. Nguyện thường theo Phật để học hỏi
9. Nguyện hằng tùy thuận chúng sanh
10. Nguyện hồi hướng khắp tất cả.

Tứ thiền là đệ tứ Thiền thiên trong Sắc giới.

Ma Hê Thủ La, Trung Hoa dịch là Đại Tự Tại, được tám thứ tự tại, giải thoát tâm ham vui, ánh quang sáng vượt hơn tất cả, ở trên đỉnh cõi sắc giới , làm bậc Thiên chủ thống lãnh Đại Thiên thế giới. Thập Trụ Bồ Tát này tên là Oai Linh Đế, Phật trước ở cõi Tứ Thiền thuyết giảng các pháp môn trụ, hạnh, hướng, v.v... nay thân rốt sau cũng ở Tứ Thiền, giảng pháp Tâm địa Pháp môn.

Lại nữa, không có pháp nào vượt qua tâm. Nay pháp vô vi, vô tướng là bổn nguyên chẳng phải tâm phàm phu và sơ phát ý Bồ Tát có thể lường được, chỉ có Phật cùng Phật, mới có thể biết được mà thôi.


2. Ngàn trăm ức Thích Ca nói Pháp

Ngoài ra hai trăm ức Thích Ca giảng nói cũng lại như thế, không hai không khác, như trong Phẩm Hiền Kiếp có nói rất rõ.

Giải thích:

Pháp môn Tâm địa của Xá Na, nay một ngàn trăm ức Phật, cũng thuật lại như thế, nên nói: “Không khác, không hai.”

Phẩm Hiền Kiếp rút ra từ Đại Bổn, Kinh văn trước đã nói. Đây là phần tổng kết phẩm Thượng. Văn sớ ngày xưa đặt phần này ở đầu phẩm hạ, để bày rõ Bổn và Tích của Phật Thích Ca, khiến cho người biết rõ như xem chỉ trong bàn tay, nên nay theo bản cựu dịch.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn