Luận Khởi Tín Đại Thừa Việt Dịch Tỳ Kheo Thích Giác Quả

29 Tháng Giêng 201300:00(Xem: 14139)

LUẬN KHỞI TÍN ĐẠI THỪA
Việt dịch Tỳ Kheo Thích Giác Quả
Nhà xuất bản Thuận Hoá, Huế 2012

daithuakhoitin-thichgiacqua-bia

LỜI TỰA

Luận Khởi Tín Đại Thừa do Bồ-tát Mã Minh sáng tác vào đầu thế kỷ thứ II Tây lịch. Trước luận Khởi Tín đã hiện hữu chủ thuyết Nghiệp cảm Duyên khởi do các Luận sư A-tỳ-đàm đề xướng, nhưng chủ thuyết này chưa giải thích được nguồn gốc của Nghiệp phát xuất từ đâu. Sau đó nghi vấn này đã được chủ thuyết A-lại-da Duyên khởi giải quyết. Dù vậy, giáo nghĩa Duy thức vẫn chưa giải đáp toàn triệt những nghi vấn giữa Mê và Ngộ, giữa Tướng và Tánh, giữa Chúng sinh và Phật, đây là động cơ để luận Khởi Tín ra đời. Vậy chủ thuyết luận Khởi Tín là gì? Thuyết minh gì?

Chủ thuyết Khởi Tín là Chân như Duyên khởi hay Như Lai tạng Duyên khởi. Bản thân Chân như có hai mặt, đó là mặt Không như thật (Chân không) - Thể của Chân như; và mặt Bất không như thật (Diệu hữu) - Tướng của Chân như. Như Lai tạng chính là mặt Bất không như thật của Chân như, là kho tàng chứa đựng vô lượng công đức vô lậu, còn được gọi là Nhất Tâm hay Đại thừa. Mặt Thể là mặt tuyệt đối ly ngôn tuyệt tướng, không thể phô diễn; mặt Tướng là mặt tương đối nên có thể vận dụng ngôn ngữ để lý giải. Do thế, trọng tâm giáo nghĩa Khởi Tín là lý giải về Như Lai tạng, hay Nhất Tâm hoặc Đại thừa này đây. Và Như Lai tạng (Nhất Tâm, Đại thừa) chính là cái Tâm đang là của chúng ta chứ chẳng phải cái gì khác.

Như Lai tạng là kho tàng tiềm ẩn vô lượng công đức vô lậu, bất sinh bất diệt (mặt tỉnh), là nguồn cội lưu xuất Nhân quả thiện thế gian và xuất thế gian. Do nương vào tự Tướng của Như Lai tạng (Nhất Tâm, Đại thừa) mà có tâm sinh diệt (tâm chúng sinh), tức Như Lai tạng của chúng sinh hiện hữu cả pháp tịnh lẫn pháp nhiễm, nên Như Lai tạng đổi tên thành Thức A-lại-da, để làm cơ sở phát khởi các pháp tịnh, pháp nhiễm; pháp tịnh là Giác, pháp nhiễm là Bất giác. Như vậy, với chủ thuyết Như Lai tạng Duyên khởi, luận Khởi Tín vừa giải đáp tận cùng uyên nguyên các nghi vấn đương thời, vừa hệ thống giáo nghĩa Đại thừa về một mối.

Tựu trung, luận Khởi Tín thuyết minh hai vấn đề chính:
1. Khởi phát đức tin chính xác giáo nghĩa Đại thừa (Như Lai tạng, Nhất Tâm).
2. Khởi phát đức tin chính xác cái Tâm đang là của chúng ta đây. Nội dung Tâm này vốn sẵn đủ Thể đại, Tướng đại và Dụng đại, đây là cái Tâm đồng nhất giữa Mê và Ngộ… giữa Chúng sinh và Phật biểu hiện khắp mười phương Pháp giới. Chính sự thật này luận Khởi Tín mới mệnh danh là Đại thừa (Cổ xe vĩ đại, cổ xe trâu trắng chúa), và do xe này chư Phật đã cưỡi, chư Bồ-tát đang cưỡi, chúng sinh sẽ cưỡi để đến cõi Vô dư Niết-bàn (Phật địa). Điểm thứ hai này mới là trọng tâm của giáo nghĩa Khởi Tín.

Tuy nhiên, với tâm lý hàng phàm phu (hàng Bất định tụ) chưa thành tựu đức tin hoàn hảo (chưa viên mãn 10 địa vị cấp Tín, bước lên Sơ trụ, đứng vào hàng Chánh định tụ hay Chánh tín), họ lo sợ khó được Chánh tín nên muốn thối lui. Để cứu vớt hạng người này, Bồ-tát Mã Minh đã giới thiệu pháp tu đặc biệt mà Thế Tôn đã chỉ dạy để bảo lưu đức tin ấy, bằng cách phát tâm niệm Phật nguyện sinh về các cõi Phật. Thiết thực nhất là chuyên tâm xưng niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà để được vãng sinh về cõi Cực Lạc phương Tây; khi đã vãng sinh thì luôn được thấy đức Phật nên đức tin không bao giờ thối lui. Như thế, bất cứ hành giả nào chưa đứng vào hàng Chánh định tụ (Sơ trụ trở lên) tha thiết muốn chứng quả vị Phật-đà, cụ thể nhất là phát tâm kiên định nương vào Bổn nguyện đức Phật A-di-đà, thuần nhất chuyên niệm danh hiệu Ngài để được vãng sinh Cực Lạc, hầu hoàn thiện đức tin hoàn hảo, đủ nhân tố cưỡi xe vĩ đại (Đại thừa) thẳng tiến về Niết-bàn, viên mãn mục đích tối hậu của sự tu tập.

Tóm lại, luận Khởi Tín này bút giả đã dịch-giải vào năm 1995 để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của Tăng-Ni sinh trường Trung Cấp Phật Học Thừa Thiên Huế, giờ đây hội đủ nhân duyên, bút giả bổ cứu để xuất bản, nhằm phổ biến tư tưởng Như Lai tạng Duyên khởi (Chân như Duyên khởi), hệ tư tưởng như thật giải đáp tận nguồn cội Nhân sinh và Vũ trụ quan, đến quý Tăng-Ni, Phật tử gần xa, mong chư vị đón nhận được nhiều pháp lạc. Sau cùng, khi dịch-giải một tác phẩm quan trọng và thâm sâu như bản luận này, chắc chắn có nhiều ngộ nhận, rất mong chư vị Tôn đức, Thiện hữu tri thức hoan hỷ chỉ giáo, nhằm bổ túc, hoàn thiện khi được tái bản.

Chùa Hồng Đức ngày 15 – 9 – 2012
Tỳ - kheo Thích Giác Quả


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Năm 2016(Xem: 5606)
Trong điều thứ nhất, thế nào gọi là người làm sự giết hại?[1] Như Thế Tôn nói[2]: “Có người nào giết hại, tàn ác, tay đẫm máu, đam mê giết hại đối với các hữu tình: chúng sinh và thắng loại, không hổ thẹn[3], không xót thương, dưới cho đến các loài côn trùng, sinh vật nhỏ bé, đều không lìa bỏ sự giết hại, như thế gọi là người làm việc giết hại”[4].
21 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6250)
Như vậy cái gì mà « không tồn tại » (vô thể) tức là nơi cái ấy do quán sát hết thảy giống như thực ở kia là Không Tính ; cho nên, ngoài ra cái gì mà « tồn tại » (hữu thể) , cái ấy cũng sẽ được nhận biết giống như thật là « tồn tại». Tức là «không bị lộn ngược » hiển thị « tự thể của Không».
22 Tháng Tám 2015(Xem: 6200)
Sĩ dụng quả là pháp được tác thành do bởi hành vi của con người; hay nói cách khác pháp mà tác động của nó như hành vi của con người và được sinh khởi do thế lực của nhân và pháp, pháp ấy chính là Sĩ dụng quả vậy
13 Tháng Bảy 2015(Xem: 6064)
Thể chứng được Đẳng lưu tính, còn có công năng phá tan tà kiến, kiến thủ sai lầm về nhận thức, chẳng hạn như cho rằng tổ tiên của loài người là loài họ Hominidae (great ape): khỉ dạng người loại lớn, hay từ loại vượn cổ theo học thuyết tiến hóa Darwin, hoặc một số học thuyết khác: từ lươn, từ cá, từ loài chó v.v... Căn cứ theo đặc tính trước sau giống nhau, cùng một loại của Đẳng lưu, thì dù cá, lươn, vượn lớn dạng người, hay vượn tối cổ gì đi chăng nữa, thì loài noài chỉ có công năng sinh ra loài nấy, chứ không thể tiến hóa hay sản sinh ra loài người được.
11 Tháng Bảy 2015(Xem: 6012)
Ly hệ quả là quả trạch diệt. Trạch là trí tuệ; diệt là lậu tận. Do lấy trí tuệ làm nhân tu tập, thoát ly và tận diệt mọi sự trói buộc của tham ái, khiến thành tựu Diệt đế. Nên, Diệt đế là quả ly hệ. Trạch hay trí tuệ là tu nhân và diệt hay giải thoát là kết quả. Nên, quả ly hệ là quả trạch diệt hay là quả Niết-bàn
07 Tháng Bảy 2015(Xem: 7009)
Nếu có người con trai, người con gái gia đình hiền lành nào, thọ nhận, hành trì, đọc tụng kinh này, nếu bị người khinh chê, thì người này do tội nghiệp đời trước đáng lẽ phải đọa vào đường ác, nhưng nhờ đời này bị người khinh chê, nên tội nghiệp đời trước ắt bị tiêu diệt, sẽ đạt được quả Tuệ giác tối thượng đích thực
01 Tháng Bảy 2015(Xem: 5708)
Như vậy, qua vài ý tưởng viện dẫn từ kinh văn ở trên, chúng ta thấy rằng, đức Thế-Tôn dạy rằng: giai cấp Sát-lợi là chủng tánh tối tôn hay giai cấp bậc nhất trong bốn giai cấp. Nhưng vấn đề này không nhất thiết cố định, tùy vào căn cơ, quốc độ hay thời điểm mà Thế Tôn sẽ diễn thuyết sai biệt.
01 Tháng Bảy 2015(Xem: 6124)
Tóm lại, Evaṃ mayāśrutaṃ, hay Như Thị Ngã Văn 如是我聞, không thể dịch là: Đúng thật như thế tôi nghe, chính xác như thế tôi được nghe, như thực tôi nghe v.v.. hay những cách dịch tương tự như vậy đều là đi ngược lại và nhầm lẫn với nghĩa gốc của nó.