Phụng Khuyến Tăng Tục Nam Nữ Phổ Trì Bát Quan Trai Giới Văn

30 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 11466)

BÁT QUAN TRAI GIỚI THẬP GIẢNG
八 關 齋 戒 十 講
Pháp -sư Diễn Bồi soạn
Thích-Thiện-Huệ dịch Việt

Phụng khuyến Tăng Tục Nam Nữ Phổ Trì Bát Quan Trai Giới Văn
Từ Hàng lão pháp sư duyệt cải
Hưng Từ lão pháp sư giám định
Việt dịch: Thượng Tọa Thích Thiện Huệ

 

A. Thuyết minh ý nghĩa và mục thứ khuyến trì Trai Giới. 

Bát Quan Trai Giới là cầu qua bờ sanh tử, là đèn soi sáng bóng đêm vô minh. Trong kinh Bồ Tát Xử Thai xưng tán Bát Quan Trai Giới là “mẹ sanh chư Phật”. Vì vậy, bất luận Tăng, tục, nam, nữ đều nên thọ trì, ưu bà tắc, ưu bà di tại gia cùng các thiện nam, tín nữ đều nên thọ trì giới này để làm bậc thang xuất thế. Năm chúng xuất gia cũng nên thọ trì, bởi lẽ giới tướng của Bát Quan Trai Giới tuy sẵn đủ trong Sa Di và Cụ Túc Giới, song vì để tăng trưởng công đức (lý do tăng trưởng công đức xem câu vấn đáp thứ năm ở phần sau), chẳng ngại gì tái thọ giới này. 

Bản văn này trước hết hiển bày công ích thọ trì Bát Giới, theo thứ tự phân làm mười hai điều, mỗi điều đều trích dẫn kinh để chứng minh về nhân quả trì giới, mục đích giúp người đọc phát khởi tín tâm và vui thích hành theo. Sau đó, chú thích danh nghĩa, trì bày thọ pháp, phân tích các điểm dị đồng trong phép Khai – Già. Lập ra sáu cân vấn đáp để thuyết minh những điều dễ hoài nghi nơi sự thọ trì Bát Giới, hầu giúp mọi người đều như pháp thọ trì, để hiểu được giới quan hệ thế nào đến bản thân, và có thể hành trì theo đúng sự hiểu biết, hầu không còn thối tâm nữa! Sau cùng trích lời Phật dạy về mối họa hoạn của người xuất gia do vì không trì Bát Giới để cảnh sách họ. Chỉ thẹn học thức thiển lậu, giới luật chưa được thấu đáo, không khỏi sai lầm, nhiều điều chưa biết, ngưỡng mong Đại Đức các nơi chỉ dạy thêm cho, thực là bỏ đá thêm ngọc, được nhiều thực lợi, còn mong gì hơn. 

B. Công ích dẫn chứng  

Công ích thọ trì Trai Giới chỉ Phật trí mới biết rõ, do lời Phật mới tin nổi. Nay phân làm mười hai việc, dẫn kinh Phật minh chứng. 

1. Thoát ly bệnh khổ:

Phàm muốn giữ gìn thân thể luôn được mạnh khỏe, hoặc chán sợ bệnh khổ, muốn cầu mau thoát không thể không trì. 

Theo kinh Cửu Hoạnh, Phật dạy chín nguyên nhân đưa đến hoạnh tử. Bốn thứ đầu đều do ăn uống bừa bãi, thứ năm do đường tiêu hóa không tốt, đủ thấy vấn đề ăn uống liên quan mật thiết đến sức khỏe. Nếu y theo Phật dạy, sau ngọ không ăn, tất trong không túc thực (gây bội thực), ngoài không hạ phong, thân được an ổn không tật bệnh, tâm được dễ định lại ít hôn trầm (Kinh nói: “Sau ngọ không ăn được năm phúc: Ít dâm, ít ngủ, được nhất tâm, không hạ phong, thân được an ổn, hoặc giả không họa túc thực”). Kinh Dược Sư nói: “Nếu có người bệnh muốn thoát bệnh khổ hãy vì người này mà thọ trì Bát Trai Giới trong bảy ngày đêm”. 

2. Tiêu diệt tội chướng: 

Phàm muốn sám hối tội chướng, không thể không trì. Kinh Ưu Bà Tắc Giới nói: “Thọ trì Bát Giới ngoài năm tội nghịch, tất cả các tội khác đều được tiêu trừ”. Kinh Niết Bàn nói: “Phật dạy xứ Ba La Nại có đồ tể tên Quảng Ngạch, mỗi ngày sát hại rất nhiều dê. Gặp được Xá Lợi Phất, thọ Bát Giới một ngày đêm, do nhân duyên này, mạng chung sanh làm thiên vương Tỳ Sa Môn ở Bắc phương”. Nghiệp sát nặng như đồ phu còn trượng thừa công đức thọ trì Trai Giới một ngày một đêm mà diệt trừ được, huống chi các tội khác nhẹ hơn. 

3. Miễn trừ hoạnh họa: 

Nếu muốn gia đình và thân thể được yên ổn, không bị các thứ tai họa bất ngờ, không thể không trì. Kinh Tứ Thiên Vương nói: “Chỗ nào mà có người trì giới này quỷ dữ phải lánh xa, trụ xứ ở đó nhờ vậy yên lành. Vì vậy, trong sáu ngày trai thọ trì Trai Giới được phúc rất nhiều”. Lại kinh Pháp Cú Thí Như nói: “Phu nhân vua Ưu Điền vào ngày thọ trai, vua vời không đến, gọi đến ba lần, vì đang trì trai nên không tới. Vua liền nổi giận, sai người lôi ra, khiến bắn cho chết, nhưng tên bay ngược lại vua, lần nào cũng vậy, khiến vua đâm sợ, hỏi phu nhân có pháp thuật gì mà khiến được như vậy? Phu nhân đáp rằng: ‘Do nơi phụng kính Như Lai, quy mạng Tam Tôn, phụng trì trai pháp, quá ngọ chẳng ăn, cùng hành tám giới, tất được Thế Tôn hộ trì như vậy’. Vua liền nghe theo phu nhân, đến Phật nghe pháp, tâm được tỏ ngộ”. 

4. Viễn ly ác thú: 

Nếu có người hạnh kiểm không tốt, sợ bị đọa ác đạo, không thể không trì. 

Kinh Thập Thiện Giới nói: “Người trì Bát Quan Trai, thứ nhất không đọa địa ngục; thứ hai không đọa súc sanh; thứ ba không đọa ngạ quỷ; thứ tư không đọa a tu la nên Bát Giới được gọi là Bát Thắng Pháp”. 

5. Phúc báo ưu hậu:

Nếu có người sợ đời loạn lạc khan hiếm gạo thóc, chịu khổ đói khát, không thể không trì. 

Phật thuyết Hộ Tịnh kinh nói: “Một ngày trì trai được sáu mươi vạn đời dư ăn”. Luận Tát Bà Đa dẫn kinh nói: “Vua cõi Diêm phù Đề được làm chủ hết thảy báu vật không bằng một phần mười sáu công đức Bát Trai Giới”. Kinh còn nói: “Phật dạy vua Ba Tư Nặc: - Phước của Trai Giới tỏa rộng lan xa, thí như các món trân bảo đầy cả mười sáu nước, đem bố thí không bằng một ngày đêm thọ trì Phật trai pháp. Nếu so sánh phúc đức hai việc này khác nào Tu Di với hạt đậu”. 

6. Mau chóng thành tựu 

Như người tuổi cao sức kém, sợ không còn ở thế bao lâu, hoặc thân bị giam nơi lao ngục, tánh mạng khó toàn, muốn thành tựu hạnh thù thắng trong một thời gian cực ngắn, không thể không trì. 

Bát Quan Trai trì pháp kỳ hạn trong một ngày một đêm, thời gian cực ngắn song công đức rất thù thắng. Kinh kể: “Phu nhân vua Ưu Đà Tư, tử tướng hiện bày, mạng sống chỉ trong bảy ngày, nên muốn cầu xuất gia. Vua vì nặng tình mãi đến ngày thứ sáu mới thuận. Phu nhân liền xuất gia thọ Bát Trai Giới, đến ngày thứ bảy mạng chung được sanh cõi Thiên”. Hay như trong kinh Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ nói: “Vua Tần Bà Sa La bị thái tử A Xà Thế giam trong bảy lớp ngục thất, từ xa hướng về Thế Tôn, lễ lạy cầu được Mục Kiền Liên truyền cho Bát Giới”. Phàm lúc sanh tử nguy cấp, thọ trì Bát Giới, do nhờ công đức của giới này dễ được thành tựu. 

7. Đời sau được tôn quý 

Nếu muốn cầu đời sau làm vua trong thiên hạ, không thể không trì. 

Phật thuyết Phổ Đạt Vương kinh nói: “Khi tiên vương tại thế, có đứa trẻ để chỏm, trai giới theo tiên vương một ngày đêm, phụng hành chánh pháp, giữ ý thanh tịnh, sau này mạng chung, thác sanh làm vương tử, nay được tôn quý, đều do nhân đời trước thọ trì Trai Giới”. Kiền Đà Quốc Vương kinh nói: “Phật dạy: - Thời Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, vua và Ngưu là hai anh em, cùng làm ưu bà tắc trì Trai Giới một ngày một đêm, vua do tinh tiến giữ pháp, không dám lười mỏi, nay sanh làm quốc vương”. Bách Dụ kinh nói: “Phật dạy: - Thời Ca Diếp Phật, có hai bà la môn cùng thọ trai pháp, một người cầu sanh thiên, một người cầu làm vua. Thọ lãnh giới xong trở về trụ xứ, các bà la môn nài mời cùng ăn. Người cầu sanh thiên, do phá trai, không thành ước nguyện. Người kia không ăn, được thành quốc vương”. 

8. Được sanh thiên thượng 

Nếu muốn cầu đời sau sanh Thiên, không thể không trì. 

Kinh kể có một thiên nữ, dung mạo đoan nghi, vượt hơn mọi kẻ khác, chư Thiên hễ thấy đều sanh tâm hy hữu. Thích Đề Hoàn Nhân hỏi do tạo nghiệp gì đời trước mà được phúc báo như vậy. Thiên nữ dùng kệ đáp: “Xưa nơi Ca Diếp Phật, thọ trì Bát Trai Giới, nay được sanh thiên thượng, được phúc báo đoan chánh”. Phật tại Xá Vệ quốc, có năm trăm thiên tử, quang minh biến chiếu Kỳ Hoàn Lâm, cùng đến lễ Phật. A Nan thưa hỏi nhân duyên của chư thiên tử. Phật kể xưa có năm trăm long tử, phụng tu trai pháp, sau khi mạng chung sanh Đao Lợi thiên. Năm trăm long tử nay là năm trăm thiên tử. 

9. Trợ duyên vãng sanh 

Như muốn cầu sanh Tịnh Độ, không thể không trì. 

Kinh nói: “Trung phẩm thượng sanh là nếu có chúng sanh, thọ trì năm giới hoặc Bát Trai Giới, tu các thiện giới, không tạo Ngũ Nghịch, không làm các lỗi, dùng thiện căn này hồi hướng nguyện cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới”. Lại nói: “Trung phẩm trung sanh là nếu có chúng sanh hoặc một ngày đêm trì Bát Trai Giới hoặc một ngày đêm trì Sa Di Giới, hoặc một ngày đêm trì Cụ Túc Giới, oai nghi không khuyết, do công đức này hồi hướng, nguyện sanh Cực Lạc thế giới”. Như kinh dẫn chứng, đủ biết muốn cầu vãng sanh Cực Lạc thế giới không thể không trì Trai Giới. Nên Viên Trung Lang nói: “Điều cấp bách phải phát sanh Giới, khuyên người niệm Phật cùng tôi ghi nhớ lời này”. 

10. Lâm chung hoan lạc 

Nếu công phu niệm Phật chưa đạt mức nhất tâm bất loạn sợ sau khi mạng chung không chắc được vãng sanh, không thể không trì. 

Kinh Dược Sư: “Nếu có thể thọ trì bát phần Trai Giới, hoặc một năm, hoặc ba tháng, do thiện căn này, cầu sanh Tịnh Độ, nhưng chưa nắm chắc được, nếu nghe thấy danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, lúc mạng chung, có tám vị Bồ Tát: Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đắc Đại Thế Chí Bồ Tát, Vô Tận Ý Bồ Tát, Bảo Đàn Hoa Bồ Tát, Dược Vương Bồ Tát, Dược Thượng Bồ Tát và Di Lặc Bồ Tát, dùng thần thông đến, hướng dẫn chỉ bày, được hóa sanh nơi thế giới Vô Lượng Tạp Sắc Chúng Bảo Hoa”. Vì vậy, người thường hay nghiêm trì Trai Giới, dù công phu niệm Phật hãy còn khiếm khuyết, khi mạng chung chưa thấy được Phật A Di Đà tiếp đón, song nhờ công đức trì trai, có tám vị Đại Bồ Tát dẫn đạo vãng sanh Cực Lạc. Phật không luống dối, quyết chẳng gạt người. Hành giả tín nhiệm vững chắc lời này, ắt không bối rối, không sợ sệt lúc quỷ vô thường hiện đến. Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai mở bày phương tiện này, không ngoài mục đích giúp người niệm Phật vào giờ phút nguy biến của sanh tử, được bảo đảm vãng sanh. Nên Pháp Hải Quán Lan nói: “Nếu khi mạng chung gân cốt đau nhức, bao nhiêu quyến thuộc sắp phải chia lìa. Hãy nhớ rằng ta có thanh tịnh giới, giúp cho thân tâm an lạc không còn sợ lo”. Nguyện người niệm Phật cùng tôi nghiêm tịnh Trai Giới, để nắm chắc được hoan lạc trong giây phút cuối cùng. 

11. Được thân đủ tướng hảo 

Nếu thấy Phật tướng hảo, tâm sanh hoan hỷ, muốn trong đời sau tu được thân này, không thể không trì. 

Kinh Trường Trảo Phạm Chí Thỉnh Vấn nói: “Có bà la môn hỏi Phật tạo nghiệp gì đời trước được thân đủ mọi tướng hảo. Phật mỗi mỗi đáp do nghiệp lực gì đời trước, được quả như vậy”. Lược kể như sau: 

Hỏi: Làm sao được thân Kim Cang bất hoại? 
Đáp: Do đời trước xa lìa nghiệp sát hại hữu tình.

Hỏi: Làm sao được tướng có màng mỏng giữa các ngón tay? 
Đáp: Do đời trước xa lìa nghiệp trộm cắp của người. 

Hỏi: Làm sao đạt được đầy đủ sắc lực, các căn viên mãn? 
Đáp: Do đời trước xa lìa dục nhiễm nam nữ. 

Hỏi: Làm sao đạt được tướng lưỡi dài rộng che hết mặt? 
Đáp: Do đời trước xa lìa lời dối trá gạt người. 

Hỏi: Làm sao được tướng oai nghi từ tường như sư tử đi? 
Đáp: Do đời trước xa lìa các chỗ rượu chè buông lung. 

Hỏi: Làm sao đạt được vi diệu tướng hảo trang nghiêm thân này? 
Đáp: Do đời trước xa lìa các thứ ca múa phô sắc. 

Hỏi: Làm sao đạt được hương thơm thượng diệu tỏa nơi thân? 
Đáp: Do đời trước xa lìa các món trang sức, hương, hoa, anh lạc. 

Hỏi: Làm sao đạt được tòa kim cang thắng diệu? 
Đáp: Do đời trước xa lìa các thứ giường kiêu xa, cao rộng. 

Hỏi: Làm sao đạt được tướng bốn mươi răng trắng sạch đều đặn? 
Đáp: Do đời trước xa lìa các bữa ăn phi thời. 

Hỏi: Làm sao đạt được nhục kế viên mãn trên đỉnh? 
Đáp: Do đời trước nơi chốn đáng cung kính, năm vóc sát đất, không chút mạn tâm, chí thành đỉnh lễ. 

Bấy giờ, bà la môn thấy Phật nói nhân quả không sai dối, liền bạch rằng: “Phúc này gọi là gì? Làm sao để thọ trì?” Phật đáp: “Đây gọi là bát chi tịnh giới. Nếu có thể một ngày một đêm hoặc thường theo chư Tăng thọ trì, được quả như vậy”. 

12. Duyên thành Phật đạo 

Nếu muốn mau thành Phật đạo, không thể không trì. 

Kinh A Hàm nói: “Trì Bát Trai được hết lậu hoặc, vào thành Niết Bàn”. Lại nói: “Muốn thành Thanh Văn, Duyên Giác, Phật thừa đều được như nguyện”. Long Vương Kệ Duyên trong kinh Tạp Bảo Tạng nói: “Phật tại Vương Xá thành, Đề Bà Đạt Đa đến chỗ Phật, dùng lời ác hủy báng. A Nan nghe thấy, sanh tâm giận dữ, đuổi Đề Bà Đạt Đa đi. Phật kể lại nhân duyên đời trước: - Xưa tại Ca Thi Quốc, có hai anh em long vương, tên Đại Đạt và Ưu Bà Đại Đạt thường thọ trì Bát Trai Giới vào các ngày trai, do quốc vương hay phạm giới sát, khuyên mãi không thay đổi, nên bỏ đi nơi khác, gặp ác tiểu long. Tiểu long biết mình không bằng, sanh lòng ghen ghét, mắng nhiếc. Ưu Bà Đạt Đại muốn diệt tiểu long, Đại Đạt khuyên ngăn, trở về chốn cũ. Tam long đó chính là Như Lai, A Nan và Đề Bà Đạt Đa”. 

C. Lược thích danh nghĩa 

Bát Quan Trai Giới trong các kinh hoặc gọi là Bát Phần Trai Giới, hoặc Bát Giới Trai, hoặc Bát Chi Tịnh Giới, hoặc Bát Chi Trai Pháp, hoặc gọi tắt Bát Giới. Tên tuy có khác, nhưng thực đồng là một. Theo Câu Xá Luận, một là sát sanh; hai không cho mà lấy; ba phi phạm hạnh (khác với tà dâm trong Ngũ Giới); bốn là hư dối; năm là uống rượu; sáu là trang sức hương hoa, đờn ca, múa hát, cố ý xem nghe; bảy là nằm ngồi giường cao rộng kiêu xỉ; tám là ăn phi thời. Lìa tám phi pháp này gọi là Bát Giới. Giới thứ tám “phi thời thực” là trai pháp nên gọi chung là Bát Trai Pháp. Theo Tát Bà Đa, Thành Thật Luận, Trí Độ Luận phân “thoa xức hương hoa” và “múa hát xem nghe” làm hai giới, tổng cộng chín giới. Tám thứ đầu là giới, thứ cuối là trai, gọi chung là Bát Trai Giới. Nếu phân giải nghĩa của Trai và Giới thì trong sạch tâm ô nhiễm là Trai (Trai là “ngay ngắn”, ngay lại tâm này, hoặc nói là “trong sạch”, tĩnh nhiếp ý nghĩ. Nhàn thất ở ngoài đời cũng gọi là Trai). Cấm ngăn các lỗi của thân là Giới. Quan có nghĩa do phụng trì Trai Giới này đóng được cửa tam ác đạo. 

Thực (ăn) trong Luật chia làm Thời và Phi Thời. Từ minh tướng xuất hiện cho đến nhật trung (đúng ngọ, mặt trời đứng bóng) là Thời. Từ nhật trung cho đến minh tướng (bình minh) xuất hiện là Phi Thời. Thời nên ăn, Phi Thời không nên ăn. Trai chỉ cho thời thực. Thời và Phi Thời nghĩa như thế nào? Luận Tát Bà Đa nói: “Từ sáng sớm đến nhật trung, thế nhân làm việc buôn bán, ăn uống, nên gọi là Thời. Từ ngọ đến giữa đêm, tiệc tùng vui chơi, tìm thú hưởng lạc, tỳ kheo du hành ắt có chỗ phạm, nên gọi Phi Thời”. Lại vì Phật muốn chúng sanh đoạn trừ nhân lục thú, nên dạy chúng sanh ăn như chư Phật. Sáng sớm là giờ chư Phật ăn, mặt trời hướng Tây là giờ súc sanh ăn, mặt trời lặn là giờ quỷ thần ăn. Tỳ kheo học Phật, ăn lúc nhật trung, đó là nghĩa của Thời. 

D. Phương pháp thọ trì: 

Nếu thọ từ chư Tăng, ắt có nghi quỹ, nên văn này lược bớt (nghi đó). Như trước mắt không có Tăng, trong Luật Nam Sơn cho phép được tự thệ thọ giới trước Phật. Còn như thọ dài hay ngắn, hoặc một ngày đêm, hoặc mỗi tháng sáu ngày trai, hoặc mỗi năm ba tháng, hoặc một năm, hoặc tận hình thọ, tùy theo chí nguyện hoặc sức mỗi người mà tự quyết định. Thời gian thọ giới nên vào sáng sớm hoặc vào mỗi ngày trai nhật, thọ trước Phật tượng, cho dù tận hình thọ cũng chỉ cần thọ một lần, tùy theo ý mình. Một ngày một đêm là do vì trì pháp của giới này từ nhật trung đến sáng sớm minh tướng xuất hiện là viên mãn (Nguyên văn: “Tự nhật trung chí lập thần minh tướng xuất hiện, tức vi viên mãn”). Nếu trời chưa sáng, đốt đuốc lên ăn, kể như phá trai, phải chú ý điều này. Mỗi tháng sáu ngày trai, Trí Độ Luận nói: “Ngày tám thiên vương sứ giả hạ thế, mười bốn thái tử hạ thế, mười lăm thiên vương tự hạ, quan sát thiện ác chúng sanh. Hai mươi ba, hai mươi chín, ba mươi cũng vậy. Tháng thiếu thì vào ngày hai mươi tám, hai mươi chín”. Ba tháng trai là tháng Giêng, tháng Năm và tháng Chín, gương nghiệp ở minh giới quay chiếu Nam Châu. Mọi việc thiện ác đều hiện nơi gương, vì vậy cần phải tu thiện. Theo Dược Sư Kinh, thọ trì một năm cho đến tận hình thọ là bổn phận của người xuất gia nên làm. 

E. Khai Già Dị Đồng  

Đồng một sự việc, hoặc Khai hoặc Già, hoặc khoan, hoặc nghiêm tùy theo mỗi luật. Về vấn đề “thực” trong luật văn sao trích sau đây, phân làm ba loại. Thứ nhất trì pháp tối nghiêm, thứ hai ít nghiêm hơn, thứ ba ít nghiêm hơn nữa để giúp người trì trai ai cũng có thể hành theo sức kham năng của mình. Còn như bảy giới kia, pháp Khai Già nên nghiên cứu theo Luật, nơi văn này lược bớt không đề cập đến. 

1) Khai già thứ nhất: 

Tăng Kỳ Luật: “Nơi chánh trung (chánh ngọ) gọi là thời phi thời, nếu ăn cũng bị tội nhẹ. Thời quá trong một nháy mắt, một cọng tóc, ăn là chánh phạm”. Chánh trung còn phạm, vì vậy phải ăn trước nhật trung. Thực thời trong kinh thường là Thìn - Tỵ. Cổ đức giữ Mão trai. Giữ trai như vậy là điều cấp bách, đó gọi là “thời thực”. Như Sự Sao đối với các thứ đậu, cốc, lạc (bơ), bánh, quả, cơm, rau, hay nước gạo (cơm), nước bột, Thánh Giáo cho phép dùng nên gọi là “thời thực”, vào phi thời không được dùng bừa. Còn như nước trong của hoa trái cùng mật, và các vị thuốc mặn, đắng, cay, ngọt không phải thức ăn, như hồ thục, hoàng kỳ, ba loại này không phải thời thực. Nếu có bệnh hòa với nước, phi thời phải tác pháp mới được dùng. Nội Pháp Truyện nói: “Trong răng còn dính đồ ăn, nơi lưỡi còn vị nồng, không dùng nước trong súc miệng, nếu nước bọt tiết ra phải nhổ đi, để quá thời là phạm phi thời”. 

2) Khai già thứ nhì: 

Tỳ Ni Quan Yếu nói: “Nếu có người bệnh nôn thuốc trở ra, khi cháo nấu chín đã quá nhật trung, nên nấu lúa tẻ không cho vỡ vỏ, lấy nước mà uống. Nếu ợ ra nơi cổ, nuốt lại không phạm”. Sự Sao nói: “Tăng Kỳ cho dùng nước các thứ cốc, đậu, gạo, không được cho vỡ đầu”. Tư Trì Thích giải: “Các loại đậu đầu không vỡ. Nếu vỡ, phi thời không được uống”. 

3) Khai già thứ ba: 

Ngũ Phần ghi: “Khi làm thạch mật giã gạo bỏ vỏ. Bản Thảo nói xứ Tây Qua dùng nước sữa bò, bột gạo hòa với đường rang luyện làm thành thạch mật. Phật dạy thạch mật được phép dùng phi thời, tác pháp nên vậy”. Căn Bản Yết Ma nói: “Tây Quốc làm đường đều để mạt gạo, như làm thạch mật để sữa và dầu. Phật cho phép phi thời được nhai ăn, song phải phòng thô tướng để trưởng đạo tư thân”. Lời tựa Tỳ Ni ghi: “Bệnh dùng thuốc, sau giờ Ngọ tâm muộn, Phật khiến uống nước bông lúa rang, song vẫn không bớt. Phật cho dùng nước măng, bệnh vẫn không dứt. Bệnh nếu không khỏi, Phật cho đến chỗ kín đáo dùng cháo”. Căn Bản Ni Đà Na dạy: “Bí Sô có bệnh được dùng nước hòa bột ăn phi thời để trị bệnh”. Lại Phật dạy: Người bệnh cho uống bột hoặc đặc hoặc viên, tùy ý mà uống, nhưng cần phải tác pháp. 

4) Khai già kết luận: 

Phật ngôn: “Phàm có việc cần, ta cho bệnh nhân được phép phi thời. Nếu bệnh khỏi rồi, không được dùng nữa” (xem Căn Bản Ni Đà Na). Như Thích ghi: “Những việc này đều do Phật đại bi, thương xót đệ tử bệnh nặng, tùy bệnh cho thuốc, cho phép được dùng, nên nếu chẳng phải bệnh chí mạng, quyết không nên nhân chút bệnh hoạn, lợi thánh ý, như vậy không khỏi đã phạm lỗi phi thời, lại thêm tội dối Phật trái phép”. Xem như Đông Lâm Huệ Viễn Đại Sư ở Lô Sơn, bệnh ngủ mới dậy, đệ tử dâng bát mật lên, Ngài cản lại, bảo xem Luật có cho phép không? Bởi ngoại trừ bệnh ra, đều không được phép dùng. Ngài quả là mô phạm cho hàng hậu nhân trì giới. 

F. Giải đáp nghi vấn:  

Việc thọ trì Bát Quan Trai Giới như trên đã thuật, còn như lý do tất yếu phải thọ trì, nếu không hiểu biết rõ ràng, vẫn dễ bị ngoại duyên lôi kéo, nên sau khi thọ trì khó giữ được tâm không lui sụt. Vì vậy, nơi các điểm dễ sanh hoài nghi, phương tiện lập nên sáu điều vấn đáp để giải thích cho rõ. 

1. Nghi vấn một: 

Hỏi: Tất cả luật văn đều do Phật dạy, vậy sao đồng một sự việc, hoặc Khai hoặc Già, mỗi luật có khác? Chỉ e trải qua nhiều đời, sự truyền thọ từ người này qua người khác, chư Tăng khó tránh được thiên ý nên chưa chắc đã hoàn toàn phù hợp Phật ý! 

Đáp: Từ kim khẩu tuyên thuyết, Ưu Ba Ly tụng lời dạy của Như Lai vừa đủ 80 lời, gọi là Bát Thập Tụng Luật, từ Ca Diếp đảnh thọ truyền đến Ưu Bà Quật Đa khoảng hơn trăm mười năm, chưa từng khác nghĩa. Đến vua A Dục hội Tăng kiết tập, người nào cũng dẫn lời thầy của họ, có khác, có đồng, nên phân làm hai bộ Tăng Kỳ và Thượng Tọa. Sau đó, khoảng hai trăm năm, lại chia ra làm mười tám bộ, nhưng chỉ có bốn bộ truyền vào xứ Chấn Đán (Trung Quốc). Trong đó, khinh, trọng, khai, già tuy có bất đồng, nhưng đều từ Phật nói ra. Phật cũng từng tuyên đoán bằng bài kệ: “Mười tám cùng nhị bổn, tất từ Đại Thừa ra, không thị cũng không phi, nơi vị lai phát sanh”. Kệ này làm chứng không còn hoài nghi gì nữa. Do căn tánh chúng sanh thích dục, mỗi người mỗi khác, Như Lai tùy nghi thuyết pháp, phổ ứng quần cơ, giúp cho ai cũng thọ trì được, và thấm nhuần pháp ích. Như thầy thuốc theo bệnh cho thuốc, há lại có thể chỉ dùng một phương thôi sao? Người sau ai theo thầy nấy do thấy biết không rộng. Mỗi người chấp theo một lời, song chắc chắn vô nghi đều do từ kim khẩu Phật tuyên thuyết. 

2. Nghi vấn hai: 

Hỏi: Công đức trì trai chắc chắn như vậy, song chỉ một ngày một đêm mà đạt được đủ mọi sự phúc báo như trên đã nói, thật ngoài sức tưởng tượng của tâm lượng kẻ phàm phu, nên thật khó sanh tín tâm. 

Đáp: Kinh nói: “Chúng sanh nghiệp lực không thể nghĩ bàn, quả báo cũng không thể nghĩ bàn”. Chúng ta đương nhiên chỉ có thể từ tín mới vào được thâm nghĩa này. Trí phần của chúng ta không thể hiểu được, nhưng theo công dụng giới mà nói, khi thọ giới đem thiện pháp này nạp vào thân tâm, do tâm nghiệp lực kết thành giới thể, khởi đại công dụng dẫn thành hậu tập. Nơi các điều lỗi có thể nhớ giới, có thể trì nên có thể phòng được. Tâm vô biên nên giới cũng vô biên. Tâm vô tận nên giới cũng vô tận. Như thọ một giới bất dâm, liền nơi tận hư không, biến pháp giới, hiện tại, vị lai, hết thảy nam nữ sanh tâm không xâm phạm cùng sanh công đức giới. Thọ giới bất sát liền nơi tận hư không, biến pháp giới, quá hiện vị lai hết thảy thánh phàm, sanh tâm không não hại cùng sanh công đức giới. Các giới khác cũng vậy. Mỗi một giới lượng như pháp giới, nên trì một giới phúc đồng hư không. Kinh nói: “Trì giới một ngày đêm công đức không cùng tận”. Do nhân như vậy được quả như vậy. Sự đã phải đến vậy, lý tất đương nhiên, suy rộng ra, một ngày đêm rồi lại một ngày đêm, ắt một tức một của nhiều. Vậy trí giả phải cố gắng. 

3. Nghi vấn ba: 

Hỏi: Bảy giới đầu trong Bát Giới không có gì để thắc mắc, chỉ có giới thứ tám “không ăn quá ngọ”. Ngày nay sắc lực chúng sanh không như cổ nhân, nếu không suy xét cẩn thận, vội vã hành động, chỉ e chưa kịp được phúc, thân đã bị hại. Hơn nữa, Phật quở ngoại đạo nhịn ăn, sao riêng giới này lại không bị chê? 

Đáp: Kinh Bảo Tích nói: “Bồ Tát nếu tư duy như vầy: pháp này sâu xa, pháp kia không sâu, pháp này là tịnh, pháp kia không tịnh, pháp này nên làm, pháp kia không nên, gọi đó là Tăng Thượng Mạn”. Chúng sanh do ăn mà sống, bị ăn uống làm phiền, không sao rời được, nên đến lui trong lục đạo. Ngã Phật thương xót người si mê, dạy họ huân tu bằng trai pháp, dần dà thú hướng đến giải thoát, ước định quá ngọ không ăn. Đó chính là Phật xử Trung Đạo, không rơi vào Nhị Biên, chẳng giống phàm phu chịu khổ bởi lòng tham ăn uống vô độ, cũng khác ngoại đạo do mê muội chịu đói vô ích. Kinh Tăng Nhất A Hàm nói: “Ăn uống không tiết chế gây nhiều khổ hoạn, ăn uống thiếu kém không đủ khí lực suy. Nay dùng pháp ăn thời thực, như cán cân không cao thấp”. Phúc duyên nào chúng ta gặp được thắng pháp này, nên phải khởi tâm khó được mà phấn chấn hành trì, sao lại khởi tâm cao ngạo, phát sanh tà kiến, phạm vào điều chê trách của Bảo Tích Kinh, gây mối tự hại tự nghi như vậy! 

Lại từng thấy nhiều Phật tử mỗi khi được người khác khuyên tu trì Bát Trai Giới là tự cho mình sức khỏe yếu kém, sợ giảm ăn uống, dinh dưỡng không đủ, lại sợ nửa đêm bụng đói khó chịu đựng nổi, đủ thứ suy tưởng, tự gây nhân duyên chướng đạo! Nào hay ăn chiều chỉ là một thói quen, cứ đến giờ là muốn ăn, chẳng phải đói thật. Nếu đói thật, ắt nửa đêm phải đói gắt gao hơn vào lúc ăn chiều, cho đến sáng hôm sau ắt phải chịu hết nổi. Nhưng sự thật lại chẳng phải vậy. Ban sơ mới tập ăn ngọ, thói quen bụng đói vào giờ ăn chiều vẫn xảy ra. Sau đó, cho đến sáng không còn thấy đói. Đủ thấy cái đói chiều qua chỉ là tác dụng của tâm ý, thử tập vài lần sẽ thấy quả đúng như vậy. Còn sợ dinh dưỡng không đủ, là vì bảo trọng thân này quá đáng mà tưởng như vậy. Phải biết tham ăn không chán là lý do chính yếu đưa tới bệnh hoạn. Nếu bảo do không ăn chiều mà bệnh, nhất định không phải. Phật là bậc Nhất Thiết Trí, giáo pháp của Ngài để bảo hộ chúng sanh, lìa khổ được vui và còn hơn nữa, tuyệt đối có lợi, vô hại. Phật là bậc đại từ đại bi, coi chúng sanh như con cái, nên thương xót, chăm lo không hở mảy may. Hễ có bệnh đều khai mở cho phép như đã trình bày, há lại không chu đáo bằng chúng ta đang lo sao? Nếu thường nghĩ như vậy là tăng thượng mạn như trong kinh Bảo Tích đã chê trách. Nguyện cùng mọi người, nơi lời Phật sanh tín, không còn hoài nghi! 

4. Nghi vấn bốn: 

Hỏi: Bát Giới vốn chế cho người tại gia, chẳng qua thông với giới của Tăng chúng xuất gia, đâu phải hết thảy mọi người đều phải thọ trì. Nay chư Tăng phần đông không thọ giới này, lại khuyên người phổ trì, nghĩa đó thế nào? 

Đáp: Kiên Lao La Hán có bài kệ: “Sanh tử không đoạn tuyệt, do ưa nếm các vị, nuôi oán vào mộ phần, phải chịu bao tân khổ”. Đủ thấy ăn uống, kiêu xỉ, phóng dật là nhân trói buộc sanh tử. Phật chế trì trai pháp có công năng “tiềm di mặc hóa” (đổi ngầm thay dần), tự lìa được khổ tham thực dục hồi nào không hay. Chúng sanh vốn đồng một bệnh nên cần cùng uống thuốc này. Đó là ý khuyên nên phụng trì giới này. Còn như hiện thời chư Tăng hoặc cũng có người không để tâm đến điều này, đó chỉ là do nơi mỗi người hoặc xét về nhân, hoặc xét về trí mà đặt nặng các pháp khác nhau. Ngã Phật khi còn tại thế, hàng đại đệ tử đã chứng A La Hán, mỗi người còn có riêng mỗi túc tập, huống hồ phàm phu Tăng ngày nay làm sao hành trì nhất chí được. Trì trai là pháp của ba đời chư Phật cùng hành. Nguyện người trí giả giữ lời giáo huấn, y pháp bất y nhân, mà nỗ lực phụng hành. 

5. Nghi vấn năm: 

Hỏi: Người xuất gia trì Sa Di Giới và Cụ Túc Giới tất bao quát Bát Giới bên trong, lẽ ra đã được hết mọi công đức có được của Bát Trai Giới, cớ sao lại phải tái thọ, há chẳng phải là làm chuyện “giường nặng thêm ván” sao? Nay lại bảo tái thọ để công đức tăng trưởng, nghĩa đó thế nào? 

Đáp: Điều này phân làm ba bậc: 

- Thứ nhất: Theo nghĩa tác pháp thọ giới, khi nạp thiện pháp này vào trong Tạng Thức người thọ, khiến kết thành giới thể, song mỗi người tâm có sáng tỏ, mê mờ, học có tinh, thô, chưa hẳn một lần có thể thâm nhập được trọn vẹn. Vì vậy, Phật cho phép tái thọ. Tư Trì nói: “Thọ lại có ý giúp hành giả thẩm xét lại giới đã thọ, để cầu tăng trưởng và thù thắng”. Đó là ý nghĩa tái thọ. 

Người xuất gia tuy đã hành trì giới tướng của Bát Giới nhưng trước kia nếu chưa chính thọ thì không ngại gì tái thọ để được thêm một phen cảnh sách, chuyển thành thượng phẩm (Kinh nói: “Giới là duyên cảnh ý”). Chi Phạm nói: “Thọ lần đầu chỉ phát trung hay hạ phẩm, Phật cho phép thọ lại để tăng trưởng, chuyển thành thượng phẩm”. Đó là ý nghĩa tăng thượng công đức. 

- Thứ hai: Người xuất gia nếu tái thọ Bát Giới theo kinh Dược Sư dạy, chỉ cần một năm hoặc ba tháng, trong khoảng thời gian ngắn này được đại lợi ích. Đó là nghĩa tăng thượng công đức. 

- Thứ ba: Nếu không đúng pháp thọ Bát Giới, quyết không được các công ích của Bát Trai Giới như trong kinh nói, cho dẫu trì Cụ Túc Giới, luận theo công đức trì giới cũng chỉ đủ đời sau sanh Thiên. Nếu y pháp tái thọ, ắt được lợi ích có đại Bồ Tát tiếp dẫn vãng sanh. Đây là ý nghĩa tăng trưởng công đức. 

6. Nghi vấn sáu: 

Hỏi: Ba giới sau cùng của Bát Giới chỉ là việc nhỏ, không làm hại người, cần gì Phật phải răn cấm? Cho dù không phạm các điều đó, cũng chỉ là thiện nhỏ nhặt, đâu thể xếp cùng giới Sát, Đạo, Dâm? 

Đáp: Ba giới sau có thể nhiếp năm trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc), sự tuy nhỏ nhưng đủ ngũ dục. Cái hại của ngũ dục ban đầu nhỏ sau thành to, như chỉ đốm lửa nhỏ đốt sạch cánh đồng, nước từng giọt không ngừng đủ thành sông lớn. Lửa sân khuể và nước tham ái cũng vậy, trị chúng phải ngay từ lúc ban sơ còn yếu, ắt dụng công ít mà dễ được hiệu quả. Nếu đợi lửa, nước đã thịnh, tất không còn kịp. Cổ đức nói: “Không làm cái nhỏ, ắt tổn sức lớn”. Phật vì phòng trừ cái nhỏ, ngăn cái dần dà (“phòng vi đỗ tiệm”), nên xếp những thứ này vào Giới. Thế nên người chân thật biện đạo ngay những việc nhỏ trong đời sống hằng ngày đều dụng công khắc trị. Tuy phạm ác nhỏ cũng vẫn sợ sệt, phải chặn đứng nguồn ác thô trọng. Nếu ngay đến ác nhỏ còn không chặn được, nói gì đến sự lớn lao. Nếu nói suông chỉ là hý luận, lượm lặt cái thừa của người. Phải biết trì hay phạm, công hay lỗi đều do nơi tự tâm, nào phải do sự tướng lớn nhỏ mà luận được sao? Phật dạy: “Một chút thiện nhỏ, tuy là hữu vi, song trợ Bồ Đề, cho đến thành Phật không dám hủy hoại”. Lại Bảo Vũ Kinh nói: “Uống nhiều độc dược, uống ít độc dược, cả hai cũng đều làm người chết. Nếu hay phạm tội, hoặc phạm tội nhỏ cũng đều sinh ác thú”. Thế Nho cũng có câu: “Đừng cho thiện nhỏ mà không làm, đừng ngỡ ác nhỏ mà cứ làm”. Phật chế ba giới này, vì chê trách ngũ dục, để chặn nguồn ác. Ý chỉ thâm sâu, không ngờ gì nữa! 

G. Phật chỉ bày nỗi họa hoạn của người xuất gia không trì Bát Giới 

Kinh Xá Lợi Phất Vấn nói: “Phật dạy: - Người ăn phi thời là người phá giới, là kẻ phạm trộm cắp. Cho phi thời cũng là phá giới, cũng phạm trộm cắp. Trộm của đàn việt, chẳng phải ý thí chủ, ắt thí chủ vô phúc vì giống như mất của vậy”. 

Lại nói: “Trộm và nhận của trộm, dù một nắm, một bó, hột muối, chút dầu, chết đọa tiêu trường địa ngục (đốt ruột), nuốt hòn sắt nóng, từ địa ngục ra, sinh làm heo chó, ăn toàn đồ dơ, lại sinh ác điểu, bị người chán ghét tiếng kêu của chúng, sau sinh ngạ quỷ lai vãng nơi chốn già lam, ẩn nơi nhà xí, ăn toàn phẩn uế đến cả ngàn vạn năm, sinh trở lại làm người, nghèo nàn hạ tiện, có nói điều gì cũng chẳng ai tin. Trộm của một người tội hãy còn nhẹ, tội cắt đoạt phúc điền của nhiều người phải chịu quả đoạn xuất thế đạo”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn