Chương Hai Tăng Già Bà Thi Sa

28 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 11983)

ĐÀM-VÔ-ĐỨC TỨ PHẦN LUẬT 
TỲ-KHEO GIỚI BỔN

Hòa thượng Thích Trí Thủ dịch (1983)

CHƯƠNG HAI

TĂNG-GIÀ-BÀ-THI-SA

Thưa các Đại đức, đây là mười ba pháp Tăng-già-bà-thi-sa, xuất từ Giới kinh, nửa tháng tụng một lần.

1. Tỳ-kheo nào cố ý làm xuất tinh, trừ chiêm bao, Tăng-già-bà-thi-sa.

2. Tỳ-kheo nào, do dục tâm dồn nén, xúc chạm thân người nữ, hoặc nắm tay, hoặc nắm tóc, hoặc xúc chạm bất cứ một thân phần nào, Tăng-già-bà-thi-sa.

3. Tỳ-kheo nào, do dục tâm dồn nén, nói lời thô tục về dâm dục với người nữ, tùy theo lời nói thô tục về dâm dục, Tăng-già-bà-thi-sa.

4. Tỳ-kheo nào, do dục tâm dồn nén, đối trước người nữ, tự khen thân mình: "Này cô, tôi tu phạm hạnh, trì giới tinh tấn, tu tập pháp thiện. Nên đem pháp dâm dục ấy cung phụng tôi; sự cung phụng ấy là bậc nhất", Tăng-già-bà-thi-sa.

5. Tỳ-kheo nào qua lại người này người kia làm mai mối, đem ý người nam nói với người nữ, đem ý người nữ nói với người nam, hoặc để thành việc vợ chồng, hoặc để cho tư thông dù chỉ trong chốc lát, Tăng-già-bà-thi-sa.

6. Tỳ-kheo nào, tự khất cầu để cất thất, không có thí chủ, tự làm cho mình, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài mười hai gang tay Phật, bên trong rộng bảy gang tay Phật. Phải mời các Tỳ-kheo đến chỉ định nơi chốn. Các Tỳ-kheo ấy cần chỉ định nơi chốn, là nơi không có nguy hiểm, nơi không bị bít lối. Nếu Tỳ-kheo, nơi có nguy hiểm, nơi bị bít lối, tự khất cầu để cất thất không có thí chủ, tự làm cho mình, không mời các Tỳ-kheo đến chỉ định nơi chốn, hoặc làm quá lượng, Tăng-già-bà-thi-sa.

7. Tỳ-kheo nào muốn cất tinh xá lớn có thí chủ làm cho mình, cần phải mời các Tỳ-kheo khác đến chỉ định nơi chốn. Các Tỳ-kheo ấy cần chỉ định nơi chốn, là nơi không có nguy hiểm, không bị bít lối. Nếu Tỳ-kheo, nơi có nguy hiểm, nơi bị bít lối, cất tinh xá lớn, có thí chủ làm cho mình, không mời các Tỳ-kheo đến chỉ định nơi chốn, Tăng-già-bà-thi-sa.

8. Tỳ-kheo nào, vì giận hờn ấp ủ, đối với Tỳ-kheo không phải là Ba-la-di mà vu khống bằng pháp Ba-la-di không căn cứ, muốn hủy hoại đời sống phạm hạnh của vị ấy. Về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, sự việc ấy được biết là không căn cứ, Tỳ-kheo này nói rằng: "Tôi vì thù hận mà nói như vậy". Tỳ-kheo nào nói như vậy, Tăng-già-bà-thi-sa.

9. Tỳ-kheo nào, vì giận hờn, dựa lấy tiểu tiết trong phần sự khác, đối với Tỳ-kheo không phải là Ba-la-di mà vu khống bằng pháp Ba-la-di không căn cứ, muốn hủy hoại đời sống phạm hạnh của vị ấy. Về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, sự việc ấy được biết là dựa lấy tiểu tiết trong phần sự khác, Tỳ-kheo này tự nói rằng: "Tôi vì thù hận nên nói như vậy". Tỳ-kheo nào nói như vậy, Tăng-già-bà-thi-sa.

10. Tỳ-kheo nào, muốn phá hoại hòa hiệp Tăng, tiến hành phá hòa hiệp Tăng, chấp chặt pháp phá hoại hòa hiệp Tăng kiên trì không bỏ. Các Tỳ-kheo nên can gián Tỳ-kheo này rằng: "Đại đức, chớ phá hòa hiệp Tăng, chớ chấp chặt pháp phá hoại hòa hiệp Tăng kiên trì không bỏ. Đại đức, nên cùng Tăng hòa hiệp. Vì cùng Tăng hòa hiệp, hoan hỷ không tranh chấp, đồng một thầy học, hòa hiệp như nước với sữa, thì ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích, sống an lạc". Tỳ-kheo ấy khi được can gián như vậy, vẫn kiên trì không bỏ; các Tỳ-kheo nên can gián ba lần cho bỏ sự ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt, nếu không bỏ, Tăng-già-bà-thi-sa.

11. Tỳ-kheo nào có bè đảng, từ một, hoặc hai, hoặc ba cho đến vô số Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo bè đảng ấy nói với chúng Tỳ-kheo rằng: "Đại đức, chớ can gián Tỳ-kheo ấy. Tỳ-kheo ấy là Tỳ-kheo nói đúng pháp. Tỳ-kheo ấy là Tỳ-kheo nói đúng luật. Những điều Tỳ-kheo ấy nói, chúng tôi ưa thích. Những điều Tỳ-kheo ấy nói, chúng tôi chấp nhận". Chúng Tỳ-kheo nên can gián các Tỳ-kheo bè đảng ấy rằng: "Đại đức chớ nói như vầy: Tỳ-kheo ấy là Tỳ-kheo nói đúng pháp. Tỳ-kheo ấy là Tỳ-kheo nói đúng luật. Những điều Tỳ-kheo ấy nói, chúng tôi ưa thích. Những điều Tỳ-kheo ấy nói, chúng tôi chấp nhận. Nhưng Tỳ-kheo ấy là Tỳ-kheo nói phi pháp, là Tỳ-kheo nói phi luật. Đại đức, chớ phá hoại hòa hiệp Tăng. Các ngài nên hoan hỷ hòa hiệp Tăng. Đại đức, cùng Tăng hòa hiệp, hoan hỷ không tranh chấp, đồng một thầy học, hòa hiệp như nước với sữa, ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích, sống an lạc". Các Tỳ-kheo bè đảng được can gián như vậy mà kiên trì không bỏ, chúng Tỳ-kheo nên can gián ba lần cho bỏ sự ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, Tăng-già-bà-thi-sa.

12. Tỳ-kheo nào sống nương tựa xóm làng hay thành ấp, mà làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu; sự làm hoen ố nhà người, mọi người đều thấy đều nghe; hành vi xấu, mọi người đều thấy đều nghe. Các Tỳ-kheo nên nói với Tỳ-kheo ấy rằng: "Đại đức là người làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu; sự làm hoen ố nhà người mọi người đều thấy đều nghe; hành vi xấu mọi người đều thấy đều nghe. Đại đức, ngài làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu, nay nên xa lánh xóm làng này, không nên sống ở đây nữa". Tỳ-kheo ấy nói với các Tỳ-kheo rằng: "Đại đức, các Tỳ-kheo có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có Tỳ-kheo đồng tội như vậy mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi". Các Tỳ-kheo nên trả lời Tỳ-kheo ấy rằng: "Đại đức chớ nói rằng: các Tỳ-kheo có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh, vì có Tỳ-kheo đồng tội như vậy mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi. Nhưng các Tỳ-kheo không có thiên vị, không có giận hờn, không có sợ hãi, không có bất minh, mà vì Đại đức là người làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người mọi người đều thấy đều nghe, hành vi xấu mọi người đều thấy đều nghe". Tỳ-kheo ấy được can gián như vậy mà kiên trì không bỏ; các Tỳ-kheo nên can gián ba lần cho bỏ sự ấy; cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, Tăng-già-bà-thi-sa.

13. Tỳ-kheo nào, có tánh ngoan cố không nghe người khuyên, đã được các Tỳ-kheo khuyên can như pháp những điều trong học giới, tự thân không nhận lời can gián, lại nói: "Các Đại đức, chớ nói với tôi điều gì hoặc tốt hoặc xấu; tôi cũng không nói với các Đại đức điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các Đại đức, hãy thôi, chớ can gián tôi". Các Tỳ-kheo can gián Tỳ-kheo ấy rằng: "Đại đức, chớ tự thân không nhận lời can gián. Đai đức, hãy tự thân nhận lời can gián. Đại đức như pháp can gián các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo cũng như pháp can gián Đại đức. Như vậy, chúng đệ tử Phật được tăng ích, can gián lẫn nhau, chỉ bảo lẫn nhau, phát lộ với nhau". Tỳ-kheo ấy được can gián như vậy, kiên trì không bỏ, các Tỳ-kheo nên ba lần can gián cho bỏ sự ấy; cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, Tăng-già-bà-thi-sa.

Các Đại đức, tôi đã tụng xong mười ba pháp Tăng-già-bà-thi-sa. Chín giới đầu, lần đầu là phạm; bốn giới sau cho đến ba lần can gián. Tỳ-kheo nào phạm bất cứ một pháp nào, biết mà che giấu, cần phải cưỡng bức cho ba lị bà sa. Hành ba lị bà sa xong, cho thêm sáu đêm ma na đỏa. Hành ma na đỏa xong, còn phải xuất tội. Cần phải giữa Tăng gồm hai mươi vị để xuất tội của Tỳ-kheo ấy. Nếu thiếu một vị, không đủ chúng hai mươi người mà xuất tội Tỳ-kheo ấy, thì tội của Tỳ-kheo ấy không được trừ, các Tỳ-kheo cũng bị khiển trách. Như thế là hợp thức.

Nay hỏi, các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (3 lần).

Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Việc ấy tôi ghi nhận như vậy.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 8761)
Vì “Giới luật là nền tảng của Phật giáo" (Vinayo Buddhànasàsanamùlam) nên chư Tăng Phật giáo Nam Tông dù ở bất cứ quốc gia, khu vực địa lý nào trên thế giới, cũng đều có chung một đặc điểm là yêu cầu nghiêm trì giới luật. Chư Tăng Phật giáo Nam Tông Kinh tại Việt Nam, xưa nay cũng đặt nặng yêu cầu đó, ở cùng mức độ, và không chấp nhận một biệt lệ nào trong việc giữ gìn giới luật của Phật chế.
24 Tháng Hai 2014(Xem: 13241)
phong_sinh_chim_300Tâm hay trách móc, hay hờn tủi, tâm đó sẽ làm cho chúng ta khổ đau. Không sợ già, không sợ chết, chỉ sợ chúng ta không có trí tuệ, chúng ta không biết tu tập, nên chúng ta không có khả năng để vẽ đời sống của chúng ta, cái dáng dấp đẹp đẽ của chúng ta trong tương lai.
06 Tháng Chín 2013(Xem: 16597)
30 Tháng Bảy 2013(Xem: 9777)