Chương 4 Lập Nghĩa

09 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 5861)

ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN
Bồ Tát Mã Minh
Chân Đế dịch ra Hán Văn - Cao Hữu Đính dịch ra Việt văn 

Chương 4

Lập Nghĩa

Đã nói xong phần nhân duyên, giờ đến phần Lập Nghĩa. Tổng quát mà nói, Đại Thừa có hai phần: Hai phần ấy là gì? Một là Pháp. Hai là Nghĩa.

Cái gọi là Pháp, đó là Tâm chúng sanh. Tâm ấy nhiếp thâu tất cả pháp thế gian và xuất thế gian. Chính nương nơi Tâm ấy mà chỉ rõ nghĩa của Đại Thừa. 

Vì sao? Vì tướng chơn như của Tâm ấy biểu thị cái thể của Đại Thừa. Còn cái tướng nhân duyên sanh diệt của tâm ấy thì biểu thị được cái tự thể, tự tướng, và tự dụng của Đại Thừa.

Cái gọi là nghĩa, bao gồm ba cái lớn. Một là cái lớn về mặt Thể, tức là cái Chân Như bình đẳng, bất tăng bất giảm của tất cả các Pháp. Hai là cái lớn về mặt Tướng, tức cái Như Lai Tạng có đầy đủ vô lượng tánh công đức. Ba là cái lớn về mặt Dụng, vì nó có công năng sinh ra tất cả nhân quả lành thế gian và xuất thế gian.

Tất cả chư Phật vốn chỉ cỡi một pháp này, tất cả chư Bồ Tát cũng đều cỡi một pháp này mà đi đến đất nước của Như Lai.

Giải Thích:

Giải thích có ba phần. Ba phần là gì?

Một là Hiển Thị Chánh Nghĩa.

Hai là Đối Trị Tà Chấp.

Ba là Phân Biệt Hành Tướng, Phát Tâm Tu Đạo.

B. Hiển Thị Chánh Nghĩa:

Hiển thị chánh nghĩa là nương nơi một pháp "Nhất Tâm" mà chia thành hai môn. Hai môn ấy là gì?

Một là môn Chân Như.

Hai là môn Sanh Diệt.

Cả hai môn ấy đều thâu tóm tất cả các Pháp. Nghĩa ấy là thế nào? Vì hai môn ấy không rời nhau vậy.

1. Tâm Chân Như:

Cái Chân Như của tâm tức là cái thể của pháp môn "Nhất Pháp Giới Đại Tổng Tướng". Đó là cái bất sanh bất diệt của tâm tánh. Tất cả các Pháp chỉ nương nơi vọng niệm mà có sai khác. Nếu lìa vọng niệm thời không có tướng của bất cứ cảnh giới nào. Cho nên tất cả các pháp, ngay trong bản chất, lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên. Rốt ráo bình đẳng. Không có đổi khác. Không thể phá hoại. Chỉ là cái Nhất Tâm, cho nên gọi là Chân Như.

Vì tất cả ngôn thuyết đều là giả danh không thật. Tướng ngôn thuyết chỉ do vọng niệm sanh ra, không thể nắm bắt cái thật. Nói là Chân Như, nó cũng chẳng có tướng. Chẳng qua là đến chỗ cùng cực của ngôn thuyết thì tạm dùng ngôn thuyết để khử bỏ ngôn thuyết. Còn cái thể của Chơn Như thì không thể khử bỏ được, vì tất cả các pháp thảy đều chân thật hết. Nó cũng không phải là cái do ta đặt để ra, vì tất cả các pháp thảy đều như vậy cả. Nên biết tất cả các pháp không thể nói, không thể nghĩ, cho nên gọi là Chân Như.

Hỏi: Nếu Chân Như là như vậy thì làm sao chúng sanh có thể tùy thuận mà đắc nhập Chân Như?

Đáp: Nếu biết tất cả các pháp, tuy nói (thuyết) nhưng không có cái năng thuyết có thể nói được. Tuy nghĩ (niệm) nhưng không có cái năng niệm có thể nghĩ được. Như vậy, thì gọi là tùy thuận Chân Như. Còn nếu như lìa được niệm thì gọi là đắc nhập Chân Như.

Lại nữa, Chân Như theo ngôn thuyết mà phân biệt thì có hai nghĩa: Một là Không như thật, vì nó rốt ráo phơi bày sự thật. Hai là Bất Không như thật, vì nó có tự thể đầy đủ tánh công đức vô lậu.

a) Không:

Cái được gọi là Không là vì từ trong bản chất, không có nhiễm pháp nào tương ưng. Nghĩa là nó lìa tướng sai biệt của tất cả các pháp, vì nó không có tâm niệm hư vọng.

Nên biết tự tánh của Chơn Như, chẳng phải tướng có, chẳng phải tướng không, chẳng phải "chẳng phải tướng có", chẳng phải "chẳng phải tướng không", chẳng phải tướng có và không lẫn lộn, chẳng phải tướng một, chẳng phải tướng khác, chẳng phải "chẳng phải tướng một", chẳng phải "chẳng phải tướng khác", chẳng phải tướng một và tướng khác lẫn lộn.

Tóm lại, chúng sanh vì có vọng tâm, niệm niệm phân biệt, nhưng đều không tương ưng, cho nên nói là Không. Nếu lìa vọng tâm ra thì thật cũng không có cái Không để mà nói.

b) Bất Không:

Cái được gọi là Bất Không là vì như đã nói trên, pháp thể là không, không có vọng nhiễm, đó tức là cái Nhất Tâm, thường hằng bất biến, đầy dẫy pháp tịnh, thường gọi là Bất Không. Nó cũng không có cái tướng có thể nắm bắt, vì là cảnh giới ly niệm, chỉ do chứng nhập thì mới tương ưng mà thôi.

2. Tâm Sanh Diệt:

Cái sanh diệt của tâm là vì nương vào Như Lai Tạng mà có tâm sanh diệt. Đó là cái được gọi là Bất Sanh Bất Diệt, cùng với Sanh Diệt hòa hợp nhau, chẳng phải một, chẳng phải khác, mệnh danh là Thức A lại da.

Thức ấy có công năng thâu vô tất cả pháp và sanh ra tất cả pháp. Nó bao gồm hai nghĩa. Một là nghĩa Giác. Hai là nghĩa Bất Giác.

Cái gọi là Giác chỉ là cái thể của tâm ly niệm. Tướng của tâm ly niệm ngang bằng hư không, không đâu không khắp. Tướng Nhất của pháp giới tức Pháp Thân Bình Đẳng của Như Lai. Nương vào Pháp thân ấy gọi là Bản giác.

Vì sao vậy? Vì nghĩa bản giác là đối với thủy giác mà nói. Nhưng thủy giác cũng tương đồng với bản giác. Thủy giác nghĩa là: Nương vào bản giác cho nên nói có bất giác, nương vào bất giác cho nên nói có thủy giác. Lại nữa vì giác thấu nguồn tâm cho nên gọi là cứu cánh giác. Không giác thấu nguồn tâm thì gọi là phi cứu cánh giác.

Nghĩa ấy là thế nào? Như người phàm phu vì giác biết niệm trước khởi ác nên chận đứng niệm sau, khiến không sanh khởi được. Tuy cũng gọi là Giác nhưng cũng chỉ là Bất Giác.

Như bậc quán trí Nhị Thừa và hàng Bồ Tát sơ phát tâm, giác biết tướng dị của Niệm. Niệm không có tướng dị, vì đây chỉ là xả bỏ các tướng chấp trước phân biệt thô trọng cho nên gọi là Tương Tợ Giác.

Như hàng Bồ Tát pháp thân, giác biết tướng trụ của niệm. Niệm không có tướng trụ, vì đây là xa lìa tướng niệm thô trọng phân biệt cho nên gọi là Tùy Phần Giác.

Như hàng Địa tận Bồ Tát, đầy đủ phương tiện, tu hành, trong một tích tắc tương ưng với Nhất Tâm. Tâm không có tướng sơ, vì đến đây xa lìa được vọng niệm vi tế, thấy rõ tâm tánh, tâm liền an trú vĩnh viễn, gọi là Cứu Cánh Giác.

Cho nên kinh nói: Nếu chúng sanh nào quán được Vô Niệm, kẻ đó đang hướng tới trí Phật.

Lại nữa, tâm khởi thật không có tướng sơ có thể biết được. Nói biết tướng sơ tức nói Vô Niệm vậy. Cho nên tất cả chúng sanh không gọi là Giác, vì ngay trong bản chất vốn là niệm niệm tiếp nối, chưa hề lìa khỏi, cho nên gọi đó là Vô Minh Vô Thủy. Nếu chứng đắc vô niệm thời biết bốn tướng sanh trụ dị diệt của tâm, vì chúng bình đẳng với vô niệm. Mà thật cũng không có cái tánh giác nào khác mệnh danh là thủy giác, vì bốn tướng cùng có một lần và đều không tự lập, bản lai bình đẳng, cùng một tánh giác vậy.

Lại nữa, bản giác ra khỏi tạp nhiễm, sanh xuất hai tướng, cùng với bản giác không lìa bỏ nhau. Một là tướng trí tịnh. Hai là tướng nghiệp không thể nghĩ bàn.

Tướng trí tịnh là bởi nương vào sự huân tập của pháp lực, tu hành như thật, đầy đủ phương tiện rồi thì phá tướng thức hòa hiệp, diệt tướng tâm tương tục, hiển hiện pháp thân cho nên trí huệ thuần tịnh.

Nghĩa ấy thế nào? Vì mọi tướng của Tâm Thức đều là Vô Minh. Tướng của vô minh không rời tánh giác. Chẳng phải có thể phá hoại, cũng chẳng thể không thể phá hoại. Như nước bể cả, vì có gió thổi mà có sóng động, tướng nước tướng sóng không rời nhau nhưng nước chẳng phải tánh động. Nếu gió ngừng thổi thì tướng động cũng dứt, tánh ướt không hoại diệt. Cũng vậy, tâm tự tánh thanh tịnh cũa chúng sanh, vì gió vô minh lay động, tâm và vô minh đều không hình tướng và không rời bỏ nhau, nhưng tâm chẳng phải tánh động. Nếu vô minh diệt thì tướng tương tục diệt, nhưng tánh trí không hư hoại.

Tướng nghiệp không thể nghĩ bàn là nương nơi tướng trí tịnh mà có thi tác, hóa hiện ra mọi cảnh giới thù thắng vi diệu. Đó là cái được gọi là tướng công đức vô lượng, thường hằng không đoạn diệt. Tùy theo căn cơ của chúng sanh mà tương ưng tự nhiên, hiện ra đủ loại cảnh giới, khiến được lợi ích.

Lại nữa, tướng của giác thể có bốn nghĩa lớn, nó mênh mông ngang bằng hư không, như bốn tấm gương trong sáng.

Bốn nghĩa ấy là gì?

Một là gương như thật không, xa lìa tất cả các tướng cảnh giới của tâm, không một pháp nào có thể hiện ra trong đó, vì đây không phải nghĩa giác chiếu.

Hai là gương nhân huân tập, tức huân tập của như thật bất không. Tất cả các cảnh giới đều hiện ra trong đó, không ra không vào, không mất không hư, nhất tâm thường trú, vì tất cả pháp đều là tánh chân thật. Lại vì tất cả các nhiễm pháp không thể nhiễm ô được nó, trí thể không động, đầy đủ công đức huân tập chúng sanh.

Ba là gương pháp xuất ly, nghĩa là vì cái như thật bất không ra khỏi phiền não ngại và trí ngại, lìa tướng hòa hợp, thuần tịnh sáng suốt.

Bốn là gương duyên huân tập, nghĩa là vì nương nơi pháp xuất ly nên soi thấu khắp tâm chúng sanh, khiến tu tập căn lành, tùy niệm mà thị hiện.

Cái gọi là Bất Giác, là không biết đúng như sự thật cái chân như là cái duy nhất, cho nên loáng choáng tâm móng lên mà sanh ra niệm. Niệm không có tướng riêng, chẳng rời Bản giác. Giống như người lạc đường, vì nương vào phương hướng cho nên mới có lạc. Nếu rời phương hướng ra thì không có lạc. Chúng sanh cũng thế, vì nương nơi Giác mới có Mê. Nếu lìa tánh giác, thời không có bất giác. Bởi vì có tâm vọng tưởng Bất Giác, cho nên hay biết được danh nghĩa, gọi là Chân Giác. Nếu lìa được cái tâm Bất Giác, thời cũng không có cái tướng riêng của Chân Giác có thể nói được.

Lại nữa, vì Bất Giác nên sanh ra ba loại tướng, cùng với Bất Giác tương ưng không rời. Ba tướng ấy là gì?

Một là tướng nghiệp của Vô Minh. Vì nương nơi Bất Giác cho nên tâm động, gọi đó là Nghiệp. Giác thì không động, mà động thì tức có khổ, vì quả không lìa nhân.

Hai là tướng Năng Kiến. Vì nương nơi tâm động cho nên có năng kiến. Không động thời không có kiến.

Ba là tướng Cảnh Giới. Vì nương nơi năng kiến cho nên cảnh giới hiện ra hư dối. Lìa kiến thời không có cảnh giới.

Vì có cảnh giới làm duyên, cho nên lại sanh ra thêm sáu tướng thô. Sáu tướng ấy là gì?

Một là tướng Trí. Vì nương nơi cảnh giới, tâm sanh phân biệt, cho nên mới có ưa thích và không ưa thích.

Hai là tướng Tương Tục. Vì nương nơi trí, cho nên sanh ra khổ vui, biết tâm khởi niệm, tương ưng không dứt.

Ba là tướng Chấp Thủ. Vì nương nơi tương tục, cho nên vin vào cảnh giới của vọng tâm, nắm giữ khổ vui, tâm sanh đắm trước.

Bốn là tướng Kế Danh Tự. Vì nương nơi vọng chấp, cho nên phân biệt tướng danh ngôn hư dối.

Năm là tướng Khởi Nghiệp. Vì nương nơi danh ngôn, cho nên y danh thủ nghĩa, say đắm vào đó mà gây ra các nghiệp.

Sáu là tướng Nghiệp Hệ Khổ. Vì nương nơi nghiệp cho nên phải chịu quả báo, không được tự tại.

Nên biết rằng vô minh là đầu mối sinh ra tất cả các pháp ô nhiễm. Vì tất cả pháp ô nhiễm đều là tướng của Bất Giác.

Lại nữa, Giác và Bất Giác có hai loại tướng. Hai loại là gì?

Một là tướng Đồng.

Hai là tướng Khác.

Tướng Đồng là, ví như các món đồ gốm đều cùng tánh tướng giống như mãy bụi. Cũng vậy, các loại nghiệp huyễn là vô lậu và vô minh đều cùng tánh tướng giống như là Chân Như. Cho nên trong kinh, nương vào nghĩa ấy, nói tất cả chúng sanh bản lai thường trú, vào trong Niết Bàn. Cái Bồ Đề không phải là cái tu được, chẳng phải là cái làm ra được, rốt ráo không đắc, cũng không có tướng sắc có thể thấy được. Có sự thấy được tướng sắc là chỉ do nghiệp huyễn tùy nhiễm gây nên, không phải do tánh bất không của trí sắc, vì tướng của trí không thể thấy được.

Tướng Khác là, ví như các món đồ gốm, không món nào giống món nào. Cũng vậy, vô lậu và vô minh, bởi tánh huyễn nhiễm sai khác cho nên tùy theo sự sai khác của tánh huyễn nhiễm mà có khác sai.

3. Nhân Duyên Sanh Diệt:

Lại nữa, nhân duyên sanh diệt, nghĩa là chúng sanh nương nơi tâm, ý và ý thức triển chuyển mà dấy khởi. Nghĩa ấy là thế nào?

Bởi nương nơi A lại da mà nói có vô minh loáng choáng dấy lên, thấy có cảnh giới, hiện ra cảnh giới và nắm lấy cảnh giới, liên tục khởi niệm, cho nên gọi đó là Ý.

Ý gồm có năm tên. Năm tên ấy là những gì?

Một là Nghiệp Thức, chỉ sức Vô Minh bất giác khiến Tâm động.

Hai là Chuyển Thức, chỉ cái năng lực thấy Tướng cảnh giới, nương vào Tâm động.

Ba là Hiện Thức, chỉ cái năng lực hiện ra tất cả cảnh giới, như gương sáng hiện ra các hình ảnh. Hiện thức cũng vậy, tùy theo năm trần đối chiếu thì liền hiện, không có trước sau, vì thường hằng hiện tiền, mặc sức lúc nào cũng khởi được.

Bốn là Trí Thức, là phân biệt các pháp nhiễm tịnh.

Năm là Tương Tục Thức, vì vọng niệm tương ưng không dứt, cho nên nắm giữ các nghiệp thiện ác của vô lượng kiếp trong quá khứ, khiến không mất được. Lại thành thục được quả báo khổ vui trong hiện tại và vị lai, không hề sai lệch. Khiến được những việc đã trải qua bổng nhiên nhớ lại, những việc sắp tới bâng khuâng lo nghĩ. Cho nên ba cõi hư dối, chỉ do Tâm tạo tác. Lìa Tâm ra không có cảnh giới sáu trần.

Nghĩa ấy thế nào?

Vì tất cả các pháp đều từ tâm khởi, do vọng niệm mà có sanh ra. Mọi phân biệt chỉ là phân biệt tự tâm. Nhưng tâm không thấy, tâm không có tướng có thể đắc. Nên biết rằng tất cả cảnh giới trong thế gian đều nương nơi Tâm hư dối vô minh của chúng sanh mà tồn tại. Cho nên tất cả các pháp thảy đều như bóng trong gương, không có thật để có thể đắc, chỉ do Tâm hư dối tạo ra. Do đó, hễ Tâm sanh thời Pháp Pháp đều sanh, Tâm diệt thời Pháp Pháp đều diệt.

Lại nữa, nói ý thức tức chỉ cái thức tương tục này. Nương nơi sự say đắm nắm bắt càng ngày càng lún sâu thêm của hàng phàm phu, mọi loại vọng chấp dấy lên, so chấp cái ta và cái của ta, rồi phan duyên xuôi theo sự vật, phân biệt sáu trần, cái đó gọi là Ý thức, cũng gọi là Thức Phân Ly. Lại còn có tên là Thức Phân Biệt Sự. Thức này nương vào phiền não, kiến ái mà tăng trưởng.

Cái Thức do Vô Minh huân tập mà dấy khởi lên, không phải là điều mà phàm phu biết được. Cũng chẳng phải cái mà trí tuệ Nhị Thừa ngộ được. Chỉ có Bồ Tát từ cấp chánh tín, phát tâm quán sát cho đến khi chứng pháp thân thì mới biết được một phần nhỏ. Cho đến Địa Tận Bồ Tát cũng còn chưa biết hết. Duy Phật mới hoàn toàn thấu rõ mà thôi.

Vì sao vậy?

Vì tâm ấy ngay trong bản chất, tự tánh của nó vốn thanh tịnh, nhưng lại có vô minh, và bị vô minh làm cho ô nhiễm mà thành nhiễm tâm. Và tuy có nhiễm tâm nhưng vẫn thường hằng bất biến. Cho nên nghĩa này chỉ có Phật mới biết rõ. Đó lại cái được gọi là tâm tánh thường vô niệm, cho nên gọi là bất biến. Vì không thấu suốt pháp giới là cái duy nhất, cho nên tâm không tương ưng, bỗng nhiên Vọng niệm dấy khởi, gọi đó là Vô minh.

Nhiễm tâm có sáu loại. Sáu loại ấy là gì?

Một là Chấp Tương Ưng Nhiễm, nương vào giải thoát của Nhị Thừa và Tín Tương Ưng Địa mà dứt trừ.

Hai là Bất Đoạn Tương Ưng Nhiễm, nương vào Tín Tương Ưng Địa, tu học nhiều phương tiện mà dần dần xả bỏ, cho đến khi chứng đắc Tịnh Tâm Địa mới rốt ráo trừ hết.

Ba là Phân Biệt Trí Tương Ưng Nhiễm, nương vào Cụ Giới Địa mà trừ dần, cho đến khi chứng đắc Vô Tướng Phương Tiện Địa mới rốt ráo trừ xong.

Bốn là Hiện Sắc Bất Tương Ưng Nhiễm, nương vào Sắc Tự Tại Địa mà trừ được.

Năm là Năng Kiến Tâm Bất Tương Ưng Nhiễm, nương vào tâm Tự Tại Địa mà trừ được.

Sáu là Căn Bản Nghiệp Bất Tương Ưng Nhiễm, nương vào Tận Địa của Bồ Tát, rồi từ đó bước vào Như Lai Địa mà trừ được.

Như vậy, cái gọi là không thấu rõ Pháp giới chỉ một, nay muốn thấu rõ thì phải bắt đầu từ Tín Tương Ưng Địa mà quán sát học tập đoạn trừ, vào được Tịnh Tâm Địa chỉ trừ bỏ được từng phần, cho đến Như Lai Địa mới rốt ráo trừ xong.

Nói tương ưng có nghĩa là Tâm niệm và Pháp khác nhau, nương vào Nhiễm và Tịnh khác nhau, nhưng cùng biết như nhau về Tướng Tương Duyên.

Bất Tương Ưng tức là cái Bất Giác của Tâm thường không có khác sai, không cùng biết Tướng Nhơn Duyên.

Lại nữa, nghĩa của Nhiễm Tâm gọi là Phiền Não Ngại, vì nó che lấp trí căn bản Chân Như. Nghĩa của Vô Minh gọi là Trí Ngại, vì nó che lấp trí nghiệp tự nhiên thế gian. Nghĩa ấy thế nào?

Vì nương vào nhiễm tâm mà có Năng kiến, Năng hiện và hư dối nắm bắt cảnh giới, trái với tánh bình đẳng. Vì tất cả các pháp thường hằng thanh tịnh, không có tướng khởi nhưng cái Bất Giác của Vô Minh vọng khởi trái với các Pháp, cho nên không thể tùy thuận mọi loại hay biết về tất cả cảnh giới thế gian.

4. Tướng Sanh Diệt:

Lại nữa, tướng Sanh Diệt có hai loại. Hai loại là gì?

Một là tướng thô vì tương ưng với Tâm.

Hai là tướng tế vì không tương ưng với Tâm.

Lại, Thô trong Thô là cảnh giới của phàm phu.

Tế trong Thô và Thô trong Tế là cảnh giới của Bồ Tát.

Tế trong Tế là cảnh giới của Phật.

 

Hai loại tướng sanh diệt này nương nơi sức huân tập của Vô Minh mà có. Đó là cái được gọi là Nương nhân và Nương duyên.

 

Nương nhân tức là nương vào Bất Giác.

Nương duyên tức là nương vào vọng hiện của cảnh giới.

Nếu nhân diệt thì duyên diệt. Nhân diệt cho nên tâm “không tương ưng” diệt. Duyên diệt cho nên tâm “tương ưng” diệt.

Hỏi: Nếu tâm diệt, làm sao tương tục? Nếu tương tục, làm sao nói rốt ráo diệt?

Đáp: Nói diệt là chỉ tướng của Tâm diệt, không phải thể của tâm diệt.

Như gió nương nước mà có tướng động. Nếu nước diệt thời tướng gió dứt mất, không có chỗ nương. Vì nước không diệt nên tướng gió tương tục. Chỉ có gió diệt thì tướng động diệt theo, không phải nước diệt. Vô minh cũng vậy, nó nương vào thể của tâm mà có động. Nếu thể ấy mà diệt thời chúng sanh dứt mất, không có chỗ nương. Vì Thể không diệt nên tâm được tương tục. Chỉ có si diệt nên tướng của Tâm diệt theo, không phải Tâm trí diệt.

5. Nhiễm Tịnh Tương Tư:

Lại nữa, có bốn loại pháp huân tập, khiến cái Nhiễm và cái Tịnh dấy khởi liên tục không dứt. Bốn pháp ấy là gì?

Một là cái tịnh gọi là Chân Như.

Hai là nguyên nhân của mọi loại nhiễm ô gọi là Vô Minh.

Ba là tâm hư vọng gọi là Nghiệp Thức

Bốn là cảnh hư vọng tức là Sáu trần.

Nghĩa của huân tập là như quần áo vốn không có mùi thơm nhưng nếu lấy hoa mà xông ướp thì áo quần có mùi thơm của hoa. Ở đây cũng vậy. Cái tịnh Chân Như vốn không nhiễm ô, chỉ vì Vô Minh huân tập nên có tướng nhiễm ô. Cái nhiễm Vô Minh vốn không có nghiệp thanh tịnh, chỉ vì Chân Như huân tập nên có dụng thanh tịnh.

A. Nhiễm Huân:

Thế nào là huân tập khởi lên cái Nhiễm không dứt? Là nương nơi cái Chân Như nên có Vô Minh. Vì có Vô Minh là nhân của cái Nhiễm nên liền huân tập Chân Như. Vì bị huân tập nên có vọng tâm. Vì có vọng tâm nên huân tập lại Vô Minh. Bởi không rõ cái Chân Như, cho nên loáng choáng niệm khởi, hiện ra vọng cảnh. Vì có cái Nhiễm là vọng cảnh làm duyên, cho nên liền huân tập vọng tâm, khiến niệm ấy say đắm, tạo ra nghiệp này nghiệp khác, để rồi chịu mọi nỗi khổ đau cả thân lẫn tâm.

Nghĩa huân tập của Vọng cảnh có hai loại. Hai loại ấy là gì?

Một là huân tập làm tăng trưởng Niệm.

Hai là huân tập làm tăng trưởng Thủ.

Nghĩa huân tập của Vọng tâm có hai loại. Hai loại ấy là gì?

Một là huân tập căn bản của Nghiệp thức (Vô minh) khiến La Hán, Bích Chi, và tất cả Bồ Tát chịu khổ sanh tử.

Hai là huân tập làm tăng trưởng phân biệt sự thức khiến phàm phu chịu khổ gắn liền với nghiệp.

Nghĩa huân tập của Vô minh có hai loại. Hai loại ấy là gì?

Một là huân tập căn bản, vì nó thành tựu được Nghiệp thức.

Hai là huân tập của Kiến và Ái bị dấy khởi lên, vì nó thành tựu được phân biệt sự thức.

B. Tịnh Huân:

Thế nào là huân tập khởi lên cái tịnh không dứt?

Đó là vì có cái Chân Như cho nên huân tập được cái Vô Minh. Do sức của nhân duyên huân tập ấy nên mới khiến vọng tâm chán ghét khổ sanh tử và mong cầu vui Niết Bàn. Vì vọng tâm ấy có nhân duyên chán ghét và cầu mong, cho nên liền huân tập Chân Như, khiến chúng sanh tự tin nơi tánh mình, biết tâm vọng động, không có cảnh giới trước mắt, tu phép xa lìa. Vì đã biết đúng như sự thật rằng cảnh giới trước mắt không có thật, cho nên nương theo nhiều phương tiện tu hành khác nhau mà khởi hạnh tùy thuận, không chấp thủ, không khởi niệm. Tu như thế này lâu ngày, nhờ sức huân tập mà Vô Minh diệt. Vì Vô Minh diệt nên tâm không khởi động. Vì không có khởi động nên cảnh giới diệt theo. Vì Nhân cả Duyên đều diệt cho nên tướng của Tâm mất hết, gọi là chứng đắc Niết Bàn, nghiệp dụng tự nhiên được thành tựu.

Nghĩa huân tập của Vọng Tâm có hai loại. Hai loại ấy là gì?

Một là huân tập của Phân Biệt Sự Thức. Đây là nương nơi chúng sanh phàm phu và nhị thừa mà nói, vì họ chán khổ sanh tử cho nên tùy theo khả năng riêng của từng người mà dần dần xu hướng đạo vô thượng.

Hai là huân tập của Ý. Đây là nương vào Bồ Tát mà nói, vì hạng này phát tâm dũng mãnh, mau đi đến Niết Bàn.

Nghĩa huân tập của Chân Như có hai loại. Hai loại ấy là gì?

Một là huân tập Tự Thế Tướng

Hai là huân tập của Dụng.

Huân tập của Tự Thế Tướng là, từ vô thủy đến nay, sẵn đủ cái vô lậu, có đủ Nghiệp bất tư nghì làm tánh của cảnh giới. Nương vào hai nghĩa huân tập thường hằng ấy, vì có đủ sức cho nên khiến được, chúng sanh chán khổ sanh tử, cầu vui Niết Bàn, tự tin thân mình có cái Chân Như, cho nên phát tâm tu hành.

Hỏi: Nếu quả thật như vậy thì tất cả chúng sanh đều có Chân Như và đều huân tập đồng đều như nhau. Tại sao có người tin kẻ không, và có vô lượng sai biệt trước sau khác nhau? Đáng lẽ tất cả phải đồng tời tự biết mình có cái Chân Như, siêng tu phương tiện, để rồi cùng nhập Niết Bàn một lần với nhau mới phải?

Đáp: Chân Như vốn chỉ có một, nhưng Vô Minh thì có vô lượng vô biên. Tánh riêng của Vô Minh vốn đã sai khác ngay từ trong bản chất, cho nên có dầy mõng khác nhau. Các phiền não hạng nặng, nhiều hơn số cát sông Hằng, đều nương nơi Vô Minh mà sanh khởi khác nhau. Các phiền não hạng thường là Ngã Kiến (Thấy có cái Tôi) và Ngã Ái (Yêu cái Tôi), cũng đều nương nơi Vô Minh mà sanh khởi khác nhau. Tất cả các phiền não nhiều như vậy, đều nương nơi Vô Minh và đều do Vô Minh sanh khởi trước sau không đồng và có vô lượng sai biệt. Chỉ có Phật mới biết được. Lại nữa, pháp của chư Phật có nhân có duyên. Nhân duyên phải đầy đủ thì sự việc mới thành tựu. Ví như tánh lửa ở trong thân cây là nhân chánh của lửa, nếu không có người biết mượn phương tiện để lấy lửa ra, bảo cây tự cháy là điều không thể có được.

Chúng sanh cũng vậy. Tuy có sức huân tập của chánh nhân, nhưng nếu không gặp các bực thiện tri thức là Chư Phật Bồ Tát và lấy đó làm duyên, mà có thể tự mình dứt trừ phiền não để vào Niết Bàn, thì đó là điều không thể có được. Còn nếu như có sức của ngoại duyên, nhưng cái tịnh bên trong chưa có sức huân tập, thì cũng không thể rốt ráo chán khổ sanh tử và cầu vui Niết Bàn được.

Nếu nhân duyên đầy đủ, nghĩa là nếu tự mình có sức huân tập bên trong, lại được đại nguyện từ bi của Chư Phật Bồ Tát gia hộ, thì mới sanh khởi được cái tâm chán khổ, tin có Niết Bàn, tu tập căn lành. Nhờ có tu tập căn lành, thành thục rồi thì được gặp Chư Phật và Bồ Tát chỉ bày, giáo hóa, đem lại lợi ích mừng vui, và mới có thể hướng thẳng đến đạo Niết Bàn mà tiến tới.

Huân tập của Dụng tức là cái sức làm ngoại duyên cho chúng sanh. Ngoại duyên như vậy có vô lượng nghĩa. Nói gọn có hai nghĩa. Hai nghĩa ấy là gì?

Một là Duyên Sai Biệt.

Hai là Duyên Bình Đẳng.

Duyên Sai Biệt là, ví có chúng sanh nương nơi Chư Phật Bồ Tát, từ khi mới bắt đầu phát tâm cầu đạo cho đến khi thành Phật, trong khoảng thời gian đó, dù chỉ nghĩ đến hay chính mình được thấy Chư Phật Bồ Tát hiện ra, hoặc là làm bà con cha mẹ, hoặc là làm người giúp việc, hoặc là làm người bạn tâm giao, hoặc là làm kẻ oán thù, hoặc là hiện ra bốn nhiếp pháp, cho đến bất cứ công việc gì khác nữa, nhiều đến vô lượng, cốt để kết duyên, nhờ sanh khởi sức huân tập đại bi mà khiến chúng sanh tăng trưởng được căn lành, dù thấy dù nghe đều được lợi ích.

Duyên Sai Biệt này có hai thứ: Một là duyên gần, vì mau được độ. Hai là duyên xa, vì lâu xa mới được độ.

Hai duyên gần và xa này lại còn chia thành hai loại. Hai loại ấy là gì?

Một là Duyên Tăng Trưởng Hành Nghiệp.

Hai là Duyên Thọ Đạo.

Duyên Bình Đẳng là, tất cả Chư Phật Bồ Tát đều nguyện độ thoát tất cả chúng sanh, huân tập một cách tự nhiên và thường hằng, không lúc nào xả bỏ. Do sức bi trí đồng thể, cho nên tùy theo điều mình thấy nghe mà ứng hiện ra việc làm. Đây là điều Kinh dạy: “Chúng sanh nương nơi tam muội mới được bình đẳng thấy được Chư Phật.”

Huân tập của Thể và Dụng nói trên lại còn chia ra làm hai loại. Hai loại ấy là gì?

Một là chưa tương ưng. Tức như phàm phu, Nhị Thừa, và Bồ Tát sơ phát tâm, vì dùng sức huân tập của Ý và Ý Thức, rồi nương vào sức của tín tâm mà tu hành, cho nên chưa đạt được Tâm vô phân biệt để cùng tương ưng với Thể, chưa đạt được sự tu hành nghiệp tự tại để cùng tương ưng với Dụng.

Hai là đã tương ưng. Tức như Bồ Tát Pháp Thân, đã đạt được Tâm vô phân biệt, và cùng tương ưng với trí dụng của Chư Phật, cho nên chỉ nương vào pháp lực mà tu hành một cách tự nhiên, huân tập Chân Như mà diệt trừ Vô Minh.

Lại nữa, từ vô thủy đến nay, cái nhiễm huân tập không dứt, nhưng đến khi thành Phật thì dứt. Cái tịnh huân tập này thời cho đến tận cùng vị lai cũng không dứt. Nghĩa ấy thế nào? Là vì cái Chân Như hằng thường huân tập thời vọng tâm tiêu diệt, Pháp thân hiển hiện ra mà dấy khởi huân tập của Dụng, cho nên Vô Minh triệt tiêu.

6. Như Lai Tạng:

Lại nữa, tự thể tướng của Chân Như, tất cả phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Chư Phật, thảy đều có như nhau, không thêm không bớt. Không phải trước sau, không phải sanh diệt, rốt ráo thường hằng. Ngay trong bản chất, tự tánh đầy đủ tất cả công đức. Tức như kinh nói: Tự tánh ấy có nghĩa Đại Trí Huệ Quang Minh, có nghĩa Biến Chiếu Pháp Giới, có nghĩa Chân Thật Thức Tri, có nghĩa Tự Tánh Thanh Tịnh Tâm, có nghĩa Thường Lạc Ngã Tịnh, có nghĩa Thanh Lương Bất Biến Tự Tại, đầy đủ mọi nghĩa của pháp Phật là Bất Ly, Bất Đoạn, Bất Dị, Bất Khả Tư Nghì, nhiều hơn số cát sông Hằng, đầy đủ tất cả, không thiếu một nghĩa cõn con nào, gọi là Như Lai Tạng. Cũng gọi là Như Lai Pháp Thân.

Hỏi: Trước nói Chân Như, tự thế nó bình đẳng, xa lìa mọi tướng, vì sao ở đây lại nói thể ấy có các công đức nhiều như vậy?

Đáp: Tuy nó quả thật có các công đức ấy, nhưng chúng không có tướng sai khác, tất cả đều nhất vị bình đẳng cùng một Chân Như duy nhất. Nghĩa ấy thế nào?

Vì không phân biệt, vì lìa tướng phân biệt cho nên không hai.

Lại vì nghĩa gì mà nói chúng có sai biệt?

Đó là nương vào tướng sanh diệt của Nghiệp Thức mà nói để hiển thị.

Hiển thị thế nào?

Tất cả các pháp vốn dĩ chỉ do một Tâm, không hề có Niệm, nhưng vì có Vọng Niệm, bất giác Niệm khởi mà thấy có các cảnh giới, cho nên nói là Vô Minh.

Tánh của Tâm không khởi Niệm, đó là nghĩa Đại Trí Huệ Quang Minh.

Nếu Tâm dấy khởi cái thấy, thời có cái mà Tâm không thấy. Tánh của Tâm xa lìa cái thấy, đó là nghĩa Biến Chiếu Pháp Giới.

Nếu Tâm có động, tức không phải là tri thức chân thật, không có tự tánh, chẳng phải thường, chẳng phải lạc, chẳng phải ngã, chẳng phải tịnh, mà là nhiệt não suy biến, không phải tự tại, cho đến có đủ tất cả Vọng nhiễm nhiều hơn số cát sông Hằng.

Đối lại các nghĩa ấy, nếu tánh của Tâm không động thời ngược lại có các tướng công đức thanh tịnh thị hiện, cũng nhiều hơn số cát sông Hằng.

Nếu Tâm dấy khởi cái thấy, mà lại chỉ thấy những cái trước mặt có thể Niệm được, thời còn thiếu những cái không thấy được. Cái Tịnh với vô lượng công đức như vậy, tức là cái Nhất Tâm. Nó lại không có cái bị Niệm cho nên đầy đủ thanh tịnh, gọi là Pháp Thân, kho chứa giấu Như Lai.

Lại nữa, Dụng của Chân Như, là như các Đức Như Lai, khi mới bắt đầu tạo dựng nhân địa tu hành, phát tâm từ bi rộng lớn, thật hành các hạnh ba la mật, nhiếp hóa chúng sanh, lập thệ nguyện rộng lớn, muốn độ thoát hết toàn cõi chúng sanh, bình đẳng như nhau, lại cũng không hạn cuộc số kiếp lâu mau, cho đến tận cùng đời vị lai, vì lấy tất cả chúng sanh làm thân của mình mà cũng không nắm giữ tướng chúng sanh. Như thế nghĩa là thế nào? Nghĩa là biết đúng như sự thật rằng tất cả chúng sanh và chính thân mình đều cùng một Chân Như, bình đẳng, không khác không sai.

Vì có cái trí của phương tiện tu hành lớn lao như vậy, cho nên trừ được Vô Minh, thấy được Pháp Thân vốn có của mình, mà tự nhiên có mọi loại diệu dụng của Nghiệp Bất Tư Nghì. Dụng đó liền cùng với Chân Như bình đẳng rải khắp tất cả mọi nơi, mà cũng không có cái tướng của Dụng có thể nắm bắt được.

Vì sao vậy? Vì các Đức Như Lai chỉ là Thân Pháp (Pháp Thân), tức Thân của Tướng Trí. Đây là sự thật tuyệt đối, sự thật đệ nhất nghĩa. Trong thân ấy không có cảnh giới theo nghĩa của Sự Thật Thế Gian, xa lìa thi tác, chỉ tùy nơi sự thấy nghe của chúng sanh mà được lợi ích, cho nên nói đó là Dụng.

Dụng ấy có hai loại. Hai loại là gì?

Một là loại nương vào Phân Biệt Sự Thức mà Tâm của phàm phu và Nhị Thừa thấy được, gọi là Ứng Thân. Vì không biết là do Chuyển Thức hiện ra, cho nên họ thấy thân ấy từ ngoài đến nắm lấy một mảnh chia cắt của Sắc chất, vì vậy không thể biết hết được.

Hai là loại nương vào Nghiệp Thức mà Tâm của các hàng Bồ Tát từ Sơ Phát Tâm cho đến Cứu Cánh Địa thấy được, gọi là Báo Thân. Thân ấy có vô lượng sắc, sắc ấy có vô lượng tướng, tướng ấy có vô lượng vẻ. Trú xứ của thân ấy, nương nơi quả báo, cũng có vô lượng các món trang nghiêm. Tùy theo các món được thị hiện ra mà liền không có giới hạn, không thể cùng tận, xa lìa tướng chia cắt. Rồi tùy theo các món bị ứng lại mà thường nắm giữ đứng yên, không hư không mất. Những công đức như vậy sỡ dĩ thành tựu được là do sức huân tập của các hạnh vô lậu ba la mật và sức huân tập bất tư nghì, đầy đủ vô lượng tướng vui, cho nên gọi là Báo. Lại vì những gì phàm phu thấy được chỉ là Thô Sắc, tùy theo sáu loại chúng sanh trong sáu đường mà mỗi loại thấy mỗi khác. Các món thấy biết sai khác ấy không phải là Tướng thọ lạc, cho nên nói là Ứng.

Lại nữa, cái Thân Phật mà Bồ Tát sơ phát tâm thấy được, là chỉ nhờ tin sâu cái Chân Như mà có thấy chút đỉnh và biết các món trang nghiêm của tướng sắc, không đến không đi, xa lìa chia cắt, chỉ do Tâm hiện, không rời Chân Như mà riêng có. Nhưng Bồ Tát ấy chỉ tự phân biệt mình, vì chưa vào trong Pháp thân. Nếu được Tâm thanh tịnh rồi, thì cái mà Bồ Tát thấy sẽ vi diệu và Dụng của nó trở thành thù thắng. Cho đến cấp địa tận của Thập Địa thì Bồ Tát mới thấy rốt ráo. Nếu lìa nghiệp thức rồi thì không còn tướng thấy, bởi vì Pháp Thân của Chư Phật không có tướng sắc bên này bên kia giao nhau xen nhau mà thấy.

Hỏi: Pháp Thân của Chư Phật xa rời tướng Sắc, vì sao lại có thể hiện ra tướng Sắc được?

Đáp: Chính ngay Pháp Thân ấy là Thể của Sắc, vì vậy mà hiện ra nơi Sắc. Đó là cái được gọi là: Từ trong bản chất, Sắc và Tâm không hai. Vì tánh của Sắc tức là Trí, cho nên Thể của Sắc vô hình, gọi là Trí Thân (Thân Trí). Vì tánh của Trí tức là Sắc, cho nên nói Pháp Thân (Thân Pháp) hiện ra khắp nơi. Sắc bị hiện không có chia cắt, chỉ tùy theo tâm mà thị hiện vô lượng Bồ Tát, vô lượng Báo Thân, vô lượng trang nghiêm trên khắp thế giới mười phương, mỗi mỗi sai khác, đều không chia cắt, nhưng không ngăn ngại nhau. Đó không phải là cái mà sức phân biệt của tâm thức có thể biết được, vì nó là Dụng tự tại của Chân Như vậy.

7. Tùy Thuận Hội Nhập:

Lại nữa, phải ngay từ Sanh Diệt môn mà đi vào Chân Như môn. Như trong kinh nói: Ruồng khắp năm uẩn, uẩn sắc cũng như uẩn tâm, và cảnh giới sáu trần, tất cả đều rốt ráo vô niệm. Vì tâm không hình tướng, rong khắp mười phương, không đâu tìm thấy. Như người đi lạc đường, gọi Đông là Tây nhưng phương hướng thật không thay đổi. Chúng sanh cũng vậy, vì bị Vô Minh mê hoặc, gọi Tâm là Niệm, nhưng Tâm thật không động. Nếu ra sức quán sát, biết Tâm vốn vô niệm thì liền được tùy thuận mà vào Chân Như môn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Năm 2016(Xem: 5570)
Trong điều thứ nhất, thế nào gọi là người làm sự giết hại?[1] Như Thế Tôn nói[2]: “Có người nào giết hại, tàn ác, tay đẫm máu, đam mê giết hại đối với các hữu tình: chúng sinh và thắng loại, không hổ thẹn[3], không xót thương, dưới cho đến các loài côn trùng, sinh vật nhỏ bé, đều không lìa bỏ sự giết hại, như thế gọi là người làm việc giết hại”[4].
21 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6213)
Như vậy cái gì mà « không tồn tại » (vô thể) tức là nơi cái ấy do quán sát hết thảy giống như thực ở kia là Không Tính ; cho nên, ngoài ra cái gì mà « tồn tại » (hữu thể) , cái ấy cũng sẽ được nhận biết giống như thật là « tồn tại». Tức là «không bị lộn ngược » hiển thị « tự thể của Không».
22 Tháng Tám 2015(Xem: 6168)
Sĩ dụng quả là pháp được tác thành do bởi hành vi của con người; hay nói cách khác pháp mà tác động của nó như hành vi của con người và được sinh khởi do thế lực của nhân và pháp, pháp ấy chính là Sĩ dụng quả vậy
13 Tháng Bảy 2015(Xem: 6041)
Thể chứng được Đẳng lưu tính, còn có công năng phá tan tà kiến, kiến thủ sai lầm về nhận thức, chẳng hạn như cho rằng tổ tiên của loài người là loài họ Hominidae (great ape): khỉ dạng người loại lớn, hay từ loại vượn cổ theo học thuyết tiến hóa Darwin, hoặc một số học thuyết khác: từ lươn, từ cá, từ loài chó v.v... Căn cứ theo đặc tính trước sau giống nhau, cùng một loại của Đẳng lưu, thì dù cá, lươn, vượn lớn dạng người, hay vượn tối cổ gì đi chăng nữa, thì loài noài chỉ có công năng sinh ra loài nấy, chứ không thể tiến hóa hay sản sinh ra loài người được.
11 Tháng Bảy 2015(Xem: 5985)
Ly hệ quả là quả trạch diệt. Trạch là trí tuệ; diệt là lậu tận. Do lấy trí tuệ làm nhân tu tập, thoát ly và tận diệt mọi sự trói buộc của tham ái, khiến thành tựu Diệt đế. Nên, Diệt đế là quả ly hệ. Trạch hay trí tuệ là tu nhân và diệt hay giải thoát là kết quả. Nên, quả ly hệ là quả trạch diệt hay là quả Niết-bàn
07 Tháng Bảy 2015(Xem: 6972)
Nếu có người con trai, người con gái gia đình hiền lành nào, thọ nhận, hành trì, đọc tụng kinh này, nếu bị người khinh chê, thì người này do tội nghiệp đời trước đáng lẽ phải đọa vào đường ác, nhưng nhờ đời này bị người khinh chê, nên tội nghiệp đời trước ắt bị tiêu diệt, sẽ đạt được quả Tuệ giác tối thượng đích thực
01 Tháng Bảy 2015(Xem: 5655)
Như vậy, qua vài ý tưởng viện dẫn từ kinh văn ở trên, chúng ta thấy rằng, đức Thế-Tôn dạy rằng: giai cấp Sát-lợi là chủng tánh tối tôn hay giai cấp bậc nhất trong bốn giai cấp. Nhưng vấn đề này không nhất thiết cố định, tùy vào căn cơ, quốc độ hay thời điểm mà Thế Tôn sẽ diễn thuyết sai biệt.
01 Tháng Bảy 2015(Xem: 6093)
Tóm lại, Evaṃ mayāśrutaṃ, hay Như Thị Ngã Văn 如是我聞, không thể dịch là: Đúng thật như thế tôi nghe, chính xác như thế tôi được nghe, như thực tôi nghe v.v.. hay những cách dịch tương tự như vậy đều là đi ngược lại và nhầm lẫn với nghĩa gốc của nó.