Luận Du Già Sư Địa

15 Tháng Mười Một 201300:00(Xem: 14235)

LUẬN DU GIÀ SƯ ĐỊA
Nguyên Huệ

LỜI GIỚI THIỆU

luan-du-gia-su-dia_medLuận Du Già Sư Địa (Phạn: Yogacàrabhùmi – sàtra), tác giả là Bồ tát Di Lặc (Maitreya) thuyết giảng, Đại sĩ Vô Trước (Asànga) ghi chép, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng (602 -664), gồm 100 quyển (ĐTK/ĐCTT, Tập 30, N0 1579, trang 279 – 882A). Đây là một trong ba Bộ Luận thuộc loại đồ sộ bậc nhất hiện có trong Hán Tạng (*), là một trong những tác phẩm căn bản nhất của Tông Duy Thức – Pháp Tướng, là một trong các Bộ Luận nổi tiếng nhất của Phật giáo Bắc truyền thuyết minh quảng diễn rất đầy đủ về Địa Bồ tát, với những quá trình nhận thức, hành trì, tu tập chứng đắc đạo quả Bồ đề vô thượng của Bồ tát Đại thừa.

Du Già (Yoga) là từ phiên âm, dịch nghĩa là Tương ưng. Đó là pháp hành quán dựa vào phương thức điều hòa hơi thở để tập trung tâm niệm vào một điểm, lấy việc tu Chỉ – Quán (Xa ma tha, Tỳ bát xá na) làm chính, nhằm đạt tới chỗ nhất trí, tương ưng hài hòa giữa tâm – cảnh. Người thực hành pháp quán Du Già gọi là Sư Du Già. Cảnh giới mà Sư Du Già dựa vào để thực hành gọi là Địa của Sư Du Già. Theo Đại sư Khuy Cơ (632 – 682) trong Thành Duy Thức Thuật Ký thì Tương ưng có 5 nghĩa: 

- Tương ưng với Cảnh: Tức không trái với tự tánh của tất cả các pháp.

- Tương ưng với Hành: Nghĩa là cùng với các hành như định, tuệ tương ưng.

- Tương ưng với Lý: Tức tương ưng với lý an lập, phi an lập nơi hai đế.

- Tương ưng với Quả: Nghĩa là có thể chứng đắc đạo quả Bồ đề vô thượng.

- Tương ưng với Căn cơ: Tức đã đạt được quả viên mãn thì cứu độ tạo lợi ích cho chúng sinh theo cơ duyên ứng – cảm, thuốc bệnh tương ứng.

Luận Du Già Sư Địa mô tả pháp quán của Hành Du Già (Yogacàra) chủ trương đối tượng khách quan chỉ là hiện tượng giả hiện của Thức A lại da (Àlaya – vijnàna) thuộc tâm thức căn bản của loài người cần xa lìa những quan niệm đối lập như có – không, tồn tại – không tồn tại… thì mới có thể ngộ nhập trung đạo (Phật Quang ĐTĐ trang 5531 B-C). Thật ra thì đấy chỉ là những tóm tắt về các điểm chính yếu của Luận, vì nơi mỗi phần, nơi mỗi Địa của Luận, các chi tiết hiện có cùng liên hệ đã được nêu bày và quảng diễn là hết sức bao quát, phong phú.

Vì Luận đã giải thích rộng về 17 Địa, là đối tượng nương dựa, đối tượng hành trì của Sư Du Già, nên Luận còn gọi là Luận Thập Thất Địa. Lại do nơi 17 Địa ấy, 2 Địa được thuyết minh cùng quảng diễn đầy đủ hơn hết là Địa Thanh văn và Địa Bồ tát, nên Luận được xem là một kho báu lớn cho việc nghiên cứu tìm hiểu về tư tưởng của Phật giáo Tiểu thừa cùng Phật giáo Đại thừa.

Toàn Luận được phân làm 5 phần chính: Phần Bản Địa. Phần Nhiếp Quyết Trạch. Phần Nhiếp Thích. Phần Nhiếp Dị Môn. Phần Nhiếp Sự.

1. Phần Bản Địa: Gồm 50 quyển đầu, lần lượt thuyết minh biện rộng về 17 Địa là: (1) Địa năm thức thân tương ưng. (2) Địa ý. (3) Địa có tầm có tứ. (4) Địa không tầm chỉ có tứ. (5) Địa không tầm không tứ. (6) Địa tam ma hí đa. (7) Địa phi tam ma hí đa. (8) Địa có tâm. (9) Địa không tâm. (10) Địa do văn tạo thành. (11) Địa do tư tạo thành. (12) Địa do tu tạo thành. (13) Địa Thanh văn. (14) Địa Độc giác. (15) Địa Bồ tát. (16) Địa hữu dư y. (17) Địa vô dư y.

Chữ Địa (Phạn: Bhùmi) ở đây có nghĩa là cảnh giới, biên vực hành tác, tu trì, chứng quả của hành giả Du Già. Nơi 9 Địa đầu là thuyết minh về cảnh của ba Thừa, quán xét cảnh ấy tức có thể dấy khởi hành của 6 Địa tiếp theo (Địa 10 – 15). Lại dựa nơi hành ấy để có thể chứng đắc quả của 2 Địa sau cùng (Địa 16, 17). Do đấy đã biểu thị về thứ lớp thuận hợp của Cảnh, Hành, Quả.

2. Phần Nhiếp Quyết Trạch: Gồm từ quyển 51 đến quyển 80. Là nhiếp quyết trạch về 16 Địa đã nêu dẫn, biện giải ở trước (Không nói đến Địa Độc giác). Nhiếp là thâu tóm, gồm thâu. Quyết trạch là quyết đoán, phân biệt chọn lựa. Quyết đoán đối với các nghi. Phân biệt chọn lựa về những nghĩa tiêu biểu. Ý chính của phần này là làm rõ các nghĩa lý sâu xa nơi các Địa đã được giải thích, quảng diễn. Toàn phần được phân làm 12 phần (Quyết trạch về 2 Địa đầu. Quyết trạch về 3 Địa tiếp theo. Quyết trạch về Địa Thanh văn. Quyết trạch về Địa Bồ tát…).

3. Phần Nhiếp Thích: Gồm 2 quyển 81, 82 và phân làm 2 đoạn. Nhiếp thích là giải thích, biện rộng về những nghi tắc của các kinh (Như: Những gì là hai thứ Thể của Khế kinh? Văn. Nghĩa. Những gì là sáu thứ Văn? Những gì là mười thứ Nghĩa?...)

4. Phần Nhiếp Dị Môn: Gồm 2 quyển 83, 84 và cũng phân làm 2 đoạn. Gồm thâu môn khác (Nhiếp Dị Môn) là giải thích làm rõ về những Danh Nghĩa sai biệt hiện có trong kinh.

5. Phần Nhiếp Sự: Gồm 16 quyển cuối của Luận, tức từ quyển 85 đến quyển 100, được phân làm 6 đoạn chính: (Nhiếp sự là giải thích biện biệt về các nghĩa chính yếu nơi 3 tạng Kinh, Luật, Luận) (1) Sự Khế kinh: Lựa chọn gồm thâu về Hành. (2) Sự Khế kinh: Lựa chọn gồm thâu về Xứ. (3) Sự Khế kinh: Lựa chọn gồm thâu về Duyên khởi. Thực (Ăn). Đế. Giới. (4) Sự Khế kinh: Lựa chọn gồm thâu về Pháp Bồ đề phần. (5) Sự Điều phục: Lựa chọn gồm thâu chung. (6) Sự Bản mẫu: Nêu dẫn. Biện giải. Gồm thâu…

Trong 17 Địa của Phần Bản Địa thì Địa Bồ tát (Địa 15) có số lượng quyển và trang nhiều nhất: Gồm từ quyển 35 đến quyển 49 và 4/5 quyển 50, gần 100 trang Hán Tạng, cũng là phần quan trọng nhất của Luận: Toàn bộ các vấn đề thuộc về Bồ tát cùng liên hệ với Bồ tát đã được Luận nêu dẫn, giải thích, quảng diễn đầy đủ. Địa Bồ tát được phân làm 4 đoạn chính: (1) Đoạn thứ 1: Trì Xứ Du Già: Từ quyển 35 đến quyển 46: Nêu dẫn quảng diễn về 18 phẩm. (2) Đoạn thứ 2: Trì Xứ Du Già Tùy Pháp: Từ quyển 47 đến 3/4 quyển 48: Nêu dẫn quảng diễn về 4 phẩm. (3) Đoạn thứ 3: Trì Xứ Du Già Cứu Cánh: Từ non 1/4 quyển 48 đến 2/3 quyển 50: Nêu dẫn quảng diễn về 5 phẩm. (4) Đoạn thứ 4: Trì Xứ Du Già Thứ Lớp: Gồm 1 trang của quyển 50: Nêu dẫn quảng diễn về 1 phẩm.

Luận Du Già Sư Địa được truyền vào Trung Hoa khá sớm, nhưng chưa đầy đủ. Các bản Hán dịch của Đại sư Đàm Vô Sấm, Cầu Na Bạt Ma (Cả hai đều gọi là Kinh), Chân Đế (Luận Quyết Định Tạng) là những phần, những đoạn của Luận Du Già Sư Địa, sẽ được nói đến nơi phần các Luận Biệt hành.(*) Các Luận Biệt hành:

* Kinh Bồ Tát Địa Trì: Do Đại sư Đàm Vô Sấm (Dhamaraksa: 385 – 433) Hán dịch vào đời Bắc Lương (397 – 439) gồm 10 quyển (Tập 30, N0 1581, trang 888A – 959B) tức là Địa Bồ tát (Địa 15) trong Phần Bản Địa của Luận Du Già Sư Địa. Bản Hán dịch này tương tợ như bố cục nơi Địa Bồ tát: Phân làm 3 đoạn chính: Xứ Phương tiện thứ nhất: Gồm 18 phẩm. Xứ Phương tiện thứ pháp: Gồm 4 phẩm. Xứ Phương tiện tất cánh: Gồm 5 phẩm (Thiếu 1 phẩm của Đoạn thứ 4). Phần Mở đầu và phần Cuối cũng như nơi Luận.

* Kinh Bồ Tát Thiện Giới: Do Đại sư Cầu Na Bạt Ma (Gunavarman 367 – 431) Hán dịch vào đời Lưu Tống (420 – 478) gồm 9 quyển (Tập 30, N0 1582, trang 960 – 1013C). Bản Hán dịch của Đại sư Cầu Na Bạt Ma cũng chia làm 3 đoạn chính (Nhưng có thêm). Địa Bồ tát gồm 20 phẩm. Trụ Như pháp gồm 4 phẩm. Địa Tất cánh gồm 6 phẩm. Phần Mở đầu có Phẩm Tự như Phẩm Tự nơi các bản kinh thông thường (Tôi nghe như vầy). Phần cuối có sự việc Tôn giả Ưu Ba Ly hỏi Đức Thế Tôn về danh hiệu của bản kinh này v.v… cùng y giáo phụng hành.

* Kinh Bồ Tát Thiện Giới: N0 1583, 1 quyển, Tập 30, trang 1013C – 1018B. Do Đại sư Cầu Na Bạt Ma Hán dịch, là tương đương với phẩm 10 (Giới) trong 18 phẩm thuộc Đoạn thứ 1: Trì Xứ Du Già nơi Địa Bồ tát của Luận Du Già Sư Địa.

* Luận Quyết Định Tạng: N0 1584, 3 quyển (Tập 30, trang 1018B – 1035B). Do Đại sư Chân Đế (Paramàrtha. 499 – 569) Hán dịch vào đời Trần (557 – 588) ở phương Nam, tức là đoạn đầu của Phần Nhiếp Quyết Trạch (Phần 2), từ quyển 51 – 54 nơi Luận Du Già Sư Địa.

 *

Lưu hành ở Ấn Độ, Luận Du Già Sư Địa đã góp phần lớn cho sự việc hình thành Trường phái Du Già (Duy Thức) một trong hai trường phái lớn của Phật giáo Đại thừa thời kỳ phát triển, với các vị Luận sư nổi tiếng nối tiếp sự nghiệp hoằng hóa của hai vị Bồ tát đi trước là Vô Trước, Thế Thân. Đó là chư vị Luận sư Thân Thắng, Hỏa Biện, Đức Tuệ, An Tuệ, Hộ Pháp, Giới Hiền. Một vị Luận sư thuộc môn hạ của Luận sư Hộ Pháp tên Tối Thắng Tử (Phạn: Jinaputra. Đọc theo phiên âm là Thần Na Phất Đa La), tác giả sách Du Già Sư Địa Luận Thích, giải thích tóm tắt về 17 Địa trong Luận Du Già Sư Địa. Tác phẩm này cũng được Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch: Tập 30, N0 1580, 1 quyển, trang 883 – 888A.

Vào những năm cuối của tiền bán thế kỷ 7 TL, đời Đường (618 – 906) toàn bộ Luận Du Già Sư Địa đã được Pháp sư Huyền Tráng (602 – 664) Hán dịch gồm 100 quyển. Công trình phiên dịch này được thực hiện trong vòng một năm, từ ngày 15 tháng 5 năm Trinh Quán thứ 21 (647 TL) đến ngày 15 tháng 5 năm Trinh Quán thứ 22 (648) thì hoàn thành, có sự trợ giúp của 20 vị Sa môn làm các công việc: Bút thọ (5 vị), Chứng văn (5 vị), Chánh tự (2 vị), Chứng Phạn ngữ (1 vị) Chứng nghĩa (7 vị). Bản Hán dịch ấy sau khi lưu hành, đã được nhiều nhà Phật học Trung Quốc quan tâm nghiên cứu, chú giải, như: Thần Thái (Sớ Giải, 10 quyển), Khuy Cơ (Lược Toản, 14 quyển), Tuần Luân (Tập Soạn, 24 quyển)… Cùng với các Kinh Luận đã được Hán dịch như Kinh Giải Thâm Mật, Luận Thành Duy Thức, Luận Nhiếp Đại Thừa (Đều do Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch – Dịch mới hoặc dịch lại), Luận Du Già Sư Địa đã góp phần tạo nên nền tảng xuất sinh Tông Pháp Tướng, là một trong những Tông phái lớn của Phật học Trung Hoa, nối tiếp và phát huy trường phái Du Già của Phật giáo Ấn Độ, thịnh hành qua nhiều thời gian, tạo được dấu ấn đáng kể trong lãnh vực học thuật, không chỉ ở Trung Hoa mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, ngay từ thời kỳ Chấn hưng Phật giáo (1928 – 1945), nơi chương trình học để đào tạo Tăng tài tại các Phật Học Đường Trung Nam Bắc, cũng đều chú trọng tới môn Duy Thức. Từ đó đến nay, chúng ta đã Việt dịch được một số Kinh, Luận liên hệ, như Kinh Giải Thâm Mật, Luận Nhiếp Đại Thừa, Luận Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn, Luận Thành Duy Thức… Trong chiều hướng ấy, một bản Việt dịch Luận Du Già Sư Địa hoàn chỉnh ra đời, góp phần hoàn thành Tạng Luận nói riêng, Đại Tạng Kinh Việt Nam phần Phật giáo Bắc truyền nói chung, là một đóng góp rất có ý nghĩa,

Bản Việt dịch Luận Du Già Sư Địa này do Cư sĩ Nguyên Huệ, một thành viên trong Ban phiên dịch ĐTK tiếng Việt của Tuệ Quang Foundation thực hiện, dịch theo bản tiếng Hán do Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch, trong ĐTK/ĐCTT Tập 30, N0 1579, 100 quyển, sử dụng đĩa Phật Điển điện tử CBETA.

Xin trân trọng giới thiệu dịch phẩm Luận Du Già Sư Địa với bạn đọc xa gần.

Sài Gòn, Xuân 2013. Phật lịch 2556

Chủ tịch Tuệ Quang Foundation

Nguyên Hiển.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Năm 2016(Xem: 5571)
Trong điều thứ nhất, thế nào gọi là người làm sự giết hại?[1] Như Thế Tôn nói[2]: “Có người nào giết hại, tàn ác, tay đẫm máu, đam mê giết hại đối với các hữu tình: chúng sinh và thắng loại, không hổ thẹn[3], không xót thương, dưới cho đến các loài côn trùng, sinh vật nhỏ bé, đều không lìa bỏ sự giết hại, như thế gọi là người làm việc giết hại”[4].
21 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6214)
Như vậy cái gì mà « không tồn tại » (vô thể) tức là nơi cái ấy do quán sát hết thảy giống như thực ở kia là Không Tính ; cho nên, ngoài ra cái gì mà « tồn tại » (hữu thể) , cái ấy cũng sẽ được nhận biết giống như thật là « tồn tại». Tức là «không bị lộn ngược » hiển thị « tự thể của Không».
22 Tháng Tám 2015(Xem: 6168)
Sĩ dụng quả là pháp được tác thành do bởi hành vi của con người; hay nói cách khác pháp mà tác động của nó như hành vi của con người và được sinh khởi do thế lực của nhân và pháp, pháp ấy chính là Sĩ dụng quả vậy
13 Tháng Bảy 2015(Xem: 6041)
Thể chứng được Đẳng lưu tính, còn có công năng phá tan tà kiến, kiến thủ sai lầm về nhận thức, chẳng hạn như cho rằng tổ tiên của loài người là loài họ Hominidae (great ape): khỉ dạng người loại lớn, hay từ loại vượn cổ theo học thuyết tiến hóa Darwin, hoặc một số học thuyết khác: từ lươn, từ cá, từ loài chó v.v... Căn cứ theo đặc tính trước sau giống nhau, cùng một loại của Đẳng lưu, thì dù cá, lươn, vượn lớn dạng người, hay vượn tối cổ gì đi chăng nữa, thì loài noài chỉ có công năng sinh ra loài nấy, chứ không thể tiến hóa hay sản sinh ra loài người được.
11 Tháng Bảy 2015(Xem: 5986)
Ly hệ quả là quả trạch diệt. Trạch là trí tuệ; diệt là lậu tận. Do lấy trí tuệ làm nhân tu tập, thoát ly và tận diệt mọi sự trói buộc của tham ái, khiến thành tựu Diệt đế. Nên, Diệt đế là quả ly hệ. Trạch hay trí tuệ là tu nhân và diệt hay giải thoát là kết quả. Nên, quả ly hệ là quả trạch diệt hay là quả Niết-bàn
07 Tháng Bảy 2015(Xem: 6972)
Nếu có người con trai, người con gái gia đình hiền lành nào, thọ nhận, hành trì, đọc tụng kinh này, nếu bị người khinh chê, thì người này do tội nghiệp đời trước đáng lẽ phải đọa vào đường ác, nhưng nhờ đời này bị người khinh chê, nên tội nghiệp đời trước ắt bị tiêu diệt, sẽ đạt được quả Tuệ giác tối thượng đích thực
01 Tháng Bảy 2015(Xem: 5655)
Như vậy, qua vài ý tưởng viện dẫn từ kinh văn ở trên, chúng ta thấy rằng, đức Thế-Tôn dạy rằng: giai cấp Sát-lợi là chủng tánh tối tôn hay giai cấp bậc nhất trong bốn giai cấp. Nhưng vấn đề này không nhất thiết cố định, tùy vào căn cơ, quốc độ hay thời điểm mà Thế Tôn sẽ diễn thuyết sai biệt.
01 Tháng Bảy 2015(Xem: 6093)
Tóm lại, Evaṃ mayāśrutaṃ, hay Như Thị Ngã Văn 如是我聞, không thể dịch là: Đúng thật như thế tôi nghe, chính xác như thế tôi được nghe, như thực tôi nghe v.v.. hay những cách dịch tương tự như vậy đều là đi ngược lại và nhầm lẫn với nghĩa gốc của nó.