Phần 2

25 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 12797)

QUI SƠN CẢNH SÁCH
Thiền Sư Linh Hựu
Hòa Thượng Thích Thanh Từ Việt dịch

Phần 2

Chánh Văn:

“Phụ mẫu bất cung cam chỉ, lục thân cố dĩ khí ly, bất năng an quốc trị bang, gia nghiệp đốn quyên kế tự. Miến ly hương đảng, thế phát bẩm sư. Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tránh chi đức. Huýnh thoát trần thế, ký kỳ xuất ly”

Dịch:

Đối cha mẹ chẳng dâng ngon ngọt, với lục thân chí quyết bỏ lìa. Không thể an nước trị dân, nghiệp nhà trọn không nối dõi. Xa làng biệt xóm, cắt tóc theo thầy. Trong thường nhớ nghĩ công phu. Ngoài rộng mở hạnh hòa kính. Thoát hẳn thế trần, mong cầu giải thoát.

Giảng:

Đoạn này Tổ trách những người xuất gia không nỗ lực cố gắng tu.

“Phụ mẫu bất cung cam chỉ”, đối với cha mẹ chúng ta không nuôi dưỡng món ngon vật lạ.

“Lục thân cố dĩ khí ly”. Lục thân là chỉ cho thân bằng quyến thuộc. Theo sách Nho hồi xưa chia ra làm sáu: cha, mẹ, anh, em, vợ, con. Câu này nói đối với thân bằng quyến thuộc lại cố xa lìa.

“Bất năng an quốc trị bang. Gia nghiệp đốn quyên kế tự”. Không thể an nước trị dân, sự nghiệp gia đình chúng ta đều buông bỏ, không nối giòng kế tự

“Miến ly hương đảng”, tức là xa lìa làng xóm.

“Thế phát bẩm sư”, tức là cạo tóc theo Thầy học đạo.

Đoạn này Tổ chỉ cho chúng ta thấy cái gan dạ siêu xuất của người xuất gia. Thông thường, theo Nho giáo thì cho rằng trách nhiệm lớn lao của người con hiếu là nuôi dưỡng cha mẹ, kế tục sự nghiệp gia đình. Bây giờ chúng ta đi tu là bỏ cha mẹ, bỏ quyến thuộc bạn bè. Đối với quốc gia chúng ta không phải là tôi trung, đối với gia đình thì không sanh con để nối nghiệp. Bỏ lìa tất cả để cạo tóc theo Thầy học đạo, tức là chúng ta không muốn làm theo hạnh nghiệp thế gian mà muốn cái siêu xuất thế gian. Nhưng vào chùa một thời gian, chúng ta lại đi kết tình chị em với người này, kết tình cha mẹ với người kia. Buông cái này bắt cái kia, bỏ cha mẹ ruột để kết tình cha mẹ nuôi với thí chủ. Như vậy xuất gia để cầu cái gì? Có phải cầu luân hồi hay không? Có người lại đi xin một đứa nhỏ về nuôi làm con. Thật vô lý làm sao! Cha mẹ đã không nuôi, con không sanh lại đi nuôi con của người rồi xưng là con mình. Tình chân chính đối với cha mẹ đã cắt đứt, lại đi kết ái từ đâu đâu… Thành ra vào chùa một thời gian lại trở thành thế tục. Như vậy, thật là phản bội với ý nguyện xuất gia của mình, phản bội với lý tưởng cao siêu giải thoát. Mà cái sai lầm này hầu như đầy khắp cửa chùa. Đó là cái vô minh từ vô thỉ đến giờ nó đang che mờ chúng ta. Đã biết cuộc đời là vô thường, ái là gốc luân hồi sanh tử. Tại sao vô chùa lại cột thêm dây ái khác, để rồi cũng buồn, giận, khóc, than? Như huynh đệ lâu lâu giận nhau cũng khóc… Cứ như vậy ngày qua tháng lại thì tu được cái gì? Giải thoát chỗ nào mà dám xưng ta đây là Thích tử, là người xuất gia, dạy đạo giải thoát, trong khi mình đang bị cột hằng trăm mối phiền não? Quí vị phải nhận thức kỹ điều này. Đừng phản bội lại lý tưởng siêu thoát của mình. Cạo tóc theo thầy học đạo, thì phải làm sao cho xứng đáng!

“Nội cần khắc niệm chi công”tức bên trong phải ghi nhớ phương pháp tu của mình, không bao giờ lơi lỏng. Như trong kinh Bát Nhã dạy hàng giờ hàng phút dùng Trí huệ Bát Nhã quán chiếu thấy ngũ uẩn lục trần đều không thật để đừng mê lầm.

“Ngoại hoằng bất tránh chi đức”, tức là bên ngoài mở rộng đức không tranh. Đối với đại chúng phải sống theo tinh thần lục hòa, sống lục hòa mới đúng tư cách của người xuất gia. Bây giờ chúng ta xét lại coi có mấy ai được như thế? Bên trong thì tính đủ chuyện lăng xăng là đã mất “khắc niệm chi công”. Còn bên ngoài thì chỉ hai huynh đệ ở chung nhau cũng không hòa, như vậy thì đâu còn “vô tranh” nữa, mà là “hữu tranh” rồi. Trong loạn tưởng ngoài đấu tranh, sống như thế, thì đạo lý ở chỗ nào? Thế nên người xuất gia chúng ta phải nhớ bên trong không xao lãng tu, bên ngoài sống đúng lục hòa… được vậy thì Tăng đoàn mới vững mạnh lâu dài và đời tu của mình mới có y nghĩa. Chỉ một câu này thôi cũng quá đầy đủ cho chúng ta tu hành. Chúng ta phải luôn luôn nhớ: Mạng người trong hơi thở, thì có gì đâu mà tranh nhau! Chuyện gì cũng nên xí xóa cho nhau để tu, thời gian đâu có đợi mà ở đó tranh hơn thua, thế mới là người thức tỉnh. Còn ngược lại ở trong chùa mà người ta nói hơn một tiếng cũng không được, thấy ai hành động có vẻ khinh mình là không ưa, cứ chống chọi nhau hết cả thời giờ. Tuy mang hình thức xuất gia mà tâm niệm hoàn toàn thế tục. Tu hành lơ láo như thế, thì dù một trăm năm cũng chẳng ra gì.

Trong kinh A-Hàm đức Phật có nói bài kinh “Tứ niệm xứ” tức là bốn chỗ nhớ niệm:

1.Quán thân bất tịnh.

2.Quán thọ là khổ.

3.Quán tâm vô thường.

4.Quán pháp vô ngã.

Phật nói bốn pháp đó nếu người nào luôn niệm không quên, thì trong một tháng chứng quả A-La-Hán, trong bảy ngày chứng quả A-Na-Hàm, trong một ngày chứng quả Tư-Đà-Hàm, người nào trong một giờ không quên cũng chứng được quả Tu-Đà-Hoàn. Theo tinh thần Bát Nhã, ở đây tôi có thể nói, người nào hằng nhớ Trí tuệ Bát Nhãmột tháng không quên, tức đã vào Thánh địa, một ngày không quên đã bước vào bực Tam thiền, người nào một giờ không quên đã bước vào Chánh vị. Vì thế, tu là phải luôn luôn như chữ khắc vào đá không mờ, thì tu mới tiến được. Còn chúng ta thì chợt nhớ chợt quên, một ngày trôi qua chỉ thoáng nhớ vài ba khắc là cùng, vì thế mà tuy tu đã lâu, rốt cuộc cũng chỉ loanh quanh trong phiền não mà thôi.

“Huýnh thoát trần thế, ký kỳ xuất ly”,”Huýnh thoát” là ra khỏi, “ký kỳ” là hẹn ngày. Nghĩa là chúng ta nhất định có ngày thoát khỏi cõi trần. Hai câu trước nói bổn phận của người xuất gia, hai câu này khuyên chúng ta lập chí giải thoát, nhất quyết tu đời này cho liễu ngộ, đừng nói rằng: Thôi tu được bao nhiêu hay bấy nhiêu, đời sau tu tiếp nữa. Còn hẹn lần hồi như, đấy là người chưa hiểu đạo. Phải nhất quyết đời này thoát khỏi luân hồi sanh tử. Chúng ta nói thế có cao vọng lắm không? Nhiều người cho rằng: Trong kinh Phật nói phải tu ba A tăng kỳ kiếp, còn mình tu một đời này chắc gì giải thoát? Nghĩ như vậy rồi thối tâm, cứ tu lơ là cho qua ngày, sợ ráng tu quá thì đổ nghiệp. Vì thế, khuya thức dậy tụng một thời công phu, kế xuống lo ăn uống, ăn xong lo đi thăm tín đồ hoặc đi lo vài công việc trong chùa, chừng về mệt quá mở radio nằm nghe một hồi, rồi ngủ một giấc, thức dậy lại ăn cơm, ăn xong lại ngủ v.v… Cứ thế mà tiếp diễn ngày này qua ngày khác cuộn tròn trong vòng say mê ấy, hỏi chừng nào mới giải thoát? Trong kinh Pháp Hoa, Phật đã nói: Ngài cùng Bồ Tát Di-Lặc xuất gia tu hành một lúc, mà Ngài thì tinh tấn nên sớm thành Phật, còn Bồ Tát Di-Lặc cứ mãi la cà những nơi sang giàu, nên lần khần mãi đến nay cũng còn là Bồ Tát. Nhờ tinh tấn mà vượt qua bao nhiêu số kiếp, còn giải đãi thì không biết đến chừng nào? Thuở Phật còn tại thế, cũng có một số Tăng sĩ thấy mình không kham tiến tu được nên xin hoàn tục. Đối với những vị ấy, tuy sống trong thời chánh pháp mà chẳng khác chi mạt pháp, vì không tiến được. Còn chúng ta ngày nay tuy sống trong đời mạt pháp, mà y theo lời Phật Tổ dạy nỗ lực tiến tu, khắc một chữ Tử trên trán, không sợ chết, quyết định tu một đời này cho liễu ngộ, ấy là chúng ta đã chuyển mạt pháp thành chánh pháp. Chánh pháp hay mạt pháp cũng gốc tại lòng mình. Quyết chí tiến tu, ấy là chánh pháp, khởi lòng lui sụt, ấy là mạt pháp. Phật đâu không từng nói: “Người tuy ở xa ta ngàn dặm mà nghe lời ta dạy y cứ tu hành thì chẳng khác nào ở cạnh ta”. Như vậy chúng ta tuy cách Phật hơn 2.500 năm mà y theo lời Phật dạy thực hành thì cũng giống như được sống trong thời có Phật. Sở dĩ nói thời mạt pháp khó tu, là vì chúng ta giải đãi là một, ý chí yếu hèn là hai. Nếu ở thời mạt pháp mà chúng ta lập chí cho vững, tinh tấn không dừng thì mạt pháp đã trở thành chánh pháp. 

Thí dụ: xứ mình là xứ nóng, nhưng người xứ lạnh sang đây ở, họ trang bị phòng có máy lạnh thì họ đâu còn thấy nóng nữa. Như vậy họ đã chuyển nóng thành mát, đổi xấu thành tốt. Đó là nói về vật chất huống nữa là tinh thần. Như trong thời khó tu nếu ý chí chúng ta mạnh thì có thể đổi hết. Người có chí việc khó biến thành dễ, người không có chí việc dễ biến thành khó. Vì thế quí vị không nên than phiền, mình sống trong thời mạt pháp khó tu, mà chỉ nên than phiền sao chúng ta lười biếng đua đòi! Như thấy người ta sắm radio nghe vui vui, mình cũng bắt chước sắm theo; đua đòi như thế tất bị chi phối, khi đã bị chi phối rồi thì việc tu càng ngày càng bê trể, đó là bệnh của chúng ta chớ không phải bệnh của thời đại. Thời đại cũng là một yếu tố làm cho chúng ta khó tu,song biết đâu nếu chí chúng ta mạnh thì đó cũng là cái hay giúp chúng ta tiến tu. Đừng bi quan vì nghĩ là đời mạt pháp, mà chỉ nên tự thẹn mình không có chí. Vì thế, Tổ dạy chúng ta phải lập chí giải thoát, nhất định chúng ta sẽ ra khỏi cõi trần một ngày gần đây, chớ không để đắm chìm mãi mãi. Chúng ta phải luôn luôn nhớ áp dụng bốn câu này vào đời tu của mình, mới thật là người xuất gia chân chánh.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Ba 2016(Xem: 6581)
Trong bảy chúng, Tỳ kheo là bậc nhất. Trong ba tụ giới, Cụ Túc là đứng đầu. Người học Phật lấy giới luật làm nền tảng căn bản, là thềm thang đầu tiên để hướng chí đến quả vị giải thoát. Nếu không nghiêm trì Tịnh giới cho chuyên cẩn, thì cũng giống như đứng ở ngoài cửa mà chưa bước vào trong nhà Phật pháp. Giới luật không chỉ ngăn ngừa các điều ác chưa phát sanh, mà còn làm tăng trưởng thiện căn nơi hành giả. Vì thế, Tuyển Phật Trường là nơi chọn ra được những vị Sa di có bình cam lồ thật sạch để ngày mai đây tiếp nhận dòng nước giới pháp mà giới sư truyền trao.
08 Tháng Giêng 2016(Xem: 7198)
Từng nghe sanh tử là việc lớn, vô thường lại chóng mau, thật không đợi chờ người. Nếu không quyết tâm ngay đời này giải thoát thì làm sao thắng nỏi con quỷ vô thường giết người không ngừng trong mỗi niệm và giải quyết cho xong việc lớn sanh tử?
30 Tháng Bảy 2015(Xem: 11419)
Chúng ta đang thảo luận về tâm giác ngộ và một vị Bồ tát có nghĩa là gì, và chúng ta đã thấy rằng chỗ nào để thọ giới Bồ tát có trong sự tiến bộ của việc phát triển tâm giác ngộ, và những giai tầng của việc phát triển tâm giác ngộ.
29 Tháng Bảy 2015(Xem: 6496)
Giới tử phải thọ luật nghi Cận trú từ người khác chứ không thể tự thọ. Nếu sau này gặp phải các duyên khiến cho giới tử phạm phải việc ác (phạm giới duyên) thì nhờ sinh tâm hổ thẹn đối với thầy truyền giới mà có thể sẽ không phạm các giới đã thọ. Nếu không làm đúng theo các điều trên đây thì người thọ giới có thể có được hành động tốt (diệu hạnh) nhưng không thể đắc giới. Nếu làm đúng theo các điều trên thì luật nghi Cận trú sẽ có tác dụng rất lợi ích ngay cả đối với những người phạm phải ác giới thuộc về một ngày một đêm (như giết hại, trộm cắp, v.v.)[
20 Tháng Bảy 2015(Xem: 6619)
“Loại luật nghi này có tên là Cận trú (upavāsa) bởi vì, nhờ biểu hiện được lối sống phù hợp với lối sống của các A-la-hán (tadanuśikṣaṇāt), cho nên luật nghi này được đặt gần (upa) với A-la-hán. Có ý kiến khác cho rằng sở dĩ có tên Cận trú là vì nằm gần với loại luật nghi thọ trì suốt đời...... .
04 Tháng Bảy 2015(Xem: 6485)
Bồ Tát Anh Lạc Bản Nghiệp Kinh: “Nhược nhất thiết chúng sinh sơ nhập tam bảo hải dĩ tín vi bản, trụ tại phật gia dĩ giới vi bản”[1]: Hết thảy chúng sanh khi mới bắt đầu vào biển Tam bảo lấy tín làm gốc; khi sống trong ngôi nhà của Phật, thì lấy giới làm gốc. Học giới khởi sinh từ nơi tư tâm sở hay từ nơi ước muốn và thệ nguyện của một người tha thiết khất cầu pháp học giới để sống đời thanh tịnh....
02 Tháng Bảy 2015(Xem: 10877)
Những giới khinh của Bồ tát giới là để tránh khỏi 46 hành vi lỗi lầm (nyes-byas). Những hành vi lỗi lầm này được phân thành bảy nhóm gây thiệt hại, mỗi nhóm, liên hệ đến việc rèn luyện của chúng ta trong sáu ba la mật và với việc làm lợi ích cho người khác của chúng ta.
02 Tháng Năm 2015(Xem: 11334)
Giới là một hình thức vi tế không thấy trong sự tương tục tinh thần, là thứ hình thành thái độ. Một cách đặc biệt, nó là một sự kềm chế khỏi "một hành vi lỗi lầm", hoặc là một thứ tiêu cực một cách tự nhiên hay một việc mà Đức Phật ngăn cấm cho những cá nhân đặc thù đang tu tập để đạt đến những mục tiêu đặc biệt.