Giới Thứ Năm Gìn Giữ Thân Tâm, Lành Mạnh Xã Hội

26 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 9049)

ĐỂ CHO TƯƠNG LAI CÒN CÓ MẶT
CHÚ GIẢI VỀ NĂM GIỚI

Dịch từ nguyên tác ‘For A Future To Be Possible’, Paralax Press, (bản quyền 1993 của Thích Nhất Hạnh), với sự đồng ý của tác giả. Việt Dịch: TN Chân Giải Nghiêm, TN Huệ Thiện, Tuệ Bảo, Chân Ngộ, Chân Tính Không, Diệu Tuyết. Nhuận bản dịch: TN Chân Giải Nghiêm - Nhà Xuất Bản Lá Bối

GIỚI THỨ NĂM
Gìn Giữ Thân Tâm, Lành Mạnh Xã Hội

Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cộng đồng và xã hội.

Khi tắm, ta có thể nhìn vào thân thể để thấy đó là món quà của cha mẹ, ông bà. Cho dù nhiều người trong chúng ta không muốn dính dáng gì đến cha mẹ của mình cả -- các người đã làm khổ mình quá nhiều – nhưng khi nhìn sâu, ta thấy mình không thể hoàn toàn chối bỏ mối dây liên hệ ấy. Nhìn vào từng phần nơi thân thể, ta có thể hỏi mình, ‘Thân này là của ai? Ai đã truyền trao thân thể này cho ta? Cái gì đã được trao truyền?’ Quán như vậy, ta sẽ khám phá ra có ba thành phần: người trao truyền, vật được trao truyền, và người tiếp nhận sự trao truyền. Người trao truyền là cha mẹ ta. Chúng ta là sự tiếp nối của cha mẹ và tổ tiên mình. Vật được trao truyền chính là thân thể. Người tiếp nhận sự trao truyền là chúng ta. Nếu ta tiếp tục quán chiếu về vấn đề này, ta sẽ thấy rõ rằng người trao truyền, vật trao truyền, và kẻ tiếp nhận sự trao truyền là một. Ba thành phần đều có mặt nơi thân ta. Khi ta tiếp xúc sâu sắc với giây phút hiện tại, ta có thể thấy tất cả tổ tiên và tất cả các thế hệ tương lai đều có mặt trong ta. Thấy điều này, ta sẽ biết mình phải làm gì và không làm gì – cho mình, cho tổ tiên, và cho con cháu.

Ban đầu, khi nhìn cha, ta có thể không thấy mình và cha mình là một. Ta có thể giận cha nhiều chuyện. Nhưng giờ phút ta hiểu và thương được cha mình, ta nhận ra tính trống rỗng của sự trao truyền. Ta nhận ra rằng thương mình chính là thương cha mình, và thương cha mình chính là thương mình. Giữ gìn thân, tâm cho lành mạnh chính là giữ gìn cho tổ tiên, cha mẹ, và các thế hệ tương lai. Ta làm việc ấy cho xã hội, và cho tất cả mọi người, không phải chỉ làm cho riêng mình. Điều ta cần phải nhớ trước tiên là ta không thực tập như một cá nhân riêng lẻ. Những gì ta hấp thụ thì ta cũng hấp thụ cho mọi người. Tất cả tổ tiên và các thế hệ tương lại đều đang hấp thụ vào với ta. Đó là ý nghĩa đích thực của tính không trong sự truyền trao. Giới thứ Năm cần phải được thực tập trong tinh thần này.

Có những người uống rượu say sưa, họ tàn hoại thân thể, gia đình, và xã hội của mình. Họ cần phải dừng lại việc uống rượu đã đành. Nhưng mình trong suốt ba mươi năm qua, chỉ uống mỗi tuần một ly vang, chẳng hại gì, tại sao lại cần phải ngừng chuyện đó? Thực tập Giới này làm chi nếu uống rượu không làm hại gì đến ai cả? Mặc dù ta không làm hại đến mình trong ba mươi năm qua vì việc uống một hay hai ly vang mỗi tuần, nhưng điều ấy lại có thể làm hại đến con, cháu, và xã hội chúng ta. Ta chỉ cần nhìn sâu để thấy điều này. Ta đang thực tập, không phải chỉ cho riêng mình, mà cho tất cả. Con ta có thể có thiên hướng nghiện rượu, và khi thấy ta uống rượu vang mỗi tuần, một người trong số các con ta có thể trở nên nghiện rượu trong tương lai. Ta bỏ hai ly rượu ấy là để tỏ cho con cái, bạn bè, và xã hội thấy rằng cuộc đời mình không phải chỉ cho riêng mình mà thôi. Cuộc đời ta là để cho tổ tiên, các thế hệ tương lai, và cả cho xã hội. Dừng việc uống hai ly rượu mỗi tuần, cho dù việc này chưa mang lại điều gì tai hại cho ta cả, là một thực tập rất sâu. Đó là tuệ giác của một vị Bồ Tát, biết rằng những gì mình làm đều là làm cho tất cả tổ tiên và con cháu của mình. Tính không của sự truyền trao là nền tảng của Giới thứ Năm. Việc sử dụng ma túy của nhiều người trẻ cũng phải được chấm dứt với cùng một thứ tuệ giác ấy.

Trong đời sống hiện đại, người ta nghĩ rằng thân thể mình là của mình, và mình có thể làm gì thì làm với nó. ‘Chúng ta có quyền sống đời sống của riêng mình.’ Khi ta tuyên bố như vậy, luật pháp ủng hộ chúng ta. Đây là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Nhưng, theo giáo lý về Không, thân này không phải là của mình. Thân này thuộc về tổ tiên, cha mẹ, và các thế hệ tương lai. Thân này cũng thuộc về xã hội, và tất cả mọi loài chúng sinh khác. Tất cả đã đến với nhau, làm nên sự có mặt của thân thể này – cây cối, mây, và tất cả. Giữ thân mình cho lành mạnh là tỏ lòng biết ơn đối với toàn thể vũ trụ, với tất cả tổ tiên, và cũng là không phản bội các thế hệ tương lai. Chúng ta thực tập Giới này cho toàn thể vũ trụ, và cho cả xã hội. Nếu chúng ta lành mạnh, thì ai cũng lợi lạc cả -- không phải chỉ trong xã hội loài người, mà cả trong xã hội cỏ cây, cầm thú, và đất đá. Đây là Giới Bồ Tát. Trong khi thực tập Giới thứ Năm, chúng ta đã ở trên con đường Bồ Tát Đạo.

Khi ta có thể ra khỏi cái vỏ bản ngã nhỏ hẹp và thấy rằng mình có liên hệ với tất cả mọi người và mọi vật, ta thấy rằng mỗi hành động của mình đều dính liền với toàn thể nhân loại, toàn thể vũ trụ. Giữ cho mình lành mạnh tức là tử tế với tổ tiên, cha mẹ, các thế hệ tương lai, cũng như với xã hội của mình. Sức khoẻ không phải chỉ là sức khoẻ thân thể, mà còn là sức khoẻ tâm hồn. Giới thứ Năm chính là về vấn đề sức khoẻ và trị liệu.

‘Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hoá thân tâm, xây dựng sức khoẻ thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia đình và xã hội con.’ Bởi ta không phải làm việc ấy cho riêng mình, ngưng uống một hay hai ly rượu vang mỗi tuần đích thực là hành động của một vị Bồ Tát. Ta làm việc ấy cho tất cả mọi người. Trong bữa tiệc tiếp tân, khi có người mời ta một ly rượu vang, ta có thể mỉm cười và từ chối: ‘Cảm ơn. tôi không uống rượu. Nếu anh cho tôi một ly nước trái cây hay nước lạnh thì tôi sẽ cảm ơn lắm.’ Ta từ chối nhẹ nhàng, với nụ cười trên môi. Điều ấy rất ích lợi. Ta làm gương cho bao nhiêu bạn bè có mặt, trong đó có các trẻ em. Dù việc này có thể được làm một cách lễ độ, thầm lặng, nó chính là hành động của một vị Bồ Tát, làm gương bằng chính đời sống của mình.

Những gì bà mẹ ăn, uống, lo, hay sợ đều sẽ ảnh hưởng đến bào thai trong người bà. Cho dù em bé trong bụng bà vẫn còn rất nhỏ, tất cả đều dồn hết trong em. Nếu bà mẹ không ý thức về bản chất tương tức này, bà có thể sẽ gây thương tổn cho cả hai mẹ con đồng một lúc. Nếu bà mẹ uống rượu, bà sẽ hủy hoại, đến một mức độ nào đó, những tế bào óc trong thai nhi. Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh điều này.

Tiêu thụ có chánh niệm là mục tiêu Giới này nhắm đến. Ta là sản phẩm của những gì ta tiêu thụ. Nếu ta nhìn sâu vào những thứ ta tiêu thụ hằng ngày, ta sẽ biết được bản chất của mình rất rõ. Ta phải ăn, uống, tiêu thụ, nhưng nếu làm việc ấy một cách thiếu chánh niệm, ta có thể tàn hoại thân tâm mình, vô ơn với tổ tiên, cha mẹ, và các thế hệ tương lai.

Khi ăn có chánh niệm, ta tiếp xúc được với thức ăn. Những thức ta ăn đến từ thiên nhiên, từ các sinh vật, và từ vũ trụ. Tiếp xúc với thức ăn bằng chánh niệm của mình tức là bày tỏ sự biết ơn. Ăn trong chánh niệm có thể là một niềm vui lớn. Ta gắp một miếng thức ăn lên, nhìn vài giây trước khi bỏ vào miệng, rồi nhai kỹ với chánh niệm ít nhất năm mươi lần. Nếu ta thực tập như vậy, ta sẽ có thể tiếp xúc được với toàn thể vũ trụ.

Tiếp xúc cũng có nghĩa là biết được trong thức ăn có độc tố hay không. Ta có thể nhận biết thức ăn có lành mạnh hay không nhờ chánh niệm. Trước khi ăn, những người trong gia đình có thể thực tập thở vào, thở ra, và nhìn các thức ăn trên bàn. Một người có thể gọi tên các món ăn, ‘khoai tây,’ ‘xà lách,’ v.v... Gọi tên một vật giúp ta tiếp xúc được một cách sâu sắc với vật ấy, và thấy được bản chất đích thực của nó. Trong lúc đó, chánh niệm cho ta biết sự hiện diện hay vắng bóng của các độc tố trong mỗi món ăn. Trẻ em thích làm việc này nếu ta bày cho các em. Ăn có chánh niệm là một phép giáo dục tốt. Nếu ta thực tập cách này một thời gian, ta sẽ thấy mình ăn có chánh niệm hơn, và sự thực tập ăn có chánh niệm của ta sẽ làm gương cho kẻ khác. Ăn như thế nào để mang chánh niệm vào đời sống của mình là một nghệ thuật.

Ta có thể có một chế độ kiêng cữ cho thân thể, và cũng có thể có một chế độ kiêng cữ cho tâm thức, sức khoẻ tâm hồn của mình. Ta cần tránh hấp thụ các ‘món ăn’ tinh thần đưa độc tố vào tâm thức. Một số chương trình truyền hình giáo dục và giúp ta có một nếp sống lành mạnh, và ta cần phải dành thời gian để xem các chương trình như vậy. Nhưng một số chương trình khác mang lại độc tố cho ta, và ta cần phải tránh không xem chúng. Đây có thể là một thực tập cho tất cả mọi người trong gia đình.

Chúng ta biết rằng hút thuốc không tốt cho sức khoẻ. Chúng ta đã nỗ lực vất vả để khiến các nhà sản xuất phải in một dòng trên bao thuốc lá: ‘CẢNH CÁO: HÚT THUỐC CÓ THỂ NGUY HẠI ĐẾN SỨC KHOẺ.’ Đó là một tuyên bố mạnh, nhưng cần thiết vì các quảng cáo khuyến khích việc hút thuốc rất thuyết phục. Những quảng cáo này mớm cho người trẻ ý niệm rằng nếu không hút thuốc thì không thực sự sống. Những quảng cáo này dính đến hình ảnh thiên nhiên, mùa xuân, xe cộ đắt tiền, những người đẹp trai, đẹp gái, và những mức sống cao. Người ta có thể cho rằng nếu không hút thuốc hay uống rượu, thì mình sẽ không có hạnh phúc gì trên đời cả. Thứ quảng cáo này rất nguy hại; nó thấm vào tâm thức mình. Có bao nhiêu thứ mầu nhiệm và lành mạnh để ăn và để uống. Chúng ta phải trỏ cho người ta thấy thứ tuyên truyền này phờ phỉnh con người ra sao.

Cảnh báo trên bao thuốc lá chưa đủ. Chúng ta phải đứng lên, viết bài, hay làm bất cứ gì ta có thể làm để đẩy mạnh các cuộc vận động chống hút thuốc và uống rượu. Chúng ta đang đi đúng hướng. Cuối cùng chúng ta đã có thể đi may bay mà không phải chịu đựng khói thuốc lá. Chúng ta cần phải cố gắng thêm nữa theo hướng ấy.

Tôi biết việc uống rượu vang đã ăn sâu vào văn hoá phương Tây. Trong Lễ Rước Thánh Thể của Đạo Ki-tô và Lễ Quá Hải của đạo Do Thái, rượu vang là một yếu tố quan trọng. Nhưng tôi đã nói chuyện với các linh mục và giáo sĩ Do Thái về vấn đề này, và họ nói với tôi rằng có thể thay thế rượu vang bằng nước nho ép. Cho dù ta không uống, ta vẫn có thể bị người say đụng chết ngoài đường. Thuyết phục một người không uống rượu tức là làm cho thế giới an toàn hơn cho tất cả chúng ta.

Đôi lúc ta không cần phải ăn hay uống nhiều như vậy, nhưng ăn, uống đã trở nên một thứ nghiện ngập. Ta cảm thấy quá cô đơn. Cô đơn là một trong những nỗi khổ của cuộc sống hiện đại. Cũng giống như trường hợp của Giới thứ Ba – ta cảm thấy cô đơn cho nên ta gia nhập vào một câu chuyện, hay thậm chí vào một quan hệ tình dục, hy vọng rằng cảm giác cô đơn sẽ biến đi. Ăn uống cũng có thể là hậu quả của cô đơn. Ta muốn uống, hay ăn cho nhiều để quên đi sự cô đơn trống trải, nhưng những gì ta ăn có thể mang độc tố đi vào thân thể ta. Khi cô đơn, ta mở tủ lạnh, xem tivi, đọc báo hay tiểu thuyết, hoặc nhắc điện thoại lên nói chuyện. Nhưng tiêu thụ không có chánh niệm bao giờ cũng làm cho tình trạng xấu thêm hơn.

Có thể có rất nhiều bạo động, căm thù, và sợ hãi trong một cuốn phim. Nếu ta bỏ ra một giờ xem cuốn phim đó, ta sẽ tưới tẩm những hạt giống bạo động, căm thù, và sợ hãi trong ta. Chúng ta làm như vậy, và cũng để cho con mình làm như vậy. Vì vậy ta cần phải có một cuộc họp gia đình để bàn thảo một chính sách thông minh liên quan đến việc xem tivi. Chúng ta có thể cũng cần phải dán lên máy truyền hình của mình một hàng chữ giống như ta đã dán trên các bao thuốc lá: ‘CẢNH CÁO: XEM TRUYỀN HÌNH CÓ THỂ NGUY HẠI ĐẾN SỨC KHOẺ.’ Đó là sự thật. Có những thiếu niên đã vào băng đảng, và nhiều em khác rất bạo động, một phần vì các em đã thấy nhiều cảnh bạo động trên tivi. Chúng ta phải có những chính sách thông minh liên hệ đến việc sử dụng truyền hình trong gia đình.

Chúng ta nên thu xếp thời khoá biểu của mình như thế nào để cả nhà có thời giờ hưởng lợi ích từ các chương trình lành mạnh và tốt đẹp trên tivi. Chúng ta không cần phải đập bể máy truyền hình; chúng ta chỉ cần sử dụng nó với trí tuệ và chánh niệm. Điều này có thể được bàn bạc trong gia đình và cộng đồng. Có một số việc ta có thể làm, như yêu cầu đài truyền hình lập chương trình lành mạnh hơn, hay đề nghị các nhà sản xuất chế ra những máy truyền hình chỉ nhận sóng của các đài phát ra những chương trình giáo dục, lành mạnh, chẳng hạn như đài PBS. Trong cuộc chiến Việt Nam, quân đội Mỹ đã thả hàng trăm ngàn chiếc radio vào rừng, những chiếc máy này chỉ có thể tiếp nhận sóng từ một đài phát thanh mà thôi, đó là đài tuyên truyền cho phía chống cộng. Đây không phải là chiến tranh tâm lý, nhưng tôi nghĩ nhiều gia đình sẽ hoan nghênh chiếc máy truyền hình chỉ cho phép ta xem những chương trình lành mạnh. Tôi hy vọng các bạn sẽ viết cho các hãng sản xuất Tivi và các đài truyền hình để bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề này.

Chúng ta cần được bảo vệ vì các độc đố quá ngập tràn. Chúng đang hủy hoại xã hội, gia đình, và cá nhân ta. Chúng ta phải dùng mọi cách có thể để bảo vệ chính mình. Thảo luận về đề tài này sẽ mang lại những ý kiến quan trọng, như làm sao để bảo vệ mình khỏi các chương trình truyền hình độc hại. Chúng ta cũng cần phải thảo luận với gia đình và cộng đồng mình về những tạp chí mà mình và con em mình thích đọc, đồng thời ta nên tẩy chay các tạp chí tuông nhả độc tố vào xã hội chúng ta. Không phải chỉ không đọc các tạp chí này, ta còn cần phải nỗ lực cảnh báo cho mọi người tác hại của việc đọc và tiêu thụ các sản phẩm này. Với các sách báo và chuyện trò khác cũng vậy.

Vì cô đơn, ta muốn nói chuyện, nhưng câu chuyện của ta lại có thể mang lại nhiều độc tố. Thỉnh thoảng, sau khi nói chuyện với một người xong, ta cảm thấy tê liệt vì những gì mình vừa nghe. Chánh niệm sẽ cho phép ta ngưng loại chuyện trò thêm vào cho ta nhiều độc tố.

Các nhà tâm lý trị liệu là những người lắng nghe nỗi khổ niềm đau của thân chủ của họ. Nếu họ không biết thực tập trung hoà và chuyển hoá những nỗi khổ niềm đau trong họ, thì họ sẽ không thể giữ sự tươi mát và lành mạnh để chịu đựng lâu dài.

Bài tập tôi đề nghị có ba điểm: Trước hết, nhìn sâu vào thân tâm mình và nhận diện các loại độc tố đã có sẵn trong ta. Mỗi người phải là vị lương y của chính mình, không phải chỉ cho thân mà còn cho tâm nữa. Sau khi đã nhận diện những độc tố ấy, ta có thể tìm cách trục chúng ra ngoài. Một trong những cách đó là uống cho nhiều nước. Cách khác là thực tập xoa bóp, kích thích máu đến chỗ có độc tố để máu có thể tẩy sạch chúng. Cách thứ ba là thở sâu vào không khí trong lành. Cách này sẽ mang nhiều khí oxy vào máu, giúp máu tống các chất độc ra khỏi thân thể. Có những vận hành trong thân thể để trung hoà và trục xuất các chất này, nhưng thân thể ta có thể quá yếu để có thể tự làm việc ấy. Trong khi làm những việc này, ta phải ngừng hấp thụ thêm vào các chất độc.

Đồng thời, ta nhìn vào tâm thức để thấy các loại độc tố nằm sẵn trong đó. Chúng ta có nhiều giận hờn, tuyệt vọng, sợ hãi, căm thù, tham lam, và ganh tị -- tất cả những thứ này, Bụt gọi là chất độc. Bụt nói đến ba chất độc căn bản là tham, sân, và si. Còn nhiều nữa, ta phải nhận diện sự có mặt của chúng trong ta. Hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc vào khả năng chuyển hoá các chất độc này. Chúng ta chưa từng tu tập, do đó bị cuốn theo nếp sống thiếu chánh niệm của mình. Phẩm chất của đời sống chúng ta tùy thuộc rất nhiều vào vốn liếng bình an và niềm vui có mặt trong thân tâm chúng ta. Nếu có quá nhiều chất độc trong thân thể và tâm thức mình, thì niềm vui và sự bình an trong ta sẽ không đủ mạnh để làm cho ta hạnh phúc. Vì vậy bước đầu tiên là nhận diện cho ra những chất độc đang có mặt trong mình.

Bước thứ hai của sự thực tập là ý thức về những gì mình đang đưa vào trong thân thể và tâm thức mình. Tôi đang đưa loại độc tố nào vào thân thể ngày hôm nay? Tôi đang xem cuốn phim nào hôm nay? Tôi đang đọc cuốn sách nào? Tôi đang coi tờ báo nào? Tôi đang có loại chuyện trò nào? Hãy tìm cách nhận diện cho ra các độc tố.

Phần thứ ba của sự thực tập là tự kê cho mình một chế độ kiêng cữ. Ý thức về sự kiện có quá nhiều độc tố như vậy trong thân tâm mình, ý thức về sự kiện mình đang đưa hết độc tố này đến độc tố khác vào thân tâm mình mỗi ngày, khiến cho mình bị bệnh và gây đau khổ cho những người thương của mình, mình nguyện không đưa thêm độc tố vào thân thể và tâm thức nữa.

Do đó, mình nguyện tránh không đưa vào thân tâm những thứ này nữa, và mình liệt kê ra những thứ đó. Chúng ta biết có bao nhiêu thứ bổ dưỡng, lành mạnh, và thú vị ta có thể tiêu thụ hằng ngày. Khi ta không uống rượu, có bao nhiêu chọn lựa khác ngon và lành mạnh: nước trái cây, trà, nước khoáng. Ta không cần phải lấy đi của mình niềm vui sống, hoàn toàn không. Có bao nhiêu chương trình đẹp đẽ, súc tích, và thú vị trên truyền hình. Có bao nhiêu sách báo rất hay để đọc. Có bao nhiêu con người tuyệt diệu và bao nhiêu đề tài lành mạnh để cùng nhau đàm luận. Khi phát nguyện chỉ tiêu thụ những gì nuôi dưỡng sức khoẻ và an lạc cho mình, cho gia đình và xã hội, ta không cần phải tước đi của mình niềm vui sống. Thực tập bài tập thứ ba này mang cho ta niềm an lạc sâu xa.

Thực tập kiêng cữ là thực chất của Giới này. Chiến tranh, bom đạn là những sản phẩm của tâm thức cá nhân và cộng đồng. Tâm thức cộng đồng của chúng ta có quá nhiều bạo động, sợ hãi, thèm khát, và căm thù, được biểu hiện bằng chiến tranh và bom đạn. Bom là sản phẩm của sợ hãi. Vì kẻ khác có những trái bom có sức công phá lớn, cho nên ta phải làm sao để chế tạo ra những trái bom còn hữu hiệu hơn. Và khi các nước kia nghe ta có những trái bom thượng thặng này, họ lại tìm cách chế tạo ra những trái bom còn mạnh hơn thế nữa. Dẹp bỏ những trái bom không đủ. Cho dù ta có thể chở bom đến một hành tinh xa xôi khác, ta vẫn không có an ninh, vì gốc rễ của chiến tranh và bom đạn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm thức cộng đồng của chúng ta. Chuyển hoá các chất độc trong tâm thức cộng đồng mới là cách đích thực để nhổ tận gốc chiến tranh.

Khi chúng ta xem cuộn băng Rodney King bị đánh trên đường phố Los Angeles, chúng ta không hiểu tại sao năm cảnh sát lại phải đánh đi đánh lại một người hoàn toàn không tự vệ như vậy. Chúng ta thấy sự bạo động, căm thù, và sợ hãi trong những người cảnh sát. Nhưng đây không phải chỉ là vấn đề của năm người cảnh sát ấy. Hành động của họ là biệu hiện của tâm thức cộng đồng chúng ta. Họ không phải là những người duy nhất bạo động và đầy dẫy sợ hãi, căm thù. Hầu hết tất cả chúng ta đều như vậy. Có quá nhiều bạo động trong tất cả các thành phố lớn, không phải chỉ ở Los Angeles, mà còn ở San Francisco, New York, Washington D.C., Chicago, Tokyo, Paris, và nhiều nhiều nữa. Mỗi sáng, khi đi làm, những người cảnh sát nhủ thầm: ‘Mình phải cẩn thận nếu không thì có thể bị giết. Mình sẽ không thể trở về với gia đình được.’ Một người cảnh sát huân tập sợ hãi mỗi ngày, và vì vậy, anh ta có thể làm những việc hoàn toàn thiếu khôn ngoan. Nhiều khi không thực sự có đe doạ, nhưng vì nghi mình có thể bị bắn, anh ta cầm súng và bắn trước. Một tuần trước khi Rodney King bị đánh, một nữ cảnh sát đã bị bắn vào mặt và chết. Lẽ đương nhiên các cảnh sát trong vùng phẫn nộ khi nghe tin, và đồng tới đám tang để biểu dương sự tức giận và căm hờn của họ đối với xã hội và chính quyền vì đã không phòng bị cho họ đầy đủ an toàn. Chính phủ cũng không an toàn – các tổng thống và thủ tướng bị ám sát. Vì xã hội như vầy, cho nên cảnh sát như kia. ‘Cái này có, vì cái kia có. Cái này như thế này, vì cái kia như thế kia.’ Một xã hội bạo động tạo ra các cảnh sát bạo động. Một xã hội đầy sợ hãi tạo ra các cảnh sát đầy sợ hãi. Bỏ tù cảnh sát không giải quyết vấn đề. Chúng ta phải thay đổi xã hội từ tận gốc rễ, đó là tâm thức cộng đồng của chúng ta, nơi tiềm ẩn các năng lượng sợ hãi, tham, giận, và ghét bỏ.

Chúng ta không thể bãi bỏ chiến tranh bằng các cuộc biểu tình đầy phẫn nộ. Chúng ta phải thực tập một chế độ kiêng cữ cho mình, cho gia đình, và xã hội mình. Chúng ta phải làm việc ấy với những người khác. Để có những chương trình truyền hình lành mạnh, ta phải làm việc với các nghệ sĩ, nhà văn, nhà làm phim, luật sư, và các nhà làm luật. Chúng ta phải đẩy mạnh cuộc tranh đấu này. Thiền tập không nên là một thứ thuốc phiện làm cho ta quên đi những vấn đề thực sự. Thiền tập phải mang lại sự tỉnh giác trong ta, cũng như trong gia đình, và xã hội ta. Giác ngộ phải có tính tập thể thì chúng ta mới đạt tới các kết quả. Chúng ta phải ngừng các loại tiêu thụ đầu độc tâm thức cộng đồng của chúng ta.

Tôi không thấy cách nào khác hơn là thực tập những Giới Bồ Tát này. Chúng ta cần phải thực tập như một xã hội để có thể tạo ra những thay đổi mạnh mẽ cần thiết. Thực tập như một xã hội chỉ có thể có được khi mỗi người trong chúng ta phát nguyện thực tập như một vị Bồ Tát. Vấn đề rất lớn. Nó liên hệ đến sự sống còn của chúng ta cũng như sự sống còn của nhân loại và trái đất. Đây không phải là vấn đề thưởng thức một ly rượu. Nếu ta ngưng việc uống ly rượu của mình, ta làm điều ấy cho cả xã hội. Chúng ta biết rằng Giới thứ Năm cũng y hệt như Giới thứ Nhất. Khi ta thực tập không sát hại và biết bảo vệ sinh mạng của cả những loài vật nhỏ, ta nhận ra rằng ăn ít thịt có liên quan đến việc thực tập Giới thứ Nhất. Nếu ta không thể chấm dứt hoàn toàn việc ăn thịt, thì ít nhất hãy cố giảm ăn thịt. Nếu giảm được năm mươi phần trăm việc ăn thịt và uống rượu, thì ta đã tạo ra được một phép lạ; chỉ tự nó thôi đã có thể giải quyết nạn đói ở thế giới thứ ba. Đó là vì sao trong suốt buổi lễ tụng Giới, chúng ta luôn đáp lại câu hỏi ta có cố gắng học hỏi và hành trì Giới hay không bằng hơi thở sâu. Đó là câu trả lời hay nhất. Thở sâu có nghĩa là tôi đã có cố gắng, nhưng tôi có thể làm hay hơn.

Giới thứ Năm có thể cũng giống như vậy. Nếu ta không thể ngưng uống hoàn toàn, thì hãy bớt bốn phần năm, hay ba phần tư. Sự khác biệt giữa Giới thứ Nhất và Giới thứ Năm là rượu không giống như thịt. Rượu gây nghiện. Một giọt này kéo theo nhiều giọt khác. Đó là vì sao chúng ta được khuyến khích bỏ luôn dù là một ly vang. Một ly có thể dẫn theo ly thứ hai. Mặc dù trong cùng một tinh thần như Giới thứ Nhất, ta lại được khuyên một cách mạnh mẽ bỏ luôn ly rượu đầu tiên. Khi ta thấy mình ở trong hiểm hoạ lớn, tránh từ ly đầu tiên là một biểu hiện của sự thức tỉnh của mình. Ta làm cho tất cả. Ta phải làm gương cho con em và bè bạn của mình. Trên truyền hình Pháp người ta nói: ‘Một ly thì không sao, nhưng ba ly thì sẽ dẫn tới nguy cơ hủy diệt.’ (Un verre ca va; trois verres bonjour les dégâts.) Họ không nói ly thứ nhất đưa đến ly thứ hai, và ly thứ hai đưa đến ly thứ ba. Họ không nói, vì họ thuộc vào nền văn minh rượu vang. Ở Làng Mai, thuộc vùng Bordeaux của nước Pháp, chúng tôi được bao quanh bởi rượu vang. Nhiều láng giềng của chúng tôi ngạc nhiên vì chúng tôi không những không hưởng lợi lạc gì khi ở vùng này, mà còn là một ổ đề kháng. Tội nghiệp chúng tôi quá.

Khi còn là chú điệu, tôi được biết rằng đôi khi chúng ta phải dùng rượu làm thuốc. Có nhiều loại rễ, và dược thảo cần phải ngâm trong rượu thì mới có hiệu nghiệm. Những lúc ấy, rượu được cho phép. Khi các dược thảo đã được điều chế xong, chúng ta bỏ tất cả hỗn hợp vào nồi và nấu lên. Chúng sẽ không còn tác dụng độc hại nữa. Dùng rượu trong khi nấu nướng cũng vậy. Khi thức ăn đã nấu chín, rượu trong món ăn sẽ không còn tính độc hại nữa. Chúng ta không nên hẹp hòi quá về chuyện này.

Không ai có thể trì Giới một cách hoàn hảo, kể cả Bụt. Các món chay cúng dường lên Ngài không hoàn toàn chay lắm. Trong rau luộc có vi khuẩn chết. Ta không thể thực tập Giới thứ Nhất hay bất cứ Giới nào hoàn toàn. Nhưng vì hiểm hoạ đích thực trong xã hội chúng ta -- nạn nghiện rượu đã phá hoại không biết bao nhiêu là gia đình và đã gây ra không biết bao nhiêu là đau khổ -- cho nên chúng ta phải làm một cái gì đó. Chúng ta phải sống như thế nào để bứng tận gốc mối nguy hại này. Đó là vì sao dù bạn có thể rất lành mạnh với một ly rượu mỗi tuần, tôi vẫn tha thiết khuyên bạn hãy bỏ ly rượu ấy đi.

Tôi cũng xin được nói về việc không sử dụng ma túy. Cũng như rượu từng là tai hoạ của một thế hệ, ma túy là tai hoạ của một thế hệ khác. Một thiếu nữ ở Úc nói với tôi cô chưa gặp ai đồng trang lứa mà không dùng ma túy loại này hay loại khác. Thường những người trẻ hút xách đến các trung tâm thiền tập để xử lý vấn đề đối diện với cuộc sống như tự thân của nó. Họ thường là những người rất có tài và nhạy cảm -- hoạ sĩ, thi sĩ, và nhà văn – và trong khi trở nên nghiện ngập, họ đã ít nhiều làm hư hoại một số tế bào óc. Điều này có nghĩa là bây giờ có có ít khả năng hay tự chủ, có khuynh hướng mất ngủ và gặp ác mộng. Chúng tôi đã làm những gì có thể để khuyến khích họ ở trọn khoá tu trong thiền viện, nhưng vì họ rất dễ vỡ mộng, cho nên hay rời khi sự việc trở nên khó. Những người từng nghiện ma túy cần có kỷ luật. Tôi không chắc rằng trung tâm thiền tập như Làng Mai là nơi tốt nhất để chữa các nạn nhân nghiện ma túy. Tôi nghĩ rằng những nhà chuyên môn và chuyên khoa trong lĩnh vực này được trang bị đầy đủ hơn chúng tôi. Một trung tâm thiền tập nên có khả năng đón tiếp các nhà giáo dục và chuyên môn trong lĩnh vực cai nghiện, cũng như tiếp nhận các nạn nhân nghiện ma túy trong các khoá thiền ngắn hạn để người ta biết những chỗ phải tìm khi thật sự cần đến.

Thực tập mà chúng tôi cống hiến là Giới thứ Năm, ngăn người ta dính dấp đến ma túy ngay từ đầu. Phụ huynh đặc biệt cần phải biết nên cho con loại thức ăn tinh thần nào. Rất thường khi, con cái cảm thấy đói khát về tinh thần bởi cách nhìn hoàn toàn thiên về vật chất của cha mẹ. Phụ huynh không có khả năng trao truyền lại cho con cái những giá trị của di sản tinh thần của họ, và vì vậy con cái đi tìm sự thoả mãn trong ma túy. Ma túy có vẻ như là giải pháp duy nhất, khi phụ huynh và thầy giáo nghèo nàn trơ trọi về tâm linh. Tuổi trẻ cần được tiếp xúc với cảm giác an ổn nằm sâu trong họ mà không phải đi qua con đường ma túy, và công việc của các nhà giáo dục là giúp cho tuổi trẻ tìm được thức ăn tâm linh và sự an lạc. Nhưng nếu các nhà giáo dục cũng chưa tìm ra được cho mình nguồn nuôi dưỡng của tâm linh, thì làm sao họ chỉ được cho người trẻ làm sao để có thể tìm ra được nguồn nuôi dưỡng ấy?

Giới thứ Năm khuyên ta tìm những thức ăn tinh thần lành mạnh, không phải chỉ cho riêng mình mà còn cho con cháu và các thế hệ tương lại nữa. Những chất liệu nuôi dưỡng lành mạnh, tâm linh có thể được tìm nơi đoá hoa mùa xuân, ánh mắt em thơ, hay vầng trăng sáng. Những bài thực tập căn bản nhất, ý thức về thân, tâm, và ngoại cảnh có thể đưa ta tới một trạng thái đầy đủ, giàu có mà ma túy không thể nào đem tới được. Chúng ta có thể vui được cái vui sẵn có, trong những hạnh phúc đơn sơ nhất.

Việc sử dụng rượu và ma túy gây ra không biết bao nhiêu là tai hại cho gia đình và xã hội. Các chính phủ đã làm việc rất nhiều để ngăn chặn sự buôn bán ma túy. Họ đã dùng máy bay, súng ống, và quân đội để làm việc này. Hầu hết đều biết ma túy tàn hoại đến đâu, nhưng người ta không thể cưỡng lại được vì nỗi đau và sự cô đơn trong họ quá lớn, việc sử dụng rượu và ma túy giúp họ quên đi trong chốc lát nỗi muộn phiền sâu xa đó. Một khi đã nghiện rượu và ma túy, người ta có thể làm bất cứ chuyện gì miễn là có thuốc mà thôi – nói dối, ăn trộm, ăn cướp, cho đến giết người. Ngăn chặn sự buôn bán ma túy chưa phải là cách hay nhất để ngăn ngừa việc sử dụng ma túy. Cách hay hơn cả là thực tập Giới thứ Năm và giúp mọi người thực tập.

Tiêu thụ có chánh niệm là cách thông minh để thôi đưa vào thân thể và tâm hồn mình những độc tố, và cũng để ngăn không cho sự muộn phiền đi đến chỗ tràn ngập, lấn áp. Học nghệ thuật tiếp xúc và tiếp thu những yếu tố tươi mát, nuôi dưỡng, trị liệu là cách để khôi phục lại sự quân bình, và chuyển hoá những nỗi đau và niềm cô đơn sẵn có. Muốn làm như vậy, ta phải thực tập chung với nhau. Việc thực tập tiêu thụ có chánh niệm nên trở thành một chính sách quốc gia. Việc này cần được xem như giáo dục hoà bình đích thực. Phụ huynh, giáo viên, nhà giáo dục, y sĩ, nhà trị liệu, luật sư, tiểu thuyết gia, phóng viên, nhà làm phim, nhà kinh tế, và các nhà làm luật phải thực tập với nhau. Nhất định phải có những cách để tổ chức hình thức thực tập này.

Việc thực tập chánh niệm giúp ta có ý thức về những gì đang xảy ra. Một khi chúng ta thấy được một cách sâu sắc khổ đau, và những gốc rễ khổ đau, ta sẽ được thúc đẩy để hành động, để tu tập. Năng lượng chúng ta cần không phải là sợ hãi hay tức giận; năng lượng chúng ta cần là năng lượng của hiểu biết và thương yêu. Trách móc và buộc tội không có ích lợi gì. Những kẻ tự hủy hoại mình không làm việc ấy một cách cố ý. Nỗi khổ và niềm cô đơn của họ quá ngập tràn, và họ muốn thoát ra. Họ cần sự giúp đỡ, không phải sự trừng phạt. Chỉ có tình thương và sự hiểu biết ở mức độ tập thể mới có thể giải phóng chúng ta. Sự thực tập Giới thứ Năm chính là sự thực tập chánh niệm và từ bi. Để cho tương lại còn có mặt cho con cháu chúng ta, chúng ta cần phải tu tập.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn