Lời Nói Đầu

11 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 11096)

LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ TẬP I
(Mahàprajnàparamitàsatra) - Tác giả: Nàgàrjuna (Bồ Tát Long Thọ)
Dịch Phạn ra Hán: Cưu Ma La Thập - Dịch Việt: Thích Thiện Siêu 
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Ấn hành 1997

Lời Nói Đầu 

Kinh Bát-Nhã (Prajna) được lưu hành rất sớm tại Ấn độ. Khoảng 700 năm sau khi Phật diệt độ (cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III Tây lịch), lúc Bồ-tát Long Thọ (Nagarjuna) ra đời đã có hai bộ kinh Bát-Nhã hoàn thiện là Tiểu Phẩm Bát Nhã, còn gọi là Bát-Nhã 8.000 bài tụng (Astasàhasrikà - Prajnãpàramità) gồm 10 cuốn 29 Phẩm và bộ Đại Phẩm Bát-Nhã 25.000 bài tụng (Pancavimsati - Sàhasrikà - Prajnãpàramita) gồm 27 hay 30, 40 cuốn 9 Phẩm.

Bồ-tát Long Thọ viết luận giải thích kinh Đại Phẩm Bát-Nhã đề tên là Maha Prajnãpàramità sastra, gồm có 100 cuốn 90 Phẩm.

Năm 402 Tây lịch, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập (Kumarajva) đến Trung hoa dịch kinh Đại Phẩm Bát-Nhã ra Hán văn đề là Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa kinh (tương đương Hội thứ hai trong kinh Đại Bát-nhã của ngài Huyền Trang dịch) và dịch Luận Maha Prajnãpàramità ra Hán văn tên là Đại Trí Độ luận hay Đại Trí Độ kinh luận, Trí luận, Đại luận, gồm 100 cuốn 90 Phẩm, từ Phẩm Tựa Đầu cho đến Phẩm Chúc Lụy cuối.

Có hai thể luận là Tôn Luận và Thích Luận. Lấy một ý nào trong Kinh nêu làm tôn chỉ rồi diễn dịch, hệ thống thành luận gọi là Tôn Luận, như luận Thập Nhị Môn, Trung luận, Du Già Sư Địa luận v.v… Còn viết luận giải thích Kinh như luận Đại Trí Độ gọi là Thích Luận.

Căn cứ theo luận Đại Trí Độ thì trong 90 Phẩm, 66 Phẩm đầu của Kinh là nói về Bát-nhã đạo, còn 24 Phẩm sau của Kinh là nói về Phương tiện đạo. Nếu căn cứ theo sách Đại Phẩm Kinh Nghĩa Lược Tự của ngài Cát Tạng thì trong 90 Phẩm của Kinh, 6 Phẩm đầu Phật nói cho hạng thượng căn như Xá-lợi-phất v.v… Phẩm thứ 7 đến Phẩm thứ 14 Phật sai ngài Tu-bồ-đề nói cho hàng trung căn; từ Phẩm 45 đến Phẩm 90 là Phật nói cho hàng hạ căn như chư thiên, loài người.

Luận Đại Trí Độà một bộ luận lớn, bộ luận căn bản của Phật pháp, giảng giải bao quát nhiều vấn đề liên quan đến học thuyết, tư tưởng, truyền thuyết, lịch sử, địa lý, các quy định thực tiễn, giới luật Tăng già; dẫn dụng nhiều Kinh sách bao hàm cả kinh A-hàm, luận A-tỳ-đàm của các Bộ phái, các kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Duy-ma-cật, A-di-đà, luôn cả tư tưởng của phái Thắng luận… Cho nên ví nó như là một bộ Phật Giáo Bách Khoa Toàn Thư.

Tác phẩm của Bồ-tát Long Thọ có nhiều như Trung luận, Thập Nhị Môn luận, Đại Trí Độ luận, Thập Trụ Tỳ-bà-sa luận, Bồ-đề Tư lương luận, Hồi Tránh luận v.v… nhưng trong đó chủ yếu nhất phải kể là Trung luận và luận Đại Trí Độ. Ở Trung luận thì nhấn mạnh về mặt giảng lý chơn không, còn ở luận Đại Trí Độ giải thích kinh Đại Phẩm Bát-nhã thì nhấn mạnh về mặt thuyết giảng lý thật tướng diệu hữu. Không thấu triệt tính chơn không của hiện hữu thì hữu ấy là vọng hữu, thấu triệt được tính chơn không của hiện hữu thì hữu ấy là diệu hữu.

Tư tưởng "Không" của Bát-nhã là cốt gạt bỏ mọi quan niệm vọng tưởng cố định, luôn luôn nhìn thế giới theo hai mặt (nhị biên) là sinh diệt, có không, thường đoạn, một khác, hữu biên, vô biên v.v… Vì vậy mà chơn tánh của thế giới bị bóp méo, bị che lấp. Chỉ có thể nói chơn tánh của thế giới là không, là vô tướng, không sanh không diệt, không đi không lại, không có không không v.v… trong đó không có thể thêm vào một thuộc tánh nào nữa được

Đễ thấu triệt "Không tánh" ấy người ta thường theo hai lối quán là Tích không quán và Thể không quán. Quán pháp phân tích thấy các pháp không tự có mà phải do nhân duyên hòa hợp mới có, có một cách giả tạo, trống rỗng, không có thật tánh; như vậy gọi là Tích không quán. Nếu không thông qua sự quán sát phân tích nhân duyên, mà chỉ thể nhận trực tiếp "Không tính" thấy sự vật như thấy trăng dưới nước, bóng trong gương v.v…; như vậy gọi là Thể không quán.

Bát-nhã chứng chơn không, không phải là dùng tư tưởng để hư vô hóa sự vật, hư vô hóa thế giới, mà là để thấy rõ thật tánh của sự vật, của thế giới là Không. Dù cho khi ta đang do vọng tưởng thấy sự vật có thì tánh nó vẫn là Không, một cái Không tuyệt đối, không vướng một tướng gì; nó như một luồng gió mạnh thổi tan đi bao nhiêu đám mây mù lởn vởn che lấp tâm trí, làm cho mọi hành động bị lúng túng, vướng vấp, hạn hẹp. Và khi tâm trí đã ra khỏi mây mù vọng tưởng thì mọi sinh hoạt sẽ tự tại vô ngại không vướng vào danh tướng ngã nhân. Khi đã có lối nhìn của Bát-nhã thì các pháp môn tu hành đều được thành cứu kính Ba-la-mật.

Cái Không theo Bát-nhã là cái không tức nơi có mà không, chứ không phải diệt có thành không; cái Không theo Bát-nhã là cái Không tuyệt đối, chứ không phải cái Không đối đãi, không đối với có.

Các pháp tánh không mà chấp cho là thật có ấy là vọng tưởng lý luận. Nhưng nếu lại chấp tướng không mà phá hủy tất cả, thì lại rơi vào tà kiến. Vì vậy mà trong luận này đã cảnh tỉnh như sau:

"Người tà kiến nói các pháp không, lại chấp thủ tướng không của các pháp. Người tà kiến tuy miệng nói hết thảy không, mà ở nơi tham ái thì sanh tham ái, nơi sân giận thì sanh sân giận, nơi kiêu mạn thì sanh kiêu mạn, nơi ngu si thì sanh ngu si, chỉ tự dối mình như vậy. Còn người chơn thật biết không, thì tâm không lay động, nơi tất cả các chỗ kiết sử sanh không còn sanh lại được. Ví như hư không, khói lửa không làm nhơ, mưa lớn không làm ướt. Quán không được như vậy, các phiền não không còn dính tâm".

Và một đoạn khác nói: "Người quán Chơn không, trước hết thực hành bố thí, trì giới, thiền định, tâm được mềm dịu, các kiết sử mỏng, vậy sau mới đắc Chơn không. Còn người tà kiến thì không có các việc như vậy, họ chỉ muốn dùng ức tưởng phân biệt, tà kiến thủ không. Ví như người chưa hề biết muối, khi thấy người khác nêm muối vào thức ăn, người ấy hỏi lý do thì được người kia trả lời là muối sẽ làm cho đồ ăn ngon lành. Người ấy suy nghĩ, như vậy thì muối càng nhiều càng ngon, liền lấy toàn muối bỏ vào đầy miệng mà ăn, bị muối làm lở miệng, trở lại trách hỏi người kia, người kia nói sao anh ngu vậy, phải biết trù lượng nhiều ít hòa hợp mới ngon, chứ sao lại ăn cả toàn muối! Cũng như vậy, người vô trí nghe nói "Không giải thoát môn", liền bỏ hết không chịu thực hành các công việc công đức mà chỉ muốn chứng được Không. Thế là người tà kiến, dứt bỏ các thiện căn".

Tôi ước nguyện dịch bộ luận Đại Trí Độ này từ lâu nhưng nay mới đủ duyên thực hiện được bước đầu. Luận dẫn dụng nhiều Kinh luận, trong đó có các luận A-tỳ-đàm, được dẫn ra để chỉ chỗ sai lầm hoặc để giải thích tinh thần Bát-nhã. Nếu muốn hiểu cho hết thì phải có thì giờ đọc các luận A-tỳ-đàm mới được.

Luận này đã được ông Étienne Lamotte dịch ra tiếng Pháp nhan đề là Le Traité de la Grande vertu de Sagesse và Trường Đại học Louvain xuất bản tập đầu năm 1944, tập 3 năm 1970, tập 5 năm 1980. Các tập khác không rõ xuất bản năm nào vì hiện trước mắt tôi chưa có được.

Tôi nghĩ rằng bản chữ Hán, chữ Pháp và bản chữ Việt đối chiếu với nhau thì có thể giúp người đọc hiểu dễ dàng hơn.

Phật lịch 2541
Từ Đàm, tháng 9 năm 1997
Thích Thiện Siêu

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Năm 2016(Xem: 5628)
Trong điều thứ nhất, thế nào gọi là người làm sự giết hại?[1] Như Thế Tôn nói[2]: “Có người nào giết hại, tàn ác, tay đẫm máu, đam mê giết hại đối với các hữu tình: chúng sinh và thắng loại, không hổ thẹn[3], không xót thương, dưới cho đến các loài côn trùng, sinh vật nhỏ bé, đều không lìa bỏ sự giết hại, như thế gọi là người làm việc giết hại”[4].
21 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6262)
Như vậy cái gì mà « không tồn tại » (vô thể) tức là nơi cái ấy do quán sát hết thảy giống như thực ở kia là Không Tính ; cho nên, ngoài ra cái gì mà « tồn tại » (hữu thể) , cái ấy cũng sẽ được nhận biết giống như thật là « tồn tại». Tức là «không bị lộn ngược » hiển thị « tự thể của Không».
22 Tháng Tám 2015(Xem: 6206)
Sĩ dụng quả là pháp được tác thành do bởi hành vi của con người; hay nói cách khác pháp mà tác động của nó như hành vi của con người và được sinh khởi do thế lực của nhân và pháp, pháp ấy chính là Sĩ dụng quả vậy
13 Tháng Bảy 2015(Xem: 6071)
Thể chứng được Đẳng lưu tính, còn có công năng phá tan tà kiến, kiến thủ sai lầm về nhận thức, chẳng hạn như cho rằng tổ tiên của loài người là loài họ Hominidae (great ape): khỉ dạng người loại lớn, hay từ loại vượn cổ theo học thuyết tiến hóa Darwin, hoặc một số học thuyết khác: từ lươn, từ cá, từ loài chó v.v... Căn cứ theo đặc tính trước sau giống nhau, cùng một loại của Đẳng lưu, thì dù cá, lươn, vượn lớn dạng người, hay vượn tối cổ gì đi chăng nữa, thì loài noài chỉ có công năng sinh ra loài nấy, chứ không thể tiến hóa hay sản sinh ra loài người được.
11 Tháng Bảy 2015(Xem: 6022)
Ly hệ quả là quả trạch diệt. Trạch là trí tuệ; diệt là lậu tận. Do lấy trí tuệ làm nhân tu tập, thoát ly và tận diệt mọi sự trói buộc của tham ái, khiến thành tựu Diệt đế. Nên, Diệt đế là quả ly hệ. Trạch hay trí tuệ là tu nhân và diệt hay giải thoát là kết quả. Nên, quả ly hệ là quả trạch diệt hay là quả Niết-bàn
07 Tháng Bảy 2015(Xem: 7015)
Nếu có người con trai, người con gái gia đình hiền lành nào, thọ nhận, hành trì, đọc tụng kinh này, nếu bị người khinh chê, thì người này do tội nghiệp đời trước đáng lẽ phải đọa vào đường ác, nhưng nhờ đời này bị người khinh chê, nên tội nghiệp đời trước ắt bị tiêu diệt, sẽ đạt được quả Tuệ giác tối thượng đích thực
01 Tháng Bảy 2015(Xem: 5725)
Như vậy, qua vài ý tưởng viện dẫn từ kinh văn ở trên, chúng ta thấy rằng, đức Thế-Tôn dạy rằng: giai cấp Sát-lợi là chủng tánh tối tôn hay giai cấp bậc nhất trong bốn giai cấp. Nhưng vấn đề này không nhất thiết cố định, tùy vào căn cơ, quốc độ hay thời điểm mà Thế Tôn sẽ diễn thuyết sai biệt.
01 Tháng Bảy 2015(Xem: 6142)
Tóm lại, Evaṃ mayāśrutaṃ, hay Như Thị Ngã Văn 如是我聞, không thể dịch là: Đúng thật như thế tôi nghe, chính xác như thế tôi được nghe, như thực tôi nghe v.v.. hay những cách dịch tương tự như vậy đều là đi ngược lại và nhầm lẫn với nghĩa gốc của nó.