Thiên Dưới Nói Về Môn Uy-nghi

24 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 8817)

SA DI LUẬT NGHI YẾU LƯỢC THƯỢNG HẠ
Đệ-Tử, Bồ-Tát-giới, chùa Vân-Thê Sa-Môn Châu-Hoằng biên-tập.
Thích Tâm Châu dịch chữ Hán ra chữ Việt

SA-DI LUẬT-NGHI
QUYỂN HẠ

THIÊN DƯỚI NÓI VỀ MÔN UY-NGHI

Uy-Nghi có nghĩa là, vị xuất-gia, có uy khiến cho người ta đáng sợ và, có nghi làm cho người ta đáng kính. Bởi vì, vị ấy giữ giới-luật thanh-tịnh, phạm-hạnh đầy đủ, đường-đường Tăng-tướng, mọi đức uy-nghiêm làm cho người ta nể sợ. Vị ấy, khi hoạt-động, khi an-tĩnh, đều hợp với pháp-tắc, hình-tướng nghiêm-chỉnh, dung-nghi đoan-chính đáng quan-chiêm, làm cho người ta cung-kính. Những tư-cách ấy, thành đạo-phẩm của người xuất-gia và là bậc sư-phạm của cõi Người và cõi Trời. Do đó, trong kinh luật có chỗ nói: “Tịnh-hạnh thành ra đạo-nghi, trong sạch trọn nên giới-phẩm. Chí-khí cao như các vòm sao trên bầu trời, uy-nghiêm như gió, như mây. Trong tâm, ôm-ấp đức-tính con sư-tử và, ngoài tướng biểu-hiện cái uy con tượng-vương. Cõi Người cõi Trời khen ngợi vâng theo và các bộ Long-thần đều khâm-phục.”

Kinh Hoa-Nghiêm nói: “Giữ-gìn đầy đủ uy-nghi, giáo-pháp, khiến cho ngôi Tam-Bảo không bị đoạn-diệt.”

Nay thiên dưới này gồm có 24 chương, cùng ra một môn uy-nghi, nó là, dấu xe của Sa-Di và cửa ngõ ra khỏi thế-gian vậy.

Đức Phật chế ra luật Sa-Di, vị Sa-Di đủ hai mươi tuổi, khi muốn thụ giới Cụ-Túc, cần phải hỏi vị ấy về những công việc của Sa-Di và, nếu hỏi mà không trả lời được đầy đủ được, thì không cho thụ giới Cụ-Túc. Khi ấy nên nói rằng: “Ông làm Sa-Di mà không biết chỗ cần thi-hành của Sa-Di, thì công việc của bậc Sa-Môn lớn lao, khó làm, ông hành-trì sao được. Ông hãy đi học cho kỹ, khi nào nghe, biết hết tất cả rồi, lúc ấy hãy nên thụ giới Cụ-Túc. Nếu nay trao giới Cụ-Túc cho ông, người đời họ sẽ cho rằng: “Phật-Pháp dễ làm và làm vị Sa-Môn cùng không khó”, không tốt cho danh-nghĩa Phật-Giáo. Vì vậy nên cần phải hỏi trước khi cho thụ giới Cụ-Túc.”

Những điều-tắc được biên-tập sau đây đều rút tỉa trong các kinh luật: Sa-Di Uy-Nghi, Cổ-Thanh-Quy, Sa-Di Thành-Phạm. Và, bộ Hành-Hộ Luật-Nghi của ngài Tuyên-Luật-Sư, tuy bộ này hướng về dạy các vị Tỳ-Khưu tân-học, nhưng trong bộ ấy cũng có những chỗ khá thông-dụng, nên nơi đây, cũng rút tỉa ra.

Vì nhân-tình đời mạt-pháp hay lười biếng, nghe nhiều sinh chán, nên cắt bỏ những chỗ rườm-rà và lấy những chỗ quan-yếu mà thôi. Song, nơi đây, chia ra từng loại, để tiện cho người đọc và học. Thảng hoặc, trong đó có những chỗ chưa đủ, liền theo nghĩa thêm vào một, hai ý cho đầy đủ. Còn vị nào muốn xem rộng thì nên tự mình nghiên-cứu trong Luật-tạng toàn-thư.

1. KÍNH BẬC ĐẠI SA-MÔN

Không được gọi tên tự của bậc Đại Sa-Môn.
Không nghe trộm bậc Đại Sa-Môn thuyết giới.
Không được chuyển lời, nói lỗi bậc Đại Sa-Môn.
Không được đang ngồi, thấy bậc Đại Sa-Môn đi qua 
Không đứng dậy. Trừ khi đọc kinh, khi bị bịnh, 
Khi cạo tóc, khi ăn cơm, khi làm việc chúng.

Bộ Hành-Hộ nói rằng: “5 Hạ trở lên là ngôi vị Xà-Lê, 10 Hạ trở lên là ngôi vị Hòa-Thượng. Tuy việc này là việc của các vị Tỳ-Khưu, nhưng Sa-Di cũng nên dự biết.”

2. THỜ THÀY

Nên dậy sớm.

Khi muốn vào trong cửa phòng Thày, trước tiên nên khảy ngón tay ba tiếng.

Nếu có lỗi, Hòa-Thượng, A-Xà-Lê dạy răn, không được nói nghịch lại. Nên coi vị Hòa-Thượng, A-Xà-Lê như Phật.

Nếu Thày có sai đổ những đồ bất-tịnh, không được khạc-nhổ, không được giận-bực.

Nếu đỉnh lễ Thày, Thày tọa-thiền, không nên làm lễ, Thày đi kinh-hành, không nên làm lễ, Thày dùng cơm, Thày thuyết kinh, Thày xỉa răng, Thày tắm giặt, Thày ngủ-nghỉ v.v.., đều không nên làm lễ. Khi Thày đóng cửa phòng, không nên làm lễ ngoài cửa. Khi muốn vào trong cửa phòng làm lễ, nên khảy ngón tay ba lượt Thày không ưng thì nên lui.

Dâng đồ ăn uống cho Thày, nên bưng hai tay. Khi Thày dùng xong, nên từ-từ thu dọn đồ-vật.

Hầu Thày, không được đứng đối-diện, không được đứng chỗ cao, không được đứng quá xa, đứng làm sao, để khi Thày nói nhỏ có thể nghe được, không làm tổn sức-lực Thày.

Nếu thỉnh-vấn Thày về nhân-duyên Phật-pháp, nên đắp y tề-chỉnh, lễ-bái, chắp tay, quỳ thẳng, tác bạch. Thày nói điều gì nên lắng lòng, nghe kỹ, suy nghĩ và, in sâu vào tạng-thức.

Nếu khi thỉnh-vấn các việc thông-thường trong nhà không cần phải đỉnh lễ, hồ-quỳ, mà chỉ đứng ngay bên Thày, cứ thực mà trình bạch.

Nếu khi Thày thân-tâm mỏi-mệt, dạy lui nên lui, không được tâm-tình sinh ra sự không vui, hiện ra sắc mặt.

Nếu có phạm giới v.v... không được che dấu và nên cấp tốc đến nơi Thày, cầu xin sám-hối. Thày cho phép sám-hối thì nên tận-tình bày tỏ, tinh-thành hối-cải, lại được thanh-tịnh.

Thày nói chưa xong, chưa được nói.

Không được đùa ngồi trên tòa ngồi của Thày, nằm trên giường nằm của Thày, đội mũ mặc áo của Thày v.v...

Thày sai cầm thư của Thày đem đi đâu, không được tự bóc coi, cũng không được cho ai coi. Đến nơi đưa thư, họ có hỏi điều gì, nên đáp thì cứ thực mà trả lời, hoặc không nên trả lời thì nên từ-khước một cách khéo-léo. Họ lưu lại, không nên ở lại và, nên nhất tâm nhớ Thày, mong về.

Thày tiếp khách, hoặc đứng chỗ thường, hoặc đứng bên Thày, hoặc đứng sau Thày, nhưng phải làm sao, tai mắt của Thày, trò giao-tiếp được với nhau, để khi Thày cần dạy bảo việc gì.

Thày đau yếu, mỗi việc mỗi việc phải dụng-tâm điều-trị, xếp-đặt như phòng-thất, mền-nệm, thuốc-men, cơm-cháo v.v...

Còn các việc: cầm y, trao giầy, giặt tẩy, hong phơi v.v.., các việc ấy có đầy đủ trong Luật, nơi đây không nghi chép nhiều.

PHỤ:

Khi hầu Thày, Thày không bảo ngồi thì không nên ngồi. Thày không hỏi thì không đáp, trừ khi tự mình có việc muốn hỏi.

Khi đứng hầu, không được dựa vách, dựa ghế, nên đứng bên Thày với tư-thế, thân-thể đoan-chính, đôi chân tề-chỉnh.

Muốn lễ Thày, Thày bảo thôi, nên thuận theo mệnh-lệnh của Thày.

Khi Thày cùng tân-khách đàm-luận, nếu chuyện nào hợp với chuyện đạo, có ích cho thân-tâm, đều nên ghi lấy.

Khi Thày sai bảo làm việc gì, nên kíp thời làm xong, không được trái nghịch và khinh-thường.

Ngủ nghỉ, không nên đi ngủ nghỉ trước Thày.

Ai có hỏi tên húy của Thày, nên nói: trên chữ ấy, dưới chữ ấy...

Là đệ-tử nên chọn bậc minh-sư. Chọn được rồi phải thân-cận lâu dài, không được xa Thày quá sớm. Như Thày thực bất-minh, nên tìm bậc lương-đạo.

Trong trường-hợp phải xa Thày, nên nhớ những lời Thày dạy răn, không được mặc tình tự-ý theo những người thế-tục, làm những việc bất-chính. Cũng không được ở những chỗ huyên-náo như chỗ chợ, giếng nước. Không được ở nơi miếu thờ Thần. Không được ở trong phòng nhà dân-chúng. Không được ở gần chùa Ni. Không được ở chung nơi Thày mà làm các việc ác trong thế-gian.

3. THEO THÀY XUẤT-HÀNH

Đi cùng Thày, không được đi qua nhà người khác.

Không được ngưng lại bên đường nói chuyện cùng người khác. Không được ngoái trông bên tả bên hữu, nên cúi đầu theo sau Thày.

Tới nhà đàn-việt, nên đứng một bên Thày, Thày dạy ngồi mới ngồi.

Tới tự-viện người ta, Thày lễ Phật, hoặc mình lễ không được tự-tiện đánh chuông khánh.

Nếu Thày đi lên núi, nên mang tọa-cụ theo.

Nếu đi xa, không được cách Thày quá xa.

Nếu lội nước, nên cầm gậy dò thử xem nông hay sâu.

Còn các việc mang bình-bát, cầm gậy tích-trượng v.v.., đầy đủ trong Luật-tạng, nơi đây, văn nhiều không chép.

PHỤ:

Nếu tình cờ, chia ra, mỗi người đi mỗi ngả, nhưng hẹn gặp ở chỗ nào, thì không được tới sau.

Thày thụ-trai nên đứng hầu xuất-sinh. Thụ-trai xong nên đứng hầu thu cất các đồ cúng-dường.

4. NHẬP CHÚNG

Không được tranh chỗ ngồi, không được ở trên tòa xa xa gọi nhau nói chuyện, cười-đùa.

Trong chúng, ai có điều gì trái với uy-nghi, nên dấu điều xấu, bày điều tốt.

Không nên khoe sự nhọc-mệt để tỏ bày công-lao của mình.

Phàm ở đâu, ngủ không nên ngủ trước người và dậy không nên dậy sau người. Rửa mặt, không nên dùng nhiều nước. Xỉa răng nhổ nước, nên cúi đầu đưa nước xuống, không nên phun nước bắn vào người.

Không được hỷ mũi và khạc nhổ lớn tiếng.

Không được ở trong điện, tháp, tịnh-thất, nơi đất sạch, nước sạch hỷ mũi, khạc-nhổ, mà nên tìm những chỗ khuất vắng.

Không được xỉa răng trước tháp, trước các vị Hòa-Thượng, A-Xà-Lê v.v...

Phàm nghe tiếng chuông nên chắp tay mặc-niệm rằng: “Nghe tiếng chuông, phiền-não nhẹ, trí-tuệ lớn, bồ-đề sinh, lìa hầm lửa, mong thành Phật, độ chúng-sinh”. Úm, già ra đế da sa-bà-ha.

Không được cười nhiều. Nếu cười lớn hay ợ ngáp, nên lấy tay áo che miệng.

Không được đi vội. Không được đem đèn thờ Phật để dùng riêng cho mình. Nếu thắp đèn, nên lấy lồng đèn che kín, đừng để cho loài trùng bay sa vào.

Hoa cúng Phật, nên lựa bông nở tròn đủ. Không được ngửi trước. Bỏ hoa héo, cúng hoa tươi. Hoa héo không nên bỏ dưới đất, giậm lên, mà phải để chỗ vắng vẻ.

Không được nghe Thày gọi mà không đáp. Nghe gọi, nên lấy câu niệm Phật mà đáp.

Khi nhặt được của rơi, nên bạch vị Tri-Sự ngay.

PHỤ:

Không được kết bạn với Sa-Di tuổi trẻ.

Không được dùng ba tấm y của các vị Tỳ-Khưu một cách lẫn-lộn. Không được may nhiều y-phục. Nếu thừa nên xả. Không được sắm dây lưng tốt đẹp và đồ chơi v.v.., trang-điểm giang-hồ, làm trò cười cho người thức-giả. Không được mặc đồ có màu sắc và giống y-phục trang-sức của người thế-tục v.v... Không được tay chẳng sạch mà đắp y.

Khi lên chánh-điện nên mặc khố-miệt (quần lót) cho chắc, không được buông ý tự-tiện.

Không được rong chơi. Không được nói nhiều. Không được ngồi ngó đại-chúng làm việc nhọc-mệt, lười biếng trốn tránh cho yên. Không nên lấy của Chiêu-Đề (Caturdesa, tức là của Tứ-phương-tăng, hay là của tự-viện) như: tre, gỗ, hoa, quả, rau... cùng hết thảy đồ ăn uống, đồ-đạc v.v...

Không được bàn bạc về những việc chính-trị được, mất trong triều-đình, công-phủ, cùng những việc hay, dở, tốt, xấu của nhà bạch-y (thế-tục).

Phàm tự-xưng, nên xưng hai chữ pháp-danh, không được xưng là Ta hay là Tiểu-Tăng.

Không được, nhân việc nhỏ, sinh ra sự tranh-chấp. Nếu việc lớn lao, khó nhẫn, cũng nên giữ tâm bình, khí hòa, dùng lý-luận biện-giải và, nếu không được, cáo-từ rút lui. Nổi giận, thốt ra lời thô-tục, tức không phải là vị hảo-tăng vậy.

5. THEO CHÚNG DÙNG CƠM

Nghe tiếng kiền-trùy (Ghantà: gọi chung những thứ đánh ra tiếng như: chuông, khánh, gỗ v.v...), nên chỉnh y-phục ngay.

Tới khi ăn, chú-nguyện, đều phải cung-kính.

Xuất-sinh, cơm không quá bảy hạt, miến không quá một tấc, bánh bột man-đầu độ chừng móng tay. Không nên nhiều cũng không nên ít. Nhiều là tham. Ít là sẻn. Còn các món khác như rau, đậu-hủ, không nên xuất-sinh.

Khi xuất-sinh, để trong lòng bàn tay trái, tưởng niệm bài kệ: “Nhữ đẳng quỷ-thần chúng, ngã kim thí nhữ cúng; thử thực biến thập phương, nhất thiết quỷ-thần cộng”: Quỷ-thần chúng các vị, nay tôi cho đồ cúng; cơm này khắp mười phương, cho chung mọi quỷ-thần.

Trước khi muốn ăn, phải niệm 5 phép quán-tưởng: “Nhất, kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ. Nhị, thổn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng-cúng. Tam, phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông. Tứ, chính sự lương-dược, vị liệu hình khô. Ngũ, vị thành đạo cố, phương thụ thử thực”: Một là, tính xem công-phu của các món ăn ấy nhiều hay ít và, suy lường xem chúng từ nơi nào đem lại. Hai là, suy nghĩ xem đức-hạnh mình được trọn vẹn hay còn thiếu, mà nhận đồ cúng này. Ba là, ngăn ngừa tâm, khỏi lỗi lầm, vì tham v.v... là cội gốc. Bốn là, món ăn chính là vị thuốc hay, vì nó chữa được bịnh khô héo. Năm là, vì thành đạo-nghiệp, nên nhận món ăn này.

Không chê đồ ăn ngon, dở. Không được lấy đồ ăn chung cho riêng, hoặc ném cho chó ăn. Đưa thêm đồ ăn, không nên nói là không dùng. Nếu ăn no rồi, nên lấy tay khiêm-nhường mà khước-từ. Không được gãi đầu, làm bay bụi vào trong bát người bên cạnh. Không được ngậm cơm, nói chuyện. Không được cười nói chuyện tạp. Không được nhai cơm có tiếng. Như muốn xỉa răng, nên lấy tay áo che miệng. Trong cơm, hoặc có sâu, kiến, nên che dấu kín, đừng để người ngồi gần trông thấy, sinh tâm nghi sợ.

Nên ngồi ăn một chỗ, không được ăn xong, lại rời đến chỗ khác ăn nữa. Không được ăn xong, lấy ngón tay vét chén bát mà ăn. Khi ăn, không được nhanh quá và cũng không được chậm quá. Đưa đồ ăn chưa tới, không được sinh phiền-não. Hoặc cần dùng gì, yên lặng chỉ trao, không được cao tiếng gọi lớn. Không được khua chén bát thành tiếng. Không được ăn xong, dậy trước.

Nếu trái với Tăng-chế, nghe tiếng bạch-trùy không được kình-chống không chịu.

Trong cơm có thóc, bóc vỏ mà ăn.

Không được thấy đồ ăn ngon sinh tâm tham, mặc cho miệng ăn. Không được ăn món ăn khác với chúng.

6. LỄ BÁI

Lễ bái, không được chiếm giữa chính-điện, vì nơi ấy dành riêng cho ngôi vị Trụ-Trì.

Có người đang lễ Phật, không được đứng gần và đi ngang qua đầu người ấy.

Chắp tay, không được mười ngón so-le. Không được rỗng giữa. Không được nhét ngón tay vào trong mũi. Phải để ngay trước ngực, cao, thấp đúng chỗ. Không được lễ bái không đúng thời. Như muốn lễ phi-thời, phải đợi khi người ta an-tĩnh.

Khi Thày lễ Phật, không được cùng Thày cùng lễ. Nên theo sau, xa Thày mà lạy.

Thày xá người ta, không được, cùng Thày mà xá.

Ở trước Thày, không được cùng bạn đồng bực lạy nhau. Ở trước Thày không được nhận sự lễ lạy của người.

Tay mình đanh cầm kinh, tượng, không được làm lễ người ta.

PHỤ:

Phàm lễ bái, phải tinh-thành quán-tưởng. Trong kinh liệt-kê bảy phép lễ, cần phải biết:
Một là, ngã-mạn lễ,
Hai là, cầu danh lễ,
Ba là, thân tâm cung-kính lễ,
Bốn là, phát trí thanh-tịnh lễ,
Năm là, thông-nhập pháp-giới lễ,
Sáu là, chính-quán tu thành lễ,
Bảy là, thực-tướng bình-đẳng lễ.

7. NGHE PHÁP

Khi có bảng treo trên giảng-đường, nên sớm lên giảng-đường, đừng đợi khi trống pháp đánh lớn mới tới. Sửa-sang y-phục rồi nên trông ngay tiến thẳng.

Ngồi phải đoan-nghiêm. Không được nói chuyện loạn lên. Không được ho khạc lớn tiếng.

PHỤ:

Khi nghe pháp phải nghe mà nhớ, nhớ mà tu.

Không được chuyên ghi những danh-ngôn, để giúp thêm vào việc bàn cãi. Không được chưa hiểu nói là đã hiểu, mà chỉ là vào tai ra miệng.

Sa-Di tuổi trẻ, giới-lực chưa bền chắc, cần phải học luật, không nên tới trường giảng kinh, luận sớm.

8. TẬP HỌC KINH-ĐIỂN

Nên học luật trước, sau mới học kinh, không nên vượt bực.

Phàm học một bộ kinh nào, trước tiên phải bạch Thày. Khi học kinh ấy xong, lại bạch xin học kinh khác.

Không được lấy miệng thổi bụi trên kinh. Trên án kinh, không được cất những thứ trà, bột và tạp-vật.

Người xem kinh, không được đi ngang qua gần án kinh của người ấy.

Khi kinh sách hư rách, nên tu bổ sớm.

Bổn-nghiệp của Sa-Di chưa thành, không nên tập học các sách bên ngoài, các sách sử của nhiều nhà và những sách vở về việc cai-trị của thế-gian.

PHỤ:

Không được lựa chọn học tập những kinh ứng-phó đạo-tràng. Không được tập học những kinh-điển ngụy-tạo. Không được tập học các sách coi số-mạng. Không được tập học các sách coi tướng. Không được tập học các sách làm thuốc. Không được tập học các sách binh-trận. Không được tập học các sách coi bói, coi quẻ. Không được tập học các sách thiên-văn, địa-lý, sấm-ký. Cho đến không được tập học những sách nói về phép thần-tiên, luyện linh-đơn, luyên đơn-sa thành bạc thành vàng, mà đời trước (Trung-Hoa) thường gọi là “lô-hỏa, hoàng-bạch”. Không được tập học những sách thần-kỳ, quỷ-quái, phù-thủy v.v.. Không được tập học theo lối một người đọc, mấy người rập theo, gọi là “tuyên quyển đả kệ”. Không được tập học các sách vở ngoại-đạo, trừ những vị trí-lực có thừa muốn biết giáo-điển cao thấp của nội, ngoại-giáo, nên mới trải qua cho biết, song, cũng không nên sinh ra tâm tưởng tập học. Không được tập học thơ và từ. Không được để tâm học viết chữ cho tốt. Song, chỉ cần viết nét ngay thẳng là đủ. Không được tay nhơ cầm giữ kinh.

Đối với kinh sách, như đối với Phật, không được giởn cười.

Không được trên án để kinh sách lộn-xộn. Không được đọc lớn tiếng động chúng. Không được mượn kinh sách của người coi rồi không trả, và không để tâm ưa thích, quý trọng, để đến nỗi hư rách.

9. NHẬP TỰ-VIỆN

Khi vào cửa chùa không được đi chính giữa. Phải theo hai bên mà đi. Đi bên trái, chân trái bước trước. Đi bên mặt, chân mặt bước trước.

Không được vô cớ lên đại-điện giởn chơi. Không được vô cớ lên tháp. Vào điện, tháp nên quanh bên hữu không được quanh bên tả. Không được hỉ nhổ trong điện tháp. Nhiễu tháp hoặc ba vòng, bảy vòng, cho đến trăm vòng. Nên biết tượng-trưng của các số này.

Không được để nón, gậy và các đồ-vật khác dựa vào vách chính-điện.

10. VÀO THIỀN-ĐƯỜNG, TÙY CHÚNG

Trên đơn, không được giũ áo, mền thành tiếng, và bay bụi, làm cho người ở đơn bên bị động-niệm.

Khi từ giường bước xuống niệm bài kệ rằng: “Từ sớm, giờ Dần thẳng đến chiều, hết thảy chúng-sinh quanh-quẩn cần giữ mình. Không may, dưới chân thân-mệnh mất, nguyện ngươi tức thời sinh cõi Tịnh.”

Không được cao tiếng, nói to.

Nhẹ tay cuốn bức mành mành, phải đỡ tay sau.

Không được kéo giày ra tiếng. Không được ho khạc có tiếng lớn. Không được cùng với người ở đơn bên, chụm đầu, kề tai, nói chuyện đời.

Hoặc có bạn đạo thân-tình thăm nhau, trong nhà Thiền không được nói chuyện lâu, nên đem nhau tới dưới rừng, bên suối, mới có thể dốc hết tâm-can đàm-luận.

Nếu coi kinh, thân cần ngồi ngay thẳng, lắng lòng xem một cách thầm lặng, không nên đọc ra tiếng.

Mộc-bản đánh đến hồi thứ hai, liền phải lên giảng-đường sớm.

Về tới vị-trí của mình, thầm niệm bài kệ rằng: “Thân thẳng ngồi ngay. Nguyện cho chúng-sinh. Ngồi tòa bồ-đề. Tâm không chấp-trước.”

PHỤ:

Không được đi xuyên qua Thiền-đường.

Lên đơn, xuống đơn, đều nên giữ tế-hạnh, đừng để động niệm tới vị ở đơn bên. Không được ngồi trên đơn mà viết chép văn-tự, trừ khi đại-chúng xem kinh-giáo.

Không được ở trên đơn xúm nhau bày tiệc trà hay đêm ngồi nói chuyện tạp. Không được ngồi trên đơn may vá quần áo. Không được nằm ngủ, cùng người gần đơn nói chuyện động chúng.

11. CHẤP-TÁC

Nên tiếc của chúng-tăng. Nên theo sự dạy bảo của vị Tri-Sự, không nên ngang trái.

Khi rửa rau phải thay nước ba lần. Phàm múc nước trước tiên phải rửa tay cho sạch. Khi dùng nước phải xem kỹ, có trùng hay không có trùng. Nếu có trùng nên lấy lụa dầy lọc qua mới dùng. Nếu thuộc mùa nghiêm-đông, trời lạnh, đừng nên lọc nước sớm và phải đợi mặt trời mọc hãy lọc.

Phàm nhúm bếp, không được đốt củi mục. Phàm làm đồ ăn, đừng nên để móng tay nhơ. Phàm đổ nước nhơ không được đổ giữa đường. Cũng không được giơ cao tay hắt đổ. Phải cách mặt đất chừng bốn, năm tấc, từ từ mà đổ.

Phàm quét đất, không được quét ngược gió. Không được gom bụi đất để sau cánh cửa.

Giặt áo trong, nên lượm bỏ các con rận rồi sau mới giặt. Tháng mùa Hạ, dùng nước, dùng rồi phải úp chậu xuống, nếu để ngửa, tức thì loài trùng sẽ sinh ra.

Nước nóng không được đổ trên đất.

Hết thảy gạo, miến, rau, trái v.v... không được vứt bỏ lang-tạ, phải sinh lòng mến tiếc.

12. VÀO NHÀ TẮM

Trước tiên lấy nước nóng rửa mặt và từ từ rửa từ trên xuống dưới. Không được thô-tháo, dùng nước nóng làm bắn vào người bên cạnh. Không được tiểu trong nhà tắm. Không được cùng người nói, cười. Bộ Nhân-Thiên Bảo-Giám nói: “Một Sa-Di vào nhà tắm cười đùa, liền bị quả-báo địa-ngục Nước Sôi.” Không nên tắm chỗ vắng.

Khi có bệnh ghẻ-lác, nên lựa tắm về sau. Hoặc có những mụn nhọt đáng sợ, càng nên quanh tránh, khỏi lọt vào mắt người ta.

Không được mặc ý tắm lâu, làm phương-ngại cho người tắm sau.

PHỤ:

Khi cổi áo, mặc áo, phải thong thả, bình-tĩnh.

Trước khi tắm phải tẩy tịnh, phải giữ những hạnh vi-tế. Không được đem nước tẩy tịnh đổ chung vào bồn tắm.

Nước lạnh hay nóng, y theo lệ đánh tiếng “keng”, chứ không được kêu to.

13. VÀO NHÀ XÍ

Muốn đi đại, tiểu-tiện, nên đi ngay, đừng để cho trong bụng thôi-thúc vội-vàng.

Trên sào tre, vắt áo trực-thuyết, phải xếp cho tề-chỉnh, lấy khăn tay hoặc dây lưng buộc chặt lại. Buộc như vậy, một là, để ghi nhận, và hai là, sợ rớt xuống đất.

Nên thay đổi giày dép, không nên đi giày sạch vào nhà xí. Đến nơi, nên khảy ngón tay ba lần, để cho người bên trong biết. Không được hối-thúc người bên trong phải ra mau. Khi ngồi trên cầu xí rồi, lại phải khảy ngón tay ba lần, thầm niệm bài kệ rằng: “Khi đại-tiểu-tiện, nguyện cho chúng-sinh, bỏ tham, sân, si trừ sạch tội pháp.” Khi ngồi trên cầu, không được cúi đầu ngó xuống. Không được cầm cỏ vẽ đất. Không được rặn hơi thành tiếng. Không được cách vách, cùng người nói chuyện. Không được nhổ nước bọt vào vách.

Gặp người không nên làm lễ, nên nghiêng mình tránh đi. Không được đi dọc đường buộc đai áo. Đại-tiện xong, phải rửa tay cho sạch. Nếu tay chưa sạch, không được cầm vật gì.

Rửa tay, thầm niệm bài kệ rằng: “Lấy nước rửa tay, nguyện cho chúng-sinh, được tay trong sạch, thụ trì Phật-pháp. Úm chủ ca ra gia sa-ha.”

PHỤ:

Nếu khi đi tiểu, cũng cần phải sắn tay áo lên, và không nên mặc áo thiên-sam (áo lễ), đi tiểu.

14. NẰM NGỦ

Nằm, phải nằm nghiêng hông bên hữu, gọi là ngủ Cát-Tường. Không được nằm ngửa, nằm sấp, cùng nằm nghiêng hông bên tả.

Không được cùng Thày đồng thất, đồng giường, hoặc được đồng thất, nhưng không được cùng giường. Cũng không được cùng với Sa-Di đồng-sự nằm chung một giường. Để dày giép, treo tiểu y v.v.., không được quá đầu mặt người.

PHỤ:

Không được cổi áo trong mà nằm. Không được ngủ trên giường cười, nói lớn tiếng. Không được trước Thánh-tượng và chốn pháp-đường, mang các đồ nhơ đi qua.

15. QUANH LÒ SƯỞI

Không được chụm đầu kề tai nói chuyện. Không được khảy mồ hôi nhơ trong lửa.

Không được hong phơi giày, áo miệt. Không được hơ lửa lâu quá, sợ trở ngại cho người tới sau. Hơi ấm nên trở về vị-trí của mình.

16. Ở TRONG PHÒNG

Khi hỏi thăm nhau điều gì, phải biết giới-phẩm lớn, nhỏ.

Muốn đem đèn vào trong phòng, phải thưa trước cho các vị đồng phòng cùng biết rằng sẽ đem đèn vào. Khi muốn tắt đèn, trước tiên phải hỏi những vị cùng ở trong phòng còn dùng đèn nữa không, rồi sau mới tắt.

Tắt đèn, không nên lấy miệng thổi. Niệm tụng không nên cao tiếng.

Nếu có người đau yếu, phải sinh lòng thương, săn sóc thủy chung.

Có người ngủ, không đuợc khua đồ-vật vang-động, và lớn tiếng nói, cười.

Không được vô cớ, xông vào phòng viện của người khác.

17. ĐẾN CHÙA NI

Có chỗ ngồi riêng mới ngồi, không có chỗ ngồi riêng không được ngồi.

Không được vì Ni thuyết pháp phi thời.

Khi trở về chùa, không được nói sự tốt, xấu của chùa ấy.

Không được thư-từ qua lại, và cậy mượn cắt may giặt nhuộm quần áo v.v.. Không được cạo tóc. Không được cùng ngồi ở chỗ vắng nói chuyện.

PHỤ

Không có hai người, một mình không nên tới, cũng không nên đưa tặng-vật qua lại. Không được mượn các vị Ni đi hóa-duyên nơi các nhà hào-quý và cầu-niệm kinh-sám v.v.. Không được cùng các vị Ni kết-nguyện làm cha mẹ, chị em, đạo-hữu.

18. ĐẾN NHÀ NGƯỜI

Có tòa riêng hãy nên ngồi, không nên ngồi bừa.

Người hỏi về kinh phải biết thời mà nói, cẩn-thận đừng nên nói phi-thời.

Không được cười nhiều.

Chủ-nhân đãi cơm, tuy không phải là nơi pháp-hội, nhưng cũng đừng trái phép tắc.

Không nên đi đêm. Không được ở trong nhà trống, hoặc chỗ khuất, cùng nữ-nhân ngồi chung nói chuyện.

Không được thư-từ qua lại v.v... như chương trước đã nói.

Nếu về nhà thăm cha mẹ, trước tiên phải vào trong nhà lễ Phật, hoặc Thánh-tượng trong gia-đường, đoan-trang lễ-nguyện. Thứ đến hỏi thăm cha mẹ, quyến-thuộc v.v...

Không được nói với cha mẹ về việc phép-tắc nơi Thày nghiêm-nghị, việc xuất-gia khó-khăn, ở chùa đạm-bạc, quạnh-hiu, gian-tân khổ-cực v.v.. Và, chỉ nên vì tất cả thuyết pháp, làm cho sinh tín-tâm, thêm phước-đức.

Không được cùng thân-quyến thế-tục cũng như các trẻ em, ngồi lâu, đứng lâu, cười đùa, chuyện tạp. Cũng không được hỏi những sự phải, trái, tốt, xấu trong họ.

Nếu trời tối, ngủ lại, nên ở riêng một giường, và nên ngồi nhiều, nằm ít, nhất tâm niệm Phật. Việc xong nên về ngay, không được giằng giai việc này qua việc khác.

PHỤ:

Không được liếc ngó bên tả bên hữu. Không được nói chuyện tạp. Nếu nói chuyện cùng nữ-nhân, không được nói thì-thầm và không được nói nhiều.

Không được dối hiện uy-nghi, giả mạo tướng thiền, cầu người cung-kính.

Không được nói bừa về Phật-pháp, đáp loạn những câu hỏi của người, tự khoe là nghe nhiều, cầu người cung-kính.

Không được đưa tặng hộp lễ vật qua lại, bắt chước người thế-tục bạch-y.

Không được cai-quản việc nhà người.

Không được ngồi lẫn trong tiệc rượu.

Không được kết-duyên với người thế-tục bạch-y làm cha mẹ, chị em.

Không được nói những lỗi lầm trong Tăng-chúng.

19. KHẤT-THỰC

Nên cùng đi khất-thực với bậc lão-thành. Nếu không có người cùng đi, nên biết những chỗ đáng đi.

Đến cửa nhà người ta, phải xét kỹ những cử-chỉ, xếp đặt, không được mất uy-nghi.

Nhà không có con trai, không được vào cửa.

Nếu muốn ngồi, trước tiên phải coi xem chỗ ngồi, 
có đồ đao-binh không nên ngồi, có vật báu không nên ngồi, có áo mền, đồ trang-nghiêm của đàn bà, không nên ngồi.

Khi muốn nói về Kinh, nên biết thời đáng nói và thời không đáng nói.

Không được nói, cho ta đồ ăn, khiến người được phước.

PHỤ:

Phàm khất-thực, không được năn-nỉ và xin hoài.

Không được bàn rộng về lý nhân-quả, mong người ta cúng nhiều.

Được nhiều đừng sinh tham-đắm, được ít đừng sinh tâm lo buồn.

Không được chuyên tới những thí-chủ có tình quen, cũng như những am-viện có tình quen, xin ăn.

20. VÀO NƠI TỤ-LẠC

Không có duyên-sự cần-thiết, không được vào nơi tụ-lạc (làng xóm, đông người ở).

Không được đi mau. Không được đi, tay đưa vắt-vẻo. Không được thường thường liếc ngó những nhân-vật đi đường. Không được vừa đi vừa nói cười với Sa-Di và em nhỏ. Không được đi theo trước sau nữ-nhân, cũng không được đi theo trước sau các vị Ni. Không được đi theo trước hay sau người say, người điên. Nên đi tránh.

Không được ngoái về đằng sau nhìn nữ-nhân. Không được ngước mắt nhìn nữ-nhân đi bên.

Khi gặp bậc Tôn-Túc, hay người thân quen biết, đều phải dừng lại một bên đường, trước tiên tỏ ý hỏi thăm.

Hoặc gặp những trò kỳ-quái hý-huyễn v.v.. đều không nên xem, cứ ngay mình thẳng theo đường chính mà đi.

Phàm gặp chỗ có hầm nước sâu, bờ nước lở, không được nhảy qua, có đường nên đi quanh, không có đường mà người ta đều nhảy qua, ta cũng nhảy qua, thì được.

Không có bịnh và việc gấp, không được cưỡi ngựa cho đến không được khởi tâm đùa cợt, cầm roi quất ngựa chạy nhanh hoặc chạy chậm.

PHỤ:

Phàm gặp quan-phủ (cơ-quan công-quyền), không cứ lớn, nhỏ, đều nên quanh tránh. Gặp người đánh lộn cũng nên tránh xa, không nên đứng coi.

Về chùa, không được khoe khoang thấy những việc hoa-mỹ trong thành.

21. ĐI CHỢ MUA ĐỒ

Không nên tranh cãi mắc với rẻ. Không nên ngồi nơi hàng nữ-nhân. Nếu bị người ta mua tranh, nên dùng phương-tiện lánh đi, đừng nên cố theo trả giá.

Đã hứa mua vật của người trước, vật của người sau tuy rẻ hơn, cũng không nên bỏ vật của người kia mà lấy vật của người này, làm cho người chủ cũ có sự buồn hận.

Cẩn-thận, không nên đứng bảo-lãnh, đến nỗi mắc nợ người ta.

22. LÀM VIỆC, KHÔNG ĐƯỢC TỰ-DỤNG

Khi ra, vào, đi, lại, trước tiên phải bạch Thày.

May pháp-y mới, trước phải bạch Thày. Thế đầu, trước phải bạch Thày. Yếu đau uống thuốc, trước phải bạch Thày. Làm việc chúng-tăng, trước phải bạch Thày. Muốn có các đồ riêng như bút, giấy v.v.., trước phải bạch Thày. Nếu muốn tụng kinh sách, trước phải bạch Thày. Nếu ai muốn đem cho đồ vật gì, trước phải bạch Thày, Thày ưng-thuận rồi sau mới nhận. Muốn đem vật kỷ-niệm cho người khác, trước phải bạch Thày, Thày thuận rồi mới được cho.

Người ta đến mình cậy mượn vật chi, trước phải bạch Thày, Thày chấp-thuận rồi, sau mới cho. Mình muốn tới chỗ người nào đó mượn vật gì, trước phải bạch Thày, Thày thuận thì được đi.

Bạch, Thày thuận hay không thuận đều phải làm lễ. Thày không chấp-thuận cũng không được có ý buồn hận.

PHỤ:

Cho đến những việc lớn, hoặc đi du-phương, hoặc đi nghe giảng, hoặc đi nhập-chúng, hoặc đi quản-thu chốn sơn-môn, hoặc có những sự-duyên xây-dựng chùa-cảnh v.v.., đều phải bạch Thày, không được tự-dụng.

23. THAM HỌC PHƯƠNG XA

Đi xa, cần nương vào bạn lành.

Bậc cổ-nhân, tâm-địa chưa thông, không ngại đường xa nghìn dậm để cầu Thày học đạo.

PHỤ:

Tuổi nhỏ, giới luật còn ít-ỏi, Thày chưa cho đi xa. Như có việc phải đi, không được cùng đi với bọn bất-lương.

Phải tìm Thày hỏi đạo, để quyết trọn trong việc sinh-tử, thì không nên đi xem non, ngắm biển, chỉ với mục-đích du-lịch xa rộng, để khoe-khoang với người.

Đến chỗ nào, để hành-lý bên ngoài, không được mang ngay vào trong chùa. Một người đứng coi hành-lý một người vào trước thăm hỏi, nắm vững phép-tắc lui tới của thường-trụ, mới có thể đem hành-lý xếp đặt vào trong.

24. DANH-TƯỚNG Y VÀ BÁT

Y 5 điều, tiếng Phạm gọi là An-Đà-Hội (Antarvàsaka), Trung-Hoa dịch nghĩa là “Trung-Túc-Y”. Cũng có chỗ gọi là: “Hạ-Y”. Cũng có chỗ gọi là: “Tạp-Tác-Y”.

Phàm, làm việc vất vả trong chùa, đi đường, ra vào, lui tới, nên đắp y này. Khi đắp y này, đọc bài kệ rằng:

Thiện-tai giải-thoát phục, 
Vô-thượng phúc-điền-y. 
Ngã kim đỉnh đái thụ, 
Thế thế bất xả ly. 

Lành thay áo giải-thoát,
Áo, ruộng phúc vô-thượng.
Nay con cúi đầu nhận,
Đời đời không lìa bỏ.
ÚM TẤT ĐÀ DA SA-BÀ-HA. (3 lần)

Y 7 điều, tiếng Phạm gọi là: “Uất-Đa-La-Tăng” (Uttaràsangta), Trung-Hoa dịch nghĩa là “Thượng-Trước-Y”. Cũng gọi là “Nhập-Chúng-Y”.

Phàm, lễ Phật, sám-hối, tụng kinh, tọa thiền, phó trai, nghe giảng, Bố-Tát, tự-tứ, nên đắp y này. Khi đắp y này đọc bài kệ rằng:

Thiện-tai giải-thoát phục, 
Vô-thượng phúc-điền-y. 
Ngã kim đỉnh đái thụ, 
Thế thế thường đắc phi. 

Lành thay áo giải-thoát,
Áo, ruộng phúc vô-thượng.
Nay con cúi đầu nhận,
Đời đời thường được mặc.
ÚM ĐỘ BA ĐỘ BA SA-BÀ-HA. (3 lần)

Y 25 điều, tiếng Phạm gọi là “Tăng-Già-Lê” (Sanghàti), Trung-Hoa dịch nghĩa là “Hiệp-Y”. Cũng dịch là “Trùng-Y”. Cũng dịch là “Tạp-Toái-Y”. Vì điều-số của nó nhiều vậy.

Phàm, khi vào cung nhà vua, lên tòa thuyết pháp, đi vào nơi tụ-lạc, đi khất-thực, nên đắp y này.

Y này có 9 phẩm:

Hạ-phẩm có 3: 9 điều, 11 điều và 13 điều. Trong mỗi một điều có 2 mảnh dài, 1 mảnh ngắn.

Trung-phẩm có 3: 15 điều, 17 điều và 19 điều. Trong mỗi một điều có 3 mảnh dài, 1 mảnh ngắn.

Thượng-phẩm có 3: 21 điều, 23 điều và 25 điều. Trong mỗi một điều có 4 mảnh dài, 1 mảnh ngắn.

Khi đắp y này, đọc bài kệ rằng:
Thiện-tai giải-thoát-phục, 
Vô-thượng phúc-điền-y. 
Ngã kim đỉnh đái thụ, 
Quảng-độ chư quần mê. 

Lành thay áo giải-thoát,
Áo, ruộng phúc vô-thượng.
Nay con cúi đầu nhận,
Rộng độ các loài mê.
Úm, ma ha ca bà ba, tra tất đế, sa-bà-ha. (3 lần)

BÁT, tiếng Phạm gọi là Bát-đa-la(Pàtra), Trung-Hoa dịch nghĩa là “Ứng-lượng-khí”. Nghĩa là, Thể, Sắc, Lượng, ba thứ ấy đều đúng như pháp.

Thể của nó làm bắng hai vật sành và sắt.

Sắc của nó, lấy các thứ thuốc, đốt lửa, có khói, xông vào thành hoại-sắc.

Bát sắt, dùng hạt hạnh-nhân, hạt mè với cám nếp v.v..., đốt lửa có khói, xông thành sắc đen xám, sắc chim bồ-câu, hoặc như sắc lông cổ con chim sẻ.

Lượng của bát thì chia làm thượng, trung, hạ: Bát bậc thượng đựng khoảng một đấu. Bát bậc hạ đựng khoảng năm thăng. Khoảng giữa của hai bậc trên gọi là bát bậc trung.

TỌA-CỤ, tiếng Phạm gọi là “Ni-Sư-Đàn” (Nisidana), Trung-Hoa dịch nghĩa là “Tọa-Cụ”. Cũng gọi là “Tùy-Túc-Y”. 

Khi trải tọa-cụ, đọc bài kệ rằng:
Tọa-Cụ Ni-Sư-Đàn, 
Trưởng-dưỡng tâm-miêu-tính. 
Triển-khai đăng Thánh-địa, 
Phụng-trì Như-Lai mệnh. 
(Đồ ngồi: Ni-Sư-Đàn,
Nuôi lớn mầm tâm-tính.
Khơi mở lên cõi Thánh,
Vâng giữ mệnh Như-Lai.)
ÚM, ĐÀN BA, ĐÀN BA, SA-BÀ-HA. (3 lần)

WP: Chân Thiền

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 8765)
Vì “Giới luật là nền tảng của Phật giáo" (Vinayo Buddhànasàsanamùlam) nên chư Tăng Phật giáo Nam Tông dù ở bất cứ quốc gia, khu vực địa lý nào trên thế giới, cũng đều có chung một đặc điểm là yêu cầu nghiêm trì giới luật. Chư Tăng Phật giáo Nam Tông Kinh tại Việt Nam, xưa nay cũng đặt nặng yêu cầu đó, ở cùng mức độ, và không chấp nhận một biệt lệ nào trong việc giữ gìn giới luật của Phật chế.
24 Tháng Hai 2014(Xem: 13242)
phong_sinh_chim_300Tâm hay trách móc, hay hờn tủi, tâm đó sẽ làm cho chúng ta khổ đau. Không sợ già, không sợ chết, chỉ sợ chúng ta không có trí tuệ, chúng ta không biết tu tập, nên chúng ta không có khả năng để vẽ đời sống của chúng ta, cái dáng dấp đẹp đẽ của chúng ta trong tương lai.
06 Tháng Chín 2013(Xem: 16597)
30 Tháng Bảy 2013(Xem: 9777)