4. Xác Lập Giáo Nghĩa: Bản Chất Của Đại Thừa

09 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 18611)

ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN
(大乘起信論; S. Mahāyāna Śraddhotpāda Śāstra)
Thích Nhật Từ
(Bài dạy tại lớp Cao Đẳng Phật học TP.HCM, khoá IV-2005)

BÀI 4: 
XÁC LẬP GIÁO NGHĨA: BẢN CHẤT CỦA ĐẠI THỪA

 

I. ĐẠI Ý

Giáo nghĩa chính yếu của đại thừa theo Khởi Tín Luận không gì khác hơn chính là cái tâm với các hạt giống đời và đạo hay thế gian và siêu thế, với ba nội dung vĩ đại: bản thể (thể) tính chất (tướng) và hoạt dụng (dụng).

II. NGUYÊN VĂN

Đã trình bày mục đích tạo luận,[1] kế đến xin trình bày phần xác lập giáo nghĩa.[2] Nói một cách bao quát, Đại thừa có hai phương diện.[3] 

1. [Đại thừa về phương diện] pháp:[4] chính là tâm của chúng sinh.[5] Tâm này có khả năng bao hàm tất cả hạt giống (pháp) thế gian và xuất thế gian. Có thể nương vào hai tính chất[6] của tâm để trình bày giáo nghĩa đại thừa. 

1.a. Tính chất chân như của tâm[7] nhằm giới thiệu bản thể của đại thừa. 

1.b. Tính chất sinh diệt theo nhân duyên của tâm[8] nhằm trình bày thể,[9] tướng và dụng Đại thừa.

2. [Đại thừa về phương diện] nghĩa[10] bao gồm ba vĩ đại.

2.a. Thứ nhất là thể vĩ đại: nghĩa là thể của đại thừa là chân như tồn tại trong tất cả sự vật,[11] không biến thiên, không tăng không giảm, không dị biệt.[12] 

2.b. Thứ hai là tướng vĩ đại: nghĩa là bào thai Như Lai[13] chứa đủ[14] vô lượng công đức như đặc tính.[15] 

2.c. Thứ ba là dụng vĩ đại: có khả năng sinh ra hệ nhân quả thiện của thế gian và xuất thế gian. 

Tất cả đức Phật đã cỡi cổ xe này[16] và các bồ-tát đang tiếp tục nương theo pháp này để đạt được quả vị Như Lai.[17]

III. NHẬN XÉT

1. Tâm: Đối tượng của Đại thừa: Sự xác lập giáo nghĩa của Khởi Tín Luận chủ yếu giới thiệu bản chất của Đại thừa, vốn không phải là khái niệm hay học thuyết đối lập với học thuyết của các trường phái bị xem là tiểu thừa, như trong thời kỳ phân chia bộ phái. Để hiểu rõ giáo nghĩa đại thừa trong Khởi Tín Luận, hành giả phải quán triệt “đại thừa là gì?” hay nói cách khác “đối tượng hay nội dung của đại thừa,” vốn được bản đời Lương dịch là “pháp.” Pháp ở đây không có nghĩa là pháp môn hay mọi sự vật hiện tượng, mà được hiểu với nghĩa hẹp là “đối tượng nhận thức” của đại thừa. Đối tượng nhận thức, khảo cứu, hành trì và chuyển hoá của đại thừa chính là “tâm của chúng sinh.” Tâm đó không chỉ là phương diện “tâm bình thường thị đạo” mà bao gồm luôn “cái tâm phi bình thường thị đạo hay phi đạo.” Tâm ở đây là đối tượng chung nhất, vừa bao gồm bản thân nó, tính chất hay nội dung tốt và xấu, tiêu cực và tích cực, phàm và thánh, trói buộc và giải thoát của nó, cho đến cả nguyên lý hình thành và vận hành của nó. 

Giáo nghĩa của đại thừa được trình bày trong Khởi Tín Luận là một triết thuyết (a system of philosophy) rất mới. Mới ở chỗ giáo nghĩa này được xác lập trên “tâm của chúng sinh,” chứ không phải “tâm chúng sinh.” Tâm chúng sinh là loại tâm còn nặng phàm tính, bị chi phối bởi các khuynh hướng tâm lý tham lam, sân hận và si mê, dẫn đến tình trạng hoặc là ủng hộ hay phủ định (thuận ứng và nghịch ứng). Tâm chúng sinh là cái tâm phàm phu, làm chúng sinh bị chìm đắm trong sinh tử và khổ đau. Trong khi đó, “tâm của chúng sinh” là cái tâm có hai phương diện tốt và xấu, tích cực và tiêu cực. Phương diện tiêu cực của “tâm của chúng sinh” chính là cái phàm tục thông qua dục ái, hữu ái, vô hữu ái. Phương diện tích cực của “tâm của chúng sinh” là thái độ và nhận thức hướng về sự giác ngộ và giải thoát. Tâm đó và Phật tính vốn không sai khác về mặt bản thể, nhưng rất sai khác về phương diện thời gian và hoàn cảnh.

Cái “tâm của chúng sinh” đó không phải là trái tim vật lý hay trái tim cảm xúc (S. hrdaya; English. heart). Tâm này có tiềm năng giác ngộ, có thể giúp cho hành giả thành tựu sự an lạc và giải thoát. Tâm của chúng sinh vốn dung chứa tất cả các hạt giống (pháp) đời và đạo, phàm tục và thanh cao, hệ luỵ và giải thoát. Cái tâm đó dù có khi nhiễm khi tịnh; khi phàm khi thánh; khi trôi lăn trong sinh tử luân hồi, khi vượt khỏi ba cõi; khi ngộ khi mê vẫn muôn đời là thế: bất tăng bất giảm.

2. Bản thể và Hiện tượng: Điểm đặc sắc của Khởi Tín Luận là trình bày tâm qua hai phương diện: “chân như và sinh diệt” hay nói theo triết học hiện đại là “bản thể và hiện tượng.” Bản thể thuộc về phạm trù tuyệt đối. Sinh diệt thuộc về phạm trù tương đối. Bản thể siêu việt tất cả mọi mặc định của ngôn ngữ và tư duy; trong khi đó, hiện tượng không thể tách rời khỏi mặc định. Bản thể là nội hàm, bao hàm luôn cả phương diện ngoại diên của hiện tượng. Bản thể như nước; hiện tượng như sóng. Sóng không thể tồn tại ngoài nước. Không nước nào lại không có sóng. Sóng xuất hiện do tác động của duyên trong thế giới hiện tượng. Nước vẫn không tăng giảm theo các biến thiên của sóng. Nước và sóng không phải một nhưng cũng không phải hai. Tương tự, chân như và sinh diệt của mọi sự vật hiện tượng là hai phương diện của thực tại, vừa tách lập vừa thống nhất.

Từ phương diện chân như, tức bản chất chân thật của mọi sự vật và hiện tượng, tâm đó chính là bản thể của đại thừa, không hề bị thay đổi, lưu chuyển, bất biến, vượt thoát khỏi mọi giả định. Từ phương diện hiện tượng sinh diện do duyên, tâm của chúng sinh chạy theo tính chất và hoạt dụng, nên phải cần đến ngôn từ, mặc định, duyên khởi. Từ khi bỏ rơi bản thể chân như, “tâm của chúng sinh” vốn có tiềm năng như Phật đã trở thành “tâm chúng sinh” hay còn gọi là “tâm phàm phu,” đối lập với “tâm Phật” tức “tâm giác ngộ tuyệt đối.” Nghĩa là rời khỏi bản thể, hành giả đã đánh mất vị trí tuệ giác, cái mà Đại Kinh Sư Tử Hống thứ 11 trong kinh Trung Bộ gọi là “vị trí ngưu vương.”

3. Thể Tướng Dụng của Đại thừa: Nội dung của đại thừa bao gồm ba phương diện vĩ đại hay phổ quát hoá: thể đại thừa, tướng đại thừa và dụng đại thừa. Thể tướng và dụng là ba phương diện của tất cả sự vật và hiện tượng, từ vật lý đến tâm lý. Nguyên lý bộ ba này rất giống với quan niệm của triết gia Spinoza về thực thể (substance), đặc tính (attributes) và phương thức (modes) và dĩ nhiên cũng rất gần với học thuyết “thực (dravya, substance), đức (guna, qualities) và nghiệp (karma, action)” của Số Luận (Vaiṣeśika).

Thể là bản chất hay nền tảng của một sự vật. Tướng ở đây không có nghĩa là tướng trạng hay tướng hình mà là tính chất hay đặc điểm của sự vật đó. Dụng là hoạt dụng hay tác dụng của sự vật hay hành vi của con người cụ thể. 

Ví dụ, mặc dù nước có nhiều loại như nước sông, nước biển, nước mưa, nước suối, nước bọt, nước dịch, nước đá, hơi nước v.v… nhưng có cùng chung một thể là chất lỏng. Như vậy có thể gọi “chất lỏng không màu” là thể của nước, dù là loại nước gì. Tính chất (tướng) của nước rất khác nhau, tuỳ thuộc điều kiện và môi trường. Nước biển có vị mặn và nhìn thì thấy tưởng chừng có màu xanh do độ sâu thẳm của biển. Các loại nước sông không có vị mặn, đục trong khác nhau tuỳ theo địa dư và chất phù sa, thượng nguồn hay hạ nguồn, trăng tròn hay trăng khuyết. Các loại nước dịch có mùi vị khác nhau. Trong khi đó, nước đá thì lạnh ngắt. Hơi nước lại bay lên trên, rồi trong điều kiện nhiệt độ nhất định sẽ trở thành mưa và rơi xuống đất. Tính chất khác nhau của các loại nước đã tạo ra hoạt dụng của nước. Có loại nước được dùng để uống, để giải khát, để tắm giặt, để bơi lội, để tăng cường thể lực trong y học, để chạy các động cơ, để tạo nguồn phát điện, để điều hoà nhiệt độ v.v… Dụng của nước tuỳ thuộc vào bản thể và tính chất của từng loại nước. Không có thể chất lỏng thì nước không còn là nước nữa.

Thể của đại thừa chính là trạng thái chân như, chưa hề bị biến thiên, chưa từng tăng và giảm, vẫn giữ nguyên trạng thái bình đẳng. Chân như là bản chất “như vậy” của mọi sự vật hiện tượng, trạng thái chưa bị phân cách của ý thức phân biệt thông qua các học thuyết nhất nguyên và nhị nguyên, hữu thần và vô thần.

Tướng của đại thừa chính là các đặc tính của đại thừa. Đặc tính này chính là kho tàng như lai hay phôi thai giác ngộ, có khả năng nuôi dưỡng và trưởng thành tất cả tiềm năng công đức (tính công đức), giúp người thành tựu tất cả các giá trị cao thượng và siêu việt của đạo đức và tuệ giác.

Dụng của đại thừa chính là năng lực làm sản sinh tất cả nhân lành quả tốt của đời và của đạo. Nhân lành quả tốt thuộc thế gian bao gồm tất cả hành vi mang lại lợi lạc và hạnh phúc nhân bản và thiên giới. Nhân lành quả tốt thuộc xuất thế gian chính là quả giác ngộ từ thánh quả a-la-hán trở lên, giúp cho hành giả không còn thoái lui trong sinh tử luân hồi. Hành giả đạt được quả giác ngộ rồi có khả năng chuyển hoá người khác cùng đạt được các giá trị an vui như mình.

Tâm của chúng sinh dù còn trong trạng thái sinh tử nhưng đã có khả năng thực hiện thành công các việc khó làm nên được gọi là vĩ đại. Tính chất vĩ đại đó còn nằm ở chỗ tất cả đức Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai đều cỡi cỗ xe tâm đó để đạt được quả vị Như Lai. Các vị bồ-tát lại tiếp tục cỡi cổ xe này để đến được thánh địa giác ngộ tuyệt đối. Đối tượng và nội dung đại thừa chính nằm ở cái tâm của chúng sinh. Cái tâm đó không phải là cái duy tâm đối lập với cái duy vật, mà là cái tâm tiềm năng biến các hạt giống tốt trở thành hiện thực của giác ngộ và giải thoát.

IV. CHÚ THÍCH THUẬT NGỮ

chúng sinh (S. sarvasattva): còn gọi là tất cả chúng sinh, thuật ngữ chỉ chung cho các loại hình sự sống, bao gồm sự sống của con người, các loài động vật và sự sống của các loài thực vật. Về sau này, trong nền văn học Phật giáo, khái niệm “hữu tình” là một dịch từ mới thay thế cho từ chúng sinh, ám chỉ cho chúng sinh có tình thức, bao gồm con người và động vật mà thôi.

thế gian: thuật ngữ đa nghĩa: a) chỉ cho những gì thuộc về trần thế, phàm tục, hay nói nôm na là “đời.” b) thế giới vật lý nơi con người sắc giới đang sống và trở thành đối tượng nhận thức của con người. 

xuất thế gian: thuật ngữ đa nghĩa: a) trạng thái đối lập hay vượt lên trên những gì thuộc về trần thế, phàm tục, đời; tính chất siêu việt khỏi các điều kiện; đặc tính phi phàm; sự thoát tục; sự giải thoát khỏi mọi hệ luỵ. b) viết đủ của từ “xuất thế” vốn có nghĩa là “vượt khỏi đời” lại được hiểu sai thành khái niệm diễn tả cho sự tiêu cực, trốn tránh khỏi cuộc đời, không còn liên hệ gì với cuộc đời. Trong văn học Việt Nam cận đại, “xuất thế” thỉnh thoảng được sử dụng chỉ cho sự yếm thế của tôn giáo và con người tôn giáo.

thế gian và xuất thế gian (English: the world, phenomenal and supra-phenomenal): thuật ngữ đa nghĩa, diễn tả hai phương diện đối lập giữa một cái thuộc về trần thế và một cái siêu việt. a) đời và đạo = phàm tục và siêu phàm = thế gian và siêu thế = tầm thường và cao thượng. b) trạng thế mê và ngộ. c) hạt giống và nguyên nhân của luân hồi (thế gian) và giải thoát (xuất thế).

chân như (S. bhūta-tathatā; E. suchness): thuật ngữ đại thừa chỉ cho bản chất như thị hay chân thật của mọi sự vật và hiện tượng. Bản chất “như vậy” của mọi sự vật hiện tượng đối lập với tính chất ngoại diện hay bất kỳ tính chất nào do con người mặc định hay áp đặt lên. Chân như này chính là “không tính” theo Trung Quán, nhưng đối với hàng phàm phu trở thành một thực thể, tồn tại vĩnh hằng và có một tự tánh (sva-bhāva = an individual nature or own being). Chân như vượt lên khỏi thế giới hiện tượng hay các biến thái của sự vật hiện tượng, vốn bị điều kiện hoá bởi nguyên nhân hình thành và sự hoại diệt.

thể tướng dụng: 1) ba phương diện của một sự vật: thực thể, tính chất (tướng) và hoạt dụng (dụng). 2) ba phương diện của Đại thừa (the quintessence, the attributes, and the activity of the Mahāyāna): a) Thể của đại thừa là chân như, bản chất như thật vượt khỏi các tính chất giả lập của thế giới hiện tượng, không chịu sự chi phối của sự hình thành và hoại diệt, không tăng không giảm. b) tướng của đại thừa là như lai tạng chứa đựng tất cả công đức như một thuộc tính c) dụng của đại thừa là tác tạo hệ nhân quả thiện của đời và đạo, sinh tử và niết-bàn. 

Như Lai tạng (S. tathāgata-garbha): phôi thai Phật (the embryonic Buddha; Tathāgata embryo) hay bào thai Như Lai (Tathāgata womb). Khái niệm của đại thừa cho rằng tất cả chúng sinh có sẳn tiềm năng trở thành Phật. Tiềm năng đó là một phôi thai của sự giác ngộ tuyệt đối. Nhờ phôi thai hay bào thai này mà mặc dù bị chìm đắm trong sinh tử luân hồi do tác dụng của những yếu tố tiêu cực, chúng sinh vẫn không đánh mất tính chất tính Phật sẳn có.

Pháp và nghĩa (法及義): có thể hiểu nôm na là nội dung chứa đựng (what is) và ý nghĩa được giải thích (what signifies). Bản đời Đường dịch là “hữu pháp” và “pháp.” Trong thuật ngữ của đạo Phật, pháp (S. dharma; P. dhamma) vừa có nghĩa là thực tại (reality) vừa có nghĩa là nội dung và ý nghĩa của thực tại đó (its attribute and significance) và ngay cả bao hàm luôn nguyên lý vận hành của thực tại đó (its law).

tâm (S. citta; Eng. mind): trong Khởi Tín Luận tâm không được sử dụng với ý nghĩa nhị nguyên, đối lập với vật, chẳng hạn như trong thuật ngữ “duy tâm và duy vật.” Tâm ở đây không có nghĩa đen là trái tim (S. hrdaya; English. heart), lại càng không có nghĩa là một thực thể linh hồn siêu hình học (a metaphysical soul-entity). Ở đây tâm chỉ là một phương diện của chân như. Do đó, sẽ là một sai lầm về phương diện ngôn ngữ nếu chúng ta dùng từ “soul” để dịch chữ tâm trong Khởi Tín luận, như các học giả phương Tây là vấp phải.


[1] Lương: nhân duyên phần (緣分).

[2] Lương: lập nghĩa phần (立義分).

[3] Đường dịch là “hữu pháp cập pháp” (有法及法) tức hữu pháp và pháp, có phần tối nghĩa. Lương dịch là “pháp” () và “nghĩa” (). Suzuki (tr.53) dịch là “cái có nghĩa là” (What it is) và “cái được biểu đạt” (What it signifies).

[4] Đường: hữu pháp (有法).

[5] Dựa theo bản Đường “tâm của tất cả chúng sinh” (一切眾生心). Bản Lương: chúng sinh tâm (眾生心).

[6] Dịch thoát nghĩa của chữ tướng ().

[7] Lương: tâm chân như tướng (心真如相).

[8] Lương và Đường thống nhất: tâm sinh diệt nhân duyên tướng (心生滅因緣相).

[9] Lương ghi là “tự thể” (自體) trong khi Đường ghi gọn là “thể.”

[10] Đường ghi đơn giản là “pháp” () để phân biệt với “hữu pháp” (有法).

[11] Lương: nhất thiết pháp (一切法).

[12] Chúng tôi tổng hợp nội dung của hai bản dịch Lương và Đường. Lương: mọi sự vật hiện tượng đều không tăng không giảm về mặt chân như (謂一切法真如平等不增減故). Bản Đường dịch rõ nghĩa hơn: “chân như của mọi sự vật hiện tượng luôn bình đẳng, không thêm bớt, không sai biệt, dù ở trạng thái nhiễm hay tịnh” (一切法真如在染在淨性恒平等無增無減無別異故). HT. Trí Quang (tr. 59) dịch gọn là “chân như nhất quán bất biến.” 

[13] Lương: Như Lai tạng (如來藏); Đường: Như Lai bản (來藏本).

[14] Đường dịch là “cầu đầy đủ” (求具足).

[15] Lương và Đường thống nhất: tính công đức (性功德).

[16] Lương và Đường thống nhất: Chư Phật bổn sở thừa (諸佛本所乘) có nghĩa đen là “cỗ xe được chư Phật cỡi đi.”

[17] Lương: Như Lai địa (如來地). Đường: Phật địa (佛地) có thể dịch nôm na là “cảnh giới của Phật” hay “trạng thái giác ngộ tuyệt đối” hay “trạng thái giác ngộ của Phật.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn