Chương 8 Chi Số Biện Biệt

30 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 12009)

BÁT QUAN TRAI GIỚI THẬP GIẢNG
八 關 齋 戒 十 講
Pháp -sư Diễn Bồi soạn
Thích-Thiện-Huệ dịch Việt

Chương 8 
Chi Số Biện Biệt 

 
Các giới của hàng đệ tử Phật thọ, phần đông có số mục nhất định như Ngũ Giới của tại gia, Thập Giới của Sa Di… Ngay Bát Quan Trai Giới mà quý vị thọ hiển nhiên là Bát Chi Giới, chẳng có gì đáng nói; nhưng từ các số mục được liệt kê trong kinh, luận, lại có sai khác. Ngay đến thứ tự của các giới điều cũng có sự khác biệt về trước sau. Sâu hơn nữa, còn khác về khai và hợp. Có kinh khai giới điều này, kinh khác ngược lại. Sự kiện này không khỏi khiến chúng ta cảm thấy Bát Quan Trai Giới có phần nào phức tạp. 

Tuy bề ngoài có nhiều sai khác, nhưng xét về thể nghĩa thì tánh chất của nó vẫn không thay đổi, đã chẳng tăng, cũng chẳng giảm bớt, vẫn là Bát Quan Trai Giới mà chúng ta muốn nói đến. Vấn đề ở chỗ chúng ta phải xử lý thế nào sự sai khác đó. Luận Tỳ Bà Sa nói: “Do vì Cận Trụ Luật Nghi có đủ tám chi, nơi năm tăng ba, nơi mười giảm một, hợp hai làm một, khai một làm hai”. Đó là so sánh giữa Ngũ Giới, Bát Giới và Thập Giới; nói rõ: Bát Giới sở dĩ thành Bát Giới là do ngoài Ngũ Giới tăng thêm ba giới, hoặc tại Thập Giới giảm bớt đi một. Đủ thấy Ngũ Giới, Bát Giới và Thập Giới có tánh chất tương thông với nhau. Nói đúng hơn, lìa Ngũ Giới và Thập Giới ắt không có Bát Giới. 

Trong Luận gọi là “nơi năm tăng ba”, ý chỉ Bát Giới không phải là cái gì riêng khác, mà chính là Ngũ Giới thêm ba thành ra Bát Giới. “Ba giới tăng thêm” như trong Luận đã chỉ rõ: “Không thoa hương thơm, đeo hoa, múa ca xem nghe” là giới thứ sáu trong Bát Giới, lấy “không nằm ngồi giường cao rộng” làm giới thứ bảy trong Bát Giới, lấy “không ăn phi thời” làm giới thứ tám. Bát Giới theo thứ lớp như vậy, rõ ràng hợp “không thoa hương hoa” với “ca múa xem nghe” làm một. Lại “ba giới tăng thêm” chính là bốn giới sau của Sa Di Giới. Do hợp hai giới sáu và bảy làm một nên chỉ còn Bát Giới. So với mười giới của Sa Di, Cận Trụ Luật Nghi chỉ thiếu một giới “không cất giữ kim, ngân, bảo vật”. 

Trong Luận gọi là “nơi mười giảm một”. Ý nói: Hai chúng tại gia thọ Bát Quan Trai Giới so với mười giới của Sa Di chỉ bỏ bớt một là đủ. Phải biết mười giới sở dĩ được gọi là mười giới do vì phân khai “trang sức huơng hoa” với “ca múa xem nghe” làm hai giới. Đó là điều trong Luận gọi là “khai một làm hai” và thêm giới “không cất kim, ngân, bảo vật” thành mười giới Sa Di. Luận theo ngũ trần thì “ca múa xem nghe” chỉ hai trần Sắc và Thanh; “bôi thoa trang sức hương hoa” chỉ cho hai trần Hương và Xúc. Bốn trần này nhiễm ô, không dễ gây tán loạn hay trạo cử, mà dễ gây kiêu xa, phóng dật, tạo chướng ngại cho việc tu học. Cho nên bất luận đã sống hay đang tập đời sống xuất gia đều bó buộc phải xa rời những thứ này. Giả sử không xả hẳn thứ đó, tất khó sống an trong cảnh xuất gia. 

Bốn trần Sắc, Thanh, Hương, Xúc đã là nhân duyên chướng đạo, vì sao “thoa xức hương hoa” và “ca múa xem nghe” lại khai hợp bất định như vậy? Trong Luận nói như sau: “Vì trang nghiêm thay đổi tùy chỗ nên hợp lại thành một chi”. “Trang nghiêm” ở đây có nghĩa là trang điểm, ăn mặc. Thói thường người đời, bất luận là nam hay nữ, ở Đông hay Tây, đều có thiên tánh thích đẹp. Cứ bắt đầu đến tuổi, dù không ai dạy, cũng tự biết trang điểm, chẳng những khảo cứu giỏi về y phục, lại rành rẽ về các món trang sức. Chưa đủ, còn thêm các mùi nước hoa, phấn son đủ cả bôi trên thân thể để tăng vẻ diễm lệ cho mình, sao cho kẻ qua đường cũng phải liếc ngó. Nhưng do vì phong tục mỗi nơi mỗi khác nên các món trang sức không giống nhau. 

Một số người cho rằng đó là “trang nghiêm”, hay gọi theo thế tục là đẹp xinh. Nào dè đó là căn nguyên của tội ác, tội ác tày trời nào cũng do đây sanh. Đức Phật biết họa này không phải là nhỏ nên chẳng những bắt người xuất gia phải mặc áo hoại sắc mà đến hàng tại gia đến chùa tu học cũng phải ăn mặc chỉnh tề, đơn giản, tuyệt đối không được ăn mặc hoa hòe, diêm dúa. Nước hoa, phấn sáp thoa thân, đức Phật chẳng những không cho người xuất gia dùng, mà cả những người phát tâm tu học đời xuất gia cũng không được dùng, bởi vì những thứ này là những ngoại duyên có sức xúc phạm đến giới pháp. 

Ca múa xem nghe thuộc về cảnh giới mắt thấy tai nghe của hai trần Sắc và Thanh. Ca múa có tánh cách bảo thủ của ngày xưa mà đức Phật còn cấm, huống hồ loại ca múa có tánh chất đồi trụy của ngày nay. Những thứ làm vui tai, vui mắt này, thoạt nhìn thì không thấy nguy hại, nhưng nếu thường tiếp xúc chẳng những đạo nghiệp của ta phải hủy phế, còn từ từ phát sanh dục niệm, khiến bao chí hướng trong sáng không còn an trụ nơi Phật pháp nữa, lâu dần bị chuyển, lìa xa Phật pháp đến chốn sa đọa, đắm trong ca múa không thoát ra được. Cho nên bất luận xuất gia rồi hay đang tập xuất gia tự mình không được ca múa, và không được cố ý đến ca lâu, vũ sảnh xem nghe. 

Giới tướng của Bát Giới chẳng phải chỉ có “thoa hương trang sức” với “ca múa xem nghe” hoặc khai hoặc hợp bất đồng, cũng khi hợp “ca múa xem nghe” với “nằm ngồi giường cao to” làm một chi. Như Tứ Phần Luật Yết Ma và Bát Thức Chính Phạm đều hợp như vậy. Cho dù trong kinh luận có nhiều cách giải sai biệt, nhưng người thọ Bát Quan Trai Giới vẫn nên chấp hành nghiêm chỉnh các giới điều của đức Phật quy định, như vậy thì vẫn không có gì khác biệt. Chẳng qua khi thuyết giới tướng, có khi đem điều này thuyết vào giới điều này, khi thuyết vào giới điều kia, người không biết cho là có sai khác. Kỳ thật, chỉ bảo chúng ta, những người thọ giới pháp, không nên làm cái này, cái nọ là được rồi, còn chuyện nên theo cách hợp nào không phải là vấn đề quan trọng. Cho nên chúng ta chỉ coi trọng tinh thuần giới luật, bất tất coi trọng thái quá đến sự khai hợp trong văn tự. 

Còn vấn đề “giường cao rộng lớn”, thiên hạ bận rộn cả ngày, đến chiều tối ắt muốn ngủ nghỉ để khôi phục lại sức khỏe sau một ngày mỏi mệt, nếu không cái thân mong manh này ắt không chịu đựng nổi. Giấc ngủ chỉ để khôi phục sức khỏe nên chỉ cần ngủ sao cho ngon giấc, còn giường chiếu chỉ là phương tiện phụ thuộc. Như thế nhân chú trọng giường nằm: nệm dầy, trướng rủ, mềm mại thư thích đã ngược lại khiến họ điên đảo mộng tưởng, không thể được giấc ngủ ngon lành. Như vậy đâu còn đúng như ý nghĩa chính yếu của giấc ngủ nữa. Đức Phật biết điều này có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của thân thể nên đặc biệt chế giới “không nằm ngồi giường cao rộng” để khiến hành giả ngay đến lúc ngủ nghỉ cũng niệm chánh đạo, tránh không để thời giờ luống không. 

Giường cao rộng không được dùng, như vậy giường theo Phật chế như thế nào? Phật chế sàng tòa cao không quá tám gang tay Như Lai (Như Lai toàn thân cao trượng sáu thước, gang rộng hai tấc), theo thước Tàu là một thước sáu tấc; rộng ba khủy tay Như Lai (khủy tay Như Lai dài một thước tám tấc), theo thước Tàu là năm thước bốn tấc. Trong kinh A Hàm nói rõ: “Chiều cao thước sáu chẳng cao, chiều rộng bốn thước chẳng rộng, chiều dài tám thước chẳng to”. Theo kích thước này là thủ trì giới cấm của Như Lai. Nếu vượt qua kích thước này ắt phạm giới. Người xuất gia luôn sống đơn giản, tránh kiêu xỉ mới tương ưng với Thánh Đạo, nên các vị tỳ kheo thời đức Phật có nhiều vị thường ngủ dưới cội cây, có vị lại qua đêm tại gò mả, chẳng khi nào nghĩ chuyện giường nằm có thư thích hay không. Còn như các vị ở đây chỗ nằm đơn giản, đó là tuân theo luật chế đó vậy. 

Giường nằm cao thấp to nhỏ, chẳng phải chỉ về mặt đo lường mà cả về mặt chất liệu nữa. Như các nhà giàu có ngày xưa ở Trung Quốc, giường nằm cũng được điêu khắc chạm trổ tinh chí, còn đính ngọc lát vàng, cho đến các ngọa cụ như màn, mền, đều toàn bằng gấm vóc tế nhuyễn, hoa lệ cực kỳ. Như thế, tuy về mặt đo lường không quá sự quy định của đức Phật, nhưng về mặt chất liệu lại cao xa, hoa lệ thái quá, nên cũng không phải là chỗ dùng của Phật tử. Nếu thọ dụng những thứ trân quý như vậy, không những thành thói quen mê nhiễm những món xa xỉ, quên cả tu Thánh Đạo, mà còn tăng trưởng tính kiêu mạn, cao ngạo, thành thử đức Phật không cho hàng đệ tử hưởng thụ như vậy. Chư vị ngày nay học tập đời xuất gia nên tập các thói quen như vậy. 

Sau cùng là vấn đề “không ăn phi thời”. Có người cho rằng giới này là giới quan trọng nhất trong Bát Giới, thật thì Bát Giới, giới nào cũng quan trọng, khó mà phân biệt giới nào quan trọng nhất. Có điều đối với người xuất gia, nên nghiêm cách đời sống không ăn phi thời. Tăng đoàn thời đức Phật rất coi trọng giới này, ngay đến hiện nay, tỳ kheo của các xứ Nam Tông đều như pháp nghiêm thủ giới này. Giả sử có vị tỳ kheo nào ăn quá ngọ, chẳng những Tăng đoàn không chấp nhận, mà ngay đến tín chúng cũng không bỏ qua điều này. Nhưng ở Trung Quốc, giới này đã không được xem trọng. Đừng nói người xuất gia không ăn quá ngọ đã không bị xã hội phê bình, mà dẫu có vị Tăng nào ăn quá ngọ cũng thường không bị mọi người khuyên bỏ. Chư Tăng Trung Quốc chưa từng nghiêm trì giới này, phải nói là do tại hoàn cảnh mà ra cả. 

Ăn uống vốn dĩ là động lực chủ yếu để duy trì sanh mạng, dù là sanh mạng của ai. Nếu không ăn uống tuyệt đối không thể tồn tại. Nên trong kinh Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều nương vào ăn uống mà còn”. Quan sát hiện thực ở thế gian cũng thấy chưa từng có ai không nhờ ăn uống mà được tồn tại lâu dài. Thế gian sở dĩ phát sanh đủ chuyện chỉ do vì vấn đề sinh tồn. Sinh tồn tất cần sinh hoạt. Sinh hoạt tuy có nhiều mặt, nhưng ăn uống vẫn là mặt quan trọng nhất. Cho nên thế nhân đối với ẩm thực luôn luôn là nhu cầu, mong sao cho mỗi bữa đều phong phú món ăn. Chính vì mọi người đều có nhu cầu như thế nên một mai cầu không toại ý, bấy giờ các hành vi bất thiện sẽ bắt đầu hiện khởi, đưa đến nhiều vấn đề nghiêm trọng cho xã hội, thậm chí gây ra bạo động đấu tranh. 

Tuy chúng ta học Phật, nhưng vẫn là người phàm, nên vẫn phải dựa vào ăn uống để sống hầu tu học Phật pháp. Ăn uống đã là mục đích nuôi thân học đạo, nên chỉ cần đủ nuôi sống cho thân mạng này, sao cho sắc thân đủ sức khỏe, là đã đạt được mục đích của sự ăn uống. Không cần phải chọn lựa hay phân biệt ngon dở, càng không như tục nhân quen thói không thịt ăn không no! Đối với điều này, trong kinh Di Giáo, đức Phật chỉ bày cho các vị tỳ kheo thật hay: “Các vị tỳ kheo coi chuyện ăn uống như là uống thuốc, dù ngon, dù dở, cũng không tăng giảm, chỉ để nuôi thân, cốt trừ đói khát, như ong hút nhụy chỉ lấy vị hoa, không làm tổn sắc. Tỳ kheo cũng vậy, thọ người cúng dường để trừ tự não, không được cầu nhiều, hoại mất thiện tâm. Thí như người trí phải lượng sức bò chịu được nhiều ít, không nên quá phần làm kiệt sức nó!” Dưới mắt đức Phật, ăn uống chỉ là thứ thuốc trị bệnh đói khát, dù ngon dù dở, ăn uống xong hễ thấy no đủ là được, tuyệt đối không như người tại gia ăn uống không ngại chế biến mất công, hay thấy ngon thì ăn thêm chút nữa, nếu dở thì ít đi, mà quên cả Thánh Đạo mình đang tu. Đức Phật chế tỳ kheo thác bát xin ăn, tín chúng cúng gì ăn nấy, có đâu mà chọn lựa ngon dở! Nhưng khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc, do vì chế độ thác bát chưa thể thực hành, Tăng Ni tại chùa chiền tự lo ăn uống nên không tránh khỏi chuyện lo chọn ngon dở; thậm chí tại các chùa miếu, làm món chay ngon hơn cả món mặn nên cả ngày bỏ hết thời gian vào nhà bếp, dĩ nhiên vì vậy phải xa lìa Phật pháp. 

Đức Phật quy định các vị tỳ kheo đối với việc ăn uống không được để tâm đến chuyện ngon dở, cùng chế định giới “không ăn phi thời” cho Tăng chúng. Sở dĩ gọi là “không ăn phi thời” là vì thời gian ăn đã được quy định rõ ràng, ngoài giờ quy định này nhất quyết không ăn. Vậy thời gian nào quy định cho ăn? Kinh Tỳ La Tam Muội nói: “Sáng sớm giờ chư Thiên ăn, giữa trưa giờ chư Phật ăn, buổi chiều giờ súc sanh ăn, buổi tối giờ ngạ quỷ ăn. Như Lai muốn (chúng sanh) dứt trừ lục thú (8) khiến được nhập đạo, nên chế định (thọ trai) giờ (ăn) của chư Phật”. Điều này không khác gì bảo chúng ta: Tỳ kheo chỉ được ăn một bữa giữa trưa như chư Phật, ngoài ra đều không phải là giờ ăn. Trong kinh tuy nói vậy, nhưng vẫn có giải thích về “thời thực” và “phi thời thực” như sau: Từ sáng sớm mặt trời mọc cho đến giữa trưa là giờ ăn được. Bóng mặt trời quá giữa trưa một sợi tóc cho đến sáng sớm ngày hôm sau là giờ không được ăn, và gọi đó là giữ giới ăn ngọ hay “quá ngọ không ăn”. Ăn uống là sự ham muốn lớn của nhân sanh, không có loài nào thích thú ăn uống cho bằng loài người, đức Phật vì sao nghiêm cách hạn chế sự ăn uống của người xuất gia? Phải biết ăn uống dù là chuyện cần cho mỗi ngày, song có vẻ là chuyện không quan trọng, nhưng nó liên quan rất nhiều đến đạo nghiệp của chúng ta. Tục ngữ có câu: “Ăn no sanh dâm dục” đủ biết ăn uống là duyên tăng thượng cho dục của nam nữ. Trong Luật, sở dĩ đức Phật hạn chế nhiều về vấn đề ăn uống, mục đích lớn nhất và cũng quan trọng nhất là để chữa trị dục vọng cho nhân sanh. Vì dục là kẻ địch đối đầu làm chướng ngại cho sự giải thoát, người cầu tìm giải thoát nếu muốn đối trị kẻ địch này, phương tiện hay nhất chính là sự giảm nhẹ vấn đề ăn uống. 

Giới “không ăn phi thời” chẳng riêng tỳ kheo nên giữ mà là giới chung cho hàng ngũ chúng xuất gia, và ngay đến hàng tại gia thọ Bát Quan Trai Giới, đức Phật cũng chế định phải giữ giới này. Như vậy, giới này rất quan trọng đối với Phật Giáo. Nói ra thật tàm quý, các vị thọ Bát Trai Giới, đúng theo luật chế quy định, phải đối trước chư Tăng trọn đời không ăn phi thời mà thọ giới, nhưng chư Tăng ngày nay thì thực ít người giữ giới này. Lại phần đông những vị Tăng phát tâm giữ giới “không ăn phi thời” này, lúc giữ, lúc bỏ, khó mà giữ được suốt đời. Ngay đến tôi cũng chưa thể làm được, cho nên tuy vì các vị truyền thọ Bát Quan Trai Giới, nhưng trong lòng không khỏi hổ thẹn vô cùng. Có điều vì chư vị truyền giới rồi, các vị trong một ngày đêm có thể như pháp thủ trì thanh tịnh, vẫn là điều tốt vô cùng. 

Biện biệt phân tách chi số của Bát Giới, chủ yếu biện biệt sự khai hợp của tam chi sau, còn năm giới đầu cùng Cận Sự Luật Nghi không khác, bình thời giảng cũng đã nhiều. Ba chi sau đã có sự khai hợp và thứ lớp khác nhau. Sau khi đã phân tách rõ, sẵn lược giải ba chi để quý vị hiểu biết chính xác về Bát Giới. Song tôi muốn nhắc quý vị giới “bất tà dâm” của Ngũ Giới trong Bát Giới phải đổi lại là “bất dâm dục”. Trong Xuất Gia Luật Nghi quy định hoàn toàn đoạn dâm, các vị nay học đời sống xuất gia, nên phải giữ giới cả đời không dâm của chư Phật. Nếu không trừ sạch được dâm dục, không những khó sống đời xuất gia, mà còn ngăn trở chuyện giải thoát. Đó là điều chúng ta phải lưu ý. 

Theo sự phân biệt của chi số, Cận Trụ Luật Nghi của chúng ta vừa đúng tám giới, đã không tăng thành chín chi được, cũng không giảm thành bảy chi. Nhưng vì sao chỉ có tám chi? Câu Xá Luận nói: “Bốn giới chi đầu thuộc về tánh tội, để phòng tánh tội phát sanh nên phải chế giới này. Giới ‘uống rượu’ thứ năm thuộc về phóng dật, vì sợ thất niệm rồi vọng tạo bốn tánh tội nên phải chế chi thứ năm ‘không uống rượu’. Ba giới sau cùng để phòng sự kiêu dật nên Phật chế ba chi sau”. Do đó, giản lược bằng bài tụng: 

Giới bất dật, cấm ngăn 
Tứ, nhất, tam gồm tám 
Để phòng các tánh tội 
Thất niệm và kiêu dật 
(Giới, bất dật, cấm chi 
Tứ, nhất, tam như thứ 
Vị phòng chư tánh tội 
Thất niệm cập kiêu dật) 

Chẳng những Câu Xá Luận giảng như vậy, Thành Thật Luận cũng nói: “Trong đó, bốn giới đầu là thật ác. Uống rượu là cửa các ác, còn ba giới sau là nhân duyên phóng dật. Người nào lìa năm món ác là nhân duyên phúc, lìa ba món sau là nhân duyên đạo. Cư sĩ dầu yếu kém thiện pháp, nhưng có thể khởi nhân duyên đạo nên thành tựu ngũ thừa bằng tám giới này”. Ba giới sau của Bát Giới có thể xả lìa nhân duyên, không còn bị trần cảnh bên ngoài lay chuyển nữa, cho nên (có thể) làm nhân duyên thù thắng cho chánh đạo, cơ sở (căn bản) cho tam thừa thánh đạo hoàn toàn xây dựng trên các giới này. Bởi vậy, phát tâm thọ Bát Quan Trai Giới rồi không nên coi thường các giới. Vì sao? Ba giới sau ngỡ là bình thường, nếu không nghiêm chỉnh thọ trì thì chắc chắn ta không có phần trong xuất thế tam thừa thánh đạo. Như vậy sao dám coi thường? Nói chung, Bát Giới tuy là giới cho hàng tại gia thọ, nhưng thành Phật phải do nhân duyên này mà thành tựu. Như kinh nói: “Ta nay thành Phật đạo, vốn từ Bát Giới mà ra”. Bát Quan Trai Giới tu học Thánh Đạo quan trọng như vậy, nên tôi hằng mong mỏi quý vị phát tâm thọ trì. 

_______________________
(8) Lục thú: còn gọi là lục đạo, gồm Thiên, Nhân, A Tu La, Súc Sanh, Ngạ Quỷ và Địa Ngục. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 8763)
Vì “Giới luật là nền tảng của Phật giáo" (Vinayo Buddhànasàsanamùlam) nên chư Tăng Phật giáo Nam Tông dù ở bất cứ quốc gia, khu vực địa lý nào trên thế giới, cũng đều có chung một đặc điểm là yêu cầu nghiêm trì giới luật. Chư Tăng Phật giáo Nam Tông Kinh tại Việt Nam, xưa nay cũng đặt nặng yêu cầu đó, ở cùng mức độ, và không chấp nhận một biệt lệ nào trong việc giữ gìn giới luật của Phật chế.
24 Tháng Hai 2014(Xem: 13241)
phong_sinh_chim_300Tâm hay trách móc, hay hờn tủi, tâm đó sẽ làm cho chúng ta khổ đau. Không sợ già, không sợ chết, chỉ sợ chúng ta không có trí tuệ, chúng ta không biết tu tập, nên chúng ta không có khả năng để vẽ đời sống của chúng ta, cái dáng dấp đẹp đẽ của chúng ta trong tương lai.
06 Tháng Chín 2013(Xem: 16597)
30 Tháng Bảy 2013(Xem: 9777)