Phần Lợi Ích Và Khuyên Tu

09 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 6303)

ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN
CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN GIÁC NGỘ

Tác giả : MÃ MINH - Dịch & giải: Chân Hiền Tâm
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh 2004

Phần KHUYÊN TU VÀ LỢI ÍCH

Đã nói về phần Tu Hành Tín Tâm, giờ nói về phần Lợi Ích Và Khuyên Tu. Như vậy tôi đã nói toàn bộ về Đại thừa, bí tàng của chư Phật. 

ĐÃ NÓI … là kết phần trước, giới thiệu phần này. BÍ TÀNG là kho tàng bí mật của chư Phật, chính là Đại thừa. Đây là lời tổng kết của Luận chủ. Những gì là bí tàng của Như Lai ngài đã nói tất cả nên nói NÓI TOÀN BỘ. 

Nếu có chúng sanh muốn vào cảnh giới thậm thâm của Như Lai, được sanh chánh tín, xa lìa phỉ báng, bước vào con đường Đại thừa thì phải trì luận này, tư lương, tu tập. Cuối cùng sẽ đạt được đạo vô thượng.

Đây là điều kiện để bước vào cảnh giới thậm thậm của chư Phật. CẢNH GIỚI THẬM THÂM ấy là chân tâm diệu minh của mỗi chúng sanh, là chỗ thâm sâu tối cùng của Đại thừa. TRÌ là giữ gìn, nắm chặt. TRÌ LUẬN NÀY là muốn nói đến việc nhận lãnh, thọ trì quyển luận. TƯ LƯƠNG là tư duy, suy nghĩ. TU TẬP là thực hành những điều đã tư duy ấy. Ngài Hám Sơn nói “Trì tức là văn tuệ, tư lương tức là tư tuệ, tu tập tức là tu tuệ”. Đầy đủ 3 điều ấy thì ĐƯỢC ĐẠO VÔ THƯỢNG, chính là cảnh giới thậm thâm của Như Lai nói trên. 

Nếu người nghe pháp này rồi mà chẳng sanh khiếp nhược thì phải biết, người này quyết định nối tiếp dòng giống Phật, tất được chư Phật thọ ký.

Đây hiển bày lợi ích của văn tuệ. NGHE PHÁP NÀY, là nghe về pháp Đại thừa. Pháp này cũng có thể hiểu là bản thân quyển luận đây, với đầy đủ 2 phần LÝ và SỰ ... Nghe cả LÝ và SỰ như thế mà không sợ hãi thì người này quyết định nối tiếp dòng giống Phật và được chư Phật thọ ký.

KINH SỢ là thế này, như có vị nghiên cứu Phật pháp rất lâu, tánh không duyên khởi luận cũng rất dữ, đời sống khi nào cũng nói tùy duyên, nhưng vừa nghe đến việc buông vọng tưởng, giữ giới cấm của Như Lai đề ra, [42] liền quảy gót dời chân. Nghĩa là, nghe cái ngoài da của Đại thừa thì kham được, mà nhắc đến cái ruột rà của Đại thừa thì thối thân. Song không có cái ruột ấy thì lấy gì làm THỪA để mà nói ĐẠI? Đó là một dạng kinh sợ gọi là … vi tế. Ngoài ra, không thấy sợ hãi nhưng nghe đến pháp này mà vội né xa, dửng dưng, hoặc mới nghe đi chùa, tu hành, ăn chay, niệm Phật mà mặt đổi sắc … Những dạng như thế đều thể hiện cho cái kinh sợ này. 

Song vì sao lại kinh sợ? Vì pháp này là chỗ khó tin khó nhận, vượt quá những suy nghĩ thường tình của người đời. Vì nói đến pháp này là nói đến việc hành trì tu tập bất kể thời gian và trải dài sanh tử không nhàm mỏi để bạt khổ cho chúng sanh. Không phải là người có túc căn sâu dày thì không thể không sợ hãi. Thành câu nói thấy thì đơn giản nhưng nghĩa lý của nó rất sâu. Nó nói lên quá trình huân tập sâu dày của người tu, không phải là chuyện một ngày một bữa. Cho nên, KHÔNG SỢ HÃI PHÁP NÀY thì biết chắc chắn sẽ NỐI TIẾP DÒNG GIỐNG PHẬT vậy. 

Giả sử có người giáo hóa chúng sanh đầy cả tam thiên đại thiên thế giới, khiến họ hành thập thiện, chẳng bằng có người trong khoảng một bữa ăn suy nghĩ chín chắn pháp này. Công đức của người này vượt hơn người trước chẳng thể lấy gì ví dụ.

Đây là công đức của người để tâm tư duy về pháp này. Dạy người hành thập thiện không bằng để tâm suy nghĩ chín chắn pháp này vì Thập thiện thuộc phúc báu trời người, còn suy nghĩ chín chắn pháp này tức đang gieo cái nhân để có cái quả là công đức pháp tánh. Công đức pháp tánh thì vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn, nên nói “CÔNG ĐỨC CỦA người này vượt hơn người trước chẳng thể lấy gì ví dụ”. 

Chưa tu tập mà chỉ mới suy nghĩ chín chắn về pháp này, công đức đã hơn hẳn bậc thiện tri thức dạy người hành thập thiện. Người hành thập thiện thì công đức sao bằng bậc thiện tri thức dạy người? Huống là chưa hành được thập thiện mà chỉ mới làm phúc, bố thí? Song ai cũng thích làm phúc, bố thí hơn là suy nghĩ chín chắn pháp này trong khoảng một bữa ăn. Vì làm phúc bố thí thì dễ mà vui, đọc kinh đọc luận thì khó thành ngán. Chẳng qua là vì làm phúc bố thí thuận với cái động của tâm. Tập trung suy nghĩ chín chắn pháp này là phải gom cái động ấy vào một chỗ. Song không lẽ nói khó rồi mình chỉ lấy việc làm phúc, bố thí hay công quả làm kế sinh nhai cho vạn kiếp về sau?

Không có thứ gì bước vào mà làm được ngay. Phải có thời gian huân tập. Phải nắm được ý nghĩa và tác dụng của từ HUÂN TẬP mà luận đã nói đây. Như ngồi thiền, lúc đầu ngồi liền 30 phút hay 1 tiếng thì không thể ngồi được. Nhưng nếu ngồi 5 hoặc 10 phút thì không phải chuyện khó làm. Chỉ cần có quyết tâm là làm được. Ngày nào cũng cố gắng như vậy. Quen rồi thì từ từ lên 20 phút, 30 phút v.v... Cũng chỉ tập trung theo dõi hơi thở cho nhuần nhuyễn thì chưa có gì khó khăn ... Huân tập một ngày một ít như thế thì thứ gì cũng thành dễ dàng. Ngồi được 2 tiếng lúc nào không hay. Đó là nói về ngồi thiền, khó hơn việc suy nghĩ chín chắn nói đây. SUY NGHĨ CHÍN CHẮN là ngồi đọc từng lời từng chữ của Tổ dạy một cách cặn kẽ, ngẫm cho được nghĩa lý của Như Lai nói. Ngẫm chưa ra thì để đó, từ từ lấy sự tu tập làm phương tiện sáng tâm rồi ngẫm tiếp. Phần nào dễ như Tu Hành Tín Tâm, Nhân Duyên tạo luận hay Lợi Ích và Khuyên Tu thì đọc trước, phần nào khó để đó đọc sau. Đọc kinh luận thì không thể như đọc tiểu thuyết của Quỳnh Dao hay kiếm hiệp của Kim Dung, nên cũng phải áp dụng như phương pháp ngồi thiền trên. Lúc đầu chỉ cần đọc 1/2 trang là đủ. Đọc 1/2 trang dễ rồi thì đọc lên 1 trang. Cứ vậy mà tập trung đọc từ từ và bắt đầu áp dụng tu tập. Hiện tại làm ít mà công đức nhiều. Tương lai còn được cái vui rốt ráo.

Thấy khó mà không huân tập thì cứ ngang đến mức làm phúc, bố thí hay công quả là hết. Phúc dù đầy đủ bao nhiêu mà không đủ chánh kiến thì chưa chắc đã lên được cõi trời. Khi chết mà bốc đồng lại rơi vào hoàn cảnh chú voi nhà giàu thời đức Phật. Song được phúc cõi trời cũng chưa hẳn tốt, vì ở đó mình không có cơ hội làm phúc tiếp tục để có lương thực cho những kiếp về sau. Hết phúc lại chui vào đường dữ. Không bằng suy nghĩ pháp này, một ngày vài dòng, rồi lên một ngày vài trang … cứ vậy mà huân tập dần. Động bao nhiêu dần dần sẽ thành tịnh. Khó bao nhiêu dần dần cũng thành dễ. Kiếp này huân tập được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Có huân tập thì kiếp sau sẽ có đà huân tập tiếp. Giờ thấy khó bỏ mặc thì không bao giờ có thể chín chắn suy nghĩ pháp này.

Lại nữa, nếu người thọ trì luận này, quán sát tu hành trong một ngày một đêm thì có vô lượng vô biên công đức chẳng thể nói được. Giả như tất cả chư Phật ở mười phương đều tán thán công đức của người này trong vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp cũng chẳng thể hết. Vì sao? Vì công đức pháp tánh thì vô tận. Công đức của người ấy cũng lại như thế, không có bờ mé. 

Đây là công đức của người thực hành tu tập pháp này. Nêu một ngày là để thấy công đức ấy to lớn thế nào nếu chúng ta thực hành tu tập trong vô lượng vô biên kiếp. Công đức ấy không có bờ mé.

Có chúng sanh nào, đối với luận này, hủy báng chẳng tin, sẽ bị tội báo qua vô lượng kiếp, chịu vô vàn khổ não. Cho nên, chúng sanh chỉ nên kính tin, chẳng nên hủy báng. Vì chỉ hại mình cũng hại cả người, đoạn tuyệt tất cả hạt giống Tam bảo. Bởi tất cả Như Lai đều nương pháp này mà được niết bàn, tất cả Bồ tát nhơn đây tu hành mà được nhập Phật trí. 

Nghe, suy nghĩ, thực hành có công đức vô lượng thì không nghe, không suy nghĩ, không thực hành sẽ không có công đức. Nếu thêm cái tật HỦY BÁNG CHẲNG TIN thì sẽ chịu tội báo qua vô lượng kiếp, chịu vô vàn khổ não. Vì thiện nghiệp tùy thuận với pháp tánh chân như. Nếu hủy báng chẳng tin thì chẳng hành thiện nghiệp, không hành thiện nghiệp thì quả báo ở 3 đường dữ không tránh khỏi, nên nói “HỦY BÁNG CHẲNG TIN sẽ chịu tội báo qua vô lượng kiếp, chịu vô vàn khổ não”. 

Kinh là lời Phật nói, luận là lời Tổ nói … nếu chẳng tin, tức không tin vào Tam bảo, nên nói “ĐOẠN TUYỆT tất cả hạt giống Tam bảo”. Vì những cái hại nêu trên mà “Chúng sanh chỉ nên kính tin, chẳng nên hủy báng”. Nói chung, những gì mà chư Phật Tổ đã nói thì dù chưa tin, mình cũng không nên phỉ báng. KHÔNG NÊN PHỈ BÁNG, vì cái thấy của mình hiện nay bị hạn chế rất nhiều chứ không phải những điều ấy không có. Như kẻ mù không thể thấy mặt trời, không phải là mặt trời không có. Cho nên “Chỉ nên kính tin, chẳng nên hủy báng”. 

Phải biết, Bồ tát quá khứ đã y pháp này mà được thành tịnh tín. Bồ tát hiện tại cũng y pháp này mà được thành tịnh tín. Bồ tát vị lai sẽ y pháp này mà được thành tịnh tín. Vì vậy, chúng sanh cần nên tu học. 

PHẢI BIẾT… là nhấn mạnh lại tác dụng của pháp Đại thừa - cũng như chính quyển luận này - để thấy vì sao chúng sanh cần phải tu học. Vì không có pháp nào ngoài pháp này có thể khiến chúng sanh thoát khổ thành Phật. Nên Bồ tát trong 3 thời đều phải nương pháp này đến đất Như Lai. TỊNH TÍN là niềm tin thanh tịnh, chỉ cho nhân Phật tánh, là nhân để có quả là niết bàn Phật.

Nghĩa lý thậm thâm quảng đại của chư Phật
Nay tôi tùy thuận tổng trì thuyết 
Hồi hướng công đức như pháp tánh này
Lợi ích khắp tất cả cõi giới chúng sanh

NGHĨA LÝ THẬM THÂM QUẢNG ĐẠI là những gì đã được nói trong phần Lập Nghĩa và Giải Thích. TỔNG TRÌ, tiếng Phạn là Đà la ni, là niệm tuệ lực có khả năng chấp trì vô lượng Phật pháp không để mất. Nay Tổ tùy thuận niệm tuệ lực ấy mà lập ra quyển luận này. Nói cách khác, quyển luận này là giáo pháp được lưu xuất từ pháp tánh chân như. Công đức có được đều hồi hướng cho tất cả chúng sanh ở khắp các cõi. 

Đại Thừa Khởi Tín Luận 
Hết phần II 

Sách tham khảo 

1. Đại Thừa Khởi Tín Luận Nghĩa Ký của ngài Hiền Thủ.
2. Đại Thừa Khởi Tín Luận Trực Giải của ngài Hám Sơn.
3. Đại Thừa Khởi Tín Luận Giảng Ký của H.T Ấn Thuận.
4. Lăng Già Tâm Ấn - Bản dịch của H.T Thanh Từ.
5. Thập Nhị Môn Luận - Bản dịch của H.T Thanh Từ.
6. Luận Tọa Thiền - Bản dịch của H.T Nhật Quang.
7. Thủ Lăng Nghiêm - Bản dịch của T.T Phước Hảo.
8. Thành Duy Thức Luận - Bản dịch của H.T Thiện Siêu.
9. Luận Tân Duy Thức - Bản dịch của H.T Thiện Siêu. 
10. Từ Điển Phật Học Hán Việt - Viện Nghiên Cứu Phật Học.
11. Từ Điển Phật Học Huệ Quang - tập I.


CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN GIÁC NGỘ
ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN

Tác giả : Bồ tát Mã Minh
Dịch & giải : Chân Hiền Tâm
Chịu trách nhiệm xuất bản
TRẦN ĐÌNH VIỆT
Biên tập : Châu Anh Kỳ
Sửa bản in : Hồng Nguyên
Trình bày : Nguyên Hiền 
Bìa : Đạo Huy 
*
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP HỒ CHÍ MINH
62 Nguyễn Thị Minh Khai Q.1 
ĐT : 8225340 - 8296764 - 8222726
Fax : 84.8.8222726 - Email : nxbtphcm@bdvn.vnd.net 
Thực hiện liên doanh : Thủy Tiên 
In 2000 cuốn. Khổ 14.5x20.5cm tại Cty In Khánh Hội TP. HCM. GPXB số : 333-12 /XB – QLXB, ngày 19/03/2004. 
In xong và nộp lưu chiểu tháng 11 năm 2004.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Năm 2016(Xem: 5570)
Trong điều thứ nhất, thế nào gọi là người làm sự giết hại?[1] Như Thế Tôn nói[2]: “Có người nào giết hại, tàn ác, tay đẫm máu, đam mê giết hại đối với các hữu tình: chúng sinh và thắng loại, không hổ thẹn[3], không xót thương, dưới cho đến các loài côn trùng, sinh vật nhỏ bé, đều không lìa bỏ sự giết hại, như thế gọi là người làm việc giết hại”[4].
21 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6211)
Như vậy cái gì mà « không tồn tại » (vô thể) tức là nơi cái ấy do quán sát hết thảy giống như thực ở kia là Không Tính ; cho nên, ngoài ra cái gì mà « tồn tại » (hữu thể) , cái ấy cũng sẽ được nhận biết giống như thật là « tồn tại». Tức là «không bị lộn ngược » hiển thị « tự thể của Không».
22 Tháng Tám 2015(Xem: 6168)
Sĩ dụng quả là pháp được tác thành do bởi hành vi của con người; hay nói cách khác pháp mà tác động của nó như hành vi của con người và được sinh khởi do thế lực của nhân và pháp, pháp ấy chính là Sĩ dụng quả vậy
13 Tháng Bảy 2015(Xem: 6041)
Thể chứng được Đẳng lưu tính, còn có công năng phá tan tà kiến, kiến thủ sai lầm về nhận thức, chẳng hạn như cho rằng tổ tiên của loài người là loài họ Hominidae (great ape): khỉ dạng người loại lớn, hay từ loại vượn cổ theo học thuyết tiến hóa Darwin, hoặc một số học thuyết khác: từ lươn, từ cá, từ loài chó v.v... Căn cứ theo đặc tính trước sau giống nhau, cùng một loại của Đẳng lưu, thì dù cá, lươn, vượn lớn dạng người, hay vượn tối cổ gì đi chăng nữa, thì loài noài chỉ có công năng sinh ra loài nấy, chứ không thể tiến hóa hay sản sinh ra loài người được.
11 Tháng Bảy 2015(Xem: 5985)
Ly hệ quả là quả trạch diệt. Trạch là trí tuệ; diệt là lậu tận. Do lấy trí tuệ làm nhân tu tập, thoát ly và tận diệt mọi sự trói buộc của tham ái, khiến thành tựu Diệt đế. Nên, Diệt đế là quả ly hệ. Trạch hay trí tuệ là tu nhân và diệt hay giải thoát là kết quả. Nên, quả ly hệ là quả trạch diệt hay là quả Niết-bàn
07 Tháng Bảy 2015(Xem: 6972)
Nếu có người con trai, người con gái gia đình hiền lành nào, thọ nhận, hành trì, đọc tụng kinh này, nếu bị người khinh chê, thì người này do tội nghiệp đời trước đáng lẽ phải đọa vào đường ác, nhưng nhờ đời này bị người khinh chê, nên tội nghiệp đời trước ắt bị tiêu diệt, sẽ đạt được quả Tuệ giác tối thượng đích thực
01 Tháng Bảy 2015(Xem: 5653)
Như vậy, qua vài ý tưởng viện dẫn từ kinh văn ở trên, chúng ta thấy rằng, đức Thế-Tôn dạy rằng: giai cấp Sát-lợi là chủng tánh tối tôn hay giai cấp bậc nhất trong bốn giai cấp. Nhưng vấn đề này không nhất thiết cố định, tùy vào căn cơ, quốc độ hay thời điểm mà Thế Tôn sẽ diễn thuyết sai biệt.
01 Tháng Bảy 2015(Xem: 6093)
Tóm lại, Evaṃ mayāśrutaṃ, hay Như Thị Ngã Văn 如是我聞, không thể dịch là: Đúng thật như thế tôi nghe, chính xác như thế tôi được nghe, như thực tôi nghe v.v.. hay những cách dịch tương tự như vậy đều là đi ngược lại và nhầm lẫn với nghĩa gốc của nó.