11. Quốc Sứ Giới (Giới Đi Sứ Cho Quốc Gia)

22 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 27988)

KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh

Chương III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG 
(chánh thức thuyết giảng giới tướng) 

B. BIỆT THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)

B.2.2. BIỆT THUYẾT KHINH GIỚI 
(riêng giảng các giới khinh)

B.2.2.11. QUỐC SỨ GIỚI
(giới đi sứ cho quốc gia) 

Kinh văn: 

 1. Phiên âm: 

Từ câu “nhược Phật tử bất đắc vị lợi, dưỡng ác tâm cố...” cho đến câu “...phạm khinh cấu tội”. 

2. Dịch nghĩa: 

Nếu là Phật tử thì không được vì quyền lợi và ác tâm mà đi thông sứ cho hai nước, để họ hiệp hội quân trận, đem binh đánh nhau, làm cho vô lượng chúng sanh bị giết hại. Là Phật tử chẳng những không được đi vào hay qua lại trong quân trận, huống chi lại làm kẻ môi giới cho chiến tranh. Nếu cố làm, Phật tử này phạm khinh cấu tội. 

Lời giảng: 

Để đề phòng sự lợi dụng chiến cụ phát động chiến tranh, gây cảnh sinh linh đồ thán, Đức Phật đặc biệt cấm chế Phật tử không được cất chứa các công cụ chiến đấu sát sanh. Công cụ chiến tranh còn không được cất chứa, huống chi chính mình mang sứ mạng thông báo cho hai nước đánh nhau thì lại càng không thể được. Do đó, Đức Phật chế lập giới điều Phật tử không được làm quốc sứ. 
Giới này Bồ Tát tại gia lẫn xuất gia đều phải vâng giữ. Nhưng Bồ Tát nếu là một vị quan có trách nhiệm đi sứ cho quốc gia, điều ấy sẽ luận riêng. Còn Bồ Tát xuất gia phải nhắm vào bổn nguyện lợi sanh. Dù có mối tranh chấp chi phát sanh, cũng phải lấy lòng từ bi tìm mọi biện pháp để chấm dứt sự tranh chấp, giúp cho mọi người được sống trong không khí hòa bình, tránh khỏi thảm kịch chém giết lẫn nhau. Như thế mới hợp với đạo độ sanh của bậc xuất gia Bồ Tát. 
Trái lại, nếu đi thông sứ cho hai quốc gia phát khởi chiến tranh, làm thương hại quá nhiều lương dân vô tội thì tội này không thể dung thứ được. Đó là đặc biệt nói về Bồ Tát xuất gia. 
Còn Bồ Tát tại gia, nếu đảm nhiệm chức vụ ngoại giao, gặp trường hợp hai nước phát sanh việc tranh chấp, cũng phải cố giữ chính sách hòa bình. Nếu chưa đến mức cuối cùng phải khai chiến, sự dàn xếp chưa đến nỗi tuyệt vọng, quyết không nên buông bỏ cơ hội duy trì hòa bình, phải cố giữ mối bang giao bình thường giữa hai nước, quyết định không được khinh thường việc chiến tranh. 
Cổ ngữ Trung Hoa nói: “Nhất ngôn hưng bang, nhất ngôn tán bang” (một lời nói làm quốc gia hưng thịnh, một lời nói làm quốc gia suy vong). Đây không phải là trò chơi, cần phải suy nghĩ và thận trọng tuyệt đối. 
Đức Phật dạy đại chúng rằng: “Nếu làm một Phật tử thọ giới Bồ Tát, đúng lý phải thực hành tâm hạnh từ bi, luôn để tâm nghĩ đến việc an nguy của nhân loại mà cố hòa giải mọi sự tranh chấp của các phe pháp đối lập, khiến cho mọi người được cùng nhau vui sống, mới là hành vi nên có của một vị Bồ Tát. Tuyệt đối không vì lợi dưỡng và ác tâm, đi thông sứ cho hai nước, làm cho đại quân hai nước sắp bày thế trận, để cuối cùng hiệp hội giao chiến, đem binh đánh nhau, làm cho vô lượng chúng sanh bị giết hại. Hành giả Bồ Tát nếu đảm nhiệm chức vụ đi thông sứ cho quốc gia, nếu không thực hiện tình đoàn kết thân hữu, lại tạo thành cục diện chiến tranh, sẽ không được sự hưởng ứng của quảng đại quần chúng, lại còn bị phê bình, chê trách. Vì thế là một hành giả Bồ Tát, đối với việc đi thông sứ cho hai nước là vấn đề vô cùng bất lợi, nên đặc biệt lưu tâm”. 
Kinh văn dùng chữ “thông quốc sứ mạng”: 
- Danh từ “thông quốc” nghĩa là mối quan hệ giữa quốc gia này với quốc gia kia, hoặc quốc gia kia với quốc gia này, tạo sự quan hệ giữa hai nước. 
- Danh từ “sứ mạng” nghĩa là chỉ nhiệm vụ sứ giả qua lại giữa hai nước, đem ý kiến của từng vị lãnh đạo tối cao của hai nước đệ đạt đến từng bên để cho họ được thấu suốt rõ ràng chủ trương, đường lối của nhau. Nếu không thể chọn giải pháp “hòa bình tương xử” thì chỉ có dùng chiến tranh để giải quyết vấn đề, nên gọi là “sứ mạng”. 
Hoặc là lãnh trách nhiệm đem quốc sách của nước này báo cáo với nước kia. Hoặc dò xét lực lượng của đối phương để báo cáo với quốc gia mình, hầu quyết định có nên tiến hành chiến tranh hay không. Hoặc dùng mưu sách gian xảo, dối gạt, tư thông tin tức để mưu cầu sự thắng lợi quân sự cho nước mình v.v... Những việc như trên đều gọi là “sứ mạng”. 
Đi thông sứ làm cho hai quốc gia giao chiến, chinh phạt lẫn nhau, khiến người chết thây chất đầy thành, nhân dân bị thống khổ vì tai nạn đao binh, bên trong trái với lương tâm bình đẳng từ bi, bên ngoài tổn hại vô số sanh mạng của chúng sanh, tội ác này thật là rất lớn. 
Nguyên nhân việc đi thông sứ cho hai quốc gia như đã nói trên chính là vì lợi dưỡng và ác tâm. Vì mưu cầu tài lợi hay địa vị quan chức, hoặc do sân hận mang tâm niệm báo thù, hoặc vì muốn chiếm đoạt bảo vật của nước khác, cho nên trong kinh văn nói “vì lợi dưỡng và ác tâm”. 
Đi thông sứ mạng để bao nhiêu tài lợi thuộc về mình, tất cả sự tổn hoại đưa đến cho người, thì đâu phải là tâm hạnh nên có của Bồ Tát? 
Có người cho rằng: “Chính tay tôi không giết người. Nhân dân vì chiến tranh mà bị chết, bị thương trùng trùng điệp điệp đâu có quan hệ gì đến tôi!” 
Lầm rồi! Cần phải biết: dù bạn không chính tay làm việc sát nhân, nhưng mọi người đều vì việc đi thông sứ của bạn mà bị giết hại. Vậy có thể nói rằng bạn không có trách nhiệm hay sao? 
Vì thế Nho thư nói: “Dù không phải chính tay ông giết Bá Nhân, nhưng ông Bá Nhân vì ông mà chết” thì đâu có thể trốn trách tội lỗi và trách nhiệm ấy? 
Nên Đức Phật dạy: 
Danh dự cập lợi dưỡng, 
Ngu nhân sở ái nhạo, 
Năng hoại chúng thiện pháp, 
Như kiếm trảm nhân đầu. 
Dịch: 
Danh dự và lợi dưỡng, 
Người ngu rất ưa thích, 
Phá hoại các pháp lành, 
Như kiếm chém đầu người. 
Như thế không nên hết lòng thận trọng hay sao? 
Đối với Phật pháp thuần túy, là Phật tử phải làm sứ giả của Như Lai, để truyền tâm ấn của Phật. Vì vậy, phải đem hết binh trí huệ và tướng dũng mãnh, giết hết bọn ác tặc phiền não, dẹp hẳn ma quân nhiễu loạn, đừng để cho ác tặc ma quân hoạt động trong thân tâm của mình. Nếu như chúng nó ngoan cố kháng cự, thì không ngần ngại chiến đấu với ma quân, giao phong cùng bọn ác tặc để mong thú hướng đến quả Vô Thượng Giác, san bằng mọi trở ngại, quyết tâm đạt đến thắng lợi cuối cùng mới thôi. Như thế mới chứng tỏ được bạn là một vị Phật tử chân chánh, thực hành Bồ Tát hạnh! Nếu không thực hành đúng như vậy, mà chỉ vì danh dự, lợi dưỡng cá nhân hay cầu được thưởng công thì sẽ trở thành một kẻ tà mạng, trái với đạo Bồ Tát! 
Là một vị Bồ Tát phải luôn giữ tâm từ bi lợi vật, không được có ác tâm mưu tính điều bất chính, mà gây ra cảnh “binh liên họa cập, dân bất liêu sanh”. 
Tại sao Đức Phật cấm ngăn Phật tử đi thông sứ một cách nghiêm khắc như thế? 
Vì “là một vị Bồ Tát, chẳng những không được tới lui qua lại trong quân trận, huống chi cố làm giặc cho quốc gia” (bản Việt văn dịch là “cố làm môi giới chiến tranh”).
Kinh văn nói “quân trận” là nơi quân đội trú đóng hoặc chỗ bộ chỉ huy quân đội đồn trú v.v... Phật tử không được qua lại nơi ấy. Nơi quân lính trú đóng thì chỉ toàn những việc nghiên cứu phương cách công phạt thành trì, làm thế nào để đánh bại địch quân v.v... Suốt ngày chỉ chuyên thảo luận về chiến lược, chiến thuật, không có thời giờ để đàm luận việc đạo đức tu hành. Thử hỏi bạn đến nơi ấy để làm gì? 
Hơn nữa, lúc hai bên quân giao chiến, âm thanh sát phạt vang động đất trời thì một vị Bồ Tát nghe những âm thanh ấy, nội tâm làm sao yên được? 
Lại nữa, chiến trường là nơi vô cùng phức tạp và ồn ào, nên tuyệt đối không phải là nơi Bồ Tát nên bước chân đến. Nếu bạn đến chốn quân trận đang chiến đấu, các binh sĩ biết bạn là một hành giả Bồ Tát, tu học Phật pháp, phải lấy từ bi lợi vật làm tôn chỉ. Sự hiện diện của bạn nơi đó, chẳng những họ không hoan nghinh lại còn sanh nhiều nghi kỵ, và cho rằng bạn đến để thám thính quân tình, hay làm gián điệp v.v... 
Cổ thư Trung Hoa có câu: “Binh giả, hung dã” (chỗ binh sĩ đóng là nơi hung ác). Vì thế, kẻ thế tục thông thường còn không nên đi vào nơi hung địa, gần gũi với những hung khí, huống chi là Bồ Tát, luôn lấy việc lợi sanh làm bổn phận? 
Cho nên quân trận không phải là nơi Bồ Tát qua lại. Qua lại còn không nên, huống chi cố ý đi làm quốc tặc, mang sự thương hại cho vô lượng chúng sanh? 
Nên biết, chiến tranh một khi phát khởi sẽ gây bao thương tổn cho nhân dân, mà nhân dân là cội gốc của quốc gia, nên thương hại nhân dân chính là thương hại cho quốc gia, nên gọi là “họa quốc ương dân”. Như vậy không gọi là giặc thì gọi là gì? 
Đi thông sứ cho hai nước là việc không nên làm. Nếu cố ý làm sẽ phạm khinh cấu tội. Làm quốc sứ không phải là việc vô can mà có đầy đủ những nhân duyên mưu hại nhau, nên bất kỳ bạn nói ra một lời, một câu hay làm một việc chi đều kết thành tội khinh cấu.
Có nhiều nguyên nhân đưa đến việc đảm nhận nhiệm vụ quốc sứ. Nếu vì sân hận mà làm quốc sứ thì tội ấy thuộc về giới Sát. Nếu vì xâm đoạt tài bảo của nước khác thì phạm tội thuộc về giới Đạo. 
Như vậy, lẽ ra phải liệt vào căn bổn trọng tội, nhưng vì sao ở đây chỉ kết tội khinh cấu? 
Đúng như vậy! Nhưng điều này cần xem ý niệm của bạn lúc ấy như thế nào. Nếu bạn muốn cho hai nước giao tranh, đem quân đánh giết nhau. Tùy theo số người chết mà kết căn bổn trọng tội sát sanh. Nếu bạn muốn đoạt tài bảo của quốc gia mà khởi binh đi chiếm đoạt, tùy theo số tài bảo đã lấy được mà kết thành căn bổn trọng tội về giới Đạo. Ở đây chỉ là giới ngăn cấm không được đi sứ cho hai nước, nên chỉ kết tội khinh cấu. 
Tuy nhiên, với Bồ Tát tại gia, nếu vì tâm từ bi thúc đẩy,vì muốn thuyết phục giới lãnh đạo hai nước bãi bỏ việc động binh, chấm dứt chiến tranh, lập mối giao hảo với nhau mà đi làm thông sứ, thì không trái phạm giới này. 
Bồ Tát tại gia, nếu là một quan võ trong quân đội, có trách nhiệm bảo vệ nhân dân và quốc gia, nên bắt buộc phải vào trong quân trận, cũng không trái phạm giới này. Nhưng trong lúc hai bên giao chiến, lại cần phải vận dụng hết mức tâm từ bi của người Phật tử, bắt buộc địch quân buông bỏ vũ khí để quy hàng, để khỏi làm thương hại sanh mạng, tài sản chúng sanh. Nếu đối phương quá tàn bạo, bất nhân, vì muốn cứu nhân loại cùng chính thân mình, cũng vì bản tâm từ bi mà phải giết kẻ tàn bạo bất nhân kia. 
Lại nữa, như có người tàn hại nhân loại. Chúng sanh hữu tình do đó bị thống khổ. Nếu không giết người ác này, thì hữu tình sẽ bị thảm họa rất lớn và kẻ ác kia sẽ tạo tội ác càng to. Do đó, tương lai kẻ đó sẽ bị thống khổ rất lớn. Vì thế Bồ Tát thà giết kẻ ác này, thà tự mình bị đọa vào địa ngục, không để cho người ấy tạo ác mà gây ra việc hại mình, hại người. Trường hợp này phải dùng tâm từ bi mà giết kẻ ác. Đây không phải là trường hợp giết một người để cứu muôn người hay sao? Nhưng đặc biệt là phải có tâm lân mẫn đối với người tạo ác nghiệp kia. Nghĩa là vì thương xót họ nên phải giết họ, chứ không phải do tâm sân hận mà giết kẻ ác nhân ấy. Phải nguyện cho người ấy đừng tạo ác nghiệp nữa, để khỏi bị đọa vào địa ngục. Dẫu cho chính bản thân mình vì sự giết người này mà phải đọa vào địa ngục, thì cũng chấp nhận, không hề do dự mảy may. Việc sát hại kẻ ác nhân này là một hành vi đạo đức. Và đức hạnh càng cao, công đức càng lớn, đều là do lòng từ bi vô hạn tự nguyện hy sinh! 
Trên đây là nói về Bồ Tát tại gia. Riêng Bồ Tát xuất gia nếu có nhân duyên đặc biệt, được người thỉnh đến trong quân đội thuyết pháp, hay vào an ủi thương phế bệnh binh. Trong Luật có khai mở cho phép được qua lại trong quân trận. Nhưng chỉ một thời gian ngắn độ hai ba hôm mà thôi, không được thường xuyên qua lại mãi như thế. Hoặc là tự mình có những nhân duyên đặc biệt khác, cần phải ra vào trong quân trận, thì cũng không phạm vào chỗ ngăn cấm của giới này. 
Như trường hợp của Ẩn Phong thiền sư: 
Một lần nọ, Ngài đi đến núi Ngũ Đài. Đường đi phải đi qua tỉnh Hoài Tây, nơi ấy có binh sĩ của Ngô Nguyên Tế ngăn trở và kháng cự với quân địch. Bấy giờ, hai bên đang giao tranh rất ác liệt. Người chết rất nhiều mà đôi bên vẫn chưa phân thắng bại. 
Vì muốn cứu sinh mạng quân sĩ, Thiền Sư bèn dùng cây tích trượng mình thường dùng hằng ngày phóng vào không trung, đoạn phi thân bay ngang chỗ hai bên đang giao chiến. Binh tướng cả hai bên trông thấy tăng nhân phi thân như vậy, biết không phải là kẻ tầm thường, tâm chiến đấu của họ tiêu tan, khởi thiện niệm hướng về Phật pháp và binh sĩ bên địch đều quy hàng. 
Lại như trường hợp của Trần Tôn Giả ở Lục Châu: 
Một lần nọ, Ngài gặp binh sĩ của địch quân bao vây thành trì, nhân dân trong thành hoảng sợ, bối rối vô cùng. Thiền sư động mối từ tâm, đặc biệt làm một chiếc dép cỏ rất lớn, bảo người đem treo cao trên thành. 
Địch quân thấy chiếc dép cỏ rất lớn ấy, biết là có bậc chí nhân thánh đức cư trú trong thành, nên không dám tùy tiện đánh phá, phải lui binh. Sự nguy khổn của thành nhờ đó được giải vây, nhân dân được an ổn. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Ba 2016(Xem: 6504)
Trong bảy chúng, Tỳ kheo là bậc nhất. Trong ba tụ giới, Cụ Túc là đứng đầu. Người học Phật lấy giới luật làm nền tảng căn bản, là thềm thang đầu tiên để hướng chí đến quả vị giải thoát. Nếu không nghiêm trì Tịnh giới cho chuyên cẩn, thì cũng giống như đứng ở ngoài cửa mà chưa bước vào trong nhà Phật pháp. Giới luật không chỉ ngăn ngừa các điều ác chưa phát sanh, mà còn làm tăng trưởng thiện căn nơi hành giả. Vì thế, Tuyển Phật Trường là nơi chọn ra được những vị Sa di có bình cam lồ thật sạch để ngày mai đây tiếp nhận dòng nước giới pháp mà giới sư truyền trao.
08 Tháng Giêng 2016(Xem: 7141)
Từng nghe sanh tử là việc lớn, vô thường lại chóng mau, thật không đợi chờ người. Nếu không quyết tâm ngay đời này giải thoát thì làm sao thắng nỏi con quỷ vô thường giết người không ngừng trong mỗi niệm và giải quyết cho xong việc lớn sanh tử?
30 Tháng Bảy 2015(Xem: 11336)
Chúng ta đang thảo luận về tâm giác ngộ và một vị Bồ tát có nghĩa là gì, và chúng ta đã thấy rằng chỗ nào để thọ giới Bồ tát có trong sự tiến bộ của việc phát triển tâm giác ngộ, và những giai tầng của việc phát triển tâm giác ngộ.
29 Tháng Bảy 2015(Xem: 6456)
Giới tử phải thọ luật nghi Cận trú từ người khác chứ không thể tự thọ. Nếu sau này gặp phải các duyên khiến cho giới tử phạm phải việc ác (phạm giới duyên) thì nhờ sinh tâm hổ thẹn đối với thầy truyền giới mà có thể sẽ không phạm các giới đã thọ. Nếu không làm đúng theo các điều trên đây thì người thọ giới có thể có được hành động tốt (diệu hạnh) nhưng không thể đắc giới. Nếu làm đúng theo các điều trên thì luật nghi Cận trú sẽ có tác dụng rất lợi ích ngay cả đối với những người phạm phải ác giới thuộc về một ngày một đêm (như giết hại, trộm cắp, v.v.)[
20 Tháng Bảy 2015(Xem: 6588)
“Loại luật nghi này có tên là Cận trú (upavāsa) bởi vì, nhờ biểu hiện được lối sống phù hợp với lối sống của các A-la-hán (tadanuśikṣaṇāt), cho nên luật nghi này được đặt gần (upa) với A-la-hán. Có ý kiến khác cho rằng sở dĩ có tên Cận trú là vì nằm gần với loại luật nghi thọ trì suốt đời...... .
04 Tháng Bảy 2015(Xem: 6433)
Bồ Tát Anh Lạc Bản Nghiệp Kinh: “Nhược nhất thiết chúng sinh sơ nhập tam bảo hải dĩ tín vi bản, trụ tại phật gia dĩ giới vi bản”[1]: Hết thảy chúng sanh khi mới bắt đầu vào biển Tam bảo lấy tín làm gốc; khi sống trong ngôi nhà của Phật, thì lấy giới làm gốc. Học giới khởi sinh từ nơi tư tâm sở hay từ nơi ước muốn và thệ nguyện của một người tha thiết khất cầu pháp học giới để sống đời thanh tịnh....
02 Tháng Bảy 2015(Xem: 10549)
Những giới khinh của Bồ tát giới là để tránh khỏi 46 hành vi lỗi lầm (nyes-byas). Những hành vi lỗi lầm này được phân thành bảy nhóm gây thiệt hại, mỗi nhóm, liên hệ đến việc rèn luyện của chúng ta trong sáu ba la mật và với việc làm lợi ích cho người khác của chúng ta.
02 Tháng Năm 2015(Xem: 11231)
Giới là một hình thức vi tế không thấy trong sự tương tục tinh thần, là thứ hình thành thái độ. Một cách đặc biệt, nó là một sự kềm chế khỏi "một hành vi lỗi lầm", hoặc là một thứ tiêu cực một cách tự nhiên hay một việc mà Đức Phật ngăn cấm cho những cá nhân đặc thù đang tu tập để đạt đến những mục tiêu đặc biệt.